LÀNG DUNG QUÊ TÔI
VỚI CÂY BỒ ĐỀ NGÀN NĂM TUỔI
(Nguyễn Văn Hòa)
Trong chúng ta, ai cũng có một quê hương trong tâm tưởng, với hàng cau xanh cao vút, với gốc lúa, bờ tre, cây đa, bến nước, sân đình, và những cánh đồng xanh thẫm lúc hoàng hôn.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đẹp như tranh đó, có tên là Thiên Xuân. Ngày nay địa danh Thiên Xuân không còn nữa, chỉ còn tên ghi trong giấy khai sinh của tôi. Theo lời thầy tôi viết trong gia phả, thời xưa ấy Thiên Xuân thuộc thuộc xã Thiên Đông, vì sự làm ăn cầy cấy không thuận tiện cho nên các cụ mới chia ra làm hai xã – nghĩa là từ đời cụ Nguyễn Phúc Nghiệm, Tổ đời thứ ba trong phả nhà họ Nguyễn, thì đặt ra xã Thiên Xuân. Tuy nhiên, dân số hỗn cư, hỗn canh, hai xã vẫn ở chung với nhau, chỉ có tên xã đứng riêng ra mà thôi.
“Xã Thiên Xuân tục gọi là làng Dung, thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên – vùng trung châu Bắc Việt. Làng này có chừng 200 xuất đinh, còn số ruộng độ 150 mẫu. Phía đông giáp huyện Phù Cừ, phía Tây giáp làng Tam Nông, phía Bắc giáp làng Ngũ Dương, phía Nam giáp làng Đại Nại, tục gọi là làng Nai.
Trong làng cũng có đình để thờ thần hoàng và có chùa để thờ Phật. Ngoài ra có riêng một ngôi đền thờ Đức Thiên Đế, tục gọi là Đậu Dung, cũng là một chỗ linh địa vậy.”
Cũng theo gia phả của dòng họ Nguyễn, bà nội của thầy tôi là bà An Thị Giao có thuật lại cho thầy tôi biết “những cơ nghiệp tổ tiên gầy dựng không phải là dễ. Tỉnh Hưng Yên là tỉnh nhà của những nhân tài có tiếng trong lịch sử nước nhà như cụ Chữ Đồng Từ và bà Tiên Dung là bậc chính tiên. Ông Tống Chân 8 tuổi đỗ Trạng Nguyên, cụ Nguyễn Trung Ngạn 16 tuổi danh thơm sử sách, cụ Phạm Ngũ Lão đánh đuổi quân Nguyên, Cụ Tán Thuật (tức cụ Nguyễn Thiện Thuật, hậu duệ đời thứ 30 của Nguyễn Trãi, là danh tướng Cần Vương khởi nghĩa chống Pháp) lại còn cụ Lê Như Hổ là bậc thiên tài. Anh thư như bà Đoàn Thị Điểm. Đó là những nhân tài trong tỉnh nhà. Còn tại xã nhà Thiên Đông có ghi trong phả nhà họ Nguyễn có cụ Nguyễn Duy Tắc, Tổ đời thứ nhất và cụ Nguyễn Duy Trương, Tổ đời thứ hai là hai cha con cùng đỗ Tiến sỹ. Cụ Nguyễn Duy Tắc đỗ Tiến sỹ khoa thi Nhâm Tuất triều vua Lê Thái Tông làm quan Hiến Sát Sứ (một chức vụ trong triều phụ trách về tư pháp) còn cụ Nguyễn Duy Trương đỗ Tiến sỹ khoa thi Bính Tuất, triều vua Lê Thánh Tông làm quan trong triều đến chức Ngự Tiền Chỉ Huy Sứ.” (tức quan võ trong triều đình, tức tư lệnh quân đội ngày nay)
Như thế, lịch sử ban đầu về mặt địa lý làng Dung thuộc xã Thiên Đông, vì sự làm ăn cầy cấy không thuận tiện cho nên, kể từ đời cụ Nguyễn Phúc Nghiệm, tổ đời thứ ba mới chia ra làm hai xã là Thiên Xuân và Thiên Đông. Ngày nay, theo tổ chức hành chánh làng xã mới, hai xã Thiên Xuân và Thiên Đông không còn tên nữa mà hợp nhất lại thành xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Có thể nói, làng Dung quê tôi là cái nôi văn hoá nông nghiệp, với nếp sống thuần hậu của người dân cày với con trâu của vùng đồng bằng sông Hồng. Làng tôi là một biểu tượng điển hình của nền sản xuất nông nghiệp, trong làng có cổng làng, lũy tre, đình làng để thờ Thành Hoàng làng – vị thần che chở cho ngôi làng, một cái giếng chung, những cánh đồng lúa, chùa và nhà của những người dân trong làng. Những người sống trong một làng thường có quan hệ huyết thống với nhau.
***
Tôi sinh ra từ làng, lớn lên từ làng cho đến năm tôi 11 tuổi theo cha mẹ bỏ làng di cư vào Nam tìm tự do, không vì vậy mà tôi không nhớ quê, không có tình yêu quê hương, không có ký ức về quê cũ của một thời ấu thơ.
Tôi đã xa nơi ấy bằng chiều dài cuộc chiến tranh 30 năm trên quê hương tôi cộng với những năm tháng dài sống nơi đất khách quê người bên kia bờ đại dương. Tôi rời xa quê vào cuối mùa Thu năm ấy. Đến nay tôi đã 80 tuổi đời, vị chi tôi đã xa nơi này đúng 70 năm.
Vào một ngày đầu Xuân, từ bên kia đại dương, tôi quyết định về thăm làng quê dấu yêu của tôi, trước là thăm chú thím Ức và cô Tao tôi cùng bà con họ hàng thân yêu, sau là mong bắt gặp được mùi lúa chín trên cánh đồng lúa vàng, ngọn gió quê hương trong miền ký ức tuổi thơ, được đi dưới hàng cau trên con đường làng, nghe từng chiếc lá xạc xào thanh âm miền thôn dã.
Vì xa quê lúc còn bé nhỏ nên tôi không hình dung ra được con đường về quê như thế nào nên phải nhờ khách sạn tôi lưu ngụ ở Hà Nội lên kế hoạch đưa tôi về thăm. Vì lo ngại cán bộ công an địa phương gây khó dễ cho Việt kiều chúng tôi nên vị giám đốc khách sạn đã hoan hỷ phái một nhân viên vừa công tác bán thời gian cho khách sạn, vừa làm việc trong ngành an ninh cùng với chiếc xe ô tô con bốn chổ ngồi mang bảng số xanh đưa vợ chồng tôi về làng (lẽ dĩ nhiên mọi phí tổn tôi phải gánh trả cộng với chi phí khách sạn tôi ở).
Khi xe qua khỏi Phố Nối tiến dần vào đất quê tôi, tôi đã nhờ người lái xe, chạy chậm dần và bắt đầu ngắm nhìn cánh đồng lúa và tìm cây đề đầu làng mà mẹ tôi nhắc đến. Đã lâu lắm rồi tôi không có dịp ngắm nhìn cảnh đồng quê làng xóm. Cái cảm giác bồi hồi, rưng rưng vui mừng len lén dậng lên trong lòng tôi.
Xe tiến vào con đường làng, lòng tôi bồi hồi hơn. Hai bên đường những đứa trẻ chăn trâu nhìn thấy chúng tôi ngồi trên xe, chúng nhìn xa lạ ngỡ ngàng.
Đây rồi, đã thấy cây đề rồi. Đúng là làng Đậu Dung. Tôi nói với người tài xế kiếm chỗ đậu để chúng tôi đi bộ từ đây.
Thông thường mỗi làng quê ở miền Bắc đều trồng cây đa đầu làng để ai đi xa về là thấy cây đa làng mình, nhưng với làng tôi không phải là cây đa mà là cây đề. Cây đề làng tôi trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh cùng với văn hóa lúa nước của làng quê miền châu thổ sông Hồng.
Mãi đến bây giờ, sau một thời gian dài đằng đẵng xa quê, xa xứ nay tôi mới có dịp trở về thăm làng và đúng như mẹ tôi nói làng có cây đề đầu làng, nay vẫn đứng sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt, luôn tỏa bóng mát cho dân làng và chào đón người con từ phương xa trở về.
Cây đề mà mẹ tôi nói chính là cây Bồ Đề, nay đã nghìn năm tuổi được nhà nước chính thức công nhận là cây di sản quốc gia.
Và khi nói tới làng Dung là nói đến Đậu, hay còn gọi là “Quán Đậu” nơi thờ đấng Tam Thanh. Trước cổng tam quan ngày nay có ghi 4 chữ “Tam Thanh Pháp Giới”. Tôi hỏi chú Ức tôi, chú kể người dân làng và ngay cả chú chỉ biết đó là nơi thờ tam giáo đồng nguyên: đạo Phật, đạo Lão và đạo Nho. Cũng theo lời kể của các bô lão trong làng qua lời chú tôi nói lại, Đậu Dung, xa xưa gồm năm kiến trúc tụ lại bao gồm: ngôi chùa thờ Phật, Nhà thờ Tổ, Nhà thờ Mẫu, ngôi Đền thờ Thành Hoàng và Đình làng nơi hội họp của dân làng.
