Ban Biên Tập: Tuy là bài giảng của Hòa thượng Thích Trí Quảng tại trường Hạ tỉnh Bình Dương nhân mùa An cư năm 2016 mà đối tượng là 701 chư Tăng ni hiện diện, nhưng có thể nói là áp dụng cho tất cả các trường Hạ trong và ngoài nước và không chỉ cho mùa An cư năm 2016 mà còn có thể cho các năm kế tiếp. Vì tính cách không giới hạn không thời gian nên TVHS đăng tải và trân trọng giới thiệu đến chư Tăng ni người Việt trên toàn thế giới. |
AN CƯ, TU GIA TỐC Qua báo cáo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh nhà gợi tôi nhớ đến 300 năm trước, ngài Thành Nhạc đã tạo dựng ngôi chùa trên núi Châu Thới. Ngài chỉ một mình, một bóng tu hành, nhưng hơn 300 năm sau, tỉnh Bình Dương đã có 701 Tăng Ni tu học, đó là tín hiệu đáng mừng. Và trong suốt hơn 300 năm, Phật giáo tỉnh Bình Dương luôn giữ vững tinh thần đạo pháp và dân tộc. Dân tộc là gốc và nhờ đạo pháp tô bồi đạo đức cho dân tộc. Vì vậy, đạo Phật đã thấm nhuần vào nhân dân đa chủng tộc và họ có đời sống tin Phật. Hôm nay chúng ta có 701 Tăng Ni về an cư kiết hạ khiến chúng ta nghĩ đến Thầy Tổ đã dày công xây dựng cho chúng ta có được sự hưng thạnh như ngày nay. Ý thức như vậy, con cháu phải giữ gìn và phát huy đạo đức. Trong mùa an cư, chúng ta có khẩu hiệu “Thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học giới, định, tuệ”. Chúng ta cần suy nghĩ từng phần và thực tập trong mùa an cư. Trước nhất, chúng ta cấm túc an cư, tức thường ở yên một chỗ để thực hành giáo pháp Phật, vì trong suốt chín tháng, chúng ta hoằng hóa đạo Phật trong dân chúng, còn ba tháng, chúng ta chuyên tu theo lời Phật dạy. Vì nếu chúng ta chỉ lo chuyên tu, không hoằng hóa, Phật pháp không phát triển được. Nhưng nếu mải lo hoằng hóa mà đánh mất việc tu hành, đạo lực sẽ bị sút giảm, thì hình thức có cũng như không, thậm chí phản tác dụng. Khi Phật giáo suy đồi là hình thức Phật giáo còn, nhưng phẩm chất của Tăng-già không có, làm ngoại đạo chê cười. Vì vậy, cần thúc liễm thân tâm trong mùa an cư. Đặc biệt là ở tỉnh nhà, Phật giáo đang phát triển, nên nhu cầu lãnh đạo địa phương không bỏ qua, nhưng cần nhớ rằng những chùa nhứt Tăng nhứt tự cũng phải tập trung nửa tháng một lần để đọc tụng giới bổn. Đó là tu giới để xem điều nào giữ được, điều nào chưa giữ được thì phải khắc phục điểm yếu và phát huy điều tốt. Vì vậy, nếu có điều kiện tập trung, suốt ba tháng, quý vị cố giữ gìn, không ra ngoại giới. Riêng tôi, còn giảng pháp được là nhờ từ năm 1960 thọ Cụ túc, đã quyết tâm ba tháng an cư không ra khỏi chùa, đó là thúc liễm thân tâm. Hòa thượng Thiện Hòa nói rằng thầy nào phát nguyện an cư không ra khỏi chùa, Giáo hội sẽ không phân công công tác, kể cả đi giảng. Có thể khẳng định rằng ý thức không ra ngoại giới trong mùa an cư sẽ giúp chúng ta nỗ lực siêng