An trong cõi bất an

26/01/20201:00 SA(Xem: 11783)
An trong cõi bất an

AN TRONG CÕI BẤT AN

 Vĩnh Hảo

 

blank
Sư Phra Mana - tu viện Sunnataram ở New South Wales

Những cánh rừng bạt ngàn, nối nhau rực cháy suốt mấy tháng cuối năm ở Úc. Hình ảnh lửa phừng đăng trên báo chí, truyền hình thật kinh hãi! Tưởng chừng hỏa ngục được ghi lại trong những bản kinh tôn giáo. Hàng trăm nghìn gia đình phải di tản, dạt về hướng ven biển để tránh lửa, nhưng vẫn không tránh khỏi cái chết đối với một số người; và thảm thương nhất là muông thú: tin tức cho hay khoảng một tỉ động vật hoang dã bị thiêu chết. Nạn cháy rừng ở Úc được toàn thế giới chú tâm theo dõi, đau xót, lo âu, đóng góp cứu trợ và cầu nguyện. Rồi mưa xuống. Mưa thật lớn trên những cánh rừng thưa, cây cỏ tróc gốc, khiến tạo nên lũ lụt ở một số nơi. Tai nối tai, họa nối họa, chẳng biết đâu mà lường.

Nhưng thiên tai thực ra chẳng phải là điều gì lạ lẫm trên hành tinh nầy. Cảnh giới này vốn là cảnh giới bất an, bất toàn.

Cộng nghiệp của loài người và các loài khác trên trái đất là cùng sinh sống trên một quả cầu lửa được bọc bằng lớp vỏ mỏng (Crust) có độ dầy từ 8 đến 45 cây số trong khi phần ruột bên trong, gồm lớp phủ (Upper và Lower Mantle), có bề dầy 2,900 cây số từ mặt đất, với nhiệt độ của dung nham (Magma) từ 700 đến 1,300 độ C; cho đến lõi ngoài (Outer Core), rồi lõi trong cùng trung tâm trái đất (Inner Core) sâu khoảng 6,377 cây số. Ở lõi ngoài, nhiệt độ từ 3,700 đến 4,300 độ C; còn ở lõi trung tâm, nhiệt độ lên đến 7,000 độ C. Nhiệt độ ở mức ấy, trên mặt đất và bầu khí quyển, người ta không thể nào tưởng tượng ra nổi.

Nói chung là muôn loài đang sống trên bề mặt của một hành tinh mà cốt lõi nguyên thủy là một khối lửa, nguội và rắn lại từ 4 tỉ rưỡi năm trước, trong khi đại dương hình thành từ 3 tỉ 800 triệu năm, và sự sống của một số thực vậtthú vật mới bắt đầu từ 500 triệu năm trước; còn loài người tiền sử thì chỉ xuất hiện sớm nhất cách nay từ 4 đến 6 triệu năm.

Nhìn bề dày của trái đất mà so với thân người bé nhỏ, rồi nhìn cái bao la vô tận của không gian vũ trụ với hàng nghìn tỉ tinh tú trong hàng nghìn tỉ thiên hà mà so với trái đất bé tí...; ngẫm niên đại thành hình của trái đất 4 tỉ rưỡi năm so với thời kỳ xảy ra Big Bang gần 14 tỉ năm, và tuổi của ngân hà, thiên hà... mới hay, đời người trăm năm thật chẳng là bao.

 

Thế nhưng đời người không phải chỉ có thân, không phải chỉ có tuổi tác. So sánh làm gì với tuổi tác và cái bao la của sơn hà đại địa, của ngân hà và thiên hà xa xăm!

Con người còn có tâm, và chính cái tâm này có thể vẽ nên muôn vàn cảnh giới, thiên đàng/địa ngục, thánh/phàm, hạnh phúc/khổ đau, giác ngộ/vô minh...

Cũng một tâm ấy, giữ bình thường, thì là bản tâm, chân tâm. Vọng động, manh động lên bởi tham ái thì là vọng tâm.

Cũng không thể nói là “giữ” cho tâm bình thường. Vì có một sự cố gắng nào đó để giữ cho tâm bình thường, đã là vọng động.

Cũng không thể nói cứ để mặc như thế, trơ lì như gỗ đá là thể hiện được chân tâm.

Tâm linh hoạt, ảo diệu, như gương, soi và chiếu tất cả. Nó luôn có mặt như thế, ở đây và ở kia, chốn này và cùng khắp.

Nói thì đơn giản nhưng để có được một tâm như vậy, nhà đạo phải trải ngày đêm sáu thời, trừng trừng nhìn vào chốn ấy, miên mật quán sát bộ mặt thực xưa nay (1): xuất sinh từ đâu và diệt đi về đâu. Quán tâm như ngọn sóng. Cỡi nắng về mặt trời (2). Quán ngọn sóng từ đâu khởi sinh, và khi diệt thì về đâu. Dõi theo tâm như dõi theo tia nắng mặt trời. Mặt trờinơi sinh xuất tia nắng, muốn trở về với mặt trời thì cỡi tia nắng mà về. Tức là tâm sinh từ đâu thì diệt cũng từ đó. Tìm đến tận nguồn sinh bằng chính chỗ về, chỗ diệt, giống như sóng sinh từ nước thì khi diệt nó cũng trở về nước. Bản tâm nằm ở nơi ấy.

Tâm bình thì thế giới bình. Tâm an thì thế giới an.

Cảnh giới bất an nầy đều từ vọng tâm mà dấy khởi. Nước trôi, lửa cháy, chiến tranh, giặc giã... đều từ một tâm tham mà tràn lan khắp chốn. Thế giới hiện bày từ vọng tưởng đảo điên của con người. Nói cách khác, con người đã vẽ nên cảnh giới tương xứng với tham tâm, vọng tưởng của nó. (3)

Nhưng vọng tưởng ấy, thực ra, không cần phải diệt trừ; mà chân tâm, chí cùng, cũng không cần phải vọng cầu (4). Không thể diệt trừ cái không có thật. Cũng không thể cầu mong cái gì đã sẵn có, luôn có.

Lẳng lặng đi, đứng, ngồi, nằm - một tâm ấy trong tự tại an nhiên, không đặt tên, phán xét. (5) Chính nơi đó, bộ mặt Chúa Xuân hiển hiện. (6)

 

Trầm xông thoảng một cảnh thiền. Sương mai đẫm một vườn sau.

Hoa xuân rung nhẹ bên thềm hiên vắng.

Một chung trà nóng, mời tri âm.

 

California, 4 giờ 30 sáng mùng Một Tết Canh Tý

25.01.2020

Vĩnh Hảo

(www.vinhhao.info

 

 

______________

 

(1)  Bản lai diện mục, một thuật ngữ nhà Thiền chỉ cho chân tâm.

(2)  Các pháp quán tâm của Thiền.

(3)  Chánh báoy báo.

(4)  “Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân” (Huyền Giác - Chứng Đạo Ca)

(5)  “Hành diệc thiền, tọa diệc thiền / Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên.” Trúc Thiên dịch từ Chứng Đạo Ca: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền / Nói im động tịnh thảy an nhiên.”

(6)  “Đông hoàng diện,” bộ mặt của Chúa Xuân (trong câu “Như kim khám phá đông hoàng diện,” bài Xuân Vãn, của Trần Nhân Tông).

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/09/2014(Xem: 11251)
01/10/2013(Xem: 7370)
30/06/2015(Xem: 5459)
02/04/2023(Xem: 2765)
27/04/2020(Xem: 5013)
20/10/2018(Xem: 7430)
24/10/2020(Xem: 5576)
21/11/2015(Xem: 8147)
02/07/2023(Xem: 3125)
23/03/2019(Xem: 9981)
24/01/2015(Xem: 5349)
06/03/2015(Xem: 13295)
31/12/2016(Xem: 10033)
28/05/2014(Xem: 9067)
02/09/2022(Xem: 2267)
02/09/2019(Xem: 6559)
25/05/2020(Xem: 6257)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :