Thư Viện Hoa Sen

Tưởng Niệm Tri Ân Các Anh Hùng Liệt Sĩ Việt Nam Tại Paris

07/04/201412:00 SA(Xem: 10917)
Tưởng Niệm Tri Ân Các Anh Hùng Liệt Sĩ Việt Nam Tại Paris

Phật đường Khuông Việt (CH.Pháp):
TƯỞNG NIỆM TRI ÂN
các anh hùng liệt sĩ Việt Nam tại Paris


Chiều 5-4, Phật đường Khuông Việt ở ngoại ô Thủ đô Paris (Pháp) đã tổ chức đại lễ tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Buổi lễ đã quy tụ đông đảo bà con người Việt Nam sinh sống tại Paris và vùng phụ cận tham dự.

blank

Buổi lễ được tổ chức với nghi lễ trang trọng, hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được treo trang trọng giữa hai câu đối khổ lớn với nội dung ca ngợi công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền và mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm không chỉ có các tăng ni phật tử của chùa Khuông Việt mà còn có các tăng ni phật tử của các chùa Việt tại Pháp và châu Âu, cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và một số bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam.

Buổi lễ là dịp cho các tăng ni phật tửbà con cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thể hiện tình cảm tri ân tưởng nhớ tới các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; qua đó cho thấy tinh thần Phật giáo dân tộc và mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng tình đoàn kết, hòa hợp dân tộc nhằm đóng góp tích cựchiệu quả cho công cuộc xây dựngbảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Pháp, Thượng tọa Thích Tịnh Quang - trụ trì chùa Khuông Việt, cho biết: "Buổi lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ ngày hôm nay xuất phát từ tấm lòng yêu nước, yêu dân tộc. Mục đích chính là chúng tôi tri ân các chiến sĩ đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ cho mảnh đất thân yêu của đất nước Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một thông điệp kêu gọi tất cả bà con người Việt sống ở trong cũng như ngoài nước trên khắp năm châu cùng đoàn kết nhất trí một lòng để xây dựngbảo vệ mảnh đất thân yêutổ tiên của chúng ta đã đem xương máu để xây dựng và bảo vệ".

blank
Phật tử thắp nến tri ân

Có mặt tại buổi lễ, nhiều bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã không giấu nổi xúc động. Bác Cao Huy Thuần, cựu giảng viên đại học đã nghỉ hưu, người thường xuyên tham gia các hoạt động của chùa Khuông Việt và cũng là người đã tích cực tham gia buổi lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ, xúc động nói: "Tôi đã chảy nước mắt. Hai ba lần tôi lau nước mắt, đây là lần đầu tiên chùa tổ chức buổi lễ như vậy. Chùa đã tổ chức nhiều Lễ cầu siêu, kể cả cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, nhưng buổi lễ hôm nay cảm động là vì một buổi lễ cầu siêu cho người đã khuất nhưng mục đích là để cho người sống biết mình làm gì. Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, vấn đề đoàn kết là vấn đề rất bức thiết. Bởi vậy cho nên, chùa Khuông Việt bắt đầu làm, và mong rằng sẽ có nhiều nơi tiếp nối làm theo".

Cô Ngọc Sương - một Việt kiều tại Pháp, xúc động chia sẻ: "Tôi cũng thường tham gia những sinh hoạt của cộng đồng người Việt. Tôi thấy buổi lễ ngày hôm nay rất có ý nghĩa, vì buổi lễ có bề sâu về sự đoàn kết dân tộc, điều này rất cần thiết".

Buổi lễ không chỉ có sự tham gia của những người lớn tuổi, mà còn có sự có mặt của rất đông các bạn trẻ. Họ là những con em thế hệ thứ ba, thứ tư của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Đồng thời, cũng có không ít các bạn trẻ là sinh viên Việt Nam sang Pháp du học. Các bạn trẻ đều có chung cảm nhận về ý nghĩa của buổi lễ và qua buổi lễ ý thức được sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước.

