Nhóm phóng viên RFA tường trình từ Việt Nam.
Trong vài năm trở lại đây, dịch vụ tụng kinh thuê cho đám tang, đám giỗ xuất hiện rầm rộ. Đặc biệt, có một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm giữa những người làm nghề này với nhau khiến vấn đề cầu siêu, cầu an cho người đã khuất trở nên lộn xộn, khó phân định được đâu là sự chân thành, đâu là sự giả tạo nhằm kiếm tiền và ngay cả với người là con cái người đã khuất cũng trở nên không bình thường. Thay vì sự báo hiếu thuần túy cộng với những sinh hoạt tâm linh nhằm kiến giải những khuất tất về nghiệp chướng thì đâu đó, sự ngụy tạo cũng không ít.
Tụng kinh là một dịch vụ?
Ông Hướng, một người có thâm niên hơn ba mươi năm sinh hoạt Phật Tử và đã chính thức bỏ chùa, về nhà lập một bàn thờ để tụng kinh hằng đêm, mở chiếc loa có cường độ âm thanh tương đương với loa chùa để rồi hai năm trở lại đây, ông chuyển hẳn sang dịch vụ tụng kinh, ăn nên làm ra. Vốn là người có giọng hát hay trước đây, khi chuyển sang tụng kinh, giọng tụng của ông nhanh chóng đi vào lòng người nghe, ông có cả một lượng fan hâm mộ khá lớn, nên chi mỗi khi có đám tang, đám giỗ, ông là người được mời đầu tiên để tụng kinh.
Ông Hướng nói với chúng tôi là nghề này không phải ai cũng làm được, và không phải ai cũng đủ dũng cảm xem nó là cái nghề để kiếm cơm độ nhật, thậm chí để làm giàu. Vì phần đông, người hành nghề tụng kinh lại đặt mình vào kiến chấp về công đức và đâu đó, còn có người xem mình là bậc bồ tát hoặc cận bồ tát, có thể dùng năng lực trì chú, tụng kinh để giải nghiệp cho người khác và vô hình trung, trong họ, có sự nhập nhằng giữa kiếm cơm và làm công đức, hoạt động tâm linh. Chính vì sự nhập nhằng này, họ không bao giờ dám đặt thằng vấn đề về tiền bạc, và đôi khi sự dấm dúi này lại làm khó cho gia chủ.
Với ông Hướng thì khác, ông cho rằng đã đến lúc con người, nhất là những người hành nghề tụng kinh giống như ông phải nhìn nhận lại vấn đề, phải sòng phẵng với bản thân và sòng phẵng với những hoạt động, những đối tác của mình. Nghĩa là, nếu người tụng kinh không nhận thức rõ ràng việc mình đi tụng thuê kiếm cơm, sẽ vướng kẹt vào kiến chấp về công đức, sẽ chấp thủ rằng hành động tụng kinh, cầu siêu cầu an của mình là hóa giải, cứu rỗi cho người khác, như vậy sẽ rơi vào chấp thủ.
Ảnh bên: Trạm dịch vụ bán hoa và thầy tụng. RFAVà hơn nữa, muốn cứu rỗi, hóa giải tâm linh, mà chỉ bằng một vài lần tụng kinh thì e rằng chỉ có bậc bồ tát hoặc là các bậc đã chứng quả La Hán, hoặc giả ít ra thì những bậc đại sư, đã có ông phu tu tập thâm hậu mới có thể làm được, nhưng khi làm được như thế, các vị ấy chắc sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình làm để lấy đức. Chính vì thế, với ông Hướng, ông nhất quyết rằng hãy cứ nói mình là một thợ tụng, hãy tụng thật hay và dồn hết tâm lực, sự tập trung trong lúc trì chú và chánh niệm điều thiện lành trong lúc tụng, càng chánh niệm, càng tập trung thì tay nghề càng cao, càng xứng đáng để lấy tiền của khách hàng.
Tuyệt đối không nên xem việc tụng kinh là một sự ban ơn theo kiểu làm việc tích đức nhưng gia chủ cúng tiền thì lặng lẽ bỏ túi, trong khi đó lại không cho ra một định giá cụ thể, rất khó cho gia chủ, khiến họ lúng túng trong khái niệm Cúng Dường. Với ông Hướng, hãy cứ cho mức giá rõ ràng, nếu chủ nhà không có tiền thì nấu ông một bữa cơm chay cũng tốt rồi, chừng đó cũng làm ông vui, không đòi hỏi gì thêm. Như để kết thúc quan điểm của mình, ông Hướng nói rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân của ông thôi, và quan điểm này không thể so sánh dù đứng trên bất kỳ góc độ nào đối với hoạt động tâm linh của các vị sư chân chính và đáng kính.
