Tầng lớp sĩ phu nho học triều nguyễn trước nạn ngoại xâm

07/07/20182:51 CH(Xem: 6913)
Tầng lớp sĩ phu nho học triều nguyễn trước nạn ngoại xâm

TẦNG LỚP SĨ PHU NHO HỌC TRIỀU NGUYỄN
TRƯỚC NẠN NGOẠI XÂM

Cao Văn Thức

quan lại nho học
Ảnh minh họa

Sơ lược về tầng lớp sĩ phu nho học trong bộ máy nhà nước

Từ khi nhà Lý thành lập năm 1009 cho đến cuối thế kỷ XI, trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, Phật giáo đóng vai trò quan trọng. Trong triều đình ngoài hai ban văn quan, võ quan, còn có ban tăng quan gồm có các vị cao tăng đóng vai trò hội đồng cố vấn cho nhà vua trong việc trị quốc.

Do xu thế phát triển của thời đại, và chịu ảnh hưởng mô hình chính trị nước lớn Trung Quốc ở phương Bắc, nhà Lý bắt đầu chú trọng đến việc sử dụng mô hình Nho giáo trong việc quản lý đất nước; điều này trước tiên được thể hiện trên lĩnh vực giáo dục: năm 1070 thành lập Văn Miếu thờ Khổng Tử, năm 1076 xây dựng trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long và cho mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân sự vào bộ máy nhà nước năm 1075. Trước đây, nhà Lý bổ nhiệm quan chức là những người có công lao với triều đình trong buổi đầu giúp vua khởi nghiệp, thứ đến là con cháu quan chức cao cấp được “thế tập” hoặc những người tài giỏi trong dân gian được các quan địa phương phát hiện, tín nhiệm và tiến cử lên triều đình. Từ khoa thi năm 1075, triều đình bắt đầu dùng khoa cử để tuyển chọn nhân sự; nhưng do những hoàn cảnh khác nhau, trong hơn hai trăm năm tồn tại, nhà Lý chỉ tổ chức được mấy khoa thi mà thôi (các năm 1075, 1086, 1105, 1152, 1165, 1195). Vì vậy, số người xuất thân khoa bảng nho học trong bộ máy nhà nước còn rất ít ỏi, vì vậy chưa hình thành một tầng lớp sĩ phu nho học ở chốn triều đình.

Thời nhà Trần (1225-1400), giáo dục Nho giáo được đề cao thêm một bước nữa. Ngoài trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long, triều đình còn mở rộng hệ thống trường công lập ở các địa phương (lộ, phủ) và bổ nhiệm học quan phụ trách việc giảng dạy. Các khoa thi được tổ chức đều đặn hơn, ban đầu là bảy năm, về sau ba năm tổ chức một khoa thi. Thi Hương ở các địa phương, chọn hương cống, sinh đồ; thi Hội ở kinh đô, chọn Thái học sinh (nhà Lê đổi danh hiệuTiến sĩ) để bổ nhiệm vào bộ máy nhà nước. Qua các khoa thi được tổ chức đều đặn, đội ngũ nho sĩ đỗ đạt tham gia chính trường ngày càng tăng, dần dần hình thành tầng lớp sĩ phu nho học trong bộ máy nhà nước.

Đến thời Hậu Lê ở thế kỷ XV về sau, với chủ trương độc tôn Nho giáo, triều đình xây dựng hệ thống trường lớp ở trung ương và địa phương quy củ như thời Trần, tổ chức đều đặn ba năm một lần các khoa thi Hương, Hội, nên đã đào tạo được tầng lớp sĩ phu nho học khoa bảng tham gia vào bộ máy chính quyền, đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Chương trình học tập theo các bộ sách kinh điển do các học giả Trung Quốc biên soạn như Tứ thư (Mạnh Tử, Luận ngữ, Trung dung, Đại học), Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) và và các sách thơ văn, lịch sử cổ trung đại Trung Quốc…Chương trình giáo dục Nho học của Trung Quốc chủ yếu là Tống Nho với các học giả kinh viện, giáo điều như Chu Hy, Trình Hạo. Kiến thức chỉ là những giải thích mơ hồ về vũ trụ, con người, những lời giáo huấn về luân lý đạo đức hoặc thuật xử thế của các bậc danh nhân, thánh hiền thời cổ đại Trung Quốc hàng mấy nghìn năm trước. Mục đích giáo dục của Nho giáo là tạo nên những con ngườiđạo đức thuần thục, sống khuôn mẫu theo tam cương, ngũ thường, trung thành tuyệt đối với nhà vua, giúp vua cai trị và giáo hóa dân chúng sống hòa nhã trong khuôn khổ, trật tự của xã hội phong kiến nông nghiệp. Và chế độ phong kiến đã thực hiện rất thành công mục đích giáo dục, đã đào tạo ra được những nhà nho đức độ làm rường cột cho nước nhà, giúp cho nhà nước phong kiến nông nghiệp có những giai đoạn thịnh trị về kinh tế, văn hóa…