tu. Nếu Tăng Ni còn nghĩ rằng tuy kiết hạ, nhưng vẫn còn được tự do đi lại, thì tư tưởng phóng túng có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Theo tôi, vị nào phát nguyện cấm túc thực sự trước đại chúng, thì Thiền chủ và Duy na nên dành ưu tiên cho vị này, cuối hạ được phần thưởng tôn vinh. Người giữ đúng giới luật như thế, đạo lực mới phát triển. Muốn như vậy, phải tuân thủ sinh hoạt của đại chúng trong trường hạ, tức không bỏ quả đường, không bỏ thời khóa công phu và tham thiền. Tôi đề nghị vị nào trong ba tháng an cư giữ đúng luật như vậy sẽ được giải thưởng. Làm như vậy, người tốt được tôn danh và chúng ta nương vào vị này tu tập. Ngoài giờ quy định của thiền đường, chúng ta gia tăng tu học, gọi là tinh tấn tu. Tôi thấy có huynh đệ không giữ được quy định của thiền đường là nghiệp chướng tăng, thì phải tự biết tuy được khoác áo Sa-môn, nhưng nghiệp chướng mình quá mạnh, cần phải gia tốc sám hối cho tiêu nghiệp. Nghiệp thứ nhất là có người sống bên ngoài quen, nên khi tập trung an cư dễ sanh bệnh. Bệnh là nghiệp chướng. Thậm chí có vị không bệnh, nhưng giả bệnh, bỏ thời khóa, như vậy quả là thiệt thòi cho đời sống người tu, vì thân chưa bệnh mà tâm bệnh, cũng là nghiệp bệnh. Có người còn ngồi thiền, tụng kinh được, nhưng lấy lý do bệnh để bỏ thời khóa. Nếu có nghiệp này, phải tinh tấn hơn. Khi chúng ta hạ quyết tâm tu, nghiệp này phải cắt trước. Riêng tôi, nếu thấy mệt, bệnh, nhưng hạ quyết tâm, tự nhiên hết mệt, là ý chí thắng bệnh nghiệp. Còn ý chí thấp sẽ kéo chúng ta thụt lùi. Kinh nghiệm này tôi muốn nhắc đại chúng. Thật vậy, chúng ta cảm thấy uể oải, mệt mỏi, nhưng quyết tâm vượt qua, mệt mỏi tự mất và sau thời khóa thì hết mệt luôn, như vậy là đã chữa được nghiệp. Tăng Ni mới vào hạ, cần lưu ý điều này để cố gắng vượt khó. Phật đã dạy rằng chúng ta phải như voi, như sư tử, như ngựa chiến, không phải ngựa què, không phải người thấp hèn. Vượt lên được mới trở thành Hiền Thánh. Cứ lết bết đi sau, không được gì và mang nợ đàn-na không thể trả nổi. Theo kinh nghiệm tôi, cố gắng vượt sẽ hết bệnh, hết nghiệp, chúng ta khỏe lại, tu bằng đại chúng và cố gắng vượt hơn chúng. Cố gắng bằng người là không ra khỏi cột mốc quy định của trường hạ, không vi phạm điều luật của trường hạ đề ra. Nhưng không phải dừng lại ở chỗ bằng người, chúng ta phải hơn người, gọi là đi lên dốc, vượt dốc, mới trưởng thành và gánh vác Phật sự được. Muốn hơn người, tôi cố sắp xếp thêm thời khóa, gọi là gia tốc. Buổi khuya, đại chúng công phu xong được quyền nghỉ ngơi. Nhưng tôi không cho phép mình nghỉ là gia tốc. Vì vậy, tôi thêm thời sám hối Hồng danh, vì công phu xong, tâm mình thanh tịnh và sám hối, một mình lạy Phật có cảm giác chỉ có ta và Phật. Phật biết và ta biết là đủ. Còn người xung quanh thế nào không quan trọng, không cần họ biết, nhưng cần Phật biết. Có như vậy, ta phát huy tấm lòng vì đạo cao hơn. Trong mùa pháp nạn 1963, tôi làm với tất cả tấm lòng cho Phật, vì tự nghĩ rằng mình làm với tấm lòng thì chẳng may mình chết là được về Phật. Do tu gia tốc mà tôi cảm nhận sâu sắc như vậy. Chỉ cần Phật biết, nên càng làm việc nguy hiểm, khó khăn, tôi càng nỗ lực hơn, không phải là con ngựa què yếu hèn, nhưng là con tuấn mã đi trước. Nếu các thầy làm vì Phật pháp, Phật biết, ta biết, tôi nghĩ việc gì cũng thành tựu, không nên để thời gian trôi qua vô ích. Ba tháng an cư, ta thấy thì giờ qua nhanh, muốn làm nhiều, nhưng không làm kịp. Người tầm thường trong đạo thấy ba tháng an cư dài quá, mong rút ngắn càng tốt. Tôi kiết hạ ở Tịnh Độ tông Nhật Bản, mùa hạ rút ngắn chỉ còn một tháng. Qua Tào Động tông, rút ngắn còn một tuần. Ba tháng an cư chúng ta thấy không đủ, muốn kéo dài thêm, là thật tu. Còn thấy có nhiều thì giờ để làm việc khác, là làm Phật giáo suy đồi. An cư, gia tốc tu thêm thời sám hối Hồng danh là chúng ta vượt hơn chúng một bước. Kế tiếp, đại chúng có thời khóa 8 giờ tụng kinh, đương nhiên chúng ta không bỏ. Nếu 8 giờ không có thời khóa, chúng tự lạy vạn Phật, hay lạy ngũ bách danh. Riêng tôi thú vị nhất là lạy Phật. Huynh đệ khác thích đánh vũ cầu. Thời tôi, các thầy chơi môn thể thao này. Còn tôi nghĩ mình lạy sám hối, lạy vạn Phật cũng đồng với chơi thể thao kia, nhưng mình tiếp cận được Phật thay vì tiếp cận trái bóng. Tiếp cận Phật, tư tưởng theo Phật thì học Phật được nhiều hơn. Trước nhất là chúng ta thấy Phật và theo kinh Hoa nghiêm, nhìn đâu cũng thấy Phật, nhìn trời, nhìn núi, nhìn mây… cũng thấy Phật. Còn nhìn đâu cũng thấy trái bóng thì nguy hiểm cho đời tu. Sau này, tôi thấy một số thầy tới an cư, có tivi thì coi đá bóng. Các thầy chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe còn chấp nhận được, nhưng an cư coi đá bóng là hỏng. Tôi đề nghị thiền đường không cho phép coi bóng đá. Các thầy trụ trì tuy không tập trung an cư cũng nên tắt tivi, ngồi thiền, nghĩa là dành tất cả thì giờ cho tu hành. Kinh nghiệm tôi nhờ siêng năng lạy Phật, tiếp cận được Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật, nên tâm được an lành. Còn chúng ta thấy việc này việc nọ, thấy người này người kia, chắc chắn tâm bất an, bị hoàn cảnh cuốn hút vào cuộc đời, hay vào đường tội lỗi. Chỉ thấy Phật, nhờ Phật đưa chúng ta vào thế giới Phật, vào các Tịnh độ của chư Phật là điều quan trọng và rất quý báu cho đời sống tu hành. Đọc kinh Di Đà, kinh Vô lượng thọ, tôi thấy Phật Di Đà khi làm vua Vô Tránh Niệm, gặp Phật ra đời là Phật Thế Tự Tại Vương. Ngài liền xuất gia tu hành, trở thành Tỳ-kheo thật nghĩa là xuất gia bỏ hết mọi việc bên ngoài, chỉ lo tu cho đắc đạo. Bấy giờ, nhờ Phật Thế Tự Tại Vương đưa Phật Di Đà đi tham quan Tịnh độ chư Phật mười phương. Ngài rút kinh nghiệm của chư Phật mười phương mà hình thành Tịnh độ của Ngài là thế giới Cực lạc.