KINH LĂNG NGHIÊM LÀ KINH NGỤY TẠO CHĂNG
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Đại sư Hám Sơn từng nói hai câu như sau: "Chẳng đọc Pháp Hoa thì chẳng hiểu khổ tâm cứu đời của Như Lai; chẳng đọc Lăng Nghiêm thì không nắm được then chốt về mê hay ngộ của tu tâm". Đích xác là như vậy, bởi Kinh Lăng Nghiêm bao gồm hết thảy các pháp, nhiếp thọ hết mọi căn cơ, là pháp môn tinh tủy của các đời, là ấn chứng chính đề thành Phật và làm Tổ. Vì lẽ đó, người tu thiền bắt buộc phải nghiên cứu kỹ lưỡng bộ Kinh này, và hiểu thấu cảnh giới "năm mươi loại ấm ma" đặng tránh khỏi sa vào vòng của Ma vương. Nếu không vậy, không có sự nhận thức cho rõ ràng, thì bạ cảnh giới nào gặp phải cũng sanh tâm chấp trước, hành giả sẽ dễ nhập vào ma cảnh, thành kẻ quyến thuộc của ma vương. Đó là một điều cực kỳ nguy hiểm!
Chẳng riêng Chú Lăng Nghiêm phải thuộc lòng, mà Kinh Lăng Nghiêm thiền giả cũng phải thuộc nữa. Người ta nói "thuộc sẽ nẩy cái hay", thời cơ tới sẽ có nhiều lợi ích, sẽ có sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Hễ người nào nghiên cứu văn học Trung quốc, tất phải đọc Kinh Lăng Nghiêm, văn từ thì ưu mỹ, nghĩa lý phong phú, tóm lại là một bộ Kinh lý tưởng.
Có một số tự cho mình là học giả có hạng, chưa hề nghiên cứu sâu rộng về Đạo Phật, đã tự nhận mình là chuyên gia Phật học, tự nhận mình có đủ uy tín mà sự thực không hiểu Phật giáo cho đến ngành ngọn, khinh xuất cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là một kinh ngụy tạo. Từ đó lại có một số, có dụng ý khác, ùa theo phụ họa. Đúng là kẻ mù dắt kẻ mù, thật đáng thương xót!
Tại sao người ta bảo Kinh Lăng Nghiêm chẳng phải do đức Phật Thích Ca thuyết giảng? Chẳng qua vì nghĩa lý trong bộ Kinh rất ư chân thật. Kinh đã nêu ra cho kỳ hết các căn bệnh của thế gian, bởi đó mà các loài yêu ma quỷ quái, các loài quỷ trâu, quỷ rắn, không còn cách nào hoành hành, phải hiện rõ nguyên hình của chúng. Từ đó chúng tìm mọi cách để phá, chúng phải tuyên truyền Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy, thì chúng mới có cơ để sinh tồn. Nếu như thừa nhận đây là lời Phật thuyết pháp thì đối với chúng là không xong. Trước hết chúng không giữ được "Lời dạy về bốn loại thanh tịnh", thứ hai chúng không tu tập được các "Pháp viên thông của hai mươi lăm bậc thánh", thứ ba chúng không dám đối diện với các cảnh giới của "Năm chục loại ấm ma".
Nếu như ai ai cũng đọc Kinh Lăng Nghiêm, cũng hiểu rõ Kinh Lăng Nghiêm, thần thông của hàng ngoại đạo sẽ hết linh ứng, thành ra vô dụng khiến cho không ai còn tin vào thần thông của họ nữa. Đó là lý do bọn thiên ma ngoại đạo chỉ còn tìm cách dèm pha, tuyên truyền, bảo Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy.
Chẳng cứ chỉ những người tại gia phỉ báng Lăng Nghiêm là Kinh giả, ngay cả những kẻ xuất gia cũng bắt chước nói theo. Tại sao vậy? Bởi vì có một số xuất gia ít học, có khi không thông chữ nghĩa, không xem được Kinh điển, trong khi đó văn Kinh Lăng Nghiêm lại thâm thúy, ý nghĩa huyền diệu, khiến họ không hiểu được nên không làm sao phân biệt được chân giả. Đến khi nghe người ta bảo Kinh này là giả, Kinh kia là ngụy, thì họ đâu có suy xét gì, người ta nói sao thì nhắc lại y hệt. Tự nhiên Kinh Lăng Nghiêm bị lãnh tiếng oan là vì lẽ đó.
Lúc xưa tại Ấn Độ, Kinh Lăng Nghiêm được liệt vào hàng quốc bảo và có lệnh cấm không cho mang những thứ quý ra ngoại quốc. Những ai xuất cảnh đều bị khám xét gắt gao và, để phòng Kinh lọt ra ngoài, các nhân viên hải quan thường đặc biệt chú ý đối với các Tăng xuất cảnh.
Hồi đó tại Ấn độ - bên Trung quốc lúc đó là đời Đường - một vị cao tăng pháp danh là Ban Thích Mật Đế (Paramiti) đã khổ công tìm mọi cách để mang Kinh Lăng Nghiêm qua Trung quốc. Sợ bị phát hiện tại trạm kiểm soát, ông phải nghĩ ra cách giấu giếm, nhét Kinh vào sâu trong cánh tay và sau cùng ông đã đổ lên bộ tại địa phận Quảng Châu. Lúc đó là thời gian Tể tướng Phòng Dung bị Võ Tắc Thiên giáng chức xuống làm Thái Thú Quảng Châu. Ban Thích Mật Đế được Phòng Dung mời tới để phiên dịch bộ Kinh này và chính Phòng Dung là người nhuận sắc cho bản dịch. Bởi vậy Kinh Lăng Nghiêm biến thành một tác phẩm văn học có giá trị, rồi sau đó trình lên cho Võ Tắc Thiên. Thời bấy giờ đương có tin đồn Kinh Đại Vân là kinh ngụy tạo nên Hoàng Đế Võ Tắc Thiên không cho Kinh này được lưu hành.
Đến khi Thiền sư Thần Tú được phong làm Quốc sư rồi được cúng dường ở trong hoàng cung, một hôm Thiền sư thấy được bộ Kinh này, thấy Kinh rất có lợi cho những hành giả tu thiền, mới cho Kinh này được phổ biến. Từ đó Kinh Lăng Nghiêm mới được lưu hành ở Trung quốc. Căn cứ theo truyền thuyết, Kinh Lăng Nghiêm là Kinh tối hậu truyền đến Trung quốc, nhưng cũng là Kinh bị hủy diệt đầu tiên vào thời Mạt Pháp, sau mới đến các Kinh khác, sau rốt còn lại một Kinh A-Di Đà.
Ghi chú: Thượng nhân Tuyên công chủ trương dứt khoát rằng Kinh Lăng Nghiệm chính là tâm ấn của chư Phật, điều này ngàn vạn lần đích xác. Bởi vậy ngay sau khi đặt chân tới Mỹ, Tuyên công liền giảng Kinh Lăng Nghiêm. Tại sao vậy? Phật Pháp truyền bá tới đất Mỹ, thì Mạt Pháp sẽ biến thành Chánh Pháp, và đó là tâm cơ của Thượng nhân trong sứ mạng nối tiếp huệ mạng Phật. Bài "Lăng Nghiêm Kinh Thiển Giảng" sẽ được đưa đăng từng kỳ trong tạp chí Vạn Phật Thành Kim Cương Bồ Đề Hải, bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Nay xin thông báo cùng quý bạn độc giả.
(Nguồn: http://www.chuavanphat.org/)