Về thực tế, từ thời Trần đến Hậu Lê, nền giáo dục Nho giáo đã đào tạo ra được nhiều danh nhâncông lao với đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao như: Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn…

Sau khi chiến thắng Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã lên ngôi vua năm 1802, chính thức lập ra vương triều Nguyễn. Nhà Nguyễn đã áp dụng nền giáo dục Nho giáo để đào tạo ra những quan chức phục vụ cho bộ máy công quyền. Năm 1807, triều đình cho mở khoa thi Hương đầu tiên ở các địa phương để chọn hương cống, sinh đồ. Thời Gia Long (1802-1819), tổ chức được tất cả ba khoa thi Hương, mỗi khoa thi cách nhau sáu năm (1807,1813,1819) và chưa có thi Hội. Đến thời Minh Mạng trở về sau tổ chức đều đặn các khoa thi Hương, thi Hội, cứ ba năm một lần. Năm 1828, vua Minh Mạng cho đổi học vị hương cống, sinh đồ thành cử nhân, tú tài. Năm 1829, thi Hội ngoài số người đỗ tiến sĩ chính thức, nhà vua còn cho lấy thêm Phó bảng là những người có điểm thi gần sát với điểm đỗ tiến sĩ. Đến thời Tự Đức, toàn quốc có tất cả bảy trường thi Hương tại các địa phương Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định, Gia Định. Thi Hội là khoa thi lớn cấp quốc gia được tổ chức tại kinh đô Huế.

Hệ thống trường công lập cũng được triều đình tổ chức một cách hệ thống, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Ở kinh đô có trường Quốc Tử Giám do quan Tế tửu và quan Tư nghiệp phụ trách; ở tỉnh có trường công do quan Đốc học đảm trách; ở các phủ, huyện có trường công do quan Giáo thụ, Huấn đạo đảm trách. Ngoài trường công lập của nhà nước thì hệ thống trường, lớp tư thục của các thầy đồ nông thôn mở ra khá nhiều để cung ứng cho nhu cầu học tập của con em người dân lao động ở các làng xã.

Trải qua gần 100 năm giáo dục khoa cử, triều Nguyễn đã tổ chức được 39 khoa thi Hội với 558 người đỗ đại khoa (Tiến sĩ, Phó bảng) và 47 khoa thi Hương với 5397 người đỗ cử nhân1 . Nền giáo dục Nho học của nhà Nguyễn đã đào tạo được một tầng lớp sĩ phu nho học đông đảo tham gia vào bộ máy nhà nước. Tầng lớp sĩ phu nho học này đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính, kinh tế, xã hội của đất nước ở nửa đầu thế kỷ XIX.

Sĩ phu nho học được đào tạo, uốn nắn từ “cửa Khổng, sân Trình” mục đích giáo dục phong kiến là để họ trở thành những con người “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, có phẩm giá, nhân cách cao thượng, thực hiện bổn phận “thượng trí quân, hạ trạch dân” (trên phò vua, dưới giúp dân) làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội thái bình. Và mục đích giáo dục đó đã thành công ở khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, đào tạo ra được những nhà nho tài giỏi, có đóng góp lớn cho đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… tiểu biểu như các danh nhân: Nguyễn Công Trứ, Trương Đăng Quế, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Văn Siêu…

Nhưng từ nửa thế kỷ XIX về sau, khi tình hình thế giới và khu vực có những biến động ngày càng dữ đội, Việt Nam đứng trước hiểm họa xâm lăng của thực dân Pháp thì tầng lớp sĩ phu nho học với mớ kiến thức giáo điều cũ kỹ đã trở nên lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu của thời đại mới và tầng lớp này đã nhanh chóng phân hóa với những thái độ, tư tưởng quan điểm khác nhau trước sự tồn vong của dân tộc.

