NĂM MƯƠI NĂM HẠNH PHÚC NÀO
CHO MỘT DÂN TỘC ?
(Bài 1)
Hoang PhongNăm mươi năm hạnh phúc nào (FR-Bài 1)
Cách nay năm mươi năm, một chuỗi dài biến cố thật kinh hoàng xảy ra trên giải đất quê hương. Có những người còn nhớ, có những người đã quên. Quên hay nhớ tùy thuộc từng mỗi cá thể. Một xúc cảm thật mạnh thường lưu lại một vết hằn thật sâu, thế nhưng ký ức cũng lu mờ với thời gian, các xúc cảm khác mới hơn có thể che lấp hoặc hàn gắn các vết hằn của quá khứ. Nhớ hay quên do đó tùy thuộc quan điểm của mình, vị trí của mình, những gì từng xảy ra với mình đối với chuỗi dài biến cố đó và cả cuộc sống của mình sau đó. Hơn nữa, sau khoảng thời gian năm mươi năm trong cuộc sống, có những người đã già trí nhớ lu mờ, có những người nằm xuống mang theo với mình cả một thời quá khứ, có một thế hệ trẻ lớn lên đẩy lùi các biến cố đó vào lịch sử.
Chủ đích của bài viết này là nêu lên một vài sự kiện bên lề lịch sử để mỗi người trong chúng ta tự suy nghĩ, nhất là để quên hay để nhớ, tùy theo vị trí và góc nhìn của mình về chuỗi dài biến cố xảy ra trên quê hương của chúng ta cách nay nửa thế kỷ. Bài viết không hề có ý lật lại một trang lịch sử nào cả, cũng không dựa vào một quan điểm hay một vị thế nào cả, mọi sự xét đoán và thẩm định hoàn toàn dành cho người đọc. Nhắc lại một vài sự kiện xảy ra trong một mốc thời gian không có nghĩa là đánh giá lịch sử, mà chỉ là cách lau bớt đi lớp mỏng bụi mờ che lấp ký ức của mỗi người trong chúng ta mà thôi.
Thế nhưng mỗi khi sống với những gì hiện lên trở lại trong ký ức mình thì dường như chúng ta cũng nhận định được những thứ ấy với một tâm thức trầm tĩnh và trong sáng hơn. Sự trầm tĩnh và trong sáng đó sẽ giúp mình không còn sợ hãi, âu lo, hy vọng hay ước mơ như trước đây khi còn đang sống trong khung cảnh của các sự kiện và biến cố đó. Nhìn lại quá khứ qua ký ức của mình cũng là cách tự đánh giá mình. Thật vậy, ý nghĩ, ngôn từ và tư cách của mình khi đối phó với các sự kiện xảy ra bên ngoài liên quan mật thiết với bản chất sâu kín bên trong con người của mình. Một tâm thức ngay thật, yêu thương và nhân từ sẽ hướng con người mình lên cao, một tâm thức biển lận, tham lam và hung bạo sẽ hướng con người mình xuống thấp. Do vậy, nhìn vào các phản ứng của mình và của kẻ khác trước các sự kiện và biến cố bên ngoài phải chăng cũng là cách đánh giá chính mình… và cả kẻ khác ? Tuy nhiên trước khi nêu lên các sự kiện bên lề lịch sử thì thiết nghĩ cũng cần phác họa lại bối cảnh lịch sử làm phát sinh ra các sự kiện và biến cố bên lề lịch sử đó.
Thế chiến thứ II chấm dứt năm 1945, mở màn cho cuộc Chiến tranh lạnh (Cold war) giữa hai siêu cường quốc, chủ xướng hai chủ nghĩa xã hội khác nhau, hai bên không gây chiến, mỗi bên chỉ tự bảo vệ mình bằng các thứ vũ khí hạt nhân. Chiến tranh nóng được xuất cảng sang các nước nhỏ bé và hậu tấn, gọi chung là Khối thứ ba (Third World). Người Pháp trở lại Đông Dương, Hồ Chí Minh kêu gọi nổi dậy ngày 19 tháng 12 năm 1946, mở màn cho hai cuộc chiến liên tiếp xảy ra sau đó trên quê hương của chúng ta.
