Lược Giảng Giáo Nghĩa Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện

22/01/20244:05 SA(Xem: 1789)
Lược Giảng Giáo Nghĩa Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện

LƯỢC GIẢNG
GIÁO NGHĨA PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN
(NGUYÊN TÁC: PHỔ HIỀN ĐẠI SĨ HẠNH NGUYỆN ĐÍCH KHẢI THỊ)
普賢大士行願的啟示
CHỦ GIẢNG: HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
CHUYỂN NGỮ: BỬU QUANG TỰ ĐỆ TỬ NHƯ HÒA
Nhà xuất bản Hồng Đức 2023

 giảng đại nguyện phổ hiền_ trọn 10 điềuPDF icon (4)Lược Giảng Giáo Nghĩa Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện


THAY  LỜI TỰA

Nhờ công sức dịch thuật và hoằng truyền của hòa thượng Trí Tịnh, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện được trì tụng rất phổ biến trong giới Phật Tử Việt Nam, tiếc là từ trước đến nay, ít có vị tôn túc nào dành thời gian giảng giải tỉ mỉ cho hàng Phật tử sơ cơ được thấu hiểu phần nào huyền nghĩa bao la của kinh Hoa Nghiêm được cô đọng trong phẩm kinh này.

Do vị trí đặc biệt của phẩm kinh này đối với pháp môn Tịnh Độ (cư sĩ Ngụy Mặc Thâm xếp phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện vào Tịnh Độ Ngũ Kinh), chúng tôi luôn mong mỏi được đọc một bản chú giải hay giảng ký nào xiển dương thật rõ giáo nghĩa phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Trong Đại Tạng Kinh không thiếu các bản chú giải, sớ giải phẩm này, nhưng đa phần văn nghĩa quá rộng, chú trọng nhiều về mặt Lý nên hầu như chỉ thích hợp cho những hành giả thượng căn thuộc Hoa Nghiêm Tông hay dành riêng cho các vị đại tri thức, học giả nghiên cứu. Khi thử đọc tác phẩm chú giải lừng danh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao (bản chú giải ấy được coi là bản chú giải đặc sắc nhất, tinh vi nhất của phẩm kinh này), chúng tôi hoàn toàn choáng ngộp và buồn tủi nhận thấy mình khó thể lãnh hội được chút phần. Những lời Sao của ngài Khuê Phong Tông Mật và lời Sớ của ngài Thanh Lương Trừng Quán quá cao siêu, tinh vi, uyên áo, câu văn quá súc tích, nếu chúng tôi không lượng sức, cứ dịch bừa ra, chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng diễn dịch sai lạc ý kinh, ý Tổ, tự mình lầm, khiến người lầm, gây tội nghiệt nặng nề khó thể cứu vãn.

Thử tìm đọc những trước tác của các tôn đức Trung Hoa cận đại, chúng tôi thấy tác phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Tập Yếu Sớ của ngài Đế Nhàn rất uyên áo, nhưng quá thiên trọng về Lý, câu văn lại quá súc tích, khó lòng chuyển ngữ đầy đủ, gãy gọn sang tiếng Việt được. Thêm nữa, để hiểu được lời Sớ của Ngài, nếu không hiểu biết đôi chút về giáo nghĩa Hoa Nghiêmgiáo nghĩa Thiên Thai, hành nhân sơ cơ không dễ gì lãnh hội được. Những bản giảng ký của các vị như trưởng lão Từ Châu, pháp sư Từ Hàng, pháp sư Viên Anh, pháp sư Văn Châu cũng thiên trọng luận giải giáo nghĩa của kinh văn theo quan điểm của tông Hoa Nghiêm hơn là chú ý đến khía cạnh ứng dụng tu tập các hạnh nguyện ấy một cách cụ thể; cũng như chưa hiển thị rõ ràng mối quan hệ thân thiết giữa phẩm kinh này với ba kinh Tịnh Độ. Riêng bản Phổ Hiền Đại Sĩ Hạnh Nguyện Đích Khải Thị của lão pháp sư Tịnh Không rất đặc biệt. Ngài chỉ chú trọng đến những ý chính của kinh văn, dùng những ngôn từ mộc mạc rất dễ hiểu khiến người đọc hiểu ngay cốt tủy từng lời nguyện và làm thế nào để vận dụng tu tập những hạnh nguyện ấy trong cuộc sống thường nhật. Điểm đặc sắc là từng lời nguyện, từng lời kệ được lão pháp sư giải thích dưới lăng kính Tịnh Độ nên rất khế cơ đối với hành giả Tịnh Độ. Những lời lão hòa thượng giảng giải sẽ giúp họ củng cố niềm tin, nhất tâm chuyên tu, tránh khỏi cảnh đứng núi này trông núi nọ. Vì thế, trong ba bản giảng ký về Bồ Tát Phổ Hiền của Ngài, chúng tôi chọn dịch bản này vì tính cách giản dị, thiết yếu và hỗ trợ hoằng dương Tịnh Tông của nó.

 

Ngoài ra, để giúp cho những hành nhân Tịnh nghiệp sơ cơ như chúng tôi có dịp hiểu sâu hơn kinh văn và học thêm những thuật ngữ đặc thù của Hoa Nghiêm hay kinh điển Đại Thừa nói chung, chúng tôi chọn dịch những lời giải thích của lão cư sĩ Hoàng Trí Hải trong tác phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Bạch Thoại Giải Thích để làm cước chú cho những từ ngữ trong kinh không được Hòa Thượng Tịnh Không nhắc đến trong bài giảng này. Trân trọng cảm tạ đạo hữu Minh Tiến và Huệ Trang đã bỏ công sức giảo chánh, sửa lỗi và góp ý hoàn thiện bản dịch nháp này. Cũng xin trân trọng cảm tạ Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội đã cho mạt nhân có cơ hội được đọc nguyên tác pháp bảo này, cũng như Tịnh Tông Học Hội Úc Châu, nhất là pháp sư Thích Ngộ Sanh và đạo hữu Tuệ Tâm đã khuyến tấn, hỗ trợ và đổ công ấn hành bản dịch này.

Ngưỡng nguyện dịch phẩm thô lậu này sẽ giúp cho các đồng tu củng cố niềm tin nơi pháp môn Tịnh Độ và ngày càng tinh tấn dũng mãnh chuyên tu. Nếu như việc làm mạo muội này có công đức gì kính xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều được vãng sanh Cực Lạc, cùng chứng đại Bồ Đề.
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch




Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…