Thư Viện Hoa Sen

Phụ Lục 1: Bài kinh về vị vua xứ Kosala

24/08/20235:18 SA(Xem: 1170)
Phụ Lục 1: Bài kinh về vị vua xứ Kosala

Phụ Lục 1

 Bài kinh về vị vua xứ Kosala

Kosala Sutta (AN 10.30 / Anguttara Nikāya / Tăng Chi Bộ Kinh

Hoang Phong chuyển ngữ

 

          Có một lần Đấng Thế Tôn ngụ tại thành Sāvatthī (Xá vệ), nơi khu rừng thưa Jeta (Kỳ-thọ), trong ngôi vườn của Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc). Vào lúc đó, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của xứ Kosala (Kiêu-tát-la) cũng vừa thắng một trận chiến và hoàn tất được mục đích của mình. Trên đường từ mặt trận trở về, vua Pasenadi của xứ Kosala có ý tìm đến vùng ẩn cư [của Đấng Thế Tôn]. Vua Pasenadi đánh xe dọc theo con đường mòn tiến sâu vào khu rừng, đến cuối con đường mòn thì vua Pasenadi phải xuống xe đi bộ để tìm nơi ẩn cư [của Đấng Thế Tôn]. Vào lúc đó có một nhóm bhikkhu (tỳ-kheo / tức là các nhà sư, các đệ tử của Đức Phật) đang tản bộ ngoài trời. Vua Pasenadi của xứ Koasala bèn tiến đến gần và cất lời hỏi họ:

 

          - Thưa các Ngài (Bhante), Đấng Thế Tôn (Bhagavā), Vị A-la-hán (Arahant), Vị Giác Ngộ tối thượng, đang ở đâu vậy?

 

          - Thưa Đại vương (Mahārāja), Đấng Thế Tôn đang ở trong túp lều khép kín tận phía đằng kia. Đại vương cứ yên lặng đến đấy. Không nên hấp tấp, Đại vương cứ từ tốn bước vào cổng lều, tằng hắng lấy giọng và gõ vào cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa để đón Đại vương

 

          Nghe vậy, Vua Pasenadi của xứ Kosala tiến về phía căn lều khép kín. Không hấp tấp, vua Pasenadi bước vào cổng, tằng hắng lấy giọng và gõ nhẹ vào then cửa. Đấng Thế Tôn mở cửa gian lều.

           

          Vua Pasenadi của xứ Kosala bước vào bên trong, quỳ xuống, hai tay ôm lấy đôi chân của Đấng Thế Tôn, úp mặt và hôn lên hai bàn chân. Sau đó thì thốt lên tên của mình:

 

          - Thưa Thế Tôn, tôi là Pasedani, vua của xứ Kosala! Thưa Thế Tôn, tôi là Pasenadi, vua của xứ Kosala!

 

          - Thế nhưng, này Đại vương, vì lý do gì mà Đại vương lại tỏ bày sự tôn kính tột đỉnh đó và hiến dâng cả tấm lòng ưu ái đó đối với thân xác này [của ta]?

 

          - Thưa Ngài, sự hiến dâng đầy lòng thương cảm ấy là để tỏ bày lòng biết ơn của tôi và cũng là để nói lên sự cảm tạ của tôi đối với Thế Tôn.  

 

          (1) Bởi vì, Ngài, Vị Thế Tôn đã mang lại sư an lành cho thật nhiều người, niềm an vui cho thật nhiều người, vạch ra cho thế giới một con đường cao quý, điều đó có nghĩa là thiết lập được một đường hướng Dhamma (Đạo Pháp) trong lành. Đấy là một trong các lý do khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này [của tôi] để tỏ bày sự tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].   

 

          (2) Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn đạo hạnh thực hiện được một cung cách hành xử chín chắn, một hành vi cao quý, một thái độ trong lành. Đấy là lý do khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày sự tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].  

 

          (3) Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn từng lưu trú lâu dài nơi chốn rừng hoang, trong các túp lều hẻo lánh trong rừng, hoặc trong các khoảnh rừng thưa giữa những vùng rừng rậm. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày sự tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].

 

          (4) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn luôn hài lòng với bất cứ chiếc áo nào trên người, với bất cứ thức ăn nào khất thực được, với bất cứ gian lều nào, với bất cứ thuốc men nào khi đau ốm. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].

 

          (5) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn xứng đáng đối với các vật cúng dường, xứng đáng đối với các sự tiếp đón ân cần, xứng đáng đối với mọi hình thức hiến dâng, xứng đáng đối với mọi cung cách tôn kính, là hiện thân của cả một bầu không gian phẩm tính vô biên trong thế giới. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].

 

          (6) Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn thuyết giảng một cách tự nhiên, không một trở ngại nào cũng không cần một cố gắng nào, nhằm nêu cao một cuộc sống khắc khổ, loại bỏ được các thứ ô nhiễm, mang lại sự sáng suốt cho tâm thần, có nghĩa là giới hạn được mọi sự thèm khát, tạo được [cho mình] sự hài lòng, sự đơn độc, sự cách biệt, sự tập trung nghị lực, sự khơi động silā (đạo đức), sự thực hiện samādhi (thể dạng lắng sâu trong thiền định), sự phát huy paññā (trí tuệ), đưa đến sự giải thoát và cả sự quán thấy (sự cảm nhận) về thể dạng giải thoát ấy. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọnsâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].    

 

          (7) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn đã đạt được một cách tự nhiên, không trở ngại cũng không khó khăn, [tất cả] bốn cấp bậc jhāna (bốn cấp bậc lắng sâu của tâm thức trong phép luyện tập thiền định) tạo ra một tri thức thượng thặng, mang lại một cuộc sống an vui trong hiện tại này (tại nơi này và trong lúc này). Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ bày lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].

 

          (8) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn nhớ lại được các kiếp sống trước đây của mình, có nghĩa là một sự sinh, hai sự sinh, ba..., bốn..., năm..., mười..., một trăm..., một ngàn..., một trăm ngàn sự sinh, cùng với vô số kappa (kỳ kiếp, kiếp-ba / một khoảng thời gian thật dài) về sự co thắt (sự thu nhỏ và tan biến) của vũ trụ, với vô số kappa về sự trương nở (sự hình thành) của vũ trụ, với vô số kappa về sự co thắt và cả sự trương nở của vũ trụ, chẳng hạn như: 'Tại nơi này, tôi từng mang tên như thế này, tôi từng thuộc vào bộ tộc này, tôi từng mang vóc dáng như thế này. Các thứ thực phẩm này từng nuôi tôi. Tôi từng cảm nhận được các sự thích thú và khổ đau như thế này, và [ý thức được] lúc mà tôi lìa đời. Sau khi chết và sau khi tách ra khỏi thể dạng ấy, thì tôi lại sinh ra tại nơi kia. Tại nơi kia tôi lại mang một tên gọi khác; thuộc một bộ tộc khác, mang một vóc dáng khác. Đây là các thực phẩm từng nuôi tôi [tại nơi ấy], đây là các cảm nhận thích thú và khổ đau từng xảy ra với tôi [tại nơi ấy], đây là sự chấm dứt cuộc sống ấy của tôi [tại nơi ấy]. Tách ra khỏi thể dạng ấy sau khi chết, tôi lại đang hiện ra tại nơi này (trước mặt vua Pasenadi). Đấy là cách mà Tathāgata (Như Lai / cách mà Đức Phật tự xưng mình, tự gọi mình. Chữ Tathāgata là một chữ rút gọn, có nghĩa là " Như thế", nguyên nghĩa đầy đủ là: "không từ đâu đến và cũng không đi về đâu cả" là một cách biểu hiện cho Hiện thực tối hậu, phản ảnh sự Hiện hữu của tất cả mọi hiện tượng trong hiện tại này và tại nơi này). Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].     

 

          (9) Hơn nữa, Ngài, với đôi mắt kỳ diệu đã được tinh khiết hoá, vượt lên trên khả năng trông thấy của con người, là Vị Thế Tôn quán thấy được tại sao chúng sinh sau khi chết lại tái sinh trong các cõi thấp kém hay cao cả, mang vóc dáng xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo hèn, và Ngài cũng hiểu được tại sao chúng sinh lại lệ thuộc vào kamma (nghiệp) của mình, chẳng hạn như: 'Các chúng sinh này thực thi các hành động tồi tệ trên phương diện thân xác, ngôn từ hay tâm thần, phỉ báng những người cao quý, phát động các diṭṭhi (tầm nhìn, quan điểm) lầm lẫn đưa đến các hành động ảnh hưởng bởi tác động của các diṭṭhi lầm lẫn, thì sau khi thân xác tan rã vì cái chết xảy ra, thì sẽ hiện ra trở lại dưới thể dạng hiện hữu đầy khuyết điểm (kém cỏi, thiếu thốn), trong một cảnh huống thấp kém, kể cả là nơi địa ngục (một nơi đói nghèo, hung bạo, bệnh tật và chiến tranh lan tràn). Trái lại, các chúng sinh khác tạo được cho mình một cung cách hành xử đúng đắn trên phương diện thân xác, ngôn từtâm thần, không phỉ báng các vị cao quý, phát động được các diṭṭhi (tầm nhìn, quan điểm) đúng đắn, thực thi các hành động ảnh hưởng bởi các diṭṭhi đúng đắn, ý thức được kamma tạo ra bởi các diṭṭhi lầm lẫn, không, thì sau khi thân xác tan rã vì cái chết xảy ra, thì họ sẽ hiển hiện trở lại trong các cảnh giới tốt đẹp, nơi cõi thiên nhân' (những nơi sung túc, hiền hòayên ổn). Đấy là cách mà Vị Thế Tôn, với đôi mắt kỳ diệu đã được tinh khiết hóa, vượt lên trên khả năng trông thấy của con người, đã nhận biết được tại sao các chúng sinh lại chết đi và tái sinh trong các cõi thấp kém hay cao cả, xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo hèn, [tất cả đều] tùy thuộc vào kamma (nghiệp) của họ. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].)

 

          (10) "Hơn nữa, Ngài, Vị Thế Tôn làm tan biến được mọi thứ āsava (các sự ô nhiễm tâm thần: đam mê, thèm khát, bám víu,...), tạo ra cho chính mình một sự hiểu biết trực tiếp trong cuộc sống này, mang lại cho tâm thức mình một sự giải thoát tinh khiết, một sự giải thoát bằng trí tuệ, giúp mình hòa nhập vào chính sự giải thoát đó. Chính đấy là một lý do thêm nữa khiến tôi phải mượn cái thân xác hèn mọn nhưng sâu xa này để tỏ lòng tôn kính tối thượng và lòng ưu ái của tôi [đối với Thế Tôn].

 

          - "Đến đây, Thưa Thế Tôn, vì còn nhiều trọng trách phải đảm đang, tôi đành mạn phép cáo biệt [Thế Tôn]".

 

          - "Này Đại vương, hãy cứ làm những gì tỏ ra thích nghi với chính mình.

 

          Thế rồi, vua Pasenadi của xứ Kosala rời ghế đứng lên, vái chào Đấng Thế Tôn, sau đó thì đứng dịch sang phía tay phải, trước khi quay lưng ra đi.

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

          Thật ra, những lời tán dương Đức Phật trên đây mang tính cách khá tổng quát, thuộc cấp bậc hiểu biết của vua Pasenadi, bởi vì nội dung giáo lý do Đức Phật nêu lên thuộc vào các lãnh vực đạo đứctriết học siêu việt và khúc triết hơn nhiều. Sở dĩ nêu lên bài kinh này dưới hình thức phụ lục là để cho thấy vua Pasenadi của xứ Kosala hai mươi lăm thế kỷ trước, sau khi thắng trận và thực hiện được mục đích của mình, thì tức khắc tìm Đức Phật để hôn lên đôi bàn chân của Ngài. Cử chỉ khiêm tốn và tôn kính đó phải chăng là một cách kín đáo - hoặc cũng có thể là một sự thúc đẩy sâu kín trong tiềm thức vị vua Pasenadi - nhằm che dấu một thoáng hối hận nào đó trước sự hung bạo và sự hiếu chiến của mình. Điều này quả trái ngược hẳn với thái độ của một số người ngày nay, sau khi thắng trận và áp đặt một thể chế độc tài cho dân tộc, thì lại bắt những người tu hành đóng tuồng bày tỏ sự trung thành với mình, với chủ đích mượn sự trung thành đó để "hợp thức hóa" hành động hung bạo và chủ trương độc đoán của mình, đúng với sự nhận xét của sử gia Nguyễn Thế Anh trong bài khảo luận của ông nêu lên trong bài 3 của loạt bài này. 

 

          Nói chung những gì trên đây nhất thiết liên quan đến những người lãnh đạo trong lãnh vực chính trị cũng như tín ngưỡng. Đối với những người tu hành khiêm tốn và những người thế tục bình dị hơn thì khi đã bước vào con đường Phật giáo thì phải giữ gìn các quy tắc đạo đức như thế nào: tránh sát sinh, tránh trộm cắp, tránh tà dâm, tránh nói dối, tránh say sưa. Các quy tắc đạo đức đơn giản đó rất cần thiết cho "xã hội", gần gũi với "con người" và đã trải qua một "lịch sử" thật lâu dài hơn hai mươi lăm thế kỷ, chẳng có gì là cách mạng trong nền đạo đức đó cả. Đối với nền "đạo đức cách mạng" ngày nay thì xin dành sự thẩm định cho người đọc.     

 

          Bài kinh trên đây cũng cho thấy sự khiêm tốn của một vị vua, với thân xác hèn mọn nhưng phản ảnh một chút gì đó sâu xa bên trong cái thân xác đó của mình, khác hẳn với cử chỉ vung tay và đá chân của nữ diễn viên Phùng Há trong vai kép độc Lữ Bố, và cả thái độ nghiêm trang của những vị tu hànhvị Đạo diễn của họ trên sân khấu.

 

          Chữ bhikkhu / tỳ-kheo có nghĩa là người ăn xin, vì vậy người bhikkhu là người khiêm tốn đến cùng cực, nhưng cũng là người bước đi trên một con đường rộng lớn, không nên ôm trước ngực tấm bảng trao tặng Huân chương Lao động Hạng hai hay Hạng ba, bởi vì đấy chỉ là cách cướp công và giành về phần mình sự xứng đáng của những người lao động đích thật đã phải đổ mồ hôi và nước mắt để cung phụng cho mình từng bát cơm, manh áo. Chính Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng từng nhận được Huân chương, thế nhưng vinh dự đó là do Quốc hội Mỹ, đại diện cho một dân tộc, trao tặng.

 

          Ngoài ra cũng còn một điều đáng lưu ý về bài kinh ngắn trên đây. Bài kinh này được chuyển ngữ dựa vào ba bản dịch tiếng Anh của các vị đại sư Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Sujato và Nyanaponika Thera, đồng thời cũng được đối chiếu với vài bản dịch tiếng Pháp khác. Thế nhưng tại Việt Nam, được xem là một nước Phật giáo, thì dường như chỉ có một bản dịch duy nhất của Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012). Người chuyển ngữ bài này có ý đối chiếu bản dịch tiếng Việt này của Hòa thượng Thích Minh Châu với các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp đã được tham khảo, do đó đã ra sức tìm kiếm bản dịch này trên mạng, và đã phải mất rất nhiều công sức, chẳng qua là vì bản dịch không dựa vào cách phân loại bằng cách đánh số từng bài kinh như thường thấy ngày nay, mà đặt chung trong toàn bộ tập kinh Anguttara nikāya / Tăng chi bộ kinh. Chúng ta đều biết là tập kinh này gồm hằng ngàn bài kinh ngắn khác nhau.

 

          Tuy nhiên bản dịch của Hòa thượng Thích minh Châu cũng đã tìm được, thế nhưng quả thật không ngờ: bài kinh này và toàn bộ tập Tăng chi bộ kinh được đăng tải trên hàng chục trang mạng Phật giáo khác nhau. Độc giả có thể tìm bài kinh này bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: "Kinh Tăng Chi Bộ HT Thích Minh Châu" thì sẽ tìm được các trang mạng đăng tập kinh này. Sau đó thì tìm "Chương Mười Pháp", tiếp theo sau đó trong "Chương Mười Pháp" thì tìm: "03. Phẩm lớn", khi "03. Phẩm lớn" hiện ra thì tiếp tục kéo xuống bên dưới, dần dần sẽ thấy mục: "(X) (30) Kosalà (2)" tức là bài kinh nêu lên thái độ của vua Pasenadi đối với Đức Phật nói đến trên đây. Nếu muốn tìm các bản dịch bằng các ngoại ngữ Tây phương thì chỉ cần đơn giản gõ các chữ " Kosala Sutta AN 10.30" vào một công cụ tìm kiếm trên mạng thì cũng đủ tìm thấy rất nhiều bản dịch khác nhau bằng các thứ tiếng khác nhau về bản kinh này.

 

          Sau khi suy nghĩ thêm thì có thể một số độc giả chưa quen với việc tìm kiếm kinh sách trên mạng, do đó người chuyển ngữ mạn phép trích dẫn dưới đây bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, hầu một số độc giả có thể đọc được nhưng không mất nhiều thì giờ vào việc tìm kiếm:

(X) (30) Kosalà (2)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala, từ một trận chiến trở về, thắng trận, mục đích đã đạt được. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến khu vườn. Xa cho đến đất có thể đi xe được, vua đi xe, rồi xuống xe đi bộ và vào khu vườn.

2. Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo đang đi kinh hành ngoài trời. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo:

– Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác trú ở đâu? Thưa các Tôn giả, chúng tôi muốn yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Tâu Đại vương, đây là ngôi tịnh xá, có cửa đóng. Ngài hãy đi đến ngôi nhà ấy, đừng có tiếng động, đừng có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ nơi then cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa cho Đại vương.

3. Rồi vua Pasenadi nước Kosalà, đi đến ngôi tịnh xá cửa đóng ấy, đi đến không có tiếng động, không có hấp tấp, bước vào mái hiên, đằng hắng, rồi gõ vào then cửa. Thế Tôn mở cửa. Rồi vua Pasenadi, nước Kosalà đi vào tịnh xá, đầu cúi rạp xuống trước chân Thế Tôn, miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay xoa bóp, và nói lên tên mình:

– Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà. Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosalà.

– Thưa Đại vương, do Đại vương thấy ý nghĩa lợi ích gì mà Đại vương lại làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ lộ lòng kính mộ đối với cái thân này?

4. Bạch Thế Tôn, để nêu rõ lòng biết ơn của con, để nói lên lòng cảm tạ của con đối với Thế Tôn, mà con làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy và tỏ bày lòng từ ái đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đã thực hiện hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, là vị đã an lập Thánh chánh lý cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh. Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn là vị đã thực hiện hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, tức là chánh chơn pháp tánh, thiện pháp tánh; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ bày lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn có giới, có Phật giới, có Thánh giới, có thiện giới, có đầy đủ thiện giới; bạch Thế Tôn, vì con thấy ý nghĩa lợi ích này, mà con đã làm những cử hạ liệt quá mức như vậy và bày tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn đã lâu ngày là vị sống ở rừng, sống tại các trú xứ rừng núi, các vùng cao nguyên hẻo lánh xa vắng; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào được cúng dường, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn là vị biết đủ với bất cứ vật dụng nào cúng dường, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tayphước điền vô thượng ở đời. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn là vị đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ với Thế Tôn.

9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng, khai mở tâm trí, ví như câu chuyện về ít dục, câu chuyện biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến, các câu chuyện như vậy, Thế Tôn có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng, bạch Thế Tôn, những câu chuyện nào thuộc hướng thượng… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

10. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn đối với bốn Thiền… có được không phí sức; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

11. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn tùy niệm nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời với các nét đại cương và các chi tiết. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhớ lại nhiều đời quá khứ, như một đời, hai đời… nhớ lại nhiều đời sống với các nét đại cương và các chi tiết; bạch Thế Tôn, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

12. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân…đều do hạnh nghiệp của họ. Bạch Thế Tôn, vì rằng Thế Tôn với thiên thanh nhãn tịnh siêu nhân, vì con thấy… lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

13. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì rằng bạch Thế Tôn, Thế Tôn do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; vì con thấy ý nghĩa lợi ích này nên con đã làm những cử chỉ hạ liệt quá mức như vậy, và tỏ lòng kính mộ đối với Thế Tôn.

14. Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều công tác, có nhiều công việc phải làm.

– Thưa Đại vương, nay Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là hợp thời.

Rồi vua Pasanadi nước Kosalà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

          Thế nhưng cũng chưa hết, cũng còn một điều cần lưu ý khác. Một vài trang mạng đăng tải bài kinh này thế nhưng không ghi chú nguồn gốc, mà ngược lại chỉ nêu tên mình như là người dịch hoặc là tác giả, chẳng hạn như trường hợp trang mạng chuahoangphap.com nêu lên như sau:        

           

Vua PASENADI (BA-TƯ-NẶC)

Tác giả: Thích Chân Tính (chuahoangphap.com.vn)

II - 27. KINH KOSALA

27. KINH KOSALA (Kinh số 10, Phẩm 3, Chương 10, Tập 4, Tăng chi bộ kinh)

 

          Nếu dựa vào các ghi chú về quy chiếu trên đây thì không thể nào tìm được bài kinh này trong Đại Tạng Kinh, và dường như "tác giả" (?) thì cũng không phải là nhà sư này.

 

          (Địa chỉ liên kết về bài kinh này trên trang mạng chuahoangphap như sau: https://www.chuahoangphap.com.vn/thu-vien-kinh-sach/chi-tiet-vua-pasenadi-ba-tu-nac-206/index-2412/, hoặc độc giả cũng có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ: "Chùa Hoằng Pháp Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)")

 

          Hoặc trường hợp của trang mạng daophatngaynay.com nêu lên bài kinh này, nhưng không ghi rõ xuất xứ khiến có thể hiểu lầm người đưa bản kinh này lên mạng là dịch giả của bài kinh. Sau đây là cách giới thiệu bài kinh này trên trang mạng phatgiaongaynay.com:

 

Trang chủKinh điển,  Kinh điển Pali  - Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) Tỏ Bày Lòng Kính Mộ Đối Với Thế Tôn

Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) Tỏ Bày Lòng Kính Mộ  Đối Với Thế Tôn

Tâm Tịnh

 

(Địa chỉ liên kết: https://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/pali/32973-vua-ba-tu-nac-pasenadi-to-bay-long-kinh-mo-doi-voi-the-ton.html)

 

          Trong bài 3, tờ nhật báo "20 Minutes" tại Pháp có phỏng vấn một "kiều bào hải ngoại" tên là Trung-Phúc, một viên chức trong ngành viễn thông. Trung-Phúc là một cựu "thuyền nhân" vượt biên cùng với cha mẹ năm 1979, lúc đó ông là một cậu bé 4 tuổi. Bài báo phỏng vấn ông phát hành ngày 5 tháng chín 2015, và trong bài phỏng vấn đó ông có nêu lên một câu: "phần số của cậu bé Aylan biết đâu cũng có thể là phần số của tôi". Bài phỏng vấn này xuất hiện trên mặt báo hai ngày sau khi người ta tìm thấy xác của em bé Aylan trên bãi cát. Có thể nhiểu người đã quên sự kiện đau lòng này, vì vậy người chuyển ngữ xin nhắc lại  trong phụ lục dưới đây.

Tạo bài viết
18/10/2010(Xem: 46416)
18/01/2012(Xem: 29848)
Ngày Quán Niệm Tháng Tư. Chủ đề: Nuôi dưỡng và trị liệu
free website cloud based tv menu online azimenu
Hôm nay 15/4 2025, ( Lúc này đang là thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc Miến ), chúng con xin tiếp tường trình cứu trợ động đất Myanmar đợt 4. Cũng như 3 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Khemacari).
thành phố New York đã chính thức khánh thành con đường mang tên "Thích Nhất Hạnh Way" tại giao lộ đường Broadway và West 109th Street, nhằm vinh danh Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni, chư Phật tử và quý đồng hương hảo tâm Từ thiện. Được quý vị quan tâm thương tưởng cho tâm nguyện cứu trợ của chúng con, hôm nay 10. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Mynamar đợt 3.