Nửa Đêm Ngoại Dậy

14/01/201212:00 SA(Xem: 5990)
Nửa Đêm Ngoại Dậy


Truyện Ngắn Phật Giáo

Tâm Không - Vĩnh Hữu 


NỬA ĐÊM NGOẠI DẬY

Bé Hân để ý biết mẹ buồn buồn đã mấy ngày qua. Mẹ buồn chuyện gì thì chắc chỉ có mẹ biết rõ thôi. Nhưng bé Hân dám chắc một điều là mẹ không phải buồn vì chuyện làm ăn buôn bán ngoài chợ của mẹ, mà buồn chuyện gì đó trong nhà.Trong nhà thì có mấy ai xa lạ đâu? Chỉ có bà ngoại, mẹ, bé Hân và thằng cu Choi. Ba của bé Hân làm tài xế chạy xe khách đường dài, năm khi mười họa mới về nhà một đêm rồi lại đi. Vậy thì mẹ buồn vì ai? Thằng cu Choi vẫn mập mạnh, ngoan ngỗn, là học sinh giỏi lớp 1. Còn bé Hân thì luôn chăm chỉ học hành, không màng đến chuyện chơi đùa giải trí, lại phụ với bà ngoại, với mẹ làm mọi chuyện lặt vặt trong nhà để ngôi nhà luôn sạch sẽ ngăn nắp. Mẹ không thể buồn vì con cái được. Hay là mẹ buồn vì bà ngoại? Thôi rồi, đúng là vậy rồi. Dường như mẹ không nói chuyện với bà ngoại đã ba, bốn ngày qua.

Trong bữa cơm chiều, bà ngoại có hỏi han gì thì mẹ chỉ trả lời lấy lệ cho qua, không hào hứng sôi nổi như trước kia ngoại.Mấy ngày qua, mới sáng sớm là mẹ đã đi ra chợ ngồi với cái sạp bán quần áo của mình, như chạy trốn điều gì đó, đến trưa đứng bóng mẹ tạt về nhà tắm rửa mát mẻ rồi lại đi.Mẹ không ăn cơm nhà bữa trưa. Mẹ ăn cơm đĩa cơm phần ngoài chợ. Cu Choi thì học bán trú, ở lại ăn cơm tại trường. Bữa cơm trưa ở nhà coi như không có, bà ngoại ăn chay trường nên thường đi bộ một đoạn đến tiệm cơm chay “Giải Thoát Duyên” gần nhà để ăn qua loa rồi về nghỉ ngơi, đọc kinh xem sách. Bé Hân đói bụng phải đạp xe ra chợ, ghé vào sạp của mẹ để mẹ gọi cơm cho ăn.

Đến chạng vạng mẹ đem một ít thực phẩm về nhà, lo cơm nước đầy đủ, lau chùi quét dọn nhà cửa với vẻ mặt quạu quọ cau có, rồi bảo bé Hân mời bà ngoại dùng cơm sau khi đã dọn riêng một mâm cơm chay cho bà ngoại trên cùng một bàn ăn. Bàn tròn bốn người, mẹ và ngoại ngồi cách nhau giữa hai đứa nhỏ, không ai chịu cười nói cho vui vẻ để bữa ăn thêm phần ngon miệng. Không khí trong gia đình thật ngột ngạt.May mà còn có thằng cu Choi vô tư, nó huyên thiên kể chuyện ở trường ở lớp đủ để phá tan cái bầu không khí im lặng nặng nề. Chắc là mẹ buồn, mẹ giận bà ngoại rồi. Chứ không thể có chuyện bà ngoại buồn, bà ngoại giận mẹ của bé hân được.

Bà ngoại luôn vẫn là người bắt chuyện thăm hỏi trong bữa ăn, trong khi đó mẹ bé Hân lại luôn trả lời cộc lốc ngắn ngủn. Nếu bà ngoại là người giận thì bà đã không thèm hỏi chuyện ai cho mệt. Nhưng mà mẹ buồn mẹ giận bà ngoại chuyện gì? Bé Hân ra ngồi ngoài ban- công trên lầu 1 đón gió mát từ hướng biển thổi về, đầu óc cứ nghĩ quẩn quanh chuyện mẹ buồn, mẹ giận bà ngoại. Chuyện gì vậy nhỉ? Thử quay trở lại mấy ngày trước để tìm cho ra nguyên nhân xem. Đọc truyện “Thám tử Conan” đến mấy chục tập, không lẽ không học được chiêu ngón gì ở chàng thám tử tài ba kia sao? Ba ngày trước… mẹ đã làm mặt lạnh rồi.

Năm ngày trước, mẹ vẫn còn chở bà ngoại đi chùa, hai mẹ con trò chuyện rôm rả, trao đổi vui vẻ về chuyện Đời chuyện Đạo.Vậy thì bốn ngày trước, có chuyện gì đã xảy ra? Bé Hân tập trung tư tưởng, tìm tòi lục lọi trong trí nhớ, quay trở về với thời gian đã trở thành quá khứ, và đầu óc sáng bừng lên. Tìm ra rồi. Chuyện cái bàn. Đúng là do cái bàn gương rồi. Không lẽ mẹ buồn mẹ giận bà ngoại vì chuyện đó sao?

 Hôm ấy nhằm chủ nhật, nghỉ học, bé Hân cùng thằng cu Choi ở nhà xem phim “Những cuộc phiêu lưu của Sin-Bát”, rồi nô đùa chạy nhảy khắp nhà với nhau thoả thích. Mẹ đang nấu ăn dưới nhà bếp, bà ngoại đang lau chùi quét dọn bàn thờ trên lầu. Đến lúc bé Hân rượt đuổi em trai chạy vòng vòng quanh phòng khách, thằng cu Choi vấp chân té chúi nhủi tới trước. Trán nó đập xuống mặt bàn bằng kính dầy 5 ly thật mạnh, kêu lên một tiếng“bộp” thật to. Thằng cu Choi khóc ré lên ôm lấy trán. Bé Hân luýnh quýnh ôm em lại mà dỗ, xoa lên chỗ đau của em trai. Mẹ ở dưới bếp hốt hoảng chạy lên, nhào lại ôm thằng cu Choi, vừa dỗ vừa xem thử có chảy máu hay không. Bà ngoại từ trên lầu, cũng bước vội xuống, đứng lại ở lưng chừng cầu thang nhìn xuống, rồi thốt lên một câu hằn học:

- Xem thử mặt kính bàn có bị bể nứt gì không?
Mẹ nhướng mắt sửng sốt nhìn lên phía bà ngoại đang đứng. Rồi vùng vằng đi xuống bếp khi thấy thằng cu Choi không hềø hấn gì, nó khóc chỉ vì bị té bất ngờ nên hoảng hồn thôi. Sau đó, mẹ bắt đầu làm mặt lạnh, có những cử chỉ khác thường khi bà ngoại hỏi chuyện. Chắc là mẹ giận bà ngoại chuyện này. Muốn biết có đúng vậy không chỉ có nước hỏi ngay nơi mẹ.
Tối. Bà ngoại ngồi xem cải lương trên truyền hình. Thằng cu Choi đang tập rèn mấy trang chữ. Mẹ ra ngồi ngoài ban –công trầm tư một mình. Bé Hân thấy đã đến lúc thuận lợi, vội đến ngồi bên mẹ. Mẹ đưa mắt nhìn con gái. Một đôi mắt ăm ắp ưu buồn. Bé Hân hỏi:
- Mẹ trông ba về phải không?
- Không. Con nhớ ba không?
- Dạ nhớ. Tuần này ba đi lâu quá…
- Chắc nay mai ba sẽ về, con à!
- Sao con thấy mẹ buồn buồn mấy ngày nay vậy?
- Đâu có. Mẹ vẫn bình thường như mọi khi, chớ có buồn gì đâu?
- Không. Mẹ giấu con. Con biết mẹ đang buồn.
- Nhà mình vui vẻ chứ đâu có gì phải làm mẹ buồn? Mẹ chỉ sẽ buồn nếu như con và thằng cu Choi học kém, bị điểm 1 điểm 2 thôi!
- Mẹ không buồn, không giận bà ngoại của con sao?
 Mẹ sửng sờ một thoáng, rồi trầm giọng xuống hỏi:
- Sao mẹ phải giận, phải buồn vì bà ngoại?
- Con đoán vậy.
- Sao con dám đoán vậy?
- Con để ý thấy mẹ không nói chuyện vui vẻ với bà ngoại của con như trước kia. Mấy ngày nay mẹ ít khi về nhà, chỉ ở miết ngoài chợ. Chừng như mẹ muốn tránh bà ngoại của con. Con thấy mẹ khác lắm…


