Thư Viện Hoa Sen

Con đường con đi đó, có ba là “hộ pháp”

07/08/20173:57 CH(Xem: 6537)
Con đường con đi đó, có ba là “hộ pháp”

CON ĐƯỜNG CON ĐI ĐÓ, CÓ BA LÀ “HỘ PHÁP”
Thanh Thị

 

         Con sinh ra trong một gia đình thuần nông, lớn lên với cánh đồng lúa xanh mướt, với mùi rơm rạ; con trưởng thành từ những đêm ngủ tại rẫy cùng ba và em để đem lại sự tươi mát, sức sống cho rừng cà phê bạt ngàn vào mùa nắng.

          Tuổi thơ của con là những ngày theo mẹ ra đồng, bắt cua làm bạn; là những ngày mò mẫm với mãnh đất đỏ bazan nhặt từng hạt cà phê rơi vãi khi mùa đến. Kí ức tuổi thơ con gắn liền với bạt ngàn bắp và đậu, với cả những măng tre và đêm trăng nghêu ngao mỗi một bài hát: “Trăng rằm sáng lên em đi đến chùa…”.  Và không thể thiếu được ba, với những đòn roi của mẹ khi mãi chơi, quên đường về nhà; để rồi đêm về ba vừa xoa dầu vừa nói : “Tội nghiệp con gái tui”.

          Con lớn lên rồi, vội xa gia đình, đi con đường lý tưởng tâm linh mà con đã chọn. Con đã để lại sau lưng cả cánh đồng lúa xanh non, để lại cả rẫy cà phê đang độ đỏ lựng giữa mùa, con bỏ lại cả nắng và gió cao nguyên; hành trang con mang theo chỉ là tình thương và giọt nước mắt của mẹ, là lời nói của ba: “Hay con đừng đi tu nữa, ở nhà ba nuôi!”

          Con từng trách ba không thương con, nhưng con biết có người cha nào mà lại không thương con, hơn nữa con lại là đứa con gái duy nhất của ba, là cháu gái duy nhất của dòng họ bên nội. Làm sao ba lại không thương con cho được.

          Con từng giận ba, giận lắm; vì ba không thương mẹ, ba làm mẹ khổ, nhưng khi ba nói câu: “Cô tu rồi mà còn giận dai quá, ba biết ba sai, ba đã sửa sai, vậy mà cô còn giận ba, không về nhà thăm ba lấy một lần”, nghe câu ấy, bao nhiêu giận hờn trong con bổng tan biến hết. Con về thăm ba vào một ngày cuối tháng Giêng, cái lạnh tê tái của xứ cao nguyên vẫn chưa tàn, con sung sướng hòa  mình vào mùi của “rừng bông tuyết trắng” đặc trưng của xứ cao nguyên - hoa cà phê, con hạnh phúc đi quanh góc sân thân quen ngày xưa, hái những quả mận trái mùa, ngắm hàng cau kiểng ba vừa trồng năm ngoái. Khi con thấy mình lớn lên đôi chút, ba đã vội già đi. Lúc xưa ba hay gọi con lại, nhờ con lấy hạt lúa kẹp vào cộng tóc bạc, nhổ tóc bạc cho ba. Giờ đây tóc ba đã bạc trắng, hạt lúa nào dám làm nhiệm vụ nhổ tóc nữa, cô bé ngày nào giờ nhìn tóc ba chỉ chực trào nước mắt; sợi đen sợi trắng, nhổ sợi nào đây ba ơi?

           Con ở Sài Gòn bao năm, quen mùi khói bụi, quen cái hối hả tấp nập, quen cảnh kẹt xe hàng giờ đồng hồ khi đi học về chiều, cũng quen luôn cảnh ngập nước tới nữa thân người khi mùa mưa đến. Đôi lần con vấp ngã với cái tôi quá lớn, sự chuyển hóa tâm thức trong con chưa trọn vẹn, con bất lực với chính mình; là lúc những kỉ niệm về một thời quá khứ ùa về trong con, nhớ về một nơi mà ở đó con đã được yêu thương hết mực, ở đó có một người với câu nói vẫn in đậm mãi trong tâm trí: “Sao con biết ba không thương con?”

            Con đi rồi, em cũng bước theo con, ba như suy sụp hoàn toàn. Ba thương em, ba thương đứa con đã kề cận sớm tối bên ba bao năm nay, ba thương em con nhỏ dại, tính hay lạt lòng, ba sợ em bị  người ta ăn hiếp, ba lo đủ thứ, ba không cho em đi theo con đường như con đang đi. Nhưng rồi em cũng quyết dứt áo ra đi, bỏ lại là nước mắt của ba. Lần đầu tiên ba khóc, khóc cho đứa con trai mà ba thương nhất.

            Mùa cà phê năm ấy, không có em, cà phê vẫn chín mọng đúng độ. Ba cười mĩm khi thấy em trông chững chạt với bộ đồ nâu hò, quét từng chiếc lá bồ đề trong sân, lặt từng lá mai. Đó là lần đầu tiên ba vào Sài Gòn, thăm đứa con trai nối dõi tông đường của ba. Thấy con đã lớn, ba yên tâm ra về với tượng Bụt em tặng, như mang cả thế giới của Bụt về nhà.

           Đối với ai đó là bốn mùa yêu thương, nhưng với con: ba là cả trời yêu thương. Vì ba đã cho con hình hài, lại cho con cả một tuổi thơ đẹp; và rồi giờ đây, ba vẫn đang tiếp tục hy sinh cho con, là hộ pháp – ông thí chủ ủng hộ hết lòng cho sự tu học của con. Ơn sâu đậm như vậy, khi nào con mới trả hết đây?

           Tháng nữa lại về trong quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Vẫn còn đó cánh đồng lúa ngai ngái mùi rơm rạ, vẫn còn rừng cà phê bạt ngàn xanh mướt và những trái chín đầu mùa chen chúc trong nách lá xanh, và vẫn còn đó ba_ người mà con có lỗi nhiều nhất. Ba ơi! Sài Gòn vẫn nắng mưa thất thường với con đường đến trường ngập úng, ngày tháng này, ở nơi ấy có còn lạnh se thắt sáng sớm không ba?


Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 22280)
12/10/2016(Xem: 20248)
26/01/2020(Xem: 13123)
12/04/2018(Xem: 21343)
06/01/2020(Xem: 11934)
24/08/2018(Xem: 10353)
12/01/2023(Xem: 4837)
28/09/2016(Xem: 25952)
free website cloud based tv menu online azimenu
Sau những ngày Miến Điện nghỉ Tết, nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi do Sư Cô Tn Như Hiếu điều hành đã tiếp tục dấn thân cứu trợ. Hôm nay 22. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Myanmar đợt 5. Cũng như 4 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Thích nữ Như Hiếu- Suriyavati) Xin tường trình Lộ trình đi cứu trợ miền động đất Myanmar.
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).