Lược ý “tiết Trung nguyên Phổ độ” xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền (Thích Tâm Mãn)

02/09/20202:50 CH(Xem: 1712)
Lược ý “tiết Trung nguyên Phổ độ” xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền (Thích Tâm Mãn)
VĂN HÓA PHẬT GIÁO
SỐ 351 SỐ VU LAN 01-09-2020

Lược ý “tiết Trung nguyên Phổ độ” xá tội vong nhân trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền
(Thích Tâm Mãn)

Đại lễ Vu Lan còn được gọi là tiết Trung nguyên, đây là một danh từ được rất nhiều sử sách nước ta thường gọi chỉ cho đại lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy. Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý, chép sự kiện vào năm Mậu Tuất (Hội Tường Đại Khánh năm thứ 9) như sau: “Mùa thu tháng 7, bãi cỗ bàn Tết Trung nguyên vì gặp ngay lễ Vu Lan Bồn [cầu siêu cho] Linh Nhân Hoàng Thái Hậu”.

Châu bản triều Nguyễn cũng có đoạn chép: “Năm Minh Mạng thứ XVIII, Đinh Mùi (1837), lại thiết trai đàn tụng kinh 21 ngày đêm cũng vào tiết Trung Nguyên, tức Vu Lan rằm tháng 7”. Vậy vì sao Đại lễ Vu Lan được gọi là tiết Trung nguyên?

Tiết Trung nguyên là danh từ của Đạo giáo dùng để gọi lễ hội rằm tháng Bảy, đây là “lễ tiết” theo quan niệm truyền thống của Đạo giáo. Đạo giáo cho rằng trong một năm có ba tiết gọi là “Tam nguyên” là ngày giáng trần của “Tam quan”. Trong kinh Thái thượng Tam quan của Đạo giáo có chép: “Thiên quan tứ phước, Địa quan xá tội, Thủy quan giải ách… tất cả chúng sanh đều dưới sự cai quản thống nhiếp của Thiên, Địa, Thủy quan…”.

Trong tín ngưỡng dân gian gọi tháng Bảy là “Tết của Quỷ” hay là “tháng cô hồn”.

Tiết Thượng nguyên còn gọi là Thượng nguyên Thiên quan tiết, lễ tiết của đầu năm vào tháng Giêng, đây là tiết giáng trần của Thượng nguyên tứ phước thiên quan, Tử Vi Đại đế. Tiết Trung nguyên còn xưng là Trung nguyên Địa quan tiết, lễ tiết của giữa năm, vào tháng Bảy, đây là tiết giáng trần của Trung nguyên Xá tội Địa quan, Thanh Hư Đại đế. Tiết Hạ nguyên còn xưng là Hạ nguyên Thủy quan tiết, lễ tiết cuối năm vào tháng Mười, đây là tiết giáng trần của Hạ nguyên Giải ách Thủy quan, Đồng Âm Đại đế.

Quan niệm của Đạo giáo cho rằng tiết Trung nguyên bắt đầu từ ngày mồng 1/7, ngày “Khai mở quỷ môn”, cho đến ngày 30/7, ngày “đóng cửa quỷ môn”, đây là tiết của quỷ, đây là khoảng thời gian, dưới âm phủ, âm ty mở cửa địa ngục, cho các loài quỷ lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người thế gian, cũng như tìm người thế mạng.

Người trên thế gian vì muốn tránh sự phá rối cũng như làm tổn hại đến tính mạng của mình do các loài quỷ gây ra, nên đến ngày rằm tháng 7 phải lập đàn. Thiết lễ, bày các phẩm vật thực phẩmcác loại vàng mã, hình nộm để thế chấp và cung cấp các loài cô hồn ngạ quỷ. Lễ cúng tế này được Đạo giáo gọi là Tiết Trung nguyên.

Căn cứ theo kinh Huyền đô Đại hiến của Đạo giáo có chép: “Ngày 15/7 là tiết Trung nguyên vậy… đây là ngày mà Đại quan kiểm tra xét hỏi, phân biệt các tội thiện ác dưới địa phủ. Chư Thiên và Thánh chúng đều ở trong cung, kiểm tra sổ ghi kiếp số của các loài quỷ, các loài ngạ quỷ đang bị tù ngục đều được thả ra…”.

Quan niệm của Đạo giáo cũng như trong tín ngưỡng dân gian tin rằng “quỷ” là những vong hồn chết bất đắc kỳ tử, là chưa đến số chết mà phải chết, chết một cách oan uổng, không cam tâm, không nhắm mắt được, nên khi chết biến thành “lệ quỷ” để quay lại báo thù. Cho nên trong dân gian có câu “Làm ác giết người, thì có thể trốn được sự trừng phạt của quốc pháp, chứ đâu tránh khỏi sự trả thù của oan hồn lệ quỷ”.

Tiết Trung nguyên của Đạo giáo cũng như trong dân gian cho rằng đây là mùa của “lệ quỷ” cô hồn nên phải cúng tế cho các loại lệ quỷ, ăn uống đầy đủ, cúng cấp vàng mã đủ đầy, để giải trừ các oán hờn, không còn trả thù nữa, để được thoát hóa đầu thai làm người.

Đạo giáo giải thích về quỷ rằng: “Người chết thành quỷ, quỷ có nghĩa là quy, ý là có chỗ để về vậy. Quỷ có chỗ để về thì không thành lệ quỷ. Nói chỗ về là chỉ khi chết được an táng đàng hoàng, được con cháu thờ cúng”.

Vào tiết Trung nguyên của Đạo giáo, các đạo sĩ thường lập đàn Huyền đô Đại trai để cúng tế cầu nguyền cho các ngạ quỷ không người thờ tự và cúng cấp, các loại cô hồn lệ quỷ được ăn uống no đủ, siêu thoát để đi đầu thai, đây là phương pháp của Đạo giáo tế độ cô hồn.

Kinh Huyền đô Đại hiến của Đạo giáo có chép: “Vào ngày rằm tháng Bảy làm đàn Huyền đô Đại trai, bày đầy đủ các thứ hoa quả, những vật dụng cúng tế quý trong thế gian… hiến cúng chư Thánh chúng và Đạo sĩ… trong suốt ngày tháng thiết đàn giảng tụng kinh pháp, Thập phương Đại thánh, cao lộc linh thiêng, tội đồ ngạ quỷ, đương thời giải thoát…”.

Khác với quan niệm của Đạo gia chỉ cúng tế và thế chấp đồ vàng mã, để tránh sự phá rối và báo thù của các loài ngạ quỷ; Đại lễ Vu-lan rằm tháng Bảy của Phật giáo chủ trương “Mùa Báo hiếu” mọi người nên học hạnh hiếu thảo với cha mẹ, làm việc thiện tích góp công đức, trai tăng cúng dường, hồi hướng cho cha mẹ hiện đời và nhiều kiếp về trước được siêu sanh về tịnh độ và lập đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ cho những âm hồn, quỷ đói, thọ dụng cam lộ pháp thực và cầu nguyện cho họ xả bỏ các oán hờn phiền não, vãng sanh về cõi Phật.

Phật giáo đời Đường thuộc thời kỳ phát triển mạnh mẽ của tất cả các Tôn giáo có mặt ở Đông độ, hai quan niệm của Phật giáo và Đạo giáo cùng chung một tâm từ, nhưng hoàn toàn khác nhau về tư tưởng cũng như cách thức, cuối cùng hai quan niệm này được hợp nhất lại thành một ý niệm chung, trong một lễ hội, đó là lễ hội “Trung nguyên Phổ độ” chính là vào thời nhà Đường bởi tư tưởng “Tam giáo Đồng nguyên”.

Phật giáo với bản lĩnh văn hóa đạo lý của chính mình, cộng với sự tín sùng ủng hộ của triều đình và dân chúng, nên Đại lễ Vu-lan của Phật giáo, trên cương vị chủ đạo pháp hội, đã hòa hợp thành công lễ tiết của người Đông độ thành pháp hội mang đậm nét văn hóa và tinh thần của Phật giáo.

Thành công này là do sự ứng thế của kinh Cứu bạt Diệm Khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni và Cam lộ Đà-la- ni chú của Phật giáo do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch vào đời Đường. Khoa Du-già Diệm Khẩu, đàn Chẩn tế Cô hồn của Phật giáo được hưng khởi từ ngài Bất Không Tam Tạng, và sự kiện ngài Kim Địa Tạng thành đạo ở Cửu Hoa sơn.

Đại lễ Vu-lan-bồn Đông độ dịch là Cứu đảo huyền, là nương theo từ bi, trí tuệ và nguyện lực của chư Phật và Bồ-tát để diệt trừ mọi phiền não, cũng như thoát khỏi tất cả những thống khổ đảo ngược ở địa ngục của các loài ngạ quỷ, do nghiệp thức gây ra. Trong sách Mạnh Tử, quyển thượng Công Tôn Sửu, giải thích về cứu đảo huyền có chép: “Ví như giải cứu người từ trong hoàn cảnh nguy khốn ra vậy”.

Phương pháp Cứu đảo huyền trong Đại lễ Vu Lan là đàn Du già Diệm Khẩu Chẩn tế Cô hồn, căn cứ vào kinh Cứu bạt Diệm Khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni và Cam-lộ Đà-la-ni chú. Hai bộ kinh này đều do Đức Phật vì từ bi thương xót loài ngạ quỷ khổ, nên nói pháp phương tiện để cứu tất cả các loài quỷ đói thoát khỏi những nổi thống khổ bị đảo ngược.

Khi ngài Bất Không Tam Tạng đến Trường An, kinh đô nhà Đường, ở chùa Đại Hưng Thiện dịch bộ Du già Tập yếu Diệm khẩu Thí thực cứu A-nan Đà-la- ni Nghi quỹ kinh lập thành nghi quỹ và thứ lớp hành trì pháp thí thực, thành khoa Phóng Diệm Khẩu tức là nghi thức Chẩn tế Cô hồn của Phật giáo.

Diệm Khẩu còn một danh từ khác là Diện Nhiên. Theo kinh Cứu bạt Diệm khẩu Ngạ quỷ Đà-la-ni: “Một thời Phật tại thành Ca-tỳ-la… Bấy giờ ngài A-nan một mình ở tịnh thất tu tập thiền định… có một con quỷ đói tên là Diệm Khẩu đến trước ngài A-nan bạch rằng: ‘còn ba ngày nữa là mạng tôi hết, sanh vào trong ngạ quỷ’…”.

Ngài A-nan bạch Phật chuyện này và cầu Phật khai thị. Bấy giờ Đức Phật vì nhân duyên này mà nói Thần chú “Vô lượng Oai đức Tự tại Quang minh Thù thắng Diệu lực Đà-la-ni”, nếu trì tụng thần chú này lập tức giải trừ các nỗi khổ oan khiên của ngạ quỷ….

Nói về các loài ngạ quỷ, những đối tượng để phổ độ trong đàn chẩn tế rằm tháng Bảy, trong luận Tỳ-bà-sa chép về ngạ quỷ như sau “… có loại bụng lép như chó đói, đầu rối nùi, chân như khúc củi khô, miệng mũi thường chảy ra nước mũi nước dãi, lỗ tai sanh mủ, nơi mắt chảy ra máu. Có loại cao lênh khênh, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như mũi kim, miệng thường phựt ra lửa, thân hình hôi hám, lông cứng nhọn như gai. Các loài ngạ quỷ khác thân thể còn ghê gớm xấu xa hơn nữa”.

Vì những nỗi khổ vô cùng vô tận của loài ngạ quỷ, khi ăn uống thức ăn đều biến thành lửa, thường xuyên bị đói khát hành hạ, vì lòng từ bi phổ độ nên trong kinh Cứu bạt Diệm Khẩu ngạ qủy Đà-la-ni, Phật thuyết thần chú “Biến thực Chân ngôn”; trong Cam lộ Đà-la-ni chú, Phật thuyết thần chú “Cam lộ Chân ngôn”, khi trì tụng hai thần chú này tất cả các thực phẩm đều biến thành cam lộ pháp thực và các loài ngạ quỷ đều có thể thọ dụng, vì vậy hai thần chú này là tâm điểm của đàn Chẩn tế.

Bồ-tát Địa Tạng với đại nguyện “Nguyện độ hết chúng sanh, thì mới thành Phật”, theo truyền thuyết cho rằng ngài Kim Kiều Giác tu hành ở núi Cửu Hoa Sơn là hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng, xuống trần gian để cứu độ chúng sanh. Đời Đường ngày 30 tháng 7, niên hiệu Khai Nguyên thứ 16, Kim Địa Tạng ở Cửu Hoa Sơn tu hành đắc đạo.

Theo lời Phật dạy trong kinh Địa Tạng bổn nguyện, mọi người đều tin rằng đức Địa Tạng thọ sự phó chúc của Phật, sau khi Phật diệt độ, và trước khi Đức Phật Di-lặc ra đời trong khoảng thời gian thế gian không có Phật tại thế, cho nên ngài thay Đức Phật giáo hóa hữu tình chúng sanh trong lục đạo, nhất là chúng sanh đang trầm luân trong địa ngục, cứu độ cho họ được thoát khỏi địa ngụckhuyến hóa tạo các duyên lành để sau này họ được duyên gặp Phật.

Ngày 30 tháng Bảy theo tín ngưỡng Phật giáo cũng như dân gian là ngày Khánh đản của Địa Tạng Bồ-tát, niềm tin về sự cứu độ của Đức Địa Tạng Bồ-tát, trong chốn U minh, cho nên trong dân gian tôn xưng ngài là “Giáo chủ cõi U minh”; vì là giáo chủ cõi U minh, nên ngài thống lãnh mười vị vua trong cõi U minh là“Thập điện Minh vương” vì vậy ngài được phong đế hiệu là “Phong Đô Đại đế” quyền miễn xá tội lỗi và cho đi đầu thai trong địa phủ đều do ngài Địa Tạng quyết định.

Tín ngưỡng Phật giáo và dân gian tin rằng nếu niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, hoặc cúng dường trai tăng Vu-lan-bồn trong tiết Trung nguyên và nhân ngày 30 tháng 7, ngày Khánh đản của Ngài, thì những hương linh quá cố của họ sẽ được miễn xá các tội lỗi và được Ngài độ thoát.

Tiết Trung nguyên, ngày mồng 1 tháng Bảy mở cửa địa ngục để cho cô hồn ngạ quỷ lên thế gian, thọ hưởng cúng tế, đến ngày 30 tháng Bảy thì đóng cửa địa ngục, nên các loài ngạ quỷ cô hồn trở về địa phủ. Đây là theo quan niệm của Đạo giáo, sau khi Đại lễ Vu-lan-bồn của Phật giáo cùng tiết Trung nguyên kết hợp lại trên tinh thần Tam giáo Đồng nguyên thì ý niệm Đạo tràng Phổ độ chúng sanh do ngài Địa Tạng Bồ-tát làm giáo chủ được ra đời.

Ngày 30 tháng Bảy đóng cửa địa ngục của Đạo giáo trở thành ngày phổ độ chúng sanh của Địa Tạng vương Bồ-tát, thay vì phải trở về địa phủ chịu khổ, thì tất cả các vong hồn ngạ quỷ được Đức Địa Tạng cứu độ vãng sanh về Tịnh độ, không còn phải sa vào cảnh khổ địa ngục, vì vậy tiết Trung nguyên được gọi là Trung nguyên Phổ độ, tháng Bảy trong dân gian có câu truyền tụng “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.

Lập đàn Chẩn tế “Phóng Diệm Khẩu” bạt độ hết thảy các loài cô hồn ngạ quỷ thoát khổ địa ngục, vãng sanh Tây Thiên, và chính những người phát tâm lập đàn cúng tế, bản thân họ sau khi chết nếu sa vào địa ngục sẽ được Ngài cứu độ, cho nên tiết Trung nguyên được gọi là Trung nguyên Phổ độ, với ý nguyện bình đẳng độ thoát hết thảy muôn loài, và trong dân gian gọi là ngày “xá tội vong nhân” đều có nguồn gốc từ đây.

Tiết Trung nguyên từ một lễ tiết cúng cấp cho các loài ngạ quỷ của Đạo giáo, trở thành một lễ tiết văn hóa mang đậm nét nhân văn hiếu đạo của Đông độ. “Trung nguyên Phổ độ” trong Đại lễ Vu-lan Phật giáo Bắc truyền mang dấu ấn tinh thần báo hiếutừ bi của đạo Phật, được phổ biến rộng rãi trong dân gian, đã trở thành một lễ hội quan trọng nhất trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Đông độ, đồng thời thể hiện sự tùy duyên bất biến của đạo Phật, trong nguyện lực Hoằng pháp lợi sinh.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.