Ân Oán Chập Chờn Huỳnh Trung Chánh

01/09/201012:00 SA(Xem: 12128)
Ân Oán Chập Chờn Huỳnh Trung Chánh
ÂN OÁN CHẬP CHỜN
Huỳnh trung Chánh

“Khác hơn thường lệ, đôi bạn thân Hiển và Phước, đối ẩm trong lặng lẽ, chẳng ai chịu mở lời. Hiển nâng chung trà hớp từng ngụm, rồi dường như đang bâng khuâng thả hồn theo những chiếc lá phong đỏ thẩm từng chiếc, từng chiếc rụt rè buông rời cành theo làn gió chiều mơn man. Còn Phước thì cầm chung trà, đi tới lui đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần định lên tiếng mà cố đè nén chưa chịu hở môi. Mới chiều hôm qua, hai chàng đến ngôi chùa Hàn San(1) lễ Phật, đồng thời cũng dự định thỉnh giáo học Phật, hành thiền với sư cụ Hải Tịnh. Lần nầy, khi đôi bạn vừa xá thầy, chưa kịp vấn an trước khi nêu vấn nạn thỉnh giáo, thì bỗng nhiên sư cụ lên tiếng kể ngay giai thoại thiền về cá nhảy khỏi lưới, như sau:

Vào đời Tống, hai Thượng tọa Thâm và Minh nhân có duyên sự cùng qua đò sang sông Hoài, vô tình chứng kiến cảnh giăng lưới bắt cá, thình lình trong đám cá sa lưới, có con cá to nhảy khỏi lưới thoát ra ngoài. Thượng tọa Thâm vỗ tay khen: "Hay thật! Hay như Thiền sư!" Thượng tọa Minh không đồng ý bảo: "Phải ở ngoài lưới mới hay, đợi vào lưới rồi mới nhảy là muộn rồi!" Thượng tọa Thâm đáp: "Huynh Minh chưa hiểu đâu?" Đi hơn dặm đường, Thượng tọa Minh bỗng nhận ra chỗ sai, liền xin sám hối.” Dứt lời, sư cụ bỗng vặn hỏi: “Hai con nghĩ sao?”. Cả hai còn đang ngần ngừ chưa mở lời, thì thầy đã khoát tay xua đuổi: “Không đáp được ngay là hỏng to rồi! Còn muốn đắn đo suy xét cho vọng càng thêm vọng nữa sao?” Mẩu chuyện thiền nầy cứ ám ảnh Hiển mãi, chàng ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Có lẽ, Phước cũng đang khắc khoải một suy tư đặc biệt nào đó, nên tuy tỏ vẻ trầm lặng vô tư, mà lòng dạ bồn chồn lộ rõ ra ngoài.

Hiển là con trai duy nhất của gia tộc họ Tạ, ba đời nối tiếp nhau hành nghề chủ vựa thủy sản bảng hiệu “Thủy Lộc hàng” tại Bến Phong, sông Đại Vận, kề cận Phong Kiều, chuyên thu mua cá tôm do giới thuyền chài xuôi ngược giòng sông Đại Vận đánh lưới, rồi cung cấp cho các chợ quanh thành Cô Tô. Đại Vận Hà, thật ra là con kinh đào rất dài, nhằm nối liền sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, nên kho thủy sản dồi dào đa dạng, thừa sức đáp ứng nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của giới ăn chơi hào phóng Tô Châu, nên hầu như vựa cá tươi nào cũng làm ăn phát đạt. Tuy vậy, song thân Hiển cảm thấy nghề nghiệp mình tầm thường quá, hằng mong con theo nghiệp bút nghiêng với tham vọng nó sẽ hội nhập chốn quan trường làm rạng rỡ tổ tông. Không phụ lòng tin của song thân, Hiển vốn sẵn thông minh lại chuyên cần cầu học, nên đã sớm nổi tiếng là bậc anh tài xuất chúng đầy triển vọng trong đám nho sinh đất Giang Tô. Thế nhưng, giấc mộng quan trường bất thình lình đành gác lại, khi phụ thân chàng đang khỏe mạnh mê say kinh doanh, bỗng lâm trọng bệnh bán thân bất toại. Hiển vội vã bỏ học về tiếp tay với mẹ già, thuốc thang chăm sóc cha, vừa phải túi bụi gánh vác điều hành nghiệp vụ thu mua cung cấp hải sản đúng hạn kỳ giao kết. Trong hoàn cảnh cơ cực nầy, Hiển chợt nghĩ đển Phước, một người bạn học trung hậu thân thiết từ thuở nhỏ. Phước bản chất tầm thường văn tài kém cỏi, đường công danh thi cử mù mịt, nên đành rời thầy bạn về nhà lang thang tập tễnh tự học nghề chẩn mạch hốt thuốc không công cho bà con thôn xóm, nên nếp sống khá nhàn. Để cứu vãn tình thế, Hiển mời Phước về làm quản lý với lương bổng cao. Phước đồng ý ngay, nhưng chỉ nhận thù lao tượng trưng, vì bản chất anh vốn tôn trọng tình nghĩa xem nhẹ bạc tiền, nên sẵn sàng giúp đỡ bạn bè qua cơn hoạn nạn mà thôi. Phước là viên quản lý khá giỏi, sổ sách phân minh, khéo tổ chức, lại có lối giao tiếp mềm mỏng, nên từ khâu thu mua đến khâu phân phối đều đạt được thành quả đầy hứa hẹn. Trong trời gian ngắn vừa qua, cơ sở kinh doanh bị bỏ bê đang trên đà suy sụp, lần hồi đã khởi sắc trở lại như xưa. Nhờ vậy, Hiển mới rảnh rang dồn nổ lực vào việc săn sóc chạy chữa cho cha. Nghe chốn xa xôi hiểm trở nào có bậc danh y chàng cũng tầm cầu thỉnh rước, nghe có loại thần dược: sâm nhung, mật trăn, mật gấu... đắt giá thế nào cũng mua chuộc đem về phục vụ cha. Về phần bà mẹ, suốt ngày bận rộn viếng khắp tự viện, đền miếu sì sụp lễ bái cầu khẩn phù hộ mạng sống chồng, mà hễ nghe đồng cốt, thầy bà bói toán, bùa phép cao tay nào bà cũng đều dâng lễ cầu cạnh... bà thương lo chồng đến nổi bỏ ăn bỏ ngủ, thân thể phờ phạc gầy còm... khiến Hiển cực kỳ lo ngại. Thế nhưng, dù được vợ con tận tình thang thuốc, tình trạng sức khỏe của chủ nhân “Thủy Lộc hàng” ngày càng tồi tệ... cuối cùng sau bốn năm trăn trở chống chỏi chứng bệnh trầm kha, ông đành tức tưởi lìa đời khi tuổi chưa tròn sáu mươi. Niềm thương đau cùng cực về sự ra đi bi đát của chồng, cộng với nỗi nhọc nhằn của hơn bốn năm dài ngày đêm lao tổn tâm sức chăm sóc bệnh nhân, khiến sức khỏe của bà mỏi mòn trầm trọng. Bà biếng ăn mất ngủ, bà thất thểu loanh quanh nhà lẩm bẩm bâng quơ, bà đờ đẫn ngó mong, và câm nín thẩn thờ... Hiển lo lắng rước lang y về khám bệnh cho mẹ, bà phản đối cho rằng mình rất khỏe. Về phần các lang y, họ tranh nhau chẩn đoán lung tung mà chẳng ai xác định được bệnh gì rõ rệt, thuốc thang bổ dưỡng đủ loại càng khiến bà thêm khô kiệt, tiều tụy hơn. Thế rồi, một hôm bà ngủ yên không màng thức dậy, bà lặng lẽ theo chồng “không kèn không trống” đúng theo sở nguyện mà bà lập lại mỗi ngày như lời nói nhảm. Nếu không được Phước cận kề chân thành an ủi, và nếu không may mắn từng theo mẹ lễ bái chốn thiền môn, nếm chút hương vị đạo, có lẽ, Hiển đã khó lòng chống chỏi nỗi khổ đau cùng cực mà chàng phải gánh chịu trước hai đại tang liên tiếp diễn ra chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi. Bấy giờ, tuy Hiển có thể tự điều hành cơ sở kinh doanh, nhưng Hiển quí bạn và cũng rất cần bạn, nên cố nài ép Phước tiếp tục công việc cũ, rồi lần lần phủi tay phó thác cho bạn trọn quyền cai quản “Thủy Lộc hàng”, hầu có thể dành trọn thời gian cho việc tu học Phật Pháp, tham bái các tự viện xa gần, mong thân cận các bậc đạo đức cao tăng thỉnh giáo tham thiền. Hiển say mê học Phật, hứng thú tìm hiểu, với tinh thần khắc khoải tầm cầu chân lý, tha thiết dấn thân cho sự nghiệp tu chứng. Sự việc nầy cũng ảnh hưởng lây đến Phước, nên anh ta cũng tập tành nghiên cứu Phật giáo, nhờ vậy, hai người bạn hàn huyên chuyện đời hay đạo gì cũng đều tương đắc cả, tình bạn vốn đã thắm thiết nay lại càng thêm keo sơn khắn khít. Thật ra, Phước tìm hiểu Phật Giáo chỉ nhằm nâng cao kiến thức đạo đức Đông Tây làm vốn liếng đàm luận, chớ làm sao phát sanh lòng thành khẩn như Hiển, một người đã thực sự lâm cảnh “tận cùng đau khổ” bỗng “ngộ” được giáo lý thoát khổ nên tâm tha thiết cầu đạo mới dõng mãnh như vậy. Về phần Phước, dù bận rộn điều hành cơ sở thương mại, mà thỉnh thoảng anh ta vẫn có thể theo bạn thăm viếng các tự viện tham cứu Phật Pháp, kể ra đó là một cố gắng khó ai thực hiện nổi.

- Hà! hà! Thật không ngờ mẩu chuyện thiền “cá nhảy khỏi lưới” khiến anh lại bận tâm! Thế mà tôi những tưởng chỉ mớ cá tôm rộng(2) trong bè dưới sông bị sẩy mới khiến anh lo chứ!, Hiển lên tiếng nửa đùa nửa thật ghẹo bạn.

- Hì! hì! Quả thật tôi có nghi vấn đấy! Tôi nghĩ con cá biết tránh không để lọt lưới khôn hơn con cá bị lọt lưới chứ! Lọt lưới rồi mà thoát được đúng ra là nhờ vận may mà thôi, không thể ca ngợi là hay được. Suy ra, thì ông thiền sư em nói đúng, thế mà sao sư em lại xin lỗi sư anh?

- Tuy là nói chuyện cá, thật ra lại nhằm ám chỉ người hành giả và bước đường tu tập, anh ạ!

- Ờ, nếu đóng khung vào giới tu hànhluận bàn thì “lưới” trong chuyện nầy nhắm dụ cho cái gì? Lưới tình chăng? Hay nói chung chung là “lưới tình tiền danh vọng” chăng? Một tu sĩ trong trắng không dính vào lưới tình, tu thẳng tắp một đường, rõ ràng là đáng tán thán hơn người tu sĩ sa vào lưới tình lu bù chớ! Ngay như sau đó, nếu tu sĩ nầy bị bồ hắt hủi hay vì lý do thua thiệt nào khác, bèn vuột thoát lưới tình tu trở lại, kể ra cũng đáng khen, nhưng làm sao có thể đề cao hơn tu sĩ vô nhiễm từ đầu đến đuôi được! Vậy, nếu suy cho rộng ra, dù là “lưới tình tiền danh vọng” gì chăng nữa “sa vào rồi vuột ra” như thế nào, so sánh với lưới tình cũng không khác là bao, phải không anh?

- Hiển ra vẻ nghiêm túc, chậm rãi lên tiếng:

- Có lẽ đây là “lưới nghiệp”, đã sinh ra ở cõi Ta Bà nầy thì ai chẳng lọt vào lưới nghiệp, bậc đã sạch nghiệp là bậc thánh vô sanh, đâu còn đọa vào cõi Ta Bà mà bàn chuyện hay hoặc dở. Tôi thiển nghĩ mấu chốt của mẩu chuyện là “động tác vừa thấy con đường thoát liền nhảy vọt khỏi lưới” và điều nầy mới đáng ca ngợi là “như thiền sư”. Nguyên thiền tông chủ trương “ngộ phải là đốn ngộ, chớ không có vấn đề ngộ từ từ, ngộ từng phần” nên hễ “thấy tánh thành Phậttức thời giải thoát”, vậy nếu đã thấy là phải thoát ngay không chần chờ giây phút nào hết, chần chờ thì hỏng to, là mất cơ hội rồi!

- Kiến giải của anh cao siêu lắm! Khâm phục! Xin khâm phục!.. Ủa! sao hôm qua anh không trình kiến giải nầy cho đại sư?

Trầm ngâm khá lâu, Hiển mới chép miệng than:

- Nói thì nghe suôn sẻ như vậy thôi, chớ quyết định tức thời cũng thiên nan vạn nan lắm anh ạ! Anh dư biết rằng tôi rất tha thiết học Phật hành thiền, tôi hằng phát nguyện dấn thân cho sự nghiệp giác ngộ, nhưng nhất thời dứt khoát buông bỏ tất cả cũng không dễ! Nan giải nhất đối với tôi chính là cơ sở “Thủy Lộc hàng” mà ba đời nhà họ Tạ đã dày công gây dựng. Tôi ràng buộc với nó mãi không được, mà dẹp bỏ tức khắc lại cảm thấy mình phụ lòng tổ tiên quá!..

Phước cũng phụ trợ lên tiếng:

- Anh suy nghĩ rất hợp ý tôi! Cơ sở kinh doanh nầy vững chãi lắm, biết bao nhiêu người mơ ước mà không được, anh dẹp bỏ đi sao đành! Anh tu tại gia cũng được mà!

- Anh biết không? Đây chính là điểm chính yếu khiến tôi khắc khoải ưu tư bấy lâu. Có lẽ, sư phụ Hải Tịnh thấu rõ tâm ý tôi nên hôm qua người mới kể mẩu chuyện nầy nhằm thúc đẩy tôi “đã thấy thì phải thoát” khiến tôi đã bứt rứt suy tư suốt ngày mong tìm cho mình một giải pháp...

Phước hấp tấp hỏi:

- Giải pháp của anh như thế nào?
- Ngày xưa, sau khi cư sĩ Bàng long Uẩn(3) ngộ đạo, người bèn đổ bỏ toàn bộ tài sản xuống sông Tương để dứt khoát tu tập, và nhờ vậy cả nhà đều triệt ngộ và đều an nhiên thị tịch. Tôi... tôi... có lẽ tôi... phải noi theo gương người xưa mới được!

Phước rối rít ngăn cản:

- Không được đâu! Không được đâu! Anh đang buồn khổ về sự ra đi đột ngột của hai bác nên có tư tưởng yếm thế vậy thôi! Giả sử như đến lúc nào đó, anh muốn đổi ý thì sao? Anh phải giữ nguyên cơ sở nầy để dự phòng cho anh chớ!

- Tôi không hời hợt cao hứng nhất thời đâu! Tôi đã suy tư rất nhiều về con đường dấn thân tu tập, những nỗi nhọc nhằn, những trở ngại, những mất mát hi sinh... mà tôi sẽ phải gánh chịu! Tóm lại, đây là một quyết định chính chắn và tôi tự tin mình sẽ chặt lòng chặt dạ, không đổi thay… Chỉ có một điểm khiến tôi ngại ngùng, là cha mẹ vừa nằm xuống không bao lâu, mà tôi dẹp bỏ ngay cơ sở kinh doanh của tổ tiên thì lỗi đạo quá...

Hiển ngập ngừng trong giây phút, rồi tiếp lời:

- Tôi thấy chỉ có giải pháp tương đối ổn là nếu anh hứa tiếp tục giúp tôi cai quản cơ sở nầy chừng năm đến mười năm thì may mắn cho tôi biết chừng nào...

Phước đăm chiêu suy nghĩ, rồi đắn đo đáp:

- Chà! một hoặc hai năm thì không thành vấn đề, nhưng năm đến mười năm thì khó trả lời quá, tôi cũng có những dự án tương lai của tôi nữa anh ạ. Tôi đã dự trù từ giã anh rồi về quê nhà phát triển nghề lang y mà tôi hằng mơ ước. Làm y sĩ cứu giúp người thích thú lắm, anh ạ!

- Nhưng chắc anh cũng không nỡ để tôi đổ của cải xuống sông như Ngài Bàng long Uẩn phải không?

- Dĩ nhiên là như vậy rồi!

- Tôi sẽ không đổ của xuống sông như người xưa đâu, nhưng tôi dự định sẽ bán sạch tài sản đem bố thí cho dân nghèo trước khi xuất gia đầu Phật anh ạ! Giải pháp lý tưởng khác, là nếu anh chịu hi sinh giúp tôi, mỗi năm ngoài tiền lương, anh hưởng thêm 30% chia lời, và trong trường hợp mà đúng 10 năm tôi vẫn không trở về, thì xin anh thay tôi bán toàn bộ tài sản nầy, anh cũng giữ 30% cho anh, phần còn lại xin ủy thác cho chùa để nhờ tổ chức đại trai đàn bố thí dùm tôi...

- Nói chung chung thì dù là giải pháp nào, cuối cùng anh cũng đem “thùng lùng”(4) hết tài sản chứ gì?

- Đúng vậy! Nhưng với giải pháp thứ hai thì cơ sở cha ông được tồn tại thêm một thời gian nữa nên tôi đỡ áy náy hơn. Thật ra, đối với tôi thì tiền tài danh vọng cao sang thế nào cũng đều là hư ảo. Tôi thật chẳng màng và chẳng muốn vướng bận nó trong lòng.

Phước trầm ngâm thật lâu mới lên tiếng:

- Tôi tin tưởng rằng đến lúc nào đó anh sẽ đổi ý. Và vì vậy mà tôi hứa cố gắng giúp anh, hầu anh còn có chỗ trở về nếu như con đường tu tập trắc trở.

Thế rồi, ngay ngày hôm sau, Hiển đưa Phước đến dinh trấn Phong Kiều, làm giấy ủy quyền toàn bộ tài sản “Thủy Lộc hàng” cho Phước tự thanh lý. Cầm tờ ủy quyền trong tay, mà Phước còn ngẩn ngơ như chưa tin là chuyện thật, nên lắp bắp vặn hỏi:

- Anh quyết định thiệt như vậy sao? Sao anh dám tin tôi đến mức nầy?

- Dĩ nhiên là tôi rất tin tưởng anh!

Hiển mỉm cười, rồi nói tiếp:

- Và tôi cũng tin tưởngnghiệp quả nữa!

Thế rồi, như một thư sinh nghèo, áo thô túi vải đơn sơ, chàng thanh thản tìm về chùa Hàn San, xin thọ giới xuất gia với thiền sư Hải Tịnh, và được thầy ban cho pháp danh là Huệ Từ. Tu tập tại quê nhà có điểm bất lợi là thường gặp gỡ thân hữu viếng thăm, nhứt là tháng nào viên quản lý “Thủy Lộc hàng” cũng lò dò tìm đến, bóng gió xa gần báo cáo thương vụ, nên dù sư Huệ Từ không muốn nghe biết cũng không được. Do đó, để tránh cho đệ tử khỏi nghe chuyện nhà vớ vẩn mà động tâm, vừa thọ giới tỳ kheo, thì sư phụ Hải Tịnh liền gởi sư cho hòa thượng Vô Cực, chùa Tam Tạng tại Kim Lăng (Nam Kinh) dạy dỗ yếu nghĩa kinh Pháp HoaLăng Già, sau đó, sư được giới thiệu về chùa Báo Ân hai năm để được hòa thượng Tây Lâm nghiêm túc trui rèn luật nghi. Nhận thấy đã hội đủ tư lương tu tập, Huệ Từ bắt đầu thong dong hành cước khắp các thiền viện trong nước hầu có dịp tham vấn chư đạo đức cao tăng, hoặc trao đổi kinh nghiệm hành thiền với những bạn đồng tu. Thiền môn nào thuận duyên Huệ Tư lưu lại nhập chúng một thời gian, rồi tiếp tục vân du chớ không để dính mắc dài lâu. Vân du hơn năm năm, một hôm sư đang tọa thiền tại chùa Địa Tạng, trên đỉnh Thiên Thai, thuộc Cửu Hoa Sơn, nơi mà Ngài Kim Địa Tạng xưa từng ẩn tu nhiều năm, hốt nhiên khung cảnh toàn núi Cửu Hoa đặc biệt là ngôi Hóa Thành tự, Vạn Niên tự bỗng hiển hiện rõ ràng từng chi tiết. Huệ Từ bèn liên tưởng đến thánh địa của Bồ Tát Phổ Hiền thì các chùa Phục Hổ, Vạn Niên, Kim Đỉnh cũng sờ sờ trước mắt. Bấy lâu, Huệ Từ thường ao ước viếng thăm sư phụ Hải Tịnh, nhưng ngại bị cảnh cũ người xưa vương vấn trong lòng, nên đành ra đi biền biệt. Nay vừa nghĩ đến thầy thì sinh hoạt chùa Hàn San liền hiện ra, sư cụ vẫn còn tráng kiện và đang ban đạo từ cho một khách tăng trẻ. Kỉ niệm ấu thời thúc giục Huệ Từ lướt sơ về ngôi nhà xưa một thoáng. Bất ngờ, sư vô tình nghe lời bàn bạc của Phước với người thiếu nữ, có thể là vợ hắn, khiến cho chuỗi hoài nghi trỗi dậy mãnh liệt trong tâm sư:

- Người ta đề nghị hai ngàn lượng vàng, giá quá hời mà sao anh chưa chịu bán?
- Kể ra thì cũng được, nhưng anh còn phân vân vì nghĩ nếu chờ thêm 11 tháng nữa, cho đúng hạn 10 năm thì trọn vẹn lời cam kết với bạn bè hơn.
- Hừ! Nói như vậy nghĩa là sao? Anh chỉ hưởng theo lối ba bảy phải không?
- Anh đâu khờ khạo như em nghĩ như vậy! Ờ! Thì anh cũng sẽ trích ra phần nhỏ đem bố thí lấy lệ mà thôi! Phần còn lại thì kể như ảnh bố thí cho mình vậy, mình cũng nghèo mà!
- Hay lắm! Chồng tôi tài ba lắm! em chịu anh lắm! Nhưng còn vấn đề nầy anh có nghĩ đến không?
- Chuyện gì vậy bà?
- Rủi ro giờ chót ảnh trở về thì anh tính sao?
- Mẹ nó! Ảnh mà về đúng hạn thì kể như mình mất cha nó hết một ngàn bốn trăm lượng vàng rồi! Đúng là “đau như hoạn” vậy đó nhen!


