Thư Viện Hoa Sen

Nguồn Gốc Văn Bản Của Kinh Quán Vô Lượng Thọ - Kinh Văn Của Tịnh Độ Tông

16/12/201012:00 SA(Xem: 37165)
Nguồn Gốc Văn Bản Của Kinh Quán Vô Lượng Thọ - Kinh Văn Của Tịnh Độ Tông


NGUỒN GỐC VĂN BẢN CỦA KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ

KINH VĂN CỦ̉A TỊNH ĐỘ TÔNG
Nguyên Tác: Kōtatsu Fujitta - Anh dịch: Kenneth K.Tanaka
Dẫn nhập của người dịch (Kenneth K.Tanaka) - Việt dịch: Nhuận Châu

Ở Trung Hoa, kinh Quán Vô Lượng Thọ (Book on the Contemplation of the Buddha of Immeasurable Life) đóng một vai trò quan yếu trong giai đoạn đầu tiên của sự truyền bá Tịnh độ tông hơn bất kỳ kinh văn nào khác của tông nầy.[1] Từ đời Tùy cho đến đời Tống,[2] có ít nhất 40 luận giải về kinh nầy được trước tác, phần nhiều được biên soạn trước năm 800.[3] Như ngài Thiện Đạo, một vị tăng lỗi lạc xiển dương Tịnh độ tông Trung Hoa đã viết một luận giải đặc sắc về kinh Quán Vô Lượng Thọ để đánh dấu cho sự kiện trung tâm nầy.[4] Trước đó nữa, các luận giải quan trọng khác về kinh nầy của ngài Huệ Viễn, của ngài Trí Khải (c: Zhiyi 智顗) Đại sư tông Thiên thai, đã để lại một ảnh hưởng to lớn vượt qua giới hạn truyền thống Tịnh độ tông Trung Hoa, Nhật BảnTriều Tiên.[5]

Có ba yếu tố giải thích cho sự quan trọng của kinh Quán Vô Lượng Thọ trong giai đoạn phát triển ban đầu của Tịnh độ tông ở vùng Á Đông. 

Trước tiên, nó được xem như bản kinh xiển dương cho hai pháp tu tập để được vãng sanh: quán tưởngxưng danh hiệu đức Phật A-di-đà. Như chúng ta sẽ thảo luận dưới đây, pháp quán tổng phát khởi nhiều sự chú ý trong số Phật tử Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ V, như chúng ta được thấy bản dịch những bộ “quán kinh” trong thời kỳ nầy. Cũng vậy, pháp xưng danh thu hút được sự chú ý tập trung, khiến cho giáo lý nầy mau chóng thực hành trong số đông hàng cư sĩ hơn là những hạn chếyêu cầu theo đúng quy cách của pháp thiền quán. Pháp xưng danh còn dành cho cả những người đã phạm những tội nặng khó được vãng sinh.[6]

Thứ hai, một số học giả hiện đại đã đưa ra lý lẽ rằng cảm hứng chủ đạo mà Hoàng hậu Vi-đề-hi[7] đã trải qua được ghi trong phẩm tựa của kinh Quán Vô Lượng Thọ (xem ở dưới) được củng cố bằng sự phát triển ý tưởng tinh thần con người bị câu thúctình trạng yếm thế của xã hội Trung Hoa vào hậu bán thế kỷ thứ VI. Chuyện kể xác nhận tình trạng Phật giáo trong thời kỳ nầy đã đến giai đoạn mạt pháp, trong tình trạng những tai họa thiên nhiên và những cuộc nội chiến, đã lên đến đỉnh điểm với cuộc đàn áp Phật giáo từ năm 577-580 của Vũ Đế nhà Bắc Chu.[8]

Thứ ba, như được thấy rõ ràng trong vô số luận giải về kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh nầy là văn kiện quan trọng thúc đẩy các học giả xiển dương giáo lý Đại thừa. Một trong những giáo lý ấy đề cập đến các giai vị trong chín phẩm vãng sanh nằm trong cơ cấu chung của hệ thống giáo lý Đại thừa (marga).[9] Trong tiến trình nầy, bắt đầu từ thế kỷ thứ VI,[10] kinh Quán Vô Lượng Thọ đã giúp mang đến cho giáo lý Tịnh độ tông vị trí trọng tâm cho các chú giải của nhiều Tăng sĩ học giả.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ dành trọn phần mở đầu cho câu chuyện vua A-xà-thế (s: Ajātaśatru) và vua cha Tần-bà-sa-la (s: Bimbisāra) cùng mẹ là Hoàng hậu Vi-đề-hi. Nghe Đề-bà-đạt-đa kể lại rằng cha ông đã định giết ông khi còn nhỏ nhưng không được, A-xà-thế liền nhốt vua cha Tần-bà-sa-la vào ngục với ý định bỏ đói cho đến chết.[11] Nhưng Hoàng hậu Vi-đề-hi cứu sống vua Tần-bà-sa-la bằng cách bí mật đem thức ăn vào ngục mỗi lần đến thăm vua. Khi A-xà-thế phát hiện ra hành vi bí mật đó, trong cơn giận dữ đã ra lệnh hạ ngục mẹ ông luôn. Đau đớn về hành vi của con mình, Hoàng hậu Vi-đề-hi cầu cứu đến lời khuyên của đức Phật, và mong ước được sinh vào một nơi mà không có những nỗi khổ đau. Đức Phật liền phóng quang thị hiện cho bà vô số cõi giới trong khắp mười phương, Hoàng hậu Vi-đề-hi đã chọn cõi Cực lạc của đức Phật A-di-đà. 

Đức Phật tiếp tục giảng giải những công hạnh tu tập cần thiết để quy hướng về cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà. Những công hạnh nầy là “Ba nghiệp thanh tịnh,”[12] gồm kính trọng cha mẹsư trưởng, giữ giới và tụng đọc kinh điển Đại thừa. Qua năng lực thần thông, đức Phật đã cho Hoàng hậu Vi-đề-hi và những người thân thấy được cảnh giới Tịnh độ của đức Phật A-di-đà và nhờ đó mà bà chứng được vô sanh pháp nhẫn

Không lo âu về thọ mạng trong đời sau thì sẽ không có được sự lợi lạc từ lời “khai thị” của đức Phật, Hoàng hậu Vi-đề-hi thưa hỏi về phương pháp tu tập để được vãng sanh. Để trả lời, đức Phật đã dạy cho bà 16 pháp quán, bắt đầu với pháp quán về mặt trời mọc ở cõi Ta-bà nầy,[13] và chuyển sang kích thước vật lý của cõi Tịnh độ (Sukhāvati), như đất đai, cây cối, ao hồ; rồi nói về đức Phật A-di-đà và các vị Bồ-tát trợ thủ như Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí. Ba pháp quán sau cùng đề cập đến các đối tượng của chín phẩm vãng sanh[14] và chi tiết từng phẩm hạng mà mọi người có khả năng đạt được. Lời chỉ dạy của đức Phật về 16 pháp quán tạo thành chủ đề chính trong phần chánh văn của bộ kinh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ kết thúc bằng sự quả quyết rằng Hoàng hậu Vi-đề-hi chắc chắn sẽ được vãng sanh, và khuyến tấn người đọc truyền bá sâu rộng giáo nghĩa kinh văn.

Lai lịch của các bản dịch

Đã từ lâu, kinh Quán Vô Lượng Thọ được xem là một trong “Ba kinh Tịnh độ,” cùng với Vô Lượng Thọ kinh (Đại bổn A-di-đà–Larger Sukhāva- tīvyūha-sūtra) và kinh A-di-đà (Tiểu bổn A-di-đà-Smaller Sukhāvatīvyūha-sūtra). Theo truyền thống, bản kinh nầy được gọi là Quán Vô Lượng Thọ kinhVô Lượng Thọ Quán kinh[15] và được xem là do ngài Cương-lương-da-xá (s: Kālayaśas 畺良耶舎; 383-442?) dịch vào thời Lưu Tống.

Tập sách sớm nhất ghi lại sự kiện kinh nầy do ngài Cương-lương-da-xá dịch là Pháp kinh Lục[16] (Catalogue of Scriptures Compiled by Fa-Ching), sưu tập năm 593, vào đời Tùy. Sách ghi rằng, “Vô Lượng Thọ Quán kinh, 1 quyển, dịch vào niên hiệu Nguyên Gia[17] đời Lưu Tống, Sa-môn Cương-lương-da-xá dịch kinh nầy tại Yang-chou.”[18] Chính mục nầy đã được ghi nhận qua hầu hết các bản sao lục về sau.[19] Tuy nhiên, trong tác phẩm cổ xưa nhất hiện còn lưu hành, Chú Tam tạng dịch kinh (A Compilation of Notices on the Translation of the Tripiṭaka)[20] của Tăng Hựu (僧祐)[21] soạn, khoảng từ năm 502-515, được soạn trước Pháp Kinh Lục – ghi kinh Quán Vô Lượng Thọ trong chương thứ tư của nó trong phần “Những kinh văn pha tạp của những dịch giả khuyết danh.”[22] Nhưng trong Cao tăng truyện (Biographies of Eminent Monks), do Huệ Kiểu[23] soạn năm 519 - cũng như trong Pháp Kinh Lục - là Cương-lương-da-xá (s: Kāla- yaśas 畺良耶舎) đã dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ.[24] Cũng vậy, theo hai cuốn Lục được soạn vào đời Đường, Nội điển lục,[25] soạn năm 644 (Đại Đường Nội điển lục - Catalogue of Inner Scriptures, Compiled During the Great T’ang Period)[26] và Khai nguyên Thích giáo lục (Catalogue of Śākya-muni’s Teachings, Compiled During the Great T’ang Period),[27] soạn năm 730, Sung ch’i lu của Tao-hui (Catalogue of Scriptures Compiled During the Sung ch’i Period), đều ghi Cương-lương-da-xá (s: Kāla- yaśas 畺良耶舎) dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ. Do Sung ch’i lu đã thất lạc khi Phí Trưởng Phòng[28] soạn Lịch đại Tam bảo ký (Record of the Three Treasures Throughout Successive Generations)[29] vào đời Tuỳ năm 597, sự ghi nhận kinh Quán Vô Lượng Thọ trong Cao tăng truyện (Biogra -phies of Eminent Monks) tạo nên chứng cứ xưa nhất của kinh văn cho sự hiện hữu của nó trong số những bản kinh hiện còn lưu hành.

Trong tác phẩm Chú Tam tạng dịch kinh (A Compilation of Notices on the Translation of the Tripiṭaka), có khả năng xếp kinh Quán Vô Lượng Thọ vào những bản kinh của những dịch giả khuyết danh, giả định rằng hoặc do vì Tăng Hựu (僧祐) không biết được Cương-lương-da-xá là dịch giả, hoặc là Tăng Hựu (僧祐) không chấp nhận sự gán ghép như vậy. Mặc dù điều nầy đã đưa ra một mức độ hoài nghi nào đó về tính chất xác thực của dịch giả, nhưng nó không hội đủ lý lẽ để hoàn toàn bác bỏ nguồn gốc tác giả của nó là Cương-lương-da-xá. Thực vậy, khi soạn chương “Những kinh văn hỗn hợp của những dịch giả khuyết danh” (kinh Quán Vô Lượng Thọ nằm trong số đó), Tăng Hựu (僧祐) đã đích thân ghi chú, “Do vì tính uyên bác còn ở mức độ thấp, và cần có nhiều khảo cứu hơn nữa, nhiều chỗ (trong kinh văn nầy) chưa được trọn nghĩa. Nguyện xin các bậc cao minh phủ chính cho khiếm khuyết nầy.”[30]

Như những dòng chữ nầy đã chỉ rõ, cảm thấy cần bỏ ngỏ cho đời sau làm sáng tỏ. Thật đúng như vậy trong tác phẩmHuệ Kiểu, soạn sau Tăng Hựu không lâu, chắc hẳn đã tìm ra được những chứng cứ để điều chỉnh quan điểm mới đây và xác định người dịch kinh là Cương-lương-da-xá. Mặc dù niên đại của Huệ Kiểu (497-554) sau Tăng Hựu (445-518), nhưng quan điểm của Huệ Kiểu vẫn đáng tin cậy vì ông không xa với Cương-lương-da-xá. 