Đọc kinh thấy Phật Thế Tự Tại Vương dẫn vua Vô Tránh Niệm tham quan mười phương Phật, trở lại thực tế tu của chúng ta là xuất gia rồi, chúng ta nương theo Phật Thích Ca là đấng giáo chủ mà chúng ta dễ thấy nhất, dễ gặp nhất. Phật Thích Ca sẽ dẫn chúng ta đi bằng cách nào. Đối với tôi là theo chân Phật, đi vào con đường Tam tạng Thánh điển. Chúng ta thấy Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng ta thế giới Niết-bàn khác với thế giới sinh tử. Như vậy, đầu tiên tôi cố gắng thực tập theo Phật Thích Ca dẫn tôi vào Niết-bàn bằng con đường kinh, luật. Vì vậy, trong mùa an cư, quý thầy siêng học kinh, luật, luận, chúng ta sẽ tham quan thế giới Phật. Bằng trí tuệ Phật, Ngài thấy các thế giới kia và diễn giải trong giáo pháp để giúp chúng ta thấy. Đầu tiên, chúng ta thấy năm anh em Kiều Trần Như tu ngoại đạo, khổ sở nhưng không đạt kết quả tốt. Phải nhờ Phật hướng dẫn, thực tập trong ba tháng an cư, năm ông mới đắc Thánh quả, tức chứng Niết-bàn. Từ đó, tôi suy nghĩ về Niết-bàn mà Phật đã dạy và thực tập. Thực tập bằng cách nào. Căn bản là đại chúng phải thực tập cho được Tứ niệm xứ quán, vì pháp hành này có công năng phá trừ nghiệp chướng, trần lao. Không thực tập pháp này, khó thoát khỏi sinh tử. Có người chê pháp Tứ niệm xứ thấp, nhưng đánh mất pháp căn bản này, chắc chắn không giải thoát. Tôi đã thực tập và thành tựu pháp này, nên không bị xã hội và thiên nhiên chi phối. Phải khẳng định rằng Tứ niệm xứ quán là pháp căn bản đưa chúng ta ra khỏi sự tác động của xã hội và thiên nhiên. Không thực tập pháp Tứ niệm xứ, mà ngồi không, rồi nghĩ người này người nọ, nghĩ đến ăn, ngủ, làm gì… Nhưng thực tập pháp này, sẽ cắt hết vọng duyên. Quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, cuối cùng qua cửa Không là giải thoát môn, chúng ta mới bắt đầu rớt xuống dòng thác trí tuệ Như Lai. Từ đây mới bắt đầu đi tới cảnh giới cao đẹp. Không vào Không môn, muôn đời ở trong sinh tử. Qua cửa Không, trước tiên chứng Tu-đà-hoàn. Trên bước đường tu, tệ nhất cũng phải đạt được quả vị này. Hòa thượng Thanh Từ kể rằng bốn mươi năm trước, Ngài gặp cư sĩ hỏi rằng thầy giảng tứ Thánh quả của Thanh văn, nhưng thầy được quả nào chưa. Phải được thấp nhất quả Tu-đà-hoàn, đối với tôi là không giận, không buồn, không lo, không sợ, vì tất cả mọi việc đều tùy duyên giáo hóa, không lệ thuộc cuộc đời, là người tu, không tham, sân, phiền não là tu. Vì vậy, chúng ta phải thực tập Tứ niệm xứ, để vô cửa Không, thâm nhập trí tuệ Như Lai là quả Dự lưu. Trong ba tháng an cư, cố gắng thực tập pháp Tứ niệm xứ, qua được cửa giải