Thư Viện Hoa Sen

Phụ Lục: Chùa và tượng Phật...,

24/08/20235:14 SA(Xem: 1569)
Phụ Lục: Chùa và tượng Phật...,

Phụ Lục

Chùa và tượng Phật...,

Giữa một ngôi làng nhỏ bé của nước Pháp, thế nhưng cứ ngỡ rằng mình đang ở trên đất nước Việt Nam

(Pagode, statues de Bouddha… Dans ce petit village français, on se croirait presque au Vietnam)

Mục tin bốn phương: người đưa tin Gautier DEMOUVEAUX

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

          Vào dịp hè năm nay, tờ báo xuất bản vào buổi chiều (báo Ouest-France, một tờ nhật báo địa phương trong vùng phía Tây) sẽ đưa các bạn lần theo các nẻo đường của nước Pháp để khám phá ra những nơi mang ảnh hưởng từ các nước ngoài. Trong chuyến du ngoạn thứ ba này chúng ta sẽ cùng hướng về phía quận lỵ Allier (trung tâm nước Pháp) để viếng một ngôi làng nhỏ bé mang dáng vẻ Á-châu trong thị xã Bourdonnais.

 

          Thu mình trong một thung lũng xanh tươi, Noyan-d'Allier là một ngôi làng mang những nét tiêu biểu của vùng Auvergne, với các nông trại vách ván chen lẫn với tường gạch và cả tường đất nhồi rơm, và một ngôi nhà thờ với chính điện xây cất từ thế kỷ XII, tất cả nằm thâm thấp chung quanh một lâu đài sừng sững xây dựng từ thế kỷ XIV. Lâu đài (tuy đổ nát) thế nhưng vẫn còn giữ được con đường mòn tản bộ chung quanh, nhìn từ con đường này, thấp thoáng từ xa các đỉnh núi của dãy Forez, các đỉnh đồi của thị xã Bourbonnais và cả dãy núi Puys...(các ngọn núi lửa đã tắt của vùng Auvergne)...

         

          Ngoài hình ảnh cổ kính của thị xã Épinal (một nơi trong vùng Đông Bắc nước Pháp) biểu trưng cho hình ảnh [quen thuộc] của nước Pháp, thì ngôi làng Noyan trong quận lỵ Allier với 650 dân, còn có thêm một đặc điểm khác nửa, đó là sự đón nhận một ngôi chùa Phật giáo với một khu vườn mang dáng vẻ Á-châu. Trong vườn có khoảng ba mươi pho tượng Phật, trong số này có một pho tượng thếp vàng (doré / gilt / tô màu vàng ?) cao bảy thước! Thiết nghĩ bấy nhiêu cũng thừa đủ để tạo cho ngôi làng dáng dấp của một nơi nào đó thật xa xôi, đưa người viếng thăm lạc vào một khung cảnh hoàn xa lạ, thế nhưng nơi này thật ra chỉ cách thủ đô Paris hai giờ xe.

 

 

Trong khu vườn của chùa có khoảng ba mươi pho tượng Phật,

trong số đó có một pho tượng thếp vàng (sơn vàng) cao bảy thước.

(Photo: Allier Bourdonnais Attractivité)

Quá khứ của ngôi làng là một vùng hầm mỏ

 

          Nếu muốn hiểu được điều kém tế nhị này (incongruité / incongruity / kém lịch sự, có nghĩa là nêu lên quá khứ không mấy huy hoàng của một ngôi làng từng là một khu hầm mỏ) thì phải tìm hiểu ngược về quá khứ thật đặc biệt của ngôi làng này. Khi Thế chiến Thứ hai bùng nổ, thì việc khai thác mỏ than, giúp dân làng sinh sống suốt 200 năm, phải đóng cửa. Sau một tai nạn xảy ra bất ngờ, thì cái hố sâu, dấu tích khai thác quặng mỏ cuối cùng trong toàn vùng thị xã Allier, đã được vĩnh viễn lấp đầy từ năm 1943. Sau chiến tranh (tức là sau Thế chiến thứ Hai) thợ thuyền gốc người Ba Lan cùng với gia đình họ kéo đến đây từ đầu thế kỷ XX khi làng thiếu nhân công, thì nay họ bắt đầu rời bỏ nơi này để tìm công ăn việc làm ở các nơi khác. Khu gia cư của thợ mỏ trở nên hoang vắng, hàng trăm ngôi nhà không người ở. Dân trong làng chỉ còn lại một nửa.  