 Đào Dũng (VOV-Paris)
(Nguồn: http://giacngo.vn/vanhoa/2014/04/07/16F413/)

TƯỞNG NIỆM BA NGÀY LỊCH SỬ
19-1-1974, 17-2-1979, 14-3-1988

Cao Huy Thuần

Thưa Quý Thầy, Quý anh, chị, em, cháu,

Buổi đại lễ hôm nay, chùa Khuông Việt đã chuẩn bị tổ chức từ hơn cả tháng rồi. Thư mời đã được gởi đi từ đầu tháng trước. Hôm qua, đọc báo, chúng tôi tưởng chừng như chưa làm mà tiếng vang đã dội thấu bên nhà. Vô cùng hân hoan, chúng tôi được nghe loan báo một buổi lễ cầu siêu sẽ được tổ chức tại Trường Sa, trong tinh thầnchúng ta đã sửa soạn, đã công bố trên mạng, và đang thực hiện ngày hôm nay. Bên nhà tiếp nối chúng ta, mong sẽ còn những bước tiếp nối nữa để xiển dương tinh thầnchúng ta đã khơi dậy. Tinh thần đó là gì ?

khuong_viet_1med
Giáo sư Cao Huy Thuần phát biểu bế mạc buổi lễ.
Hàng đầu : Hòa thượng Thích Phước Đường và Thích Tánh Thiệt

Trước tiên là để cầu siêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình để bảo vệ biên giới của đất nước. Đó là phận sự tất nhiên của chùa. Lời kinh, tiếng mõ là để giúp người chết được giải thoát, giải thoát khỏi mọi vướng mắc, trong đó có vướng mắchận thù. Thế nhưng, thứ hai, chùa còn có nhiệm vụ xã hội với người sống và không tách rời khỏi số phận của dân tộc. Dân tộc đang nhức nhối vì vấn đề biên giới, làm sao chùa không trăn trở ? Cho nên câu hỏi mà chùa đặt ra từ lâu là : chùa làm được gì vừa cho người chết vừa cho người sống trong quan tâm bức thiết về bảo vệ biên giới ngày nay ? Không cần phải đợi đến hôm nay, ý nghĩ hiển nhiên đến với mọi người là : đã nói “bảo vệ biên giới”, tất phải có ngoại xâm. Mà đã có ngoại xâm, tất dân tộc phải đoàn kết để chống. Đoàn kết, trong bối cảnh ngày nay, là quên đi cái gì đã làm trở ngại hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhu cầu khẩn thiết đó, chúng ta đã nói lâu nay nhưng chưa làm được gì cụ thể cho đến ngày nay. Hôm qua, một bước đầu tiên quan trọng đã bước ở bên nhà sau khi chúng ta đã bước cụ thể. Nồng nhiệt, chúng ta tán dương. Nhưng chúng ta phải nhắc nhở nữa, nhắc nhở hoài : tưởng niệm người chết còn là để hướng đến người sống, cầu mong đất nước thực hiện cho kỳ được hòa hợp dân tộc bền chặt. Đây là chức năng xã hội, văn hóa muôn đời của chùa.


Trong ba ngày lịch sửchúng ta tưởng niệm hôm nay, ngày đầu tiên, 19-1-1974, hẳn có ý nghĩa nhất trong nhiệm vụ hòa hợp hòa giải đó. Chúng ta sẽ phản bội anh linh của chính các chiến sĩ đã bỏ mình sau đó nếu chúng ta phân biệt kẻ chết trước người chết sau cái mốc 1975. Tất cả các chiến sĩ đã hy sinh, ai chết đều nghĩ là chết cho Tổ Quốc. Cái chết đó dạy cho người sống một bài học sống : hãy sống với Tổ Quốc như chúng tôi đã chết cho Tổ Quốc, hãy đứng dậy như chúng tôi đã nằm xuống, khi nằm xuống, cái đầu của chúng tôi không chia Tồ Quốc ra làm hai. Chia hai như thế tức là giết các chiến sĩ năm 1974 hai lần : một lần bằng đạn của kẻ thù, một lần bằng phụ bạc của đồng loại. Họ đã ôm Tổ Quốc mà chết như ôm người yêu, như ôm người mẹ. Mẹ nào phụ bạc con ? Huống hồ mẹ Tổ Quốc ngày hôm nay cần mọi đứa con, đứa con sống cũng như đứa con chết, để cùng chống hiểm họa ngoại xâm sờ sờ trước mắt. Hỡi các chiến sĩ đã chết ! Hãy linh thiêng xóa tan biên giới trong đầu người sống ! Chỉ còn biên giới hải đảo đất nước mà thôi để bảo vệ, không phân biệt 1974, 1979 hay 1988. Đất nước ấy còn thì người chết cũng sống. Đất nước ấy mất thì người sống cũng thành chết.

