- Lời Mở Đầu
- 1. Quan Điểm Về Ăn Chay Của Phật Giáo Nam Truyền
- 2. Quan Điểm Về Ăn Chay Của Phật Giáo Bắc Truyền
- 3. Vấn Đề Ăn Chay Được Ghi Chép Trong Kinh Điển Phật Giáo Bắc Truyền
- 4. Quan Điểm Chung Của Phật Giáo Về Việc Ăn Thịt
- 5. Không Giết Hại Giới Luật Đầu Tiên Của Phật Giáo
- 6. Ăn Chay Có Phạm Tội Sát Sinh Không & Cỏ Cây Có Linh Hồn Không
- 7. Ăn Chay Vì Lòng Từ Bi
- 8. Vấn Đề Ăn Chay Ở Nhật Bản
- 9. Vấn Đề Ăn Chay Tại Tây Tạng
- 10. Việc Ăn Chay Tại Các Quốc Gia Tây Phương
- 11. Y Vào Ý Nghĩa, Không Y Vào Văn Tự Chữ Viết
- 12. Chuyển Đổi Chế Độ Từ Ăn Mặn Qua Ăn Chay
- 13. Thay Lời Bạt - Nhìn Lại 44 Năm Chuyển Đổi Chế Độ Ăn Uống
- 14. Phụ Lục 1: Buổi Thuyết Trình Về Vấn Đề Ăn Chay
- 15. Phụ Lục 2: Hỏi ĐápVề Ăn Chay
- Về Tác Giả
QUA LĂNG KÍNH PHẬT GIÁO
Tâm Diệu
Nhà xuất bản: Ananda Viet Foundation 2024
CHƯƠNG 8
VẤN ĐỀ ĂN CHAY Ở NHẬT BẢN
Phật giáo hình thành ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Và ba thế kỷ sau đó, Phật giáo bắt đầu vượt ra khỏi lãnh thổ Ấn Độ và du nhập vào dòng chảy tâm linh, văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên mãi đến đầu thế kỷ thứ VI sau công nguyên, Phật giáo mới bắt đầu du nhập vào Nhật Bản và bám rễ vững chắc vào những thế kỷ sau đó, tác động mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống xứ sở Hoa anh đào này.
Năm 675, Thiên hoàng Tenmu là Hoàng đế thứ 40 của nước này, dựa trên niềm tin Phật giáo qua giáo lý nhân quả luân hồi, rằng con người có thể bị tái sinh thành động vật, nên đã ban hành lệnh cấm giết động vật để lấy thịt ăn trên toàn lãnh thổ, từ vua đến các quan quần thần, tới hệ thống gia đình hoàng tộc đều thực hiện nghiêm túc, bất cứ người dân nào giết động vật đều bị xử phạt. Lệnh cấm này kéo dài khoảng 100 năm. Điều luật này đồng nghĩa với việc toàn dân đều ăn chay.
Việc tái sản xuất thịt xảy ra khi những người nước ngoài đầu tiên du lịch đến đất nước Nhật Bản. Hội truyền giáo Thiên chúa từ Bồ Đào Nha và Hà Lan đã mang phong tục riêng và chế độ ăn của họ đến. Các lãnh chúa miền Nam của Nhật Bản chấp nhận Thiên chúa giáo và bắt đầu ăn thịt lợn và thịt bò. Dần dần, sự xuất hiện của Thiên chúa giáo như một tôn giáo mới du nhập, sau đó việc tiêu thụ thịt trở nên phổ biến.
Năm 1615, một nhóm tín ngưỡng Phật giáo đã được tái lập ở Nhật Bản với sự thành lập của Mạc phủ Tokugawa, chính phủ quân sự phong kiến Nhật Bản cuối cùng. Vị Shotgun thứ 5 đã tái lập lệnh cấm ăn thịt năm 1687. Trong thời gian này, việc giết hại động vật để ăn là hành động bất hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn có những người săn bắn Nhật Bản nổi dậy chống lại luật này – họ sống trong những ngôi làng trên đỉnh núi và bán thịt cho người dân địa phương và trong các chợ phiên thị trấn. Năm 1760, tại khu vực Kojimachi của Edo (Tokyo cũ), có một số cửa hàng bán thịt động vật. Dưới thời vua Shogun Tokugawa Yoshumune đời thứ 8, sữa và các sản phẩm từ sữa đã được tiêu thụ một lần nữa sau món quà 3 con bò trắng Ấn Độ của người Hà Lan tặng năm 1727. Từ đó số lượng bò phát triển nhanh chóng, và thời đại Minh Trị năm 1868 đã sở hữu hơn 500 con bò ở Nhật Bản.
Nhằm phát triển kinh tế với người phương Tây, Hoàng đế Minh Trị đã tổ chức một bữa tiệc mừng năm mới năm 1872 với phong cách ẩm thực Âu châu. Thịt được dùng để đãi khách trước công chúng lần đầu tiên trong hơn 1000 năm qua. Một báo cáo công khai cho rằng Hoàng đế đã thưởng thức các món ăn thịt bò, và nó đã trở thành phong cách ẩm thực tiếp đãi những người phương Tây. Sau khi thấy Hoàng đế của họ ăn thịt, luật cấm tiêu thụ đã biến mất. Hơn nữa, sau hậu quả Chiến tranh thế giới thứ 2, ẩm thực phương Tây được xem như một dấu hiệu của hiện đại hóa và việc ăn thịt được tiếp tục lan rộng hơn.
Do vị trí địa lý bốn bề bao quanh đều là biển, hải sản và rong biển chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn của người Nhật. Lương thực chính của người Nhật là gạo; Họ thường cuộn cơm nấu từ gạo trong những tấm rong biển xanh đen, tạo thành món sushi, được xem là quốc thực của Nhật Bản. Thêm vào đó, các món ăn chế biến từ đậu nành cũng có tầm quan trọng đặc biệt trong ẩm thực Nhật nói chung và trong ẩm thực chay nói riêng.
Ngày nay, việc ăn chay không được phổ biến ở Nhật Bản. Tuy nhiên, việc ăn chay vẫn còn hiện diện ở đây vì nó gắn liền với Phật giáo. Do đó, những người ăn chay có thể thưởng thức bữa ăn chay 100% và cực kỳ thịnh soạn được gọi là shojin ryori ở những vùng mà Phật giáo Nhật Bản hiện diện như ở Koyasan, gần Osaka và Kyoto, hoặc ở vùng núi Dewa Sanzan, phía nam Aomori.
Và nhìn chung, Nhật Bản vẫn là quốc gia không tiêu thụ nhiều thịt. Hầu như đi đến đâu bạn cũng có thể hài lòng với một bát cơm trắng, món rau ngâm tsukemono, món súp Miso, món chiên tempura hoặc món mì lạnh làm từ bột kiều mạch (buckwheat) Zaru soba.