Theo Cao tăng truyện (Biographies of Eminent Monks),[31] Cương-lương-da-xá (s: Kālayaśas 畺良耶舎) sinh ở Tây Vực (Western Region), thông hiểu Tam tạng Kinh, Luật, Luận; ngoài ra, Sư còn là người siêng năng tu tập thiền định và “không ngừng truyền bá các môn tam-muội đến các nước.” Sư đến kinh đô Kiến Khang của nhà Tống vào năm Nguyên Gia thứ nhất[32] (424 - Giáp Tý), khi ở chùa Đạo Lâm trên núi Chung Nam, theo lời thỉnh cầu của Sa-môn Seng-han, sư dịch[33] hai bộ kinh, Dược Vương Dược Thượng quán (Contem- plation on Bhaisajyarāja and Bhaisajyasamudgata; sau đây gọi là Dược Vương Dược Thượng quán kinh-Bhaiṣaj- yarāja Contemplation Sūtra),[34] và kinh Quán Vô Lượng Thọ, ghi là “(Seng-han) liền dịch[35] ngay (hai bản kinh trên).” Cao tăng truyện còn bình luận thêm, “Như là một diệu pháp vi diệu để chuyển hóa nghiệp chướng và là đại sự nhân duyên (dẫn đến vãng sanh) vào cõi Tịnh độ, hai kinh nầy liền được trì tụng rộng rãitruyền bá khắp nơi vào đời Tống”. Sau đó Cương-lương-da-xá về Giang Lăng. Năm Nguyên Gia thứ 19 (442), Sư qua miền Mân Thục của Tây Vức, truyền bá pháp tu tập thiền định. Sau Sư trở về lại Giang Lăng, thị tịch ở đó vào năm 60 tuổi. 
 
Chính xácthị tịch năm nào thì không được ghi rõ theo tư liệu trên, nhưng theo thời gian dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ, tin chắc đó là vào khoảng năm đầu đến năm thứ 19 niên hiệu Nguyên Gia (424-442). Như vậy, kinh Quán Vô Lượng Thọ đã được dịch ngay sau năm 421, đó đúng là năm Vô lượng thọ kinh (Sutra on the Buddha of Immeasurable Life) được dịch - có nghĩa là sự kiện ngài Khang Tăng Khải (s: Samgha-varman 康僧鎧) dịch Đại bổn A-di-đà kinh (Larger Sukhāvatīvyūha-sūtra), mà nay được coi như là do Phật-đà-bạt-đà-la (佛馱跋陀羅 Buddhabhadra; 359-429), và Bảo Vân (寶雲 376-449) dịch.[36]

Bởi nguyên do nầy và các sự kiện khác (sẽ được trình bày ở sau), ngày tháng nầy được xem là chính xác về mặt lịch sử

Tuy nhiên, có một số tác phẩm sao lục thay vì vậy, lại xếp Đàm-ma-mật-đa [37] trong thời Lưu Tống như là dịch giả của Quán Vô Lượng Thọ kinh, 1 quyển. Một trong những sao lục nầy là Đại Châu lục (Catalogue of the Great Chou Period), soạn năm 695,[38] căn cứ vào Khai nguyên lục xếp kinh Quán Vô Lượng Thọ như là bản kinh “thất truyền”.[39] Cả hai đều lưu ý rằng sự sắp xếp nầy vốn xuất phát từ Pao-ch’ang lu (Catalogue by Pao-ch’ang), soạn vào đời Lương, năm 518. Tuy nhiên, điều nầy không được thuyết phục, ngay cả Phí Trưởng Phòng, người đã y cứ rất rõ vào Pao-ch’ang lu, lẫn bất kỳ các tác phẩm nào trước Đại Châu lục - bắt đầu với Chú Tam tạng dịch kinh -được nhắc đến như vậy. 

Tiểu sử của Dharmamitra có trong Chú Tam Tạng Dịch kinh,[40] Cao Tăng Truyện,[41] và trong Danh Tăng Truyện Sao[42] của Pao-ch’ang. Theo những nguồn gốc nầy, Pao-ch’ang xuất thân từ Chi-pin, (Càn-đà-la, hoặc Kashmir), là người tinh thông thiền định. Năm Nguyên Gia thứ nhất,[43] Sư đến đất Tống và sau đó đến kinh đô Kiến Khang qua ngã Ching-Chou. Tại chùa Chi -huan ở kinh đô, Sư dịch nhiều kinh về thiền như “Quán kinh, Thiền pháp yếu, Phổ Hiền quán, Hư Không Tạng quán”.[44] Sau đó, Sư đến ngôi chùa nhỏ Đông Lâm (Tung-lin) ở Chung Nam sơn, Sư thị tịch ở đó vào năm Nguyên Gia thứ 19 (442), lúc Sư 87 tuổi (80 tuổi theo Danh tăng truyện sao). 

Trong những sử liệu nầy thì không có sự liên quan nào giữa Dharmamitra với bản dịch Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh. Do từ chỗ quy kết sai lầm ghi trong Đại Châu lục và Khai nguyên lục có lẽ là do nhầm lẫn có thể xảy ra giữa hai vị Tăng tương đồng về tiểu sử; cả Dharmamitra và Cương-lương-da-xá đều là những vị tinh thông về thiền quán, đều đến kinh đô Kiến Khang của nhà Tống vào thời điểm rất giống nhau, cả hai đều đã dịch một số kinh về thiền quán.[45] Bất luận nguyên do lầm lẫn nào, đến nay vẫn không có căn cứ xác đáng nào để thừa nhận Dharmamitra là dịch giả của Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh

Trong Lịch đại Tam bảo ký của Phí Trưởng Phòng có nhắc đến Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh (1 quyển) lưu hành vào đời Hậu Hán và Đông Tấn, mục ghi về những kinh của các dịch giả khuyết danh, như thể gợi ý rằng hai bản dịch kinh nầy trước đó đều khác hẳn với bản đang lưu hành của Cương-lương-da-xá dịch.[46] Phí Trưởng Phòng ghi là đã trích dẫn từ chương “Những kinh văn hỗn hợp của những dịch giả khuyết danh” mà ông đã đọc trong Chú Tam tạng dịch kinh (A Compilation of Notices on the Translation of the Tripiṭaka), nhưng thực ra, ý nầy chẳng có căn cứ xác đáng nào cả. Như đã lưu ý trước đây, Chú Tam tạng dịch kinh chỉ ghi một một bản dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ và không có chứng cứ nào đã tham chiếu từ bản lục đời Hậu Hán và Đông Tấn về những kinh văn của những dịch giả khuyết danh. Như vậy, mục nầy nên được xem như chẳng gì khác hơn là sự thêm thắt của Phí Trưởng Phòng, đặc biệt trong sự soi sáng của sự kiện Trí Thăng[47] (Chih- sheng), tác giả của Khai nguyên lục cũng bác bỏ ý kiến có hai bản dịch như vậy từng hiện hữu.[48] Có một học giả thời hiện đại đã theo đó đi quá xa đến mức trau chuốt mục Lịch đại Tam bảo ký như là “một tác phẩm kiệt xuất”.[49] 

Trong mối tương quan nầy, Tịnh độ vãng sanh truyện (Biographies on Rebirth in the Pure Land) của Giới Châu[50] (986-1077) và Lạc bang di cảo (Accounts of Rebirths in the Country of Bliss) của Tông Hiểu[51] (1151-1214) vào đời Tống, cả hai tác phẩm đều nói đến một vị Tăng pháp danh Seng-hsien đã đến Trường An vào những năm đầu đời Đông Tấn, vào khoảng niên hiệu Đại Hưng (大興; 318-321). Vị Tăng nầy được mô tả trong các tác phẩm nầy như thể là người đã biết rõ Thập lục quán kinh (Sixteen Contemplations Sūtra) – nói cách khác, bản kinh Quán Vô Lượng Thọ đang lưu hành hoặc bản kinh nào khác có cùng nội dung – đề cập đến “ba công hạnhphát nguyện (vãng sanh) về cõi Tịnh độ, và chín phẩm vãng sanh”. Điều nầy, dĩ nhiên, là một thêm thắt của đời sau, không thể tin được; mặc dù Cao tăng truyện cho chúng ta biết Seng-hsien là người quy hướng đức Phật A-di-đà, nhưng cũng chẳng có gì khác hơn là đưa ra mối liên hệ của Seng-hsien với kinh Quán Vô Lượng Thọ.[52] 

Chúng ta đã điểm qua các bộ Lục gắn liền với bản dịch tiếng Hán của bộ kinh nầy. Tuy nhiên, ngoài ra còn có các bản dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ trong tạng Uigur (Mông Cổ). 

Một trong số đó là bản viết tay một trang được phát hiện ở vùng Thổ Phồn (Turfan), được mang về do đoàn khảo cứu của Ōtani. Bản sao chụp trang kinh ấy cùng với ghi chú và bản dịch của Tachibana Zuichō được tìm thấy trong Nitaku sōsh.[53] Haneda Tōru đã xuất bản tác phẩmsửa chữa của Tachibana,[54] nhưng mặc dù có những ý kiến khác nhau về cách giải thích bản văn, vẫn không có gì nghi ngờ rằng bản thảo trong tạng Uigur (Mông Cổ) tương đương với một phẩm quán về Bồ-tát Quán Thế Âm trong điều thứ 10.[55] Dù kinh văn không tương ứng hoàn toàn với bản dịch tiếng Hán, nhưng nói chung có thể tin nó được dịch lại từ bản dịch tiếng Hán, căn cứ vào những chứng cứ là thường có những chuyển ngữ tiếng Hán[56] trong đó. Quan điểm nầy được tán thành bởi thực tế là phần lớn văn học Phật giáo Mông Cổ đang lưu hành đều được dịch từ tiếng Hán.[57]

Có một thuyết trước đây đã từng đưa ra khẳng định rằng có một bản kinh tương tự như kinh Quán Vô Lượng Thọ được tìm thấy trong các bản khắc của nước Khang Cư (Sogdian). Ý kiến nầy được đưa ra bởi Hans Reichelt, người đã biên tập và dịch Quán kinh sang tiếng Đức (Der Dhyāna Text, Meditation Sūtra) từ bản khắc tiếng Khang Cư, đã chỉ cho thấy sự tương đồng của nó với kinh Quán Vô Lượng Thọ.[58] Dù thuyết nầy chỉ vừa mới được giải thíchNhật Bản,[59] căn cứ vào phân tích kỹ lưỡng về bản Thiền kinh nầy, Friedrich Weller đã chỉ ra rằng kinh ấy tương quan với Quán Phật tam muội hải kinh (Sūtra on the Sea Samādhi Attained Through Comtemplation on the Buddha; sau gọi là Tam muội hải kinh Samādhi Sea Sūtra).[60] Do vậy, chúng ta phải kết luận ngay rằng không còn bản dịch nào bằng tiếng Khang Cư về kinh Quán Vô Lượng Thọ còn tồn tại

Vấn đề liên quan đến việc sưu tập (biên soạn)

Như đã trình bày, một sự kiện hiển nhiên là không có bản gốc tiếng Sanskrit về kinh Quán Vô Lượng Thọ còn tồn tại đến ngày nay, cũng không có bản dịch tiếng Tây Tạng để hỗ trợ cho sự có mặt sớm hơn một bản gốc tiếng Sanskrit. Bản dịch tiếng Mông Cổ (Uigur) không chắc là được dịch lại từ bản tiếng Hán, như thế là đã cho bản tiếng Hán kinh Quán Vô Lượng Thọ đang lưu hành một hiện trạng nguồn gốc văn bản. Tuy nhiên, như đã trình bày, không bao giờ có hơn một bản dịch kinh nầy của Cương-lương-da-xá, và ngay cả bản dịch nầy cũng còn bị bao quanh những vấn đề về tính chất xác thực của nó.