khuong_viet_2 Cầu siêu do hòa thượng Thích Tánh Thiệt chủ lễ.
Đồng lễ có hòa thượng Thích Phước Đường, sư cô Thích Như Pháp Thiện,
các thượng tọa Thích Tịnh Quang, Thích Từ Nhơn, Thích Thiện Niệm

Mất, còn, chết, sống : suy nghĩ về dân tộc chính là suy nghĩ trên những khái niệm ấy. Bởi vì một dân tộc là gồm cả người sống lẫn người chết, và người sống chỉ là một nhúm vô cùng nhỏ nhoi trong một tập thể mênh mông đã khuất từ bao thế kỷ. Tập thể ấy có bao giờ mất đâu ? Họ không mất để cho người sống chúng ta được còn như là một dân tộc. Suy nghĩ đó lại hợp với tín ngưỡng của quần chúng Việt Nam. Nói lên tín ngưỡng ấy là bắt nhịp cầu giữa chúng ta hôm nay với anh linh của các chiến sĩ ngày trước.


Tôi nói “tín ngưỡng” ; tôi không nói “tôn giáo”. Bởi vì đây không phải chỉ là niềm tin của Phật giáo ; đây chính là niềm tin của quần chúng ; hai niềm tin chập lại làm một, lấy triết lý của Phật giáo làm nòng cốt. Phật giáo, cũng như quần chúng, không nghĩ rằng chết là hết. Da thịt này có rũa nát, xương cốt này có tan thành bụi, vẫn còn một cái gì sống mãi, từ kiếp này qua kiếp khác, vẫn còn một cái gì sống mãi với người đang sống. Cái đó là cái gì ? Linh hồn chăng ? Không phải ! Cái đó rất là vật chất, cụ thể : đó là lời đã nói, đó là hành động đã làm, đó là tư tưởng đã phát biểu. Lời đó, hành động đó, tư tưởng đó dẫn chúng ta đi, bỏ cái thân xác này để mượn một thân xác khác. Thân xác là khách ; lời nói, hành động, tư tưởng mới là chủ.

Niềm tin này không phải chỉ hạn chế ở mức cá nhân ; nó áp dụng cho cả tập thể. Bởi vậy mà tập thể có anh hùng. Bởi vậy mà thánh Trần, thánh Gióng bất diệt. Bởi vậy màlịch sử. Lịch sử không phải là những trang giấy chết. Lịch sử là sự sống còn mãi, lời nói còn mãi, hành động còn mãi, tư tưởng còn mãi. Ngày trước, khi chúng ta còn nhỏ, ai học Lý Thường Kiệt mà không rạt rào tự hào trong tim ? Ai không ứa nước mắt với con voi lún bùn nơi sông Như Nguyệt ? Và ngày nay, ngay ở đây, trong giờ phút này, ai không thấy nóng lên trong máu hơi thở của câu thơ “Nam quốc sơn hà nam đế cư” ? Hơi nóng ấy đã luân hồi từ đời Lý qua đời Trần, từ đời Trần qua Yên Báy, Ba Đình, và đang mượn xác thân của ta đây để sống và để sống mãi trong hàng hàng lớp lớp thế hệ mai sau. Khi chúng ta nói “độc lập”, khi chúng ta nói “tự do”, khi chúng ta nói “hạnh phúc”, thật là phản bội với lời thơ ấy nếu chỉ nghĩ đó là khẩu hiệu của một thời. Không ! Khi nói lên những lời cao đẹp ấy, Lý Thường Kiệt đang luân hồi trên miệng của ta, trên miệng của hàng triệu người, bây giờ và mãi mãi.


