Thư Viện Hoa Sen

29. Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây Mahasaropama-sutta

14/05/201012:00 SA(Xem: 28045)
29. Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây Mahasaropama-sutta

Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TRUNG BỘ

Majjhima Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

29. Đại kinh Thí dụ Lõi cây
Mahasaropama-sutta

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), núi Gijjhakuta (Linh Thứu), khi Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) từ bỏ (Chúng Tăng) ra đi không bao lâu. Ÿ đây, nhân việc Devadatta, Thế Tôn cho gọi các Tỷ-kheo và dạy như sau:

-- Ÿ đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện nam tử do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, mãn nguyện. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: "Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy. Còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền". Vị ấy, vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ

Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu". Cũng vậy, ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện nam tửlòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy khen mình, chê người: "Ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy, Còn các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền". Vị ấy vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là vị đã nắm lấy cành lá của phạm hạnh, vì do vậy, vị ấy đã dừng lại (ở đây). 

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị thiện nam tửlòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu, giới đức này, vị ấy khen mình chê người: "Ta là người trì giới, theo thiện pháp. Các Tỷ-kheo khác phá giới, theo ác pháp". Do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ

Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... (như trên)... Do thành tựu giới đức này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là vị đã nắm lấy vỏ ngoài của phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại (ở đây).

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có Thiện nam tửlòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong vòng sanh, già, chết, sầu, bi, khổ ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt được". Rồi vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức này, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không khen mình, chê người. Do thành tựu giới đức này, vị ấy không trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thiền định. Do thành tựu thiền định này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Do thành tựu thiền định này, vị ấy khen mình chê người: "Ta có thiền định nhất tâm. Các Tỷ-kheo khác không có thiền định, tâm bị phân tán". Do thành tựu thiền định này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ

Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy, bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... (như trên)... Do thành tựu thiền định này, vị ấy trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Vì sống phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, như vậy vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã nắm giữ vỏ trong của phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại (ở đây).

Lại nữa, ở đây, có Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong vòng sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ, nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sông không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Vị ấy do thành tựu Thiền định này nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu Thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến, vị ấy vì tri kiến này, hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy do tri kiến này, khen mình, chê người. "Ta sống, thấy và biết. Các Tỷ-kheo khác sống, không thấy và không biết". Vị ấy, do tri kiến này, trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống phóng dật vị ấy bị đau khổ

Chư Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: "Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây và mang đi, tưởng đó là lõi cây. Và người ấy không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... Vị này, vì tri kiến này nên mê say, tham đắm, phóng dật. Vì sống phóng dật, vị này bị đau khổ. Chư Tỷ-kheo, như vậy vị này gọi là đã nắm giữ giác cây của phạm hạnh. Và do vậy, vị ấy đã dừng lại (ở đây)".

Lại nữa, ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong vòng sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị chi phối bởi đau khổ. Rất có thể toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu giới đức. Do thành tựu giới đức, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định, vị ấy do thành tựu Thiền định này, hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Do thành tựu tri kiến này, vị ấy hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu thời giải thoát. Này các Tỷ-kheo, sự tình này có thể xảy ra, Tỷ-kheo ấy có thể từ bỏ thời giải thoát

Này các Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây. Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: "Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thực hiện". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây một Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, bỏ gia đình, sống không gia đình: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong khổ đau, bị chi phối bởi khổ đau. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt". Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật. Vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy do thành tựu giới đức này hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy, không do thành tựu giới đức này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định. Vị ấy do thành tựu thiền định nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người. Vị ấy không do thành tựu thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy vì thành tựu tri kiến này nên hoan hỷ nhưng không tự mãn. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu được phi thời gian giải thoát. Này chư Tỷ-kheo, sự tình này không thể xảy ra, Tỷ-kheo ấy có thể từ bỏ phi thời giải thoát này. 

Như vậy, này các Tỷ-kheo, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này các Tỷ-kheo, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. 

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt



Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 46106)
free website cloud based tv menu online azimenu
Sau những ngày Miến Điện nghỉ Tết, nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi do Sư Cô Tn Như Hiếu điều hành đã tiếp tục dấn thân cứu trợ. Hôm nay 22. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Myanmar đợt 5. Cũng như 4 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Thích nữ Như Hiếu- Suriyavati) Xin tường trình Lộ trình đi cứu trợ miền động đất Myanmar.
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).