Bóng râm cội bồ đề

01/10/20189:49 CH(Xem: 4081)
Bóng râm cội bồ đề
Tạp bút

BÓNG RÂM CỘI BỒ ĐỀ


          Cội bồ đề có thân to ba người ôm không xuể. Gồ ghề, sần sùi với những cơ bắp gân guốc nổi lên cuồn cuộn mạnh mẽ để chứng tỏ tuổi đời cũng đã trên hai ngàn năm. Lại thêm những dây rể chằng chịt quấn quít nhau buông sà từ trên ngọn xuống như rể của cây đa, khiến cho ta càng ngắm nhìn càng thấy mình mỏng manh bé nhỏ và yếu đuối.

           Cội càng già càng thiêng. Cội càng lớn càng linh. Màu nâu sậm, màu đen và màu đỏ hòa hợp đan xen nhau, làm nổi bật thân cội bồ đề trên một nền nhạt có dòng sông xanh trôi lặng lờ qua những khóm lá bụi cây xanh rì ở một vùng yên ắng tịch mịch...

Đó là cội bồ đề nơi Đức Phật ngồi chứng thành đạo quả.

            Và đó là cội bồ đề mà tôi đã chọn mẫu để in phóng to trên một bức phông simili, với kích thước 1,5x1,5m, rồi đặt treo sau thánh tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni "niêm hoa vi tiếu" mà Thượng tọa Thích Thông Huệ, giảng sư, giáo thọ thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đã ban tặng cho gia đình thiết vị thờ phụng từ mười năm về trước.

            Với thời gian mười năm, không dài lắm, nhưng cũng không hề ngắn, cội bồ đề luôn hiện hữu phía sau thánh tượng Đức Phật an vị trên bàn thờ tư thất, trên căn gác gỗ ọp ẹp chật chội, làm sáng lên thánh tượng, và tôn thêm vẻ trầm mặc uy nghiêm của cảnh giới thanh tịnh, để hằng ngày hằng đêm những người con hư hỏng lầm mê quay trở về chiêm bái, dâng hương cúng hoa, trì kinh niệm chú, phát tâm bồ đề thề nguyện đoạn ác tu thiện, phụng sự đạo pháp...

           Vậy rồi, tôi chuyển dời về nhà mới. Lúc thu dọn nhà, vì đã tính trước là bàn thờ Phật ở nhà mới sẽ chờ thuận duyên đắp một bức phù điêu hoành tráng trên vách sau thánh tượng Đức Phật, nên rất phân vân trước bức phông cội bồ đề simili. Tháo gỡ xuống rồi, ngắm nhìn vẫn thấy thương thấy quý, thấy tiếc và "sợ mang tội" nếu như quăng bỏ chung vào những thứ linh tinh lỉnh kỉnh đã hết hạn sử dụng. Vì vậy, khi chuyển đồ đạc lên xe, bức phông cội bồ đề cũng được giữ lại, và chuyển di lên nơi an trú mới lạ, để làm gì thì chưa biết, cứ mang theo cho tâm khỏi áy náy là được.

          Thời gian đầu ở nhà mới, do không được treo lại, nên bức phông được đưa lên sân thượng, cũng cả tháng trời dang nắng dầm sương, chưa biết được thân phận sẽ đi đâu, về đâu...

           Và rồi, khi thợ đến lắp đặt một máy tăng áp để bơm nước lên bồn chứa trên tầng thượng, nằm ở góc sân nhỏ bên hông trái ngôi nhà, dưới hàng rào sắt, trống trải nắng hắt mưa tạt. Thợ đã đề nghị gia chủ nên che chắn chỗ hàng rào lại bằng một tấm mica trong suốt khổ lớn, để nắng mưa không làm hỏng máy tăng áp.

          Ngay lúc đó, tôi liền nghĩ nhớ ngay đến bức phông cội bồ đề simili. Tôi bắc thang leo lên tầng thượng, buộc dây, thả xuống cho con trai ở tầng dưới đỡ lấy, triệu thỉnh trịnh trọng đàng hoàng, rồi hai cha con cùng nhau treo bức phông lên, buộc kẽm chắc chắn, đúng vị trí bảo vệ máy tăng áp.

           Treo xong rồi, tôi đứng ngắm nhìn với lòng thanh thản, sảng khoái, và rất vui khi cội bồ đề vẫn còn tỏa bóng râm che mát một góc sân nhà, không chỉ che cho chiếc máy tăng áp, mà còn giảm bớt nắng hắt mưa sa cho người nào ngồi nơi đó làm công việc lau rửa bên vòi nước đầu ống nguồn...

            Như một bức tranh. Vẫn đẹp , và uy hùng.

 

 

                      Mãn Đường Hồng


blankblank

Tạo bài viết
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.