- ………
- Phải mẹ đang giận bà ngoại không?
- Chuyện gì mà giận?
- Con đoán là từ bữa thằng cu Choi té đập trán lên bàn kính. Sau đó, mẹ bắt đầu buồn, bắt đầu giận bà ngoại của con.
 Mẹ đăm đăm nhìn bé Hân với gương mặt lộ vẻ ngạc nhiên. Thật lâu, mẹ mới cười nói:
 - Con gái của mẹ đã khôn lớn lúc nào mà mẹ không hay. Con đã biết suy nghĩ, biết trăn trở suy tư , và có triển vọng làm thám tử rồi đó!
- Vậy là con suy đoán đúng, phải không mẹ?
- Ừ. Mẹ giận bà ngoại của con từ bữa đó.
- Con mà giận mẹ thì có phải là sai không mẹ?
- Sai. Mẹ biết mẹ sai. Nhưng mẹ chưa nguôi cơn giận, nên chưa làm hoà lại với bà ngoại của con. Cứ nghĩ nhớ đến câu bà ngoại nói lúc thằng cu Choi té đập trán lên bàn kính là mẹ giận run lên, mất hết bình tĩnh. Con có nhớ bà ngoại nói gì lúc đó không?
- Con nhớ không lầm thì bà nói…“Xem thử mặt kính bàn có bị bể hay nứt gì không?”. Phải vậy không mẹ?
- Chính xác. Sao con nhớ hay vậy?
- Con mới nhớ lại hồi trưa nay thôi, vì con “động não hình sự” mà!
- Cái con này… lớn lên chắc theo ngành công an quá!
- Mẹ giận bà ngoại của con vì câu nói đó sao?
- Ừ.
- Sao lại giận?
- Vì bà ngoại nói như vậy.
- Nhưng theo con thì… bà nói đùa cho vui thôi mà!
- Đuà ư? Hết lúc đùa rồi sao?
- Ngoại nói chơi cho vui thôi, ý ngoại là “cái đầu của thằng cu Choi cứng lắm, chắc lắm… có thể đập vỡ tường bể kính như chơi chớ không sao đâu mà lo!”…
- Đó là ý của con chứ không phải ý của bà ngoại. Lúc mới nghe bà ngoại nói, mẹ cũng tưởng là bà nói chơi, nhưng khi nhìn vẻ mặt nghiêm trang cau có của bà, thì mẹ dám chắc là bà không nói đùa chút nào. Bà ngoại lo lắng cho sự an nguy của mặt kính cái bàn, chứ không hề quan tâm đến sự an nguy của đứa thằng cháu vừa bị té.
- Mẹ dám chắc như vậy sao?
- Dám chắc. Mẹ biết tính bà ngoại mà. Xưa kia, lúc mẹ còn nhỏ, bà ngoại ác lắm, dữ lắm. Mấy năm gần đây thì bà ngoại đã đỡ nhiều lắm rồi. Con biết nhờ đâu không?
- Dạ… con không biết!
- Nhờ bà ngoại thường xuyên đi chùa, nghe các thầy thuyết pháp, rồi về nhà ăn chay niệm Phật… Nếu không, chắc mẹ con mình không ở nổi với bà ngoại trong nhà này đâu!
 Bé Hân lặng thinh, chau mày nghĩ ngợi. Mẹ thở dài, nói:
 - Mẹ buồn, tủi thân lắm. Ngôi nhà này là của dì Hai của con bên Mỹ gửi tiền về mua cho bà ngoại. Gia đình mình chỉ ở nhờ ở đậu. Mọi vật dùng trong nhà đều cũng là của dì Hai con sắm cho bà ngoại trong dịp về thăm quê hương năm ngoái. Chính chiếc bàn mặt kính của bộ sa-lông nệm mút là do chính dì Hai cùng bà ngoại đi mua chở về. Bà ngoại gìn giữ đồ đạc trong nhà kỹ lưỡng lắm, bởi vậy mà mẹ đã nhiều lần nhắc nhở hai con đừng nên làm hư hao tổn hại bất cứ đồ dùng gì, mà phải luôn luôn gìn giữ. Khi nào ba mẹ có được nhà riêng, sắm sửa đồ dùng riêng, các con có làm hư làm bể cũng không sao…
 Bé Hân thấy mẹ đã rơm rớm nước mắt, vội ngồi xít đến dựa vào mẹ, nói:
- Con hiểu rồi, con nhớ lời mẹ dặn rồi. Mẹ đừng buồn tủi nữa…
 Hai mẹ con ngồi im lặng nhìn xuống dưới đường phố. Một lát sau, mẹ cất giọng:
- Nếu ba có về, mẹ cũng không dám nói cho ba biết. Con nhớ đừng kể gì cho ba…
- Dạ… nhưng sao phải giấu ba, hở mẹ?
- Ba con là con rể của bà ngoại, ổng tự ái lắm, nếu mà nghe biết chuyện này thì ổng sẽ mượn rượu say để quậy cho bà ngoại hết hồn luôn đó!
- Mẹ à, nhưng con nghĩ… bà ngoại của con đang ăn chay niệm Phật nên bà không có ý độc ác đâu. Chắc bà lỡ lời … sau đó thì bà ăn năn lắm…
- Con bênh bà ngoại nên nói vậy thôi. Sao con biết bà ăn năn?
 - Con không bênh đâu. Con thấy bà mấy ngày nay cũng buồn như mẹ vậy.
- Phải vậy không?
- Dạ, con không nói thêm đâu. Bà ngoại của con buồn lắm, cứ thở dài hoài. Con còn thấy bà đã mấy lần muốn bắt chuyện làm hoà với mẹ, nhưng mẹ cứ lãng tránh…
- Ừ. Đúng là bà ngoại có ý muốn làm hoà nhưng mẹ chưa muốn.
- Vậy là mẹ sai, phải không mẹ?
- Thì lúc nãy mẹ đã nói là mẹ biết mẹ sai rồi mà!
- Thôi mẹ đừng giận bà ngoại của con nữa, mẹ làm hoà đi…
- Mẹ sẽ làm hoà. Nhưng chưa phải lúc này…
- Con thấy tội nghiệp cho bà quá…
- Con không tội nghiệp cho mẹ sao?
- Dạ có chớ. Nhưng tội nghiệp cho bà nhiều hơn…
- Sao vậy hử?
- Vì con thấy… liên tiếp mấy ngày qua… cứ đến nửa đêm là bà đi vào phòng của tụi con… Làm con giâït mình tưởng là “ma le” chứ…
- Bà vào phòng tụi con làm gì?
- Bà bước nhẹ nhàng như con mèo, rồi đến đứng bên giường tụi con nằm… Con giả bộ ngủ, hé mắt theo dõi thì… thấy bà cúi xuống hôn lên trán của thằng cu Choi… Sau đó bà lại hôn lên trán con… nước mắt của bà giọt rơi trên mặt con nóng hổi à…
 Mẹ sửng sờ trước thông tin bé Hân mới tiết lộ. Đó là chuyện mà bé Hân giữ bí mật mấy ngày qua, đơn giản vì bé Hân muốn được bà ngoại nửa đêm lặng lẽ vào phòng để hôn hai chị em mình dài dài và mãi mãi. Nếu nói ra cho ai cũng biết, bà ngoại sẽ mắc cỡ, rồi thì bà sẽ không làm chuyện đó nữa. Vì vậy mà mẹ thắc mắc ngay:
- Có chuyện đó sao? Sao bây giờ con mới nói cho mẹ biết chuyện này?
- Con muốn giữ bí mật cho bà.
Mẹ ngẩn ngơ không nói. Rồi đột nhiên đứng vùng dậy. Bé Hân đứng lên theo, hỏi:
- Mẹ định đi đâu?
- Mẹ vào xin lỗi bà ngoại của con. Mẹ có lỗi nặng lắm. Tội nặng lắm…

Dứt lời, mẹ bước vào bên trong nhà, đi thẳng vào phòng đang có bà ngoại ngồi xem cải lương. Bé Hân đứng lại một chỗ, không chạy theo chân mẹ, nhưng cũng tưởng tượng ra mà chứng kiến được cảnh mẹ quỳ xuống ôm chân bà ngoại khóc lóc xin bà tha thứ… Bé Hân mỉm môi cười, nhưng không hiểu sao nước mắt lại chảy dài ra kỳ quá trời quá đất!





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :