ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
TRỌN BỘ HAI QUYỂN
地 藏 菩 薩 本 願 經 講 記 卷 上
Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba
淨空老法師講於新加坡淨宗學會 越南譯本
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ QUYỂN THƯỢNG
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ QUYỂN HẠ
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, bắt đầu từ ngày 28/5/1998, tổng cộng gồm năm mươi mốt tập (buổi giảng). Đệ tử Nhan Thụy Thành đem những tư liệu liên quan đến những buổi giảng này từ Trang Nhà www.amtb.org.tw, chỉnh lý thành sách cúng dường độc giả, cùng nhau chia sẻ pháp nhũ.
Đôi lời bày tỏ,
Hồi nhỏ đi chùa Giác Sanh ở Phú Thọ để cúng thất cho ông bác, chúng tôi nhớ đã có dịp tụng kinh Địa Tạng. Đã tụng khá nhiều lần rồi nhưng không hiểu gì cả, chỉ nhớ mang máng là trong kinh có nói về các cảnh tượng khủng khiếp ở địa ngục, nào là núi đao, rừng kiếm, vạc dầu. Hồi đó chẳng hiểu, cứ tưởng những chuyện này là lời khuyến thiện, cứ tưởng người xưa lấy cảnh địa ngục để dọa người, nhằm khuyên người làm lành mà thôi.
Gần đây, có dịp nghe được băng giảng Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Đại Ý do bác Thanh Trí chuyển ngữ và đọc bài Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Thiển Thích của Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng nên mới hiểu thêm đôi chút về kinh này (bài này được ban phiên dịch chùa Vạn Phật Thánh Thành dịch sang Việt ngữ). Sau đó, khi đến Tịnh Tông Học Hội Los Angeles, chúng tôi thỉnh được hai cuốn sách dày cộm ghi lại bài giảng kinh Địa Tạng Bổn Nguyện của Hòa Thượng Tịnh Không, nghĩ cũng hơi nản chí, không biết đến lúc nào mới đọc hết được!
Tuy kinh Địa Tạng khá phổ biến, có lẽ mức độ phổ biến của kinh này chỉ kém kinh Di Đà và Phổ Môn. Điều đáng buồn là những sách chú giải kinh này khá ít. Theo chỗ thấy biết nông cạn của chúng tôi, trước nay chỉ có mỗi một tác phẩm chú giải kinh này bằng tiếng Việt là sách Địa Tạng Mật Nghĩa của cụ Mai Thọ Truyền. Tuy trong Đại Tạng Kinh có ít nhất năm tác phẩm chú giải kinh này, nhưng tiếc là văn phong cổ kính, vắn tắt, chú trọng nhiều vào lối khoa phán, nên nếu có dịch ra cũng không thể giúp ích nhiều cho trình độ của những liên hữu sơ cơ như chúng tôi. Theo thiển kiến của chúng tôi, lời giảng của Hòa Thượng Tịnh Không rất thân thiết, có những kiến giải rất đặc biệt, lại kèm thêm những kinh nghiệm hữu dụng không riêng gì cho hành nhân Tịnh nghiệp mà còn có thể áp dụng rộng rãi cho mọi người Phật tử nói riêng và cả nhân loại nói chung. Những lời giảng của Hòa Thượng đã đặc biệt nhấn mạnh đến hiếu đạo, cơ sở của Phật đạo, chỗ lập cước căn bản của mọi pháp môn thế gian hay xuất thế gian.
Chúng tôi có cơ duyên may mắn gặp được pháp môn Tịnh Độ, vận may này còn hơn người nghèo “trúng số độc đắc”, đúng như bài Khai Kinh Kệ có nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Chúng tôi phát tâm học hỏi và muốn chia sẻ cho nhiều người cùng biết. Do vậy, nhằm thỏa tâm nguyện phổ biến hoằng dương Tịnh Tông, cộng thêm một vài duyên hảo hợp khác đẩy đưa nên dù sức học kém cỏi, chúng tôi vẫn gượng chuyển ngữ bài giảng này sang tiếng Việt hòng chia sẻ pháp nhũ, pháp lạc cùng mọi người. Chắc chắn trong quá trình chuyển ngữ không thể tránh khỏi những sai lầm không nên phạm phải, cách dùng chữ, diễn đạt còn thô vụng, dài dòng, chúng tôi vẫn tin rằng với tấm lòng ngu thành, không đến nỗi diễn dịch sai lệch hoàn toàn tâm ý hoằng truyền kinh này của Hòa Thượng. Do đây là lời ghi chép trực tiếp bài giảng của Hòa Thượng, có nhiều ý được Ngài lập đi lập lại, nhưng khi chuyển ngữ chúng tôi vẫn giữ nguyên để người đọc có thể tưởng tượng như đang trực tiếp tham dự pháp hội giảng kinh của Ngài. Trong quá trình chuyển ngữ chúng tôi cũng đã tham khảo bản dịch kinh Địa Tạng của Hòa Thượng Trí Tịnh.
Nếu việc chuyển ngữ này có chút công đức gì thì chúng tôi xin hồi hướng đến ân sư, các bậc sư trưởng, phụ mẫu hiện đời cùng quá khứ, thân bằng quyến thuộc, các liên hữu, và hết thảy chúng sanh, nhất là oan gia trái chủ của mọi người, nguyện tất cả đều được viên thành chí nguyện, cùng vãng sanh về Cực Lạc.
Nhóm Diệu Âm kính ghi, 4 tháng 9, 2005