Cuộc chiến thứ nhất gọi là Cuộc chiến Đông Dương (Guerre d’ Indochine / Indochina war) kéo dài 8 năm, chính thức bắt đầu từ ngày 19, tháng 12 năm 1946, như đã được nói đến trên đây, và chấm dứt sau khi người Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Trong cuộc chiến này, một phe là người Pháp và các người lính mộ từ các thuộc địa của Pháp cùng các người lính Việt Nam sống trong các vùng quản lý bởi người Pháp, và một phe là những người kháng chiến Việt-minh, hậu thuẫn bởi khối cộng sản. Trong phe thứ nhất có 75 581 người Pháp bị giết, 64 127 người Pháp mang thương tích, cùng với 419 000 người lính Việt Nam trong quân đội Pháp vừa chết, vừa bị thương, vừa bị bắt, tổng cộng 560 000 người. Trong phe thứ hai gồm những người Việt-minh theo chủ nghĩa cộng sản thì có 300 000 người chết, 500 000 bị thương và 100 000 bị bắt làm tù binh, tổng cộng 900 000 người.
Hiệp định Genève được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia đôi đất nước, mở màn cho cuộc chiến thứ hai trên giải đất quê hương. Cuộc chiến này được gọi là Cuộc chiến Việt Nam (Vietnam War), một cuộc chiến tương tàn vô cùng khủng khiếp. Một phe là những người Việt Nam ‘Cộng sản’, một phe là những người Việt Nam ‘Tự do’. Hai phe được cung cấp súng đạn, hỗ trợ và cố vấn bởi hai thế lực trên thế giới vào thời bấy giờ. Thế nhưng máu đổ thịt rơi, đau thương và nước mắt là của dân tộc. Cuộc chiến chính thức bắt đầu ngày 1 tháng 11 năm 1955, kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975, kéo dài 19 năm, 5 tháng và 19 ngày. Một phe có 320 000 người lính tử thương, một phe có 1 100 000 người lính bị giết. Số thường dân thiệt mạng được ước tính từ 400 000 đến 2 000 000 người, tất cả đều mang cùng một giống nòi, cùng một tổ tiên, cùng một dân tộc. Ngoài ra cũng có 58 209 người lính Mỹ bị giết.
Chiến thắng những người cùng chủng tộc, cùng một giòng máu với mình không hề là một hành động anh hùng nào cả, hình ảnh những đoàn người bồng bế nhau tháo chạy vì sợ hãi trước sự hung bạo của những người cùng máu mủ, cùng giống nòi cũng không nói lên một sự quả cảm hay hãnh diện nào cả. Phía sau sự chiến thắng và sự tháo chạy, đơn giản chỉ là một sự xấu hổ chung cho cả một dân tộc mà thôi. Sự xấu hổ đó đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chiến thứ hai trên quê hương, đồng thời cũng đánh dấu sự chấm dứt của cuộc Chiến tranh lạnh trên toàn thế giới.
Sự xấu hổ đó phản ảnh sự thiển cận và vô ý thức của những người lãnh đạo vướng mắc vào sự thách đố giữa hai khối cường quốc, chủ trương hai ý thức hệ đối nghịch nhau vào thời bấy giờ. Sự chấm dứt của cuộc chiến thứ hai này gây ra một phong trào lánh nạn to lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Theo sự ước tính của Cao ủy Liên hiệp Quốc về người tỵ nạn thì số thuyền nhân (boat-people), tức là những người tháo chạy bằng ghe thuyền, thì số người chết trên biển là khoảng từ 200 000 đến 250 000 người. Kết quả sau cùng của phong trào lánh nạn là khoảng 4 500 000 người Việt Nam lưu vong trên thế giới, một nửa trên đất Mỹ.