 

Những người hồi hương từ các xứ Đông Dương

 

          Mười năm sau (tức là sau khi những người thợ mỏ Ba Lan bắt đầu rời bỏ ngôi làng Noyan), và sau khi Nước Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, thì hiệp định Genève ký kết năm 1954, đã đánh dấu sự chấm dứt của chiến cuộc Đông Dương. Chính phủ Pháp phải cấp bách hồi hương nhân viên trong bộ máy hành chính thuộc địa cùng với gia đình họ và thêm cả một phần nhân viên gốc người Đông Dương, cùng làm việc với họ trong bộ máy hành chính đó. Ngôi làng Noyan nơi thị xã Allier lên tiếng xin được làm ứng viên đón nhận những người hồi hương và mở ra một trung tâm tiếp rước. Từ năm 1955 đến năm 1965 ngôi làng đã đón nhận 1.500 người hồi hương. Ngoài những người Campuchea, người Lào thì số còn lại gồm phần đông là các cặp vợ chồng Pháp-Việt, cùng với con cái họ. Tất cả đã phải rời bỏ châu thổ của con sông Mê-kông để đến đây, đến với cái mẩu đất nhỏ bé này của một vùng nông thôn trên đất Pháp. Họ mang theo với họ y phục cổ truyền cho đến những gì từng tạo ra sự phong phú cho nền văn hóa của họ. Dù phải đương đầu với khí hậu [khắt khe] và một nền văn hóa [xa lạ], thế nhưng sự tiếp đón thân thiện của người dân Auvergnat (người dân trong vùng Auvergne nơi trung tâm nước Pháp) phải chăng đã xoa dịu bớt các khó khăn đó của họ, giúp họ hòa nhập thật hài hòa vào xã hội.

 

 

Đàn trẻ con nơi trường học của làng  Noyan d' Allier vào những năm đầu tiên của thập niên 1960

(phía sau phải chăng là cơ xưởng của khu hầm mỏ trước đây đã trở thành trường học?)

(Photo: Archive - Le petit Asie)

 

Một mảnh đất ân cần

 

                Sau khi trung tâm đón tiếp (những người hồi hương) đóng cửa vào năm 1965, thì các gia đình trên đây rời bỏ các ngôi nhà nhỏ bé của thợ mỏ để nhường lại cho các thuyền nhân (boat people), những người tị nạn chính trị bỏ chạy trước chế độ độc tài của một góc Á châu. Và đó cũng là trường hợp của một cô bé 11 tuổi là Caroline Guyenne (có thể đây là cách phát âm chữ "nguyễn" của người Pháp, mà người ký giả có ý tránh không nêu lên tên gọi quen thuộc này của người Việt Nam, bởi vì có thể gây ra các sự nhận diện nhầm lẫn chăng) ra đi với gia đình và đặt chân lên đất Pháp năm 1991. Cô bé đó sau này đã từng thuật lại như sau: "Khi vừa đặt chân lên vùng đất Lục giác (tức là nước Pháp với lãnh thổ có biên giới giống một hình lục giác) thì chúng tôi được đưa đến một trung tâm tiếp đón tại Créteil (một vùng ngoại ô, một quận lỵ bên cạnh thành phố Paris). Thế rồi một hôm có một bà từ ngôi làng Noyan đến đây để làm thông ngôn, bà đưa chúng tôi viếng ngôi làng của bà. Mẹ tôi say mê ngay nơi này, nhất là vì khung cảnh đặc biệt của ngôi làng và dân làng thì có nguồn gốc Á-châu, họ đứng ra giúp mẹ tôi làm giấy tờ. Năm sau thì chúng tôi về sống tại nơi này".    