Thật ra, theo chỗ tôi được biết Tam Thanh là ba vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo tại Trung Quốc. Có thể, từ hồi khai sơn ra làng đã thờ Đạo Giáo được du nhập từ Trung Quốc như một vài ngôi chùa miền Bắc hiện nay có thờ tượng Tam Thanh, điển hình là chùa Tam Thanh ở Lạng Sơn mà trước đây, theo lịch sử của chùa là nơi thờ tự của Đạo giáo, thờ Tam Thanh (Thượng Thanh, Thái Thanh, Ngọc Thanh). Về sau bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tâm linh tín ngưỡng khác nhau, nhất là đạo Phật trong thời Lý Trần là quốc đạo nên Đạo giáo trở nên mờ nhạt trong tiềm thức của người dân, và đền thờ đấng Tam Thanh Đạo Giáo trở thành chùa sau khi đưa thêm Đức Phật Thích Ca vào thờ.
Trong các tranh tượng thờ Tam Thanh, cả ba được tạo hình thành ba ông lão. Nguyên Thủy Thiên Tôn ngồi giữa, cầm viên ngọc, Đạo Đức Thiên Tôn ngồi bên trái, cầm cây quạt, và Linh Bảo Thiên Tôn ngồi bên phải, cầm cây như ý.
Về cây Bồ Đề trồng trước sân chùa là chứng tích lịch sử còn lại từ thuở lập làng, có lẽ vào thời đại Hùng Vương với việc người dân Lạc Việt khai khẩn vùng Châu thổ sông Hồng. Không biết cây này có phải là cây con mang về Việt Nam từ cây mẹ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ không. Nếu quả thật là đúng thì Phật Giáo đã có mặt ở làng tôi từ rất lâu nhưng nay đã mai một và không có một chứng tích nào thêm ngoài cây bồ đề này.
Ngày nay, cây cao lớn, rễ bám chằng chịt có tới 10 người ôm cũng không xuể. Cây có những cành to soắn suýt với nhau, một cành cây cũng phải to như cây cột đình. Từ xa người ta có thể dễ dàng nhận ra cây Bồ đề cao sừng sững. Cây nằm trong khuôn viên Đậu Dung là trung tâm của làng Dung thời đó và bây giờ.
Cây Bồ Đề mang ý nghĩa đặc biệt vì là cây linh thiêng nhất trong Phật giáo và trong nền văn hóa cổ đại Ấn Độ, cây có tên khoa học là Ficus religiosa. Cây gắn liền với lịch sử thành đạo của Đức Phật Thích Ca nên nó được mang thêm nhiều ý nghĩa mới, trong đó nghĩa chính là Giác Ngộ và các nghĩa khác mà theo thời gian các bô lão trong làng truyền nhau lại là mang đến may mắn, an lạc, hoà bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho dân làng.
Từ xưa đến nay, các đời tổng thống và thủ tướng Ấn Độ mỗi khi thăm viếng nước ngoài thường hay mang tặng khách quý cây được chiết ra từ cây Bồ Đề gốc hiện còn tồn tại đến ngày nay ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ.
Ở chùa Trấn Quốc Hà nội cũng có một cây do Tổng Thống Ấn Độ TS. Rajendra Prasad trao tặng vào đầu năm1959 khi ngài viếng thăm Việt Nam. Cây bồ đề này này được chiết từ cây bồ đề Tổ - nơi Đức Phật đã giác ngộ ở Bodhgaya khoảng 2.600 năm trước.
Bồ đề luôn được người dân Á Đông coi là loài cây biểu trưng của trí tuệ và lòng từ bi của Phật giáo. Hằng năm, có hàng triệu lượt du khách trên thế giới, trong đó hàng nghìn Phật tử người Việt, tới chiêm bái dưới gốc cây bồ đề thiêng nơi Đức Phật giác ngộ thành đạo.
Bồ Đề phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhi, nghĩa là sự tỉnh thức, giác ngộ. Cách nay 2.600 năm, Hoàng tử Gautama Siddhartha (Thích Ca Mâu Ni) đi khất thực dừng lại ở Bodh Gaya. Ngài ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề 49 ngày đêm đạt giác ngộ và thành chính quả.
Với Nhà Phật, xét về địa danh thì Bodh Gaya là nơi thiêng nhất. Bồ Đề Đạo Tràng - danh xưng tiếng Việt là một trong bốn thánh tích Phật Giáo, gọi là Tứ Động Tâm tức bốn địa danh đánh dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, gồm: khu vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) – nơi đức Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) – nơi đức Phật thành đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) – nơi đức Phật giảng pháp lần đầu tiên cho năm anh em nhà Trần Kiều Như từng tu khổ hạnh với Ngài và Kusinara (Câu Thi Na) – nơi đức Phật Niết bàn. “Động tâm” – mang ý nghĩa là “làm rung động tâm thức” – vì khi mọi người đến đây hành hương lễ Phật đều nhận được những cảm xúc chân thực, như có thêm nguồn lực vô hình trợ giúp lòng tin khi hướng về chân lý và đạo pháp của đức Thế Tôn.
****
Mải nói chuyện về làng Dung với cây Bồ Đề ngàn tuổi mà tôi quên kể tiếp ngày về quê tôi.
Hôm ấy, trời không nắng lắm, người lái xe dừng xe, đậu gần cây Bồ Đề. Một số đông bà con thấy có khách lạ từ phương xa đến hỏi thăm, chúng tôi nói từ thủ đô Hà Nội về thăm quê, muốn tìm nhà ông Nguyễn Văn Ức. Thế là các cậu bé khoảng bằng tuổi tôi ngày tôi rời làng dẫn ngay chúng tôi đến nhà ông Ức. Người đầu tiên la lên “anh chị Hòa đến thăm” là cháu gái lớn của chú Ức tôi. Chắc cháu nhận ra chúng tôi qua những tấm hình tôi gửi về.
Gần bẩy mươi năm xa quê cũ, chú thím Ức tôi và mọi người trong gia đình mừng rỡ nghẹn ngào. Lúc ấy tôi chỉ biết nén lòng, cảm động trước tình cảm của chú thím và các em, các cháu cùng bà con xa gần.
Gần buổi trưa chú thím dọn mâm cơm đạm bạc với món rau muống luộc, rau muống sào tỏi mà lúc bé tôi thích, thêm một dĩa hột vịt lộn luộc. Khi được biết chúng tôi ăn chay nên tội nghiệp chú cho người đi tìm mua bằng được đậu hũ về luộc chấm với tương cự đà. Rau muống luộc chấm tương và rau muống sào tỏi cùng với món đậu hũ luộc là bữa cơm tuyệt vời không quên với chúng tôi. Trước khi ăn chú thắp ba nén nhang trên bàn thờ để khấn bái ông bà tổ tiên và giới thiệu với tổ tiên con trai thứ là Nguyễn Văn Hòa cùng với con dâu về ra mắt họ hàng. Nhà tôi cảm động tỏ ra bẽn lẽn như người con gái mới bước chân về nhà chồng.
Thế rồi cả trưa ngày hôm đó bà con, trong đó có một số người từng giúp việc cho thầy mẹ tôi còn sống đến thăm hỏi tôi, quay quần trong căn nhà ba gian của chú tôi với những câu chuyện mà tôi không nhớ, những câu chuyện kể hoài không hết chẳng ai muốn về. Lòng tôi ấm áp vui sướng hạnh phúc vô cùng.
Nhìn chú thím, cả hai thân gầy, trán nhăn, vất vả ngược xuôi suốt cả đời vì con cháu mà chưa được ngày nghỉ ngơi. Tôi thương chú vô vàn. Tôi nhắc lại chuyện xưa dưới ánh trăng mờ chú gánh hai em tôi còn nhỏ, đưa thầy me tôi và chúng tôi rời xa làng trong đêm chốn chạy Việt Minh vào Nam. Chú cảm động, không ngờ tôi còn nhớ. Tôi thấy thương chú thím vô vàn. Cảm ơn chú thím Ức.
****
Sau gần 70 năm trở lại quê nhà, biết bao sự đổi thay, đường làng tôi đã được trải bê tông, các em đã có nhà, trong nhà có tủ lạnh tivi và có xe Honda chạy. Tôi cảm thấy lòng vui và được an ủi.
Chiều trôi qua thật nhanh, tôi không có nhiều thời gian để cùng các em ra ngắm đồng lúa xanh, cánh cò bay, mà đi thăm cô Tao, em ruột Thầy tôi và từng nhà anh em, bà con lối xóm.
Vì lý do xa quê đã rất lâu nên còn lo ngại vấn đề an ninh, nên tôi đột xuất đến mà không báo trước cho chú thím, cũng như tôi không ở qua đêm, phải rời làng về Hà Nội trước khi trời sập tối. Chúng cháu xin lỗi chú thím về sự đường đột này.
Cuộc hội ngộ nào rồi cũng phải chia ly. Lòng tôi nghẹn ngào quyến luyến, trước giờ lên xe một số bà con tập trung ở nhà chú thím tôi tạm biệt, họ dặn dò giữ sức khoẻ và hẹn ngày trở lại. Thật lòng tôi muốn ở thêm một ngày nữa để thăm một vài di tích làng, đi thăm cánh đồng ruộng lúa đang trổ đòng đòng, nhưng vì thời gian không cho phép, tôi đành từ giã ra đi.
Tôi lên xe mọi người vẫy tay chào, trong đám đông tôi nhận ra mắt chú thím tôi đang rướm lệ.Tôi tự nhủ lòng mình nhất định sẽ trở về thăm chú và quê hương lần thứ hai.
(Trích từ sách “Hành Trình Tìm Tự Do” sắp xuất bản)
Cận cảnh cây bồ đề làng Dung