ĐÃ DIỄN RA TẠI WESTMINSTER MALL CA, HOA KỲ
Lễ Hội Phật Đản Quốc Tế năm 2012, Phật Lịch 2556 do Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Nam California đã được chính thức cử hành tại khu lễ đài thiết lập phía ngoài Trung Tâm thương mại Westminster Mall vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 22 tháng 4 năm 2012.
Trước hàng trăm Chư Tôn Đức Tăng Ni thuộc nhiều sắc tộc, và trước hàng ngàn Phật tử đến tham dự, Hòa Thượng Thích Thông Hải trưởng ban tổ chức đã đọc diễn văn khai mạc nhắc đến tiểu sử Đức Thích Ca Mâu Ni đã từ bỏ lầu vàng điện ngọc, hạnh phúc cá nhân mà đi tìm cách giải thoát phiền đau khổ não cho chúng sanh.
Hòa Thượng Thích Thông Hải nói: “Trên 25 thế kỷ qua, giáo pháp chuyển mê khai ngộ của đức Phật đã được truyền bá khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, nhân loại càng nhận thức rõ rằng đời sống trí thuệ, từ bi và lời dậy hữu ích của đức Phật là di sản văn hóa và tâm linh vô giá cho toàn thể loài người. Chính trong ý nghĩa đó, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết vào ngày 12 tháng 11 năm 1999 tuyên dương giáo pháp trí tuệ, từ bi và hòa bình của đức Phật như là phương thức kiến hiệu góp phần xây dựng thế giới hòa bình, và tổ chức lễ Vesak vào mỗi năm.”
Tiếp đó một số các vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo trong cộng đồng Nam California và chư tăng thuộc nhiều dân tộc có mặt cũng lên diễn đàn phát biểu về ý nghĩa ngày Phật Đản này. Trong số các quan khách và các vị dân cử, Phó Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí đã thay mặt Hội Đồng Thành Phố đã tán thán công đức của Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử đã tổ chức Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế 2556 trong thị xã Westminster.
Trước đó vào lúc 10 giờ sáng hàng trăm tăng ni lập thành một Tăng đoàn đi khất thực quanh khuôn viên lễ hội để nhớ lại hình ảnh đi hoằng pháp xưa của Đức Phật và đệ tử của ngài.
Dưới đây là chùm ảnh bắt đầu với cuộc khất thực của chư tăng ni và sau đó là lễ chính thức lúc 1 giờ trưa với các diễn văn chào mừng và lễ trao các bằng tưởng lục của các viên chức chính quyền cấp tiểu bang và thành phố cho ban tổ chức, sen vào đó là một vài tiết mục văn nghệ cúng dường và sau cùng là nghi lễ chính thức tụng kinh bằng 4 ngôn ngữ khác nhau: Pali, Trung Hoa, Nhật và Việt.