Chương 7

05/10/201312:00 SA(Xem: 2401)
Chương 7

CỞI TRÓI

(PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG 4)

truyện dài của Vĩnh Hảo 
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1997

CHƯƠNG BẢY

Trà uống nhiều đã thấm, cả hai chúng tôi đều sáng mắt ra, không thấy buồn ngủ. Tôi để hết tâm vào câu chuyện kể, sống lại với những ngày tháng qua bằng vẻ tự tin của một người từng trải đối với một thính giả ngây thơ, hay của một người đang loay hoay tìm kiếm sự hân thưởng cái hạnh phúc của hiện tại bằng cách khơi dậy niềm đau quá khứ. Chuyện càng kéo dài, chúng tôi càng thấy thân mật, tự nhiên với nhau hơn.

“Anh đói bụng lại chưa, em thấy đói quá; tại hồi chiều em ăn sớm. Hay để em làm cái gì sơ sơ cho hai đứa ăn hả?” nàng hỏi.

“Ơ… mất công không?”

“Không đâu, chỉ là mì gói thôi mà, nhanh lắm.”

Ăn xong, tôi gần như mất cái hứng để kể tiếp. Trong khi tôi ngồi trầm tư, nàng vừa dọn rửa chén bát vừa nói:

“Ở ngã tư đàng kia có một quán cà phê vỉa hè, anh muốn ra đó ngồi uống không?”

“Thôi, mất công. Ở nhà cho khỏe.”

“Ra ngoài thay đổi không khi một chút. Em đi với anh.”

“Bây giờ mới có ba giờ sang, biết họ đã mở cửa chưa?”

“Họ có cửa đâu mà mở, hi hi, chỉ chở bàn ghế xếp đến, bày ra vỉa hè thôi. Bán từ khoảng 2 giờ sáng đến sáng bửng thì dẹp.”

“Sao em rành quá vậy?”

“Tại hồi đó có mấy người bạn đến đây ở lại đêm để đi vượt biên, khuya nhờ em đưa ra đường để chờ người đến đón. Lang thang trên đường thấy kỳ quá tụi em ghé vào cái quán vỉa hè đó. Chỉ miễn cưỡng ngồi đó thôi, nhưng rồi thấy cũng thú vị lắm. Từ đó, thỉnh thoảng dậy sớm mà không có hứng thú làm gì, em đi bộ ra đó ngồi uống một mình, nhìn xe cộ qua lại, cho đến khi mặt trời mọc mới trở về.”

“Cũng khá hoang nghịch đó nghe! Em uống cà phê được sao?”

“Được chứ. Anh không biết uống à?”

“Dĩ nhiên là biết.”

“Vậy thì thay đồ đi uống há. Từ nhà đi bộ đến đó đâu chừng năm, mười phút. Sở công an nằm gần đây nên khu vực này an ninh lắm, chẳng có cướp bóc gì đâu.”

“Nhưng công an có thể để ý làm phiền mình đó chứ.”

“Mình là công dân hợp pháp của đất nước mà, sợ gì chứ!”

“Cái đó chẳng bàn được đâu. Họ muốn bắt lúc nào chẳng được.”

Tôi nói đến đó thì thoáng nhớ đến chuyện xưa khi tôi đến chỗ Hân và bị Hân sắp đặt ông thầy Tư đến rủ tôi ra đường, rồi công an chận bắt. Nhưng nàng không đến nỗi tệ như vậy đâu. Nàng thích và quý tôi, tôi thừa biết điều đó. Không phải hạng người nào trong xã hội này cũng phải bị uốn nắn theo khuôn để trở thành những con người hiểm ác, độc địa, dối trá, hèn hạ, lường gạt và hại nhau. Có những hạng người sinh ra để sống như đời một hoa sen.

Chúng tôi cùng rảo bộ trên hè phố vắng. Sương khuya phảng phất mờ trắng trên đường. Nàng khoác cái áo gió mỏng màu vàng tươi và đã cho tôi mượn cái áo khoác gió màu ka-ki trước khi ra đường, vậy mà cả hai đều có vẻ lạnh. Thấy nàng chéo hai tay ôm lấy hai vai, tỏ vẻ lạnh, đôi lúc tôi muốn choàng tay ôm nàng cho ấm nhưng ngại. Xe cộ đã bắt đầu qua lại thưa thớt trên đường. Mấy chiếc xích lô rung chuông mời gọi. Chúng tôi im lặng, thong thả bước. Chị chủ quán đang quạt lò, thấy chúng tôi đến thì lên tiếng mời chào. Chúng tôi chọn cái bàn sát với một khu đất trống và khá xa với chị chủ quán. Rồi cùng với ngụm trà nóng rất ư sảng khoái giữa trời sương, tôi nhỏ giọng kể, như là thủ thỉ tâm tình với nàng.

 

 Ó 

 

 

Trời bây giờ đã vào thu. Tôi biết vậy chẳng phải nhờ nhìn thấy sự úa màu của cây lá bên ngoài đâu; mà chính vì bầu trời xám xịt bên trên với những đám mây đen kịt lướt qua thật nhanh phía sau cái bót gác cao ở góc trại. Vả lại, bây giờ là cuối tháng 8 thì phải là mùa thu.

Từ cửa sổ nhìn ra sân trại, tù nhân chúng tôi chẳng thấy có bóng cây nào to lớn để có thể mang lại tín hiệu rõ rệt cho bốn mùa. Chỉ có một cây mai tứ quý èo uột, khẳng khiu như một anh tù ốm đói, trơ trọi đứng một mình nơi vồng hoa của sân chơi. Vồng hoa chạy song song với chiều dài của phòng giam. Mà cái vồng này thực ra lại chẳng có thứ hoa nào được trồng cả; chỉ thấy những rau là rau: rau muống, rau răm, rau diếp cá, rau húng, rau thơm… và vài cây ớt hiểm do mấy anh tù trồng lấy để “cải thiện đời sống.” Tôi mới đến, không dám tin là cây mai tứ quý có thể nở hoa vào mỗi đầu xuân hay không–nói chi đến chuyện nở hoa bốn mùa như tên gọi của nó! Hiện giờ thì chẳng thấy nụ hoa hay cuống hoa nào còn lưu lại trên cây. Chỉ có lá lưa thưa, trông tội nghiệp. Phải chăng các thứ rau mọc sàn sàn quanh chân nó đã tranh nhau hút lấy nhựa sống khan hiếm còn sót lại trên cuộc đời cằn cỗi của sân trại? Và cây mai quân tử kia, vì không chịu hạ mình tranh sống với những thứ rau cỏ tầm thường nên chỉ có mỗi một cách để sinh tồncố gắng vươn lên giữa không gian cao rộng? Hay vì chính nó là một loài thực vật cao kỳ vốn sinh ra và tồn hữu bằng thứ dinh dưỡng duy nhất là cái tiết hậu tuần hoàn luân lưu của bốn mùa sinh diệt nên người ta gọi nó là mai tứ quý?

Đang trầm tư về cốt cách của cây mai, tôi chợt thấy Phương từ phía cổng của khu trại bước vào sân, hướng về phía phòng giam chúng tôi, tay xách một cái giỏ. Một vài anh tù lăng xăng kháo với nhau:

“Ê, chị Phương vào kìa. Đã quá bây ơi!”

“Tránh chỗ, tránh chỗ.”

Họ tranh nhau xúm xít ngồi gần chỗ lồng khung để được “gần” với người nữ cán bộ này hơn. Có ba tiếng vỗ tay bôm bốp thật lớn làm hiệu cho cả phòng im lặng và tất cả cùng ngồi xuống. Nhất là mấy anh tù đang đứng tắm tồng ngồng trong nhà vệ sinh, phải ngừng dội nước, ngồi thấp xuống sau hai bức tường ngăn, ló đầu lên nhìn ra hướng lồng khung. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh bạn tù đón tiếp nữ cán bộ. Quả là có khác với khi mấy nam cán bộ đến phòng. Chỉ mấy người tù già và vài người tù đứng đắn là không hăm hở đón tiếp Phương, số còn lại giương những cặp mắt đau đáu, nhìn Phương một cách thèm thuồng. Thật chẳng khác những con cọp đói bị nhốt trong chuồng thú, thấy con hoẳng mập mạp và nung núc mỡ đi qua đi lại trước mặt.

Phương bước đến sát bên cửa sắt, không mở khóa, chỉ đứng ngoài, đặt cái giỏ xuống đất, rồi vén tóc mai, nói:

“Phòng này có ai bệnh hoạn gì cần xin thuốc không? Có ai bệnh nặng xin ra nằm bệnh xá không?”

Anh Nhiều trưởng phòng vội bước đến chỗ lồng khung, nói:

“Báo cáo phòng này không ai bệnh, thưa cán bộ.”

Phương gục gặc không nói gì. Không khí im phắc. Cơ hồ chỉ có tiếng áo lụa của cô nữ cán bộ là kêu lên những tiếng sột soạt nhỏ theo sau cử động của cánh tay đưa lên đưa xuống, làm điệu bộ trước mấy chục con mắt đàn ông xa gia đình.

“Có chắc là không ai cần thuốc men không đó?” Phương hỏi lại một lần nữa.

Chẳng ai lên tiếng. Chỉ có tiếng đôi guốc của Phương nghiến nhè nhẹ trên nền xi măng. Phương cúi xuống xách cái giỏ lên, quay ra, nhưng vừa tới bậc cửa, cô quay lại:

“À, anh Khang đâu rồi? Có phải anh Khang ở phòng này không?”

Trưởng phòng vội nói:

“Báo cáo cán bộ, ở đây có một Khang. Vĩnh Khang phải không ạ? Anh Khang, cán bộ muốn gặp anh.”

Tôi bước tới chỗ lồng khung. Phương kín đáo nhìn tôi từ đầu tới chân–lần đầu tiên cô thấy tôi cởi trần mặc quần cụt–rồi bằng một giọng tự nhiên, cô nói:

“Cán bộ chấp pháp nhờ tôi đem thuốc xức ghẻ xuống cho anh. Nghe nói anh mới bị nổi ghẻ ở hai bàn tay, phải không? Có bị chỗ nào khác không?”

“Không,” tôi đáp.

Đám tù cười. Phương cũng cười rồi tự nhiên đỏ mặt. Thực ra tù nhân chỉ dám cười trước mặt cô nữ cán bộ phụ trách về y tế này thôi chứ đối với các cán bộ khác, chưa bao giờ tôi thấy họ cười như vậy.

Phương ngồi xuống, soạn trong giỏ ra một gói bông gòn nhỏ và một lọ thuốc xức ghẻ. Hình như cô định chờ tôi đưa tay ra cho cô xức nhưng thấy tôi cứ ngồi yên, cô đổi ý, bèn đưa bông gòn và thuốc vào cho tôi.

“Anh cất cái này mà xức. Ở phòng giam đông người như vầy dễ bị lây ghê lắm. Mỗi ngày ra chơi, anh nhớ ra ngồi phơi nắng chứ đừng có nấp trong bóng mát. Hết thuốc anh nhắn tôi biết nha.”

Một anh tù từ đâu chồm tới, ngay sau lưng tôi, nói:

“Báo cáo cán bộ, tôi cũng bị ghẻ nhiều lắm, đầy cả người.”

“Sao nãy tôi hỏi chẳng ai báo cáo?” Phương khó chịu.

“Dạ tại vì tưởng cán bộ hỏi bệnh gì nặng chứ còn ghẻ thì gần hết cả phòng đều bị, mà bị nặng hơn anh Khang nữa, thưa cán bộ.”

“Ồ, vậy sao? Nhưng mà các anh có gia đình thăm nuôi, nhắn gia đình gởi thuốc vào chứ trại đâu có lo hết cho các anh được. Trường hợp anh Khang… là vì cán bộ thụ lý hồ sơ biết rằng anh chưa có thăm nuôi…”

Tôi quay lại nói với người bạn tù:

“Không sao đâu, thuốc và bông gòn này là của chung, ai bị ghẻ thì cứ lấy xức.”

Phương liếc nhìn tôi, tỏ ý can ngăn tôi về việc đưa bông thuốc ra xài chung, rồi cô trợn mắt ngó anh tù kia, nói:

“Các anh lộn xộn quá. Thôi được, để tôi nói với quản giáo của các anh ghi tên người nào muốn có thuốc xức ghẻ để tôi tìm cách đưa xuống, nhưng nhớ là chỉ anh nào không có gia đình thăm nuôi thôi nhé!” Nói rồi Phương nhìn tôi, nhỏ giọng, “anh cứ lo xức phần anh đi, có một lọ đó mà xức chung thì chẳng ai hết ghẻ được đâu.”

Phương kín đáo gởi cho tôi một cái nhìn trìu mến lạ lùng trước khi xách giỏ rời khỏi phòng giam. Cô vừa khuất thì trong phòng ồn ào trở lại.

“Nhớ vợ quá, mèn đét ơi!”

“Em Phương đã thiệt!”

“Tao sắp điên rồi, thấy em là chịu không nổi!”

đâu đó trong những tiếng than trời kia, tôi nghe được lời một người nào đó:

“Chị Phương chịu ông thầy rồi bây ơi!”

Rồi một người khác:

“Ừ, lạ nghe! Mình muốn cô cô chẳng chịu nhìn, lại nhìn cái người tu hành tuyệt dục mới kỳ chứ!”

 

 Ó 

 

Thư tôi viết xong đã nhờ anh trưởng phòng đem ra nộp cho quản giáo cùng lúc với vài lá thư của những bạn tù khác trong phòng. Trưởng phòng theo quản giáo ra ngoài khá lâu. Khi trở về, anh thông báo chung cho những người khác biết là đã được quản giáo chấp thuận cho gởi thư; nhưng với tôi, anh kéo riêng vào góc phòng–nơi làm việc và là chỗ ngủ của anh–nói nhỏ:

“Thư của thầy chưa biết có trót lọt không. Quản giáo Khoa thì dễ, ông đã chấp thuận; nhưng ông Hón cứ nói: thư của tên thầy chùa này phải xét kỹ từng chữ mới được, hắn viết cái gì cũng có ý nghĩa sâu xa bên trong, coi chừng hắn thông cung ra ngoài đó! Theo tôi thì đừng cho hắn liên lạc gì với bên ngoài là tốt nhất!”

“Rồi kết quả ra sao?”

“Chưa biết. Có lẽ chờ mấy ổng hội ý với nhau.”

Tôi phì cười:

“Bộ mỗi thư đều bị tất cả các quản giáo kiểm duyệt trước khi gởi đi à?”

“Đâu có, quản giáo của phòng nào thì kiểm duyệt thư của phòng đó thôi. Nhưng cái thư của thầy chẳng biết sao lại đưa ra hỏi ý kiến chung của cả ban quản giáo. Tôi sợ không được.”

“Nhưng nếu không được thì ông Khoa sẽ xuống đây bảo tôi viết lại thư khác chứ, phải không?”

“Thường thường là vậy. Nhưng biết đâu đối với trường hợp thầy, ông ấy lại im luôn, chẳng gởi đi, cũng chẳng cho viết thư khác!”

Thấy tôi im lặng, Nhiều nghĩ rằng tôi buồn nên nói lời an ủi:

“Ráng đi. Có lẽ tại thầy là tu sĩ Phật giáo, lại nắm giữ chức vụ quan trọng trong lực lượng Phục quốc nên mới bị họ đì như vậy.”

Tôi phì cười:

“Đâu có sao. Chẳng phải tôi lo buồn đâu. Tôi đang nghĩ cách nào thông báo ra ngoài mà thôi. Còn chuyện Phục quốc, tôi có nắm chức vụ gì đâu, chỉ tại họ nghĩ rằng có tham gia, có đóng góp thì phải có chức vụ nên mới đoán mò vậy thôi.”

“Ông Khoa hỏi tôi có biết ông thầy nắm chức vụ gì trong lực lượng Phục quốc không. Tôi nói không. Ông ấy nói rằng thầy là lãnh tụ, hoặc là cố vấn tối cao của ông Trần Văn Lương đó. Ông còn dặn hãy coi chừng, đừng để ông thầy móc nối các thành phần phản động trong phòng giam…”

Tôi bật cười, không nói gì. Nhiều tiếp:

“Có lẽ vì vậy mà mấy quản giáo dìm thư của thầy đó. Nè, nói thiệt thầy nghe, kỳ thăm nuôi trước tôi có dặn bà xã gởi cho tôi nhiều đậu hũ và tương chao trong kỳ thăm nuôi tới. Tôi dặn vậy là để thầy có thêm thức ăn đó. Còn như thầy muốn nhắn gì ra ngoài… tôi cũng có thể nhờ bà xã tôi được.”

“Cám ơn anh. Tôi chỉ sợ liên lụy cho anh và gia đình anh, không tốt đâu.”

“Xì, có gì đâu. Bà xã tôi lanh lắm. Bên ngoài lại có má tôi và mấy đứa em gái nữa. Muốn nhắn gì, làm gì, họ cũng làm được hết. Đàn ông của gia đình tôi đều bị dính vào lực lượng Nghĩa quân Phục quốc. Còn lại toàn đàn bà con gái, tự sinh sống và thăm nuôi cho mấy người đàn ông trong tù. Gia đình tôi là gia đình cách mạng mà, tôi kể rồi bộ thầy không nhớ sao! Hồi xưa, ông già tôi theo cách mạng, còn lại bao nhiêu người trong nhà đều làm giao liên hoặc chứa chấp mấy ông Việt cộng nằm vùng… Sau giải phóng, ông già tôi làm Tỉnh ủy tỉnh Sông Bé, nhưng rồi bất mãn chế độ, ông từ chức, đem gia đình bỏ về Tân Phú làm rẫy. Sau đó, gia nhập Nghĩa quân Phục quốc. Khi ông quyết định theo Phục quốc, cả nhà ủng hộ, rủ rê thanh niên trai tráng trong huyện vào rừng cầm súng. Súng thì do tôi móc nối mua lại của tụi huyện đội, đem chở vào rừng cho nghĩa quân. Đàn bà con gái nhà tôi lại trở thành giao liên cho Phục quốc. Thầy thấy không, nhờ mấy người giao liên này nhắn một cái tin thì dễ như móc đồ trong túi. Thầy muốn nhắn gì cứ nói tôi biết, bao nhiêu chuyện bà xã tôi cũng nhớ hết. Bà ấy không làm được thì dặn mấy đứa em gái tôi làm.”

“Tôi cũng chẳng nhắn gì rườm rà đâu. Chỉ cần cho gia đình tôi biết rằng tôi bị bắt, vậy là đủ rồi. Thà biết như vậy còn hơn mù mù tăm tăm chẳng rõ tôi còn phiêu dạt ở đâu hay đã chết mất xác…”

“Dĩ nhiên là phải cho gia đình biết rồi, có ai ở tù mà lại chẳng muốn thông báo cho gia đình đâu, nhất là ở tù cộng sản, chẳng bao giờ đủ cơm ăn, áo mặc, thuốc uống… Để tôi bảo bà xã tôi đến nhà thầy báo tin. Thầy yên tâm đi. Đó là chuyện nhỏ thôi mà. Gặp chuyện lớn cần hy sinh, tụi này còn sẵn sàng làm cảm tử quân nữa mà!”

Tôi im lặng, cảm kích sự nhiệt thành của gia đình anh Nhiều, cái gia đình nông dân miền Nam, sống cởi mở hồn nhiên và sẵn sàng chết một cách anh hùng để bảo vệ đất đai phì nhiêu trù phú của tổ tiên để lại. Cái nhiệt thành của gia đình anh luôn luôn có lợi cho các công cuộc cách mạng. Cộng sản thành công trong việc xâm chiếm miền Nam một phần cũng nhờ những gia đình mà từ chồng đến vợ, từ cha đến con, đều giốc cả thì giờsinh mệnh của họ ra mà đóng góp. Chỉ đáng tiếc một điều là những người dân Nam bộ này đã ủng hộ đến thành công một tập đoàn hại nước hại dân, và khi nhận thức mình sai lầm, họ đã ủng hộ một lực lượng có chính nghĩa nhưng lại thất bại thê thảm để rồi cả nhà phải sa vào vòng tù tội. (Cái nghiệp dĩ khổ đau của Việt Nam từ trăm năm đổ lại đây là hễ lực lượng nào có chính nghĩa thì lại thường thất thời, thất thế, thất thủ, thất trận, thất vận, thất vọng, thất bại… Còn những lực lượng nào phản dân tộc thì lại dễ thành công để rồi mặc tình làm những điều thất học, thất sách, thất đức, thất tín, thất nghĩa, thất nhân tâm… Suy vong của đất nước cứ theo cái đà nghịch thường ấy mà diễn tiến thì dân tộc này biết đến lúc nào mới có thể vươn dậy?)

Nhiều kể rằng ban đầu cả nhà anh đều bị bắt vào tù, một tháng sau đó do khai cung khéo léo, tốp đàn bà con gái được thả về. Anh còn cho biết hồi trước năm 1975, gia đình anh theo cách mạng, làm giao liên, là để ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chứ không phải ủng hộ cộng sản, gia đình anh chỉ muốn đánh Mỹ để bảo vệ mảnh đất miền Nam chứ không phải đánh Mỹ để rước cộng sản Bắc Việt vào. Và cuộc đấu tranh tham gia Nghĩa quân Phục quốc của gia đình anh sau năm 1975 cũng chỉ mang một mục tiêu đơn giảnbảo vệ mảnh đất miền Nam khỏi sự thống trị của cộng sản Bắc Việt. Anh không nghĩ chuyện xa xôi là sẽ giải phóng miền Bắc. Ước mơ và hoài bão của anh đối với đất nước (có nghĩa là miền Nam Việt Nam) rất đơn giản, đơn giản như ước mơ của một nhà nông đối với mảnh vườn miếng ruộng của mình. Ai đụng chạm đến mảnh vườn của mình thì mình chống lại họ. Hồi đó nghe tuyên truyền là Mỹ muốn lấy đất lấy vườn của mình: chống Mỹ! Cách mạng thành công mới biết rằng cái đế quốc tư bản dù sao hãy còn dành đất lại cho mình cày cấy, còn đế quốc cộng sản thì thu tóm hết, vơ vét hết, đất vườn này biến thành đất vườn chung do nhà cầm quyền Bắc Việt quản lý: chống Cộng! Trong khi người cộng sản Bắc Việt nhìn mảnh đất miền Nam và con người miền Nam như là một phần cơ thể ung nhọt cần được dẫn dắt và điều trị bởi đỉnh cao trí tuệ của chủ nghĩa Mác-Lê thì người nông dân miền Nam (điển hình là gia đình của Nhiều) nhìn người cộng sản Bắc Việt như là những người ngoại quốc, những kẻ xâm lăng vừa tham lam, vừa tàn bạo, vừa ích kỷ, cướp lấy miền Nam để nuôi béo những cán bộ ngoài Bắc. Phục quốc chiêu mộ nghĩa quân để chống lại cộng sản thì gia đình Nhiều tham gia, tham gia để bảo vệ mảnh đất miền Nam, cụ thể là để bảo vệ vườn tược và nếp sống yên bình từng có trước khi chủ nghĩa cộng sản có mặt tại Việt Nam. Lý tưởng của anh chỉ đơn giản như vậy.

Tôi nhắc cho Nhiều nhớ rằng Bắc hay Nam cùng chung một nhà, đều là anh em cả, và thống nhất đất nước trong một tiến trình hòa hợp không gây thương tổn cho nhau quả là điều tốt đẹp, nên thực hiện…

Điều đáng tiếc là Việt Nam chỉ được thống nhất ở mặt địa lý chứ không thống nhất ở mặt nhân tâm. Cái nghiệp dĩ phân ly của năm 1954 là một đường cắt đau lòng trên vận mệnh quê hương, nhưng nếu chúng ta biết chấp nhậnlợi dụng nó để cùng lúc tiến hành một cuộc “thi đua hạnh phúc” thì cái nghiệp dĩ đau thương sẽ chuyển thành ước vọnghiện thực tươi đẹp. Thử tưởng tượng, chính quyền của hai miền Nam-Bắc tranh đua nhau làm lợi ích cho dân trong xứ mình và nhân dân của hai miền tranh đua nhau xây dựng kiến thiết xứ sở mình đang sống thì đại hạnh biết bao! Đằng này, hai khối chính quyền đều u mê chấp chặt vào hai thứ chủ nghĩa ngoại lai, biến chúng thành lý tưởng để rồi đẩy xô hàng triệu sinh dân vào chỗ thù hận chém giết nhau, gây bao tang tóc ê chề cho cả hai miền suốt mấy chục năm. Thay vì mấy chục năm kiến thiết, chúng ta nhảy vào mấy chục năm phá hoại, hủy diệt, từ cơ sở vật chất đến sinh mệnh và cả tâm thức của lương dân. Một cuộc phá hoại trường kỳ xuẩn động!

Không cần phải đổ thừa chuyện phân chia hai miền (hay ba kỳ) là do các thế lực thực dân đế quốc. Cái mầm phân chia đã nẩy ra từ sự bám chặt vào ý thức hệ. Khi ý thức hệ cộng sản đi vào Việt Nam, có người theo, có người chống, thì ý niệm phân chia ranh giới đã khởi động. Mà thực ra, sự phân chia Nam-Bắc đâu phải chỉ bắt đầu từ năm 1954! Không phải rằng Việt Nam đã từng bị chia hai từ đầu thế kỷ 17 bởi cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn? Ở thời ấy, sự phân chia bắt nguồn từ tranh chấp quyền lực của hai thế lực công thần Trịnh-Nguyễn. Sự phân chia ấy có thể xóa được dễ dàng khi một trong hai thế lực ấy thắng thế, hoặc hai thế lực ấy bị dẹp tan hay thống nhất bởi một thế lực khác (chẳng hạn nhờ vào sự nổi dậy của lực lượng Tây Sơn và cuộc thống nhất đất nước của Gia Long). Nhưng còn sự phân chia bắt nguồn bởi ý thức hệ với sự tuyên truyền rộng rãi của các phương tiện truyền thông cũng như chính sách văn hóa giáo dục của quốc gia thì ăn sâu vào tâm thức người dân của nhiều thế hệ, thật khó mà giải tỏa.

Từ năm 1954, Việt Nam chúng ta ngậm ngùi biến thành hai nước đeo đuổi hai thứ “lý tưởng” khác nhau mà phía nào cũng cho là mình đúng, bên kia sai, rồi tự phong cho mình sứ mệnh hay bổn phận “giải phóng” phía bên kia. Đáng ra, ở cơ hội đình chiến hiếm hoi trong thời điểm hiệp định Ba-lê, chính phủ hai miền nên tranh thủ nhân tâm để tiến đến tổng tuyển cử, thống nhất đất nước trong hòa bình. Nhưng các thế lực đế quốc gườm nhau, ngăn trở tiến trình này, để rồi hai miền thay vì mong đợi một cuộc tổng tuyển cử, lại tiến hành một cuộc xâu xé nồi da xáo thịt. Từ đó, lại nẩy sinh những thứ chính nghĩalý tưởng giải phóng dân tộc. Bên nào cũng cho rằng bên kia bị nô lệ bởi đế quốc hay chủ nghĩa. Lý tưởng “giải phóng” bắt đầu phôi thai. Ý niệm giải phóng phía kia là lẽ tự nhiên, vừa hợp tình vừa hợp lý–nếu thực sự người dân miền Nam với chính sách và chủ trương nào đó có thể đem lại thái bìnhthịnh vượng cho đất nước thì người miền Nam nên cứu lấy miền Bắc để chia sẻ cái hạnh phúc mà mình gặt hái được; và ngược lại, người dân miền Bắc cũng nên giúp người dân miền Nam thực hiện con đường cứu quốc và kiến quốc nếu họ thực sự tìm thấy hạnh phúc bằng con đường cộng sản. Nhưng đừng bao giờ khư khư chấp chặt vào những ý thức hệ, những chiêu bài, những chiến lược hay chiến thuật, những phương châm, những khẩu hiệu, những chúc thư, những ảo vọng hy hiến và đổi chác với thần linh… của bất cứ lãnh tụ hay tập đoàn tổ chức nào để rồi cứ một mực cho rằng bên kia phải nghe bên này và chẳng bao giờ chịu tìm hiểu hay lắng nghe bên kia.

Thực ra, thống nhất hai miền chẳng bao giờ là lý tưởng của con đường cách mạng dân tộc. Sự cắt chia hai miền cũng chẳng phải là cái hiểm họa gì ghê gớm lắm cho đất nước. Chân lý của ông Hồ Chí Minh “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” là thứ chân lý bá đạo của kẻ có tham vọng nới rộng tầm ảnh hưởng thống trị của mình, nó được dựng lên chỉ để che đậy dã tâm nhuộm đỏ đất nước chứ chẳng phải là chân lý của người dân. Người dân chỉ cần sống bình yên trên mảnh vườn của họ, không cần thống nhất… Không hề có một thứ chân lý của sự thống nhất, cũng không hề có lý tưởng thống nhất. Không thống nhất hai miền cũng chẳng phải là hiểm họa.

Có chăng là lý tưởng đấu tranh, xây dựng hầu mang lại hạnh phúc ấm no thực sự cho dân tộc. Hiểm họa là hiểm họa vong thân, tôn thờ chủ nghĩa ngoại lai để dày xéo chà đạp lên tình tự dân tộc. Nếu chia cắt ở mặt địa lý nhưng thống nhất ở mặt tinh thầný chí thì sao? Chẳng phải rằng tự nhiên hai miền sẽ thống nhất một cách êm thuận à? Chống cộng chẳng bao giờ là một lý tưởng. Chống cái tham tàn, sân hận, si mê như là nguồn cội của phân tranh để giữ được mảnh đất quê hương do tổ tiên gầy dựng và tạo được hạnh phúc ấm no thực sự cho dân tộc mới chính là lý tưởngmọi người dân nên theo đuổi. Như vậy, nếu có hai nước Việt Nam thái bình thịnh trị thì đã sao? Chết chóc gì ai? Miễn sao hai nước ấy biết thương yêu nhau như anh em, đừng thù hằn nhau, đừng chém giết nhau, đừng chèn ép nhau, đừng ngăn trở nhau trong việc xây dựng kiến thiết đất nước là được rồi. Hai anh em sống chung một nhà cũng tốt, nhưng nếu đã trưởng thành cần sống riêng và có thể sống riêng mà vui được thì cứ sống riêng, tại sao bắt buộc phải sống chung một nhà mà rồi cứ ép uổng nhau! Cái sai lầm là luôn luôn tưởng rằng “nếp sống” của mình là hay nhất, hết lòng đem vũ lực mà bắt buộc người anh em khác phải tuân theo, sống theo. Hệ lụy phân tranh từ địa lý cho đến tâm thức từ đó kéo đến.

Giải phóng hay thống nhất đất nước theo lề thói đó thì phỏng có ích gì? Rõ ràng là người ta đã đắm đuối chạy theo hết cái mê lầm này đến cái mê lầm khác. Mê lầm rằng có một thứ chủ nghĩa, một thứ ý thức hệ (hay ngay cả một thứ tôn giáo) vô địch bách chiến bách thắng có thể xây dựng được một thiên đàng ngay trên trần gian. Mê lầm rằng ai không tin cái chủ nghĩa ấy thì đáng phải chết. Mê lầm rằng cái chủ nghĩa ấy không bao giờ sai và không bao giờ lỗi thời lạc hậu. Mê lầm rằng chỉ có giải phóng và thống nhất hai miền thì mới có hạnh phúc. Mê lầm rằng chỉ có một nước Việt Nam suốt từ Bắc vào Nam, như là chân lý bất di bất dịch! (Thực ra, có cái gì bất di bất dịch được đâu? Nếu miền Nam đã không là vương quốc bất di bất dịch của Chiêm Thành thì đâu nhất thiết phải có nước Việt Nam thống nhất Nam-Bắc bất di bất dịch? Nếu nước Việt Nam là một từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau là chân lý bất di bất dịch thì lẽ nào lại có một nước Chiêm Thành trong lịch sử? Nếu là chân lý bất di bất dịch thì nước Việt Nam phải đứng mãi ở miền Bắc chứ đâu có được mở mang thêm ở miền Trung và Nam!). Vì mê lầm như thế mà phải dùng mọi thủ đoạn mưu chước để áp đặt niềm tin của mình lên người khác, không biết rằng công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước theo cách đó chẳng bao giờ là điều mong đợi của cả nhân dân hai miền.

Lý tưởng của anh Nhiều đơn giản quá: chỉ cần bảo vệ mảnh đất miền Nam sao cho có hạnh phúc. Ban đầu mới nghe qua, tôi sợ rằng thứ lý tưởng mộc mạc này sẽ tiếp tục góp phần phân chia đất nước hai miền, nhưng xét cho cùng, tôi lại phần nào đồng ý với anh ấy rằng, mỗi người tự lo xây dựng toàn hảo khu vườn của mình thì tự khắc toàn vùng sẽ trở thành màu mỡ trù phú. Nếu ta chưa lo tròn được trách nhiệm đem lại hạnh phúcấm no cho phần đất của ta thì đừng bao giờ xía vào phần đất của người khác, dạy khôn cho người khác, hoặc ép buộc người khác phải đi theo cái lầm lỡ đói nghèo khổ đau mà ta đã kinh qua… Ôi, cái bi kịch phân tranh và thống nhất của đất nước này, nói sao cho cùng!

 

Ó 

 

Thêm một vài người trong số tù hình sự và vượt biên được lần lượt gọi tên trả tự do trước ngày thăm nuôi cuối tháng 8. Tính tổng cộng từ giữa tháng 8 đến nay đã có khoảng 12 người được thả về. Họ về thì tốt cho họ mà cũng tốt cho những người ở lại vì phòng giam sẽ rộng rãi hơn.

30 tháng 8, ngày thăm nuôi, mới sáng sớm chưa mở cửa sắt đã thấy mấy anh tù chính trị lâu năm như Nhiều, Dưỡng, Quái, Sang, Danh… dậy sớm tắm rửa sạch sẽ, rồi ngồi uống trà hút thuốc, chờ đợi cán bộ vào gọi tên. Họ biết chắc sẽ được thăm nuôi và gặp mặt gia đình vợ con, nên sắp sẵn áo quần, trải dài dưới đất cho thẳng và cũng để cán bộ gọi tên là có ngay, khỏi mất thì giờ lục soạn giỏ xách. Đây là trại tạm giam nhốt tù chưa có án nên tù nhân còn được giữ lại những áo quần riêng của họ (mỗi người được phép giữ hai bộ) chứ không mặc đồ tù. Quanh năm suốt tháng chỉ ở trần mặc quần đùi. Áo quần thì cất trong giỏ, chỉ lấy mặc khi đi khai cung, gặp quản giáo làm việc, hoặc gặp mặt gia đình ngày thăm nuôi.

Từ lúc Nhiều đưa thư của tôi cho Khoa và ban quản giáo kiểm duyệt, tôi có ý chờ nhưng chưa thấy nói là được hay không. Nếu thư tôi được Khoa lặng lẽ gởi đi rồi, có lẽ hôm nay tôi nhận quà thăm nuôi của gia đình, mà không biết chừng lại còn được gặp mặt nữa. Tôi đặt hy vọng vào lá thư gởi đi cũng như việc nhận quà trong ngày thăm nuôi hôm nay nhiều lắm. Phần vì sự đói thiếu của thân xác, phần vì muốn tin tức tôi bị bắt vào tù chính thức đến tai các bằng hữu khác của tôi. Tôi bị bắt ngoài đường bốn tháng trước, đã có ai hay tin đâu! Nếu không biết tin tôi đã bị bắt và không biết được Hân là kẻ đặc tình cho công an Sài Gòn, nhiều bạn bè khác của tôi sẽ bị sa lưới.

Tám giờ sáng đã có anh nuôi xách giỏ đem vào phòng, gọi tên. Rồi lần lượt hết anh nuôi này đến anh nuôi khác, tay xách những giỏ nặng hay những bao tải, đưa vào, gọi tên. Những khuôn mặt nhận quà hí hửng. Những cái miệng nhồm nhoàm nhai thức ăn. Những điếu thuốc thi nhau thả khói mịt mù phòng giam. Tiếng nói cười rôm rả. Phòng giam rộn ràng như buổi họp chợ. Vài tù nhân đứng tựa cửa sổ ngóng nhìn ra sân trại, dán mắt vào những giỏ đồ trên tay các anh nuôi đang xách vào. Một đám tù nhân ngồi xúm xít ngay ở lồng khung, nơi mà các anh nuôi sẽ bước vào đặt giỏ xuống đất, đọc tên người nhận.

Tôi ngồi uống trà với nhóm tù chính trị ở góc phòng thuộc đội 1, ngay chỗ nằm của Quái và tôi. Đội 1 và đội 2 nằm ở phía ngoài, hai bên cửa sắt và lồng khung, mỗi đội có một cửa sổ nhìn ra sân trại. Đội 3 và đội 4 bên trong không có cửa sổ. Mấy tháng đầu tôi ở đội 4; từ lúc có nhiều người được trả tự do, tôi được Nhiều, anh trưởng phòng đổi qua đội 1, cùng một đội với Quái. Quái nằm sát vách, tôi nằm kế bên. Chỗ tôi cách cửa sổ chừng một thước tây, thỉnh thoảng có gió lùa vào cũng thoải mái.

Đám tù chính trị ngồi uống trà với nhau, từng người một rời phòng đi gặp mặt gia đình và nhận quà thăm nuôi. Vẫn chưa thấy anh nuôi nào đọc cái tên hai chữ quen thuộc của tôi. Đến trưa, tốp chính trị dọn cơm ăn chung với nhau như thường lệ vào những ngày thăm nuôi. Họ bày một bữa ăn thịnh soạn, mỗi người hai hoặc ba món, mười người thì tràn lan, chiếm gần một nửa diện tích của đội 1.

“Thầy Khang, ngồi vào đây đi,” Quái kéo tay tôi.

“Tôi có đậu hũ chiên cho thầy nè, còn rau sống, cải tươi, để thầy nấu canh ăn cho mát, nhưng những thứ đó để tính sau đi, bây giờ ăn cơm với đậu hũ cái đã, há,” Dưỡng nói.

“Xì dầu đây, số dzách đó, sư phụ cất để dành mà ăn, tôi thì dễ lắm, có nước mắm với đồ ăn đủ thứ rồi,” ông Thai, một người Hoa ở Chợ Lớn bị tình nghi tổ chức vượt biên, chuyển bình xì dầu đến chỗ tôi.

Tôi ngồi xuống bên cạnh Nhiều. Họ mời nhau một tiếng lịch sự rồi bắt đầu bữa ăn vui vẻ. Một lúc, Nhiều nói nhỏ vào tai tôi:

“Đã nhờ bà xã nhắn về nhà thầy rồi. Yên tâm.”

Sau bữa ăn, họ cứ ngồi đó hút thuốc, tán gẫu. Có mấy bịch cà phê đen gia đình đưa cầm tay mang vào, họ rót ra mấy cái chén nhỏ, uống chung. Tôi ngồi đó mà vẫn thấp thỏm, chờ đợi, hy vọng.

 

Rồi nắng bớt gay gắt trên sân. Ánh nắng chiếu xiên qua cửa sổ, lọt vào thềm phòng giam. Vẫn chưa thấy anh nuôi nào gọi tên tôi, dù rằng nhiều cái giỏ khác đã được đưa vào lồng khung.

Rồi bữa cơm chiều của trại đã phát. Sau đó chừng mười phút, đám tù chính trị lại bày mâm cơm thứ hai trong ngày. Họ lại mời tôi ngồi vào ăn chung. Đậu hũ chiên ăn với xì dầu. Ở chùa thành phố, món này thường thôi; nhưng ở chùa thôn quê, kể ra ăn chay như vậy cũng là khá sang. Vừa ăn vừa ngóng chừng anh nuôi gọi tên. Đám tù chính trị dường như cũng hy vọng giùm tôi. Thấy anh nuôi đem giỏ vào là họ xì xầm:

“Chắc của thầy Khang?”

“Rồi, giỏ của thầy Khang…”

“Ô kiểu giỏ lát này chỉ có dân Sài Gòn… chắc của thầy Khang đây!”

Vậy mà rồi chẳng thấy cái giỏ nào mang tên tôi. Tôi không ngờ có một lúc trên đời, tôi lại có những hy vọng chờ đợi rất tội nghiệp vào một cái giỏ quà như vậy! Trước đó, tâm tôi bình lặng, lắng đọng mỗi ngày, dù đói thiếu. Nhưng kể từ khi được Khoa cho viết thư cho gởi đi, tôi lại bắt đầu vọng động, mơ tưởng. Trọn ngày thăm nuôi, hình như không có một ý tưởng nào đẹp đẽ hiện ra trong đầu óc tôi ngoài cái mơ tưởng về một giỏ quà thăm nuôi do gia đình gởi vào. Cái giỏ thăm nuôi bấy giờ có vẻ như là cả lẽ sống của đời tôi vậy.

Cuối cùng, kẻng báo hết giờ làm việc. Cửa sắt đã đóng, đóng luôn cả niềm hy vọng của tôi và vài bạn tù không có thăm nuôi khác. Sẽ không có chuyện một cái giỏ nào đến trễ sau giờ đó. Đèn phòng được bật sáng, và bên ngoài, đêm buông xuống dần.

Buổi tối, phòng tổ chức văn nghệ. Ngồi uống trà nghe các bạn ca hát, nhảy nhót, tôi vui lây và quên luôn thực tế là tôi vẫn chưa liên lạc được với gia đình. Cái gia đình ấy tôi đã từ bỏ để đi tu trên mười lăm năm, không vướng bận gì nhiều lắm, bây giờ lại trở nên một cái gì rất thân thiếtcần thiết cho đời sống tù của tôi. Vâng, hình như đến giây phút cuối ngày ngồi tư lự bên chén trà nóng uống chung với những người bạn tù tứ hải giai huynh đệ, tôi mới nhận ra rằng cái giỏ quà thăm nuôi không phải chỉ đơn thuần là “thực phẩm cứu trợ” mà còn là biểu tượng thực tế chứng minh cái thâm tình cốt nhục thiêng liêng giữa tôi và gia đình. Rõ ràng là bao nhiêu tình cảm mà tôi cố tình cắt đứt để đi tu năm xưa đã ùn ùn hồi sinh trong tôi từ những tuần đầu vào tù. Điều này phải chăng vì cửa ngục đã cắt đứt ý chí xuất trần của tôi để nối tôi về lại với gia đình thế tục, hay vì tâm chí tôi lâu nay chỉ xuất gia trên mặt hình thức chứ không xuất gia trong ý nghĩa rốt ráo nhất là vượt bỏ những ràng buộc của ba cõi luân hồi? Phải chăng đây cũng là một thứ thử thách để trắc nghiệm sợi dây tình cảm của tôi đối với cuộc đời?

Thật ra, một người xuất gia như tôi đáng lý phải gởi thư về bạn bè thân quen ở các chùa chứ không cần phải gửi thư cho gia đình. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ, thấy rằng sự kiện viết thư cho các chùa chỉ thêm phiền cho các người bạn tu của tôi mà thôi. Công an sẽ nghi ngờ là những người bạn này có dính líu gì đến Phục quốc. Thôi, dù gì thì chuyện liên lạc với gia đình vẫn là điều tự nhiên, không ai thắc mắc. Vả lại, khi viết thư cho gia đình, rõ ràng tôi đã thật xúc động, thấy thương nhớ cha mẹ già mà tôi chưa có dịp phụng dưỡng báo ân. Tôi đã viết một lá thư rất thực tế (vì chỉ nói chuyện sức khỏe, dặn dò chuyện gởi thức ăn) và rất “đời” (vì nó thuần túy là lời lẽ nói lên xúc cảm của một đứa con đối với gia đình thân yêu). Vậy mà lá thư đó đã bị kiểm duyệt thế nào đó để rồi ngày thăm nuôi vừa qua, không có một dấu hiệu gì cho thấy là gia đình đã nhận được…

 

Ó

 

Qua ngày 01 tháng 9, nhằm ngày chủ nhật, trại giam không làm việc, cán bộ không mở cửa cho tù nhân ra sân chơi; vào cái ngày mà không ai còn chút hy vọng gì về chuyện thăm nuôi nữa (chỉ hy vọng vào ngày 15 sắp tới thôi), thì bốn giờ chiều, anh nuôi xách một cái giỏ vào phòng giam, đứng ở lồng khung, lôi miếng giấy nhỏ trong túi ra, lẩm nhẩm một lúc rồi hô:

“Vĩnh Khang, có thăm nuôi.”

Tôi giật mình, ngạc nhiên, vui mừng đến rưng nước mắt. Các bạn tù trong phòng la ó lên như thể chính họ được trúng số hay được trả tự do vậy. Không phải chỉ có tôi mới chờ đợi cái giỏ quà ấy. Các bạn tôi cũng chờ đợi giùm cho tôi. Tôi có thể đọc thấy trong mắt họ, dù tôi là một nhà tu khổ hạnh, trong phòng giam này chưa có người tù nào chịu đựng thời gian không thăm nuôi kéo dài đến nỗi bệnh hoạn thập tử nhất sinhđau khổ như tôi cả…

Tôi đón cái giỏ, kéo qua khoảng trống giữa hai song sắt, đem về chỗ nằm của mình. Run run soạn ra, tìm xem có một bức thư hay một mẩu giấy nào trong đó không. Ngoài cái mùng nhỏ và một tấm chăn mỏng, chỉ có thức ăn. Thức ăn gói ghém của một gia đình chưa có kinh nghiệm thăm nuôi. Thức ăn gì mà mỗi thứ một chút, toàn là thứ đắt tiền mua ở tiệm (chứ không phải mua ở chợ). Giỏ quà thăm nuôi này ngó qua là biết giỏ quà của dân thành thị, và có thể là của một gia đình phong kiến gốc Huế, gói ghém giống như dọn ăn trên bàn, thứ gì cũng tí tẹo, gắp một đũa là hết. Không có một miếng giấy nào có thể cho tôi biết ai là người đã gởi giỏ quà này đến cho tôi. Chưa chắc là gia đình tôi gởi! Lấy gì chứng minhgia đình tôi gởi nào? Nhưng không phải gia đình tôi thì còn ai vô đó? Thôi thì cứ mở đại cái hộp bánh Bảo Hiên Rồng Vàng có thắt cái nơ hồng sang trọng kia để đãi bạn bè cái đã!

Ô, trong hộp bánh, nơi mặt sau của nhãn hiệu, có ghi hai chữ: Như Tâm.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/10/2013(Xem: 7116)
30/06/2015(Xem: 5230)
02/04/2023(Xem: 2252)
27/04/2020(Xem: 4459)
20/10/2018(Xem: 6678)
24/10/2020(Xem: 4789)
21/11/2015(Xem: 7403)
02/07/2023(Xem: 1942)
23/03/2019(Xem: 9202)
24/01/2015(Xem: 5142)
06/03/2015(Xem: 12508)
31/12/2016(Xem: 8968)
28/05/2014(Xem: 8648)
02/09/2022(Xem: 1804)
02/09/2019(Xem: 5740)
25/05/2020(Xem: 5371)
02/01/2019(Xem: 8343)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.