Thư Viện Hoa Sen

37- Bài Văn Truy Điệu Văn Hào Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương

24/12/201212:00 SA(Xem: 7656)
37- Bài Văn Truy Điệu Văn Hào Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP MỘT (1/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘT ● TẬP HAI ● TẬP BA

Chương Hai VÌ ĐÂU NÊN NỖI 
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…

37
AI ĐIẾU NHẤT LINH – NGUYỄN TƯỜNG TAM
Vũ Hoàng Chương

  • · Câu đối thứ nhất

Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ.

Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiền phong hoá hậu văn hoá, ư trung lập ngôn.

 Tạm dịch lấy ý :

Từ năm ba mươi ba (1933) bút mực đã thành danh, tuy bút có thể đoạn mực có thể tuyệt, mà vẫn danh kia bất hủ.

Giữa ngày tháng bảy (7-7-1963) trời mây vừa rớt phượng, nhưng trước có phong hoá sau có văn hoá, đủ rồi phượng ấy lập ngôn.

  • · Câu đối thứ hai

Người quay tơ đôi bạn tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt?

Đời mưa gió lạnh lùng bướm trắng, buổi chiều vàng đâu nhỉ nắng thu?

Ghi chú: Trừ bốn chữ in đứng, tất cả những chữ khác đều ứng vào nhan đề tác phẩm của Nhất Linh.

  • · Câu đối thứ ba

Đời nay mấy mặt tiên tri, thế đó: nửa thương nửa giận!

Văn bút hai ta cố vấn, giờ đây: một mất một còn!

 (Sài Đô, 11-7-1963)

 

Bài văn truy điệu Nhất Linh

 

Vũ Hoàng Chương

 

Than ôi! Đời chính trị lông hồng gieo núi Thái, ngẩng đầu lên sấm sét vẫn chưa nguôi; việc văn chương một tấc để ngàn thu, ngoảnh mặt lại đá vàng sao khỏi thẹn.

Muốn gào to hồn phách anh linh; để vọng khắp giang sơn tam biến.

Nhớ xưa tiên sinh: Chào đời khi gió nổi Đông du; mài thép dưới trăng mờ Thế chiến.

Nghiệp truyền gia giáo, thuở nhập môn từng đất Bắc vui quê; vai nặng quốc thù, bước du học lại trời Tây vượt biển.

Rèn chí đấu tranh; đua tài hùng biện.

Chí khí ngày kia một kiên cường; tài năng ấy càng thêm phát triển.

Bao năm xuất ngoại, đã lưu tâm tại chỗ, từng mưu lừa chước dối thực dân; một sớm hồi hương, lại ngứa mắt trông ra, cả tấn kịch trò hề phong kiến.

Thi văn đoàn Tự lực thế tất phải xung phong; mà tuần báo Ngày nay phải kị thời xuất hiện.

Vì dân vì nước đẩy mạnh phong trào; có chí có gan thiếu gì phương tiện.

Nào hia với hốt, phá cho tan trò hoạn lộ thanh vân; nay cấp mai bằng, cười đến tỉnh lũ thư sinh bạch diện.

Từ đó tiên sinh: Lấy văn đàn làm nơi bái tướng, cờ phất dọc ngang; giữa chính trường cao giọng lập ngôn, bút mài sắc bén.

Làm sống lại tinh thần Yên Bái, nửa bước không lùi;

cuốn ào lên tâm huyết Quốc dân, một dòng thẳng tiến.

Bôn ba nơi hải ngoại, Hàng Châu, Quỳ Châu, Liễu Châu; đối lập mọi cường quyền, chống Pháp, chống Cộng, chống Diệm.

Ai hay: Gió gọi chưa lên; giờ nghe đã điểm.

Giữa cao trào Phật giáo, để hoằng dương chính pháp, lửa từ bi vừa thượng toạ thiêu thân; nêu đại nghĩa Nho gia, nhằm cảnh cáo độc tài, chén tân khổ cũng tiên sinh tuyên chiến.

Sét ngang tai, bạo lực thấy ghê hồn:

Trời cúi mặt, không gian chờ nảy điện.

Lửa-Cách-Mạng dâng về thư tuyệt mạng, thôi rồi tay lãnh tụ! Khắp các giới: thức giả, bình dân, sinh viên, đồng chí, cùng dạt dào tim vỡ máu sôi; Người-Quay-Tơ đành bỏ trống guồng tơ, đâu nữa mặt kinh luân? Cả bốn phương: Cà Mau, Thuận Hoá, Bến Hải, Nam Quan, nghe giục giã sông dời núi chuyển.

Nhưng đau đớn thay: Phút hạ huyệt súng gươm vây kín, muôn dòng châu đứt nối chưa tròn; buổi cầu siêu hương khói âm thầm, bao tiếng khóc dở dang còn nghẹn.

Cho nên hôm nay: Mừng quốc gia vừa khắc bạo trừ hung; đẹp hy vọng sẽ hà thanh hải yến.

Dân chúng thủ đô hướng về tiên sinh: Lễ Truy điệu mở đầu năm dương lịch, chạnh tưởng cồn dâu bãi bể, đốt hương lòng toả khắp mười phương; vườn Tao Đàn rung hết đợt âm giai, trông ra ngọn cỏ lá cây, hoà nước mắt vẩy quanh một chén.

Mong cảm tới tiên sinh: Dám nề chi u hiển.

Hỡi ơi: Tố Đoạn-tuyệt thành hồ đoạn tịch, mộng dẫu chơi vơi nửa cuộc, sử còn thơm danh liệt sĩ Tường Tam; Phượng Nhất Linh hề thiên nhất phương, lầu tuy ngơ ngác bên sông, gió vẫn nổi tiếng văn hào họ Nguyễn.

(Sài Đô, 5-1-1964)

Nguồn: Văn. Tập san Văn chươngTư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970. Toà soạn và trị sự: 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Tập san xuất bản do nghị định số 64/BTT/NĐ, ngày 4-12-1963. Bìa 1 số này: Chân dung Nhất Linh, vẽ bởi Nguyễn Gia Trí. Chi phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng (chủ nhiệm kiêm chủ bút). Thư từ, bản thảo đề tên ông Trần Phong Giao (thư ký toà soạn). [Chúng tôi nhập liệu nguyên văn từ trang 1 đến trang 78, tập san này dày 125 trang, có bỏ một vài bản tin rao vặt, quảng cáo sách]. Bản điện tử do talawas thực hiện.

 

Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 48027)
31/05/2012(Xem: 11441)
16/10/2014(Xem: 27431)
free website cloud based tv menu online azimenu
Sau những ngày Miến Điện nghỉ Tết, nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi do Sư Cô Tn Như Hiếu điều hành đã tiếp tục dấn thân cứu trợ. Hôm nay 22. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Myanmar đợt 5. Cũng như 4 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Thích nữ Như Hiếu- Suriyavati) Xin tường trình Lộ trình đi cứu trợ miền động đất Myanmar.
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).