LỐI VỀ CHÙA TỔ VIÊN GIÁC Ở HỘI AN
Hoa Lan - Thiện Giới
Đã bao lần tôi về thăm quê hương và ghé Đà Nẵng nhiều lần, nhưng chỉ để thỏa mãn tâm ý thích tìm tòi cảnh đẹp và các món ăn ngon ở Hội An, thích đi chợ đêm xem thiên hạ thắp đèn lồng, rồi ngồi thuyền hoa chèo trên sông Thu Bồn thật thơ mộng. Nhưng có bao giờ tôi nghĩ đến ngôi Tổ Đình Viên Giác chỉ cách Phố Cổ - Hội An một con đường, từ Hai Bà Trưng ra đến Hùng Vương cũng chẳng bao xa. Ấy thế mà mãi đến hôm nay, đúng ngày mùng 4 Tết Ất Tỵ tôi mới làm một chuyến "Dế mèn phiêu lưu ký" bằng xe máy đi từ Đà Nẵng ra Hội An, đến tìm cho bằng được ngôi Tổ Đình Viên Giác để chụp hình gửi về cho Sư Ông Viên Giác ở Hannover Đức quốc.
Duyên lành này đến được cũng nhờ anh Nguyên Đạt, một tay lái lụa ở lứa tuổi 77, dám vượt qua bao mưa gió theo sự chỉ dẫn của bác Google trong chiếc điện thoại cầm tay của tôi, xuyên qua từng cây số ngõ ngách của mỗi ngôi chùa, tìm về dấu vết cổ xưa của 60 năm về trước, nơi Sư phụ kính yêu của tôi đã xuống tóc xuất gia và cũng vì vận nước nổi trôi mà đã bao năm qua chưa một lần về lại viếng thăm. Ôi, cũng bởi suy nghĩ đau lòng này mà tôi quyết định sẽ đem một làn gió mát đến cho Người bằng những dấu vết xưa, như chụp hình chiếc cối xay đậu hũ mà chú tiểu 14 tuổi ngày nào đã miệt mài làm đậu hũ để kiếm thêm thu nhập cho Chùa, còn các Tăng chúng chỉ được ăn những chỗ thừa cắt xén bên rèm. Chụp hình hai cây Đa cổ thụ cao sừng sững trước cổng Chùa, nổi tiếng với bài thơ "Nhớ cây Đa chùa Viên Giác" của thi sĩ Trần Trung Đạo, gợi hình, gợi cảm khắc sâu vào tim mỗi khi ngâm hay đọc:
Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác.
Mười hai năm bèo dạt bến sông đời.
Cây Đa cũ chắc đã già hơn trước.
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi.
.......
Thi sĩ này còn làm nhiều bài thơ bất hủ khác về xứ Quảng, khiến Sư Ông Như Điển cứ gối đầu ngâm mãi bài "Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng? " trong các dịp liên hoan văn nghệ, từ bỏ túi ngoài trời đến sân khấu rực rỡ ánh đèn.
Sau khi dự lễ Giao thừa và đón xuân Ất Tỵ tại chùa Hương Sơn ở Ngũ Hành Sơn với Sư Bà Diệu Nguyên, tôi và anh Nguyên Đạt xem thời tiết không mưa nên mới dám khởi hành đến Hội An vào ngày mùng 4 Tết. Năm nay dân Đà Nẵng cứ ngồi trong nhà hát "Liên khúc mưa" mãi không dứt. Chúng tôi đến Tổ đình Viên Giác lúc 12 giờ trưa, đúng giờ chỉ tịnh nên Chùa thật vắng lặng, chỉ nghe tiếng chó sủa liên hồi với 3 con chó thuộc diện đặc biệt, con thì què cẳng với ba chân, con thì mặt mũi hung dữ nhe răng sủa ông ổng đến lạnh người. Về sau mới biết cửa chùa rộng mở luôn đón nhận những con chó bất kham, được chủ nhân đem ký tự tại Chùa một thời gian cho thuần thục lại.
Chúng tôi choáng ngợp với lối kiến trúc của ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Minh Mạng đã hơn hai trăm năm, những đường nét chạm trổ khảm xà cừ và khảm sứ từ những con rồng bay lượn trên mái chùa và cổng Tam quan thật tinh xảo cứ như rồng bay hay phượng múa. Có phải tôi đói đến hoa mắt không? Chứ cảm giác thì rất lâng lâng như "Hồn bướm mơ tiên" ngày nào! Vì đến vào dịp đầu xuân nên được chiêm ngưỡng những gốc mai già cưu mang những chùm hoa vàng đậm cánh nở rộ trước trời xuân, hình ảnh này làm sao có được bên trời Tây, đã bao năm tôi chỉ được nhìn hoa mai giả gắn vào cành khô, một biểu tượng của Tết mà không thể thiếu ở mỗi Chùa nơi hải ngoại.
Đang miên man ngắm cảnh, còn anh Nguyên Đạt thì say mê chụp mọi góc cạnh ngôi chùa, bỗng một bóng dáng người tu xuất hiện, một Ni Cô trẻ trong chiếc áo nhật bình màu khói lam chiều, tươi cười đến chào khách thập phương viếng thăm chùa. Tôi đành giới thiệu mình là đệ tử của Ôn Như Điển bên Đức quốc, muốn viếng thăm chùa Tổ chụp vài tấm ảnh gửi về Sư phụ. Không ngờ danh tiếng của Sư phụ tôi đối với ngôi chùa cổ quá lớn, chúng tôi được mời vào nhà khách uống trà, ăn bánh mứt, ngồi đợi Thầy Trụ trì Thích Như Tịnh ra đón tiếp.
Sư Cô Hạnh Ngân vừa pha trà, vừa kể chuyện Sư phụ mình đã sửa sang lại ngôi chùa cổ này thật công phu, tỉ mỉ từng chi tiết một để giữ lại dấu vết của lịch sử, văn hóa thời cổ xưa. Chùa mới hoàn thành hai năm trước, chỉ còn cổng Tam quan là để đến hôm nay vì thiếu tịnh tài. Cô kể thêm, lúc trước đang ngồi tụng kinh trong Chánh điện, rui mè tường lở rơi lả tả như mưa bay, cột chùa bị mối gặm đến kinh hoàng. Năm nào lụt lội nước dâng thì tránh được nạn mối gặm gỗ chùa, nhưng đồ đạc lại bị nước làm hư hại, đằng nào cũng chết!
Nghe kể về công trạng sửa Chùa của Thầy Trụ trì, lại chính mắt nhìn thành quả rực rỡ trước mặt, tôi không khỏi ngưỡng mộ vị Trụ trì trẻ này và mong được diện kiến.
Đến khi được gặp mặt, nói vài ba câu chuyện tôi mới biết vị Trụ trì này tôi đã gặp đến 4 lần rồi, nhưng không có đủ duyên để biết nhau từ 20 năm nay.
. Lần đầu gặp tại Chiang Mai ở Thái Lan, nhân dịp Khánh thành Cực Lạc Cảnh Giới của thầy Thích Hạnh Nguyện vào năm 2006. Lúc ấy cơ sở còn rất đơn sơ, chỉ có 3 Tôn Tượng Tam Thánh được dựng lên dưới núi rừng hùng vĩ bên con Suối nhỏ nước chảy róc rách. Hôm ấy tôi gặp một vị Tăng trẻ, rất hảo tướng đang thơ thẩn một mình đi dọc theo con Suối, bèn hỏi Sư Cô Như Giác, người ấy là ai? Và được câu trả lời:
- Đó là Thầy Như Tịnh, chủng tử của Ôn Long Trí Tổ đình Viên Giác ở Hội An.
. Lần thứ hai gặp tại Giới Đàn Pháp Chuyên ở Hannover Đức quốc năm 2008, nhân dịp lễ tấn phong hai Vị lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng, đó là Hòa Thượng Thích Như Điển và Hòa Thượng Thích Quảng Bình. Vì thích sự trầm lặng, ít xuất hiện giữa chốn đông người nên Thầy Như Tịnh đi đến đâu cũng chẳng ai biết, cũng chẳng ai hay, thế thì làm sao được nhắc tên trong bài phóng sự tường thuật về sự kiện này.
. Lần thứ ba mới thần kỳ, gặp tại Chiang Mai năm 2012. Lần này Thầy mang một trọng trách khá lớn, phải tổ chức 3 chiếc xe buýt đi Thái Lan gồm 2 chiếc từ Hội An; một chở Gia Đình và một chở quý Thầy, Cô cùng bạn bè lúc còn học Tiểu Học và chiếc thứ 3 từ Đà Nẵng, chở chư Tăng Ni đi Thái Lan để Nhị vị Hòa Thượng gặp lại thân bằng quyến thuộc sau 40 năm xa cách. Chiếc thứ 4 là chiếc xe buýt du lịch của Thái Lan, chở đoàn hành hương do Hòa Thượng Bảo Lạc hướng dẫn đến từ Úc. Ngoài ra còn dự buổi giỗ Hòa Thượng Thích Long Trí và lễ khánh thành an vị Tôn tượng A Di Đà tại Cực Lạc Cảnh Giới. Thế mà tôi lại nhầm lẫn cứ tưởng Thầy Giác Ân lo mọi việc, Thầy ấy chỉ gom góp các thành viên đang ở miền Nam đi một xe buýt riêng khởi hành từ hướng khác.
Tôi nhận ra từng người trong buổi văn nghệ họp mặt của Nhị vị Hòa Thượng với người thân, dưới ánh lửa bập bùng của những cành cây khô của núi rừng hoang vắng. Nhưng vẫn không nhận ra Thầy. Đã bảo chưa đủ duyên thì làm cách nào cũng không nhận ra nhau.
. Lần thứ tư cũng tại chùa Viên Giác ở Hannover năm 2019, có 4 Sự kiện trọng đại được gộp làm một lễ hội trong 4 ngày:
- Lễ kỷ niệm 40 năm chùa Viên Giác, Chi Bộ Đức quốc và báo Viên Giác.
- Lễ khánh thọ lần thứ 70 của Hòa Thượng Phương trượng chùa Viên Giác.
- Đại Giới Đàn Quán Thông để tấn phong các Chư Tôn Đức được lên hàng giáo phẩm.
- Và một Đêm Văn Hóa giới thiệu sách được Hòa Thượng Phương trượng ủy nhiệm cho Ban Biên tập báo Viên Giác thực hiện.
Ôi, một Lễ hội có một không hai như thế, chắc chắn "dàn khách mời" của Sư phụ tôi trên toàn thế giới quy tụ về không ít và dĩ nhiên có sự hiện diện của Thầy Như Tịnh. Như đã nói ở bên trên, Thầy đến rồi đi nhẹ nhàng như một làn gió mát, khiến tôi chẳng biết gì cả!
Cuối cùng cũng được gặp, khi tôi phải cất công đến gõ cửa chùa Thầy và Thầy biết phải dẫn tôi đi chụp những kỷ niệm xa xưa của Sư phụ tôi ngày nào. Chiếc cối đá xay đậu hũ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt hơn 60 năm tại một góc ở đường luồng sau sân chùa. Thầy Như Tịnh đùa bảo :
- Thầy định đem bán đấu giá để lấy tịnh tài sửa cổng Tam quan!
Tôi trộm nghĩ, muốn bán được giá chắc phải nhờ đến phước báu của Sư phụ tôi.
Sau khi dẫn chúng tôi đi khắp nơi, giải thích tường tận từng phòng ốc, với giá trị lịch sử, văn hóa và đã được sửa chữa bảo tồn khó khăn như thế nào! Thầy Như Tịnh quay về nhà khách pha trà để tiếp tục câu chuyện sống động đang dở dang, rồi hẹn chúng tôi một ngày khác sau rằm tháng giêng cho thư thả, sẽ cùng nhau đi về Quảng Nam thăm gia đình anh Tư của Sư phụ tôi, sẽ thắp cho cụ một nén hương và thăm Tổ đình Chúc Thánh, chùa Phước Lâm ở Hội An nơi Sư phụ tôi đã tu từ năm 1964 đến 1966.
Tuy lời hứa hẹn có làm chúng tôi xao xuyến, nhưng phải Chánh niệm kéo về hiện tại là đang ngồi trong Tổ đình Viên Giác ở Hội An. Trước mặt tôi là bức ảnh của Thầy Long Trí rất trẻ chụp năm 1963, với hàng chữ bừng bừng nhiệt huyết đấu tranh:
Quyết tâm Bảo vệ Chánh pháp.
Và Bình đẳng Tự do của Dân tộc.
Hình ảnh của "Tứ trụ Quảng Nam" treo đầy tường, đó là các vị Hòa Thượng: Thích Như Vạn, Thích Long Trí, Thích Chân Phát và Thích Như Huệ. Ám chỉ 4 nhân vật Phật giáo lừng danh một thời, như là bốn cột trụ chính dùng để chống đỡ tòa nhà Phật giáo Quảng Nam.
Tôi chỉ cần hỏi về những cuộc đấu tranh thời xa xưa của các Vị trong chùa Viên Giác Hội An, là được Thầy Như Tịnh kể rõ từng chi tiết, đặc biệt vẫn là Thầy Long Trí với văn võ song toàn. Người cầm đầu một nhóm người giỏi võ nghệ để tự vệ và thực hiện câu biểu ngữ: "Quyết tâm Bảo vệ Chánh pháp. Và Bình đẳng Tự do của Dân tộc ". Tuy giỏi võ đến thế nhưng cuối cùng Thầy cũng bị phe đàn áp bắt nhốt vào tù rồi đánh đập tơi tả suýt mất mạng, phải đưa ngay vào Sài Gòn chữa trị. Thời gian ấy, chú Điển được gửi sang chùa Phước Lâm của Thầy Như Vạn để tiếp tục đường tu (1964 - 1966).
Đổi đề tài sang bộ Kinh Pháp Hoa do Hòa Thượng Tâm Thanh thuyết giảng, tôi là một "Fan-cứng" của Người, nghĩa là người hâm mộ tích cực. Từ lúc được bác Thị Lộc tặng cho gần 30 cuốn băng cát-sét bằng nhựa, với lời nhắn nhủ, nghe đi hay lắm! Trước đó tôi đã nghe hết 2 bộ của 2 vị Giảng sư khác: Thầy Minh Đức và Thầy Như Điển, nhưng đến Thầy Tâm Thanh thì ghiền đến độ, nghe đi nghe lại nhiều lần đến nhão cả cuộn băng. Tôi nhớ, nhiều lúc đang nghe phải tắt máy, thò tay vào xoay xoay đống băng rối mà bụng tiếc ngẩn ngơ ! Vì đến đoạn quá gây cấn dưới giọng truyền đạt của Thầy.
Hôm nay được dịp trò chuyện với Thầy Như Tịnh về nhân vật tôi ngưỡng mộ và biết thêm lý do tại sao Sư phụ Long Trí phải tức tốc xuống tóc nhận ngay anh Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Lê Thanh Hải làm Đệ tử xuất gia.
Thời ấy đồng hành với các vị Tu sĩ đấu tranh, bên Cư sĩ cũng có 2 vị nồng cốt, một là Huynh trưởng Tâm Thanh đã sát cánh cùng phong trào đấu tranh, vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần. Lúc ấy có một điều luật "rừng" bất thành văn, sẽ khử trừ những ai chống đối chính quyền, nhưng ngoại trừ các Tu sĩ không được đụng vào. Do thấy tính mạng 2 vị Cư sĩ đấu tranh này cực kỳ nguy hiểm, nên Thầy Long Trí phải cho anh Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Tâm Thanh xuống tóc ngay vào năm 1963, mặc dù lúc đó anh đang có gia đình, còn phần anh kia không được thu nhận vì bị khuyến tật. Đúng là số phận! Anh Cư sĩ kia đã mang án tử trên người, nên chỉ thời gian ngắn sau đã bị thủ tiêu một cách êm đẹp.
Cũng nhờ chuyện bất khả kháng như thế, Phật giáo chúng ta sau này mới có thêm một vị Giảng sư tài giỏi tuyệt vời như vậy!
Trong phòng sinh hoạt của Chùa, trên 4 bức tường đều chưng bày các hình ảnh đen trắng của các cuộc đấu tranh thời 1963, các cuộc biểu tình bất bạo động đưa bàn thờ xuống đường, các buổi tuyệt thực im lặng trước các cơ sở lớn ngoài phố chính như Ty Thông tin hay Đài Phát thanh của 3 thành phố chính: Huế, Sài Gòn và Nha Trang. Tài liệu của Huế và Sài Gòn thì dễ tìm, nhưng Nha Trang phải mua lại của tư nhân rất khổ công.
Tôi bỏ công tìm kiếm các bức hình các Phật Tử đấu tranh ngồi tuyệt thực trước Ty Thông tin ở Nha Trang, xem có hình một con bé mười tuổi, ngồi cạnh Bà nội tuyệt thực dưới trời nắng chang chang không? Nhưng rất tiếc không thấy! Không thể đem khoe cùng thiên hạ được.
Trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ lần thứ hai thật hào hứng sau rằm tháng giêng ở Quảng Nam, chúng tôi phải viếng thăm một số các ngôi chùa ở Huế. Chẳng là lúc viết bài về Tổ Liễu Quán, Ôn Tánh Thiệt có dặn dò, nhớ đến Chùa Từ Đàm gặp Thầy Trụ trì sẽ được vào xem Tháp của Tổ ở chùa Thiền Tôn, do đó chúng tôi nhất định ra Huế để hát bài "Ai ra xứ Huế ". Câu hỏi đặt ra, đi bằng phương tiện gì? Tàu Di sản hay xe hơi? Cuối cùng chúng tôi chọn đi xe gắn máy sang số là tiện nhất, được vượt qua đèo Hải Vân đoạn đường đẹp nhất và rùng rợn nhất! Được tiếp xúc với mây khi leo lên tận sườn núi cao, rồi thả dốc xuống biển khi ghé ngang Lăng Cô, một cảm giác thú vị khi những giọt mưa phùn trên núi lấm tấm dội vào mặt, vào mắt làm nhòe cả tròng kính. Rất tiếc chúng tôi không chuẩn bị nhiều cho chuyến đi "Phượt" này, nên rất lóng ngóng. Đến những khúc quanh nguy hiểm, cả hai không hẹn đều cùng niệm Phật trong lòng một cách chí thành, hầu quên đi nỗi sợ hãi khi thấy những bàn thờ nhỏ bên đường, khói hương nghi ngút. Được cái từ ngày xây đường hầm xuyên qua đèo thì xe tải, xe đò và các loại xe thổ tả khác không còn là mối nguy hại cho những xe máy muốn tận hưởng cảnh đẹp của đất trời. Xuống đến Lăng Cô là hết sợ, xem như đã đi được nửa đường, khoảng giữa trưa chúng tôi đã chạy dọc theo sông Hương qua cầu Trường Tiền để ghé chợ Đông Ba. Tất cả chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, chứ thì giờ đâu để la cà ăn uống, còn phải kiếm chỗ ngủ tối nay và phơi khô quần áo ướt nhẹp vì mưa.
Dừng chân trước một quán trọ trên đường Bạch Đằng, gọi mãi chẳng ai ra tiếp đón, tôi đành lấy điện thoại ra nhờ bác Google tìm dùm cho vài địa chỉ khách sạn 5 sao ở Huế. Không ngờ được Tổ đãi, kiếm ra "Sài Gòn Morin Hotel" nằm ngay cầu Trường Tiền ngắm sông Hương nước chảy lững lờ, xây dựng từ năm 1905 của hai anh em ông Morin thời Pháp thuộc. Quan trọng vẫn là giá cả, chỉ khoảng 70 Euro và chỉ trống một đêm mà thôi. Thôi kệ, ráng tu thập thiện để được lên cõi tiên dù chỉ một ngày! Quả đúng như vậy, đã lên cõi tiên rồi thì chỉ lo hưởng thụ chứ đâu nghĩ đến Chùa chiền. Tối đó chúng tôi được khách sạn mời mua vé nghe hát Cung Đình trên thuyền rồng dạo sông Hương với buổi ăn tối đến 7 món Huế. Tôi nhớ mãi món cuối cùng được dọn ra là chén chè hạt sen nấu rất đặc biệt, mùi vị thơm ngon đặc trưng của Huế.
Sáng hôm sau phải trả phòng, từ giã tiên cảnh sau một bữa điểm tâm tại sân vườn thật phong phú, nơi có hồ cá, Chùa Một Cột và những gốc cây cổ thụ dưới dạng Bonsai. Chúng tôi lại khởi hành nhắm hướng ngôi chùa Từ Đàm ở đường Điện Biên Phủ, rồi hát bài "Quê hương tôi bóng chùa Từ Đàm..." của nhạc sĩ Văn Giảng. Vì quá ít thời gian, chúng tôi chỉ chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, chứ không dám vào gặp Thầy Trụ trì đòi dẫn đi viếng Tháp của Tổ Liễu Quán.
Ngôi chùa kế tiếp chúng tôi phải ghé qua là Từ Hiếu, để anh Nguyên Đạt được tận mắt chiêm ngưỡng chùa Tổ của Sư phụ anh là Thầy Từ Nhơn. Được viếng thăm ngôi chùa cổ, có Hồ Bán Nguyệt nuôi cá và cổng Tam quan cẩn sứ màu xanh làm biểu tượng cho ngôi chùa. Các Hoạn quan thời triều Nguyễn không có người kế tự nhang khói cúng giỗ cho mình, nên đã chọn ngôi chùa Từ Hiếu làm chỗ nương thân sau khi thoát kiếp.
Chánh điện chùa đã được sửa chữa xong sau một thời gian dài đóng cửa. Ấy cũng bởi vì mang danh là ngôi chùa cổ từ thời Tự Đức, không thoát khỏi móng vuốt của thời gian. Đằng sau Chánh điện là Nhà thờ Tổ, đặc biệt lần này có bài vị và linh ảnh của Sư Ông Nhất Hạnh, Người không muốn bị nhốt trong cái Tháp nguy nga tráng lệ, mà chỉ muốn mình là đám mây tự do bay trong bầu trời vô định.
Ngôi chùa thật quyến rũ, khiến chúng tôi chẳng muốn ra về, nhưng nhớ đến đoạn đường vượt đèo Hải Vân trước mặt chúng tôi đành rời xa trong nuối tiếc.
Chưa ra khỏi Huế, trời đã đổ cơn mưa, tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại về đến Đà Nẵng bình yên và đúng giờ như đã dự định. Chắc nhờ niệm Quán Âm một cách chân thành! Có lúc Người nhập vào một anh chàng trẻ tuổi bên đường, anh ta khuyên cô chú hãy vòng lại đi đường hầm, lên xe trung chuyển qua hầm, chỉ phải trả tiền vé cho người và xe máy, trời mưa trơn trợt đi đường đèo rất nguy hiểm! Chúng tôi thấy quá hợp lý nên líu ríu vâng lời, đường hầm dài 10 cây số, lúc mở mắt ra tôi đã thấy mình đang ở địa phận của Đà Nẵng rồi.
Chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin, khi niệm danh hiệu Quán Âm là được Ngài cứu vớt ngay, vì lúc ấy trời mưa như xối xả, từng giọt nước mưa nặng hạt đập thẳng vào mặt, vào cặp kính đen rất khó chịu. Phần tôi chỉ việc tháo kính ra, nhắm mắt lại rồi niệm Phật, nhưng anh Nguyên Đạt phải cầm cự với tầm nhìn hạn hẹp, mỗi hạt nước đọng trên mắt kính là một lăng kính thu hẹp tầm nhìn. Anh phải nheo một mắt lại và nhìn đường chỉ bằng nửa con mắt, trong khi đó các xe tải chạy qua vừa lấn đường vừa tạt nước vào quần áo chúng tôi. Ai bảo chúng tôi đau khổ? Không, chẳng chút nào! Một cảm giác vui thú chạy khắp toàn thân, khi nghĩ đến chuyện, bằng tuổi này với lứa tuổi "Thất thập cổ lai hy", có người chỉ ngồi nhà tay bắt chuồn chuồn và nốc thuốc như nốc kẹo, mà mình còn được trải nghiệm như thế này, không biết phước báu lớn chừng nào?
Sau khi đi một vòng Huế, Sài Gòn, Hà Nội, chúng tôi trở về Đà Nẵng để sửa soạn hành lý về lại Đức. Thầy Như Tịnh cho một cuộc hẹn đi thăm chùa Tổ ở Quảng Nam vào ngày thứ hai 24 tháng 2 năm 2025, điểm hẹn là 8 giờ sáng tại sân chùa Viên Giác ở Hội An. Do vì chúng tôi ra đi mang theo cả những cơn mưa của đất Thần kinh Huế, nên đến Hội An cũng mưa, định dời sang ngày khác nhưng không thể vì ngày mốt chúng tôi đã lên máy bay đi rồi.
Lẳng lặng Thầy Như Tịnh trao cho tôi chiếc ô thật to và thật nặng, rồi ra đầu ngõ chờ xe hơi của một vị Phật tử hay một chủ xe nào đó, nhắm hướng chùa Phước Lâm cũng nằm trong địa phận của Hội An mà thẳng tiến. Đây cũng là một ngôi chùa cổ với lối kiến trúc độc đáo mà ta không thể nào tìm được những đường nét sắc sảo như thế ở những ngôi chùa mới. Chẳng hạn, chỉ là một bồn nước để trồng hoa súng, nhưng bồn được đúc bằng đồng có 4 chân, dựng trên 4 con rùa cũng bằng đồng chạm trổ thật tinh vi. Phía lưng bồn khắc một con rồng nổi màu xanh với đầy móng vuốt, màu sắc hài hòa đến gây ấn tượng khó quên. Đây là ngôi chùa thứ hai nơi Sư phụ tôi đã tu trong vòng 2 năm từ 1964 đến 1966.
Xe rời khỏi Hội An, dọc theo sông Thu Bồn về hướng Quảng Nam để ghé Tổ đình Chúc Thánh, nơi Tổ Minh Hải - Pháp Bảo (1670 - 1746) đã lập ra dòng thiền Lâm Tế - Chúc Thánh ở Hội An - Quảng Nam. Sau khi chụp xong vài tấm ảnh di tượng của Tổ Minh Hải và bảo Tháp sau Chùa, xe chở chúng tôi về Duy Xuyên - Điện Bàn thăm gia đình Ông Tư, người anh yêu quý của Sư phụ tôi, người đã được gia đình ủy thác cho nhiệm vụ, khuyên nhủ cậu em đừng đi tu nữa, hãy trở về nhà ba má mong chờ, vào năm 1957 khi Thầy Bảo Lạc đi ra chùa Non Nước ở Đà Nẵng để xuất gia với cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược, anh Tư lại che chở cho em được thực hiện những ước mơ cao quý trong một kiếp này.
Xe đậu ngoài ngõ, Thầy Như Tịnh đi trước dẫn đường, đến trước một ngôi nhà nhỏ với hàng hiên tráng xi măng. Thầy hỏi cậu bé khoảng 15 tuổi, mặt mũi khôi ngô, đang chăm chú lắp ráp chiếc xe máy đơn giản:
- Có phải nhà ông Tư ở đây không?
Cậu bé ngẩng lên trả lời:
- Dạ không phải, đây là nhà ông nội của con.
- Ông Tư là ông nội của con đó!
Mọi người đều mỉm cười và vui vẻ bước vào nhà. Cô Thu mẹ cậu bé chạy ra đón khách quý, mặt mũi tươi rói vui mừng ra mặt, trà nước mời khách, trong khi Thầy Như Tịnh tìm bật lửa để đốt nén nhang cắm lên bàn thờ của Ông Tư.
Hai bên góc tường của gian nhà thờ có treo hai khung hình cũ kỹ của hai vị Hòa Thượng, hình đã mờ nhưng vẫn không dấu được nỗi niềm tự hào của gia tộc họ Lê, đã có được hai vị Hòa Thượng đạo cao đức trọng tại hải ngoại.
Sau đó chúng tôi bước qua vườn rau sang nhà bên cạnh để thăm bà Tư đã ngoài 90 nhưng vẫn còn khỏe và linh hoạt, Bà nghe nói sẽ được chụp ảnh gửi về cho Hòa Thượng Như Điển thì ngồi bật dậy vui sướng ra mặt.
Có lẽ thời gian không cho phép chúng tôi ghé qua Nhà thờ Từ đường Tộc Lê, hay vì mục này bị bỏ quên trong chương trình hôm nay do trời mưa ướt át, khiến niềm vui của Sư phụ tôi không được trọn vẹn. Cái này là do tôi tự nghĩ ra thôi nhé!
Đã quá trưa rồi, ai cũng đói mệt, Thầy Như Tịnh dẫn chúng tôi đến một quán cơm chay khá sang trọng. Chưa kịp bước vào, đã có một cô gái trẻ tay cầm một chiếc ô thật to bước ra che mưa cho khách mời vào. Biểu cảm trên khuôn mặt của cô nhân viên rất đặc biệt, muốn nói rất nhiều nhưng chẳng ra tiếng, chỉ đành mang nụ cười ra diễn tả tâm tình. Thế rồi tất cả các nhân viên khác cũng đều có biểu cảm như vậy, thì ra nhà hàng chay này chỉ mướn những người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm tự nuôi sống bản thân. Thức ăn thật ngon lại giá phải chăng, tôi chưa thấy món súp bí đỏ ở đâu lại tuyệt vời hơn ở nhà hàng này, rồi gỏi bưởi..., đến món cao lầu thì no quá phải xin bỏ bao mang về. Nhà hàng mang một tên rất lạ "Sữa Coffee - Vegan Food" và ở gần chùa Viên Giác vì sau khi ăn xong, chúng tôi đã đi bộ về Chùa.
Thời gian này Thầy Như Tịnh rất bận rộn trong công việc sửa Chùa, các tay thợ giỏi về điêu khắc và chạm trổ đã được Thầy mướn về Chùa để làm việc. Nhìn họ đẽo gọt nạm vàng các chữ viết trên các cây cột mới biết sự tỉ mỉ và khéo tay.
Trước khi chúng tôi từ giã ra về, Thầy Như Tịnh còn gửi gắm một món quà nhỏ nặng gần 4 kí lô (chính xác là 3,7 kí) đem về cho Thầy Như Điển. Đó là cuốn sách "Hội thảo khoa học Thiền Phái Liễu Quán - Lịch sử hình thành và phát triển" dày trên một ngàn trang, phát hành tại Huế năm 2024. May là anh Nguyên Đạt đứng ra nhận trọng trách, hứa sẽ mang về trao tận tay trong ngày Đại lễ Phật Đản tại chùa Viên Giác ở Hannover, chứ riêng phần tôi chắc không dám nhận. Nặng lắm! Khiêng không nổi!
Phải rồi, anh ấy thuộc dòng Liễu Quán, còn tôi thuộc dòng Lâm Tế - Chúc Thánh, hai dòng thiền nổi tiếng lẫy lừng ở Đàng Trong thời Chúa Nguyễn Phúc Chu.
Nam Mô Quang Du Hí Thần Thông Phật.
Hoa Lan - Thiện Giới.
2025.