- Vậy thì tại sao anh không bán phứt đi cho rồi! Bề nào mình cũng sẽ ôm của sang xứ khác làm ăn, đâu có định sống ở đây hoài, mà phải bày đặt giữ tiếng tăm thể diện để làm quái gì?

Nghe đến đây, niệm khó chịu bỗng ngập tràn thân tâm Huệ Từ, sư không còn thấy cũng không muốn thấy thêm nữa. Sư lơ mơ xả thiền, rồi buột miệng thở than: “Ôi! Lòng người sao khó hiểu quá! bỉ ổi quá!”. Huệ Từ vốn đã dày công thiền tập hơn chín năm trời, lúc nào chàng cũng nghiêm ngặt quán sát tâm niệm mình không để nó dun rủi theo huyễn cảnh, nhờ vậy thân tâm thường đạt đến trạng thái thanh thản, an vui hỉ lạc trong thiền định. Đôi lần sư đã hốt nhiên thấy cảnh giới mầu nhiệm của thiền, nhưng sư vốn hiểu biết tường tận rằng cảnh giới nầy kể cả thần thông chỉ là huyễn cảnh của thức uẩn, nên đã xả bỏ ngay để khỏi kéo lôi vào chuyện thị phi mà lạc nẻo đường tà. Thế nhưng lần nầy, khi cảnh giới thiền xuất hiện dưới hình thức thiên nhãn thông, Huệ Từ đã nhất thời hào hứng thả lỏng tâm niệm, run dủi hướng về Tô Châu, rồi vô tình nghe chuyện trái tai mà vọng niệm sanh khởi. Mẩu đối thoại đó cứ lãng đãng trong tâm, ám ảnh sư khôn nguôi, dẫu sư dụng công xả bỏ cũng vô ích, vì dường như nó chỉ tạm thời tan biến, rồi thừa lúc hơ hỏng liền đáo lại bám sát chẳng rời. Sau bao ngày đánh mất chánh niệm, quay cuồng trong nỗi hối tiếc buồn giận mông mênh, sư Huệ Từ chán nản tình đời, thối tâm tu tập. Cuối cùng nhận thấy, dù tiếp tục hành thiền cũng vô ích, sư quyết định khẩn cấp về Tô Châu, đối diện với vợ chồng Phước để giải quyết mọi chuyện một lần cho xong. Sư dự trù sẽ khuyên nhủ họ đem bố thí cho người nghèo đúng theo giao kết ngày xưa, nhưng nếu họ khư khư hành động gian dối, thì nghiệp quả của ai nấy lãnh, phần chàng, miễn lên tiếng nhắc nhở một lần là đủ yên tâm rồi.

Thế rồi, Huệ Từ bồn chồn rời Cửu Hoa sơn, đón thuyền xuôi theo giòng Dương Tử giang về biển đông. Khi thuyền dừng bến chuyển khách cho tuyến đường Vô Tích - Tô Châu, thì trời đang lất phất mưa, chủ đò hấp tấp bắc cầu tạm bằng tấm ván hẹp, rồi hối khách lên bờ cho kịp chuyến đi. Huệ Từ đang chìm đắm trong suy tư, ơ hờ bước trên tấm ván trơn trợt, bỗng có cơn gió xoáy tốc áo tràng, sư hoảng hốt chụp vạt áo thì mất thăng bằng, trật chân rơi xuống nước. Vào mùa nước đổ chảy siết, sư lại mặc áo tràng vướng vất khó xoay trở bơi lội, nên sư chỉ có thể gắng gượng ngoi đầu ba lần thì chìm lỉm. Trong giây phút tử vong hãi hùng đó, lửa thù hận hai vợ chồng người bạn bất nghĩa bỗng bốc lên ngùn ngụt: họ chính là nguyên nhân khiến sư phải lên đường để rồi gánh lấy tai nạn nầy kia mà. Sư chết khi lòng trĩu nặng nỗi uất hận nên không siêu thoát được, thần thức tâm tâm niệm niệm truy lùng kẻ gây oan nghiệt để tầm thù. Điều éo le là vợ chồng Phước lặng lẽ ôm mớ tài sản kết sù lên đường đi Nam Kinh, tỉnh An Huy, lập nghiệp tưởng giữ được bí mật, không ngờ bị tên tôi tớ phản phúc thông đồng với kẻ gian ác đón đường thủ tiêu cướp của. Họ đã chết trước khi sư Huệ Từ tử nạn, nên oan hồn sư dẫu muốn trả thù ngay cũng chẳng được. Nghiệp lực dẫn dắt oan hồn sư theo đuổi hai vợ chồng họ, từ cuối thời nhà Minh sang đến triều đại nhà Thanh, sư đào thai làm con họ ba lần. Cả ba kiếp họ đều là kẻ bần hàn, đứa con oan gia èo uột bệnh hoạn chào đời, chưa thu hồi nợ bao nhiêu thì cha mẹ đã tán gia bại sản, đành phải vội vã ra đi. Lần thứ ba nầy, sau khi con chết họ lâm vào cảnh nghèo hèn khốn khổ không nơi nương tựa phải lang thang bụi đời, rồi lê lết trước cổng chùa xin ăn qua ngày. Sống bám dài hạn với chùa, thỉnh thoảng lõm bõm nghe chút đạo pháp cũng “thấm tương thấm chao”, nên nhân khi chùa tổ chức trai đàn phát chẩn, họ bỗng phát tâm lành mang tiền mà bao ngày đã chắt mót đóng góp cho trai đàn, nhờ vậy đến thời Dân Quốc, khi đào thai lên trần thế, họ trở thành một thương gia ngành địa ốc khá giàu tại xã Lai Linh, ngoại ô Đài Trung. Oan gia cũng tìm đến làm đứa con thông minh, được cha mẹ cưng chiều phục vụ tận tình, cung cấp tiền bạc phủ phê cho theo học tại Đài Bắc. Năm 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chưa có cơ hội trả hiếu, thì đứa con bỗng lâm bệnh lao phổi trầm trọng đọa đày mẹ cha muôn vàn khổ nhọc, tổn hao tiền tài khôn xiết để tiếp tục đòi nợ tiền kiếp, cũng may là tài sản đến giờ nầy cũng chưa đến nổi khánh kiệt.”
. . .
Kể chuyện đến đây, Lại phúc Hưng bỗng ngưng lại lên tiếng hỏi phụ mẫu:

- Thưa ba má, có lẽ khi nghe đến đây ba má cũng đoán ra được ai là vợ chồng viên quản lý Phước và ai là oan hồn uổng tử của Hiển rồi, phải không?

Nhìn thấy mặt mày hốt hoảng của phụ mẫu, Hưng vội trấn an:

Uả! Sao ba má lo lắng quá vậy? Nay con đã thay đổi hoàn toàn rồi! Con thương ba má, chớ không còn ôm ấp hận thù nữa! Xin ba má yên tâm và bình tĩnh nghe con kể tiếp về nguyên nhân của sự thay đổi nầy. Thật ra, trước đây con như trong cơn mê, cứ bị ám ảnh thôi thúc bởi những ý nghĩa quái ác kỳ lạ: nhận thấy ba má chịu trăm nỗi đắng cay về con, con cảm thấy thương yêu thì ít, mà thỏa thích thì nhiều, chính con cũng tự xấu hổ chẳng biết tại sao? Một hôm ba má khẩn khoản rước ban trú trì chùa Đại Nhã về nhà tụng Phẩm Phổ Môn cầu an giải ách nạn cho con. Con thầm bất mãn chuyện cầu an vì con vốn theo tân học, chuộng khoa học thực nghiệm, nên đối với các niềm tin tôn giáo đều đánh giá chung chung là mê tín nhảm nhí. Thế nhưng hôm đó là ngày con đang trở bệnh nặng nằm rũ riệt ở trong phòng, dẫu bực bội chẳng muốn nghe lời kinh văng vẳng bên tai mà chẳng tránh né đi đâu được. Trong tình trạng trớ trêu bắt buộc phải nghe đó, bất ngờ sau mười phút căng thẳng ngắn ngủi, con lần lần cảm thấy thoải mái rồi bị cuốn hút lắng nghe một cách kỳ diệu: dường như con từng quen thuộc gần gũi kinh kệ nầy tự kiếp nào rồi. Càng nghe, càng nghiền ngẫm từng câu từng chữ, con càng cảm nhận được suối nguồn an lạc bao la mà Đức Bồ Tát Quán Âm từ bi ban phát che chở con:

Diệu Âm, Quán Thế Âm,
“Phạm Âm, Hải Triều Âm
“Thắng hết thế gian âm;
“Vậy nên thường phải niệm
“Niệm niệm chớ sanh nghi
“Đức Quán Âm Tịnh Thánh,
“Trong khổ não chết chóc,
“Đủ cho người nương tựa.

Đang chìm đắm theo lời kinh, thình lình tâm con bỗng rực sáng lên, khiến con xúc động run rẩy cả toàn thân, nước mắt ràn rụa, con chắp tay chân thành khấn nguyện: “Thưa Đức Quán Âm Bồ Tát, con nguyện nương tựa Ngài “niệm niệm chẳng sanh nghi”. Con nguyện tu tập hạnh từ bi để xóa tan mê mờ thương đau sầu hận, để cứu khổ cứu nạn mọi loài chúng sanh. Xin Đức Bồ Tát chứng minh lòng thành của con. Xin gia bị cho con”. Kể từ giây phút đó, với tâm tràn ngập lòng từ bi thương yêu mọi người, mọi loài chúng sanh, con liên tục thầm niệm danh hiệu Bồ Tát. Thế rồi sau đó chỉ chừng một tháng, một hôm trong khi đang thành tâm niệm danh hiệu Bồ Tát, bỗng nhiên con cảm nhận như đang được Bồ Tát hiển linh phóng quang rưới nước Cam Lồ trên đỉnh đầu con, một niềm an lạc vô biên tràn ngập thân tâm con, rồi thình lình tất cả uẩn khúc oan khiên tiền kiếp đều xuất hiện rõ ràng từng chi tiết nhỏ.

Phụ thân dụi mắt nhìn con, chẳng biết nó có mê sảng chăng, rồi lên tiếng:

- Thật vậy sao? Quả thật như vậy sao?

- Có lẽ ba má không hiểu tại sao con mới niệm Bồ Tát ba mươi ngày ngắn ngủi mà thấy được tiền kiếp phải không?

Phụ thân gượng gạo:

- Ơ, con nói thì phải tin chớ! Chỉ vì ba nghe chuyện mầu nhiệm hiếm có nên buột miệng lên tiếng vậy mà!

- Nguyên do là trong kiếp trước, khi sắp từ trần do nghịch duyên mà con sanh tâm sân hận nặng nề, chính cái cận tử nghiệp sân hận dày đặc nầy che khuất không cho hạt giống lành nào hiện hành được, vì thế thần thức mê mờ cứ khư khư tâm niệm hận thù mà cuốn hút trôi lăn vào ác đạo. May mà con có phước duyên quy ngưỡng Đức Bồ Tát Quán Âm, biết nương tựa vào lực gia bị của Ngài mà chí thành tu tập, nhờ vậy lớp mê mờ sân hận mỏng lần, thiện căn thiện nghiệp ngày xưa lần lần hiển lộ, nên thình lình thấy biết diễn tiến của tiền kiếp. Sáng tỏ tiền kiếp, con bèn quyết định tu tập như xưa, nhưng trong hoàn cảnh bệnh hoạn của con bây giờ, trở lại nếp sống xuất gia rất khó thực hiện, mà con suy nghĩ hoài lại chẳng tìm ra giải pháp nào khác ổn thỏa cả. Con chỉ biết nguyện cầu Bồ Tát gia ân đưa đường chỉ lối cho con mà thôi. Thế rồi, một hôm nghe tin có thời thuyết pháp tại chùa Đại Nhã do lão bà cư sĩ Lâm khán Trị đảm trách, mặc dù cơ thể yếu đuối, con vẫn nài nĩ ba má dìu con đến đó nghe pháp. Lão bà khuyên dạy pháp môn Niệm Phật rất giản dị, chỉ hội đủ “Tín, Nguyện, Hạnh” một lòng niệm Phật A Di Đà thì chắc chắn khi lâm chung sẽ được Phật A Di Đàchư thánh chúng tiếp độ vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Đây chính là ưu điểm mà con tin tưởng là quí giá bậc nhất. Thật vậy, nếu lâm chung được gia bị và tiếp độ thì an tâm vô cùng, đâu còn canh cánh lo sợ bị rơi vào trạng thái “ấm cảnh hiện ra thì liền theo nó”(5) lạc nẻo ác đạo như kiếp xưa nữa. Thế rồi như ba má đã biết đó, sau khi thỉnh một số kinh sách Tịnh độ về nghiên cứu, con bắt đầu lập thời khóa, mỗi ngày hai thời tụng kinh lễ Phật, niệm Phật A Di Đà theo đúng như sách “Vô thượng chí bảo” hướng dẫn, ngoài ra, thì bất cứ lúc nào, đi đứng nằm ngồi, con cũng đều niệm cả. Kiếp trước con dày công thiền tập đã có chút định lực, nhờ vậy kiếp nầy niệm Phật dễ nhất tâm nên sớm đạt thành quả như ý nguyện. Thưa ba má, hôm nay con kể hết mọi chuyện cho ba má vì đúng 12 giờ trưa nầy, thì con sẽ được Tam Thánh tiếp dẫn vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, ba má ạ!

Phụ thân Lại Tuấn thảng thốt lắc đầu lia lịa ra dấu can ngăn nhưng chưa kịp lên tiếng thì mẫu thân đã gào lên trong tiếng khóc nức nở:

- Ý! Không được đâu! Con không thể chết đâu!

Phụ thân tuy đang rơm rớm nước mắt mà vẫn cố gắng bình tĩnh lựa lời khuyên giải:

- Sức khỏe con độ rày khá lắm! Con niệm Phật thành công như vậy, sao con không khẩn cầu Phật cho con được dài lâu tuổi thọ? Con hãy ráng ở lại sống với ba má, con ạ! Chớ vãng sanh để mà chi, vậy con? Con hãy cầu xin Phật cho sống dai, con nhé! Niệm nhanh lên con!

- Như con đã thưa với ba má. Con vốn sanh làm con ba má là để tầm cừu đòi nợ, đáng lẽ phải làm cho ba má điêu đứng, sản nghiệp tiêu tan thì mới hả dạ. Thế nhưng đòi nợ mà được ba má trả nợ quá kỹ thành dư thừa, oán lại biến thành ân: “ân oán chập chờn” vay trả trả vay... mù mịt không cùng không tận, biết bao giờ mới chấm dứt được. Sao má lại muốn mình cứ tiếp tục lăn lộn mãi trong vòng ân oán gánh chịu trầm luân khổ sở ở cõi Ta Bà nầy hoài hoài mà chi? Nếu ba má thực sự thương con, xin ba má hãy chí tâm niệm Phật A Di Đà như con, rồi cả nhà ta đồng vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc hội họp an vui một chỗ, chẳng tốt hơn sao?..

Ngừng giây phút cho cha mẹ suy ngẫm, rồi sau khi nhận thấy hai ông bà tỏ vẻ khứng chịu, Lại phúc Hưng tiếp lời:

- Sau khi con vãng sanh rồi, ba má nhớ tìm Lão bà cư sĩ thuật lại chuyện nầy để cảm tạ và cũng nên thân cận với lão bà để được hướng dẫn tu tập nữa. Bây giờ, đã đến lúc con ra đi rồi, xin ba má giữ bình tĩnh, quay mặt lại đừng nhìn con, đừng khóc lóc cũng đừng động đến thân con trong 8 giờ. Con sẽ tự niệm Phật cho đến khi dứt tiếng, thì sau đó ba má mới có thể thông báo cho thân hữu được.

Thế rồi, Lại phúc Hưng nằm ngay ngắn, chắp tay - sách “Vô thượng chí bảo”(6) kẹp trong lòng bàn tay – to tiếng Niệm Phật. Phụ mẫu cũng đồng hộ niệm chừng 20 phút thì tiếng của Phúc Hưng nhỏ dần, nhỏ dần, rồi chấm dứt hẳn, hai bàn tay nới lỏng ra, sách “Vô thượng chí bảo” rơi trên ngực.

Lại phúc Hưng tỏ tường ngày giờ vãng sanh, tướng mạo trang nghiêm, thanh thản niệm Phật, tự tại ra đi, rất xứng đáng với lời tán thán: "Hay thật! Hay như Thiền sư!" (7)

Tháng 3.2010

Lời cuối truyện:

Truyện nầy tác giả đã phóng tác từ truyện “Vốn đến đòi nợ, niệm Phật được giải oan” trong sách “ Những Truyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe” do lão bà Lâm khán Trị (bản Việt dịch không ghi tên dịch giả) ghi chép, xuất bản tại Đài Loan năm 1969. Lão bà là vị lãnh đạo Liên Xã Phật Giáo tại Đài Trung, với biện tài vô ngại đã thuyết pháp phát động phong trào Niệm Phật khắp Đài Trung và Đài Đông tại Đài Loan. Lão bà tóm lược kể rằng vào năm 1959, theo lời mời của chùa Đại Nhã tại Lai Linh, Đài Trung, bà đã đến chùa thuyết pháp và phát sách Tịnh độ cho Phật tử. Khoảng một năm sau, thì có người đàn bà tìm gặp cho biết nhờ duyên phước nghe pháp mà con bà tên Lại phúc Hưng, vốn bị bệnh lao phổi trầm trọng khó sống lâu, đã phát tâm thành mỗi ngày theo thời khoá của sách “Vô thượng chí bảo”, chí thành lạy Phật niệm Phật hai thời, chưa kể, lúc đi đứng nằm ngồi cũng không rời câu niệm Phật. Vào ngày rằm tháng chạp, người con thông báo cha mẹ rằng nhờ nhất tâm niệm Phật năm qua nên anh sẽ vãng sanh vào lúc 12 giờ trưa. Người cha khóc lóc khuyên con nên cầu Phật A Di Đà phù hộ sống an lành với cha mẹ, thay vì vãng sanh ngay. Người con đáp: “Con vốn đến đây để đòi nợ ba má vì trong quá khứ đã kết oan cừu rất sâu với con. Đời nầy, từ lúc con sanh ra đến khi tốt nghiệp đại học, rồi bệnh lao phổi thuốc men ba năm nay cha mẹ tốn kém vô kểnợ nần vẫn chưa dứt. Đáng lẽ theo nghiệp thì con phải đợi đến sau khi bán tiêu căn nhà nầy, khiến cha mẹ già nghèo nàn khốn khổ, không chỗ nương thân, sống khổ như chết thì mới ra đi. Nhưng năm qua nhờ gắng sức nhất tâm Niệm Phật nên đã tiêu diệt được tội nghiệp nhiều đời, sắp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Từ nay, ba má và con oán cừu cởi mở hết rồi, ba má cũng phải chí tâm niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tây Phương. Được vậy thì về sau chúng ta có thể ở chung một chỗ mãi mãi không chia lìa. Thời giờ đã đến, con sẽ tự niệm Phật cho đến lúc ra đi, không ai được khóc, không động đến thân con. Ba má quay lưng lại, không nên nhìn con. Sau đó, Phúc Hưng cầm quyển “Vô thượng chí bảo” chắp tay lại, to tiếng niệm Phật. Cha mẹ cũng chắp tay, hộ niệm, chừng nghe tiếng niệm Phật nhỏ dần, dứt hẳn, tin chắc con đã tắt hơi mới quay lại nhìn tướng mạo trang nghiêm khác thường của con khi ra đi.

Ghi chú:

1. Hàn San: Ngôi cổ tự xây dựng tại trấn Phong Kiều, Tô Châu từ thời Lương, danh hiệu Diệu Lợi Phổ Minh Pháp Viện hay Phổ Minh thiền viện. Khoảng năm 806 thiền sư Hàn San dừng bước lãng du trụ trì tại đây. Hàn San là vị thánh tăng được tôn xưng là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, nên hậu thế dùng pháp danh Ngài đặt cho ngôi chùa. Tiếng chuông chùa Hàn San nổi tiếng trong thi văn, với bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

2. Rộng cá: chứa cá còn sống trong thùng, chậu nước rộng hay trong rọ, bè đặt nơi có nước lưu thông... hầu cá có thể bơi lội và sống được nhiều ngày.

3. Bàng long Uẩn: Thiền gia cư sĩ nổi tiếng thời Đường. Cư sĩ tham học với Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên, thường được kẻ hậu học nhắc nhở đến bài kệ đắc pháp của Ngài mà hai câu kết là:

Thần thông tịnh diệu dụng
Vận thủy cập ban sài.
(Thần thông cùng diệu dụng
Gánh nước và bổ củi)

Cư sĩ tiếp tục tham học thiền với Mã Tổ, sau khi đốn ngộ ông dong thuyền về phương Bắc, đổ hết của cải xuống sông Tương, rồi cùng vợ con cày ruộng dưới núi Lộc, cả nhà thanh thản sống đạm bạc tu tập, và đều an nhiên tự tại khi tịch.

4. thùng lùng (phương ngữ miền Nam): lối cho tiền của bằng cách tung lên cho đám đông ai giành cũng được, đây là hành động gần như vứt bỏ không luyến tiếc, chớ không là bố thí.

5. “Ấm cảnh hiện ra thì liền theo nó” tức “Ấm cảnh nhược hiện tiền. Miết nhĩ tùy tha khứ”: Trích nghĩa từ bài kệ trong Tứ Liệu Giản của Tổ Vĩnh Minh Diên
Thọ(904-975) như sau:
Hữu thiền vô tịnh độ
Thập nhân cửu thác lộ
Ấm cảnh nhược hiện tiền,
Miết nhĩ tùy tha khứ.

6. Vô thượng chí bảo: tác giả chưa hân hạnh thấy sách nầy, có thể đây là cẩm nang tu tập pháp môn Niệm Phật do Liên Xã Phật Giáo Đài Trung biên tập.

7. "Hay thật! Hay như Thiền sư!": Lời khen tâm đắcthiền sư Thâm đã cất tiếng khen con cá nhảy khỏi lưới.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.