Cương-lương-da-xá cũng được công nhận với bản dịch những kinh có cùng nguồn gốc văn bản, như Dược Vương kinh (Bhaiṣajyarāja Sūtra), vốn thiếu bản đối chiếu cả tiếng Sanskrit đến tiếng Tây Tạng cũng như các bản tiếng Hán khác. Trường hợp tương tự đối với các bản quán kinh khác được dịch cùng thời gian như: Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra)[61] của Phật-đà-bạt-đà-la (359-429), Quán Phổ Hiền Bồ-tát hạnh pháp kinh (Sūtra on the Comtemplation of the Cultivation Method of the Bodhisattva Samantabhadra; sau đây sẽ gọi là Phổ Hiền Quán kinh - Samantabhadra Comtemplation Sūtra)[62] và Quán Hư Không Tạng Bồ-tát kinh (Sūtra on the Comtemplation of the Bodhisattva Ākāśagarbha; sau đây sẽ gọi là Hư Không Tạng Quán kinh - Ākāśagarbha Comtemplation Sūtra)[63] của Dharmamitra; và Quán Di-lặc Bồ-tát thượng sanh Đâu-suất thiên kinh (Sūtra on the Comtemplation of the Bodhisattva Maitreya’s Ascent to Rebirth in the Tuṣita Heaven; sau đây sẽ gọi là Di-lặc Quán kinh - Maitreya Comtemplation Sūtra)[64] của Chu-Chu Ching-sheng. Mặc dù bản dịch Di-lặc Quán kinh tiếng Tây Tạng được tìm thấy trong ấn bản Sde-dge and Lhasa[65] (bản dịch Di-lặc Quán kinh chứ không phải ấn bản Bắc Kinh, Snar-than, hoặc ấn bản Co-ne của Phật giáo Tây Tạng), bản dịch Di-lặc Quán kinh nầy là bản dịch lại từ tiếng Hán, cho biết rằng ở Tây Tạng cũng vậy, không biết đến bản gốc tiếng Sanskrit của những kinh nầy. Đưa ra những tình huống như thế chung quanh các bản Quán kinh, chúng ta không thể nào xem sự không hiện hữu của bản gốc tiếng Sanskrit của kinh Quán Vô Lượng Thọ như là một trường hợp cá biệt.

Người ta không thể nào xác định dứt khoát nhan đề bản kinh Quán Vô Lượng Thọ sẽ là như thế nào.[66] Nhất là chúng ta khó hiểu thuật ngữ Sanskrit về chữ quán,[67] dù chữ quán thường để dịch thuật ngữ vipaśyanā trong tiếng Sanskrit. Ngữ cảnh mà từ nầy sử dụng trong kinh tương đương với dhyāna.[68] Thế thì, dĩ nhiên, chẳng có sự bảo đảm nào nhan đề kinh tiếng Hán hiện nay là dịch sát theo nhan đề kinh tiếng Sanskrit. Dù ở mức độ nào, tính không chắc chắn vây quanh ngay cả trong mối tương quan với nhan đề bản kinh nầy.

Nếu chúng ta chấp nhận rằng Cương-lương-da-xá đã dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ từ tiếng Sanskrit, thì nguồn gốc văn bản từ tiếng Sanskrit lẽ ra phải được sao lục (ghi nhận) ít nhất từ đầu thế kỷ thứ V. Tuy vậy, không có một bằng cứ chứng minh cho sự hiện hữu của kinh ở Ấn Độ trong thời kỳ đó. Dù có một học giả đã gợi ý rằng, kinh nầy được gán vào trong Vô lượng thọ kinh ưu-ba-đề-xá nguyện sinh kệ của ngài Thế Thân, thường được gọi là Tịnh độ luận (Treatise on the Pure land), nói chung không có một học giả nào chấp nhận giả thuyết nầy và rất chắc là điều ấy không hề có.[69] 

Sự không hiện hữu của nguồn gốc bản kinh nầy đưa ra một nghi ngờ nghiêm trọng về giả thuyết bản kinh Quán Vô Lượng Thọ hiện đang lưu hành được biên soạnẤn Độ. Căn cứ vào những chứng cứ đã đưa ra, một vài giả thuyết bác bỏ lập luận bản kinh trên được soạn tập ở Ấn Độ đã được đưa ra gần đâyNhật Bản. Ý kiến nầy đại khái có thể chia thành hai: thuyết soạn tập ở Trung Á và thuyết soạn tập ở Trung Hoa. Do vậy, tôi sẽ phân tích nguyên do mà hai ý kiến trên đã y cứ và rồi nỗ lực để xác định điều nào tạo nên quan điểm đúng đắn

Thuyết soạn tập ở Trung Á

Kasugai Shinya[70] có lẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến nầy. Theo ông, kinh Quán Vô Lượng Thọ và những Quán kinh khác được biên soạn như là kinh văn tinh yếu hay cô đọng của Đại thừa Ấn Độ nhằm chuyên môn hóa sự tu tập, đến phiên nó được kích thích bởi khuynh hướng tự do khởi phát đương thời tại vùng Gandhāra (Kiền-đà-la). Căn cứ vào những dữ kiện như nơi xuất thân của người dịch những Quán kinh, thì việc soạn tập những kinh nầy phải diễn ra ở Hsi-yu, Tây Vực. Đề cập đến sự soạn tập Tam kinh Tịnh độ, Nakamura Haijime cho rằng: kinh Quán Vô Lượng Thọ chắc phải được soạn sau hơn (hai kinh kia), ở một nơi nào đó ở vùng Trung Á. Dù nó có được soạn ở Ấn Độ, thì cũng phải có đầu mối bắt nguồn từ một vùng nào đó ở Trung Á.[71] 

Nói cách khác, khi để ngỏ khả năng sự soạn tập kinh nầy ở Ấn Độ, Nakamura Haijime cơ bản đã thừa nhận thuyết soạn tập ở Trung Á. 

Thế thì, điều gì cấu thành nền tảng của quan điểm nầy? Mặc dù nguồn gốc thuyết phục ủng hộ cho thuyết nầy, theo ý tôi, chưa được thỏa đáng, tuy thế, người ta có thể chỉ ra những sự kiện phát sinh. 

Sự kiện phát sinh thứ nhất là thực tế Cương-lương-da-xá và những dịch giả khác rất gần gũi với vùng Trung Á. Trong khi tính chính xác của tuyên bố Cương-lương-da-xá thực sự đã dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ đã có vấn đề, thì vẫn chưa có lý do đưa ra buộc phải bác bỏ tuyên bố nầy; mối nghi ngờ chính tương tự có thể phát sinh liên quan đến dịch giả của các bản Quán kinh cũng như vậy. Dù được biết Cương-lương-da-xá đã từng ở Tây Vức, chúng ta không có tin tức chi tiết về những hoạt động của Sư trước khi đến kinh đô nhà Tống, ngoài sự kiện là Sư thường truyền dạy pháp thiền định ở rất nhiều nước. 

Còn nhiều công hạnh của những dịch giả Quán kinh được biết trước khi họ đến Trung Hoa. Như Đàm-ma-mật-đa (s: Dharmamitra), một Tăng sĩ tinh chuyên thiền định, vốn xuất thân ở Chi-pin, (Kashmire hoặc là Kiền-đà-la) đã đến kinh đô Kiến Khang đời Lưu Tống qua lối đường giao thương phía Bắc, cùng với những vùng được phát hiện như Kucha, Đôn Hoàng (Tun-huang), và Liang-chou.[72] Chu-ch’u Ching-Sheng, cháu của vua Chu-ch’u Meng-Sun của triều Bắc Lương, là một thiền tăng đã học thiền ở Khotan, Thổ-phồn, và Kara-khoja, sau đó trốn qua Kiến Khang, sau sự đàn áp năm 439 của vua Đại Vũ (r.424-452), đời Bắc Lương thuộc Bắc Ngụy.[73] Đáng lưu ý là Chu-ch’u Ching-Sheng nói là “có được hai bản Quán kinh ở vùng Thổ-phồn, một là về Quán Thế Âm và một là Di-lặc, mỗi bộ gồm một quyển”. Bản kinh về Quán Thế Âm đã mất, nhưng có thể dẫn chứng qua tài liệu rằng sự soạn tập Di-lặc Quán kinh diễn ra ở vùng phụ cận Thổ-phồn. Vùng Thổ-phồn lúc ấy rất mật thiết với Phật giáo thời Bắc Lương, nơi cả hai truyền thống Đại thừaTiểu thừa được tu tập và có rất nhiều thiền sư kiệt xuấtđạt được năng lực thần thông.[74] Những yếu tố nầy gợi ý rằng những bản Quán kinh khác, gồm cả kinh Quán Vô Lượng Thọ, có thể được soạn tập ở phụ cận vùng nầy.

Trong số những dịch giả Quán kinh, chỉ có Phật-đà-bạt-đà-la (佛馱跋陀羅 Buddhab-
hadra; 359-429), người dịch Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra), là không có quan hệ trực tiếp với vùng Trung Á, vì Sư sinh ở Ca-tì-la-vệ, miền Bắc Ấn Độ, và qua Trung Hoa bằng đường biển phía Nam. Tuy nhiên, Sư đã học vài năm hoặc là ở Kashmire hoặc là Kiền-đà-la, và khi đến Trường An, Sư thích thân cận ngài Cưu-ma-la-thập, và được bảo trợ bởi ngài Bảo Vân (寶雲), một vị Tăng vừa mới trở về từ Tây Vức và Ấn Độ, ngài Phật-đà-bạt đà-la cùng hợp tác với Bảo Vân dịch Đại bản A-di-đà kinh (Larger Sukhāvatīvyūha-sūtra), vốn rất có thể dựa trên một bản thảo vừa mới phát hiện ở Ấn Độ. Ngài Phật-đà-bạt đà-la còn dịch kinh Hoa Nghiêm (Avataṃsaka Sūtra) dựa vào bản tiếng Sanskrit có được ở Khotan.[75] Do tất cả nguyên do nầy, chắc chắn Phật-đà-bạt đà-la rất thông thạo về vùng Trung Á. Do vậy rất có thể giả định rằng nguồn gốc bản thảo của Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra) cũng từ vùng Trung Á, cũng như các bản Quán kinh khác. 

Một luận cứ khác nữa hỗ trợ cho thuyết soạn tập kinh Quán Vô Lượng Thọ ở Trung Á là đề cập đến quán Phật và quán hình tượng. Trong pháp quán thứ 8 và 13, kinh nầy khoáng trương thực hành pháp thiền quán dùng tượng Phật và Bồ-tát làm đối tượng quán chiếu, sau đó kinh còn nói đến quán sắc thân và những tướng tốt chính và phụ của đức Phật A-di-đà, của Quán Thế Âm Bồ-tát, và của Đại Thế Chí Bồ-tát trong từng pháp quán thứ 9, 10 và 11.[76] Pháp quán Phật và quán hình tượng này trong khi rất thông dụng ở các quán kinh khác, nhưng lại được đề cập rất chi tiết ở trong Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra).

