Vĩnh Hảo
Nhà Xuất Bản Chiêu Hà
CHƯƠNG MƯỜI BA
Hồi chưa xuất gia, tôi có khá nhiều bạn học chung trường, chung lớp. Nhưng giữa tôi với những người bạn ấy, nếu có quen và thân nhau thì cũng chỉ là cái thân thiết hời hợt của những đứa con nít. Tôi hãy còn nhớ tên, nhớ mặt những người bạn thân từ tiểu học Sinh Trung đến trung học Võ Tánh. Từ khi xuất gia rồi, tôi thấy giữa tôi và họ tự dưng lại có một khoảng cách thật lớn, đến nỗi không còn gì để nói với nhau nữa nếu có cơ hội giáp mặt.
Ngày tôi còn ở viện Hải Đức, các bạn học chung lớp với tôi ở trường Võ Tánh như Đức, Rạng, Dũng, Trung... có tìm thăm tôi. Lúc ấy thầy tôi đang bệnh nặng, tôi đang túc trực bên thầy suốt ngày đêm vì tôi là thị giả. Nghe có bạn tìm gặp, tôi cũng không dám rời thầy để ra tiếp. Bắt các bạn phải chờ đợi thật lâu, tôi mới nhờ chú Sáng trực hầu bên thầy mà ra ngoài. Gặp các bạn, niềm vui trong tôi theo phản xạ tự nhiên đã lóe sáng lên nhưng rồi lại lặn mất ngay sau đó, cuối cùng chỉ còn là sự bỡ ngỡ. Tôi đứng bên các bạn mà e lệ như đứa con gái vì cách ăn mặc và cái chỏm ngồ ngộ trên đầu. Hình thức ấy tôi không thấy mắc cỡ trước bất cứ người lạ nào, nhưng lại thấy kỳ cục làm sao trước mặt các bạn thân cũ. Các bạn hỏi thăm tôi đôi điều, tôi trả lời cho xong rồi lặng thinh. Tình bạn không mất nhưng thật là khó gần lại như xưa. Tôi nói thực với các bạn rằng tôi phải trở vào phòng thầy. Các bạn tôi thông cảm, từ giã mà về. Có lẽ các bạn tôi không chấp trách tôi chuyện đó, nhưng nhiều năm sau, tôi vẫn không sao quên được buổi chiều mà các bạn lên núi tìm thăm: tôi đã không tiếp được họ bình thường trong tình thâm giao của những ngày xưa cũ.
Bây giờ ở trong chùa, nhất là trong mùa an cư kiết hạ và giới đàn tổ chức tại Phật học viện vừa qua, tôi có thêm rất nhiều bạn bè từ các nơi tựu về. Có nhiều người bạn cùng trang lứa tôi, nhưng cũng có người đáng tuổi anh tôi. Tình bạn đạo là thứ tình cảm lạ lắm. Nó bền chặt mà không đòi hỏi phải có sự gắn bó lâu dài qua thời gian hay hoàn cảnh. Nó cũng không bùng lên nồng nhiệt hăm hở nơi những phút đầu để rồi phai nhạt dần về sau. Nó đến lặng lẽ như không hề có. Nó xa biền biệt mà chẳng hề không. Nó thấm. Đúng là thấm như sương mù. Trong bài văn Cảnh Sách của Tổ Qui Sơn, tôi nhớ có câu: “Thân cận thiện hữu, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận.” Nghĩa là, gần gũi bạn hiền cũng giống như đi trong sương mù; tuy không ướt áo ngay nhưng dần dần cũng nhuần thấm. Chúng tôi có thể không ở chung một chùa, không học chung một lớp, không thọ giới một năm, không cầu pháp một thầy, không cùng xứ sở, không cùng thời gian sinh ra... nhưng với chiếc áo nâu đơn sơ ấy, với cái đầu nửa tháng cạo một lần ấy, chúng tôi vừa chắp tay chào nhau đã thấy người kia là bạn đạo của mình với bao niềm thông cảm. Người bạn đạo ấy đã cùng ta xa lìa mái ấm gia đình, cùng ta dấn thân vào cửa thiền, chịu đựng bao thử thách; sống đời chay tịnh thanh cao, thiếu ăn thiếu ngủ vẫn bền chí kiên gan, dốc cả tuổi thanh xuân thơ mộng vào con đường xuất gia khó nhọc. Người bạn ấy và ta không cần phải nói nhiều vói nhau, nhưng dòng máu trong tim hẳn đã cùng chảy chung một nhịp trong khát vọng vươn tới giải thoát giác ngộ; bỏ tất cả, hy sinh tất cả, cũng vì mục tiêu tối hậu ấy.
Chúng tôi kể cho nhau những kỷ niệm vui buồn trong quãng đời hành điệu (làm chú tiểu) của mình. Chúng tôi cũng trao đổi những kinh nghiệm và kiến thức thâu thập được từ những vị đạo sư khác nhau. Tôi thấy sự kết bạn rộng rãi như vậy rất bổ ích và chẳng bao giờ thiệt thòi mất mát gì cả. Trước đây tôi đã từng là chú tiểu khó tánh, lầm lì ít nói, khó lòng để người khác bắt chuyện làm quen. Bây giờ, tôi biết điều đó chẳng lợi gì cho tôi. Vì ngay cả một người bạn khờ khạo, tưởng như bất tài vô tướng, cũng có những cái rất hay, rất dễ thương, để ta cảm mến và học hỏi. Tôi trở nên cởi mở, vui tính hơn trong giao tiếp. Và tôi trở thành một chú tiểu có nhiều bạn trong viện.
Sau ngày giải hạ, những người bạn mới của tôi lục tục trở về quê quán. Và học tăng chúng tôi bắt đầu niên khóa thứ hai. Theo sự đề nghị của thầy quản chúng và các chúng trưởng, Thượng tọa giám viện cho bốc thăm bầu và chia lại nhân sự của hai chúng. Tôi và Sáng vẫn ở lại trong chúng Ca Diếp, nhưng nhiều chú khác từ chúng A Nan đã đổi qua chúng Ca Diếp, và ngược lại. Chú Tấn là chúng trưởng cũ của chúng Ca Diếp, nay cũng là chúng trưởng, không thay đổi gì, nhưng người chúng phó là chú Cung thì nay được thay vào bởi chú Tửu. Chú Tửu đổi từ chúng A Nan sang, vào phòng tôi thì được bốc thăm trúng bàn học và giường nằm ở cuối phòng, kế bên bàn học và giường nằm của tôi.