Một người đàn ông có mẹ vừa qua đời và nhờ ông Hướng tụng kinh cầu siêu, chia sẻ với chúng tôi: Đầu tiên mình tụng cho vong linh siêu thoát, tất nhiên là mình tụng để hồn đi, còn mời nhà sư là để xem ngày giờ, mình phải có cát sét, mình phải chuẩn bị mấy cái đó để vong linh đi thong thả. Mời nhà sư vì mục đích coi ngày giờ hạ huyệt, địa lý, kiêng cử họ rành hơn. Còn bản thân mình trước đó phải chuẩn bị tất cả trước khi người nhà đi, kinh kệ đàng hoàng để họ siêu thoát không lưu luyến mình!
Dịch vụ nở rộ, thật giả khó phân biệt
Một vị ni sư ở Huế, yêu cầu chúng tôi đừng nêu pháp danh vì một số vấn đề tế nhị: Người tôn giáo bây giờ nó cũng là “cái việc”. Có những người họ ăn không ngồi rồi cũng nhiều lắm, họ bám vào, đau khổ họ bám vào, thiếu thốn họ cũng bám vào. Cúng thê cũng nhiều, bởi vì cái nhu cầu quá nhiều đi mà! Cái gì cũng cúng, cúng đất cũng cúng, cúng nhà cũng cúng, đám giỗ cũng cúng… Cái gì cũng cúng hết! Bây giờ những cái đạo tràng, những ông thầy còn rứa nữa chứ đừng nói đến các vị Phật Tử. Có vị thì sáng suốt, nhưng cũng có vị cũng làm rứa, cũng theo cao trào. Bây giờ tôn giáo đang cao trào mà, nhà nước bật đèn xanh cho tôn giáo phủ sóng…
Cũng theo vị ni sư này, các hoạt động tâm linh luôn là hoạt động cần thiết đối với đời sống, không riêng gì Phật Giáo mà tất cả các tôn giáo đều có hoạt động tâm linh. Có một điểm chung giữa các tôn giáo trong hoạt động tâm linh là nhằm hóa giải những cái không tốt đẹp để mang lại những điều thiện lành, hướng đến chân – thiện – mỹ. Tuy nhiên, dường như bên cạnh những sinh hoạt tâm linh thuần túy của tôn giáo, vẫn hiện hữu những hoạt động mang tính lợi dụng, mượn niềm tin tâm linh để trục lợi.
Và điều này không dừng ở những người ngoài xã hội mượn tiếng chuông, câu kệ để kiếm sống mặc dù không hiểu gì về Phật Pháp. Nhưng dẫu sao họ cũng đáng được thông cảm bởi đó là kế sinh nhai, mặc dù là kế sinh nhai trắc ẩn và nhiều hệ lụy. Đáng tiếc hơn cả là nhiều vị đã xuống tóc, vào chùa để tu nhưng lại mang tâm tham ngoài đời vào chùa, mượn màu sắc Phật Pháp để trục lợi.
Vị sư cô này cho biết thêm là hiện tại, bà biết rất nhiều đồng môn đã không lo chuyên tâm tu tập, suốt ngày đi tụng kinh cho đám giỗ, đám tang để giao du, ăn chơi, thậm chí có vị còn dùng tiền cúng dường để hút hít, uống bia ôm, nhậu nhẹt, ăn mặn, phạm trầm trọng vào giới luật nhà Phật. Bà tiếc nuối về những khoảng thời gian trước đây, thời trước 1975, các sư chỉ biết chuyên tâm tu tập dưới sự giám soát và hướng dẫn ủa Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất. Còn bây giờ, mọi việc trở nên rối rắm, khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Vị ni sư này tiết lộ thêm là bà rất đau lòng cho đạo pháp vì hầu như các chùa quốc doanh, ở đâu cũng có một vài vị sư biến thái, đàn đúm và thậm chí, có sư còn thủ cả súng trong người, bà không hiểu vì sao đã đi tu mà còn có súng? Và như vậy có chính xác là nhà tu hay là loại người nào khác trà trộn vào cửa Phật.
Vị sư cô này bày tỏ sự đồng cảm với ông Hướng, dù có nhiều vấn đề cần bàn thêm nhưng dẫu sao, thái độ rõ ràng, sòng phẵng đưa ra giá cả để tụng kinh và nếu như gia chủ nghèo quá thì tụng miễn phí, ăn một bữa cơm chay rồi ra về cũng thể hiện thái độ, chính kiến của ông một cách rõ ràng, không dấm dúi và không làm cho gia chủ thấy lúng túng, bối rối vì vụ cúng dường. Và hơn hết, trong một xã hội thiếu minh bạch ở bất kỳ lĩnh vực nào, thì lĩnh vực tâm linh cũng nên có sự minh bạch, sòng phẵng và vô tư.
Nói đến đây, vị ni sư vừa thở dài nhưng lại vừa mỉm cười, một nụ cười mãn nguyện và vô ưu.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
(RFA)