Tầng lớp sĩ phu nho học trong triều đình trước nạn ngoại xâm

Ở thế kỷ XVIII-XIX, các nước phương Tây (Anh, Pháp, Đức, Ý…) sau khi thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp đã trở thành những cường quốc. Do nhu cầu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ hàng hóa, từ nửa sau thế kỷ XIX các cường quốc này ráo riết xâm lược các quốc gia lạc hậu ở châu Á, Phi… để làm thuộc địa. Việt Nam nằm trong tầm ngắm của thực dân Pháp. Sau một thời gian thăm dò, năm 1858, quân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, chính thức xâm lược Việt Nam. Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, rồi lần lượt chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ (1861), Tây Nam Kỳ (1867)…

Trước tình hình đất nước bị nạn ngoại xâm đe doạ như vậy, vua Tự Đức đã đưa ra nhiều kế sách để đối phó. Những kế sách này đều được nhà vua cùng các triều thần bàn bạc. Triều thần hầu hết là các quan chức xuất thân khoa bảng nho học. Trong những lần bàn bạc về kế sách chống ngoại xâm, đã nổ ra những cuộc tranh luận về đường lối, chủ trương chống giặc. Một số quan lại thì có lập trường “chủ chiến”, tức là đánh Pháp đến cùng chứ không chịu khuất phục. Một bộ phận triều thần khác thì chủ trương “hòa” vì thấy không thể nào đối đầu nổi với vũ khí tối tân của kẻ thù, và theo họ thì hòa là phương sách tốt nhất. Hai chủ trương, quan điểm khác nhau trong đám triều thần đó đã gây ra những cuộc tranh cãi liên miên không dứt. Phe chủ chiến chiếm hơn phân nửa triều thần, có những nhân vật nổi bật như Trương Quốc Dụng, Nguyễn Đăng Giai, Vũ Phạm Khải… còn phe chủ hòa cũng khá đông, trong đó có những nhân vật như Đoàn Thọ, Tôn Thất Thường, Tôn Thất Giao…

Tổng quát về những kiến nghị của các quan trong triều về vấn đề chống giặc và hiện tình đất nước, dù chủ trương “chiến” hay “hòa” thì họ cũng chỉ loay hoay trong mớ lý thuyết trị quốc gói gọn trong mấy bộ sách cổ như Tứ thư, Ngũ kinh của Nho giáo mà họ đã được học tập, rèn luyện từ bé cho đến khi trưởng thành ra gánh vác việc nước. Do hạn chế của nền giáo dục phong kiến, nên họ không có tri thức hiện đại để đưa ra những kiến nghị có thể đáp ứng được nhu cầu bức xúc của xã hội đương thời. Học giả Phan Khoang đã đưa ra nhận xét sâu sắc về sự học thiển cận của tầng lớp nho sĩ: “… sự học thì chỉ quanh quẩn các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Bắc sử, Đường thi, Cổ văn… cho nên những kẻ thông đạt cũng kiến thức hẹp hòi, không hiểu được việc trong thiên hạ”2 .

Qua một số kiến nghị của triều thần lúc bấy giờ, có thể nhận thấy được tri thức hạn hẹp, lỗi thời của họ trước những biến chuyển của thời cuộc trên thế giới lúc bấy giờ. Nội dung những kiến nghị chỉ là những điều sáo rỗng, chung chung hoặc vụn vặt. Đơn cử một vài bản điều trần, như của Trương Quốc Dụng đầu thập niên 50, nội dung khuyên vua thực hành tiết kiệm, bớt chi phí xa hoa, chấn chỉnh lại hàng ngũ quan lại, sửa sang lại việc thi cử, học tập, cẩn thận trong việc xét xử tù nhân… hoặc nội dung điều trần của Nguyễn Đăng Giai ở thập niên 60 như: triều đình tổ chức khai khẩn đất hoang để tăng diện tích trồng trọt, vỗ về cho dân nghèo được yên ổn, bắt cho đủ quân số binh lính theo số lượng đã ghi trong sổ sách3 … Nhìn chung không có bản điều trần nào đưa ra được những kế hoạch giải quyết gốc rễ của nhu cầu xã hội cận đại (mở cửa giao thương, phát triển kinh tế thị trường, học tập Âu Tây về giáo dục, khoa học, quân sự…) mà chỉ là những kiến nghị chắp vá, vụn vặt như tiết kiệm chi tiêu, nghiêm túc thi cử, khai khẩn đất hoang… và điều đó chỉ phù hợp cho một xã hội tiểu nông phương Đông ở thời kỳ lịch sử trung đại mà thôi.

Một yếu tố quan trọng nữa là do ảnh hưởng Tống Nho nặng nề nên các sĩ phu nhiễm tinh thần xem Trung Quốctrung tâm văn minh của thiên hạ, còn phương Tây chỉ là bọn “man, di” mà thôi. Vì vậy những nhận định về phương Tây thường lệch lạc và không nắm rõ được bản chất của vấn đề, tỏ vẻ xem thường văn minh phương Tây. Và trước đội quân viễn chinh nhà nghề với vũ khí tối tân (đại bác, súng trường, tàu chiến…), phương pháp tác chiến hiện đại thì các vị đại thần trong triều chủ yếu bàn cách chống giặc bằng những kiến thức quân sự phong kiến hủ lậu như: lập thế trận theo nguyên lý bát quái ngũ hành từ thời thượng cổ bên Tàu, hoặc chăng dây xích trên sông để cản tàu chiến Pháp, hoặc dùng các biện pháp “Long thao”, “Hổ lược” để chống cự với đại bác của giặc…

Ngoài quan lại thuộc các phe chiến, hòa thì trong triều còn có một nhóm nhỏ quan lại gọi là phái cải cách như Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản, Bùi Viện, Lê Đĩnh… Nhóm cải cách hầu hết là những quan chức đã có dịp đi công cán ở nước ngoài, gần thì Hương Cảng, Ma Cao, Xiêm, Nam Dương… xa thì Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ… vì vậy họ có điều kiện tiếp xúc, quan sát trực tiếp sự tiến bộ của văn minh kỹ thuật phương Tây. Họ nhận thức được rằng đất nước mình quá lạc hậu so với Âu - Mỹ, vì vậy cần phải cải cách đất nước. Họ gần với phe chủ hòa hơn, nhưng họ không chủ trương hòan toàn đầu hàng mà là tạm hòa hoãn, nhân nhượng kẻ thù để có thời gian canh tân đất nước.

Khi công cán nước ngoài về họ đều dâng sớ tâu trình hoặc viết sách ghi lại sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của phương Tây4 , và đề nghị duy tân. Nhưng do họ cũng không được đào tạo tri thức hiện đại của xã hội tư bản, mà chỉ có thời gian ngắn ngủi quan sát bề ngoài văn minh phương Tây, nên họ cũng chỉ nêu kiến nghị canh tân một cách chung chung, thiếu cụ thể. Một nhân vật nổi bật nhất trong phái cải cách ở triều đình là Phạm Phú Thứ, trong kiến nghị cũng chỉ nêu lên nội dung sáo cũ như khuyên vua về chính sách đối nội nên bắt chước khuôn mẫu thánh hiền đời xưa, đối ngoại thì chỉ là lo luyện tập binh tướng, chăm lo chu đáo để họ tận lực đánh giặc6 … Như vậy, do không có tri thức hiện đại, chỉ với mớ kiến thức Khổng, Mạnh cũ kỹ, lỗi thời đào tạo từ trước cho nên dù đầu óc có được cởi mở, thông thoáng vì được tiếp xúc văn minh phương Tây, nhưng kiến nghị của họ cũng không sâu sắc hơn bao nhiêu so với những người bảo thủ quanh quẩn trong nước.

Nói chung, tầng lớp sĩ phu nho học vẫn chỉ là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, chủ yếu là Tống Nho. Nền giáo dục đó đáp ứng được yêu cầu của chế độ phong kiến là tạo ra giới nho sĩ giúp vua làm công việc cai trị và giáo hóa dân chúng trong một xã hội nông nghiệp cổ truyền tự túc, tự cấp thời kỳ trung đại. Nhưng sang thời kỳ lịch sử cận đại, trước những biến động dữ dội của thế giới, phải đối phó với nạn ngoại xâm của các cường quốc công nghiệp phương Tây thì học vấn Nho giáo đã trở nên lỗi thời, các sĩ phu không có tri thức hiện đại để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước trong thời đại cạnh tranh trên hoàn cầu. Kết cục là dẫn đến mất nước vào tay người Pháp ở cuối thế kỷ XIX.

Chú thích:
1. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hệ thống giáo dục và khoa cử Nho giáo triều Nguyễn, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2011, tr.187-190.
2. Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1961, tr.117.
3. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa Học Xã Hội, 2016, tr. 505.
4. Năm 1863, sau khi phái đoàn đi Pháp về, Phan Thanh Giản viết Tây phù nhật ký, Phạm Phú Thứ viết Tây hành nhật ký, Nguỵ Khắc Đản viết Như Tây ký…
5. Đào Duy Anh, sđd… tr.505.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học (dịch), Nxb Giáo Dục, 2001.
2. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn Học, 2015.
3. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa Học Xã Hội, 2016.
4. Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1961.
5. Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn Học, 1995.
6. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2016.
7. Nguyễn Thế Anh, Theo dòng lịch sử, Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2017.
8. Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2005.
9. YoshiharuTsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885), Nxb Tri Thức, 2014.
10. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hệ thống giáo dục và khoa cử Nho giáo triều Nguyễn, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2011.
11. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo Dục, 2007.
12. Trần Thuận (chủ biên), Thái độ của sĩ phu Việt Nam thời tiếp xúc Đông - Tây (từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX), Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2014.

Cao Văn Thức | Văn Hóa Phật Giáo số 300

Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.