Một vài câu chuyện nêu lên bên lề của chuỗi dài các biến cố đó chỉ là cách giúp chúng ta tự nhìn vào chính mình, với hy vọng tự tạo ra cho mình một tầm nhìn đúng đắn, chân thật và nhân bản hơn đối với dân tộc và quê hương mình, dù trước đây mình đứng vào phe bên này hay phe bên kia của cả hai cuộc chiến mang tính cách vừa xâm chiếm vừa phản ảnh sự kình chống giữa hai ý thức hệ khác nhau. Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện thứ nhất dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất
Câu chuyện về một Con tàu vì Việt Nam
Cách nay 46 năm, giữa đêm 29 và 30 tháng 3 năm 1979 (bốn năm sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản miền Bắc), một con tàu chở hàng dài 90 thước, mang tên là Hòn đảo Ánh sáng (Île de Lumière), rời cảng Nouméa (trên hòn đảo Nouvelle-Calédonie, thuộc lãnh thổ của nước Pháp tại Nam Thái Bình Dương) lên đường cứu giúp hàng chục ngàn người Việt Nam tháo chạy vì bị ngược đãi bởi chế độ mới là cộng sản. Họ chen chúc nhau trên các ghe thuyền mong manh, và mỗi khi thuyền bè của họ tìm cách ghé vào bờ, dù là ở bất cứ nơi nào nào, thì đều bị kéo ra khơi. Họ bị hành hung, cướp bóc, trẻ con, phụ nữ và cả đàn ông thiếu ăn, lây nhiễm bệnh tật, khiến hàng ngàn người chết ngoài khơi hải phận của nước Mã Lai.
Ngay từ năm 1978, một phong trào cứu trợ dấy lên thật rầm rộ làm xúc động toàn thể nước Pháp và cả hòn đảo Nouvelle-Calédonie. Bác sĩ Bernard Kouchner cùng với một số nhân vật khác, đứng ra vận động dư luận quần chúng, nhằm phát động một chiến dịch nhân đạo rộng lớn. Tuy nhiên nếu không có sự tiếp tay của vị chủ nhân một Công ty Hàng hải tại Nouvelle-Calédonie là Michel Cordier, thì chiến dịch này cũng sẽ không đạt được một kết quả cụ thể nào cả. Vị Michel Cordier đặc phái một con tàu của mình tham gia vào chiến dịch nhân đạo trên đây trong gần suốt một năm tròn. Vị thuyền trưởng trẻ tuổi của con tàu là François Herbelin, cùng 16 người trong thủy thủ đoàn, không một ai ngờ là mình lại được chỉ định dấn thân vào cuộc phiêu lưu đó. Thế nhưng, với tất cả sự khiêm tốn của mình, tất cả đều một lòng dự phần vào sự thách đố đó.
Con tàu Hòn đảo Ánh sáng tức khắc được trang bị để biến thành một con tàu bệnh viện. Vào cuối tháng 3 năm 1979, con tàu Hòn đảo Ánh sáng rời cảng Nouméa, trực chỉ đảo Poulo Bidong của Mã Lai. Poulo Bidong là một hòn đảo bé tí xíu, chỉ khoảng một cây số vuông, thế nhưng chen chúc trên đó hơn 40 000 người tỵ nạn, trong các điều kiện vệ sinh thật kinh hoàng. Trên đường đến Poulo Bidong, con tàu ghé vào cảng Singapore đón Bác sĩ Bernard Kouchner và một vị Bác sĩ chuyên khoa giải phẩu của cảng Nouméa, cùng một số nhà báo đảm trách đưa tin hàng ngày về sự diễn tiến của trận chiến chống lại thảm trạng trên đây của nhân loại.
Sau khi cứu vớt và chăm sóc cho nhiều ngàn thuyền-nhân Việt Nam (khoảng 10 000 người tất cả), con tàu Hòn đảo Ánh sáng quay trở về cảng Nouméa vào ngày 7 tháng giêng năm 1980, kết thúc một sứ mạng nhân đạo chưa từng có.
Nhằm góp thêm tư liệu cho một cuộc triển lãm sẽ được được tổ chức, Viện Bảo tàng Hàng hải kêu gọi sự tham gia của các nhân chứng ! Nếu quý vị hoặc người thân của quý vị từng trải qua biến cố trên đây, thì xin liên lạc với Viện bảo tàng bằng điện thư qua địa chỉ contact@museemaritime.nc, hoặc gọi điện số 28-68-21.
H.1 Con tàu Hòn đảo Ánh sáng.
H.2 Thủy thủ đoàn, những con người không cùng máu mủ nhưng biết thương người.
H.3 Một con thuyền may mắn.
H.4 Các thuyền-nhân đang trèo lên tàu,
với sự giúp đỡ của vị thuyền trưởng François Herbelin.
Vài lời ghi chú
Câu chuyện trên đây về con tàu Hòn đảo Ánh sáng là những lời giới thiệu một cuộc triển lãm do Bảo tàng viện Hải dương học trên đảo Nouvevelle-Calédonie tổ chức. Cuộc triển lãm này được tổ chức ngày 23 tháng 8 năm 2019, nhằm gợi lại một chiến dịch nhân đạo do một con tàu của một công ty thương thuyền trên đảo tham gia, nhằm cứu giúp các thuyền nhân Việt Nam tháo chạy, sau khi Miền Nam được ‘giải phóng’. Cuộc triển lãm mang tựa là : ‘Hòn đảo Ánh sáng’, sự dấn thân vì nhân đạo của một con tàu của đảo Calédonie’. Độc giả có thể xem bản gốc của phần giới thiệu được chuyển ngữ trên đây theo địa chỉ liên kết : https://museemaritime.nc/decouvertes/focus-sur-l-histoire/237-ile-de-lumiere-un-bateau-pour-le-vietnam27 mars 2019
Trong phần giới thiệu của Bảo tàng viện trên đây về cuộc triển lãm cũng thấy nêu lên lời kêu gọi các chứng nhân về biến cố này. Thế nhưng nói chung cho đến nay không biết là có bao nhiêu người đã đứng ra làm nhân chứng trước các cảnh tượng đau thương gây ra bởi cuộc tháo chạy đó. Dường như phần đông các thuyền nhân, vì một lý do nào đó, không muốn nhắc lại các biến cố đau buồn trong cuộc đời mình. Những gì đau thương phải chăng là để quên đi ? Chẳng hạn như trường hợp các thuyền nhân khâu đô-la, vàng vào bâu áo, vạt áo để dấu diếm, thế nhưng nào qua mắt được bọn cướp biển, chúng lột hết quần áo của thuyền nhân đem về thuyền mình để tìm, khiến cả thuyền trần truồng như nhộng. Hoặc các thuyền nhân phụ nữ cạo đầu để giả dạng các ni sư, hoặc chát phẩn vào người để tránh bị hãm hiếp, v.v. Trên hòn đảo Poulo Bidong, thì nào là các cảnh tự tử, bệnh tật, đói khát, người thì mất cha mất mẹ, người thì mất con, mất em, mất anh, mất chị… Các phái đoàn tôn giáo thì đôi khi quá tích cực trong sứ mạng cao cả của mình… Phải chăng đôi khi chúng ta cũng nên úp mặt trước các cảnh đau thương đó để hình dung những gì tốt đẹp và cao quý hơn, chẳng hạn như con tàu Hòn đảo Ánh sáng vớt người trên biển cả ?
Ngoài ra cũng có một chi tiết đáng cho chúng ta lưu ý, là một năm rưỡi sau sứ mạng đó, vào tháng 3 năm 1980, 15 bác sĩ từng hoạt động trên tàu đứng ra thành lập hiệp hội Bác sĩ vì thế giới (Medecins du monde), hiệp hội này ngày càng lớn mạnh cho đến ngày nay. Phải chăng cảnh tượng khổ đau của các thuyền nhân đã đánh thức lương tâm của họ ? Bác sĩ Bernard Kouchner, người khởi xướng và cũng là một trong số những người tham gia tích cực vào chiến dịch nhân đạo trên đây, có viết một quyển sách thuật lại các sự kiện về biến cố này. Quyển sách mang tựa là Hòn đảo Ánh sáng, phát hành ngày 01.01.1980 (406 tr), nhà xuất bản Ramsay. Độc giả có thể mua quyển sách này, hoặc xem một đoạn trích dẫn khá dài qua các địa chỉ liên kết :
https://www.amazon.fr/L%C3%AEle-lumi%C3%A8re-Bernard-Kouchner/dp/2859561781), sau đó bấm tiếp vào khung có các chữ : Lire l’ échantillon, để xem 113 trang trích dẫn miễn phí.
https://www.fnac.com/a68770/Bernard-Kouchner-L-Ile-de-lumiere, sau đó bấm vào khung có chữ : feuilleter, để xem 113 trang trích dẫn miễn phí.
Câu chuyện về một con tàu trên đây cũng đã gợi cảm ứng cho một sáng tác âm nhạc, một bài hát nổi tiếng một thời, nêu lên trong câu chuyện thứ hai tiếp theo dưới đây.
Câu chuyện thứ hai
Câu chuyện về một bài hát
Bài hát theo thể loại pop rock, rất thịnh hành vào thời bấy giờ, mang tựa là Plus près des Étoiles / Gần lại với trăng sao, nhạc và lời : Jean Garcia. Bài hát réo gọi các con thuyền trôi dạt giữa biển khơi hãy hướng về Con tàu Ánh sáng. Bài hát được sáng tác bằng tiếng Pháp trên đất Pháp vào năm 1980, khi con số thuyền nhân ngày càng gia tăng làm xúc động cả thế giới. Năm 1979 chính phủ Pháp quyết định đón rước 120 000 người tỵ nạn. Tầng lớp trí thức và những người làm chính trị thuộc mọi khuynh hướng, tất cả đều một lòng hưởng ứng, họ đặt sang một bên các chủ trương và các quan điểm dị biệt của họ trước một thảm trạng kinh hoàng của nhân loại.
Bài hát đoạt giải Đĩa vàng năm 1984, và hai năm sau khi đưa lên mạng có 4 triệu người nghe và 17 ngàn người thích. Độc giả có thể nghe bài hát này trên YouTube qua địa chỉ liên kết :
https://www.youtube.com/watch?v=dty7JyWKoKg
Hoặc bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ : Plus près des étoiles (clip officiel). Trong bài hát này có một câu kêu gọi bằng tiếng Việt : ‘Vô đây ! Vô đây’.
Ngoài ra bài hát cũng đã được trình diễn trên sân khấu và đã được đưa vào một album mang tựa là ‘Chuyến xe hỏa chuyên chở các kỷ niệm của tôi’ (Le train de mes souvenirs). Album này cũng đoạt được giải Đĩa vàng và được đưa lên mạng năm 2016. Trong năm đầu tiên có 14,7 triệu người nghe và 53,7 ngàn người thích. Riêng bài hát ‘Gần lại với trăng sao’ thì có 1,5 triệu người nghe và 22,2 ngàn người thích. Độc giả có thể xem hình ảnh buổi trình diễn này trên sân khấu qua địa chỉ : https://www.youtube.com/watch?v=MfkhnDerBMs, hoặc cũng có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ sau đây : Plus près des étoiles (En Concert).
H.1 - Đĩa nhạc Gần lại thêm với trăng sao, sáng tác năm 1980,
đoạt giải Đĩa vàng năm 1984. Trong hai năm đầu tiên sau khi đưa lên mạng có 4 triệu người nghe, 17 ngàn người thích.
H.2 - Đĩa nhạc Chuyến xe hỏa chuyển tải những kỷ niệm của tôi, đưa lên mạng năm 2016, trong đó có bài hát ‘Gần lại với trăng sao’.Trong năm đầu tiên có 14,7 triệu người nghe và 53,7 ngàn người thích album này. Riêng đối với bài hát ‘Gần lại với trăng sao’ thí có 1,5 triệu người nghe.
Lời của bài hát ‘Gần lại với trăng sao’
(Hoang Phong phỏng dịch)
Họ bỏ lại mảnh đất quê hương,
Bỏ lại kinh sách và những cánh đồng ngát hoa,
Xuyên ngang ruộng đồng,
Họ dấn thân vào một cõi mênh mông ngập tràn nước mặn.
Câm nín với yêu thương, không một lời than khóc,
Khép lại những gương mặt hiền hòa.
Mưa rơi, nhạt nhòa đôi mắt họ,
Đưa hai tay với lấy trời cao.
Gần lại, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Trong khu vườn chan hòa ánh sáng,
Hãy quên đi, quên đi những bến bờ nóng bỏng,
Gần lại, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Vừa thoát khỏi sự thịnh nộ của các cơn bão táp,
Hé thấy một chút tự do,
Dưới chân những bức tường bằng đá,
Họ đốt đi những con rồng bằng giấy.
Khép hờ đôi mi mắt,
Ngoảnh mặt đi trước những sợi dây xích xe tăng bằng thép,
Họ ngỡ rằng mình đã già,
Mơ màng hình dung con cái mình lớn lên, lớn lên,
Trong bóng mát tỏa ra từ nụ cười,
Của các pho tượng Phật bằng đá hoa màu trắng.
Gần thêm, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Trong khu vườn chan hòa ánh sáng,
Hãy quên đi, quên đi những bến bờ nóng bỏng.
Gần thêm, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Thoát khỏi sự thịnh nộ của các cơn bão táp,
Vừa tìm được một chút tự do, so với những gì trước đó.
Họ ghé tai nhau khe khẽ:
Sinh tử phải chăng chỉ là đường tơ kẻ tóc ?
Trong đôi mắt khép hờ,
Tia nắng, tia nắng của hy vọng vẫn còn đó long lanh.
Trông kìa, xa xa một con tàu chan hòa ánh sáng.
Giữa trùng khơi, đứt giây một cánh diều rơi xuống.
Quá xa, quá xa, con tàu còn quá xa,
Ngọn gió tự do ơi, hãy mang họ đến gần,
Gần thêm, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Trong khu vườn chan hòa ánh sáng,
Hãy quên đi, quên đi những bến bờ nóng bỏng.
Gần lại, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Thoát khỏi sự thịnh nộ của các cơn bão táp,
Họ tìm được một chút tự do, so với với những gì trước đó.
Gần thêm, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Trong khu vườn chan hòa ánh sáng,
Hãy quên đi, quyên đi những bến bờ nóng bỏng.
Gần thêm, gần lại thêm một chút với trăng sao.
Thoát khỏi sự thịnh nộ của các cơn bão táp,
Họ tìm được một chút tự do, so với những gì trước đó.
Lời bài hát bằng tiếng Pháp
Ils ont quitté leurs terres
Leurs champs de fleurs et leurs livres sacrés
Traversés les rizières
Jusqu'au grand fleuve salé
Sans amour, sans un cri
Ils ont fermé leurs visages de miel
Les yeux mouillés de pluie
Les mains tendues vers le ciel
Un peu plus près des étoiles
Au jardin de lumière et d'argent
Pour oublier les rivages brûlants
Un peu plus près des étoiles
À l'abri des colères du vent
À peine un peu plus libres qu'avant
Au pied des murs de pierres
Ils ont brûlé leurs dragons de papier
Refermés leurs paupières
Sur les chenilles d'acier
Eux qui croyaient vieillir
En regardant grandir leurs enfants
À l'ombre du sourire
Des Bouddhas de marbre blanc
Un peu plus près des étoiles
Au jardin de lumière et d'argent
Pour oublier les rivages brûlants
Un peu plus près des étoiles
À l'abri des colères du vent
À peine un peu plus libres qu'avant
Ils parlent à demi-mots
À mi-chemin entre la vie et la mort
Et dans leurs yeux mi-clos
Du soleil, du soleil brille encore
Une île de lumière
Un cerf-volant s'est posé sur la mer
Un vent de liberté
Trop loin, trop loin pour les emporter
Un peu plus près des étoiles
Au jardin de lumière et d'argent
Pour oublier les rivages brûlants
Un peu plus près des étoiles
À l'abri des colères du vent
À peine un peu plus libres qu'avant
Un peu plus près des étoiles
Au jardin de lumière et d'argent
Pour oublier les rivages brûlants
Un peu plus près des étoiles
À l'abri des colères du vent
À peine un peu plus libres qu'avant
Un peu plus près des étoiles, au jardin)
À peine un peu plus libres qu'avant
Un peu plus près des étoiles
Au jardin de lumière et d'argent
Pour oublier les rivages brûlants
Un peu plus près des étoiles
À l'abri des colères du vent
À peine un peu plus libres qu'avant.
Bures-Sur-Yvette 17.02.25