thoát, mới đi xa thêm một bước là bắt đầu thực tập thiền quán, nhưng cũng phải có bài bản. Vào cửa Ly sanh là cửa Không, mới thực tập thiền quán được, nhưng chưa được pháp Ly sanh mà vào thiền quán, Trí Giả nói coi chừng lạc vào cảnh giới ma. Khởi đầu, các thầy phải thực tập điều thân, điều tức, điều tâm. Điều thân quan trọng nhất, vì thân không điều hòa mà vào thiền sẽ ngã bệnh liền. Thật vậy, thực tế cho thấy có người vào thiền bị cuồng loạn, hay bị bại liệt, hoặc một số bệnh khác. Điều thân là gì. Đầu tiên, Trí Giả đại sư dạy rằng nên điều hòa ăn uống. Người vào thiền được, ít nhất không ăn chiều. Không ăn chiều, nhưng đói mà vào thiền coi chừng bị ma đói phá. Đó là kinh nghiệm của người đi trước. Hòa thượng Thanh Kiểm dạy khi thiền mà nhớ đói, nhớ ăn là ăn bằng tư tưởng rất nguy hiểm, vì hành giả sẽ lạc vào cảnh giới ma. Thay vì đói, người ta ăn xong thì thôi, nhưng đói không ăn mà đầu óc cứ nghĩ đến ăn là bị ma dẫn. Vì vậy, người điều hòa thân thể để tu thiền trước nhất phải tập không ăn chiều. Tôi nói như vậy, một số thầy Khất sĩ nghĩ điều này chấp nhận được hay không. Ngoài ra, về vấn đề điều hòa thân, muốn tu thiền phải cắt bỏ duyên vụ, vì còn làm việc, buôn bán, sản xuất là không được. Vì đương nhiên cơ thể hoạt động nhiều, năng lực bị hao hụt, nhưng không bổ sung, sẽ ngã bệnh. Trước kia, tôi quen thầy Khất sĩ, thầy nói bị đau bao tử, vì không ăn chiều, nhưng lao động nặng, nên năng lượng tiêu hao và đói thì nuốt nước miếng, hay ngậm đường phèn, một thời gian bị tiểu đường. Cần phải cẩn thận vấn đề ăn uống. Tôi không bệnh nhờ biết điều chỉnh thân. Khi lao động nhiều, đói mà nhịn sẽ bệnh. Chúng ta thấy các thiền sư không làm gì. Khi Phật tại thế, các Tỳ-kheo khất thực rồi kinh hành và tọa thiền, vì ngồi yên, năng lượng không hao hụt. Còn tụng kinh, chấp tác, năng lượng hao hụt, nên Phật giáo Bắc tông cho phép ăn chiều, coi như thuốc chữa bệnh đói. Người hết đói, hết nghiệp, vào thiền dễ dàng. Còn đói, nên bổ sung nhẹ, như ăn cháo loãng. Hòa thượng Thanh Kiểm nói đói uống nước để trung hòa bớt acid, không bị phá bao tử, nếu không, sẽ bệnh loét bao tử. Vì vậy, không điều chỉnh thân, vào thiền, nguy hiểm. Muốn tu thiền, hay pháp môn nào cũng cần phải biết đúng pháp căn bản và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Trên bước đường tu, những bước đầu tiên quan trọng, phải thực tập đúng cách mới có kết quả tốt đẹp. Riêng tôi, nhờ lạy sám hối nhiều, tiêu nghiệp, nhưng về sau, tôi thấy phải điều hòa cơ thể để cắt nghiệp chướng trần lao đời quá khứ và đời này mới vào thiền được. Thiệt tình chúng ta muốn tu, nhưng bị nghiệp hành nên gặp vô số khó khăn, trở ngại. Phật nói rằng trở ngại chính là tham năm món dục: ăn, ngủ, danh, lợi, sắc. Thử nghĩ khi nào các thầy đạt quả vô tham. Đầu