CHO XỨ TÂY TẠNG
(Bài phỏng vấn Lạt-ma Cát-mã-ba)
Bài phỏng vấn : Marc Epstein
Chuyển ngữ : Hoang Phong
Lời giới thiệu của người dịch:
Đây là phần chuyển ngữ một bài báo được đăng trên Tạp chí L'Express của Pháp sau khi tờ báo này gửi một phái đoàn ký giả sang Ấn độ để phỏng vấn Lạt-ma Cát-mã-ba. Bài phỏng này đồng thời đã được đưa lên mạng Internet ngày 26 tháng 6 năm 2010, và cũng đã được Tổng hội Phật giáo Pháp giới thiệu trong bức thư hàng tháng gởi cho các thành viên ngày 24, tháng 7, năm 2010.
Gần đây hơn thì nguyệt san quốc tế GEO cũng đã gửi một phái đoàn sang Ấn độ để phỏng vấn ngài Cát-mã-ba và bài phỏng vấn đã được đăng trong ấn bản Geo bằng tiếng Pháp số 377, tháng 7 năm 2010.
Vị Lạt-ma của Tông phái Cát-mã-ba mới được 25 tuổi nhưng đã trở thành một nhân vật hàng đầu của Phật giáo Tây tạng. Một ngày nào đó đâu chừng vị Lạt-ma này sẽ là người kế vị Đức Đạt-lai Lạt-ma ? Nghi vấn này đã khiến cho Ấn độ phải e ngại vì quốc gia này đã cho phép ngài Cát-mã-ba tỵ nạn, vì thế vừa đây họ đã tìm cách ngăn chận không cho ngài thăm viếng Âu châu. Tạp chí L'Express do đó phải cho người tìm gặp ngài Cát-mã-ba ngay trên đất Ấn.
Đây là một cậu thanh niên đã rời bỏ miền quê hương Nóc nhà của Thế giới để đến nơi này. Ngài tên là Ogyen Trinlé Dorjé, sinh ra trong nhóm người du mục Tây tạng, nhưng lại được công nhận là hiện thân của một chuỗi dài "tái sinh thiêng liêng" bắt nguồn từ chín trăm năm về trước, thuộc vào dòng tiếp nối của tông phái Cát-mã-ba. Người thanh niên trẻ tuổi ấy là vị Lạt-ma đầu tiên được Đức Đạt-lai Lạt-ma và cả chính quyền Trung quốc thừa nhận, tuy nhiên sau đó vào tháng 12 năm 1999 thì ngài trốn khỏi Trung quốc (Tây tạng), bằng cách vượt đèo băng ngang Hy-mã-lạp sơn.
Ngày nay, một số người xem ngài là người có thể thừa kế vị thủ lãnh của những người Tây tạng lưu vong mà ngày nay tuổi đã 74. Thật ra thì vị Lạt-ma trẻ tuổi này không muốn nghĩ đến cái viễn ảnh đó và cho biết thêm là những người thuộc dòng Cát-mã từ trước đến nay chỉ biết lo tu tập mà thôi và chưa hề có ai đứng ra đảm trách bất cứ một vai trò chính trị nào. Dầu sao thì sự minh chứng trên đây dường như cũng còn làm cho một số người lo ngại. Ngài dự định sẽ viếng thăm Âu châu qua các nước Đức, Pháp và Anh vào tháng 7 này nhưng không thực hiện được và phải bị hủy bỏ chương trình này vì chính quyền Ấn độ không cấp cho ngài các giấy tờ cần thiết. Hiển nhiên đấy cũng chỉ là vì nước Ấn muốn giữ mối giao hảo tốt đẹp với Bắc kinh. New Delhi dường như không muốn những người Tây tạng lưu vong phát hiện một người có thể sẽ là vị lãnh đạo huyền diệu trước khi Đức Đạt-lai Lạt-ma qua đời. Vì thế mà mọi sinh hoạt trên đất Ấn của vị Lạt-ma trẻ tuổi này đang bị hạn chế và canh chừng.
Vị Lạt-ma Cát-mã-ba tại Ấn độ
Vị Lạt-ma mới 25 tuổi ấy hiện là người được nhiều nhóm facebooks trên mạng lưới Internet hâm mộ một cách cuồng nhiệt. Ngài cũng có một máy chơi điện tử và cũng nhân dịp phỏng vấn để hỏi người ký giả nhiếp ảnh của tạp chí L'Express thật tỉ mỉ về các điểm tốt và bất lợi của chiếc máy ảnh kỹ thuật số thuộc loại chuyên nghiệp của ngài. Khi nhìn ngài với một giọng nói thật êm dịu, đôi mắt sáng ngời và một nụ cười khiến mọi người phải điêu đứng thì chúng ta sẽ hiểu vì sao chính quyền Ấn đã ngần ngại không muốn cho người Tây phương nhìn thấy ngài - tại Luân đôn, hoàng tử Charles cho biết là rất tha thiết được tiếp đón ngài.
Người thanh niên từ nóc nhà của Thế giới đã đến được đây và sẽ còn đi xa hơn nữa . Đối với những người Phật giáo Tây tạng thì ngài đã trở thành "thần tượng của giới trẻ".
Đối với ngài thì kỷ niệm nào xa xưa nhất ?
Tiếng vó ngựa phóng nhanh trong một cánh đồng cỏ. Hôm đó, đúng là hôm đó khi tôi đang nằm duỗi chân trong một túp lều vải, tôi nhớ là hình như thế, bên cạnh có cả cha mẹ tôi. Từ thời ấu thơ cho đến khi bảy tuổi, tôi sống trong một vùng hẻo lánh thuộc tỉnh Kham [đông-nam Tây tạng]. Chúng tôi là những người nông dân du mục. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời tôi. Lòng tôi nhẹ tênh và tất cả những gì chung quanh đối với tôi đều thật giản dị. Tôi chẳng biết lo lắng là gì, nhưng thật ra thì cũng chẳng có gì để mà lo lắng cả. Tôi sống giữa trời đất, trong một quang cảnh bao la. Cha mẹ tôi có nuôi một đàn ngựa, và tôi đã học cưỡi ngựa ngay từ khi còn nhỏ.
Năm 1992, lúc đó thì ngài vừa được 7 tuổi, và chính thức được công nhận là vị tái sinh thứ XVII của dòng Cát-mã-ba. Với tước vị đó ngài là người đứng đầu một trong số bốn tông phái Phật giáo Tây tạng lớn nhất, vậy khi đó ngài có ý thức được những gì sẽ xảy ra cho ngài hay không ?
Khi phái đoàn tìm kiếm từ Lhassa đến đây thì trước hết họ ghé vào một ngôi chùa không xa nơi chúng tôi đang ở. Những người trong phái đoàn đặt nhiều câu hỏi, nhất là đối với cha mẹ tôi, nhưng nhiều câu cha mẹ tôi chẳng hiểu gì cả. Tây tạng là một lãnh thổ mênh mông, dân cư tản mát khắp nơi và nói nhiều thổ ngữ khác nhau.
Sau đó thì các người xa lạ ấy mang ngài về thủ đô Lhassa đưa ngài vào một môi trường hoàn toàn mới lạ. Ngài cảm thấy thế nào ?
Lúc đó tôi còn là một đứa bé, tất cả các thứ chung quanh đều kích thích tôi. Quả đúng là một chuyện phiêu lưu đầy thú vị ! Người ta bảo tôi trèo lên một chiếc xe - chiếc xe thật to mà tôi chưa từng trông thấy - và sau khi ngồi vào trong xe thì tôi nghĩ rằng rồi đây người ta sẽ cho tôi thật nhiều đồ chơi và cuộc sống của tôi sẽ trở nên tốt đẹp. Khi xe gần đến Lhassa thì tôi lại cảm thấy lo sợ. Làm gì lại có chuyện dễ dàng như thế... Làm thế nào cuộc sống có thể thoải mái khi mà tất mọi người luôn vây quanh và quan tâm đến mình ? Thế là tôi đã hiểu cả rồi.
Ngài nói như thế có nghĩa là tuy ngài đã trở thành một người trong dòng Cát-mã-ba nhưng ngài không cảm thấy vui thích và có phải đấy chỉ là một sự ép buộc hay không ?
Chuyện đó quá mạnh. Tôi không thể cưỡng lại được. Tuy nhiên tôi rất lo âu.
Ngày 28 tháng 12 năm 1999, lúc đó ngài mới 15 tuổi và người ta đã trình diện ngài với chủ tịch nhà nước Trung quốc là Giang Trạch Dân, và vị này đã đồng ý chấp thuận sự lựa chọn của những người có uy tín tại Tây tạng. Tuy thế ngài lại nhảy từ sân thượng của tu viện xuống đất và chạy băng vào nơi núi non để trốn sang Ấn độ, không biết sợ chết là gì. Được gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma tại nơi ẩn cư ở Dharamsala đối với ngài có phải là một biến cố quan trọng hay không ?
Giữa Đức Đạt-lai Lạt-ma và dân chúng dân Tây tạng thì thật là ngàn trùng xa cách, tuy nhiên người dân Tây tạng lúc nào cũng cảm thấy Ngài luôn bên cạnh họ. Niềm ước mơ lớn nhất của những người chạy thoát khỏi Tây tạng là được gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma. Đối với họ đấy là một giấc mơ thật xa vời đã trở thành sự thật. Đối với tôi thì cũng thế.
Ngày nay thì sự liên hệ của ngài với Đức Đạt-lai Lạt-ma ra sao ?
Đức Đạt-lai Lạt-ma là vị lãnh đạo tinh thần và tạm thời [tức là thế tục] của tất cả người dân Tây tạng. Đó là một con người ngoại hạng. Trên phương diện tạm thời [thế tục] Ngài lại nắm giữ một tước vị lớn lao. Trên phương diện tinh thần Ngài đứng vào vị trí hàng đầu và được cả thế giới biết đến. Riêng cá nhân tôi thì thật hết sức may mắn vì tôi duy trì được một mối liên hệ thật tốt đẹp với Ngài và đã nhận được những lời chỉ dạy của Ngài.
Trên mạng Internet có một đoạn phim vidéo được lưu hành cho thấy Đức Đạt-lai Lạt-ma quay sang ngài và bảo rằng : "Anh phải tiếp tục công việc của tôi đấy nhé". Vậy điều ấy phải giải thích theo ý nghĩa tâm linh hay tạm thời ?
Câu nói ấy là Ngài nhắn nhủ với tất cả những người Tây tạng, trước hết là những người trẻ. Chính là thế hệ chúng tôi phải bảo vệ, giữ gìn, duy trì và truyền lại di sản của tổ tiên chúng tôi. Nếu muốn giữ được tín ngưỡng và văn hóa Tây tạng thì chúng tôi phải biết bảo vệ lấy tinh thần dân tộc của chúng tôi. Trong đoạn phim vidéo mà quý vị muốn ám chỉ, thì dường như là Đức Đạt-lai Lạt-ma muốn nhắn nhủ với những người gần gũi chung quanh tôi.
Nếu một ngày nào đó mà ngài phải thừa kế Đức Đạt-lai Lạt-ma, trên cả hai phương diện tinh thần và tạm thời, thì ngài có sẵn sàng đảm trách công việc ấy hay không ?
Đức Đạt-lai Lạt-ma khuyên tôi phải vô cùng thận trọng và đứng ra bên ngoài các vấn đề chính trị. Trong vị thế của tôi, thì tôi chỉ thấy có một điều quan trọng duy nhất là phải góp sức duy trì di sản văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc chúng tôi. Đối với mỗi người dân Tây tạng thì điều ưu tiên hơn cả là mối quan tâm đến đời sống của những người đồng loại, dù đấy có phải là một người Tây tạng hay không. Tôi không ước mơ một vị thế nào cả hay một cương vị xã hội nào khác hơn những gì mà tôi hiện đang có ngày hôm nay. Những gì tôi hiện có đã quá đủ cho tôi rồi. Tôi chẳng đòi hỏi gì thêm nữa.
"Giữa Đức Đạt-lai Lạt-ma và dân chúng Tây tạng thì thật là ngàn trùng xa cách, tuy nhiên người dân Tây tạng lúc nào cũng cảm thấy Ngài luôn bên cạnh họ"
Dầu sao thì ngài cũng được Đức Đạt-lai Lạt-ma và cả chính quyền Trung quốc thừa nhận. Trên khía cạnh đó ngài đã chiếm giữ một vị thế duy nhất. Hơn thế nữa, từ khi ngài rời bỏ Trung quốc [người hỏi muốn ám chỉ Tây tạng thuộc vào Trung quốc], không hề thấy Bắc kinh đưa ra lời phê phán nào thù địch với riêng ngài. Vậy ngài có sẵn sàng sau này sẽ chọn giải pháp đàm thoại hay chăng ? Từ nhiều thế kỷ trước đây cũng đã từng có những mối dây liên hệ chặt chẽ giữa Cát-mã-ba và các hoàng đế Trung hoa.
Những giai đoạn gần đây, tiếc thay tôi chẳng hề thấy có một lý do nào để tìm lấy sự lạc quan. Trên nguyên tắc, thực ra tôi cũng có thể giữ một vai trò tích cực hay hữu ích nào đó. Không phải là tôi muốn nói đến chính trị đâu, đấy chẳng qua chỉ là những gì thật đơn giản liên hệ đến sự tương giao giữa con người với nhau. Mỗi người phải biết quay về với lương tri của mình và từ bỏ sự cứng nhắc của ý thức hệ. Trên phương diện ứng dụng vào thực tế thì biết phải làm sao bây giờ ? Sự kiêu căng hoang tưởng đang ngự trị và chúng ta đều bị buộc phải giữ im lặng. Với tư cách của một người Tây tạng, và đồng thời cũng là một con người, nếu hoàn cảnh đẩy đưa thì tôi cũng sẽ rất sung sướng được góp phần vào việc tháo gỡ.
"Nhiều người Trung quốc tự nhận mình là người Phật giáo, giống như là một thứ gì đó
thuộc vào truyền thống lịch sử trong gia đình"
Nhiều người Trung hoa thân hành đến Ấn độ để nghe ngài thuyết giảng. Họ đến từ Đài-loan, Singapore và cả lục địa Trung quốc. Vậy họ trông đợi những gì ở ngài ?
Tại Bắc kinh hẳn nhiên chính quyền là cộng sản. Và người ta có cảm giác là không gì có thể thay đổi được. Tuy nhiên, vẫn có một số người Trung quốc nhìn xa hơn cuộc sống thường nhật của họ. Dần dần đời sống vật chất được cải thiện thì họ cũng sẽ nhận ra là họ còn thiếu một chút gì đó rất căn bản thuộc đời sống tâm linh. Dầu sao thì Phật giáo cũng từng có một lịch sử lâu đời trên đất nước Trung hoa : nếu có một tôn giáo mà người ta có thể xem như một "quốc giáo" thì đấy chính là Phật giáo. Nhiều người Trung quốc tự nhận mình là người Phật giáo, giống như một chút gì đó thuộc vào truyền thống lịch sử trong gia đình. Đấy là một cách quay về nguồn cội của mình. Chính đấy có lẽ là lý do giải thích tại sao Phật giáo lại hồi sinh tại Trung quốc như mọi người đều thấy. Sự khao khát cần phải có một đời sống tâm linh là một điều không còn nghi ngờ gì cả. Các trang trên mạng Internet thường bị kiểm duyệt, nhưng người dân Trung quốc vẫn tìm cách trao đổi tin tức với nhau và đôi khi còn tái lập được cả những đường dây liên lạc với các vị lạt-ma trên đất Tây tạng. Một số người khác thì quan tâm đến Phật giáo hoàn toàn trên phương diện văn hóa. Họ là những người muốn học hỏi. Vì thế mà họ đã đến gặp tôi. Cho đến khi nào vẫn còn những người như thế, thì nhiều mối dây lịch sử kết chặt những người Trung hoa theo Phật giáo và những người thuộc dòng Cát-mã-ba vẫn còn tồn tại.
Tại Pháp, tập thể những người Phật giáo Tây tạng chia rẽ nhau. Một thiểu số thừa nhận một vị thừa kế Cát-mã-ba khác. Ngài có cần nói gì với họ không ?
Tôi chẳng có gì để nói với họ cả - tôi có thể đoan chắc với quý vị là sự thành thật trong câu nói đó phát xuất từ thâm tâm tôi - tôi không hề muốn đối đầu với bất cứ ai. Một cách đơn giản tôi chỉ nên nói đến những gì thuộc về tôi mà thôi, không nên đi tìm một vị thế mang tính cách hình thức bên ngoài. Qua lịch sử thiêng liêng của dòng Cát-mã-ba thì sự tái sinh thuộc thế hệ trước sẽ thừa nhận thế hệ tiếp theo sau. Giống như người anh cả chọn người em út trong gia đình. Đối với trường hợp của tôi thì tôi được vị Cát-mã-ba thứ XVI chọn lựa với một bức thư thừa nhận làm tin. Tôi chỉ biết tôn trọng truyền thống mà thôi. Hơn nữa tôi cũng không biết là nếu như muốn tranh dành cương vị Cát-mã-ba thì phải làm sao. Thật ra đó là một vấn đề thuộc vào lãnh vực tâm linh. Nếu có ai không thừa nhận tôi là người tái sinh của dòng Cát-mã-ba thì tôi đâu biết phải làm gì khác hơn ?
Ngài có chia sẻ nỗi đau mất mát, có thể cả sự bóp nghẹt trong lòng những người trẻ Tây tạng lưu vong hay không ?
Có chứ, chữ bóp nghẹt thật là một chữ dùng thật đúng chỗ để giải thích sự đòi hỏi được quyền phản kháng, đó là một sự đòi hỏi mà đôi khi cũng phải cần đến. Dù sao chúng ta cũng phải thực tế. Không phải sự đòi hỏi đó là cách nêu lên chính nghĩa của dân tộc Tây tạng. Những gì mà chúng tôi cần đến phải là một dự án, một chương trình hẳn hoi và một quá trình hành động rõ rệt.
Ngài có e sợ một viễn tượng bạo lực nổ bùng một ngày nào đó khi Đức Đạt-lai Lạt-ma qua đời ?
Vâng. Đấy là một mối lo lắng hàng đầu của tôi.
Ngài là một người trẻ tuổi nhưng mang nặng trách nhiệm và gánh vác trọng trách của một người già dặn. Vậy có khi nào ngài ước mơ được tản bộ nơi đồng áng, vui đùa với người khác và sống một cuộc đời thanh thản hay không...
Tôi rất hiểu ý nghĩa của những lời nói ấy, tuy nhiên quý vị có biết không, đối với lối sống này đây thì tôi đủ sức chịu đựng. Nhất định sự tu tập đã giúp cho tôi rất nhiều. Tâm thức con người không bờ bến. Khả năng thích ứng và chịu đựng của mỗi người cũng thế, không có một giới hạn nào cả.
Ngài có tin tức gì về cha mẹ của ngài hay không ?
Gần đây tôi có nói chuyện với mẹ tôi qua điện thoại. Mẹ tôi đang ốm đau nhiều.
Ngài có nghĩ đến một ngày nào đó được về thăm cha mẹ hay không ?
Tôi rất hy vọng, thật vậy.
Nhưng phải làm sao bây giờ ?
Quả thật là khó. Cha mẹ tôi sống ở Tây tạng dưới sự quản lý của Trung quốc. Thật hết sức khó khăn, tôi cũng biết như thế. Qua điện thoại tôi có nói với cha mẹ tôi là tôi sẽ cố gắng về thăm họ. Tuy nhiên tôi chẳng biết phải làm sao bây giờ.
Họ có bị áp lực của chính quyền Trung quốc hay không ?
Không. Tóm lại thì chẳng có gì quan hệ cho lắm. Chỉ biết rằng từ nay nếu cha mẹ tôi có muốn đi Lhassa thì phải xin giấy phép. Điều đó chẳng có gì là khiếp đảm. Phần tôi thì cũng thế mà thôi nếu muốn đi Lhassa thì tôi cũng phải xin giấy phép !
Tiểu sử ngài Lạt-ma Cát-mã-ba
1985- Vào ngày 26 tháng 6, một hài nhi ra đời tại Tây tạng mang tên là Apo Gaga, sau đó thì cậu bé này được công nhận là vị Cát-mã-ba thứ XVII và mang một tên mới là Ogyen Trinlé Dorjé
1992- Vào ngày 9 tháng 6, Đức Đạt-lai Lạt-ma chứng nhận sự tái sinh này.
1999- Giữa đêm hôm, vị Cát-mã-ba trốn khỏi ngôi chùa Tsurphu vì bất mãn với những người cầm quyền Trung quốc tìm đủ mọi cách không cho ngài tu học.
2000- Sau chuyến vượt biên vô cùng hiểm nguy xuyên ngang dãy Hy-mã-lạp sơn thì ngày 5 tháng giêng ngài đến được Dharamsala tại miền bắc nước Ấn, nơi lưu trú của Đức Đạt-lai Lạt-ma.
2008- Ngài đến Hoa kỳ và giảng dạy Phật pháp cho tập thể những người Phật giáo trong hai tháng liền.
2010- Chuyến du hành Âu châu của ngài bị hủy bỏ ; có lẽ chính quyền Ấn độ đã phải từ chối không cho ngài du hành vì bị áp lực của Trung quốc.
Bures-Sur-Yvette, 25.07.10
Hoang Phong chuyển ngữ