sau các cuộc biểu tình của các nhà sư ở Phnom Penh
Tổng kết tình trạng chính trị và xã hội từ 31 tháng 12 / 2013 đến 10 tháng 1 / 2014
Toàn bộ tình hình chính trị và xã hội hiện nay của Campuchia đều bị lôi cuốn bởi các cuộc biểu tình đẫm máu của thợ thuyền xảy ra vào ngày 3 tháng 1. Sau dây là cuốn phim quay lại các diễn biến xảy ra từng ngày...
Các cuộc biểu tình của thợ thuyền
* Nếu gộp chung các ngành may mặc, đóng giày và đồ chơi thì con số công nhân sẽ là 600.000 người. Campuchia có khoảng 400 xí nghiệp, thế nhưng trên thực tế thì số công nhân trên đây còn được phân tán ra các chi nhánh phụ (sub-branchs), và con số này ít nhất cũng phải là vào khoảng 400.000 người.
* Lương bổng hằng tháng tăng từ 42 đô-la lên 61 đô-la kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2012, sau đó là 80 đô-la kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2013. Theo phúc trình của đại học Stanford (Hoa Kỳ) căn cứ vào chỉ số lạm phát, thì sức mua (pouchasing power) của thợ thuyền tụt 22% so với năm 2003. Ngoài ra cũng có một cuộc nghiên cứu khác cho rằng con số này là 14%.
Các kết quả nghiên cứu của Văn Phòng Lao Động Quốc Tế (BIT / Bureau International du Travail, thuộc tổ chức OIT / Organisation Internationale du Travail / Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc), thì lương thợ tối thiểu phải là 177 đô-la mỗi tháng thì họ mới đủ sống. Theo sự ước tính của Công Ty Quản Lý Nhân Lực (Human Resources) địa phương là HR Inc, thì mỗi người thợ làm thêm 2 giờ phụ trội (bắt buộc) mỗi ngày thì lương trung bình của họ phải là 178 đô-la mỗi tháng (trong khi đó theo con số của BIT, tức là Văn Phòng Lao Động Quốc Tế đưa ra thì lương của họ chỉ được từ 120 đến 130 đô-la mỗi tháng), và trong số lương này thì họ còn phải dành ra 56 đô-la để gửi về nuôi gia đình. Một số khách hàng như H&M (một nhãn hiệu quần áo loại sang có tầm vóc quốc tế) đồng ý sẽ tăng thêm tiền lương cho thợ thuyền kể từ năm 2014, với điều kiện là phải giới hạn mọi lạm dụng trong việc sa thải.
* Ngày 23 tháng 12, bộ trưởng Lao Động đề nghị sẽ tăng lương 19% bắt đầu từ tháng 4 năm 2014, và như thế lương tháng sẽ là 95 đô-la mỗi tháng, và sau đó sẽ tăng dần lên 160 đô-la vào năm 2018. Thế nhưng đề nghị ấy lại chính là tia lửa đã làm bùng lên cả một thùng thuốc súng. Thợ thuyền đòi phải tăng lương lên 160 đô-la ngay tức khắc. Tại Trung Quốc lương tối thiểu là 141 đô-la, Phi Luật Tân 177, duy nhất chỉ có lương bổng ở Bangladesh là thấp hơn so với Campuchia.
* Điều kiện làm việc của thợ thuyền thường là hết sức tồi tệ. Chỉ cần nhìn vào con số thợ thuyền ngất xỉu vì không kham nổi các giờ lao động phụ trội, hoặc vì thiếu dinh dưỡng hay vì phải làm việc trong các môi trường chật chội thiếu không khí, lên đến hàng ngàn người mỗi năm, thì cũng đủ để hình dung được tình trạng làm việc của họ ra sao.
* Kỹ nghệ may mặc là "lãnh vực kỹ nghệ hàng đầu của Campuchia", chiếm 84,5% tổng sản lượng xuất khẩu trong năm 2013, với trị giá là 5,4 tỉ đô-la. Các ngành kỹ nghệ này chiếm 35% Tổng Sản Lượng (PIB / Gross Domestic Product) quốc gia.
* Chủ nhật 29 tháng 12, theo lời kêu gọi của đảng PSNC (Parti du Salut National Cambodgien / Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia) do Sam Rainsy và Kem Sokha lãnh đạo), khoảng từ 50.000 đến 100.00 người đã xuống đường và tràn ngập đại lộ Monivong. Thợ thuyền may mặc của nhiều xí nghiệp đóng cửa theo chỉ thị của uy ban lãnh đạo liên đoàn chủ nhân, đã gia nhập vào cuộc biểu tình. Họ yêu sách lương tháng hiện nay là 80 đô-la phải được tăng lên 160 đô-la.
* Liên đoàn chủ nhân đưa ra các chỉ thị nhằm ngăn chận các cuộc vận động thợ thuyền, thế nhưng trên thực tế thì tình trạng lại xảy ra ngược lại: thợ thuyền ngày càng tham gia đông đảo hơn vào các cuộc biểu tình chính trị của đảng PSNC (Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia). Sự gia nhập này của thợ thuyền vào đảng của Sam Rainsy không phải là không liên hệ gì đến biến cố ám sát Chéa Vichéa, tổng thư ký của công đoàn SIORC (Syndicat Indépendant des Ouvriers du Royaume Campuchia / Công Đoàn Công Nhân Độc Lập Vương Quốc Campuchia) ngày 22 tháng 1 năm 2004, khi vị này kêu gọi các thành viên trong liên đoàn của mình hãy bỏ phiếu cho Sam Rainsy.
- Sam Rainsy tuyên bố là PSNC (Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia) sẽ ra lệnh ngưng các cuộc biểu tình thường nhật trong khi thương thảo với PPC (Parti du Peuple Cambodgien / Đảng Nhân Dân Campuchia, tức là đảng cầm quyền).
- Hội đồng bộ trưởng gửi một lá thư cho bộ trưởng Lao Động đưa ra năm biện pháp nhằm giải quyết các cuộc đình công: rút bỏ sự công nhận sáu nghiệp đoàn không tuân lệnh chính phủ, truy tố những người lãnh đạo các nghiệp đoàn này, huy động các lực lượng an ninh, hạn chót phải thực hiện là ngày 2 tháng 1.
* Ngày 30 tháng 12, 5.000 thợ thuyền biểu tình trước Hội Đồng Bộ Trưởng, thế nhưng cảnh sát đã kéo rào chắn bằng sắt và căng dây kẽm gai ngăn chận không cho họ đến gần. Các cuộc thương thảo (giữa Bộ Lao Động, các nghiệp đoàn và giới chủ nhân) được dự trù nhằm tìm cách tăng lương cho công nhân không sao tổ chức được, lý do là liên đoàn chủ nhân (GMAC) từ chối không tham dự vì cho rằng mình là "nạn nhân" của các cuộc biểu tình "bất hợp pháp". Theo GMAC thì các quyết định về việc tăng lương không phải là trọng trách của giới chủ nhân mà thuộc thẩm quyền của chính phủ. Thế nhưng chính phủ thì lại tuyên bố ngược lại.
* Trái với các chỉ thị do liên đoàn chủ nhân GMAC đưa ra, khoảng 80 xí nghiệp, nhất là ở tại các tỉnh, vẫn cứ tiếp tục mở cửa hoạt động do sự thỉnh cầu của công nhân. Điều này cho thấy là các lời lên án của GMAC cho rằng chính nghiệp đoàn đã ép buộc công nhân phải đình công là hoàn toàn vô căn cứ.
* Giữa đêm hôm, bộ trưởng Thông Tin bất thần tuyên bố là các cuộc thương thảo chính trị giữa PPC (Đảng Nhân Dân Campuchia, tức chính quyền) và PSNC (Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia) sẽ tiếp tục kể từ ngày 2 tháng 1, thế nhưng Sam Rainsy đã cải chính tin này.
* Ngày 31 tháng 12, nhằm làm giảm bớt tình trạng căng thẳng, bộ trưởng Lao Động tuyên bố sẽ tăng ngay lương tháng thêm 5 đô-la, và sau đó thì lương tháng sẽ là 100 đô-la bắt đầu từ tháng 2. Các nghiệp đoàn giữ vững lập trường, nhất định đòi hỏi phải tăng lương lên 160 đô-la ngay tức khắc.
* Ngày 1 tháng 1, bộ trưởng Nội Vụ hăm dọa sẽ rút giấy phép hoạt động của Hiệp Hội các Nhà Giáo Độc Lập Campuchia (AIEC / Association Indépendante des Enseignants du Cambodge) nếu họ đình công đòi tăng lương.
Hiệp hội AIEC gồm hơn 10.000 thành viên, và trong buổi đại hội tổ chức ngày 31 tháng 12 vừa qua, đã quyết định sẽ đình công đòi tăng lương lên 250 đô-la mỗi tháng. Vị chủ tịch của hiệp hội trên đây là Rong Chhun, đồng thời kiêm nhiệm chủ tịch công đoàn FTU (Syndicat Libre / Free Trade Union / trước đây mang tên là Công Đoàn Công Nhân Độc Lập Vương Quốc Campuchia, SIORC, do Chéa Mony lãnh đạo). Cuộc đình công này đã được một số các nhà giáo hưởng ứng trong khuôn viên các trường ốc của họ bắt đầu từ ngày 6 tháng 1, và ít nhất cũng đã xảy ra tại năm tỉnh khác nhau.
* Ngày 2 tháng 1, các binh sĩ của đơn vị nhảy dù 911, trang bị gậy gộc, thanh sắt, khiêng và súng AK 47 xông vào tấn công, đánh đập khoảng 10 nhà sư cùng các người đình công và cả ký giả trong một cuộc biểu tình tại trung tâm Phnom Penh. Ít nhất bốn nhà sư và mười người biểu tình, trong số họ có cả các người lãnh đạo các nghiệp đoàn, đã bị bắt giữ, một nhà sư và một người phụ nữ đã được đưa vào bệnh viện Calmette cứu cấp. Các người biểu tình bị xem là bọn "phản loạn" (anarchists). Tổ chức Licadho (Cambodian League for Promotion and Defence of Human Right) và CLEC (Community Legal of Education Centre / Trung Tâm Giáo Dục Hợp Pháp) đưa ra một bản tuyên ngôn đòi phải thả ngay những người bị giam giữ, nhất là phải tuy tố những người đã ra lệnh đàn áp. Trong khi đó thì nhiều trăm người đình công khác ngăn chận mọi việc lưu thông trên các quốc lộ 2 và 5. Sáu nghiệp đoàn cảnh báo chính phủ và GMAC (Liên Đoàn Chủ Nhân) là phải tái lập việc thương thảo trước ngày 4 tháng 1 về việc gia tăng lương bổng cho công nhân.
* Sau cuộc đàn áp trên đây, Sam Rainsy đã hủy bỏ mọi cuộc tiếp xúc, bởi vì PPC (Đảng Nhân Dân Campuchia) không tôn trọng các lời cam kết đưa ra ngày 16 tháng 9 là sẽ không sử dụng bạo lực. Hun Sen bày tỏ sự đáng tiếc của mình về việc hủy bỏ này.
* Ngày 3 tháng 1, khoảng 10 giờ sáng, 150 binh sĩ thuộc đơn vị nhảy dù 911 dàn ra đúng theo chiến thuật tấn công khi lậm trận và đã bất thần xông lên phá tan các chướng ngại do các người đình công dựng lên để phản đối các cuộc bắt bớ vào ngày hôm trước. Người biểu tình thối lui sau mỗi đợt tấn công của quân đội, thế nhưng sau mỗi đợt thì họ vẫn dừng lại để ném đá và các chai Molotov-cocktails, nhưng không gây thiệt hại nào vì các chai này chỉ chứa toàn dầu ma-dút. Hai máy bay trực thăng được đưa đến để theo dõi người biểu tình. Quả thật là không ai ngờ trước, quân đội bất thần nổ súng AK 47 bắn vào một đám đông gồm khoảng 100 người biểu tình ngay trước xí nghiệp Yakjin của Hàn Quốc, khiến 5 người thiệt mạng và ít nhất 42 người bị thương. Đám quân nhân này bắt giữ 15 người biểu tình mà người ta có thể xem hình trên Facebook: họ nằm úp mặt xuống đất hai tay bị trói ngược ra sau, tương tự như súc vật nơi các lò sát sinh. Đây không phải là một sự vi phạm (bavure / smudge) của một số binh sĩ, bởi vì người ta nghe rõ mồn một các tiếng ra lệnh.
* Các chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản yêu cầu chính phủ Campuchia phải bảo vệ quyền lợi và cơ xưởng của họ trên lãnh thổ Campuchia đúng theo luật quốc tế. Chính phủ đành phải đổ lỗi cho đám lính nhảy dù đã tự ý vi phạm việc sử dụng bạo lực.
* Vị chỉ huy đơn vị nhảy dù không ai xa lạ: đó là đại tướng Chap Phéakdei, đã từng được ngợi khen một tuần lễ sau các "biến cố" xảy ra trong các ngày 5 và 6 tháng 7 năm 1997. Vị đại tướng này được đào tạo ở Inđônêxia, đã từng giam giữ và tra tấn các người lãnh đạo đảng Funcinpec (Le Front Uni National pour un Cambodge Indépendant, Pacifique et Coopératif / Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Xây Dựng một nước Campuchia Độc lập, Hòa Bình và Hợp Tác, do Sihanouk thành lập năm 1981). Vị đại tướng này hiện nay là thành viên của Trung Ương Đảng PPC (Đảng Nhân dân Campuchia) và cũng là người thân tín của Hun Sen.
- Vào buổi chiều, sáu nghiệp đoàn cùng với vị đại diện Liên Hiệp Quốc đến họp với các nhà chức trách của tòa thị sảnh thành phố Phnom Penh, nhằm tìm các biện pháp chấm dứt bạo lực. Thế nhưng rốt lại thì đây chỉ là một cuộc đối thoại giữa những người câm điếc: nghiệp đoàn thì đòi phải thả các người bị bắt giữ vào ngày hôm trước, các nhà chức trách ở tòa thị sảnh thì lại cho rằng "Chính quyền không thể thả những kẻ phản loạn (anarchists)".
- Tình trạng giới nghiêm được ban bố trong khu vực xảy ra xung đột. Hầu hết các nam nữ công nhân quay về gia đình họ ở các tỉnh. Khoảng 80% lại quay trở lại thành phố vào các ngày đầu tuần lễ sau đó.
* Một tuần lễ sau người ta mới hay tin là 13 công nhân bị bắt giữ trước đây đang bị nhốt trong khám đường CC3 ở tỉnh Kompong Cham, gần biên giới Việt Nam. Khám đường này nổi tiếng là khắc nghiệt: tù nhân thường xuyên bị đánh đập và tra tấn. Nhằm bào chữa cho các hành động bạo ngược đó, vị tổng giám đốc khám đường cho biết rằng "Dưới thời Pháp thuộc, người ta giam tù nhân ở đảo Poulo Condor " (tiếng Campuchia là Koh Tralach, tức là đảo Côn Sơn, ý nói là sự khắc nghiệt trong nhà tù CC3 không nghĩa lý gì so với các trại giam ở đảo Côn Sơn dưới thời Pháp thuộc).
Bộ trưởng ngoại giao Pháp, Ủy ban Ngoại Giao của Quốc Hội Hoa Kỳ, tổ chức FIDH (Fédération Internationale des Droits de l'Homme / Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền), nhất là tổ chức Licadho (Cambodian League for Promotion and Defence of Human Right / Liên đoàn Quảng Bá và Bảo Vệ Nhân Quyền) và rất nhiều các hiệp hội bảo vệ nhân quyền khác đã lên án việc sử dụng bạo lực chống lại các người biểu tình không mang khí giới. Các cuộc phản đối này không ngừng gia tăng trong các ngày sau đó: ngày 8 tháng 1, Văn phòng Cao Ủy của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Genève cho mở cuộc điều tra về biến cố này. Đại diện tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là Surya Subédi tuyên bố là sẽ đích thân đến Campuchia lần thứ mười, và sẽ lưu lại đây từ ngày 12 đến 17 tháng 1.
Ngày 7 tháng 1, bảy doanh nghiệp quốc tế, trong số này có thể kể ra Gap, H&M và Puma, đã bày tỏ sự bất nhẫn của họ trước "các hành động bạo lực". Nhiều cuộc biểu tình, trong số này cũng đã xảy ra vài vụ xung đột, đã được diễn ra trước các tòa đại sứ Campuchia ở Séoul, Bá Linh, Djakarta. Ngoài ra thì một số các cuộc biểu tình khác cũng đã được dự trù tổ chức ở Thái lan, Hồng Kông và Mã Lai.
* Ngày 4 tháng 1, vào khoảng 10 giờ sáng, độ một trăm người đội mũ môtô, cầm thanh sắt và gậy gộc tràn vào Công Viên Tự Do nơi tụ họp của các thành viên PSNC (Parti du Sauvetage National du Cambodge / Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia) và các nhà sư, và họ đã đánh đập các người này không chừa một ai cả. Sau đó khoảng 100 cảnh sát viên kéo đến dọn sạch lều trại và bàn thờ Phật của họ.
- Bất chấp các bằng chứng tai nghe mắt thấy và hình ảnh trên Facebook, hội đồng thành phố chối bai bải là không hề sử dụng bạo lực chống lại các nhà sư cũng như các công dân khác. Quân đội lục soát nhà cửa trong khu vực này để tìm bắt các người biểu tình lẩn trốn.
- Các cấp lãnh đạo hội đồng thành phố truy tố Sam Rainsy và Kem Sokha ra tòa ngày 14 tháng 1 vì đã tham gia vào các cuộc xung đột giữa quân đội và các người đình công xảy ra vào ngày hôm trước.
- Bộ trưởng Nội Vụ đình chỉ vô thời hạn điều khoản công nhận quyền tự do hội họp ghi trong Hiến Pháp. Đảng PSNC (Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia) do đó cũng đã phải đình chỉ việc kêu gọi diễn hành tiến vào thủ đô Phnom Penh dự trù vào ngày hôm sau, và đành phải hoạch định một biện pháp khác ở mức độ thấp nhất tại các tỉnh. Họ cũng đã hủy bỏ các cuộc thương thảo đã được dự trù từ trước với PPC (Đảng Nhân Dân Campuchia) cho đến khi nào đảng này chấm dứt việc sử dụng bạo lực.
Đại diện Liên Hiệp Quốc Surya Subédi, Văn Phòng Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh, các tổ chức nhân quyền cũng như tòa đại sứ Hoa Kỳ, tất cả đều lên án cuộc giải tán bằng bạo lực trên đây cũng như việc cấm đoán các cuộc hội họp phi bạo lực.
Ngày 5 tháng 1, tổng thư ký GMAC (Liên Đoàn Chủ Nhân) lên án việc sử dụng bạo lực thế nhưng lại cho rằng " việc quân đội bắn vào người đình công là chuyện hoàn toàn tự nhiên".
* Ngày 6 tháng 1, bộ trưởng Nội Vụ Sra Kheng mời các nhà ngoại giao và đại sứ của ít nhất 20 quốc gia đến để giải thích về nguyên cớ khiến chính phủ đã phải ra tay.
- Một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt không biết nguồn gốc từ đâu đã bắt giữ 5 người chống các hành động tịch thu nhà đất, trong số này có một người tên là Tep Vanny, khi họ tìm cách đưa cho toà đại sứ Pháp một bản kiến nghị. Đến chiều hôm đó thì họ được thả ra. Đặc biệt hơn hết là Locadho (Cambodian League for Promotion and Defence of Human Right / Liên Đoàn Quảng bá và Bảo Vệ Nhân Quyền Campuchia) và một chuyên gia của Trường Võ Bị Úc Châu đã lên án các lực lượng bán quân sự bất hợp pháp trên đây.
* Ngày 9 tháng 1, bất chấp sự canh chừng 24 giờ trên 24 của cảnh sát tại các nơi trên đây, 9 ca sĩ trẻ đã họp nhau tại Công Viên Tự Do (lệnh cảnh sát không được tụ họp quá 10 người). Thế nhưng họ chỉ kịp hát lên được một bài duy nhất nêu cao tinh thần phi-bạo-lực trước khi quân đội kéo đến, và họ phải chạy vào tòa nhà Liên Hiệp Quốc gần đó để ẩn nấp.
Ngày 11 tháng 1, Hun Sen đề cử Kéat Chhon cựu bộ trưởng Tài Chánh điều khiển một ủy ban chính phủ mới được thành lập với mục đích tìm cách tăng lương bổng cho công chức và thợ thuyền. Đồng thời hai ủy ban khác cũng đã được thành lập và đặt dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Nội Vụ Sar Kheng: một ủy ban giữ trọng trách "nghiên cứu" những gì đã xảy ra, và một ủy ban sẽ ước tính các sự thiệt hại do các cuộc "biểu tình phá hoại" gây ra.
* Theo người thư ký của liên đoàn chủ nhân GMAC thì cuộc đình công đã gây thâm thủng (shortfall) 200 triệu đô-la và làm mất 70 triệu tiền lãi trong vòng 50 ngày. Hơn 100 xí nghiệp truy tố các nghiệp đoàn và đòi các tổ chức này phải bồi thường thiệt hại.
* Các người lãnh đạo thuộc phe cứng rắn cho thấy có một sự bất đồng chính kiến đã xảy ra giữa họ với nhau: liên đoàn chủ nhân GMAC đòi hỏi quá đáng. Dù cho có lý đi nữa thế nhưng sự đòi hỏi của họ cũng chẳng khác gì như đùa với lửa, khi họ hăm dọa sẽ đóng cửa các xí nghiệp và sẽ không tham gia vào các việc thương thảo.
* Về phần các nghiệp đoàn thì họ lại bất lực không thể thoả thuận với nhau về một mức tăng lương hợp lý. Sự thiếu đoàn kết đó không mang lại được sức mạnh cho họ, một vài vị lãnh đạo lại còn đòi hỏi phải có đút lót trong các cuộc thương thảo...
* Một quá trình trưởng thành dài đằng đẵng về các mối tương giao trong xã hội đang được chớm nở. Thật ra tất cả cũng là một sự hợp lý nào đó mà thôi, khi mà các cuộc bầu cử ngày 28 tháng 7 đã ban quyền phát biểu cho các thành phần thấp cổ bé miệng. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến biện pháp sử dụng sức mạnh để tạm thời làm giảm bớt mọi sự căng thẳng, thế nhưng sẽ không sao tránh khỏi được những nỗi uất ức ngấm ngầm sẽ bùng lên, và lần này thì sự hung bạo của những kẻ thấp cổ bé miệng sẽ...
* Bất cứ ai cũng đều hiểu rằng khi nào các nguồn lợi kinh tế sống còn bị hăm dọa thì tất các phương tiện nặng nề nhất sẽ phải được mang ra sử dụng. Các xí nghiệp may mặc là nguồn tài lợi cho bọn săn mồi (predators) của chế độ tha hồ rúc rỉa.
* Phần đông các người dân bình dị đều xì xầm với nhau về cuộc viếng thăm Việt Nam của Hun Sen trước khi xảy ra các cuộc tàn sát ngày 3 tháng 1: họ cho rằng ông ta sang Việt Nam là để nhận lệnh của các đồng sự tại đây cách phải làm thế nào để đàn áp dân tộc Khmer... Thật hết sức lạ lùng, chuyện xảy ra y hệt với các biến cố trước đây vào các ngày 5-6 tháng 7 năm 1997.
Phương diện chính trị
* Theo nghi định 31 tháng 12, một tỉnh mới được thành lập thêm bên cạnh tỉnh Kompong Cham: đó là tỉnh Tbaung Khum, gồm sáu quận thuộc vùng phía đông sông Mê Kông và năm quận trong số này đã bầu cho PPC (Đảng Nhân Dân Campuchia). Mười hai quận khác do đảng PSNC (Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia) nắm đa số thì được giữ nguyên trong tỉnh Kompong Cham trước đây. Phe đối lập cho rằng đây là cách "cắt xén bầu cử" (chacutage électoral / gerrymandering) nhằm làm gia tăng thêm con số đại biểu. Dầu sao thì việc chia cắt này cũng đã được dự trù từ khoảng mười năm nay.
Phương diện kinh tế
* 378.856 tấn gạo đã được xuất cảng trong năm vừa qua, hầu hết được bán qua Âu Châu và nhất là vào nước Pháp.
* Ngày 2 tháng 1, nhà sư Bun Bunthen và ba thành viên của CLEC (Community Legal of Education Centre / Trung Tâm Cộng Đồng Giáo Dục Hợp Pháp) bị bắt giữ khi họ tìm cách hỗ trợ các gia đình trong dòng họ Kuy bị một liên doanh Trung Quốc là Lan Feng cướp đất để trồng mía. Ngày hôm sau thì họ được thả.
* Ngày 1 tháng 1, hai mươi pho tượng Phật của một ngôi chùa ở Ratanakiri, trong số này có chín pho bằng đồng, đã bị đánh cắp.
* Sự kiện đáng chú ý hơn hết là 33 người Campuchia có thể đã bị quân đội Thái Lan giết vì cưa trộm gỗ quý, (7 người theo nguồn tin của FARK) (FARK: Forces Armés Royales Khmères / Lực Lượng Vũ Trang Hoàng Gia Khmers).
(http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/cambodge/2014-01-13-pour-approfondir-2013-le-point-sur-l2019actualite-politique-et-sociale-du-31-decembre-2013-au-10-janvier-2014)