chúng ta không phải chỉ có một Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt cũng chỉ là sự sống tiếp nối từ tiền nhân. Chúng ta thường nói : linh khí của tiền nhân tụ lại trên một người. Người đó, trong một bối cảnh đặc biệt nào đó, gánh cả gánh nặng của lịch sử trên vai. Gánh nặng đó là gì ? Là lời nói, là hành động, là tư tưởng của tập thể. Vậy tập thể Việt Nam tư tưởng gì từ thời lập quốc ? Một tư tưởng chỉ đạo chạy suốt lịch sử, luân hồi từ Bà Trưng Bà Triệu, đang thở trong buồng phổi chúng ta : “thà chết, không làm quận huyện”. Tư tưởng đó hiện ra lời : lời trong Bình Ngô Đại Cáo. Tư tưởng đó hiện ra hành động : Bạch Đằng Giang, Chí Linh, Đống Đa. Tư tưởng đó luân hồi trong lời quát của Trần Bình Trọng : “Ta thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc”.
Chiến sĩ và đồng bào ta đã chết như vậy, năm 1974, năm 1979, năm 1988. Họ chết để lịch sử mãi mãi son trẻ với một tư tưởng. Họ chết để đất nước này sống. Họ chết để chúng ta chỉ tay về phương Bắc mà nói : “Ngưng lại !”. Họ chết để Sự Thật nhổ nước bọt vào mặt gian trá như Nhạc Phi nhổ nước bọt vào mặt Tần Cối. Họ chết để Văn Minh nhân ái thay áo quan cho cường bạo dã man. Họ chết để sống lại trong chúng ta. Để chúng ta nói. Để chúng ta hành động. Để chúng ta tư tưởng.

khuong_viet_3med

Kết thúc buổi đại lễ, mỗi người dâng hoa nến trước bàn thờ

Và họ chết để hòa linh khí của anh hùng vào linh khí của tất cả anh hùng, không phân biệt năm tháng. Họ chết để biên giớilinh thiêng, trên đất, ngoài biển. Họ chết để trao lại cho chúng ta nhục chung, uất ức chung, cái nhục đang làm chúng ta nhức buốt : nhục thuộc địa hóa. Nhục ấy không có ngày 30 riêng, không có tháng tư riêng. Chỉ có ngày 19 chung. Chỉ có ngày 17 chung. Chỉ có ngày 14 chung. Tháng giêng chung, tháng hai chung, tháng ba chung. Nhục ấy là chung, là quốc nhục. Uất ức này là chung, là quốc thể. Chừng nào uất ức này chưa giải, nhục ấy còn luân hồi trong máu chúng ta, hôm nay, ngày mai. Nhục ấy buộc những chia rẽ, phản bội hãy thức tỉnh, đứng lên đoàn kết cùng dân tộc.

cuối cùng, nhục ấy sẽ giúp chúng ta dân chủ, bởi vì kẻ kia đang đánh phá cả bên ngoài lẫn bên trong. Cả bên ngoài lẫn bên trong, binh hùng tướng mạnh chưa đủ, phải có nhân dân cùng lòng, cùng sống, cùng chết với người thủ lãnh, nghĩa là thủ lãnh phải được dân coi như là của mình. Trên lĩnh vực này, chúng ta có hai sự kiện cực kỳ quan trọng trong mùa xuân năm nay : thứ nhất là thông điệp đầu năm của thủ tướng về việc cải tổ cơ cấu mà ai cũng nghĩ là phải đưa đến dân chủ. Thứ hai là lời phát biểu rất đẹp của ông thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn mà báo chí đăng tải hôm qua về hòa giải hòa hợp dân tộc. Trong không khí thiêng liêng của lễ tưởng niệm hôm nay, chúng tôi tin, và tin chắc, là lời nói, là hành động, là tư tưởng của những người đã chết, của tiền bối, đang luân hồi trong tâm các vị. Để luân hồi đó được tiếp diễn tốt đẹp, và trước anh linh của các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước, chúng tôi mong mỏi điều này, mà chắc chắn toàn dân ai cũng mong : hãy thành lập một Bộ mới mang tên là Bộ Dân chủ hóa và Hòa hợp dân tộc. Đây chính là một trang sử mới sẽ mở ra.

Được như thế thì người chết sẽ hả dạ. Được như thế thì uất ức sẽ tan. Được như thế thì quốc nhục sẽ đưa đến quật cường.

Cao Huy Thuần

NGUỒN : Bài đọc tại Đại lễ Cầu siêu Tưởng niệm Tri ân ngày 5 tháng 4-2014 tại Phật đường Khuông Việt (Orsay) [Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/tuong-niem-ba-ngay-lich-su ]




Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: