Thư Viện Hoa Sen

Bốn Câu Mà Sư Minh Tuệ Đọc Xuất Phát Từ Đâu? | Nguyễn Đình Bổn:

02/01/202510:41 SA(Xem: 629)
Bốn Câu Mà Sư Minh Tuệ Đọc Xuất Phát Từ Đâu? | Nguyễn Đình Bổn:
blank
 BỐN CÂU MÀ SƯ MINH TUỆ ĐỌC XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU?
Nguyễn Đình Bổn


imagesVài hôm trước, buổi sáng khi sắp sửa lên đường, sư Minh Tuệ có đọc 4 câu như sau:

Người thợ săn đặt bày lưới sập,
Loài nai khôn chẳng chạm bén chân,
Ăn lúa xong, chúng ta lên đường,
Mặc cho kẻ bắt nai than khóc.

Bốn câu trên khiến nhiều người thắc mắc vì vốn dĩ sư rất ít nói. Vậy bốn câu trên từ đâu? Đó là trong Kinh Trung bộ (Kinh Ratthapàla- Ratthapàla sutta) do Hòa thượng Thích Minh Châu, dịch ra tiếng Việt.

Các bản kinh Phật giáo thường dài, ngôn từ hơi cổ và thường lặp đi lặp lại một cụm từ, vì vậy tôi sẽ tóm lược lại ý chính cho ai muốn tìm hiểu mà ngại đọc dài để dễ hiểu hơn.

Câu chuyện kể về thời Đức Phật còn du hành, và đi đến một thị trấn của dân chúng Kuru tên là Thullakotthita. Tại đó có một gia đình thượng tộc, đứng đầu về độ giàu có, họ có duy nhất một người con trai tên là Ratthapala đã 24 tuổi và đã có gia đình. Khi gặp Đức Phật, Ratthapala chấn động và nghĩ: “Như ta được hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, thời sống tại gia đình thật không dễ gì thực hành Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn trong sạch, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

Sau đó Ratthapala đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên và bày tỏ ý định của mình. Nhưng Đức Phật hỏi anh đã xin phép gia đình chưa, và khi biết chưa, Ngài cho biết muốn xuất gia phải xin phép các bậc sinh thành.

Ratthapala quay về nhà nhưng cha anh cực lực phản đối, vì ông muốn dành tất cả gia sản của mình cho người con trai này. Ông nói: Này con thân yêu Ratthapala, con không biết gì về đau khổ. Này con thân yêu Ratthapala, hãy đến ăn, hãy uống và hãy ăn chơi. Ăn, uống, ăn chơi, con có thể thụ hưởng các ái dụcsung sướng làm các phước đức. Chúng ta không bằng lòng cho con được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Nhưng ý chí đã quyết anh vẫn kiên trì xin được xuất giacuối cùng cho biết sẽ im lặng đến chết nếu không được chấp nhận.

Cuối cùng người cha đầu hàng với một điều kiện: Sau khi xuất gia anh phải có một lần về thăm gia đình.

Anh quay lại với Đức Phật, xin thọ đại giớitu tập dưới sự chỉ dẫn của Đức Phật. Sau đó ông sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh tấn, không bao lâu đạt được mục đích tự chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn phải trở lui ở đời này nữa”. Tôn giả Ratthapala trở thành một vị A-la-hán.

Một thời gian sau Tôn giả Ratthapala bạch Thế Tôn về việc muốn đi thăm cha mẹ như đã hứa, Đức Phật nói: Này Ratthapala, nay Ông hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

Một buổi sáng tôn giả Ratthapala đắp y, cầm bát, đi khất thực. Ông đi từng nhà một ở Thullakotthita và đến tại nhà người cha mình.

Lúc bấy giờ người cha của Tôn giả Ratthapala đang chải tóc ở giữa gian phòng và nhìn thấy Ratthapala từ xa đi đến, và nói “Chính vì những Sa-môn đầu trọc này mà đứa con độc nhất của chúng ta, đứa con khả ái, đã xuất gia.”

Vậy là Tôn giả Ratthapala đứng trước ngôi nhà của cha mình, không được bố thí, không nhận được sự chào đón, chỉ nhận được lời sỉ nhục.

Nhưng một nữ tỳ nhận ra ông khi ông xin cháo và người cha đưa ông vào nhà nhưng ông nói đã nhận cháo và không ăn thêm trong ngày nhưng do người cha năn nỉ, ông nhận lời sẽ đến vào ngày mai.

Vì vẫn luyến tiếc con trai, chưa hiểu gốc rễ của vấn đề người cha lại muốn đem các dục lạc thế gian ra nhằm dụ con mình hoàn tục. Ông cho chất vàng nén và tiền vàng thành một đống lớn, lấy màn che lại, và cho gọi các người vợ, nàng hầu xinh đẹp trước đây của Tôn giả Ratthapala đến và nói: Này các con dâu, hãy tự trang điểm với những trang điểm mà xưa kia các con được Ratthapala ái lạcưa thích.

Ông còn cho sắm sửa một bàn tiệc với các món ăn thượng vị, những món ăn mà xưa kia con trai ông ưa thích.

Tôn giả Ratthapala vào buổi sáng đó vẫn đắp y, cầm bát đi đến ngồi nhà của người cha mình, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người cha của Tôn giả Ratthapala cho trình bày ra đống vàng nén và tiền vàng và nói với Tôn giả Ratthapala: – Này con thân yêu Ratthapala, đây là tiền tài của mẹ, kia là tiền tài của cha, kia là tiền tài của tổ tiên. Này con thân yêu Ratthapala, con có thể thụ hưởng tài vật và làm các phước đức. Này con thân yêu Ratthapala, hãy từ bỏ tu học, hoàn tục thụ hưởng các tài vật và làm các phước đức.

– Thưa gia chủ, xin gia chủ làm theo lời nói của tôi, sau khi chồng chất đống vàng nén và tiền vàng này vào trong các xe, sau đó cho chở đến giữa sông Hằng, hãy đổ đống vàng này vào giữa dòng sông. Vì sao vậy? Này gia chủ, vì do nhân duyên này, mà sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ khởi lên cho gia chủ.

Rồi những người vợ cũ của Tôn giả Ratthapala ôm mỗi chân (Tôn giả) và nói:

– Thưa phu quân (ayyaputtaka) vì thiên nữ nào mà phu quân sống phạm hạnh?

– Thưa các bà chị, không phải vì thiên nữ nào mà chúng tôi sống phạm hạnh.

Phu quân Ratthapala đối với chúng ta ra sao gọi chúng ta là bà chị?

Thốt lên như vậy, (các người vợ cũ) liền ngã xuống đất, bất tỉnh.

Rồi Tôn giả Ratthapala nói với phụ thân:

– Thưa gia chủ, nếu gia chủ muốn bố thí đồ ăn thời hãy bố thí đi, chớ có phiền nhiễu chúng tôi.

– Hãy ăn, này con thân yêu Ratthapala, cơm đã sẵn sàng.

Rồi người cha của Tôn giả Ratthapala tự tay bồi tiếp các món ngon. Khi đã ăn xong, Tôn giả Ratthapala đứng dậy và nói bài kệ sau đây:

Hãy nhìn hình bóng trang sức này,
Một nhóm vết thương được tích tụ,
Bệnh nhiều, tham tưởng cũng khá nhiều,
Nhưng không gì kiên cố, thường trú.
Hãy nhìn dung mạo trang sức này,
Với các châu báu, với vòng tai,
Một bộ xương được da bao phủ,
Được y phục làm cho sáng chói.
Chân được sơn với son với sáp,
Mặt được thoa với phấn, với bột,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Tóc được uốn bảy vòng, bảy lớp,
Mắt được xoa với thuốc, với son,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Như hộp thuốc trang hoàng mới mẻ,
uế thân được điểm thời trang,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Người thợ săn đặt bày lưới sập,
Loài nai khôn chẳng chạm bén chân,
Ăn lúa xong, chúng ta lên đường,
Mặc cho kẻ bắt nai than khóc.

Tôn giả Ratthapala đọc bài kệ xong đứng dậy, liền rời khởi căn nhà của cha mình, đi đến vườn Lộc Uyển của vua Koravya, nghỉ trưa dưới một gốc cây. (Nguồn: Kinh Ratthapàla- hòa thượng Thích Minh Châu dịch).

Phần tiếp theo của bài kinh Kinh Ratthapàla là chuyện vua Koravya gặp Tôn giả Ratthapala thắc mắc vì sao ông xuất gia và được Ngài khai thị về 4 điều hư tưởng của thế gian là Lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong, khá dài nên hẹn các bạn sẽ đề cập khi hữu duyên.

Có lẽ (theo suy đoán của tui) sư Minh Tuệ cũng nhìn thấy một số điểm tương đồng của mình với Tôn giả Ratthapala trên con đường rời khỏi đời thường để trở thành một vị sư theo hạnh đầu đà nên ông đã thuộc và đọc bốn câu cuối cùng của bài kệ đó.

Trong bài kệ “người thợ săn” là hình ảnh ẩn dụ cho những dục lạc thế gian chớ không phải người cha của Tôn giả Ratthapala. Còn nai là hình ảnh thường thấy trong các kinh sách Ấn Độ, và rõ ràng Không phải nai nào cũng…nai!
(Theo Diễn Đàn Thế Kỷ)

Xem thêm bản kinh:
Ratthapala Suttd Pali-116

 

Tạo bài viết
14/10/2014(Xem: 7131)
Kính thưa chư Tôn thiền đức, quý Phật tử và quý độc giả, Như chúng tôi đã bố cáo trên Facebook vào thời điểm một nhà sư Việt Nam sửa soạn bộ hành khất thực từ Gia Lai đi Ấn Độ, website Thư Viện Hoa Sen đã bị một thế lực đen tối dấu mặt đánh sập liên tiếp nhiều lần. Tất cả các cuộc tấn công đều theo mô thức DDoS (Distributed Denial of Service) nhắm vào cơ sở hạ tầng mạng làm quá tải và hư hại máy chủ. Sau mỗi lần tấn công, chúng lại dùng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra các cách tấn công mới hơn và thông minh hơn, vượt qua tất cả những biện pháp phòng ngừa truyền thống. Về nguyên nhân chúng tôi đã thưa trong những lần bố cáo trước. Hiện nay hệ thống máy chủ của Thư Viện Hoa Sen đã được sửa chữa và tăng cường thêm nhiều trang thiết bị mới nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công trong tương lai. Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!