SEN CÒN SAU MÙA HẠ
Thông Định
Dâng Thế Tôn và tặng người có Phật trong tâm
Mấy hôm nay lòng mình thật không yên được khi cứ thấy hình ảnh, tin tức về Vesak ở Việt Nam cứ liên tục xuất hiện trên Facebook của bạn bè. Không khí mới náo nức làm sao. Thật là một lễ hội cho những người con Phật. Dù không ở Việt Nam, dù không trực tiếp tham dự, nhưng con tim này dành trọn cho quê hương trong ngày Phật sinh.
Tuy mừng vui là vậy nhưng đôi lúc trong tâm vẫn thoáng lên mấy câu kệ thản nhiên mà "chém đinh chặt sắt" trong kinh Kim Cang:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
(Lấy hình sắc mà thấy ta
Lấy âm thanh mà cầu ta
Người đó đang hành đạo tà
Không thể nào thấy được Như Lai)
Ô hay, vậy thì cả một cái đại lễ Vesak trùng điệp những hình sắc và âm thanh mỹ miều tuyệt đẹp kia là để làm gì? Cả hàng mấy chục ngàn người ở chùa Tam Chúc - Hà Nam, mấy chục triệu Phật tử ở Việt Nam, bao nhiêu trăm triệu Phật tử trên thế giới đang hành đạo tà cả hay sao khi họ đứng, ngồi, quỳ, lạy rạp tôn kính trước ảnh tượng đức Phật, khi họ cất lên những âm thanh để xưng tụng Ngài?
Thật ra câu trả lời cũng đã có ngay trong những lời kinh ta xướng tụng hàng ngày:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
(Bản tánh của người lễ lạy và người được lễ lạy đều rỗng không, vắng lặng
Sự giao cảm linh thông của Đạo thật không thể nghĩ bàn được)
Cũng có thể mượn một lời dạy đâu đó từ tôn giáo bạn để thêm cho câu trả lời: "Chỉ có Thượng Đế mới thờ kính Thượng Đế được" (God alone can worship God). Nếu Phật vượt ngoài hình sắc và âm thanh thì muốn gặp Phật, người ta cũng phải vượt ngoài hình sắc và âm thanh. Nói cho rõ hơn thì người ta phải đến với Phật bằng vị Phật ở trong mình vậy.
Không biết là do hiệu ứng của internet, của Facebook hay không nhưng bản thân mình cảm thấy Phật đản năm nay đúng thiệt là lớn, đúng thiệt là vui vẻ rất mực. Đại lễ Vesak quốc tế ở Hà Nam vừa xong thì liền sau đó là các chùa trên khắp nước đón rằm với lễ đài rực rỡ, và nhất là diễu hành xe hoa trong hai ba đêm liền với đủ các phương tiện từ xe đạp, xe máy, xe hơi, xe tải, và cả voi, máy cày! Truyền hình trực tiếp, Facebook live stream, hình ảnh trên các mặt báo... Phải nói đó là cả một cuộc hội tưng bừng của hình sắc, âm thanh.
Chẳng cần đến các phép tính ta cũng thấy rằng biết bao nhiêu tài vật, công sức, tâm lực, trí lực đã được bỏ ra để tạo nên bầu không khí tưng bừng, hân hoan như vậy. Dĩ nhiên chúng ta còn nhắc đến ngày vui hôm nay nhiều lắm.
Nhớ năm vừa rồi, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam liên tục chiến thắng các giải đấu, trở thành ông vua mới của Đông Nam Á, trên báo có bài bình luận đại khái nói rằng: sự thành công của bóng đá có thể vực dậy tinh thần một đất nước và mang đến những thay đổi lớn trong các lĩnh vực khác. Chắc đúng vậy khi ta thấy trong giờ phút cả đất nước cổ vũ hết mình cho đội tuyển quốc gia, cái năng lượng đó thật hùng hậu và thống nhất. Bài báo cũng đặt ra câu hỏi là liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để đưa đất nước tiến lên không.
Có khập khiểng không khi đặt câu hỏi đó cho Phật giáo Việt Nam nói chung và cho mỗi người Phật tử chúng ta nói riêng? Có phải là "đầu óc con buôn" lắm không khi ta tự vấn mình được gì sau khi bỏ ra rất nhiều cho đại lễ này?
Thật lòng mà nói mình cũng không biết tính toán như thế nào để, ví dụ 5 - 10 năm sau, có thể nói là Phật giáo Việt Nam đã tận dụng được cái đà của Phật đản năm nay mà tạo nên những điều tốt đẹp. Có thể tưởng tượng ra vài điều như sau: có nhiều ngôi chùa nhỏ nhỏ xinh xinh mọc lên ở những vùng quê nghèo, có một vài bệnh viện Phật giáo, có các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng những gì chắt lọc được từ bốn năm trăm bài tham luận trong hội thảo vừa qua, chùa Tam Chúc trở thành một nơi để mọi người đến tu tập thường xuyên...
Nói là nói vậy thôi chứ ta cũng nằm lòng rằng sự hưng thịnh của Đạo Phật thật khó mà đong đếm được qua những con số và hình thức tổ chức. Chỉ có thể nói liệu những con số và hình thức tổ chức đó có làm hiện lên cái "tánh không tịch" nơi mỗi con người, cái "cảm ứng Đạo giao" của Phật Pháp chăng. Cho nên câu hỏi trên thật ra phần lớn lại là câu hỏi cho mỗi cá nhân tự nhận Phật tử.
Chẳng phải vậy sao khi xét cho cùng thì chính mỗi cá nhân là người tham dự để rồi tự mình đưa ra nhận xét, đánh giá, tự mình cảm nhận để rồi trao cho lễ Phật đản này một giá trị, nhận lấy một bài học? Dù người đó là trưởng ban tổ chức Vesak ở Hà Nam, vị Phó tổng thống Ấn Độ làm diễn giả chính, một bà cụ ngồi ngoài nắng dự lễ, một cậu thanh niên cầm cờ Phật giáo chạy trong đoàn xe máy diễu hành, hay một người ở nước ngoài chỉ biết đến đại lễ nơi quê nhà thông qua internet như mình đây. Chẳng phải vậy sao khi ta thường nghe Đức Phật nói về việc "tự thắp đuốc lên mà đi", "mình là nơi nương tựa của chính mình" và sâu thẳm hơn là câu tuyên ngôn khi Ngài đản sanh "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn"?
Mấy năm gần đây có một điều rất thú vị là ta thấy trong mùa Phật đản, trên những con sông, hồ nước nơi trung tâm các thành phố, xuất hiện bảy đóa sen lớn đẹp lung linh cả ngày lẫn đêm. Và khỏi cần phải nói thì bảy đóa sen ở chùa Tam Chúc trong dịp vừa rồi, nhìn từ trên cao xuống trong các đêm lễ, đã tạo nên một bức tranh thật huyền diệu.
Phật đản đã qua, mùa hạ rồi cũng qua, các đóa sen trên mặt hồ _biểu tượng cho sự xuất thế của Thế Tôn_ của những thành phố sẽ được tháo dỡ, cất đi. Nhưng có những đóa sen sẽ còn mãi, và tỏa hương, dù hạ đã qua đi.
Thái Lan, 17/04 Kỷ Hợi 2019
Thông Định