BÁT CHÁNH ĐẠO HỮU LẬU &
BÁT CHÁNH ĐẠO VÔ LẬU
Thích Thắng Giải
BÁT CHÁNH ĐẠO HỮU LẬU & BÁT CHÁNH ĐẠO VÔ LẬU
LỜI THƯA
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
Trong kinh Đại Thiên Nại Lâm, Trung A-hàm, số 67, Đức Phật dạy: “Nay Như Lai trao pháp Bát Chánh Đạo cho A Nan, thầy A Nan phải gìn giữ và trao truyền lại, để cho chánh pháp không bị diệt vong.” Tiếp theo trong Trường A-hàm, Đức Phật dạy cho Ngài Tu-bạt:“Trong giáo pháp nào có Thánh đạo tám chi thì ở đó có quả vị Sa-môn thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Nay trong giáo pháp này có Thánh đạo tám chi nên có quả vị Sa-môn thứ nhất, quả vị Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư.”
Trong Trung A-hàm, kinh Thánh Đạo, số 189, Đức Phật dạy: “Bậc Thánh hữu học thành tựu tám chi phần Bát Chánh Đạo; còn bậc Thánh vô học thành tựu mười chi, thêm hai chi nữa là chánh trí và chánh giải thoát.”
Trong Tạp A-hàm, kinh Lục Nhập Xứ, số 305, do Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch, Đức Phật dạy: “Khi tu tập tám Thánh đạo đã đầy đủ rồi thì bốn Niệm xứ cũng tu tập đầy đủ và bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ-đề phần cũng tu tập đầy đủ.”
Theo Từ điển Phật học giải thích nghĩa hữu lậu là chảy mất, rò rỉ ra, phiền não, khổ đế - tập đế; vô lậu là không có sự rò rỉ, chảy ra, diệt đế - đạo đế. Theo đó, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều có tâm hữu lậu và tâm vô lậu. Tâm hữu lậu là sự tập khởi của năm thủ uẩn (khổ đế - tập đế), hay nói gọn lại đó là sự tập khởi của vọng tâm, vọng niệm, tạp niệm, tâm sinh diệt; tâm vô lậu là tâm không sinh không diệt, hay chân tâm (đạo đế vô lậu).
Chính ý nghĩa đó nên tất cả phương pháp tu tập để chứng nghiệm từ hữu lậu cho đến vô lậu đều không ra ngoài tu tập giáo pháp Bát chánh đạo. Trong Bát chánh đạo, thì trong đó có năm chi thuộc về tâm là chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định; còn ba chi còn lại thuộc về thân và khẩu là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Tiếp theo trong Tiểu Kinh Phương Quảng, Trung Bộ I, số 44, Đức Phật dạy: “chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là thuộc nhóm định, chánh kiến và chánh tư duy là thuộc nhóm tuệ, còn chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng là thuộc nhóm giới (thiện)”. Có nghĩa rằng trong bát chánh đạo thì năm chi là chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định gom lại thành hai nhóm là định (chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định) và tuệ (chánh kiến và chánh tư duy), còn ba chi là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng là thuộc nhóm giới. Do đó, chúng ta tu tập bát chánh đạo trong giai đoạn hữu lậu hay vô lậu cũng chính là tu tập giới – định – tuệ, tức khiến cho tâm luôn an trụ trong định và tuệ để dẫn sinh ra giới.
Bởi tu tập bát chánh đạo nên bậc thánh sơ quả đã đoạn trừ thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Bậc thánh nhị quả làm giảm, mỏng tham, sân và si đối với sự tập khởi của năm thủ uẩn. Bậc thánh tam quả đoạn trừ năm hạ phần kết sử, tức thân kiến, giới cấm thủ, nghi và tham, sân trong dục giới. Bậc thánh A-la-hán đoạn trừ phiền não chướng (chấp ngã), thành tựu Niết-bàn hữu dư y và Niếtbàn Vô dư y. Đức Thế Tôn đã đoạn trừ phiền não chướng (chấp ngã) và sở tri chướng (chấp pháp) nên thành tựu Vô trụ xứ Niết-bàn. Chính ý nghĩa quan trọng này nên chúng ta cần phải nỗ lực tu tập Bát chánh đạo hữu lậu cho đến Bát chánh đạo vô lậu để chứng nghiệm các thánh quả.
Mùa Phật Đản PL 2566 – 15.05.2022 Với tất cả tấm lòng trân trọng,
Thắng Giải
- Từ khóa :
- Bát Chánh Đạo
- ,
- Hữu Lậu
- ,
- Vô Lậu