Biên soạn
BIÊN NIÊN SỬ
HỆ PHÁI KHẤT SĨ VIỆT NAM
Nhà xuất bản Hồng Đức – 2017
LỜI GIỚI THIỆU
Hệ phái Khất sĩ, hay Đạo Phật Khất sĩ được Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập tại miền Nam nước Việt vào giữa thế kỷ trước, theo chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.
Trải qua thời gian hiện hữu gần 70 năm, cho đến nay, Hệ phái Khất sĩ luôn gắn bó với quê hương Việt Nam, hội nhập và phát triển, là một trong chín thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cuối năm 1981.
Từ hơn 20 ngôi tịnh xá đạo tràng thời Đức Tổ sư, hầu hết chỉ ở miền Nam, thì nay cơ sở thuộc Hệ phái Khất sĩ đã có mặt khắp cả ba miền đất nước, cả ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc một số châu lục với gần 4.000 Tăng Ni hành đạo.
Con số đó cũng đang được thay đổi từng năm. Có được sự phát triển như vậy, trước hết càng khẳng định rằng Chánh pháp của Đức Thích-ca luôn thích ứng và cần thiết cho cuộc đời ở mọi thời đại và hoàn cảnh lịch sử. Thứ nữa, không thể không nhắc đến công đức của chư vị Tổ sư qua các thời kỳ truyền nối, hoằng dương, trong đó có Tổ sư Minh Đăng Quang và các bậc Tổ Thầy thuộc Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam.
Ở phương diện xã hội, dù lịch sử còn non trẻ, hiện hữu và phát triển chỉ gần 70 năm, nhưng Hệ phái Khất sĩ được xem là một trong những hiện tượng tôn giáo có yếu tố nội sinh, luôn vận động và phát triển. Do đó, một số hội thảo đã lấy Hệ phái làm đối tượng nghiên cứu khoa học và đã có những phân tích, nhận định, đánh giá khách quan. Tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam cũng đã được Tăng Ni sinh viên chọn làm đề tài tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ Phật học.
Tác giả Thích Minh Cang là một trong số đó. Gần đây, tác giả lại chuyển cho chúng tôi xem bản thảo công trình “Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ Việt Nam” mà tác giả đã thực hiện trong vòng hai năm, chúng tôi rất cảm kích tinh thần làm việc nhiệt thành của một vị Tăng trẻ, do vậy cũng đã có những góp ý cụ thể về nội dung và phạm vị của đề tài cũng như sẵn lòng bỏ qua những điều bất cập, còn khiếm khuyết, chưa đạt trong công trình này.
Với sự cần mẫn, tác giả đã dành công sức và tâm huyết sưu tầm tài liệu, qua đó chọn lọc, hệ thống hóa, sắp xếp theo thời gian các sự kiện, hoạt động liên quan tới Hệ phái, từ ngày khai đạo cho đến gần đây, được phân theo các chủ đề về Hoằng pháp, Sáng lập, Tăng sự, Phật sự Giáo hội, Kiến thiết, Sự kiện, Tu học, Lễ hội, Ấn phẩm,…
Trong ý nghĩa là một công trình biên niên sử về Hệ phái Khất sĩ đầu tiên mà chúng tôi được biết cho đến nay, và tác giả là một vị Tăng trẻ, nên chúng tôi hoan hỷ viết ít dòng giới thiệu đến những ai quan tâm về sự hình thành, hội nhập và phát triển của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam có thêm tư liệu để tham khảo và tìm hiểu.
Chúng tôi cũng mong rằng, với sự nhiệt tâm và sức khỏe, tác giả có thời gian để tiếp tục có những bổ túc, hoàn thiện cho công trình này trong lần tái bản sau.
Với nhân duyên đó, chúng tôi có lời giới thiệu cuốn “Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ Việt Nam” đến với chư Tôn đức và Phật tử, Quý độc giả hữu duyên.
Pháp viện Minh Đăng Quang (Q2, Tp. Hồ Chí Minh)
Mùa An cư Phật lịch 2561 – Đinh Dậu (2017)
Hòa thượng Thích Giác Toàn
LỜI NÓI ĐẦU
“Nối truyền Thích-ca chánh pháp, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam” là lý pháp sáng ngời, là phương châm dẫn lối trên con đường Tự giác, Giác tha của Tổ sư Minh Đăng Quang (1923-1954), Người đã khai sáng Hệ phái Khất sĩ Việt Nam vào khoảng giữa thập niên năm mươi của thế kỷ XX. Thập niên ấy với một hoàn cảnh xã hội đầy biến động, nhiễu nhương, những giá trị tinh thần hầu như không còn đúng nghĩa. Chính lúc bấy giờ, Tổ sư ra đời rồi lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long miền Nam nước ta, trong một gia đình Nho phong lễ giáo. Nhưng nhờ có túc duyên lâu đời nên sớm quay đầu tìm Chơn Như giải thoát, và Ngài đã sáng tỏ lý pháp “Thuyền Bát-nhã” sau thời gian ẩn tu, tham thiền tại vùng biển Mũi Nai (Hà Tiên) vào ngày Rằm tháng 02 năm Giáp Thân (1944), lúc ấy Tổ tròn 22 tuổi.
Sau đó, Tổ sư vân du truyền bá giáo pháp Khất sĩ khắp các miền Đông Tây Nam bộ, từ Mỹ Tho, Cai Lậy, Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp), Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ), Phụng Hiệp, Thủ Thừa (Long An), Gia Định, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiên Giang rồi lên Thủ Dầu Một (Bình Dương), Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu,… “Cuộc đời hành đạo và đức độ của Sư trưởng Minh Đăng Quang cùng sáng chói đối với quần chúng cảm mến, theo thọ giáo rất đông, đi tới đâu cũng có người ủng hộ” (theo Vĩnh Long Xưa và Nay, Huỳnh Minh, Nxb Cánh Bằng năm 1967, trang 290). Đến năm 1954, trên đường hoằng pháp sang Cái Vồn (huyện Bình Minh) Tổ sư thọ nạn rồi vắng bóng. Như vậy, chỉ trong một thời gian khoảng 8 năm hoằng truyền hóa độ, Tổ sư đã thâu nhận trên 100 vị đệ tử xuất gia Tăng Ni; cảm hóa hàng vạn nam nữ cư sĩ; chứng minh và thành lập gần 30 ngôi tịnh xá. Ở vào thời kỳ đó, thì đây thật đúng là thành tựu vẻ vang trong sự nghiệp hoằng pháp của Ngài, nếu muốn có thể nói là vô tiền khoáng hậu.
Sau khi Tổ sư vắng bóng, các vị đệ tử xuất gia của Ngài tiếp tục ra đi hành đạo, giáo hóa nhân sinh rộng khắp hai miền Nam và Trung Việt Nam. Từ năm 1956 – 1961, chư tôn Trưởng lão lần lược thành lập nên các Đoàn : Đoàn do TL. Giác Chánh và TL. Giác Như lãnh đạo; Đoàn của TL. Giác Tánh và TL. Giác Tịnh thành lập năm 1957-1958; Đoàn của TL. Giác An thành lập năm 1957; Đoàn của HT. Giác Nhiên thành lập năm 1957; Đoàn của TL. Giác Lý thành lập năm 1960; HT. Giác Huệ thành lập Giáo hội Khất sĩ Việt Nam năm 1971; Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam do NT. Huỳnh Liên thành lập năm 1958;…Đến năm 1966, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam chính thức được thành lập, do chư vị HT. Giác Nhiên, HT. Giác Nhu, HT. Giác Tường,…đứng ra xin phép. Từ đó, hiệp nhất các Đoàn, thống nhất Giáo hội, từng bước hoàn thiện tổ chức hành chánh, mở mang nhiều cơ sở tịnh xá, số lượng Tăng Ni cũng tăng thêm.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình độc lập, giải phóng hoàn toàn, lịch sử lật sang trang mới. Đoàn Du Tăng và Tăng Ni các Đoàn tạm dừng bước chân du hóa, tùy nhân duyên mà an trụ tại trú xứ tịnh xá tu học, xiển dương Chánh pháp. Đến năm 1981, Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam khi ấy là 1 trong 9 tổ chức Hệ phái Phật giáo kết hợp thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay. Bấy giờ, chư tôn đức lãnh đạo các Đoàn ổn định tổ chức, thay đổi danh xưng theo thứ tự là Giáo đoàn I, Giáo đoàn II,...Giáo đoàn VI (gồm có 6 Giáo đoàn).