Chú Tửu gốc người Huế, lớn hơn tôi chừng năm, sáu tuổi. Da chú đen ngăm ngăm, trán vồ và cao, mắt nhỏ, mũi nhỏ, miệng vẩu, có chiều cao trung bình, ốm roi roi. Chú học rất khá, cứ nhìn cái trán thông minh của chú thì cũng đoán được phần nào. Đã vậy chú còn siêng năng, chăm chỉ từ việc học đến công tác, bắt tay vào việc nào chú cũng hết lòng với việc nấy, đâu vào đó cho thành mới thôi. Chú còn là người giỏi dang việc làm vườn, gánh nướvc, trồng rau, làm giàn (cho bầu, bí, mướp, khổ qua...), cuốc đất v.v... việc nào cũng thông thạo. Cho đến những việc cần đức tính tăn măn tỉ mỉ của đàn bà con gái, chú cũng khéo tay chứ chẳng chịu thua. Nhất là chuyện may vá. Chú có cái áo cũ bị rách toác mấy đường thật lớn sau lưng. Kiếm được ở đâu mấy cái áo rách của chú nào bỏ, chú Tửu cắt được một miếng vải vuông lớn, vá đắp lên cái áo rách lưng của mình. Đường may của chú trên nếp vải, đều và nhỏ như người ta sử dụng máy may vậy. Trong viện tôi biết có nhiều chú như chú Khai, chú Tin, chú Kha... cũng tự vá lấy quần áo bị rách, nhưng chưa chú nào khéo tay được như chú Tửu.
Một hôm, chiếc áo nhật bình của tôi bị rách toạc một đường dài trên vai. Áo nhật bình là loại áo dài cài một hàng nút ở giữa từ chỗ ngực chạy xuống đến sát gấu áo; cổ áo là một khúc vải chữ nhật nối vào áo, từ gáy kéo vòng hai bên xuống ngực, tạo thành chữ Nhật bằng nhau nên gọi là áo nhật bình–trong chữ Hán, chữ nhật có nghĩa là ngày, hay mặt trời, được viết như là một hình chữ nhật để đứng (tức chiều rộng thì nằm ngang, chiều dài thì làm chiều cao), có một vạch chạy ngang ở giữa. Tôi có hai chiếc áo nhật bình nâu trước kia cũng là màu lam, sau vì thấy cũ và bị dính dầu ở vạt sau nhiều quá, tôi đưa dì vải ở đây đem nhuộm nâu dùm. Nhuộm xong, trông đẹp và có vẻ mới, nhưng thực ra áo đã có từ lúc còn ở Nha Trang đến giờ nên cũng đã mục, không chịu nổi sức nẩy nở của xương và bắp vai đang độ tăng trưởng của tôi. Áo rách chỉ một đường thẳng ở gần chân cổ đến bắp vai chứ không kéo hai, ba đường lộn xộn nên tôi thấy cũng không cần thiết phải vá lại. Hơn nữa, tôi đâu có biết khâu vá gì. Mỗi lúc đến trai đường để dùng bữa, tôi đều mặc chiếc áo nhật bình nâu này (còn áo nhật bình lam thì dùng để đi học, đồng phục của viện được qui định như vậy). Đâu khoảng tuần sau, chỗ rách không chịu làm chữ I nữa mà rẽ sang một đường khác, tạo thành chữ L. Vậy thì coi có vẻ hở hang quá, tôi bèn lấy kim tây (kim băng) cài chỗ rách lại. Vải chỗ ấy vì vậy mà bị nhíu, trông thô xấu, và mỗi lần tôi vươn vai, đưa tay hay cử động mạnh thì chỗ rách càng hoác rộng ra thêm, cái kim tây muốn rớt xuống. Nhưng tôi cứ để vậy, chẳng biết làm sao hơn. Ngày cuối tuần, chú Tửu bảo tôi đưa áo ấy cho chú vá giúp. Tôi ngại mất thì giờ học bài của chú nhưng chú cứ giành lấy rồi ngồi vá. Chú cắt bớt một miếng vải ở vạt trong, phía lưng áo để đắp vào chỗ rách (áo nhật bình của tôi là loại có sáu vạt thay vì bốn vạt; hai vạt trong được nối với hai vạt trước và quấn quanh hai chân khi mặc vào, hai vạt này có thể bỏ bớt để làm thành áo bốn vạt). Chú ngồi vá cho tôi đâu khoảng nửa giờ thì xong. Thật là khéo. Tôi ngồi gần đó nhìn chú làm việc để học cách vá đồ, may ra có thể tự lo lấy về sau, khỏi phải phiền ai. Thấy tôi có ý muốn học, chú Tửu chỉ dẫn tôi cặn kẽ cách gấp và đắp miếng vải sao cho được thẳng, gọn và ăn khớp theo chiều rách cảu áo; chú còn đưa chậm từng đường kim cho tôi thấy. Tôi và chú bắt đầu quen và dần dần thân với nhau kể từ hôm ấy. Chuyện vá đồ rách, tôi học được từ chú Tửu, nhưng chỉ mới áp dụng được một lần sau này. Lần đó, vá xong, tôi đưa chú Tửu xem, chú cười rồi tháo ra, làm lại từ đầu. Vậy là tôi chỉ mới học được trên lý thuyết, phần thực hành chắc là chẳng bao giờ có thể làm khéo nổi. Nhưng ít ra, tôi cũng tự tin rằng nếu chẳng có ai giúp, tôi có thể tự làm lấy, tuy không được khéo nhưng cũng là biết rồi.
Ngoài chuyện dạy vá đồ, chú Tửu còn dạy tôi gánh nước nữa. Cơ thể tôi lúc ấy trông có vẻ mập mạnh lắm, nhưng đặt quang gánh với cặp thùng chưa có nước trên vai đã thấy đau rêm rồi. Chú Tửu tập tôi gánh nước vào mỗi tối khi các chú khác lo học bài. Ở viện có bốn cặp thùng dùng để tưới rau hoặc gánh nước đổ vào các bồn nước ở bếp, ở nhà vệ sinh... Thùng bằng thiếc, được buộc cứng vào đòn gánh bằng giây thừng ni-lông. Miệng thùng hình tròn, chu vi rộng, đường kính cũng phải hơn hai gang tay, nhỏ dần về phía đáy, giống như chiếc nón lá lật ngửa; đáy nhọn, có cái bằng đáy nhưng diện tích nhỏ, không thể đặt cho thùng đứng yên được dưới đất nếu không có người đứng giữ. Như vậy, khi đôi thùng đầy nước đã đặt trên vai rồi thì phải gánh luôn một mạch đến chỗ cần đến, không nghỉ giữa chặng được. Gánh nước đổ vào bồn còn đỡ, đổ ào thùng này xong, đến thùng khác; nhưng gánh nước để tưới rau thì phải rưới nước vừa phải và phải đều, gọn, sao cho các luống rau, khoảnh nào cũng được thấm đủ, không thiếu nước, cũng chẳng hao nước để phải mất công gánh nhiều lần. Ban đầu chú Tửu tập cho tôi gánh cặp thùng có dung tích nhỏ nhất trong bốn cặp, và kéo nước từ giếng lên, chú chỉ đổ vào mỗi thùng một gàu, rồi bảo tôi gánh đi, chú đi theo vịn nhè nhẹ. Cứ gánh như vậy đi vòng vòng trong vườn chùa, khi nào mỏi thì ghé đổ vào bồn vệ sinh; sau đó, lại ra giếng lấy nước khác. Số nước đổ vào thùng tăng dần, tăng dần theo mỗi ngày. Mấy ngày đầu, tôi thấy ê ẩm và đau rát cả hai vai. Đâu chừng một tuần tôi mới quen và đã gánh được hai thùng nước đầy, rồi bỏ loại thùng nhỏ, chọn loại thùng lớn, đều gánh được cả. Tôi còn tập gánh luôn cả hai vai, rồi tập chuyển quang gánh với hai thùng đầy nước từ vai này qua vai kia mà không cần nhờ người khác đỡ hay phải dừng chân lại, cứ vừa gánh chạy vừa hất nhẹ một cái là cái đòn gánh đang đè nặng bên vai phải, đổi ngay qua vai trái, và ngược lại. Tôi trở thành một trong những tay gánh nước “thiện chiến” của chúng Ca Diếp. Sau chuyện gánh nước, chú Tửu còn tập cho tôi cuốc đất, chẻ tre, bổ củi, trồng trọt, v.v... Một bữa đang ngồi chẻ tre để làm một giàn mướp, chú nói với tôi rằng:
“Tôi nghĩ mình tập cho biết cách làm việc càng nhiều càng tốt, sau này vứt mình ở đâu cũng không sợ, có thể sống tự lập được. Mà tu sĩ tụi mình rất cần sự tự lập.”
Chú ấy nói chí lý. Tôi đã không ngần ngại gì chuyện học việc từ nơi chú, mà chú hướng dẫn lại tận tâm nữa nên tôi học và làm được rất nhiều việc. Có điều, tôi chẳng biết làm sao để đáp lại sự tận tâm chỉ dẫn của chú ngoại trừ việc giải thích một số chỗ chú chưa hiểu rõ trong bài học, bài tập của trường hay của viện. Lúc ấy, tôi càng thấy rõ ràng hơn, sự khác nhau giữa kiến thức học đường và kinh nghiệm cuộc sống như thế nào. Những điều tôi giải thích cho chú Tửu trong một bài toán hay một đoạn văn chẳng hạn, hình như chẳng ăn nhập gì đến cuộc sống thường nhật cả. Tôi như nghe được tiếng nói của chính mình phát lên từ đáy lòng rằng: đừng bao giờ thỏa mãn hay kiêu hãnh với sự hiểu biết thu lượm từ sách vở, từ học đường; tất cả những thứ ấy đều chỉ là cặn bã rơi rớt lại của những người đi trước mà thôi.
Có lần vui miệng, chú Tửu nói tôi nghe rằng các chú bên chúng A Nan (tập trung trên hai mươi chú trong một phòng lớn, chung dãy với phòng học) đa phần nghịch ngợm, lười biếng. Chú Tửu đã từng làm chúng phó, rồi làm chúng trưởng của chúng A Nan trước đây nên nắm vững chuyện ấy. Tôi không tin cũng không được. Mà không cần chú Tửu nói, tôi cũng đoán được phần nào nếp sinh hoạt của chúng A Nam qua mỗi kỳ họp chúng (nửa tháng một lần, họp toàn bộ nhân sự của viện, cả ban giám đốc lẫn học tăng). Thầy quản chúng cứ báo cáo hết chuyện vi phạm này đến chuyện phá phách kia, mà chuyện nào cũng có người của chúng A Nan dự vào. Chúng Ca Diếp thì hiền hòa chững chạc hơn, nhưng tôi nghĩ có lẽ cũng do một phần vì vị trí các phòng: phòng của chúng Ca Diếp sát phòng thầy quản chúng, gần phòng thầy giám sự và chung một dãy với phòng của Thượng tọa giám viện; còn phòng của chúng A Nan thì cách biệt với các dãy tăng phòng bên trong bởi chánh điện và hai khoảng sân bên hông khu chánh điện. Chúng A Nan ở xa quá thì đâm ra ồn ào, nghịch ngợm vậy thôi. Nghịch ngợm cỡ nào tôi chẳng biết, chỉ thấy mấy chú nhỏ hơn tôi một hai tuổi như chú Hòa, chú Khôi, chú Hưng, chú Sâm... chú nào cũng dễ thương. Gặp tôi, các chú cười chào lịch sự, hiền khô.
Một buổi tối cuối tuần, tôi qua thăm chúng A Nan. Ngồi chơi với chú Tánh khá lâu mà tôi chẳng thấy có dấu hiệu gì là có sự ồn ào nghịch ngợm nơi chúng A Nan này cả. Hầu hết các chú lớn lo học bài cho tuần tới, hoặc nằm đọc sách; các chú nhỏ thì tụm năm tụm ba nói chuyện vui vẻ với nhau, không khí chẳng khác gì với không khí bên chúng Ca Diếp. Nhưng đang ngồi trò chuyện, bỗng nghe có tiếng la lớn: “Rắn, rắn!” Tôi liền nghĩ ngay trong đầu rằng, có lẽ đây là dấu hiệu để bắt đầu một trò chơi nghịch ngợm nào đó của chúng A Nan. Nhưng không phải. Cả phòng ai cũng quay nhìn về hướng chú Tịnh, người vừa lớn tiếng báo động về con rắn. Chú Tịnh đang đứng hẳn trên giường, khoảng giữa phòng; mặt chú tái mét, chỉ tay vào một con rắn nhỏ, dài cỡ hai gang tay, màu đen có khoanh trắng, vừa rớt từ mái nhà xuống. Đây là loại rắn cạp nong cực độc miền nhiệt đới. Cả phòng nhốn nháo hẳn lên, kẻ xô ghế, người quăng sách, kẻ tung chăn, người bỏ chạy, trông thật buồn cười. Tôi đã ở viện Hải Đức và chùa Linh Phong, thấy rắn không còn là chuyện lạ nên không thấy sợ hãi gì. Rắn trên đồi Trại Thủy không hiếm, hầu như ngày nào tôi cũng bắt gặp. Nào là rắn roi, rắn học trò, rắn lục, rắn cạp nong, rắn rung chuông... Tôi còn nhớ chuyện chú Sung, chú Kính bắt rắn chơi ở viện Hải Đức, và trận đòn phạt mà chính tôi cũng bị lây. Lúc đó, chúng tôi không bị con rắn học trò ấy đe dọa. Bây giờ thì khác, con rắn cạp nong với cái đầu tam giác trông dữ tợn làm sao. Hơn nữa, con rắn này lại xuất hiện ban đêm (là giờ giấc mà nó có thể trông thấy rõ nhất), ở một nơi chỉ có những ngọn đèn dầu leo lét mà lại nằm trong một căn phòng chật chội những bàn ghế, giường nằm, áo quần... nếu không bắt được nó ngay thì nguy hiểm hết sức. Nghĩ vậy, tự dưng tôi lớn tiếng la lên:
“Bắt nó liền kẻo nó chui xuống bàn ghế!...”
Chưa ai kịp phản ứng gì, con rắn đã thoắt cái, bò khỏi giường, rớt xuống nền đất, trườn đi thật nhanh vào góc phòng. Cả phòng nhẩy nhổm, phóng lên các giường. Chẳng ai có thể ở yên được. Nỗi nguy hiểm đem đến từ một con rắn độc dù gì cũng làm cho không khí trong phòng trở nên nhộn nhịp, linh động hơn. Các chú nhỏ trông có vẻ lăng xăng, rộn ràng nhất. Tôi thấy rõ ràng là các chú sợ thì ít, thích thú thì nhiều. Hình như các chú không muốn đời sống cứ bình yên lặng lẽ mãi. Trong khi các chú lớn chưa biết làm sao, các chú nhỏ đã rút mấy cây trụ mùng để lùng bắt con rắn. Chú chúng trưởng chúng A Nan la lên:
“Đừng có sát sanh nghe!”
Chú khôi vừa quơ cây trụ mùng xua con rắn, vừa nói:
“Đâu có sát sanh, nhưng phải đuổi nó ra chớ!”
Chú thì chặn đầu này, chút thì chặn đầu kia, để lùa con rắn quay ra hướng cửa chính, nhưng rồi con rắn lại chui khuất vào sau kẹt tủ ở góc phòng. Thật là phiền! Mấy chú lấy cây trụ khoèo, thọc, gõ vang trên nền đất và chân bàn, chân ghế, vẫn chẳng thấy con rắn chường mặt ra. Nó đã thu mình nấp sau kẹt tủ nào chẳng ai đoán được. Chú chúng trưởng chúng A Nan chỉ huy cả phòng kéo các giường nằm sang một bên, rồi xê dịch các tủ đứng cũng như bàn ghế ra, không cho dựa sát vách nữa. Các ngọn đèn dầu lớn cũng được thắp lên để tập trung ánh sáng vào việc tìm bắt con rắn. Tủ, bàn xê dịch tới đâu, đèn rọi đến đó. Đang rọi tìm con rắn bống nghe kẻng báo trước giờ niệm Phật buổi tối (kẻng này được gõ ba tiếng trưởng kẻng hô canh niệm Phật chừng mười đến mười lăm phút. Khi nghe kẻng này, mọi người trong chùa viện phải tự động bỏ hết mọi việc, lo làm vệ sinh cá nhân để lên giường niệm Phật, vì sau giờ niệm Phật là giờ ngủ, không ai được phép nói chuyện ồn ào hay đi qua đi lại nữa). Vậy mà con rắn vẫn chưa tìm ra được. Tôi vừa lo lắng cho các chú ở đây mà cũng muốn được chia sẻ với các chú về chuyện con rắn thực nguy hiểm này nên không màng chuyện quay trở về phòng của chúng Ca Diếp. Tôi cũng lăng xăng sục sạo tìm kiếm con rắn, phụ giúp các chú khiêng giường khiêng tủ. Khi kẻng hô canh gióng lên ở hồi thứ nhất, chúng tôi vẫn chưa tìm được con rắn. Đến hồi thứ hai, con rắn đã được phát hiện. Một chú lấy cây lùa nó bò đi, chú khác đón sẵn ở trước lấy cây đè chặn lên khoảng đầu nó, rồi tìm thế hất nó vào cái bao cát, túm miệng bao lại, mang chạy tuốt ngoài bờ rào, thả cho nó đi. Trong khi ấy, các chú còn lại trong phòng lo kéo bàn ghế, tủ giường lại vị trí cũ để ngồi niệm Phật. Hồi kẻng thứ ba đã dứt rồi mà giường nằm chưa sắp đặt lại xong. Đến khi ba câu niệm Phật cho cả viện cùng hô vang lên, chuyện dọn dẹp mới xong xuôi. Chúng tôi vừa hô câu niệm Phật, vừa vội vàng nhảy phóc lên giường nằm của mình để ngồi niệm Phật. Nhưng tôi làm gì có chỗ để ngồi! Mỗi người một giường, tôi là người của chúng Ca Diếp sang chơi lấy giường đâu mà ngồi thiền hay niệm Phật. Chỉ một chốc nữa, vị thầy hô canh sẽ đi tuần sang đây, kiểm tra từng giường. Giường nào trống, chủ nhân chiếc giường sẽ bị phạt. Nhưng trường hợp này không phải là sợ giường trống, mà sợ giường dư người mà thôi. Giường nào cũng một người, tự dưng có một giường hai người thì đáng lưu ý lắm chứ. Ai vào đây? Tôi đang luýnh quýnh chưa nghĩ ra được cách nào để khỏi bị thầy tuần chúng phạt thì chú Đồng bảo tôi cứ ngồi lên giường của chú. Tôi hỏi nhỏ bằng hơi gió trong miệng:
“Vậy chú ngồi đâu?”
Chú không trả lời mà chỉ “xuỵt” một tiếng. Té ra thầy tuần chúng đã đến hành lang, đi ngang cửa số. Tôi im luôn. Còn chú Đồng thì chui tọt xuống dưới giường. Tôi thực tức cười mà cũng vừa ái ngại khi để chú chui xuống giường trong khi mình ngồi ở trên. Tất nhiên chú ấy nhường chỗ cho tôi và chui xuống giường là để tôi khỏi bị phạt mà thôi. Nằm dưới giường thì chắc là không phải để niệm Phật rồi. Còn tôi ngồi trên giường cũng niệm Phật hay thiền định gì đâu! Lòng tôi bất an, chẳng sao định tâm nổi. Tôi ngồi đó mà cứ nghĩ đến người bạn dưới gầm giường. Tuy học chung lớp, sống chung dưới một mái viện, tôi và chú Đồng ít có dịp trò chuyện hoặc có cơ hội nào để kết thân. Nhưng gặp cảnh ngộ đặc biệt này, chú ấy đã tỏ ra là người bạn tốt, sẵn sàng bao che cho một “người khách” từ chúng khác đến thăm. Điều làm tôi suy nghĩ là tại sao các bạn tôi có những phản ứng rất bén nhạy mà tôi không tài nào có được. Cách phản ứng của chú Đồng thật buồn cười nhưng nhanh lẹ và hữu hiệu làm sao. Chẳng biết bao giờ tôi mới có được sự nhanh nhẹn, mau mắn ấy.
Đang ngồi suy nghĩ về chú Đồng, bỗng nghe “xoảng” một cái, rồi tiếng lon sắt, lon nhôm ở đâu rơi xuống nền xi măng kêu lổn cổn loảng xoảng. Có tiếng thầy tuần chúng bước nhanh ra khỏi phòng, đứng ngoài hành lang nói lớn trước khi bỏ đi:
“Cái chúng A Nan này quá sức đó nghe! Ngày mai tôi trình thầy giám viện phạt hết cả chúng cho xem!”
Đáp lại lời thầy tuần chúng là những tiếng cười khúc khích từ nhiều giường. Tôi chẳng cười nổi chuyện ấy, mà cũng chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Khi hồi kẻng báo giờ chỉ tịnh gióng lên, tiếng cười trong phòng như được nước, vỡ òa ra. Chú Đồng từ dưới giường chui lên cũng cười lớn. Tôi cám ơn chú để quay trở về chúng Ca Diếp. Lúc ấy tôi mới nghe các chú trong chúng A Nan nói với nhau về chuyện thầy tuần chúng khi nãy. Đầu tiên là chú chúng trưởng, chú hỏi:
“Hồi nãy chú nào làm gì để thầy tuần chúng đòi phạt cả chúng vậy?”
“Có gì đâu. Tại thầy tuần chúng bị vấp mấy cái lon làm ồn, không cho chúng mình định tâm niệm Phật đó mà!”
“Nói bậy. Chú nào giăng giây cho thầy ấy vấp chứ gì?”
“Ai mà biết!”
“Lon của ai vậy? Lon đâu rồi, đưa coi thử?”
“Có thấy lon liếc gì đâu! Ai dẹp hết rồi.”
“Thiệt tình mấy chú này, dám chọc luôn cả thầy tuần chúng nữa. Rồi ngày mai bị phạt hết cả bọn, có vui gì chứ. Chú nào làm dám đứng ra chịu không vậy? Để cả chúng mang tiếng sao được chớ!”
Chẳng biết chú chúng trưởng chúng A Nan có tìm ra thủ phạm không, và chẳng biết có ai chịu đứng ra nhận tội không. Tôi len lén trở về phòng mình vì đang giờ chỉ tịnh, nội qui của viện không cho phép học tăng qua lại ngoại trừ trường hợp phải đến nhà vệ sinh. Lần đầu tiên từ ngày đến Phật học viện Quảng Nam, tôi đã vi phạm nội quy theo kiểu này. Cũng may là chẳng ai phát giác. Vào phòng, trong bóng đêm mờ mờ, tôi thấy các chú trong chúng Ca Diếp đã nằm yên trên giường cả rồi. Không khí im vắng, chẳng một tiếng động. Chúng Ca Diếp là vậy: nề nếp, quy củ. Tôi định lên giường nằm của mình thì thấy có dáng một người đang ngồi im xếp bằng trên đó. Tôi thắc mắc trong bụng: “Ai lại ngồi thiền trên giường của mình vậy kìa?” Và vì tôn trọng một người đang tọa thiền, tôi chẳng dám lay gọi người ấy để lấy lại chỗ nằm. Tôi đứng im bên giường, nhìn quanh phòng xem còn giường nào trông không. Chẳng giường nào trống cả. Điều này chứng tỏ rằng người ngồi trên giường không thuộc chúng Ca Diếp, có thể là một người khách mới tới mà tôi chẳng biết. Tôi đang ngập ngừng đứng im trong bóng tối bỗng nghe tiếng chú Tửu ở giường kế bên “xuỵt, xuỵt”, ngoắc tôi đến giường của chú. Tôi bước nhẹ đến. Chú Tửu hỏi nhỏ:
“Cha! Chú đi đâu nãy giờ không chịu về niệm Phật?”
“Tôi qua chúng A Nan chơi, về không kịp. Ai ngồi trên giường tôi vậy?”
“Có ai đâu. Tôi sợ chú bị phạt nên lấy mền gối của chú dựng đứng lên giả như có người ngồi đó.”
“Vậy hả! Nãy giờ cứ tưởng có khách tăng! Thôi, cám ơn chú nghe. Mình đi ngủ kẻo bị phạt đó.”
Tôi dẹp “thằng tôi giả” trên giường để “thằng tôi thật” nằm xuống ngủ. Quảng Nam trời rét vào mùa đông. Mỗi khi ngồi thiền, chúng tôi thường trùm mền kín như đang ngồi với nồi nước lá xông khi bị cảm vậy. Cho nên chú Tửu lấy mền gối giả làm người ngồi thiền cũng không bị phát giác. Vả lại, thầy tuần chúng không bao giờ ngờ rằng một chú có hạnh kiểm tốt như tôi lại có thể vắng mặt khi ngồi thiền cả. Người ta thường bất công với những người có hạnh kiểm xấu. Nếu lỡ xấu thì cứ xấu mãi, cứ bị phạt mãi. Còn người có hạnh kiểm tốt thì lỡ có phạm lỗi, cũng có thể được tha thứ, bỏ qua. Tôi biết thầy tuần chúng có phát giác được tôi vắng mặt cũng hỏi tôi một vài câu rồi cười thôi chứ chẳng phạt vạ gì. Tôi nhắm mắt dỗ giấc ngủ nhưng không ngủ được. Thường thường tôi ngủ rất dễ, hôm nay cứ nằm lăn qua lăn lại mãi.
Tôi nhớ lại cảnh đuổi bắt rắn khi nãy bên phòng chúng A Nan. Trong cảnh xôn xao nhộn nhịp, vừa sợ vừa vui đó, có mang một ý nghĩa độc đáo mà tôi từng đọc thấy trong kinh Di Giáo. Trong kinh ấy, có một đoạn đức Phật dạy các đệ tử xuất gia của ngài với ý rằng: “Này các thầy tỳ kheo, phải nghĩ đến ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian mà sớm cầu giải thoát, chớ nên ngủ nghỉ nhiều... Con rắn độc phiền não còn ngủ ở trong tâm các thầy, chẳng khác nào con rắn cực độc đang ở ngay trong tịnh thất của các ông mà các ông lại lo ngủ nghỉ vậy. Phải mau mau dùng móc sắt trì giới để xua đuổi nó ra khỏi nhà rồi mới có thể yên tâm mà ngủ nghỉ!” Lời dạy và hình ảnh ví dụ ấy trở nên rõ ràng hơn qua chuyện con rắn chui trốn trong phòng chúng A Nan khi nãy. Quả nhiên là chưa đuổi nó ra thì chẳng làm sao mà yên tâm ngồi thiền hay ngủ nghỉ được.
Tôi cũng nhớ lại trò chơi nghịch ngợm của một chú nào đó, cột mấy cái lon vào sợi dây, giăng ngang giữa phòng để thầy tuần chúng đi vào bị vấp phải. Rõ ràng là trò chơi này nhắm vào thầy tuần chúng chứ chẳng ai khác. Tuần chúng là chức vụ tạm thời giao cho một vị thầy nào đó đi “tuần” tra, kiểm soát sinh hoạt của tăng “chúng”. Nhưng trường hợp đã có vị quản chúng rồi thì vị tuần chúng ở đây chỉ có bổn phận đi tuần tra vào giờ tọa thiền niệm Phật. Vị tuần chúng có quyền bắt phạt những học tăng ồn ào, đi lại hoặc không có mặt trên giường nằm của mình để tọa thiền vào giờ quy định. Học tăng mà dám “chơi khăm” thầy tuần chúng thì quả là hết chỗ nói, đã nghịch tới mức tột đỉnh rồi vậy. Nhưng tại sao lại có chuyện đó xảy ra? Tại sao trước đây thầy quản chúng, thầy giám sự, cũng đã từng có trách nhiệm đi tuần tra trong giờ niệm Phật mà chẳng thầy nào bị “hỗn” như thầy tuần chúng hôm nay? Tôi đoán hiểu một phần nguyên do đó. Là như vầy, năm ngoái trong giờ tọa thiền niệm Phật, thầy quản chúng và thầy giám sự thay nhau đảm trách việc tuần tra, nhưng hai thầy này chỉ đi tuần cho có lệ: vài tháng mới có một lần đi tuần mà có đi thì cũng chỉ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, hoặc chỉ đi ngang hành lang của các tăng phòng, chứ không bước vào phòng, nhìn kỹ từng giường, từng mặt người (như thầy tuần chúng năm nay). Vậy mà với sự tuần tra lấy lệ của hai người trước, các chúng vẫn tự động khép mình vào nội qui của thời khóa chung này. Năm nay, trong viện có thêm một thầy đến an kiết hạ rồi sau đó ở lại viện luôn. Thầy ấy pháp danh Như Khán. Thầy không có chức vụ gì trong ban giám đốc Phật học viện. Thượng tọa giám viện cắt thầy công tác hô canh vào mỗi tối và mỗi khuya. Hình như thấy công tác đó hãy còn nhẹ quá, thầy Như Khán tự động đặt mình vào trách nhiệm “tuần chúng”. Như vậy, thay vì tìm chỗ ngồi thiền hay niệm Phật nửa giờ rồi đánh kẻng báo chỉ tịnh như hai vị thầy kia, thầy Như Khán lại đi vòng vòng, kiểm tra các phòng. Từ đó, có chú gọi đùa thầy là “thầy tuần chúng” (đây là một chức vụ, nhưng trường hợp thầy ấy thì chẳng phải, vì thầy giám viện chưa hề tuyên bố với đại chúng là cắt đặt chức ấy, cũng chưa tuyên bố là giao chức ấy cho ai). Nghe gọi vậy, thầy ấy càng thích, và càng sốt sắng đi tuần tra thường xuyên và gắt gao hơn. Chúng tôi đang tọa thiền, thầy bước vào phát tiếng sột soạt từ chiếc áo tràng rộng thầy đang mặc, lại nghe tiếng đôi dép nhựt của thầy búng lên gót chân nghe “póc, póc”. Nhiều chú không thích chuyện đó, cho rằng thầy làm động chúng. Có lẽ vì vậy mà xảy ra chuyện giăng giây cho thầy vấp, rung ngã mấy cái lon kêu rổn rảng.
Niệm Phật và tọa thiền nửa giờ đồng hồ trước khi ngủ và nửa giờ khi mới thức giấc vào buổi khuya, là sinh hoạt tập thể truyền thống của các tự viện Việt Nam. Không phải chỉ một giờ đồng hồ đó là đủ, cho nên mỗi cá nhân còn tự tìm thêm giờ khác trong ngày để thực tập công phu của mình. Chính cái giờ mà mỗi người tự động tìm thêm ấy mới thực sự là thời khóa quan trọng của mỗi cá nhân, vì có khi cần khung cảnh khác hơn là khung cảnh ngồi chung với mọi người trong một căn phòng với những giường chõng hay bồ đoàn gần sát nhau. Ngồi tọa thiền hay niệm Phật chung với nhau trong một thời khóa thực ra chỉ là sinh hoạt tập thể mang tính chất hình thức nhằm nâng cao tinh thần hòa hợp cho số đông mà thôi (chúng hòa đồng tu trong lục hòa, sáu nguyên tắc để tạo sự hòa hợp cho tập thể). Tu tập là vấn đề tự giác mà tâm lý người Việt Nam (không giống người Trung Hoa hay Nhật Bản) cũng thích sự tự giác hơn là những sinh hoạt có sự bó buộc, kiểm soát của người khác. Cho nên, thả lỏng thì họ tự động khép vào kỷ luật mà xiết chặt thì họ lại ương ngạnh, chống đối, muốn phá nội quy.
Nghĩ lại chuyện mấy cái lon, tôi thấy tức cười, thấy tội nghiệp thầy tuần chúng, mà mặt khác, cũng thấy một phần thích thú lạ kỳ trong lòng nữa. Có lẽ ai cũng có một lúc nào trong đời, thích chống phá hay đùa cợt với những kỷ luật. Nói thì nói vậy chứ tôi chưa dám vi phạm kỷ luật một cách trắng trợn ở mái viện này. Tôi chỉ thấy thích thú về chuyện mấy cái lon, bởi vì ở viện vốn có kỷ luật của thời khóa tọa thiền nhưng không có cái “màn” cử một người đi quanh, cầm cây gậy nhịp nhịp, ngó mặt từng người để kiểm soát hay thị uy. Cái màn đó không thích hợp để áp dụng cho những tăng sĩ Việt Nam, không thích hợp chút nào cho không khí tự giác tự nguyện của những kẻ xuất trần. Tôi thường hãnh diện về vấn đề hạnh kiểm của chính mình. Từ lúc chưa xuất gia, tôi đã có hạnh kiểm tốt trong các lớp tiểu học; xuất gia rồi, dù có những trò hoang ngầm trước đây, tôi cũng đã ngoan ngoãn sửa đổi để có được hạnh kiểm tốt nơi viện Hải Đức, và nhất là ở viện này, tôi hoàn toàn là một chú sa di giới hạnh nghiêm ngặt, chững chạc như một người lớn (cho nên hồi tôi còn để chỏm, Thượng tọa giám viện mỗi lần đi hoằng pháp đều dẫn tôi đi theo dù tôi không phải là thị giả chính thức của Thượng tọa). Do đó ở chỗ tự hào với hạnh kiểm, tôi đâm coi thường những chú cứ vi phạm nội quy, hết chuyện này đến chuyện nọ. Nhưng ngay bây giờ, qua chuyện giăng bẫy thầy tuần chúng, tự dưng tôi không thấy bực bội hay khinh thường về sự phá kỷ luật của các chú thuộc chúng A Nan nữa. Ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy các chú ở chúng A Nan mới thực sự là những kẻ hồn nhiên, sống gần với lứa tuổi thiếu niên của họ nhất. Phải thừa nhận rằng trong vấn đề kỷ luật, không phải tất cả mọi điều đều tốt đẹp và hợp lý để tuân hành nghiêm nhặt. Có những cái rất lỗi thời, cũng như có những cái rất buồn cười. Nếu cần thì phải đạp đổ bớt cho đời sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Chúng A Nan dám làm chuyện đó. Còn chúng tôi, những người của chúng Ca Diếp, chỉ là những ông cụ non, những con cừu chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo các qui tắc và nề nếp chứ chưa một lần đủ can đảm để đùa giỡn với chúng.
Sáng hôm sau, vào giờ điểm tâm, thầy tuần chúng đứng dậy trình bày cùng đại chúng sự việc xảy ra đêm qua, yêu cầu ban giám đốc xử phạt nặng cả chúng A Nan. Chuyện kéo bàn ghế, giường tủ ồn ào để bắt con rắn dĩ nhiên là được bỏ qua; còn chuyện giăng bẫy cho thầy tuần chúng vấp thì phải phạt. Chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm chuyện giăng bẫy nên cả chúng đồng lòng chịu phạt–chắc là cả chúng A Nan muốn bao che cho vài cá nhân nào đó về chuyện ấy; vì nếu để cho một cá nhân nhận lỗi thì sự trừng phạt biết đâu là trục xuất khỏi Phật học viện, cái đó ai mà đoán trước được! Cho nên, để cho cả chúng chịu lỗi thì sự trừng phạt sẽ nhẹ hơn (không lẽ trục xuất luôn cả một chúng trên hai mươi học tăng?). Thượng tọa giám viện lắng nghe, im lặng chẳng nói gì, cuối cùng, giao cho thầy quản chúng tùy nghi xử lý. Thầy quản chúng đưa ra một hình phạt chẳng khó khăn gì: cả chúng A Nan phải tụng một thời kinh sám hối vào ngày cuối tuần, bất cứ giờ nào thấy rảnh.
Khi các chú của chúng A Nan tập trung trên chánh điện làm lễ sám hối, tôi cũng đi theo. Các chú trong chúng Ca Diếp hỏi:
“Chú có dính gì bên đó đâu mà phải sám hối?”
“Tôi thích sám hối, không được sao? Thấy tôi tự động sám hối, các chú phải mừng chứ!”
Các chú A Nan thấy tôi, cũng hỏi:
“Chú chỉ qua chơi thôi, đâu có tội tình gì mà sám hối?”
“Tôi muốn sám hối. Không có tội này cũng có tội khác chứ, phải không?”
Một chú nói:
“Biết rồi, biết chú có tội gì rồi.”
Cái tội mà chú kia nói là “biết rồi” đó, chắc là nói cái tội đi “lộn chuồng” của tôi đêm qua, báo hại chú Đồng phải chui xuống giường để khỏi dư nhân số của phòng. Cái tội đó cũng đáng xử phạt lắm, nhưng trong thâm tâm, tôi thích sám hối để chia sẻ với các chú ấy hơn là sám hối để chừa bỏ cái tội “đi hoang” của đêm trước. Tôi muốn được chia sớt một chút nghịch ngợm của tuổi trẻ. Làm ông cụ non lâu ngày tôi mệt lắm rồi.
Vào niên học thứ hai, viện chúng tôi có thêm một giáo sư mới từ viện Đại học Vạn Hạnh trong Sài Gòn ra. Đó là thầy Thiện Phước. Kiến thức nội và ngoại điển của thầy đều quảng bác. Thầy giảng bài rất lôi cuốn khiến tôi say mê và thường mong đến giờ dạy của thầy. Thầy ấy cũng là người khích lệ tôi nhiều nhất trong lãnh vực văn chương. Một hôm trong lúc trò chuyện thân mật, thầy đã nói riêng với tôi:
“Chú Khang à, chú phải là một nhà văn mới được.”
Tôi nói một cách cố chấp rằng:
“Làm nhà tu thì viết văn làm gì, thưa thầy. Trong luật nói là... theo đuổi các ngành nghề chuyên môn của thế tục sẽ bị động tâm nhiều, khó tu lắm, phải không thầy?”
“Nếu mình vững tâm, chánh tâm thì mọi hành xử của mình đều phù hợp với chánh pháp cả. Ngược lại, làm việc chân chính với cái tâm sai trái thì cái việc chân chính đó cũng chỉ là tà pháp mà thôi. Tại sao giáo hội có chương trình huấn luyện cho các giảng sư được mà đào tạo những nhà văn, những người viết sách lại không được? Một bên nói, một bên viết, cũng là cách để hoằng pháp cả, có gì mà phải sợ chứ?”
Rồi thầy đem cho tôi mượn thêm một số sách luyện văn của Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích v.v... Thầy còn giới thiệu một số sách truyện của thầy Nhất Hạnh, của một số đại văn hào ngoại quốc... mà không biết rằng, những thứ ấy tôi đã lén mua và đọc trước rồi. Tôi chỉ không đi vào văn chương theo kiểu luyện văn, cầm bút, chứ đọc sách, đọc truyện thì tôi có từ chối bao giờ đâu.
Về phía trường Bồ Đề, cũng có ba vị giáo sư khuyến khích tôi luyện văn, đi vào ngành văn chương: thứ nhất là thầy Chánh (phụ trách môn Anh ngữ), thứ hai là thầy Biển (dạy Giảng văn và Triết), thứ ba là thầy Viêm (dạy Anh ngữ, vừa là giáo sư chủ nhiệm của lớp tôi trong năm nay).
Sự khuyến khích của các thầy ấy chỉ như những sự nhắc nhở chứ không đẩy tôi đến việc viết được vì thực ra, tôi cũng chẳng có nhiều thì giờ trong ngày để viết. Vả lại, trong tuổi thiếu niên ấy, tôi biết viết gì đây. Không phải chỉ cần có năng khiếu là đủ, dù rằng năng khiếu là điều kiện cốt yếu nhất. Cần phải có kiến thức nữa. Mà tôi là một nhà tu không ham mấy chuyện tích lũy kiến thức. Tôi đọc sách khá nhiều, nhưng không phải để thu góp kiến thức, và trên thực tế, đọc sách xong, tôi cũng không nhớ gì hết. Nếu cầm viết, tôi sẽ không biết viết cái gì. Trước mắt tôi chỉ có những khóa lễ, những câu kinh tiếng kệ, những bài học của nhà trường, của Phật học viện... tôi không có gì để nói về những thứ ấy, dù đó là những sinh hoạt chính, rất cần thiết của tôi. Cho nên, ai khuyến khích thì cứ khuyến khích, tôi vẫn cứ thủng thỉnh mà bước con đường quen thuộc của mình: học, đọc sách, tu tập. Cuộc sống ở Phật học viện chỉ có những sinh hoạt đơn giản như vậy. Tầm mắt tôi được thu gọn trong một phạm vi, tập trung vào những vấn đề then chốt liên quan đến đời sống tu học. Ngoài ra đều thứ yếu. Quả là đôi lúc tôi có thích thú chuyện viết văn, nhưng rồi cũng phôi pha hết. Vấn đề tu học, dù có đặt mục tiêu hay bất cần mục tiêu, cũng đều có khuynh hướng nhắm đến cứu cánh tối hậu là giải thoát giác ngộ. Vậy thì mọi thứ ước muốn không nhắm vào mục đích ấy đều trở thành xa xỉ, rơi rụng dần dần hoặc lẩn khuất đâu đó trong tâm tôi chứ không biểu hiện thành những nhu cầu bức thiết trong đời sống.