A Di Đà Phật Hay A Mi Đà Phật

21/06/201112:00 SA(Xem: 167292)
A Di Đà Phật Hay A Mi Đà Phật

NIỆM A DI ĐÀ PHẬT hay A MI ĐÀ PHẬT


Kính thưa Thầy Admin và Chư Vị đồng tu,

adidaphathayamidaphatGần đây qua tập sách "Ý Nghĩa Hoằng Pháp và Hộ Pháp" của tác giả Diệu Âm - Diệu Ngộ khuyên nên niệm Nam Mô A Mi Đà Phật thay vì Nam Mô A Di Đà Phật như trước đây.
Điều này nếu không khéo tự nhiên sẽ chia làm 2 nhóm trong cùng một pháp môn tu tịnh độ, chính vì lẽ đó kính mong Chư Tôn Đức lý giải vấn đề trên để hàng Phật tử tại gia yên tâm tu niệm.
Vấn đề này có liên quan đến tập sách "Hương Sen Vạn Đức" của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, hiện nay Hòa Thượng đang còn đương chức, nếu như niệm A Mi thật sự có lợi ích hơn niệm A Di thì thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên phổ biến rộng rãi điều này một cách chính thức đến với các Phật tử, chứ để tình trạng này kéo dài mà Giáo hội không lên tiếng thì sẽ làm cho các Phật tử thêm hoang mang.
Còn một khía cạnh khác nữa là nếu thay A Di bằng A Mi thì không chỉ riêng câu niệm Phật mà các câu trong các bài chú (như chú Vãng Sanh chẳng hạn) đều phải thay đổi lại hết. Rồi liệu các danh hiệu Phật khác có gì phải sửa nữa không ? v.v. và v.v
Điều này quả thậtảnh hưởng rất lớn đến các Phật tử Việt Nam, kính mong Chư Tôn Đức sớm xem xét vấn đề này.

Xin thành kính tri ân.

Phạn: अमिताभ Amitābha, Amitāyus
Trung: 阿彌陀佛(T) / 阿弥陀佛(S)
Bính âm: Ēmítuó Fó
Wade-Giles: E-mi-t’uo Fo
Nhật: 阿弥陀如来 Amida Nyorai
Hàn: 아미타불 Amit'a Bul
Mông Cổ: ᠴᠠᠭᠯᠠᠰᠢ ᠦᠭᠡᠢ ᠭᠡᠷᠡᠯᠲᠦ
Цаглашгүй гэрэлт
Tsaglasi ügei gereltu
Одбагмэд Odbagmed
Аминдаваа Amindavaa
Аюуш Ayush
Tây Tạng: འོད་དཔག་མེད་
od dpag med
Ö-pa-me yoong toog taaa
Việt: A di đà Phật

 

TẠI SAO NIỆM A MI ĐÀ PHẬT?

HT. Thích Trí Tịnh

 

thichtritinh_1Sáu chữ hồng danh đây nguyên là Phạn âm (tiếng Thiên Trúc). Hai chữ đầu (Nam Mô) nguyên âm là Namo, ta quen đọc liền vần Nam mô, là lời tỏ lòng thành kính, có nghĩa là Quy y (về nương) và Quy mạng (đem thân mạng gởi về).

Chữ thứ sáu (Phật) nguyên âm là Buddha (Bụt Đa hay Bụt Thô), ta quen đọc gọn là Phật, chỉ cho đấng hoàn toàn giác ngộ (Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

Ba chữ giữa (A Mi Đà) là biệt danh của đấng Cực Lạc giáo chủ, dịch nghĩa là Vô Lượng (Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ) Như trong kinh, đức Bổn Sư tự giải thích rằng: “Đức Phật ấy, quang minh vô lượng, soi suốt các cõi nước ở mười phương không bị cách ngại. Đức Phật ấy và nhơn dân trong nước của Ngài thọ mạng vô lượng vô biên vô số kiếp “.

Trong Quán Kinh nói : “ Nếu người chí tâm xưng danh hiệu của Đức Phật đây, thời trong mỗi niệm diệt được tội sanh tử trong 80 ức kiếp và được vãng sanh …”

Trong Kinh Chư Phật Hộ Niệm nói: “Nếu người nghe danh hiệu của Đức Phật đây mà chấp trì trong một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thời được thành tựu nhiều thiện căn phước đức. Đức Phật ấy và Thánh chúng sẽ hiện đến nghênh tiếp… “

Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Nếu người chuyên xưng danh hiệu thời đặng chứng Nhất Hạnh Tam muội và chóng thành Phật…”.

Xem như lời của Đức Bổn Sư Thích Ca, đấng chân thật ngữ phán trên đây, thời thấy rằng ba tiếng hồng danh của đức Giáo chủ Cực Lạc có những năng lực bất khả tư nghị. Muốn được kết quả to tát như lời trong kinh, hành nhơn phải chí tâm xưng niệm, và phải xưng niệm đúng âm vận, chớ không nên như người Pháp goi Chợ Lớn là Sôlông, hay Bà Rịa là Baria.

Ba chữ A- mi- Đà nguyên là Phạn âm. Người Tàu đọc là A- mi- thô, và họ tụng xuôi là Á- mi -Thồ. Danh hiệu ấy truyền qua xứ Việt ta bằng chữ Tàu, biên sẵn trong các pho kinh sách Tàu. Người Việt ta cứ theo lệ phổ thông, chữ đâu đọc đó nên đọc là A-di-đà. Như đọc Nã Phá Luân để kêu Hoàng đế Napoleon (Na-po-lê-ông), cùng đọc Ba-Lê để kêu kinh đô Paris (Pari).

Với sự phiên âm bằng chữ Tàu, người Tàu đọc giống gần với nguyên âm, mà người Việt ta đọc sai quá xa. Giá như ta gặp hoàng đế Pháp mà gọi ông ta là Nã Phá Luân thời thật là đáng buồn cười. Với A-di-đà để gọi đức Giáo chủ Cực Lạc cũng theo lệ đó.

Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam Mô A Di Đà Phật, khi chuyên nhiệm nhiều (mỗi ngày từ hai vạn câu trở lên), tôi bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. Giữa lúc đó tiếng “Di” là chủ của sự chướng. Vì thế, tôi mới để ý đến chính âm vận của sáu tiếng hồng danh. Đồng thời lời của Tổ Vân Thê trong sớ sao nói: “Hồng danh Nammô A-mi-đà Phật toàn là tiếng Phạn, chuyên trì không quên, thời cùng với pháp trì chú của Mật tông đồng nhau”, lại thúc đẩy tôi vào sự khảo cứu.

Với vần La Tinh, người Anh ghép Amita, mà tôi được thấy ở bộ Phật Học Đại Tự Điển.

Tôi đem ba chữ A-mi-đà ra hỏi, thời các Sư Tàu cũng như Cư sĩ Tàu đều đọc gằn từng tiếng một trước mặt tôi : A-mi-thô.

Hai tiếng đầu “A”và “Mi” đã nhất định, và đồng thời quyết chắc đọc “di” là sai. Tôi còn thắc mắc ở tiếng thứ ba, vì nếu dọc Amita như vần Anh, cùng A-mi-thô như người Tàu thời với tiếng Việt có hai điều bất tiện:

1. Nghe không nghiêm và không êm.

2. Khác với thông lệ từ xưa.

Một học giả Bali và Phạn ngữ giải thích: chữ “đà” của tàu dùng phiên âm Phạn ngữ có hai giọng:

1. Thô như danh từ “Bụt Thô” mà người tàu đọc xuôi là “Bù Thồ”.

2. Đa cũng như danh từ “Bụt Đa” (Buddha)

Với giọng “đa” để đọc chữ “thô”, nó mở đường cho tôi ghép 3 chữ lại: A-mi-đa và theo cách đọc xuôi đánh dấu huyền: A-mi-đà.

Ghép luôn cả sáu tiếng nam mô A-mi-đà Phật, tôi nhận thấy rằng tránh khỏi cái lỗi quá khác với nguyên Âm, dù vẫn chưa được hoàn toàn, nhưng có thể gọi là nhiều phần đúng và không quá cách biệt với cách đọc phổ thông theo cổ lệ, vì trong sáu tiếng đây chỉ có đổi “di” thành “mi” mà thôi.

Sau khi tham cứu như trên xong, tôi bắt đầu chuyên chí niệm Nammô A-mi-đà Phật, và cũng bắt đầu từ đó tôi liền nhận được kết quả.

1. Sáu tiếng hồng danh đây nổi rõ nơi tai cũng như nơi tâm, khác hẳn sự mờ mờ lọt sót của tiếng “di” trong thời trước.

2. Khi niệm ra tiếng, từ năm ngàn câu mỗi thời trở lên, môi lưỡi càng lúc càng nhại, càng chuyên, càng lanh. Khác hẳn sự trệ môi cứng lưỡi của những ngày niệm khi xưa.

3. Niệm ra tiếng với A-mi khỏe hơi hơn niệm ra tiếng của A-di khi trước, nhờ vậy mà mỗi thời niệm được lâu và nhiều.

Người chuyên niệm danh hiệu của Phật, tầng cấp đầu tiên là đến mức bất niệm tự niệm, hay niệm lực tương tục. Nếu khi niệm mà bị trệ, và tiếng Phật lại lờ mờ không nổi rõ nơi tâm thời khó mong được kết quả trên. Còn nếu trái lại thời mới có hy vọng đến đích.

Biết rằng niệm A-mi-đà được nhiều phần đúng với nguyên âm, nó sẽ đem đến cho mình cái mãnh lực bất tư nghì, diệt vô số kiếp tội thành đại thiện căn phước đức giống như pháp trì chơn ngôn (thần chú) của Mật tông mà Tổ Vân Thê đã phán. Nó sẽ đưa mình đến mức bất niệm tự niệm, vì tiếng niệm không bị trệ lụt và nổi rõ nơi tâm. Nhất là niệm A-mi-đà được khỏe hơi, nhờ đó nên được niệm lâu và nhiều. Niệm Phật được thuần thục là nhờ niệm nhiều câu, nhiều giờ và tiếng niệm nhấn rõ nơi tâm. Và mức bất niệm tự niệm đây là phần bảo đảm vãng sanh Tịnh Độ cho người chuyên niệm. Tôi tin rằng niệm gần với nguyên âm, tức là gần đúng với thật danh của Đức Giáo chủ Cực Lạc, tất dễ được tương ưng và chóng được cảm thông với Phật. Và tôi đã tự cảm thấy có lẽ đúng như thế.

Nhưng trong kỳ kiết thất 49 ngày ở tịnh thất nơi chùa Linh Sơn Cổ Tự, một hôm tôi bỗng có ý nghĩ: “Mình dù thiển trí bạc đức, song cũng là người tai mắt trong Tăng giới, và cũng có đôi phần uy tín đối với gần xa, riêng mình tự tu đã đành không ngại gì, song rồi đây, tất có người tin tưởng nơi mình, mà họ sẽ tự noi theo chỗ làm của mình, nghĩa là họ sẽ niệm Nam mô A-mi-đà Phật. Một người như thế, lần lần sẽ có nhiều người như thế, tất sau này khó khỏi đôi điều thắc mắc:

1. Bàng quang sẽ cho mình lập dị, riêng phái, phá sự đã phổ thông của cổ lệ.

2. Đem sự ngờ vực cho người đã niệm A-di khi những người này chưa hiểu thế nào là A-di và thế nào là A-mi. Và sự ngờ là điều rất chướng của pháp môn niệm Phật

Tôi tự giải thích: “ Cổ lệ đã sai thời sự sửa đổi là điều cần (tôi tự sửa đổi riêng tôi). Mình không có quan niệm lập phái riêng hay lập dị, thời cũng không ngại gì với chuyên thị phi phê bình của bàng quan”. Và với sự ngờ của những người chưa nhận chơn, sẽ giúp họ tìm tòi khảo cứu, nhờ tìm xét họ sẽ thấu rõ sự sai với đúng, và họ sẽ thâu hoạch được kết quả tốt cũng như mình.

Mặc dù tôi tự giải thích với tôi như thế, nhưng trong thâm tâm vẫn mãi băn khoăn gần suốt ngày.

Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-mi nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm. Tôi thử ngó qua hướng khác thời không thấy, khi ngó trở lại hướng Tây thời chữ A-mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ, khổ chữ lớn lối bốn tất Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn..

Tối hôm ấy, tôi chiêm bao thấy mình đi vào một khu vườn cây cao cảnh đẹp. Giữa vườn, một dãy nhà cất theo kiểu trường học, và nghe rõ trong ấy một người xướng và số đông người hòa: Nam mô A-mi-đà Phật! Tôi tự bảo: “Ủa lạ! Câu Nammô A-mi-đà Phật tưởng là chỉ của riêng mình cải cách, riêng mình tín hướng và riêng mình chuyên niệm. Bất ngờ ở đây, người ta cũng đồng niệm như vậy rồi”. Tôi đứng dừng trước ngõ trường chăm chú nghe xướng hòa như thế hơn 10 lần mới choàng tỉnh. Bấy giờ mới biết là mình nằm mơ.

Do hai điềm trên đây (chữ A-mi hiện giữa trời và chiêm bao nghe xướng hòa nam mô A-mi-đà Phật), bao nhiêu nổi thắc mắc và băn khoăn nơi lòng tôi đều tan rã như khối tuyết dưới ánh nắng trưa hè…

Từ hồi nào, dù với hàng đệ tử, tôi chưa từng bảo ai bỏ niệm A-di mà niệm A-mi. Song, do ảnh hưởng ngấm ngầm mà lần lần có một số đông người xuất gia cũng như hàng tại gia niệm A-mi-đà. Đó phải chăng là do cơ duyên thời tiết nó nên như thế! Và cũng vì cớ ấy mà hôm nay có bài thuyết minh và tự thuật này.

Tôi viết bài này chỉ với mục đích giúp thêm sự nhận chơn về câu Nammô A-mi-đà Phật cùng lịch sử của nó, cho các bạn đồng tu đã chuyên niệm như thế. Và bài này cũng chỉ truyền bá trong phạm vi các bạn đây thôi.

Tôi xin khuyên nhắc các bạn, đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu Nam mô A-di-đà Phật, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, các vị nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì mà họ có thể vướng phải.

HT. Thích Trí Tịnh
(Trích Hương Sen Vạn Đức)

__________________________________________________________

Kính thưa quí Phật tử,

Như đã thông báo cũng như phổ biếnchúng tôi cố gắng đã trả lời về việc mà nó đã gây một ảnh hưởng rất lớn đối với người tu hành theo tông Tịnh Độ, giữa câu Phật hiệu " Nam Mô A Di Đà Phật" và " Nam Mô A Mi Đà Phật".

Theo lịch sử của Phật giáo cũng như từ điển Hán - Việt của Phật Học chưa bao giờ có ghi là "A Mi Đà", chắc cũng có lẻ sẽ không lâu đâu, chúng ta sẽ tìm thấy rải rác đâu đó sẽ được nhóm người tự cho thánh hiệu của Đức Từ Phụ A Di Đà nên sửa đổi là A Mi Đà mới đúng, và chính tay họ sẽ tự đưa vào từ điển. Sự việc trước mắt như vậy rồi, mà có một số người lại vô tri hùa theo tư tưởng cải mới???

Như chúng tôi đã giải thích, Phật thì chẳng có tướng làm gì có danh, mà lại là A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật. Nếu chúng ta là người thực hành chơn chánh, thì với tâm thanh tịnh thì niệm câu Phật nào cũng là Phật thôi, chứ không hề sai khác. Ở thế gian thì trọng cái danh, nhưng trong Phật Pháp thì trọng cái tâm. Còn nữa, mong rằng những ai chủ trương nên cải mới câu Phật hiệu A Di Đà Phật thành A Mi Đà đừng bao giờ mượn chữ chơi chữ nữa nhé. Vì sao? Vì sẽ có người bảo rằng: " Nhất thiết do tâm tạo?". Nếu bảo như vậy, thì chính bản thân của người thực hành cũng đừng xưng niệm danh hiệu Phật, hành bái sám, tụng kinh....v.v... để làm gì cho phiền toái. Cứ làm những chuyện đảo điên và khi xong rồi thì "Nhất thiết do tâm tạo" thì được rồi.

Đứa bé khi chào đời cũng phải theo thứ trình mà phát triển, từ bò, tập đi, rồi mới chạy, hoàn toàn không có thể nào chạy trước khi đi. Người mới học Phật cũng phải theo từng lớp mà hấp thụ tuỳ theo căn cơ của từng mỗi cá nhân mà chọn những pháp thích ứng cho chính bản thân, rồi tinh tấn hành trì. Nếu như đi đúng phương PhápĐức Thế Tôn đã dạy thì may ra tâm mờ mịt kia sẽ được tỏa sáng đôi chút, chớ đâu thể nào có chuyện" Nhất thiết do tâm tạo". Người đồ tể sát sanh quá nhiều, khi nghe được người bảo hãy đọc "Nhất thiết do tâm tạo" là ông sẽ khỏi đọa vào đường ác. Quí vị có cho thật có đạo lý nầy? Người đồ tể kia nếu muốn được "Nhất thiết do tâm tạo" thì trước tiên người này phải hiểu thấu đáo câu "Nhất thiết do tâm tạo" mà quan trọng là ông ta phải biết cái tâm của mình đang ở đâu? Phải hiểu rõ ràng về cái tâm của ông ấy, thì may ra mới "Nhất thiết do tâm tạo". Còn chỉ biết đọc xuông theo người ta thì chúng tôi tin chắc rằng chỉ có thể là: "Nhất thiết do nghiệp lực" mà thôi.



Chúng tôi sẽ không nói nhiều về ở đâu đâu, những đạo lý thâm sâu như nói: "Nhất thiết do tâm tạo". Vì chúng tôi chưa lên bờ vẫn còn lênh đênh trên biển sanh tử thì phải ôm thuyền chứ không thể nào bỏ thuyền được. Nhưng nếu là người đã lên bờ thì thuyền cũng chỉ là vật chướng ngại mà thôi. Tuy nhiên, những ai tự cho mình đã lên bờ thì tất nhiên không cần thuyền nữa, nhưng xin nhớ một điều rằng, những người đang trên thuyền không như người đã lên bờ. Đừng bao giờ dùng phương pháp bỏ thuyền để dạy họ. Vì sao? Vì nếu không có thuyền, những người này sẽ rơi vào biển nghiệp, thật tội nghiệp thay. Xin hãy thận trọng.

Vấn đề thật giữa câu Phật hiệu A Di Đà và A Mi Đà thật là đơn giản, nhưng không biết tại sao có quá nhiều người lại hoang man và lo lắng (đối với người tu hành theo Tịnh Độ tông). Theo chúng tôi thì quí vị chưa có đủ lòng tin nơi Phật Pháp cũng như chưa có lòng tin đối với những bậc tiền bối đã đi trước. Lòng tin của quí vị chỉ là lòng tin tạm thời và lòng tin ấy phải theo một số đông thì quí vị mới cảm giác an toàn. Thử hỏi chỉ có bao nhiêu đó, thì sao quí vị muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc kia, để vĩnh viễn thoát khỏi vòng luân hồi? Muốn vãng sanh về thế giới kia, quí vị phải có lòng tin chắc chắn, phải hội đủ ba việc: TÍN, HẠNH, NGUYỆN, tròn đầy thì mới mong ra khỏi luân hồi. Thử nghĩ xem, Phật giáo đâu phải mới xuất hiện ở nước ta trong đôi mươi năm, nói cách khác tông Tịnh Độ đâu chỉ mới lập thành tông trong vài mươi năm, mà quí vị lại hoang man, mà Phật giáotông Tịnh Độ nói riêng đã là gốc rễ ăn sâu vào lòng của tín đồ Phật giáo, hay rộng ra là khắp mọi người.

Chữ Buddha là tiếng Phạn mà phải gọi cho đủ là Buddhabhardra - Phật đà bạt đà la nghĩa là giác Hiền, tóm lại là người giác ngộ. Có người bỏ rất nhiều công sức cũng như thời gian để khảo cứu để chứng minh rằng Phật là sai mà phải là Bụt. Tuy nhiên quí vị thử hỏi mọi người bình thường chẳng biết gì Phật lý chữ Bụt là gì. Tôi tin chắc rằng họ sẽ trả lời; Bụt là một vị thần tiên râu tóc bạc phơ. Vì sao vậy? Vì từ Bụt, trong văn hóa Việt Nam cũng như trong tâm thức của người Việt từ Bụt chỉ để chỉ một vị thần tiên mà thôi. Nhưng hỏi về từ Phật thì ai ai cũng biết ngay là Phật giáo. Như vậy, dù là đúng hay sai cũng không cần thay đổi.

Thầy Trí Tịnh bảo trong bài để biện minh cho ý tưởng mới của thầy, khi bảo: "Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam Mô A Di Đà Phật, khi chuyên niệm nhiều (mỗi ngày từ hai vạn câu trở lên), tôi bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. Giữa lúc đó tiếng “Di” là chủ của sự chướng".

Xin hỏi ngay rằng niệm Phật để làm gì? Để cho vần với âm niệm hay để thoát luân hồi. Nếu như câu trả lời là để vần âm điệu thì hoàn toàn không gì để nói. Còn nếu câu trả lời là vì thoát sanh tửtrì danh thì cần phải nói. Còn nữa, nếu thuận lòng là nên dùng từ BỤT thì phải niệm là Nam Mô A Mi Đà Bụt mới chính xác, thế thì sao lại đổi một từ mà giữ lại một từ mà không thể giữ nguyên như cũ như bao bậc tiền bối đã làm. Nếu cho chữ "DI" là sai thì hoàn toàn câu Phật A Di Đà phải đổi cho đúng chính xác hết.

Câu Phật hiệu này được người Trung Hoa viết như vậy:南無阿彌陀佛 - Nam Mô A Di Đà Phật, mà ai ai nếu là tín đồ Phật giáo cũng đều biết đến.

Nhưng hãy xem cho kỷ từ Mô (無) từ này không phải là VÔ (Không) sao? nếu nói là sai thì phải niệm như thế này: Nam Vô A Mi Đà Bụt. Nếu như bảo là sai mà sửa lại được như vậy thì hoàn toàn không có gì để nói. Nhưng ở đây chỉ sửa từ DI thành MI mà thôi. Rõ ràng là khi niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" thì từ DI này là chướng ngại cho âm điệu, vậy thì đây là sự chướng ngại từ nơi tâm, chớ hoàn toàn không phải chướng ngại do dùng sai danh từ. Quí vị bảo niệm Nam Mô A Mi Đà Phật nhanh hơn là niệm " Nam Mô A Di Đà Phật". Kỳ thật niệm Phật mà còn tâm tham ở đây nữa, phải nên biết, không phải niệm nhiều là được vãng sanh, mà người niệm ít thì không được vãng sanh. Phải nhớ cho kỹ điều này. Nếu như quí vị dùng tâm để niệm, xả bỏ vạn duyên chướng ngại, thì chỉ cần niệm 10 niệm cũng được vãng sanh. Ở đây không phải do nhiều hay ít mà được vãng sanh. Mà chú trọng nơi tâm lực của người hành trì. Tuy biết rằng, trong Kinh dạy, niệm danh hiệu của Đức Phật nhiều thì sẽ được sanh vào hoa sen lớn phẩm cao. Nhưng phải rõ rằng, đó là nói việc trì theo tâm lực của người đó. Quí vị niềm nhiều nhưng chẳng hiểu nghĩa của câu Phật hiệu thì cũng bằng không. Tâm tham, tam sân, tâm si, không xả thì niệm nhiều để làm gì? Nguyện thứ 18 có nói chỉ cần chúng sinh trong mười phương hết lòng tin tưởng, muốn sinh về cõi nước của Ngài thì chỉ trong mười niệm, đều được vãng sanh.

Lại nữa chữ Di Lặc - 彌 (trong thánh hiệu của Phật Di Lặc), đã nói chữ DI là sai thì phải đổi luôn chữ Di Lặc thành Mi Lặc mới đúng. Chớ sao lại đổi hiệu của đức Từ Phụ A Di Đà mà không đổi hiệu của Đương Lai hạ Sinh Di Lặc Phật?

Câu Phật Hiệu A Di Đà Phật, tiếng Phạn là: Namo Amitabha, mà người Trung hoa dịch âm là Namo A Mi Tuo Fo, nếu chúng ta dịch theo âm tiếng Phạn thì có thể dịch như vậy: Nam Mô A Mi Thà (Đà) Phật, còn nếu dịch theo âm Hán thì phải dịch Nam Vô A Di Đà Phật. Do đó, có lẻ cổ đức hòa dung cả hai nên thành Nam Mô A Di Đà Phật.

Ở trên chỉ để giải thích cho xác nghĩa của câu Phật hiệu. Chớ để tâm chú trọng vào việc đúng sai. Ở đây chúng tôi chỉ giải thích để qúi vị có cái nhìn khái niệm. Quan trọng ở đây là những người niệm Nam Mô A Di Đà Phật thuở xưa cũng như ngày nay có được thanh tịnh hay không và có được vãng sanh hay không mà thôi. Nếu như lịch sử đã chứng minh, sách vở đã ghi chép đều có, thì cần chi họa thêm chữ MI vào? Thật là dư thừatội lỗi. Tại sao? Vì gây hoang man cho không biết bao người, còn nữa những người chưa thấu suốt giáo lý, đem ra bàn cãi, tranh chấp ..v.v... quí vị nghĩ có phải tội lỗi không?

Thầy Trí Tịnh lại mang sự Phật chứng để biện minh không thể thuyết phục được nếu dùng Giáo lý của Phật để đo thì không hợp lý. Phải nên biết giáo lý của Phật Đà là một giáo lý giác ngộ, chẳng phải thần quyền hay mê tín. Khi bảo rằng

"Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-mi nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm. Tôi thử ngó qua hướng khác thời không thấy, khi ngó trở lại hướng Tây thời chữ A-mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ, khổ chữ lớn lối bốn tất Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn... "

Chúng tôi không dám bảo là không có thật hay có thật, mà chúng tôi chỉ nói theo nền giáo lý của Phật Đà. Nếu bảo là Phật cũng ấn chứng với ý nghĩ của thầy là nên dùng chữ Mi để thay cho chữ Di thì đức Phật còn là Đức Phật nữa không? Vậy thì những người niệm từ thưở xưa đến nay niệm Phật hiệu gì? Cũng như theo lịch sử những người niệm Phật vãng sanh thì chẳng phải Phật rước hay sao? Còn nếu nói không chấp vào danh tự, thì tại sao Đức Phật lại báo điềm lành cho nổi chữ A -mi trên trời xanh cùng với ý tưởng mới là cổ đức đã sai nên nay phải thay đổi. Trong khi đó, Đức Phật là bậc đại giác, vạn Pháp đều không, mà không cũng đều có. Thì tại sao lại còn phân biệt là có, không, sai và đúng ...v.v...., trong khi đó Ngài tất phải biết danh hiệu của Ngài là A Di Đà, Vì ai ai cũng niệm danh hiệu này, cho dù có sai, nhưng tâm thức của họ chính là đức Phật của thế giới Cực Lạc về Phương Tây. Quí vị thử nghĩ có mâu thuẫn không?

Lại nữa, nếu cho rằng có sức mầu nhiệm gia hộ của thánh chúng, mà chữ A-mi nổi lên trời xanh và chỉ nổi lên từ phương Tây, khi nhìn về phương khác khi không thấy chỉ thấy ở phương Tây. Nếu đã là điềm lành lẻ tất nhiên phải thấy bất luận ở phương nào, xin đừng bảo rằng vì Phương Tây là thế giới Cực Lạc. Vì Phật đâu còn mê như chúng sanh, và ích kỷ như vậy, nhìn về chỗ ở của mình thì thấy, khi nhìn về quốc độ khác thì không? trong Phật giáo đâu có đạo lý này.

Như chúng tôi đã nói, là không chú trọng vào đúng hay sai, mà là quan trọng ở nơi thật hành và quy cũ. Cổ đức từ xưa đã như vậy, bậy giờ cũng như vậy, vị lai cũng cố gắng như vậy, cần chi thay đổi để thêm rắc rối và gây ảnh hưởng đến nhiều người.

Tóm lại, nếu ai tha thiết muốn thoát vòng sanh tử luân hồi, thì cố gắng giữ tâm của mìinh và theo cổ đức mà hành, chứ nên đem đề tài này ra phiếm diện, mỗ xẻ đúng sai. Vì tất cả đều là vô ích, chẳng giúp ích gì cho việc tiến tu cũng như việc cầu vãng sanh của mọi người. Mà hãy thật hành y như pháp, hội đủ Tam Lương, TÍN- HẠNH- NGUYỆN, để vĩnh viễn thoát ra khỏi vòng ma lực giăng bủa khắp mọi nơi.

Như đã trả lời, nhưng còn có nhiều Phật tử còn thắc mắc, nên gởi mail về hỏi. Do đó, chúng tôi một lần nữa cố gắng trả lời như trên, hy vọng rằng sẽ giúp ích được một số người nào đó, đang cũng có tâm hoang man và thắc mắc như vậy.

Sau cùng, chúng tôi tha thiết kêu gọi quí vị, những ai đang hành và sẽ theo tông chỉ của Tịnh Độ thì hãy cứ yên tâm hành trì theo cổ đức, cứ việc niệm Phật hiệu là "Nam Mô A Di Đà Phật" hết lòng thành kính, tha thiết cầu vãng sanh, nếu như có một ai làm đúng như lời dạy của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, hành thiện tránh ác, nhưng lại đọa lạc, không được vãng sanhniệm Phật hiệu sai, thì tôi nguyện gánh hết những tội lỗi mà hôm nay tôi cố gắng giải thích để duy trì Phật hiệu là "Nam Mô A Di Đà Phật" gây nghịch duyên cho người mới phát chánh tín cầu vãng sanh đối với Phật hiệu.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi mọi người rằng; cũng đừng đem đề tài này để bàn cãi nữa, vì sẽ không giúp ích gì cho việc tiến tu của mình. Ai làm sao thì cứ tùy họ vậy, còn đối với bản thân thì cứ y Pháp mà hành. Nếu như còn có người tự thắc mắc cho rằng nếu điều ấy là sai, thì sao lại có người theo v.v.... Thì hãy tự hỏi với mình rằng: " Hút thuốc thật sự có hại cho sức khỏe hay không? Sao lại có nhiều người dẫu biết là có hại mà vẫn cam tâm tình nguyện vướng vào". Tất cả cũng chỉ đều do nghiệp lực của mỗi cá nhân khác nhau mà thôi.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Nam Mô Liên Trì Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát!!

Trân trọng,
Tịnh Quang
(http://www.trangnghiemtinhdo.net/adidaphathayamidaphat.html)

Xem thêm: NHỮNG HẠT ĐẬU BIẾT NHẢY - Tác giả: Lâm Thanh Huyền - Dịch giả: Phạm Huê

Nghe thêm: Giảng Sư Thích Trí Huệ Nhận Định Về Niệm A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật MP3

 

Kính thưa các đạo hữu,

Lướt qua các bài viết và ý kiến liên hệ, xin được ghi nhận vài ý mọn như sau - khi TIẾNG đã thoát ra từ TÂM thì mang đủ loại hình thái (sắc < thân khẩu ý) phản ánh bản chất cá nhân, thời gian (lịch đại) và không gian (địa phương, phương ngữ). Âm thanh con người cũng chịu ràng buộc (<tam phọc) bởi dây âm thanh và cấu trúc miệng . Không bàn chi tiết về gốc Phạn mà chỉ chú trọng đến sự khác biệt giữa Di và Mi trong câu niệm A Di Đà Phật 阿彌陀佛, Amit'a Bul (Hàn), Ēmítuó Fó (Quan Thoại/QT), Amida Butsu (Nhật) ... Đây là khuynh hướng ngạc cứng hóa (palatalisation) các âm Hán Việt: phụ âm m trở thành j-/d- giọng Nam VN khi đứng trước nguyên âm trước (front vowel) với độ mở miệng nhỏ (như i) - giọng Bắc VN đã xát hóa cao độ di để thành dạng zi. So sánh các cách đọc sau đây 民 mín (QT) dân (Hán Việt)
名 míng danh
滅 míe diệt (như cách dùng diệt đế, diệt độ, diệt pháp ...)
妙 miào diệu (thần diệu)
面 miàn diện (mặt)
彌 mí di (phiên âm Phạn me/mai như Di Lặc, Tu Di, Sa Di, Cù Đàm Di ...)
...
泯 mǐn mẫn, dân,miến (để ý có khả năng đọc m- hay d-) - hầu như chỉ có tiếng Việt mới cho thấy khuynh hướng này rõ nét khi so sánh với các giọng Quảng Đông, Hẹ, Mân Nam ... (A)
渺 miǎo miểu, diểu
緬 miǎn miễn, miến, diến - 緬甸 Miến Điện hay còn là Diến Điện (Myanmar bây giờ)
...v.v... Thành ra đọc Mi 彌 ngạc cứng hóa thành Di là quá trình tự nhiên, hiện diện đã lâu trong vốn từ tiếng Việt (thời tự điển Việt Bồ La/1651 đã có dân, danh, diệt ...), tương tự như từ Bụt (Phật) - xem thêm loạt bài "Bụt hay Phật?" về các biến âm liên hệ (cùng tác giả). Muốn đổi cách đọc Di (ngạc hóa, Việt hóa) trở lại âm Mi ta nên cẩn thận coi lại các trường hợp đã dẫn (Di Lặc, Sa Di, Tu Di .... Dân, danh, diệt ...). Vài ý mọn (rất vắn tắt) cùng đóng góp


Nguyễn Cung Thông

(A)泯 có thể đọc là vũ tận thiết 武盡切 (Đường Vận) hay nhi tận thiết 弭盡切 (Tập Vận, Chính Vận), hay dân kiên thiết 民堅切 (Vận Bổ). Các dạng sau thời Đường Vận (751) đều cho thấy khả năng nhạc cứng hóa (d-, nh-).

 

BÀI ĐỌC THÊM (LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ):

Từ “A Mi Đà Phật” lại nghĩ thêm về vấn nạn của Phật giáo VN

 

 



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.