 

 

Cảnh đồng quê chung quanh ngôi làng Noyan d' Allier

(Photo : Gérard Joyon / Wikicommons)

 

Không khác gì một ngôi chùa tại Á Châu

 

          Ngày nay, có thể nói là một nửa số dân trong làng là những người mang hai dòng máu Âu-Á (eurasien). Tập thể những người Á-châu [trong làng] đưa ra sáng kiến xây dựng một ngôi chùa - thế nhưng phải thật giống với một ngôi chùa tại Việt Nam - và ngôi chùa này đã được xây cất năm 1983. Một khu vườn trang trí bao quanh ngôi chùa với các pho tượng Phật, với hoa sen, hoa lan, hoa mẫu đơn..., tất cả tạo cho dân làng một nơi để tìm thư giãn và thiền định.

 

Trong khu vườn của chùa có khoảng ba mươi pho tượng Phật,

trong số đó có một pho tượng thếp vàng (sơn vàng) cao bảy thước

(Photo: Allier Bourdonnais Attractivité)

          Ngôi chùa từ khi cất giữ tro hỏa táng của nhà sư Thích Trung Quán, một nhà sư được tập thể Phật giáo trên toàn thế giới biết đến, đã trở thành một nơi hành hương (nhà sư Thích Trung quán, 1918-2003, sang Pháp năm 1978, ngài là dịch giả của nhiều bộ kinh nổi tiếng). Ngôi chùa, nơi thờ phụng của Phật giáo, nay đã trở thành di sản của địa phương này, và cũng là một địa điểm du lịch đón tiếp khách viếng thăm (thế nhưng theo thông lệ thì phải cởi giày). Hàng năm có 25.000 người đến viếng. Bên cạnh chùa là một nhà hàng ăn Á châu, mang tên là Le Petit d' Asie, chủ quán là bà Caroline Guyenne (tức là cô bé 11 tuổi đặt chân lên đất Pháp năm 1991 đã được nói đến trên đây) nay đã chọn quốc tịch Pháp. [Thế nhưng] thực đơn thì lại là những món đặc biệt của xứ sở bà, và các người hầu bàn đều ăn mặc y phục cổ truyền. Bà Caroline Guyenne tự nhận mình là sứ giả của ngôi làng, khoác lên người cả hai nền văn hóa khác nhau.  

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

          Sự đón tiếp người tị nạn của một ngôi làng nhỏ bé nơi nông thôn của nước Pháp nói lên một khía cạnh nhân hậu nào đó của một dân tộc, phản ảnh bản chất của con người nói chung. Thế nhưng qua dòng lịch sử, thì các sự ngược đãi, hung bạo và kỳ thị quả là nhan nhãn. Ở tầm mức rộng lớn là lùa bắt nô lệ, xâm chiếm thuộc địa, các hình thức truyền bá và áp đặt văn hóatín ngưỡng..., ở một mức độ thấp hơn trong lãnh vực cá nhân thì đấy là sự hăng say của những người quản lý thuộc địa và sự nhiệt tình của những vị thừa sai. Thật ra thì đấy cũng chỉ là những gì tùy thuộc vào thời cuộc, cá tính và sự giáo dục của từng mỗi cá thể con người trong xã hội. Thế nhưng trong một xã hội dân chủ và pháp trị thì con người được kính trọng như là một con người, và đấy chính là điểm tích cực nhất giúp chúng ta tin tưởng nơi con người nói chung. Một ngôi làng nhỏ bé trong một vùng nông thôn trên đất Pháp, với một ngôi chùa và một pho tượng Phật cao bảy thước, cùng với dân làng khoác lên mình cả hai nền văn hóa khác nhau, phải chẳng là một bằng chứng nói lên sự tin tưởng đó nơi con người?

 

          Năm 1979, nước Pháp đón nhận 120.000 thuyền nhân, trong số này có một cậu bé 4 tuổi tên là Trung-Phúc. Cậu bé này cùng cha mẹ và năm anh em cùng vượt biên với 800 người khác trên một con tàu. Đến được Mã-lai thì lại bị công an tuần tra ven biển đánh đắm vì không cho cặp bờ, nhiều người chết đuối vì không biết lội, thế nhưng khi lên được bờ thì lại được dân chúng địa phương giúp đỡ và cho thức ăn.

 

Một con tàu của người tỵ nạn Việt Nam năm 1979

Cậu bé Trung-Phúc ở cạnh mép bìa bên phải trong tấm hình này.

(Photo: AFP /Getty Images)

               

         Cha cậu xin tị nạn tại Pháp và gia đình được đưa sang Pháp bằng máy bay và tạm trú trong trại tị nạn ở Créteil. Năm 2015, cậu bé Trung-Phúc thuật lại câu chuyện này với ký giả Cédric Garofé của tờ nhật báo "20 Minutes" (số ra ngày 5 tháng chín 2015). Vào năm đó thì cậu đã trở thành một người già dặn ở tuổi 40, và là một nhân viên chỉ huy trong ngành viễn thông của Pháp. Cậu bé Phúc-Trung bốn tuổi và cả cô bé Caroline Guyenne 11 tuổi trước kia trong trại tị nạn Créteil trước khi trở thành người Pháp, công dân của một nước dân chủtự do, thế nhưng cả hai tuy xa quê hương từ thuở ấu thơ nhưng vẫn không quên nguồn gốc của dân tộc mình, của quê hương mình và của cả chính mình.

 

         Điều đó chẳng phải đã mang lại cho chúng ta một sự tin tưởng nào đó nơi bản chất con người hay sao. Dù đứng ở vị thế nào, người tị nạn hay người mở rộng vòng tay, thì bản chất đó nơi con người quả là một chút âm ấm tình người trong tim. Hơn nữa hơi ấm tình người đó cũng cho thấy một sự tương phản thật rõ nét đối với thái độ trịch thượng của các vị thừa sai và sự hách dịch của các vị quản lý thuộc địa đối với những người "nhà quê dốt nát" của xứ Bắc-kỳ vào đầu thế kỷ XX (độc giả có thể xem lại bài số 2 của sử gia Charles Keith trong loạt bài này). Sự ân cầnthân thiện đó của một ngôi làng nhỏ bé trên đất Pháp dường như cũng tương phản với sự hung bạo đầy thủ đoạn của một nền chính trị tôn thờ một chủ nghĩa ngoại lai trên toàn đất nước (bài số 3 của sử gia Nguyễn Thế Anh trên đây). "Lịch sử - Xã hội - Con người" quả là muôn mặt, vì vậy thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta cũng nên suy nghĩ để chọn cho mình một hướng đi, một con đường xứng đáng và ngay thật hơn qua muôn ngàn ngõ ngách trên một quê hương chung.

 

         Ngoài ra trong câu chuyện vượt biên trên đây, vị kỷ sư Trung-Phúc cũng có nêu lên một lời tâm sự, một sự thương cảm nào đó, đối với một em bé vượt biên ba tuổi là Aylan Kurdi, gốc người Syria nằm chết trên bãi biển của xứ Thồ Nhĩ Kỳ ngày 3 tháng 9 năm 2015. Một số người trong chúng ta có thể vẫn còn nhớ đến em bé Aylan nằm sấp mặt trên bãi cát, thế nhưng trí nhớ của chúng ta dường như đôi khi quá ngắn, do vậy chúng ta sẽ dành ra vài phút để hồi tưởng lại hình ảnh em bé Aylan trong phần phụ lục của bài 4 sắp tới trong loạt bài "Phật giáo: Lịch sử - Xã-hội - Con người"

 

         Ngoài ra độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp bài báo nói về ngôi làng Noyan bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm các chữ: "Pagode, statues de Bouddha..., dans ce petit village..", hoặc đối với câu chuyện vượt biên của cậu bé thuyền nhân Trung-Phúc thì gõ các chữ: "Je suis un réfugié de la mer, j'aurais pu...".

 

                                                                   Bures-Sur-Yvette, 13.08.23
Tạo bài viết
18/10/2010(Xem: 46454)
18/01/2012(Xem: 29873)
free website cloud based tv menu online azimenu
Sau những ngày Miến Điện nghỉ Tết, nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi do Sư Cô Tn Như Hiếu điều hành đã tiếp tục dấn thân cứu trợ. Hôm nay 22. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Myanmar đợt 5. Cũng như 4 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Thích nữ Như Hiếu- Suriyavati) Xin tường trình Lộ trình đi cứu trợ miền động đất Myanmar.
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).