Theo Dấu Chân Phật | Tỳ Khưu Chơn Tín

19/03/20244:32 SA(Xem: 64319)
Theo Dấu Chân Phật | Tỳ Khưu Chơn Tín

Tỳ Khưu Chơn Tín
THEO DẤU CHÂN PHẬT
Nhà xuất bản Văn Học 2023

Theo dau chan PhatPDF icon (4)THEO DẤU CHÂN PHẬT - FULL 9-2023

THEO DAU CHAN PHAT 2
Trailer 

LỜI TỰA

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình. Cộng cả hai lần, tôi đi thăm được Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (Lộc Uyển), thành Bārāṇasī (Ba La Nại), vườn Lumbinī (Lâm Tỳ Ni), sông Rohiṇī, thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), thành Sāvatthi (Xá Vệ), Jetavanārāma (Kỳ Viên tịnh xá), núi Kukkuṭapāda (Kê Túc), thành Kosambī, sông Gaṅgā (Hằng), thành Vesālī (Vệ Xá), Phật diệt độ Kusinārā (Câu Thi Ca), Veḷuvana-vihāra (Trúc Lâm tịnh xá), thành Rājagaha (Vương Xá), vườn thuốc của thần y Jīvaka, ngục nhốt đức vua Bimbisāra (Bình Sa), núi Gijjhakūṭa-giri (Linh Thứu) và Kūṭāgāra (hương phòng) của Đức Thế Tôn. Dường như chỉ có bấy nhiêu. Tệ thật! Đoàn du tăng hành cước đầu-đà không chỉ trải qua chừng ấy địa danh mà gian lao và vất vả hơn nhiều, họ đi cả hằng trăm địa điểm khác nữa mà đa phần các đoàn du lịch không biết.

Sư Chơn Tín, tác giả của tác phẩm Theo Dấu Chân Phật đã chiêm quan Ấn Độ đã ba lần rồi nhưng lần thứ tư này, lộ trình đi và về hơn ba ngàn cây số và trải qua 112 ngày dầm sương, dãi nắng. Thật là “hãi hùng, kinh khiếp”. Có ông Sư nằm “lịm” bụi bờ, ngóc đầu dậy, lại đi! Có ông Sư nghi ngờ cái thân “báo động giả” vì nó bảo đau, nhưng hỏi đau ở đâu thì nó bảo không biết! Có ông Sư đi tìm móng chân không biết nó rơi lúc nào, chỉ có bung tróc, rỉ máu thì ở lại! Có ông Sư nhìn mình, lẩn thẩn, không rõ nắng nhuộm da hay da nhuộm y? Hi hi! Ông Sư nào cũng tếu, cũng dí dỏm hay chính tác giả tếu, tác giả dí dỏm? Nhưng đọc, nghe mà thương vô cùng!

Đi cùng tác giảhuynh đệ Chơn Hữu, Thiện Niệm, Tuệ Nhân với trên 100 vị sư Thái, dường như họ đã quen đường lối, quen cả nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, ngủ nghỉ… thiếu thốn và gian khổ trăm bề. Ai cũng biết rằng, chư Tăng thời nay không thiếu thứ gì về tứ sự, chỉ ngại là quen lợi dưỡng thôi! Nhưng vì kính yêu Đức Phật, thương bi đất Ấn, xót đau dân Ấn… đã quên Phật cả ngàn năm nên họ phải đi, tình nguyện đi để gieo hình ảnh Tăng đoàn thuở xưa trên quê hương họ. Do vậy, tác giả kể rằng, ăn cơm mùi gián cũng thấy ngon, ngủ trên nền đất bằng đã là hạnh phúc, ngủ lều mà nước không thấm dột đã là như tiên rồi. Nước nôi tắm giặt, kệ! Vệ sinh, vệ siếc, kệ! Da nổi mốc vằn, mốc trắng, nấm đỏ, nấm đen cũng kệ luôn! Những ánh mắt kỳ thị, tò mò lẫn cả những ánh mắt vui vẻ, hâm mộ, đều là sự thật cả mà!

Cũng lạ, tác giả vốn vai u thịt bắp, cánh tay quen cầm búa tạ để đập đá, quen cầm rìu để bửa củi, quen cầm cuốc để cuốc đất, quen cầm rựa để dọn rừng... thế mà cánh tay ấy bây giờ lại cầm bút viết văn... với những cảm nhận rất tinh tế, rất thật, rất “nhẹ nhàng, mềm mại” và có cả chất thơ nữa! Cho dẫu toàn thân nhức đau báo động, cho dẫu cháy da, buốt xương... rảnh chút là viết, đêm về mọi người ngủ nghỉ, tác giả lại viết bên ánh sáng đèn đom đóm… Từng kỳ, từng kỳ... tôi đều theo dõi và đọc. Và rõ ràng tác giả càng viết càng chắc tay, càng viết càng hay. Những trang viết không những nói ra được dặm trường gian khổ mà còn tả được sương mù, khí núi, tả được cả chiếc lá run rẩy, những cánh hoa rung rinh trong nắng sớm… Rồi nào là đủ loại chim hót, khỉ vượn chí chóe. Màu sắc, màu sắc nữa, cả trăm sắc màu biến hóa của mẹ thiên nhiên lúc bình minh, lúc hoàng hôn, lúc đổi mùa, chuyển tiết. Kìa là hoa cải vàng. Kìa là hoa gạo đỏ rực. Sương mù như bức tranh thủy mặc. Có đôi chỗ lại như ốc đảo thanh bình. Những cành cây chơ vơ như được thò ra từ không gian giấu kín nào đó. Đôi khi chỉ tả bằng ẩn dụ, bằng tu từ. Đôi khi chỉ tả lấp lửng, không nói hết… để cho độc giả tự nghĩ, tự hiểu đằng sau câu chữ hoặc cùng tham dự vào hành trình...