tiên chúng ta quán Không, nhưng đến giai đoạn này, Không là vô tham, tâm chúng ta mới yên ổn, vào thiền không lạc cảnh giới ma. Còn tham, chắc chắn lạc cảnh giới ma, còn bực tức sẽ lạc vào thế giới A-tu-la. Vì vậy, cố gắng thực tập điều hòa thân để cắt bỏ thân nghiệp. Thân nghiệp có sát, đạo, dâm từ đời quá khứ mới dẫn chúng ta hiện thân trên cuộc đời này. Nếu thực tập thiền quán đến một mức độ sẽ thấy nghiệp quá khứ của người, của mình, vì không có quá khứ không thể có hiện tại. Hiện tại là hình ảnh của quá khứ, mới có thân người cao, lùn, khỏe mạnh, ốm yếu, thông minh, ngu dốt… Thấy được nghiệp quá khứ, chí thành lạy sám hối cho tiêu nghiệp, đó là pháp tu chính của tông Thiên Thai. Ngài Trí Giả bảo lạy sám hối cho tiêu trần lao, nghiệp chướng, mới vào thiền định được. Tôi lên Tỷ Duệ sơn, Nhật Bản, thấy các vị Hòa thượng lớn tuổi lạy sám hối đến chai đầu gối vẫn lạy. Tôi hỏi tại sao vẫn lạy. Các thầy trả lời rằng lạy cho tiêu nghiệp quá khứ để đời sau sanh ra bằng, hay hơn người, mới tu được. Trong bài Sám quy mạng, Tổ đã dạy: “Thử thế phước cơ mạng vị, các nguyện xương long. Lai sanh trí chủng linh miêu, đồng hy tăng tú. Sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo, lục căn thông lợi, tam nghiệp thuần hòa, bất nhiễm thế duyên, thường tu phạm hạnh…”. Ngày nay, nếu sanh trên cuộc đời mà mình không bằng ai, tự biết nghiệp quá khứ quá nặng. Nhưng còn may mắn, được xuất gia, được gặp Phật, phải cố lạy Phật cho tiêu nghiệp quá khứ. Nhờ gặp thiện tri thức hướng dẫn chúng ta lạy cho đúng pháp. Thuở nhỏ, tôi bị bệnh tim bẩm sinh, dễ bị ngất. Nhờ lạy Phật, tiêu nghiệp, tim được khỏe mạnh cho đến ngày nay, vẫn giữ được 70, 80 nhịp một phút. Như vậy, bản thân tôi nhờ lạy Phật, phá được bệnh nghiệp. Và mang thân người, còn nhiều nghiệp khác, nếu phá được tất cả nghiệp quá khứ và chúng ta vào thiền, đắc thiền, được quả thứ hai là “Định sanh”, nghĩa là ngồi thiền là vào định lập tức. Còn bây giờ, thiền nửa tiếng cảm thấy lâu quá, cứ chờ cho hết giờ xả thiền. Ai thực tu phải bỏ tâm này, vì mong mau hết giờ để xả thiền là hỏng, không thể tiến bộ. Trong mùa an cư, nếu thực tập kém nhất cũng được quả Dự lưu, hay vào Sơ thiền, cao hơn đạt Định sanh, cho đến Ly hỷ diệu lạc và cuối cùng là Xả niệm thanh tịnh, đó cũng là đỉnh cao của thiền mà ông Kamala đã dạy Thái tử Sĩ Đạt Ta. Theo Phật, thành tựu được Tứ thiền, chúng ta có năng lực giống như con tê giác một sừng không ai có thể cản trở, tiến thẳng tới Bồ Đề Đạo Tràng mà an tọa. Chưa gặt hái quả Dự lưu, mong được pháp gì cao xa chỉ phí công, vô ích. Cầu nguyện Tăng Ni an cư kiết hạ tỉnh Bình Dương được thăng tiến quả vị giải thoát theo Phật.
Bài giảng của Hòa thượng Thích Trí Quảng tại trường Hạ tỉnh Bình Dương nhân mùa an cư năm 2016 (Giác Ngộ) |