Theo lịch sử nghệ thuật Phật giáo,[77] điểm chung của Phật giáo Kiền-đà-la và nền nghệ thuật của vùng ấy có thể được thấy rõ qua sự mô tả nét trầm tư trong thiền định và các tướng hảo của tượng Phật theo trong Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra). Chẳng hạn, kinh nầy mô tả tượng Phật với một hàng ria mép,[78] đó là một điểm độc đáo của tượng Phật trong nghệ thuật Kiền-đà-la; tượng nầy còn được khắc họa theo tầm cỡ của hang động nổi tiếng ở Nagarahāra, vùng gần Jalalābād ở phía Bắc Afghanistan ngày nay, nơi mà dấu vết (bóng của tượng–shadow) của tượng Phật vẫn còn.[79] Hai điều mô tả nầy, chắc rằng không thể nào có được nếu không có sự am hiểu sâu sắc về toàn cảnh Phật giáo Kiền-đà-la; do đó thừa nhận rằng nó trùng hợp với những gì ngài Phật-đà-bạt-đà-la quán sát được trước đây khi Ngài còn ở tại miền Tây Bắc Ấn Độ.[80] Trong mức độ nào đó, nếu chúng ta thừa nhận Phật giáo Kiền-đà-la và nền nghệ thuật của nó đã thực sự được phản ánh rõ nét trong Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra), thì điều ấy sẽ cung cấp cho chúng ta một chìa khóa để đánh giá những bản quán kinh khác, gồm cả kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Khi khảo sát kinh Quán Vô Lượng Thọ trong ánh sáng nầy, chúng ta thấy khuynh hướng phóng đại mô tả về các tướng tốt chính và phụ của chư Phật và Bồ-tát. Chẳng hạn, tướng tốt của đức Phật A-di-đà được mô tả, gồm cả chú giải rằng “chiều cao của đức Phật là sáu mươi vạn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần (niyutas of kotis of yojanas).”[81] Không thể là vô cớ khi cho rằng mô tả nầy gợi lại cho chúng ta tượng Phật khổng lồ của Bāmiyan.[82] Khi mô tả vầng hào quang trên đảnh Bồ-tát Quán Thế Âm trong pháp quán thứ 10, kinh văn còn ghi rằng, “Trong hào quang ấy có năm trăm hóa thân Phật, như đức Phật Thích-ca Mâu-ni.”[83] Có giả thuyết giả định rằng đức Phật Thích-ca Mâu-ni được mô tả ở đây có liên quan đến tượng Phật cao 35 hay 38m ở phía Đông Bāmiyan. 

Tuy nhiên, trong pháp quán thứ 13, được biết đức Phật A-di-đà khi thị hiện thân tướng to lớn thì sẽ biến đầy khắp cả bầu trời, nhưng khi hiện thân nhỏ thì chỉ bằng một trượng sáu (trượng lục; 288 cm) hay tám thước (bát xích; 24cm).[84] Do vậy, chúng ta khó có thể đưa vào chứng minh những mối quan hệ giữa sự mô tả trong kinh và những tượng Phật khổng lồ như vậy ở Bāmiyan. 

Tuy nhiên, không thể bác bỏ rằng kinh Quán Vô Lượng Thọbản kinh đầu tiên mô tả thân tướng to lớn của chư Phật và Bồ-tát. Chẳng có gì bất thường để suy luận ra từ đây rằng dịch giả bản kinh nầy đã có trong đầu hình ảnh tượng Phật to lớn, có thể lớn hơn thân tướng người thường. Hơn nữa, khi diễn tả hình tượng đức Phật A-di-đà trong pháp quán thứ 9, kinh nói: “Hào quang trên đảnh đức Phật A-di-đà giống như trăm triệu tam thiên đại thiên thế giới (trichiliocosms); trong hào quang ấy có trăm vạn ức na-do-tha hóa Phật nhiều như cát sông Hằng”.[85] Theo một sử gia nghệ thuật, tượng Phật theo mẫu đơn giản–các hóa Phật đứng thành hàng nghiêng, xếp hàng theo hào quang phóng ra từ đảnh đầu–đã được tìm thấy trong số các vật khảo cổ ở Kiền-đà-la cũng như từ Khotan.[86] Hơn thế nữa, trong kinh này, đức Phật A-di-đà cùng với hai vị Bồ-tát trợ thủ (pháp quán thứ 7 và thứ 8),[87] mô-típ thông dụng trong nghệ thuật Trung Á, đã tìm thấy được hình thức phát triển cao nhất của nó. Kinh Quán Vô Lượng Thọ còn mô tả chi tiết đồ hình chi tiết hợp nhất hai vị Bồ-tát Quán Thế ÂmĐại Thế Chí. Thực vậy, điều ấy nói rõ sự liên quan đến pháp quán thứ 13, “Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí, ở khắp mọi nơi đều có thân tướng đồng như chúng sinh, mọi chúng sinh chỉ cần quán đảnh đầu của các Ngài, liền nhận biết đó là Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí.”[88] Những tham khảo như vậy gợi ý rằng bản kinh nầy chắc hẳn không được soạn bởi một ai mà không có mối quan tâm sâu sắc đến hình tượng các vị Bồ-tát nầy. 

Trong lịch sử hình tượng Phật giáo Trung Hoa, mặc dù nghệ thuật Kiền-đà-la có ảnh hưởng rất sớm ở Trung Hoa, tượng Phật bằng đá chưa trở thành phổ biến trước những năm 400. Tượng mạ vàng hiện đang còn lưu hành thì nhỏ, chỉ cao chừng 30 - 40cm. Được biết lúc đó chưa có tượng Phật với kích thước như người hoặc lớn hơn, mãi cho đến khi có nghệ thuật điêu khắc trong những động đá lớn ở Yun-kang vào nửa sau thế kỷ thứ V.[89] Như đã được thừa nhận, có những kinh văn ám chỉ về những phương pháp khác nhau về việc tạo tượng vào thế kỷ thứ IV, như tường thuật của ngài Đạo An (312-385)[90] về việc đúc một pho tượng mạ vàng cao một trượng sáu (288 cm),[91] nhưng đó không phải là tác phẩm như thế còn tồn tại đến ngày nay. Ở Trung Á, trái lại, tượng Phật theo nghệ thuật Kiền-đà-la thường được tiếp nhận gần giống như nguyên bản, và hình dáng tượng Phật khổng lồ vốn đã được tạc tại Trung Á chừng 400 năm.[92] Như vậy, ngoài Ấn Độ ra, Trung Á hầu như là ứng viên có thể cung ứng cho nguồn gốc của pháp quán tượng[93] được đề cập trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Chứng cứ nầy cung cấp cho nền tảng của thuyết soạn tập ở Trung Á của kinh Quán Vô Lượng Thọ, dù chúng ta phải nhận thấy rằng luận cứ ấy chưa hoàn toàn xác đáng. Nhưng trên sự xem xét nền tảng lịch sử và địa dư, việc chọn lựa thuyết nguồn gốc Trung Á dường như thích đáng. Điều nầy đặc biệt đúng khi người không hoàn toàn tin vào thuyết kinh được soạn tập ở Ấn Độ, mà cũng không dễ chấp nhận kinh Quán Vô Lượng Thọ có thể soạn tập ở Trung Hoa.

Thuyết soạn tập ở Trung Hoa
 
Nay chúng ta khảo sát thuyết thứ hai. Khả năng nguồn gốc Trung Hoa của kinh Quán Vô Lượng Thọ không có gì kì lạ, do sự nghiên cứu rất nghiêm túc về bản kinh nầy mà phát hiện ra được những yếu tố Trung Hoa rõ ràng. Tôi cho rằng Tsukinowa Kenryū Tsukinowa Kenryū là người đầu tiên đưa ra Thuyết soạn tập ở Trung Hoa.

Theo ông, kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng như các Quán kinh khác, đều được soạn tập do các cao Tăng vào niên hiệu Yuan-chia (Nguyên Gia 元嘉; 424-453), thời Lưu Tống, khi tham khảo với các thiền sư kiệt xuất lúc ấy đang hội tụ vào Trung Hoa. Kinh được soạn để đáp ứng cho sự quan tâm lớn mạnh của giới học Phật nhiệt tâm tu tập thiền định, cũng như để chống lại sự thách thức do Đạo gia đưa ra. Tuy nhiên, do vì bản báo cáo của Tsukinowa đưa ra theo dạng của một bảng tóm tắt, cho nên các chi tiết trong luận cứ của ông không được sáng tỏ. [94] Sau đó không lâu, Suzuki Munetada lại đưa ra luận thuyết soạn tập ở Trung Hoa,[95] làm nảy sinh vấn đề có khả năng xảy ra, Ấn Độ như là nơi kinh được soạn tập rồi truy tầm con đường khả hữu mà kinh nầy được chuyển ngữ. Nếu thuyết nầy được chấp nhận, thì phải trả lời câu hỏi là khi nào và do ai mà kinh nầy được soạn tập. Dù Suzuki Munetada đã nỗ lực giải đáp vấn đề nầy, nhưng nghiên cứu của ông vẫn không dẫn đến một kết luận dứt khoát nào. 

Như vậy, luận cứ Thuyết soạn tập ở Trung Hoa cũng không được hoàn toàn tin tưởng; nhưng khi phân tích về kinh Quán Vô Lượng Thọ, những sự kiện sau có thể được đưa ra hỗ trợ cho quan điểm nầy. 

Thứ nhất, bản kinhkinh Quán Vô Lượng Thọ vay mượn nhiều nhất đó là bản dịch tiếng Hán Đại bổn A-di-đà kinh (Larger Sukhā- vatīvyūha-sūtra) và Tiểu bổn A-di-đà kinh (Smaller Sukhāvatīvyūha-sūtra). 

Chẳng hạn, ý tưởng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ về đức Phật A-di-đà và hai vị Bồ-tát trợ thủ đến để tiếp dẫn chúng sinh khi lâm chung về cõi Tịnh độ, chắc chắn là mượn từ hai bản kinh trên, và được trau chuốt kỹ lưỡng thành ý tưởng mới “chín phẩm vãng sanh.” Bản Đại bổn A-di-đà kinhkinh Quán Vô Lượng Thọ y cứ vào là Vô lượng thọ kinh, do Tăng-già-bạt-ma (s: Saṃghavarman; c: 僧伽跋摩) hay Khang Tăng Khải dịch (dù riêng tôi: tác giả Kōtatsu Fujitta là do Tăng-già-bạt-ma và Bảo Vân dịch). Chúng ta biết điều nầy vì một số thuật ngữ mới đưa vào (liệt kê phần sau) chỉ được tìm thấy trong bản trên (Vô lượng thọ kinh): đó chính là nguyện lực của Pháp Tạng Tỳ-kheo thành tựu[96] (quán thứ 7); “48 lời nguyện của Pháp Tạng Tỳ-kheo (chương nói về trung phẩm hạ sanh); thành tâm trì mười niệm.”[97] (chương nói về hạ phẩm hạ sanh). Do sự vận dụng những thuật ngữ như vậy, nên kinh Quán Vô Lượng Thọ có lẽ không phải là bản dịch trực tiếp ngay từ bản gốc tiếng Sanskrit, mà thay vì vậy, dùng một bản kinh đã được dịch sang tiếng Hán rồi.

Khi đối chiếu kinh Quán Vô Lượng Thọ với những Quán kinh khác, thấy tính tương đương trong giáo lý, trong thuật ngữ chuyên môn, trong văn phong phiên dịch là thực trạng không thể nào bác bỏ được. Vài ví dụ hiển nhiên được trình bày trong bản đối chiếu ở dưới (riêng Hư Không Tạng Quán kinh – Ākāśa- garbha Comtemplation Sūtra được bỏ qua, vì bản dịch sớm nhất quá vắn tắt để đối chiếu chính xác).[98] Khi đánh giá sự tương đương trong bản đối chiếu, quá rõ ràng rằng, nếu kinh Quán Vô Lượng Thọ được biên tập tại Trung Hoa, thì lẽ ra nó phải được viết với sự chu đáo cao độ về thuật ngữ và văn phong như những bộ quán kinh khác. Hơn nữa, ta nên lưu ý rằng thuật ngữ pha Hán có thể được tìm thấy trong những đoạn kinh văn nầy-chẳng hạn, thuật ngữ “xưng danh - ch’eng ming; e: recite the name” hiệu Phật và Bồ-tát. Vì thuật ngữ tương tự cũng xuất hiện trong Hư Không Tạng Quán kinh- Ākāśagarbha Comtemplation Sūtra (không ghi trong bảng đối chiếu), ý tưởng đọc thuộc lòng (đọc thầm-e: recite) một danh hiệu như vậy là thông thường trong tất cả các quán kinh đã được đề cập. Tuy vậy, do hầu hết các dữ kiện về xưng danh (ch’eng ming; e: recite the name) không thể nào truy xét lại được từ kinh văn tiếng Sanskrit, nên ý tưởng đáng quan tâm là phải có một bản gốc đầu tiên trong bối cảnh tín ngưỡng của nền phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa.[99] Cũng từ quan điểm nầy, yếu tố Trung Hoa được phát hiện rõ ràng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Trong số các bản quán kinh, Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra), chắc chắnbản kinh duy nhất được dịch trước kinh Quán Vô Lượng Thọ,[100] và điều ấy gợi ý rằng sự biên tập kinh kinh Quán Vô Lượng Thọ đã ảnh hưởng rất lớn từ kinh nầy.[101] Cũng không có lý do nào để tin rằng kinh Quán Vô Lượng Thọ ảnh hưởng bởi Di-lặc Quán kinh - Maitreya Comtemplation Sūtra. Chẳng hạn, kinh Quán Vô Lượng Thọ phát biểu liên quan đến pháp quán thứ sáu; “Lại nữa, có những nhạc khí treo giữa hư không, như Thiên bảo tràng, không gõ mà tự âm vang”.[102] “Thiên bảo tràng” nầy có một ý nghĩa rất đặc biệt, và Bảo Tràng, một trong năm vị Đại thần của cõi trời Đâu-suất xuất hiện trong Di-lặc Quán kinh–Maitreya Comtemplation Sūtra.[103] Nói cách khác, việc biên tập kinh Quán Vô Lượng Thọ chắc chắn là có tham khảo đoạn kinh văn nầy để đưa vào.[104]

Trong mối quan hệ nầy, có thể chỉ ra rằng các bản Quán kinh khác kinh Quán Vô Lượng Thọ vẫn còn dùng lối Hán dịch như các kinh luận đang lưu hành hiện nay trong việc biên soạn kinh Quán Vô Lượng Thọ. Chẳng hạn, Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra) đã trích dẫn từ rất nhiều kinh, trong số đó có 3 trích dẫn danh hiệu 10 vị Phật trong 10 phương,[105] rõ ràng đã lấy từ Bảo Nguyệt Đồng Tử Tố Vấn kinh (Sūtra on the Question of Prince of Jeweled-Moon), trích trong “Dị hành phẩm-Chapter on Easy Practice”, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch từ Thập địa kinh luận (十地經論Daśabhūmikasūtraśāstra;Daśabhūmika-vibhāsa).[106] Ngoài ra, Tam muội hải kinh còn đề cập đến “duy vô tam muội 惟無三昧; Samādhi of nonexistence only”,[107] điều nầy chắc là y cứ trong Duy Vô Tam-muội kinh (Book of the Samādhi of nonexistence only), một bản kinhĐạo An đã xác định trước đó là kinh ngụy tạo.[108] Thuật ngữ “duy vô tam muội–samādhi of nonexistence only” còn được tìm thấy trong những bản kinh khác được biết là do Cương-lương-da-xá (s: Kālayaśas 畺良耶舎) dịch, như Dược Vương Dược Thượng Quán kinh (Bhaisajy-arāja Contemplation Sūtra).[109] Nếu chúng ta chấp nhận Cương-lương-da-xá là người dịch kinh nầy, sự vận dụng thuật ngữ chuyên môn nầy cung cấp cho chúng ta biết một vài phán đoán quan điểm của Cương-lương-da-xá về bản dịch. Cũng tìm thấy trong Dược Vương Dược Thượng Quán kinh những câu chắc chắndựa vào Tam Muội Hải kinh.[110] Tiếp theo, được biết rõ là Phổ Hiền quán kinh được vay mượn hầu hết từ bản dịch Diệu Pháp Liên Hoa kinh của ngài Cưu-ma-la-thập–quá nhiều đến nỗi thường được quy như là “bộ kinh đúc kết của kinh Pháp Hoa.”[111] Chính Hư Không Tạng Quán kinh thừa nhận là lấy từ Quyết định tì-ni kinh,[112] dịch giả khuyết danh, đời Đông Tấn.[113] Ý tưởng niệm danh hiệu của 35 đức Phật, như được tìm thấy trong Hư Không tạng Quán kinh, cũng đều có đề cập trong Dược Vương Dược Thượng Quán kinh.[114]

Mặc dù chúng ta đã xem xét một vài ví dụ từ những bản Quán kinh khác, vẫn còn có nhiều dấu tích ý tưởng kinh Quán Vô Lượng Thọ được kế thừa từ sự phiên dịch kinh điển cua Phật giáo Trung Hoa. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là đã chia nội dung kinh văn thành 16 pháp quán. Lối phân chia như vậy không phải bắt nguồn từ kinh Quán Vô Lượng Thọ, mà trong Thiền bi yếu pháp kinh,[115] những mục, “quán tịnh”, “quán Phật” và “quán hình” đều đã được phân thành 30 pháp quán. Bản Quán kinh nầy chắc là phải do hoặc là ngài Cưu-ma-la-thập hoặc là Dharamitra dịch,[116] nhưng dù dịch giả là ai, kinh ấy phải lưu hành ngay trước hoặc cùng thời với kinh Quán Vô Lượng Thọ. Vì cho rằng có lẽ nó có một ảnh hưởng từ sự phân loại sau này về Quán kinh

Cũng vậy, như đã chỉ ra bởi Mochizuki,[117] giáo lý nổi bật trong kinh Quán Vô Lượng Thọ về “tam tâm” - “trực tâm”, “thâm tâm”, “hồi hướng phát nguyện tâm” - có thể liên quan với “trực tâm”, “thâm tâm”, và “hồi hướng tâm” xuất hiện trong “Phật quốc phẩm” của kinh Duy-ma-cật do ngài Cưu-ma-la-thập dịch.[118]

Cũng vậy, những ý niệm trong kinh Quán Vô Lượng Thọ như “niệm Phật tam muội” (pháp quán thứ 8 và 9)[119] và “chư Phật hiện tiền tam muội” (phẩm công đức), rõ ràngảnh hưởng bởi Ban chu Tam muội kinh. Hơn nữa, những câu như “Thân nầy thành Phật, thân nầy là Phật[120]- pháp quán thứ 8” có tương đương trực tiếp với kinh Ban-chu Tam muội.[121]

Cũng vậy, ý tưởng đạt được Bách pháp minh môn[122] và nhờ đó nhập vào Hoan hỷ địa - như được đề cập trong chương Thượng phẩm hạ sanh và Hạ phẩm thượng sanh - có lẽ là kế thừa từ bản dịch Thập địa kinh[123] do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, hoặc là phẩm Thập địa trong bản dịch kinh Hoa Nghiêm[124] do ngài Phật-đà-bạt-đà-la dịch. Dù những tương đương nầy, không cấu thành những chứng cứ không bác bỏ được, nhưng nó đã cung cấp sự đáng tin cậy cho những giả thuyếtkinh Quán Vô Lượng Thọ đã sử dụng nhiều bản kinh được dịch sang tiếng Hán trước đó. 

Những yếu tố Trung Hoa còn có thể được thấy qua văn phong và lối dẫn chuyện trong kinh. Chẳng hạn, có đoạn, “Chúng ta xưng tán danh hiệu rộng rãi thập nhị bộ kinh Đại thừa,”[125] trong chương Hạ phẩm thượng sanh. Do đề kinh trong tiếng Sanskrit vốn thường không xuất hiện ở phần đầu mà ở phần cuối của kinh, nên chúng ta tin chắc rằng chương nầy rút ra từ một bản dịch tiếng Hán.

Căn cứ vào những gì đã phát hiện được, kinh Quán Vô Lượng Thọ rất chắc không phải có gốc là bản dịch trực tiếp, nguyên văn từ tiếng Sanskrit (hoặc Prākrit). Cho nên, chúng ta phải thừa nhận rằng có những chứng cứ đầy đủ để ủng hộ cho ý kiến rằng kinh nầy được soạn tập ở Trung Hoa.[126]

Kết luận sơ bộ

Làm sao để chứng cứ nầy đối chiếu được với những gì hỗ trợ cho thuyết soạn tập ở Trung Á? Nếu việc kết tập kinh nầy ở Ấn Độ bị bác bỏ, thì thuyết nào trong hai thuyết đối nghịch trên được chấp nhận? Tôi cho rằng cả 2 thuyết đều có những điểm đáng chú ý nhưng không thể nào đưa ra dứt khoát một chứng cứ nào bằng cách chọn thuyết nầy bỏ thuyết kia. Cho đến nay tôi vẫn chọn một quan điểm thỏa hiệp, bằng cách chấp nhận từng phần của cả hai thuyết. Có nghĩa là, chỉ vì những yếu tố Trung Hoa được phát hiện trong kinh văn không có nghĩa là kinh được soạn ở Trung Hoa. Đơn giản nhất, tôi tin rằng cốt tuỷ của kinh Quán Vô Lượng Thọ là nhằm truyền đạt một hình thái của thiền định mà vào thời đó, được thực hành vài nơi vùng Trung Á, có khả năng là vùng Thổ-phồn. Khi dịch kinh nầy, ngài Cương-lương-da-xá đã đảm nhiệm việc khẩu dịch, do được ghi nhận, như đã lưu ý. Là Sa-môn Seng-han đảm nhiệm việc ghi chép[127] cho Cương-lương-da-xá. Trong tiến trình nầy, văn cảnh và ý tưởng mang màu sắc Trung Hoa, vì khá nhiều bản kinh tiếng Hán đã được tham khảo và vận dụng, bắt nguồn với kinh Vô lượng thọ. Chính những sự kiện nầy hỗ trợ cho thuyết kinh được soạn tập ở Trung Hoa. Một quan điểm chiết trung như thế có thể thiếu sự minh bạch, nhưng đó là quan điểm thích đáng nhất để chọn mà không cần nhiều chứng cứ thuyết phục

Tôi đã phác họa quan điểm của mình về những vấn đề chung quanh sự soạn tập kinh Quán Vô Lượng Thọ. Qua phác thảo nầy, điều rõ ràng là, trong khi giáo lý Tịnh độ xuất hiện trong kinh văn nầy có nguồn gốc ở Ấn Độ, nhưng nó đã trưng bày sự phát triển sâu rộng mà chỉ có thể diễn ra ở bên ngoài Ấn Độ, đó là ở Trung Hoa hoặc Trung Á. Do vậy, dù kinh Quán Vô Lượng Thọ chắc chắn là nguồn gốc quan trọng để nghiên cứu Tịnh độ tông Phật giáo, nhưng nó phải được xem như một xuất xứ hoàn toàn khác phả hệ với Đại bổn A-di-đà kinh (Larger Sukhāvatīvyūha-sūtra) và Tiểu bổn A-di-đà kinh (Smaller Sukhāvatīvyūha-sūtra)...
 
________________________________________

Ghi chú của tác giả (Kōtatsu Fujitta): 

Để có cái nhìn mới hơn về quan điểm của tôi trong đề tài nầy, quý độc giảthể tham khảo thêm tác phẩm của tôi nhan đề Kanmuryōjukyū kōkyū (Kyoto: Shinshū Ōtaniha shūmushu shuppanbu, 1985).