Có lẽ nhờ oai linh và huyền nhiệm của đất Phật mà tâm trí cảm xúc của tác giả tự chảy ra ngòi bút chăng! Những hồi ức về tuổi thơ, về cha mẹ, bà ngoại… thật là chân thànhcảm động. Những tư duy về những mảng sử Phật, về những di chỉ lịch sử… còn chứng tỏ tác giả đã qua thời gian nghiên cứu. Đặc biệt nhất là tài quan sát, cảm nhận, liên tưởng… bên sau người, bên sau vật, bên sau cảnh. Trong bụi đất nhìn thấy châu ngọc. Vọc chân trong cát cảm nghe cái đau của dòng sông. Bước trên dốc đá, dốc sỏi… mà thương chư Tăng thuở xưa. Lẻn qua khe đá ở núi Kê Túc thấy hình ảnh vị Đệ nhất đầu-đà. Nhưng đọng lại trong tôi nhất là hình ảnh ông Sư ngồi như hóa đất. Hình ảnh ông Sư nằm dài trong rừng. Hình ảnh ông Sư tìm góc khuất để trầm tư. Hình ảnh ông Sư nhiếp thiền quên ngoại cảnh. Đấy mới đúng là “chất” của sa-môn. Là hành trang của sa-môn. Là tâm của sa-môn. Không bao giờ quên mình là sa-môn để nhìn ngắm và cảm nhận mọi sự, mọi vật, mọi hiện tượng…

Theo Dấu Chân Phậttác phẩm thành công. Hãy đi và hãy đọc. Chưa đi mà đọc có lẽ hay hơn. Cái đất Ấn kỳ lạ này luôn tồn tại hai cực đoan. Giàu đến tận đỉnh Hymālaya mà nghèo thì rớt tận vực sâu. Xa hoa, phú quý thì ngất ngưởng mà đói nghèo, khổ cực cũng ngất ngưởng không kém gì! Hai nền văn minh cực kỳ phồn thịnh đã đi qua đây. Từ năm 2.800TCN đến 1.300TCN có hai nền văn minh rực rỡ. Nền văn minh sông Indus có đô thị thiết kế khoa học, nghệ thuật và hoành tráng không thua gì hiện nay! Nền văn minh Vệ-đà cũng là thời hoàng kim của đất Ấn, như cô gái đẹp ngủ quên trong rừng quá lâu nay đã hóa bùn, hóa đất, hóa đá… Bây giờ, thì vậy đó… bụi bặm, hoang tàn, đổ nát, rác, chất thải, phân, dê, cừu, bò… khắp nơi, nhưng thủ đô và các thành phố lớn, ví như có một đám cưới hằng trăm tỷ…cũng là chuyện thường ngày ở huyện!

Đất Phật hiện nay của chúng ta đó! Thiệt là bùi ngùi! Sợ khổ, sợ cực, sợ bẩn nhưng vẫn cứ muốn đi!

 

Viết tại Thiền viên Thiên Để Nguyệt,

Tối, đêm Vesak, 2567 Pl. - 2023 Tl.

Sīḷaguṇa - Mahāthera

(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

MỤC LỤC
Lời tựa 
Kỳ I Trên đất Ấn Độ 
Kỳ II Ký ức 
Kỳ III Kham nhẫn 
Kỳ IV Những nẻo đường 
Kỳ V Nhóm hộ Tăng 
Kỳ VI Họa 
Kỳ VII Chuyện của Gió 
Kỳ VIII Khổ Hạnh Lâm 
Kỳ IX Thương một dòng sông 111
Kỳ X Phát nguyện Theo dấu chân Phật 
Kỳ XI Chàng đạo sĩ mắt đen 
Kỳ XII Linh thiêng sông Hằng 
Kỳ XIII Thiện sự đầu năm 
Kỳ XIV Kosambī - Vùng đất cổ xưa 
Kỳ XV Bên sông Yamuna 
Kỳ XVI Viếng Sankassa 
Kỳ XVII Về Sāvatthī 
Kỳ XVIII Đông Phương Tự 
Kỳ XIX Hãy dừng lại 
Kỳ XX Bảo Tháp Rāmagrāma 
Kỳ XXI Viếng thăm quê hương Phật mẫu 
Kỳ XXII Kapilavatthu 
Kỳ XXIII Đại tự Nigrodhārāma 
Kỳ XXIV Viếng Lumbinī 
Kỳ XXV Kusinārā 
Kỳ XXVI Phân chia Xá-lợi 
Kỳ XXVII Rước Xá-lợi Phật 
Kỳ XXVIII Đảnh lễ Bảo tháp Lauria 
Kỳ XXIX Bảo tháp Kesariya 
Kỳ XXX Đại học 
Kỳ XXXI Viếng Đại học Nālanda 
Kỳ XXXII Chung 
Lời bạt 



.



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/04/2024(Xem: 46282)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.