Từ khi hội nhập, thống nhất trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, HPKS đã từng bước hòa nhịp, đồng hành cùng phát triển. Số lượng tịnh xá, tịnh thất ngày thêm gia tăng, nếu tính đến năm 2013, thì đã có trên 500 ngôi tự viện. Nhiều công trình xây dựng mới, đại trùng tu rất tráng lệ uy nghiêm, như : tx. Ngọc Viên (Vĩnh Long), tx. Ngọc Đăng (Tp. HCM), tx. Ngọc Tòng (Nha Trang), tx. Ngọc Quang (Đăk Lăk), tx. Trung Tâm (Bình Thạnh, Tp. HCM), Pháp viện Minh Đăng Quang (Tp. HCM), tx. Trung Tâm (q.6, Tp. HCM), tx. Ngọc Cẩm (Quảng Nam), tx. Lộc Uyển (q.6, Tp. HCM), tx. Ngọc Phương (Tp. HCM), tx. Ngọc Phú (Tp. HCM), tx. Ngọc Uyển (Đồng Nai),…thật xứng đáng là danh lam thắng cảnh của non sông Việt Nam. Về tiếp Tăng độ chúng thì luôn luôn không ngừng. Theo sự thống kê vào năm 2010, thì tổng số Tăng Ni Khất sĩ có 2.167 vị. Đa số các Tăng Ni đều có theo học tại các trường Phật học. Hiện nay, Hệ phái Khất sĩ đã đào tạo được 43 vị Tiến sĩ, gần 30 Thạc sĩ, có 231 vị Cử nhân, hàng trăm Tăng Ni Tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp Phật học (năm 2010). Nhiều tịnh xá ở hai miền Nam – Trung là cơ sở của trường Phật học. Tăng Ni Hệ phái được đào tạo về tham gia giảng dạy tại Học viện cũng như các trường Phật học, số lượng này có đến mấy chục vị.
Ngoài những thành tựu về Giáo dục Tăng Ni, công tác Từ thiện Xã hội đã được phát huy và phát nguyện phục vụ cộng đồng ngày một tiến triển tốt đẹp. Hiện nay, nhiều cơ sở Tuệ Tĩnh đường và kinh tế tự túc được hình thành tại tịnh xá.
Vài nét sơ lược trên, chúng ta có thể thấy Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam ngày nay là một trong ba Hệ phái lớn (Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ) của Phật Giáo Việt Nam, không những kế thừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của Hệ phái mà còn luôn sánh bước cùng thời đại, mở mang truyền bá Phật pháp đến các nước Phương Tây.
Thế nên, để giữ gìn và phát triển nền văn hóa của Hệ phái thì việc biên soạn lịch sử là yêu cầu cấp thiết. Đây là lý do để chúng tôi mạo muội biên soạn quyển Biên Niên Sử Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam này, dẫu có hơi muộn nhưng cũng cố gắng, phải mất khoảng hai năm mới tạm kết. Ngần ấy thời gian thì quả là khiêm tốn đối với một công trình biên soạn lịch sử, hơn nữa chỉ cá nhân làm việc thì không sao tránh khỏi những sai sót, vì thế rất mong chư thiện tri thức chỉ giáo thêm. Tác giả hy vọng sau này sẽ có người tiếp nối bổ túc để tác phẩm được hoàn thiện hơn.
Trong quá trình làm việc, chúng tôi rất cẩn thận, nghiêm túc trong công tác sưu tầm tư liệu, đối chiếu các văn bản, phân tích sự kiện để biên soạn cho đúng khoa học sử biên niên.
Tuy chỗ học còn thô thiển, nhưng chúng tôi may mắn nhờ có chư tôn giáo phẩm Hệ Phái Khất Sĩ động viên, chỉ dạy, bổ sung tư liệu để tác phẩm được hoàn thành, ngõ hầu đền đáp thâm ân giáo dưỡng của tiền hiền Thầy Tổ.
Sau cùng, tác giả xin chân thành tri ân HT. Thích Giác Toàn đã đọc bản thảo, chỉ dạy và viết cho Lời giới thiệu; ĐĐ. Thích Minh Liên – Cố vấn công trình biên soạn, viết Lời bạt; chư tôn giáo phẩm HPKS; chư tôn đức Tăng Ni lãnh đạo các Giáo đoàn, Phân đoàn; chư vị trụ trì các tịnh xá đã ân cần khuyến khích, hỗ trợ sách vở tư liệu để tác phẩm được hình thành.
Xin trân trọng dâng lên với cả tấm lòng của người con Khất sĩ!
Thiền thất Minh Tâm, 29-04-2017
Mùa Phật đản năm Đinh Dậu
Sa-môn Thích Minh Cang
PHÀM LỆ
1. Nội dung sách Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ Việt Nam được sắp xếp theo thứ tự thời gian từng năm một, ví dụ : Năm 1948, năm 1949, năm 1950,…năm Dương lịch trước, đến Âm lịch và Phật lịch. Ví dụ : Năm 1948 (Mậu Tý- PL.2492); Năm 1949 (Kỷ Sửu- PL.2493); Năm 1950 (Canh Dần- PL.2494).
2. Sự kiện lịch sử biên trong mỗi năm chúng tôi xếp theo từng nhóm chủ đề như sau : Hoằng pháp, Sáng lập, Tăng sự, Phật sự Giáo hội, Kiến thiết, Sự kiện, Tu học, Lễ hội, Ấn phẩm.
3. Trong tác phẩm này chúng tôi chỉ nghiên cứu, biên soạn về Hệ phái Khất sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang (1923-1954) khai sáng, còn những Đoàn Khất sĩ khác xin không biên soạn ở đây. Vì hiện nay, tài liệu về các Đoàn Khất sĩ này không đầy đủ, tác giả chưa có nhân duyên để nghiên cứu thực tế, khảo sát điền dã.
4. Về Phật lịch, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam từ lúc sáng lập cho đến khi gia nhập GHPGVN vào năm 1981, đều sử dụng Phật lịch theo Hội Phật giáo Thế giới, lấy năm 544 trước Tây lịch (tức năm Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn) là Phật lịch năm đầu tiên, tính đến năm nay (2017) thì Phật lịch là 2561 năm. Đây cũng là Phật lịch của GHPGVN dùng hiện nay.
5. Về tài liệu biên soạn, tác giả sử dụng các nguồn tài liệu như sau : Sử liệu về HPKS, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Việt Nam; các báo : Tuần báo Giác Ngộ, Tập san Đuốc Sen, Kính Mừng Phật Đản, Tìm Lại Nguồn Xưa, Những Tâm Hồn Hiếu Hạnh; các bản thảo, kỷ yếu của HPKS; các trang Website của Phật giáo.
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
Sách và báo trích dẫn
- Báo Giác Ngộ số : BGN s
- Biên niên sử Phật giáo Gia định –
Sài gòn – Tp. Hồ Chí Minh : BNSPGGĐ-SG
- Chơn lý – Tổ sư Minh Đăng Quang : CL-MĐQ
- Chuyến Du Hành Miền Trung tập… : CDHMT t
- Hệ phái Khất sĩ 70 năm Hình thành và Phát triển : HPKS 70 HTPT
- Kỷ yếu Lễ tang Hòa thượng Thích Từ Huệ : KYLTHTTTH
- Kỷ yếu Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên : KYNTTNHL
- Lược Sử Chư Ni Sư Khất sĩ
trụ trì tịnh xá khắp Nam Trung : LSCNSKS
- Mãn Bồ Đề Nguyện : MBĐN
- Minh Đăng Quang Pháp Giáo : MĐQPG
- 100 Ngôi Tịnh xá Tiêu biểu : 100 TXTB
- Tập san Đuốc Sen tập… : ĐS t
- Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩ ở
- Tìm hiểu về Hệ phái Khất sĩ : THVHPKS
Danh từ chung :
- Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam : CHXH CNVN
- Đại đức : ĐĐ
- Giáo hội Khất sĩ Việt Nam : GHKSVN
- Hệ phái Khất sĩ : HPKS
- Hòa thượng : HT
- Hội đồng chứng minh : HĐCM
- Hội đồng giáo phẩm : HĐGP
- Hội đồng trị sự : HĐTS
- Mặt trận Tổ quốc : MTTQ
- Ni sư : NS
- Ni trưởng : NT
- Phật giáo Việt Nam : PGVN
- Phật giáo Khất sĩ Việt
- Sư cô : SC
- Tịnh xá : tx
- Thượng tọa : TT
- Trưởng lão : TL
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Phàm lệ
Bảng chữ viết tắt
Mục lục
PHẦN A. NỘI DUNG
BIÊN NIÊN SỬ HỆ PHÁI KHẤT SĨ VIỆT NAM
I. Thời kỳ Nguyễn Thành Đạt (sau này là Tổ sư Minh Đăng Quang) ra đời, xuất gia và chứng ngộ chân lý (1923-1944).
II. Thời kỳ hình thành Hệ phái Khất sĩ và truyền bá (1944-1954).
III. Thời kỳ củng cố - thành lập Đoàn (1955-1980).
IV. Thời kỳ gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phát triển (1981-2017).
PHẦN B. PHỤ LỤC
I. Lời bạt
II. Hệ phái Khất sĩ Việt Nam Bảng tư liệu tóm tắt
III. Thư mục biên soạn
IV. Bài đăng Tập san, Kỷ yếu,…
V. Khảo sát điền dã, Sưu tầm sách – văn bản, nghiên cứu thực tế từ các tịnh xá
Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ Việt Nam - Thích Minh Cang
.
- Từ khóa :
- Biên Niên Sử
- ,
- Hệ Phái
- ,
- Khất Sĩ Việt Nam