Ghi chú của người dịch sang Anh ngữ (Kenneth K.Tanaka):

Bài viết nầy là dịch một chương trong một tác phẩm của Kōtatsu Fujitta nhan đề Nghiên cứu về Phật giáo Tịnh độ tông – j: Genshi Jōdo-shisō no kenkyū; e: A study of Early Pure Land Buddhism (Tokyo: Iwannami shoten, 1970), trang 116-136, với một vài bổ sung, sửa chữa của Gs. Kōtatsu Fujitta. Do thời gian hạn hẹp, phần dẫn nhập của người dịch chưa được chính tác giả xem xét. Người dịch xin chịu trách nhiệm về nội dung phần nầy.
• Trong phần chú thích nầy, những phần đánh số thứ tự 1,2,3... là của tác giả (Kōtatsu Fujitta); những phần đánh số thứ tự kèm theo dấu (*) 1*,2*,3*... là của người dịch Việt ngữ.

[1] T 365 12

[2]* Tùy 隋 Năm 589 (Kỷ Dậu) - 617 (Đinh Sửu); Tống 宋 (960-1278); Bắc Tống 北宋 167 năm; Nam Tống 南宋 153 năm. 

[3] Ono Gemmyō, ed., Bussho kaiset-
su daijiten, vol. 2 (1932; reprint, Tokyo: Tokyo shoseki, 1975), p. 199c-d.

4 Kuan Wu-liang-sho fo ching shu– Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh sớ, T1753.37.

[5] Kuan Wu-liang-sho fo ching i-shu, T1749.37, và Kuan Wu-liang-sho fo ching shu, T1750.37. 
Giới học giả thường cho rằng tác phẩm sau là của Trí Khải, được thấy trong nhiều tác phẩm biên soạn sau nầy, giữa cuối thế kỷ thứ 7 và đầu thế kỷ thứ 8. Theo quan điểm của Satō, các môn đệ của tông Thiên thai cảm thấy cần phải có một luận giải về kinh nầy do bản kinh trên quá thông dụng. Và thực tế là các nhà chú giải kiệt xuất của các tông phái khác đều có luận giải riêng của họ. Xem tác phẩm của Satō Tetsuei, nhan đề Tendai daishi no kenkyū (Kyoto: Hyakken, 1961), 567-568, 594-597. Về chi tiết ảnh hưởng của tông Hoa nghiêmPhật giáo Triều Tiên, xem tác phẩm của Etani Ryūkai, nhan đề Jōdokyō no shin kenkyū (Tokyo: Sankibō busshorin, 1976), 55-61. 

 [6]* 或有眾生作不善業五逆十惡,具諸不善.如此愚人以惡業故,應墮惡道,經歷多劫受苦無窮. (Hoặc hữu chúng sinh, tác bất thiện nghiệp, ngũ nghịch thập ác, cụ chư bất thiện. Như thử ngu nhân, dĩ ác nghiệp cố, ưng đọa ác đạo, kinh lịch đa kiếp, thọ khổ vô cùng). (Kinh QVLT, T365.12, trang. 345c15, 346a19). 

[7]* 韋提希 (s: Vaidehī; p: Vedehī). Người thuộc dòng tộc Tì-đề-ha 毗提呵族 (Videha), có nói bà thuộc dòng tộc Kiều-tát-la, thành Xá-vệ của vua Ba-tư-nặc.

[8] Có thể xem trong các tác phẩm Chūgoku Yōdokyo-shi (Kyoto: Hōzōkan, 1971), 74-77 của Nogami Shunjo. “Dialogue: Chinese Zen” của Sukanmoto Zenryū, Shibayama Zenkei, và Nishitani Keiji, The Eastern Buddhist, n.s.8, no.2 (October 1975):78; Buddhist in China của Kenneth Ch’en, (Princeton Univercity Press, 1972), 345-346. 
* Thường gọi là Bắc Chu Vũ Đế 北周武帝 (543-578), ban đầu vua kính trọng Phật pháp, nhưng tin sấm vĩ nên các Đạo sĩ thừa cơ hội đó dèm pha chê bai Phật giáo. Năm 557, xuống chiếu phá huỷ kinh tượng chùa Phật ở Bắc Tề, buộc hơn 300 vạn tăng ni hoàn tục. Sử gọi là pháp nạn Chu Vũ. 

[9] Chẳng hạn, sự sắp xếp được tìm thấy trong các luận giải của Huệ Viễn (Hui-yūan ; T 1749.37182a12-c22), Trí Tạng (Chi-tsang; T1753.37.244c13-245a15), Thiện Đạo (Shan-tao T1753.37.248b7-250a8), và một luận giải không rõ tác giả được gán cho Trí Khải (Chi-i T1750.37.193b28-c1).

[10]* Về điểm nầy, luận giải đề cập ở trên của Huệ Viễn đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển về sau. Xem tác phẩm của Kenneth Tanaka, The Daton of Chinese Pure Land Buddhist Doctrine Ching-ying Hui-yūan’s Commentary on the Visualization Sutra (Albani: State University of New York Press, 1990). 

[11] Xuất xứ dẫn đến kinh nầy là một câu chuyện nổi tiếng. Vua Tần-bà-sa-la (s: Bimbisāra) lo âu vì chưa có con kế tục vương vị, ông đến nhà tiên tri để đoán biết có người cao quý nào sẽ chết và đầu thai vào hoàng tộc. Nhưng vua Tần-bà-sa-la (s: Bimbisāra) không chờ đợi được, ông nhờ người giết, chẳng bao lâu sau Hoàng hậu Vi-đề-hi mang thai. Nhưng nhà tiên tri cũng báo trước rằng vương tử sắp ra đời sẽ ẩn chứa một mối hận đối với cha mẹ, và sẽ là kẻ thù địch của cha mình, nên vua cha quyết định ném vương tử mới sinh xuống lầu... (Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, bản Anh ngữ The Sutra of contemplation of Buddha of Immeasurable Life), (Kyoto: Ryūkoku Univesity, 1984).

[12]* 欲生彼國者。當修三福。一者孝養父母。奉事師長。慈心不殺。修十善業。二者受持三歸。具足眾戒。不犯威儀。三者發菩提心。深信因果。讀誦大乘。勸進行者。如此三事名為淨業 (Kinh QVLT).

[13]*當起想念。正坐西向諦觀於日。令心堅住。專想不移。見日欲沒狀如懸鼓。既見日已。閉目開目皆令明了。是為日想。名曰初觀 (Kinh QVLT).

[14]* Cửu phẩm: Thượng phẩm thượng sanh, Thượng phẩm trung sanh, Thượng phẩm hạ sanh; Trung phẩm thượng sanh, Trung phẩm trung sanh, Trung phẩm hạ sanh; Hạ phẩm thượng sanh, Hạ phẩm trung sanh, Hạ phẩm hạ sanh

[15] Xem Khai nguyên lục 5 (c: K’ai-yūan lu 5), T2145.55.523c.

[16]* Tức Chúng Kinh Mục Lục 眾經目錄 (7 quyển) Pháp Kinh 法經 cùng một số người khác soạn vào đời Tùy. T. 55, Tr. 115, Sh. 2146.

[17] *Yuan-chia (元嘉 Nguyên Gia; 424-453). 

[18] Pháp Kinh Lục, Fa-ching lu, T2146.55.116c.

[19] Xem các tác phẩm Lịch đại Tam bảo ký ; c: Li-tai san-pao chi 10, T 2034.49.92c; Jen-shou lu 1, T2147.55.152b; Nei-tien lu 4 & 5, T 2149.55.260a, 291b; Ching-tai lu 1, T 2148.55.184b; Ku-chin shih-ching t’u-chi 3, T 2151.55.361c; Ta-chou lu 3, T 2153.55.39c; K’ai-yūan lu 5 & 12, T 2154.55.523c, 595b; Chen-yūan lu 7, T 2156.55.820c

[20] * Tức Xuất Tam Tạng Ký Tập 出三藏記集 (15 quyển).Tăng Hựu 僧祐 soạn vào đời Lương. Đại Chính tân tu Đại tạng kinh. 55, Tr. 1, Số hiệu. 2145.

[21] * Tăng Hựu (僧祐 ; 445-518): sống vào đời Lương, thuộc Nam triều. Xuất gia rất sớm ở chùa Kiến Sơ. Sau khi thọ giới Tỳ-kheo, Sư theo thầy Pháp Dĩnh nghiên cứu Luật bộ. Sư thị tịch tại chùa Kiến Sơ năm 74 tuổi. Các tác phẩm của Sư gồm: Thập tụng luật nghĩa ký, 10 quyển; Hoằng Minh tập; Xuất tam tạng ký tập, Thích-ca Phả, Đạo tập Hư Không Tạng Vô tận Nhị Kinh ký. Thế Giới ký 5 quyển... Đệ tử có hơn 11.000 người gồm cả Tăng lẫn cư sĩ

[22] Ch’u-san-tsang chi-chi, T2145-.55.22a.

[23]* 慧皎 (497-554). Tăng sĩ đời Lương, người tỉnh Triết Giang, chùa Gia Tường 嘉祥寺

[24] Kao-seng Chuan, T 2059.50.343c.

[25] Nei-tien lu, T 2149.55.260a.

[26] * Đại Đường Nội Điển Lục 大唐內典錄 (10 quyển); Đạo Tuyên 道宣 soạn vào đời Đường; T.55, tr. 219 

[27] Ibid., 523c.

[28] * Học giả Phật giáo đời Tùy. Người Tứ Châu, Thành Đô. Năm sinh năm mất không rõ. Xuất gia từ nhỏ. Năm Kiến Đức thứ ba (574), Vũ Đế phế đạo Phật, ông bị bức bách phải hoàn tục. Sau đời Tùy hưng khởi, ông được giao việc phiên dịch kinh điển. Năm Khai Hoàng thứ IV (584), ông tham gia đạo tràng phiên dịch tại chùa Đại Hưng Thiền.

[29] Li-tai san-pao chi 15, T 2034.49.127c.

[30] Ch’u-san-tsang chi-chi, T 2145.- 55.21c.

[31] Xem bản dịch của Robert Shih, Kao-seng chuan, T 2059.50.343c. Biographies des moines éminents (Kao seng tchouan) de Houei-kiao (Louvain: Institut Orientaliste, 1968), 147-148. 

[32]* 元嘉 Năm 424 (Giáp Tý).

[33]* khẩu dịch (orally transmited). 

[34] Yao-wang Yao-shang kuan, T116- 1.20.

[35]* Bút dịch, nghĩa là ghi lại lời khẩu dịch của Cương-lương-da-xá (s: Kālayaśas 畺良耶舎) thành ngôn ngữ bản xứ, tức Hán văn.

[36] Xem tác phẩm của Fujita, Genshi Jōdo-shisō no kenkyū, trang. 62-96.

[37]* s: Dharmamitra (Đàm-ma-mật-đa 曇摩密多; 356-442). 

[38]* Tao-chou lu, Tức Đại Chu San Định Chúng Kinh Mục Lục 大周刊定眾經目錄, (15 quyển). Minh Thuyên明佺 và một số người khác cùng soạn vào đời Đường T 2153.55.389c.

[39]K’ai-yūan lu, T 2154.55.524b, 629c. 

[40]Ch’u-san-lsang chi chi, T 2145.55.115a-b.

[41] Kao-seng chuan, T2059.50.342c-344a.

[42] Ming-seng chuan ch’ao, zz1.2B.7.1.10.

[43]* 元嘉 Năm 424 (Giáp Tí).

[44] Chưa có tham khảo nào để xác định được Ch’an ching. Ch’an-fa yao (=Ch’an-pi yao-pa ching), T613,15; P’u hsien kuan (= kuan P’u hsien hsing-fa ching), T277,9; Hsū-k’ung-tsang kuan (=Kuan Hsū-k’ung- tsang p’u-sa ching), T409,13.

[45] Xem tác phẩm của Tsuboi Shun’ei, Jōdo sanbokyō gaisetsu (Tokyo: Ryūbunkan, 1956; rev,ed., 1981), 332.

[46] Li-tai san-pao chi, T2034.49.54b & 74a.

[47]* 智升 Cao tăng Trung Hoa, sống vào đời Đường, khoảng năm 730, Sư được thỉnh vào viện Đông Tháp chùa Sùng Phước để chuyên soạn tập mục lục kinh sách. Tác phẩm của Sư gồm: Khai nguyên Thích giáo lục, Tục Đại Đường Nội Diễn Lục, Tục dịch kinh cổ kim đồ ký, Tục Tập Cổ Kim Phật Đạo Luận hành, Tập Chư Kinh Lễ Sám Nghi. 

[48] Kai-yūan lu, T2154.55.484c & 509b.

[49] Xem tác phẩm của Mochizuki Shinkō, Jōdokyō no kigen oyobi hattatsu (Tokyo: kyōritususha, 1930; rpt. ed., Tokyo: Sankibō, 1977), 326; idem, Bukkyō kyōten seiritsushi-ron (Tokyo: hōzōkan, 1946; rpt.ed. 1978), 226.

[50]* 戒珠 (985-1077) Tăng sĩ đời Tống.

[51]* 宗曉 (1151-1214). Tác giả Lạc bang Văn Loại 樂邦文類, 5 quyển. Đại Chính tân tu Đại tạng kinh T.47. Lạc Bang di cảo 樂邦遺稿, 2 quyển. Tứ Minh tôn giả giáo hành lục 四明尊者教行錄, 7 quyển.

[52] Kao-seng chuan, T2059.50.395b-c

[53] Tachibana Zuichō, “Uiguru-yaku no Kanmuryōjukyō,” Niraku sōsho 1 (1912): 22-41.

[54] Haneda Tōru, “Nikaru sōsho dai-ichigō o yomu,” Gei-bun 3-10 (1912): 82-90; còn được tìm thấy trong Haneda hakushi shigaku ronbunshū, vol .2 (Kyoto: Tōyōshi-kenkyū-kai, kyōto-daigaku, 1958), 546-553.

[55] Gần đây Kudara đã tìm ra một bản hoàn chỉnh đầy đủ so với bản trước. Xem Kudara Kōgi, “Kanmuryōjukyō – uiguru-yaku danpen shutei,” Buk-kyō-gaku kenkyū 35 (1979): 33-56. 

[56] Ibid. As an example of transliteration of Chinise sound, it is shown that “biligamani” in Guir is a transliteration of Chinise “ P’I – leng chia-mo-ni” (Mathews nos. 5158, 3845, 590, 4541, 4654, respectively). and “quansi im” of “kuan-shih-yin” (Mathews nos. 3575, 5790, 7418, respectively).

[57] Một bản thảo của kinh Quán Vô Lượng Thọ trong tạng Uigur vừa được phát hiện trong Turfan Collection of the Academy of Sciences của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Xem tác phẩm của Peter Zieme, “A New Fragment of the Uigur Guanwuliangshoujing,” Ryūkoku daigaku bukkyō bunka kenkyūsho kyō 20 (1982): 20-29.

[58] Hans Reichelt, Die soghdischen Handschriftenresle des Britischen Museum, I. Teil (Heidelberg: Carl Winters Universitatsbuchhandlung, 1928), S .33-56 (Der Dhyāyāna-Text). This costitutes an edition (an its German translation) of a sūtra found among the sogdian manuscripts in the Stein collection (O.R . 8212 (85) . Cf. A . Stein, Serindia, vol . 2 (Oxford: Clarendon, 1921; rpt. eḍ, Delhi: Motilal Banarsidass, 1980), 924.

[59] Ishihama Juntarō, “Sai’iki Kodaigo no butten”, in Sai’iki bunka kenkyūkai, cd., Sai’iki bunka kenkyū, vol. 4 (Kyoto: Hōzokan, 1961), 36.

[60] Fredrich Weller, “Bemerkunggen zum soghdishen Dhyāna-Texte,” Monumenta Serica (Journal of Oriental Studies of the Catholic University of Peking (1936-1937); 341-404; 3 (1938); 78-129.

[61]* Kuan fo san –mei hai ching. T 642-15 tức Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải kinh 佛說觀佛三昧海經, 10 quyển, Phật-đà-bạt-đà-la 佛陀跋陀羅 dịch đời Đông Tấn. Q. 15, Tr. 645, Sh. 643. 

[62] Kuan p’u-hsien p’u-sa hsing- fa ching T277-9.

[63] Kuan Hsū-k’ung-tsang p’u-sa hsing- fa ching T 409-13.

[64] Mi-le p’u-sa shang-sheng tou-shuai-t’ien ching T452-14.

[65] Ui Hakuju et aḷ, edṣ, Chibeto daizōkyō somokuroku, (Sendai: Tōhoku-daigaku,1934). No 199; Tai kasaki Jikidō, ed., Tōkyō-daigaku shozō sasaban Chibeto daizōkyō mokuroku (Tōkyō-Tōkyō-daigaku, Indo-tetsugaku Kenkyū-shitsu, 1965), no,200.

[66] Trí Tạng, trong chú giải Kuan Wu-liang-shiu ching i-shu, đã đề nghị một nhan đề kinh bằng tiếng Sanskrit, “Nếu chúng ta duy trì âm tiếng nước ngoài, đề kinh sẽ là ‘Fo-t’o p’an-che a-li-yeh a-mi-t’o hsiu-to-lo”. Tuy nhiên, điều nầy không được tán thành. Xem luận giải của Trí Tạng. T1752.37-233c. Trong Nanjo 198, nhan đề được ghi là “Buddhabhāṣitāmytayurbuddha-dhyāna (?)–sūtra”. 

[67] 觀 ; e: comtemplation. 

[68] Nguồn gốc bản dịch tiếng Tây Tạng của kinh Di-lặc quán là Hphags pa byan chub sems dpah byams pa dgah ldan gnam du skey ba blans pahi mdo (The Sacred Sūtra on Bodhisattva Maitreya’s Rebirth in the Tusita Heaven; sēṇ 47.)
Do nhan đề kinh không dịch chữ Quán (kuan), nên không giúp cho chúng tôi tra cứu nguồn gốc tiếng Sanskrit được. 
50. Ōhara Shōjitsu, “Kanmuryō- jukyō to jōdoron: kangyō chūgoku senjutsu ni taisuru ichi-gimon.” Ryūkoku daipaku ronshū 359 (1958): 1-14 Vansubandhu’s Trea-tise on the pure land is found in T 1524.26.

[69] Tác phẩm của Ōhara Shōjitsu, “Kanmuryōjukyō to jōdoron: kangyō chūgoku senjutsu ni taisuru ichi-gimon.” Ryūkoku daipaku ronshū 359 (1958): 1-14 Vansubandhu’s Treatise on the Pure Land có trong T 1524.26.

[70] Kasugai Shinya. “Kanmuryōjukyō ni okern shomondai,” Bukkyō bunka kenkyū 3 (1953); 41-42 Kaisugai Shinya and Tōdō Kyōshun, “jōdo kyōten no keisei,” in Miyamoto Shōson, ed., Bukkyoo no kanponshiun (Tokyo: Sanseidoo, 1956). 523-530.

[71] Nakamura Hajime, “Jōdo sanbukyō no kaisetsu,” Jōdo sanbukyō, vol.2, Iwanami Bunko (Tokyo: Iwanami shoten, 1964). 207.

[72] Ch’u-sa-tsang chi-chi 14, T2145.55.10a-b; Kao-seng chuan 3, T2059.50.342c.

[73] Ch’u-sa-tsang chi-chi 14, 106b-c; Kao-seng chuan 2,337a.

[74] Tác phẩm của Ogasawara Senshū, “Kōshōkoku no bokkyō kyōgaku,” trong Bukkyō Shigaku ronshū: Tsukamoto hakushi shōju kinen (Kyoto: Tsukamoto hakushi shōju kinen kai, 1961), 136-147.

[75]* Vu-điền 于闐, 于填; s: Ku-Stana. Vương quốc ở vùng Tây Vực thời cổ. Vị trí nước này hiện nay là xứ Khotan (Hòa-điền) thuộc miền Tây tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.

[76]* Pháp quán thứ 9: 八萬四千相好自然當見。見無量壽佛者。即見十方無量諸佛。
得見無量諸佛故。諸佛現前受記。是為遍觀一切色想。名第九觀. Pháp quán thứ 10: 其餘身相眾好具足。如佛無異。唯頂上肉髻及無見頂相。不及世尊。是為觀觀世音菩薩真實色身想名第十觀 . Pháp quán thứ 11: 作此觀者。名為觀見大勢至菩薩。
是為觀大勢至色身相。觀此菩薩者名第十一觀.

[77] Tác phẩm của Ono Genmyō, Kendara on bukkyō bijutsu (Tokyo: Heigo Shuppansha, 1923). 77-114; Takata Osamu, Butsuzō no kigen, (Tokyo: Iwanami shoten, 1967; rpt. ed. (1983), 241, 432.

[78] Kuan fo san-mei hai ching, T642.15.648a-657a.

[79] Ibid., 679b-681b

[80] Tác phẩm của Takata, Butsuzō no kigen, p. 432. Takata phát biểu về kinh Quán Tam muội hải (Samādhi Sea Sūtra), “Chắc chắn nhất là xem kinh nầy đã được soạn tập ở vùng Tây Bắc Ấn Độ sau một thời gian khá lâu.” Nói cách khác, ông đã chấp nhận thuyết soạn tập ở Ấn Độ. Vì những yếu tố thuần túy Trung Hoa, tuy vậy, chưa được phát hiện trong kinh nầy, do vậy cần có sự khảo sát quanh vấn đề soạn tập bản kinh

[81]* 佛身高六十萬億那由他恒河沙由旬.

[82] Xem tác phẩm của Nakamura, “Jōdo sanbukyō no kaisetsu” p. 206.

[83]* 其圓光中有五百化佛。如釋迦牟尼.

[84]* 若 欲 至 心 生 西 方 者. 先 當 觀 於 一 丈 六 像 在 池水 上. 如 先 所 說. 無 量 壽 佛 身 量無邊.
 * Ba-mễ-an 巴米安; Bamian, xứ ở phía Đông Bắc nước Afghanistan, xưa kia là nước Ba-mễ dương 巴米羊).

[85]* 彼佛圓光如百億三千大千世界。於圓光中。有百萬億那由他恒河沙化佛.

[86]Higuchi Takayasu, “Amida sanzonbutsu no genryū,” bukkyō geijutsu 7 (1950): 112.

[87]* 次亦應觀觀世音菩薩 (10)... 次觀大勢至菩薩。此菩薩身量大小亦如觀世音 (11).

[88]* 觀世音菩薩及大勢至。於一切處身同。眾生但觀首相。知是觀世音。知是大勢至 (13)。

[89] Mizuno Seīchi, Chūgoku no bukkyō bijutsu (Tokyo): Heibonsha, 1968), 7ff., esp. 30,43-60, 66-67, 122-124.

[90]* 道安 (312 hoặc 314-385) Tăng sĩ học giả đời Đông Tấn.

[91] Kao-seng chuan 5, T 2059.50.352b. See Ui Hakuju, Shaku Dōan kenkyū (Tokyo: Iwanami shoten, 1956; ipt . ed .,1976), 30-33.

[92] Xem tác phẩm của Kumagai Norio, “Sai’iki no bijutsu,” trong Sai’iki bunka kenkyū-kai, ed... Sai’iki bunka kenkyū, vol . (Kyoto: Hōzōkan, 1962) 30ff, ép. 63; Ueno Teruo, “Sai’iki no chōsu,” ibid ., 213-238.

[93] 有憶想者必得成就。但想佛像得無量福 (13)

[94] Xem tác phẩm của Tsukinwa Kenryū, “Butten no shyjū,” in bungaku tetsugaku shigaku kai rengo, ed, Kenkyū, ronbunshū IV, kenkyū ronbun shoroku-shi vol. 3 (Tokyo: Nihon gakujutsu kaigi jimukyoku, 1953), 90-91.

[95] Toàn bản văn “Butten no shijū” của Tsukinowa bao gồm trong tác phẩm in sau khi ông qua đời Tsukinowa Kenryū, Butten no hihan-teki kenkyū (Kyoto: Hyakkaen, 1971), 3-17 volume, 3. Trong đó, Tsukinowa khẳng định rõ ràng thuyết soạn tập ở Trung Hoa bằng cách chỉ ra vô số sự mâu thuẫn và những dữ kiện thuộc ngoại đạo, và những ý tưởng vốn thuộc bản địa Trung Hoa có trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

[96] Suzuki Munetada, Kihon daijō: Jōdobukyō (Tokyo: Meiji Shoin, 1959; rpt. ed., Tokyo: Gannando, 1978), 103-109.

[97]是本法藏比丘願力所成 (Quán thứ 7). 亦說法藏比丘四十八大願 (Quán thứ 15) 如是至心令聲不絕。具足十念稱南無阿彌陀佛。稱佛名故。於念念中。除八十億劫生死之罪 (Quán thứ 16).

[98] Trong khi các đoạn kinh văn của kinh Quán Vô Lượng Thọ được dịch trong bảng đối chiếu nầy, thì các kinh khác chỉ ghi số hiệu (trong Taishō) và số trang để đối chiếu với các kinh khác vì nó tối nghĩa khi dịch sang Anh ngữ. Người đọc nên tự tham khảo thêm kinh văn. Số dòng được thêm vào mỗi cột để cung cấp thêm thông tin cho dễ tra cứu. (Ghi chú của người dịch sang Anh ngữ).

[99] Kagawa Takao, Shyōmyō shisō no kiesei,” Indogaku bukkyōgaku kenkyū. ̣(IBK). Có thể xem tác phẩm của Fujita, Genshi jōdo-shisō no kenkyū, 547.

[100] Nếu chúng ta chấp nhận Phật-đà-bạt-đà-la là người dịch Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra), thì bản dịch có lẽ đã được giả định là dịch ở Lô Sơn năm 411 hoặc ở Kiến Khang năm 420-422. Xem Chú tam tạng dịch kinh. T2145.55.104a; Cao Tăng truyện 2 T.2059.50.335c. 

[101] Có rất nhiều đoạn trong Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra) tương tự như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ bên cạnh những đoạn được ghi trong bảng đối chiếu, những so sánh những đoạn tương đương không đưa ra ở đây. Xem tác phẩm của Shikī Shūjō, Kanbutsuzanmaikaikyō to Kanmyuryōjukyō, IBK 13.1 (1965): 227-230

[102] *其樓閣中有無量諸天。作天伎樂。又有樂器懸處虛空。如天寶幢不鼓自鳴 (Quán thứ 6)

[103]* Theo kinh Di-lặc thượng sanh Đâu-suất thiên, ở cung trời Đâu-suất có 5 vị Đại thần: Vị thứ nhất tên Bảo Tràng, có thể tự mình tuôn ra 7 báu rải khắp, mỗi mỗi châu báu lại hoá thành nhạc khí treo giữa hư không, không cần đánh mà tự kêu. (T 452.14.419b)

[104] Trong trường hợp nầy, bản dịch Di-lặc thượng sanh Đâu-suất thiên kinh được xem là đã có trước kinh Quán Vô Lượng Thọ, dù quan điểm nầy không cần thiết phải kết luận. Tuy nhiên, quan điểm nầy thành công khi tránh được những mâu thuẫn về mặt thời gian, vì có thể rằng bản kinh trước – Di-lặc thượng sanh Đâu-suất thiên kinh – được dịch ở một vùng nào đó ở Thổ-phồn vào khoảng năm 435 (dù cho rằng được dịch ở Kiến Khang năm 453) – một vài năm trước khi vua Đại Vũ đời Bắc Lương 453 đàn áp Phật giáo – trong khi kinh Quán Vô Lượng Thọ được xem là được dịch khoảng giữa năm 424-442. Tuy vậy, nếu Di-lặc Quán kinh được dịch năm 453, thì mối nghi ngờ mới nầy sẽ được đánh tan nếu xem Cương-lương-da-xá (s: Kālayaśas 畺良耶舎) là dịch giả.

[105] Quán Phật Tam muội hải kinh (Samādhi Sea Sūtra) T.643.15.678a, 688b-c, 694a-b. 

[106]Shih-chu-p’o-p’o-sha lun, T 1521.26.41b-42c.

[107] Quán Phật Tam Muội Hải kinh (Samādhi Sea Sūtra) T.643.15 666a (footnote). 69oa. 

[108] Chú Tam Tạng Dịch kinh T2145.55.38c.

[109] Quán Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát kinh (Bhaiṣajyarāja Contem- plation Sūtra) T1161.20.664b-c, 666a

[110] Quán Phật Tam Muội Hải kinh (Samādhi Sea Sūtra) T.662c, 663a, 664-b-c.

[111] Quán Phổ Hiền Bồ-tát Hành Pháp kinh, T 227-9-389cff. Trong bản kinh “Fa-hua ching” và “ Miao fa-hua ching”.

[112] Quyết định tỳ-ni kinh T325-12.38c

[113] Quán Hư Không Tạng Bồ-tát kinh – Ākāśagarbha Comtemplation Sūtra T 409-13.677b.

[114] Quán Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát kinh T 1161.20.664b. Bản kinh đề cập đến danh hiệu của 35 đức Phật cũng như các danh hiệu Phật khác, xin xem tác phẩm của Shioiri Ryōdō, “Chūgoku bukkyō ni okeru butsumyōkyō no seikaku to sono genryū,” Tōyōbunka kenkyyūsho kiyō 42 (1966): 221ff.

[115] Thiền bi yếu pháp kinh T.613.15.2.242ff.

[116] Saikano tán đồng quan điểm của Dharmamitra, trong khi Satō lại chọn quan điểm Cưu-ma-la-thập. Mizuno gần đây biểu lộ tán thành quan điểm của Satō. Xem tác phẩm của Sakaino Kōyō, Shina bukkyō seishi (Tokyo: Bukkyō Nenkansha, 1935; rpt.ed) Tokyo: Kokusho Kankōkai, 1972; 862; Satō Taishun, Kokuyaku issaikyō ; kyōshūbu, phát triển. (Tokyo: Daitō Shuppansha, 1928; rpt.cd,1980), 177; Mizuno Kōgen, “Zenshū seiritsu izen no zenjō shīsōshi josetsu…” Komazawa daigaku kenkyū kiyō 15(1957): 22.

[117] Mochizuki, Bukkyō kyōten seiritsushi-ron, p.227.

[118] T 474.14.538b. “Trực tâm” tương đương với nghĩa “chí thành tâm” trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, do luận giải của Sheng-chao về kinh Duy-ma-cật, giải thích: “Cưu-ma-la-thập nói: ‘Trực tâm’ nghĩa là ‘tâm chí thành’” . Xem Chú thích Duy-ma-cật kinh 1 T1775.38.335c. Có thể thấy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ thuật ngữ “chí thành tâm” và “thâm tâm” nhưng không có “hồi hướng phát nguyện tâm.”

[119]* 於現身中得念佛三昧 (Quán thứ 8). 見此事者。即見十方一切諸佛。以見諸佛故名念佛三昧. (Quán thứ 9) 歷事諸佛。於諸佛所修諸三昧 (Quán thứ 14).

[120]* 是心即是三十二相八十隨形好。是心作佛,是心是佛 (Quán thứ 8).

[121] Ban-chu Tam-muội kinh. T 417.13.899b, T 418.13.906a: “Tâm nầy thành Phật, Tâm nầy là Phật.” Đoạn kinh nầy tương đương bản tiếng Tây Tạng là; “sems kyis sans rgyas byed pa ste... sems ñid na yis sans rgyas te.” Xem tác phẩm của Paul.M. Harrision, ed., The Tibetan Text of the Pratyutpanna-buddha-sammukhāvasthita-samādhi-sūtra (Tokyo: The Reiyukai Library 1978), 37.
*Bát-chu Tam-muội kinh 般舟三昧經, còn gọi là Thập Phương Hiện Tại Tất Tại Tiền Lập Định kinh 十方現在佛悉在前立定經. Ngài Chi-lâu-ca-sấm 支婁迦讖 dịch vào đời Đông Tấn, triều vua Hán Linh Đế, niên hiệu Quang Hoà thứ hai (179)

[122]* 聞已信解發無上道心。經十小劫。具百法明門。得入初地。是名下品上生者。(Quán thứ 16)

[123] Shih-chu ching T 286.10. 503a

[124]* Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh 大方廣佛華嚴經, 60 quyển, Phật-đà-bạt-đà-la 佛馱跋陀羅 dịch vào đời Đông Tấn .T 278.9, 547b.

[125]* 命欲終時遇善知識。為讚大乘十二部經首題名字。以聞如是諸經名故。除却千劫極重惡業。(Quán thứ 16)

[126]* Những phát hiện mới đây đã nghiêng mạnh về thuyết soạn tập ở Trung Hoa. Nogami. Chẳng hạn, gợi ý rằng thuật ngữ “cửu phẩm” vãng sanh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có thể đã có mô dạng trong cách phân chia con người thành chín thành phần đề cập trong “Ku-chin-jen-pao” của Hán tộc, hoặc là cách “luật lệ dành cho chín hạng dân của triều đình” (cửu phẩm quan dân chi pháp) được thiết định trong thời Tào Ngụy (Ts'ao-wei; 220-265) nhằm mục đích khen thưởng quan lại. Từ khía cạnh khác, Yamada đã phân tích ý tưởng của thuật ngữ “Vô lượng thọ Phật–dịch nghĩa từ chữ Amita Buddha hoặc Amida Buddha” Căn cứ trên phân tích nầy, Yamada đã gợi ý rằng kinh Quán Vô Lượng Thọ là đúc kết từ ba bản kinh rời rạc trước đây:

1. Câu chuyện về A-xà-thế (s: Ajātaśatru 阿闍世).

2. Mười ba pháp quán đầu tiên (trong 16 pháp quán).

3. Ba pháp quán sau (từ 14-16) về chín phẩm vãng sanh.

Kết luận đã được thêm vào cho hình thức kinh nầy. Yamada khẳng định rằng 3 phần rời rạc trước đó y cứ phần lớn trong thuật ngữ “A-di-đà Phật” là chỉ dành riêng cho phần thứ nhất và phần thứ 3, trong khi ý tưởng “Vô lượng thọ Phật” hầu như tìm thấy trong toàn thể phần 2, là 13 pháp quán. Ngay cả trường hợp ngoại lệ, câu “A-di-đà Phật” trong phần 1 và xuất hiện 1 lần “Vô lượng thọ Phật” trong phần 3– không đặt ra vấn đề gì trong luận dr của Yamada, vì ông ta giải thích rằng đó như là một cố gắng từng phần để “suông sẻ” bản dịch từ phần nầy đến phần kia. Dù mức độ nào, phát hiện của Yamada đã hỗ trợ mạnh mẽ thuyết soạn tập ở Trung Hoa. Xem tác phẩm của Nogami Shunjō, Chūgoku Jōdokyō-shiron (Kyoto: Hōzōkan,- 1981), 178-183; Yameda Meiji, “Kangyōkō - Muryōjubutsu to Amidabutsu,” Ryūkoku daigaku ronshū 408 (1976: 76-95).
[127] Lưu ý rằng trong khi tiểu sử của Sheng-han có trong Cao Tăng Truyện 7, T 2059-50-370b, thì không có đề cập nào về Ngài như là một Bút thọ cho kinh Quán Vô Lượng Thọ.

* Bút thọ, hay còn gọi nhuận sắc. Như trường hợp Thừa tướng Phòng Dung nhuận sắc cho kinh Thủ-lăng-nghiêm. 

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: