

LỜI GIỚI THIỆU
Có thể nói, tam tạng Kinh điển của Phật giáo là một kho tàng tri thức vô cùng đồ sộ mà ít có một tôn giáo hay một triết thuyết học thuật nào có thể sánh được. Tùy vào từng hạng căn cơ khác nhau mà Đức Phật sẽ diễn giảng chân lý dưới một hình thức và góc độ khác nhau. Do đó mà cùng một nền tảng giáo lý lại chia thành
Nguyên thủy hay Đại thừa, cũng như là lý do giải thích cho sự ra đời của hàng loạt các tông phái trong Phật giáo.
Hoa Nghiêm tông được xem là một trong các tông phái lớn của Phật giáo, phát nguồn từ Ấn Độ và thực sự phát triển mạnh mẽ khi du nhập đến Trung Hoa, mở rộng khi du nhập đến Triều Tiên và Nhật Bản… Hoa Nghiêm tông được dựa trên nền tảng giáo lý Kinh Hoa Nghiêm, chủ trương muôn hữu vũ trụ đều do tâm mà tạo ra, các pháp trong thế gian đều tồn tại và gắn kết với nhau qua mắc xích Nhân –duyên – quả, không có một pháp nào tồn tại độc lập bên ngoài đại thể cũng như không chịu sự chi phối của lý tánh Không; nhân và duyên đan xen trong nhau, lý và sự nhiếp nhập lẫn nhau mà trùng trùng vô tận, trùng trùng duyên khởi.
Đã có không ít học giả viết về Hoa Nghiêm và đặt chúng dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau. Với “Hoa Nghiêm Khái Luận”, Hòa thượng Thích Viên Lý đã viết về nó trên nền tảng những tư tưởng mang tính cách tinh hoa và cốt yếu, khái quát và tổng hợp, nêu bật những lý luận trọng tâm của cả một bộ Kinh đồ sộ mà
vẫn bảo đảm ý Kinh không ra ngoài những tri nhận thực tại cũng như việc hoàn toàn bám sát Kinh văn trong quá trình phân tích giúp người đọc dễ dàng thiết lập tư duy trên căn bản của một chỉnh thể thống nhất. Cách tiếp cận nghiên cứu này giúp người đọc rút ngắn tiến trình thể nhập vào biển tuệ của Hoa Nghiêm, dễ dàng nắm bắt tinh thần cốt lõi và chủ đạo của cả một trường tư tưởng lớn trong Kinh.
Ngoài ra, ở chương gần cuối của sách, tác giả đã viết lại những “cuộc đối thoại” giữa Hoa Nghiêm tông và Khoa học, bao gồm Vũ Trụ học, Siêu hình học và Khoa học thực nghiệm, đây là điểm đặc biệt ấn tượng khi đưa một hệ tư tưởng lớn như Hoa Nghiêm đến gần hơn với đời sống thực tại và hàn lâm hóa dưới sự bảo chứng của Khoa học. Yếu nghĩa về Tịnh độ cũng đã được tác giả quan tâm và mở ra cách tiếp cận mới cho người đọc qua lăng kính Khoa học thực nghiệm. Điều này giúp cho giáo lý Đại thừa Phật giáo trở nên thuyết phục hơn trong giới học giả, đặc biệt là giới Khoa học gia Tây phương.
Hòa Thượng Thích Viên Lý là một học giả, nhà lãnh đạo tôn giáo xuất sắc không chỉ trong cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại mà còn đối với cả thế giới. Ngài hiện là Cố Vấn cho Tổ Chức Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (WFB) và là Ủy viên Hội Đồng Đại Học Phật Giáo Thế Giới cũng như tham gia hàng loạt các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng Phật giáo khác trên trường Quốc tế. Được biết đến không những trên cương vị là một nhà hoạt động Phật sự tích cực, chở đầy bi hạnh nhập thế và dấn thân, dù thế, Hòa thượng vẫn chưa bao giờ quên đi trong mình sứ mạng của một học giả vốn đã được tiếp nhận tri thức Phật học từ khá sớm để giờ đây trở thành một bậc thầy thông tường Phật lý xứng tầm trong giới học thuật và nghiên cứu.
Với thế mạnh là Hán học và Anh ngữ, bên cạnh sự tích hợp kiến thức giữa Phật học và Khoa học, các tác phẩm và dịch phẩm của Ngài đều mang một sắc thái đặc biệt khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ một cây bút nào khác. Truyền thống mà hiện đại, quảng bác mà thâm sâu, hàn lâm mà thực tế, gần gũi chính là những từ ngữ khi nói đến những tác phẩm được chế tác dưới ngòi bút của Ngài. Được biết, Hoa Nghiêm Khái Luận là công trình nghiên cứu đã được Hòa Thượng ấp ủ khá lâu và bắt đầu nghiên cứu cũng như soạn thảo từ đầu những năm 2000, nhưng vì công tác Phật sự bận rộn nên mãi đến hôm nay mới thật sự hoàn thành viên mãn. Đây là tâm nguyện, ý chí của một học – hành giả đã vượt lên mọi chướng ngại của ngoại duyên, vì hậu học mà xiển dương, truyền nối Chánh pháp. Sự ra đời với diện mạo hoàn hảo của tác phẩm trong lúc này cũng cho thấy sự cần mẫn và chỉn chu, cẩn trọng và chuyên nghiệp của một nhà cầm bút. Quả thật, Hoa Nghiêm là một bộ Kinh lớn với hệ thống tư tưởng cực kỳ cao siêu và khó lường, không phải ngẫu nhiên mà được cho là bất khả tư nghì hay bất khả thuyết. Do đó, việc diễn giải Hoa Nghiêm không phải là điều mà kẻ sơ học có thể nghĩ tới; cũng như việc diễn giải Hoa Nghiêm đã khó song việc diễn giải làm sao khiến cho hậu học có thể hiểu được và phổ rộng phạm vi tiếp cận đến giới độc giả lại càng khó hơn muôn phần. Từ giáo nghĩa vô cùng cao mầu của Đại thừa Viên giáo, Hòa Thượng Thích Viên Lý đã phương tiện soạn tác thật gần gũi và thiết thực với mọi căn cơ tiếp nhận; bậc thức giả đọc vào sẽ chứng kiến một tuyệt tác tư tưởng chở đầy sự thâm áo học thuật, người sơ tâm đọc vào sẽ thấy một vùng đất phẳng lặng chứa đầy giá trị sống, để rồi đích đến cuối cùng đó là không ngoài việc tùy nghi dẫn người đi vào biển Tuệ, giong buồm Diệu giác.
Hoa Nghiêm Khái Luận dựa trên chánh văn Kinh Hoa Nghiêm (bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh) mà diễn giải, được tác giả chia thành sáu chương, đi từ khái quát tổng thể đến phân tích chi tiết. Tác phẩm không những giúp người đọc hiểu được ý nghĩa nội dung Kinh văn mà còn nắm bắt được những đại cương tư tưởng mang tính tinh hoa của cả một tông phái lớn.
Ngoài việc nêu lên những phương pháp hành trì nhằm đạt được vô ngại trong biển khổ sanh tử, mở ra Tuệ giác vô lậu; tác phẩm còn như một công trình nghiên cứu Khoa học, một áng văn Triết học hướng đến con người và thế giới thực tại, phá bỏ định kiến cho rằng giáo lý Đại thừa là một cái gì đó cao siêu, xa rời thực tế, điển hình nhất là qua nhân duyên cầu Đạo của Thiện Tài Đồng tử. Việc tinh cần học hỏi, khiêm nhường cầu tiến, nuôi dưỡng đức hạnh mà phụng sự lợi tha chính là đỉnh cao của Triết lý thực tại trong Hoa Nghiêm.
Từ đây có thể thấy, cảnh giới cao nhất mà Đại thừa Phật giáo hướng đến đều bắt nguồn từ nơi thế gian, ở trong biển khổ sanh tử mà chèo thuyền đại bi, Bồ Tát đạo chính là phải ở trong lục đạo mà được diệu dụng, con người phải tìm thấy sự giải thoát và an lạc ngay trong thực tại trước khi mong cầu tìm đến một cảnh giới tốt đẹp nào khác.
Bởi lẽ, “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”, và “hiện tại an lạc thì tương lai mới Cực lạc”. Tuệ giác của Hoa Nghiêm không những phá vỡ mọi giới hạn về không gian, thời gian trong khắp càn khôn vũ trụ mà còn xóa mờ sự ngăn cách cố hữu giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, sự phân chia giai tầng giữa nam – nữ, giàu – nghèo, lợi – độn, và rộng hơn là với khắp muôn loài chúng sanh. Sự xóa nhòa này thể hiện tính bình đẳng và duy tuệ của Phật giáo; duy tuệ là trí tuệ, bình đẳng là từ bi, dùng hai điều này làm mãnh lực mà nhập thế hành đạo, dấn thân tích cực, nơi đất uế trược Ta Bà mà trồng sen Tịnh độ… có như vậy mới thật sự là thể nhập biển tánh Hoa Nghiêm, là hành giả Hoa Nghiêm và sống trong pháp giới Hoa Nghiêm.
Kinh điển được nói ra bởi Đức Phật, các vị Bồ tát lớn và được diễn giảng bởi liệt vị tổ sư; sự diễn giảng, hoằng truyền này làm tiếp nối mạng mạch Phật pháp, kiến thiết tòa Liên hoa Đài tạng ở trong hồng trần, nhân gian. Thiết nghĩ “Hoa Nghiêm Khái Luận” đến với chư vị cũng không ngoài tâm nguyện này, quyển soạn tập trên tay độc giả lúc này ngoài việc như một công trình nghiên cứu, nó còn chở đầy tấm lòng lợi tha và Bồ Tát hạnh của một sứ giả Như Lai, đem Phật Pháp ngày ngày hoằng truyền, lưu bố.
Xin cảm niệm công đức soạn tập của Hòa Thượng cũng như giới thiệu đến quý học – hành giả công trình nghiên cứu giá trị này.
Nhà xuất bản
Bodhi Wisdom DN Publishing