ĐƯỜNG RỘNG DƯỚI CHÂN NON

13/10/20189:00 CH(Xem: 4453)
ĐƯỜNG RỘNG DƯỚI CHÂN NON
TRUYỆN NGẮN
ĐƯỜNG RỘNG DƯỚI CHÂN NON

    

            Chị Thúy nhận được một lúc hai tin, một rất vui và một hơi buồn. Vui, là đứa con gái của chị, Thảo Trang, năm nay vừa vào học năm thứ nhất trường Cao Đẳng Sư Phạm, đã được nhận một học bổng dành cho sinh viên nghèo, học giỏi và hiếu thảo do một cơ quan báo chí trao cấp. Một gánh nặng trên vai bấy lâu đã được nhẹ vơi một nửa, còn gì vui bằng. Buồn, là chị đã không còn được phụ việc cho cái quán điểm tâm giải khát nằm trong khuôn viên của sân quần vợt lớn nhất nhì trong thành phố. Chủ quán người ta cần những cô gái trẻ đẹp, có ngoại hình quyến rũ, lanh lợi, để làm tiếp viên cho nơi quy tụ những người phong lưu trưởng giả. Trong khi chị thì đã héo tàn, tuổi đã gần chan mươi, chỉ được cái siêng chăm cần mẫn mà chẳng được cái nhanh nhẹn, hấp dẫn người khác. Hợp đồng bị cắt ngang, chỉ được đền bù một ít tiền đủ để nuôi thằng Út Quân con chị trong vòng  hai tháng. Vừa vui mừng, vừa hụt hẫng, chị nằm nhìn lên mái nhà tole vá chùm vá đụp mà nghĩ ngợi mông lung…

           Chớp mắt mà đã hai mươi năm, chị đã trải qua một quãng đời đầy gian truân cơ cực. Mười tám tuổi, chị đã lập gia đình,và chồng chị qua đời sau một tai nan giao thông thảm khốc, lúc chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Hạ sinh được Thảo Trang, chị cùng con đã trở thành một gánh nặng cho gia đình vốn đang lâm vào hoàn cảnh bi đát. Nhờ bà ngoại thương cháu, con gái chị được thương yêu đùm bọc, chị đỡ khổ phần nào trong cuộc mưu sinh vất vả. Chị từng bước vượt qua được thử thách, ở vậy nuôi con đến mười năm trời bằng những công việc làm thuê giặt mướn, buôn thúng bán mẹt… cho đến khi gặp một người đàn ông cao thượng và hiền từ.

            Anh Thông, người chồng thứ hai của chị, là một người thật thà, ba mươi lăm tuổi vẫn sống độc thân cho đến khi gặp chị. Anh cũng nghèo, vốn liếng sinh nhai chỉ là một chiếc xe máy Trung Quốc cũ mèm, chuyên chở đường mật cho một lò đường ở ngoại thành xuống bỏ mối cho các lò bánh kẹo ở thành phố. Lầm lũi một mình nuôi thân và người cha già yếu bao năm trời, anh Thông không màng đến mộng ước cao sang, đến con xinh vợ đẹp, vậy mà gặp chị rồi, yêu quý chị rồi, anh đã lao đầu vào cuộc đấu tranh sinh tồn với quyết tâm thật mãnh liệt.

Anh xem bé Thảo Trang như con ruột của mình, kiếm được bao nhiêu tiền cũng dồn hết cho con riêng của vợ. Ban đầu, chị còn bán tín bán nghi, cứ nơm nớp lo sợ khi nghĩ về sự gian dối ngọt ngào của đàn ông . Nhưng rồi, chị đã phải hối hận khi nhận ra người chồng thứ hai của mình sống rất chân thật, không hề diễn tuồng để lấy lòng bất cứ ai. Anh Thông đúng là bậc trượng phu quân tử, một người xưng là con nhà Phật mà không hề hỗ thẹn, ngượng miệng. Anh nói gì  ra cũng đều nghe thấy pháp Phật, những pháp đơn giản, dễ hiểu, dễ ứng dụng vào đời sống thực tế trước mắt, mà anh đã nghe, đọc, học, tập, hành trong suốt những năm tháng bôn ba, cày cực kiếm tìm cơm ăn áo mặc giữa dòng sống đầy nghiệt ngã gian truân. Và chị cũng như bé Thảo Trang đã có phước khi có được anh về sống chung dưới một mái nhà. Anh đã nỗ lực kiếm tiền để tạo dựng gia đình, không rượu chè, không thuốc lá, không ham mê bất cứ môn giải trí nào, tiền kiếm được bao nhiêu đều đem về trao hết cho chị cất giữ . Bé Thảo Trang được ăn học đầy đủ, có cha dượng thương yêu đưa đón hằng ngày, cưng thương nuông chiều đến độ người ngoài cứ tưởng là con đẻ cha ruột. Ngay cả khi chị cho ra đời thằng Út Quân, sự chăm sóc lo toan của anh đối với bé Thảo Trang cũng chẳng hề giảm sút, vơi hao. Thằng Út Quân mới đúng là giọt máu của anh, vậy mà anh chẳng hề cưng quý nâng niu như hồi anh nâng niu cưng quý bé Thảo Trang. Có thêm thằng Út Quân, gặp lúc người cha của anh Thông bệnh nặng kéo dài, hao tiền tốn của, rồi qua đời trên giường bệnh viện, cuộc sống của anh chị lâm vào cảnh túng bấn suy sụp thật nhanh. Cả anh lẫn chị phải đầu tắt mặt tối để chống đỡ trước những khó khăn vây bủa từng ngày. Anh nhất định không chịu cho bé Thảo Trang nghỉ học theo lời đề nghị của chị, mà tuyên bố:

           "Nếu buộc phải cho con mù chữ, thì Út Quân là đứa chịu, chớ không phải là bé Trang!"

         Tưởng anh nói chơi, ai dè anh làm thật. Thằng Út Quân chưa hề được đến nhà trẻ, học mẫu giáo, càng không biết đến trường tiểu học là gì; trong khi chị của nó cứ học thẳng một lèo không một chút trở ngại. Chừng như thu nhập của gia đình đều dồn hết một cửa vào lo cho bé Thảo Trang. Chị đã nhiều lần thủ thỉ khuyên anh nên quan tâm đến con trai, đứa con mới đúng là giọt máu của anh, nhưng anh chỉ cười trừ. Chỉ có một lần anh thều thào bên tai chị về luân hồi vay trả, về nghiệp báo nhân duyên, chị nghe lõm bõm không rõ lắm, nhưng cũng hiểu được rằng anh “nhìn thấy và cảm nhận được” thằng con trai là một oan gia tiền kiếp theo đòi nợ cũ xưa, vì từ ngày nó chào đời, đời sống của cha mẹ nó tụt dốc không phanh xuống đến mức cùng cực, bế tắc…

          Cũng vì vậy mà chị thương thằng Út Quân hơn, mẹ chị cũng vậy, có cho gì cũng cho cháu ngoại trai để bù đắp cho nó. Chị đâu dám làm trái ý anh, nhưng cũng không dễ chiều theo ý anh hết cả. Thằng Út Quân được chị tranh thủ dạy cho học chữ, học số vào giờ chị thật sự rỗi rãnh, dần dần nó cũng biết đọc, biết cộng trừ tính toán như con người ta. Sau này, khi chị đến phụ việc ở quán điểm tâm giải khát trong khuôn viên sân quần vợt, hai mẹ con túc trực tại quán suốt ngày, thằng Út Quân mới gặp được bạn tốt chỉ kèm. Bạn nó chính là thằng Thạc, con của vợ chồng chủ quán. Hai đứa bằng tuổi nhau, chơi với nhau rất hợp ý, thằng Thạc đã tình nguyện kèm cặp cho con trai chị được học phép nhân, chia, và còn học từ ngữ, ngữ pháp. Ngoài những giờ chạy lượm banh cho các cô các bác đánh quần vợt trên sân, kiếm được ít tiền “boa”, tiền thù lao, thằng Út Quân bám rịt thằng bạn tốt của nó để xin học. Nhiều khi thấy con ham học, chị không kềm được nước mắt, và vô cùng cảm kích ghi ơn tấm lòng quý hóa của thằng Thạc đã dành cho con mình. Chị xem thằng Thạc như một người thầy giáo.

           Khi anh hay được chuyện con trai mình được học nơi thằng Thạc, anh cười khinh khỉnh:

           "Nó có học cho mấy, sau này cũng chẳng ích lợi gì!"

          Chị gây với anh một trận, giận nhau đến nửa tháng mới làm lành. Anh biết sai, lẳng lặng dành dụm ít tiền mua sách vở bút mực cho thằng Út Quân, và không quên lâu lâu mua chút quà nho nhỏ tặng cho thằng Thạc. Anh thú thật với chị:

"Nếu lo cho cả hai đứa đi học, anh sợ mình lo không xuể, lo không xuể thì có thể hỏng hết cả hai đứa, không đứa nào học được tới nơi tới chốn. Chi bằng, cứ dồn cho bé Trang, cho đến khi gái chị thành đạt kiếm được tiền thì mới lo cho thằng em!"

Chị ngẫm thấy anh cũng đúng phần nào. Khả năng của anh chị có hạn, đâu có chạy đua với người có tiền, có của được. Đành phải cho thằng Út Quân học hỏi nơi bạn, miễn là nó đừng mù chữ.

           Tin con gái được học bổng làm chị rất vui, anh cũng hớn hở mặt mày. Khoản chi phí lo toan cho Thảo Trang hằng tháng không phải là nhỏ, bây giờ có thể dùng để lo cho thằng Út Quân đi học bổ túc vào ban đêm được. Khổ nỗi, chị vừa mất chỗ làm, mất trắng một khoản thu nhập thường xuyên, xem như thằng con trai chị không có cái duyên được bước vào chốn học đường rồi. Buồn, nằm dài, chị nghĩ cho ra một chỗ làm mới, chứ không thể ăn không ngồi rồi, bắt một mình anh è vai gồng lưng gánh vác. Nhưng việc làm đâu dễ có, đi rã giò còn chưa tìm ra, huống hồ là nằm dài một nơi như chị.

          Đang lúc bấn loạn trí óc, Út Quân chạy ù từ ngoài vào, mặt mày rạng rỡ, reo lên:

         “Má ơi… con được dự thi rồi! Con được thi rồi!”

        “Thi?” chị kinh ngạc “Thi cái gì?”

         “Thi đấu chớ thi gì nữa! Sáng mai con sẽ thi đấu vòng loại, nếu được sẽ vào vòng tứ kết, nếu thắng nữa thì vào bán kết, mà thắng tiếp nữa thì vào chung kết!”

         Chị vẫn chưa hết ngạc nhiên, phì cười:

         “Kết cái gì? Con thi gì mới được?”

         Út Quân hào hứng:

         “Thi đánh quần vợt. Các chú huấn luyện viên đã đồng ý cho con ghi danh rồi. Bắt con ra sân đánh thử cho các chú xem, ai cũng khen con, và cho con được dự giải ngay!”

         “Tưởng gì, chắc mấy chú ghẹo con đó!”, chị ngờ vực, lắc đầu “Giải gì mà dự?”

          “Giải dành cho thiếu nhi! Mai khai mạc rồi, má không nghe nói gì sao?”

           “Nhưng mà… con biết đánh quần vợt hồi nào?”

           Út Quân xổ liền một tăng:

          “Con biết lâu rồi. Suốt ngày chạy lượm banh, xem các cô các chú đánh, con học lỏm học mò, cùng với thằng Thạc ra sân tập đánh vào mỗi trưa vắng không còn ai. Không ngờ, chiều hôm qua nghe có cuộc thi, con theo năn nỉ xin ghi danh, mấy chú ban đầu nghi ngờ, nhưng hồi sáng bắt con ra đánh biểu diễn, mới tin. Chú Tuấn hứa cho con bộ đồ trắng, cho mượn cây vợt nữa, để ngày mai con thi đấu với học sinh các trường cử đến dự giải!”

            Chị buồn cười, cũng không dám tin là con trai mình biết đánh quần vợt, lại còn được dự giải này nọ. Anh hay chuyện, nói:

            "Tưởng gì ghê gớm, rồi cũng thua con nhà người ta. Học võ rừng thì sao địch lại những đứa học bài bản được?"

           Chị động viên con trai:

            "Con cứ tự tin mà tranh giải. Có má đi theo cổ động cho, đừng lo!"

            Thằng Út Quân mạnh dạn nói với cha:

             "Rồi ba sẽ thấy!"

            Sáng hôm sau, chị đi theo con đến sân quần vợt, gặp các cô chú đều là người quen của quán giải khát mà chị làm, ai cũng khen con trai chị nức nở. Chị hoàn toàn tin mọi chuyện xảy ra là sự thật khi chứng kiến Út Quân đánh bại từng đối thủ trên sân. Chị sung sướng trào nước mắt khi con trai chị được bước vào vòng tứ kết. Rồi, chuyện gì đến đã đến, thằng Út Quân chưa gặp đối thủ xứng tay, đã thắng một dây thật ấn tượng, bước vào chung kết như trong mơ. Một chú huấn luyện viên bộ môn này, người của Sở Thể Dục Thể Thao, đã hứa với chị sẽ nhận Út Quân làm học trò, lo hết mọi thứ, kể cả chuyện đi học bổ túc. Chị nghe hai tai kêu vo vo, choáng ngợp trước những lời hứa hẹn của nhiều người có uy tín dành cho con mình. Anh nghe được mọi chuyện, không dám tin, cho đến khi anh ngồi dự khán xem con trai đánh trận chung kết nghẹt thở. Và, chính giọt máu của anh, thằng Út Quân đã chiến thắng oanh liệt, bước lên bục cao nhận chiếc huy chương Vàng cùng số tiền thưởng không nhỏ trong tiếng reo hò vỗ tay của hàng nghìn người. Anh và chị ngồi bên nhau, nắm tay nhau mà siết bóp thật chặt, nín thở từng hồi theo dõi từng cú phát bóng, từng đòn đập dũng mãnh của con trai, rồi nhảy chồm lên với nước mắt tuôn trào, cùng nhảy cà tửng cà tưng vào sân để đón nhà vô địch vào lòng mà khóc như con trẻ…

           Anh gào lên giữa đám đông:

           “Con trai tui đó…  Út Quân con trai tui đó!”

           Khi được một số phóng viên thể theo phỏng vấn, thằng Út Quân chẳng biết nói năng gì, anh chị phải trả lời thay cho nhà vô địch nhí. Đến khi chú Tuấn, một huấn luyện viên lớp năng khiếu hỏi:

           "Nguyện vọng của cháu bây giờ là gì?"

            Thằng Út Quân cười khoe răng sún, nói thật hồn nhiên:

             "Cháu muốn được đi học. Sau đó mới chơi quần vợt!"

           Ông Phó giám đốc Sở Thể Dục Thể Thao đích thân đến bắt tay với nhà vô địch nhí, rồi dõng dạc tuyên bố trước đám đông:

          "Cháu Huỳnh Văn Quân sẽ được Sở cấp học bổng để đi học phổ thông cho đến hết năm học lớp 12. Ngoài ra, sẽ được thu nhận vào lớp năng khiếu để được nâng cao trình độ chuyên môn, được hưởng mọi quyền lợi như vận động viên khác!"

         Chị xúc động ôm con vào lòng, cảm thấy chân mình hỏng đất như đang được phiêu bồng cùng trời mây cao cao. Nhưng chị lại biết chắc ngay dưới đôi chân non của thằng Út Quân, đã và đang có một con đường rộng mở. Một con đường phẳng phiu và êm ái, hai bên có kỳ hoa dị thảo bừng nở chào đón một ngày mai tươi vui và hi vọng tràn trề…

 

                                   

     MÃN ĐƯỜNG HỒNG

blank

 

 

Tạo bài viết
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.