Buổi sáng hôm nay bầu trời Cali quang đãng và xanh ngắt. Hồ nước trước nhà trong veo và cá lội tung tăng… nhả bọt. Thiện đang mơ hồn trong cảnh đẹp thì nghe Từ, vợ chàng gọi rối rít:
“Anh ơi đi nhanh chở con đi học, trễ giờ của con rồi.”
Thiện thủng thỉnh bước vào nhà sửa soạn thay quần áo. Chàng chưa muốn rời khỏi nhà vì tâm hồn còn đang thả mộng ở bên hồ cá và bầu trời đẹp xanh lơ thơ mộng.
Từ lại kêu:
“Kìa anh, em và con đang chờ trong xe. Sau đó mình đi lên chùa Dược Sư cầu nguyện nhé và ghé qua tiệm Goodwill để coi giùm em cái máy khâu. Hôm qua em ghé Goodwill thấy có cái máy coi bộ còn tốt, em cần mua để khâu vá chút đỉnh cho con.”
Thiện thay quần áo và quay trở ra xe, nhìn vợ và con sẵn sàng. Chàng nói:
“Được em, mình lên chùa cầu nguyện đi, năm cùng tháng tận rồi. Cầu nguyện và cúng dường để gia đình mình có được chút phước đức cho các con, sắp sang năm mới rồi đó em.”
Từ, vợ chàng mỉm cười, nụ cười thật xinh xắn. Từ thủa xa xưa, chàng đã thương nụ cười xinh ấy của Từ, vừa đẹp và vừa có nét từ bi. Chàng quay sang bên và hôn Từ. Vợ chàng sung sướng hôn lại và lại nở nụ cười rạng rỡ.
Hai người đã quen nhau trong khung cảnh của chùa và trong sự hộ trì che chở của ánh đạo vàng. Rồi cùng nhau chia sẻ đời sống gia đình, tuy khó khăn và bon chen của đất Mỹ, nhưng lúc nào cũng cùng nhau quay về đạo pháp. Hai đứa con trai vẫn thường cùng cha mẹ tụng chú Đại bi vào buổi tối trong bầu không khí thật là đầm ấm của gia đình.
Cuộc đời dĩ nhiên chẳng khi nào vẹn toàn. Bản chất bất toàn và bất hạnh lúc nào cũng chực chen vào trong mọi giây phút của đời sống. Và dường như trong cõi thế gian vốn bất toàn và bất hạnh đó, mỗi người đều phải im lặng chịu đựng nỗi bất toàn, bất hạnh… mà chẳng thể nào nói ra. Tâm thức chao đảo trước nỗi khổ đau của cuộc đời. Dù lớn hay nhỏ, những nỗi khổ đau vẫn gậm nhấm tâm hồn và nếu không biết cách đối phó, tâm thức sẽ băng hoại từ từ và dẫn dắt đến một sự nổi loạn ở bên trong với niềm cô đơn bao la và đáng sợ.
Đôi khi, chỉ cần nhìn một lá thu rơi rụng… hay một đóa hoa tàn úa, Thiện cảm thấy nỗi sầu muộn đang từ từ dâng tràn trên tâm thức. Dĩ nhiên là chàng có đôi lần tâm sự với Từ, nhưng vợ chàng có một tâm thức khác. Từ có một tâm hồn thánh thiện tự bản chất của nàng, có một tâm thức giản dị và dễ hiểu hơn Thiện, nhìn sự việc qua các hiện tướng và hiểu sự vật qua các hiện tướng đó.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì hai vợ chồng sống hạnh phúc và bình lặng, cùng nhau nuôi con và thực hành Phật pháp và cùng nhau mang lại niềm an vui, hạnh phúc cho gia đình. Tình yêu giữa hai người thật là trầm lặng nhưng cũng rất là sâu đậm, vượt lên ngoài tất cả những lý luận phiến diện của tâm thức.
Sau khi bỏ con tại trường học và lái thêm một chút thì đã đến cổng chùa Dược sư, hôm nay chùa hơi vắng. Khi đến nơi thì hai vợ chồng mới biết là có một vị cao tăng đến từ Ấn Độ ghé qua chùa từ hơn tuần nay để hoằng pháp và quyên góp tịnh tài để trùng tu một chánh điện của tu viện nơi ngài trụ trì.
Thiện nói với Từ, vào đi em kẻo trễ, nhân dịp này mình cúng dường cho cuối năm luôn đi em. Từ mỉm cười gật đầu. Thiện lại nhìn nụ cười và thầm nói trong đầu:
“Em ơi, anh thương đôi môi xinh đẹp này của em quá.” Nhưng vợ chàng không biết gì cả và nắm tay chàng đi vào chánh điện tìm chỗ ngồi.
Thiện nhìn lên chánh điện, vị tăng sĩ đã ngồi trên tòa và đang chú nguyện cho vài vị Phật tử lên xin chú nguyện cho tượng Phật thỉnh tại chùa để mang về nhà thờ phụng. Khuôn mặt của Sư thật là từ bi, nhưng thật là nghiêm trang, mang dáng dấp của một vị đại sư, tái sinh trong một hóa thân với những đại nguyện cứu độ mọi chúng sinh hữu tình. Thiện liên tưởng đến những bài kệ tụng, nói đến cõi tịnh độ, “trang nghiêm cõi Phật”.
Trang nghiêm tự tâm mình chính là trang nghiêm cõi Phật… Tự tâm tịnh độ…
Sau buổi cầu nguyện ngắn, vị tăng sĩ khởi sự thuyết pháp. Thiện thật là ngạc nhiên bởi vì Sư nói tiếng Anh rất là thuần thục và lưu loát. Quả thật hôm nay mình may mắn được diện kiến và nghe pháp thẳng bằng tiếng Anh từ một vị đại đạo sư. Thiện để hết tâm thức trong lời giảng…
Vị tăng sĩ thuyết pháp về Duy thức, một môn học khá khó hiểu trong Phật pháp, vì thính chúng có lời thỉnh cầu. Chắc vì thế mà hôm nay hơi vắng. Đề tài khá khó đối với những Phật tử bình thường. Nhưng Thiện vô cùng hứng khởi bởi vì đây là một đề tài chàng đã bỏ công học hỏi từ nhiều năm nay. Chàng uống cạn từng lời thuyết giảng và lâu lâu quay lại nhìn vợ, Từ cũng chăm chú theo dõi buổi thuyết pháp.
Sau buổi thuyết giảng thì vị Sư người Việt trụ trì chùa Dược Sư lên cảm tạ vị tăng sĩ đến từ Ấn Độ và giới thiệu về vị đó cũng như chương trình trùng tu chánh điện tại Ấn Độ. Lúc đó Thiện mới được biết là vị tăng sĩ này có bằng Anh ngữ từ bên Anh quốc và thường đi du hành theo Đức Đạt Lai Lạt Ma để thông dịch. Thảo nào mà bài thuyết giảng của Sư cực kỳ rõ ràng và thấm sâu trong lòng người đi nghe pháp. Tuy vậy mà chùa Dược Sư cũng vẫn cho người dịch sang tiếng Việt cho một số Phật tử không quen các từ Anh ngữ khó hiểu của đạo.
Sư dạy là mình phải chính niệm theo dõi cái ngã trong đời sống thường ngày, sự chấp ngã điều khiển mình chạy theo tam độc tham sân si, do cái thức thứ bảy là Mạt-na thức… Vì Mạt-na thức, nó núp sau thức thứ tám là Tạng thức, điều khiển mọi hành động thường ngày của mình, thúc đẩy mình tạo biết bao nhiêu nghiệp tích lũy trong Tạng thức để rồi khi chết đi, tái sinh trong thân người mới, chẳng mang theo được gì, của cải tiền bạc, danh tiếng đều bỏ lại… mà chỉ mang nghiệp tích lũy trong Tạng thức của mình đi theo qua thân người trong kiếp mới mà thôi.
Điều này là điều mà Thiện cố gắng thực tập hằng ngày, luôn luôn cố gắng theo dõi xem tâm thức của mình có bị chấp ngã tức là bị Mạt-na thức sai sử không. Bởi vì có một thời gian, chàng đã theo học về thiền Minh sát rất lâu…
Sau khi cúng dường và được vị Sư hộ trì, ban phép lành xong, Thiện và Từ rời chùa ngay chứ không ở lại thọ trai, bởi vì phải đi xem cái máy may và đi đón con tại trường học cho kịp giờ.
Khi đến Goodwill, Thiện đi vào xem máy may ngay, xuất thân là một kỹ sư, chàng có khả năng sửa các máy móc bị hư. Nhưng khi nhìn cái máy cũ kỹ, mà lại còn thiếu khá nhiều bộ phận, chàng lắc đầu nói với Từ là không thể mua dùng vì các bộ phận thiếu có thể sẽ không còn mua được nữa và dù có bán thì giá bán cũng sẽ rất đắt. Từ vui vẻ nói là vậy để thủng thẳng mình đi kiếm cái khác sau.
Vì quyết định không mua máy may nhanh chóng, không cần phải thử máy, cho nên hai vợ chồng còn thì giờ và đi loanh quanh xem. Trời Cali đang mùa thu và sắp vào mùa đông. Khí trời có những hôm trở nên lạnh buốt. Hai người theo bản năng vô tình đi vào khu bán quần áo. Từ đi xem quần áo cho mùa lạnh và gọi chàng khi thấy hai chiếc áo khoác thật là đẹp và cũng là hàng hiệu mà Goodwill bỏ ra bán rẻ.
Chàng thử hai chiếc áo. Thật là vừa vặn, và đẹp nữa. Mùa đông có áo ấm như thế này mặc bên trong chiếc áo lạnh khoác ngoài thì thật là ấm áp.
Từ nhìn chồng và hài lòng, nàng nói:
“Bán rẻ quá anh.”
Thiện cũng thấy thế, chàng cầm hai chiếc áo đi theo Từ loanh quanh để Từ xem áo cho nàng và cho con. Trong lúc đi theo vợ, Thiện im lặng quán sát tâm mình. Hình như chàng vừa mới khởi lên một tâm niệm thích thú hai chiếc áo. Ừ nhỉ đẹp, ấm và thích đấy. Phải giữ lại không người khác mua mất, giá lại quá rẻ so với giá trị thật của chiếc áo gần như còn mới toanh. Thích đấy!
Nhìn ngắm dòng người tranh nhau đi mua đồ rẻ, rồi nhìn vợ chàng cũng thích thú đi xem và lùng các món đồ rẻ, chàng tự nhiên cảm thấy hơi mệt. Không phải cơn mệt của thân thể vật lý. Cơn mệt này đến từ một sự nhàm chán cuộc sống bon chen. Có cái gì mà mình thiếu đâu nhỉ? Ở nhà Thiện còn một đống quần áo chưa bao giờ mặc hết. Cả vợ con chàng cũng vậy. Căn nhà từ nhiều năm nay đã khá đầy ắp đồ đạc chẳng bao giờ dùng đến. Rồi sau vài năm hay hơn, vợ chàng lại đi tom góp các đồ chưa kịp dùng, nhưng đã lỗi thời ấy mang cho các cơ quan từ thiện, như là Goodwill mà chàng và vợ chàng đang ham thích đi lùng mua hôm nay.