Nằm ở thung lũng Silicon, Googleplex - trụ sở chính của Google là một nơi rất thú vị. Đó là một tổ hợp các tòa nhà với đủ kích cỡ và kiến trúc khác nhau. Nhìn các nhân viên của Google đi lại giữa các tòa nhà, trông họ có vẻ rất trẻ trung, thông minh và nghiêm túc. Thỉnh thoảng ta có thể bắt gặp hình ảnh một vài người đang lái những chiếc xe đạp dành riêng cho nhân viên Google với những sắc màu mang dấu ấn của Google, đó là các màu đỏ, vàng, xanh lục và xanh dương. Đây cũng là những tông màu chủ đạo của các tòa nhà ở Googleplex.
Trong khuôn viên chính của Googleplex có đặt mô hình bộ xương khủng long rất ấn tượng với những con chim hồng hạc (bằng nhựa) đang rỉa bộ xương đó. Ngoài ra, còn có một bể bơi nhỏ, một sân chơi bóng chuyền trên cát, những chiếc ghế võng (deckchair), và xung quanh khuôn viên là những loài cây sa mạc đặc trưng của vùng Thung lũng Silicon.
Khi đến Googleplex, ta nhận ra ngay đây là nơi có những con người đầy năng lượng sáng tạo, vui tươi – những con người hết lòng với công việc và với sự nghiệp của tập đoàn, đó là sự nghiệp “giúp mọi người có thể tiếp cận và sử dụng một cách hữu ích nguồn thông tin của thế giới”. Google nổi tiếng là một trong những tập đoàn sáng tạo hàng đầu thế giới – một môi trường làm việc đầy năng động, thách thức và vui tươi. Tuy vậy, đây cũng là nơi có nhiều nhân viên trẻ, đầy tài năng (độ tuổi trung bình khoảng 29) bị rơi vào tình trạng kiệt sức và phải rời công ty chỉ sau một vài năm làm việc.
Vì vậy mà Google đầu tư rất lớn vào việc chăm sóc “sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên” (“employee well-being”). Tất cả đồ ăn thức uống (có đến 18 quầy bar mi-ni với thức uống miễn phí), dịch vụ thể dục thể thao, dịch vụ trông giữ trẻ tại nơi làm việc và nhiều dịch vụ khác nữa được phục vụ hoàn toàn miễn phí cho 10.000 nhân viên của Google.
Nếu hoàn thành tốt một dự án được giao, bạn sẽ được thưởng thẻ tín dụng massage (massage credits). Với thẻ này, bạn có thể đổi ra tiền nếu muốn, hoặc có thể buông thư và xạc lại năng lượng với “napping pod” – một chiếc giường được thiết kế đặc biệt, có tác dụng giúp cơ thể buông thư tối đa và phục hồi lại sức khỏe một cách mau chóng.
Tuy nhiên, tất cả chế độ đãi ngộ này vẫn không đủ khả năng cân bằng lại với áp lực làm việc căng thẳng ở Google. Giám đốc điều hành của tập đoàn này đã từng nói rằng thái độ làm việc của họ là “thách thức đối với những điều không thể” (“healthy disregard for the impossible”). Các nhân viên của Google có thể làm việc tới mức 16 giờ một ngày, phần lớn thời gian là gắn với màn hình máy tính. Vì vậy, dù cho đồ ăn thức uống và các dịch vụ đãi ngộ của Google có tốt đến đâu chăng nữa thì các nhân viên của tập đoàn này vẫn khổ đau như thường. Thường xuyên phải làm việc trong tình trạng căng thẳng và áp lực cao, họ bận rộn đến mức khó có thể chăm sóc tốt cho các mối quan hệ với đối tác, đồng nghiệp, cũng như có rất ít thời gian cho gia đình mình.
Chính vì tình trạng này mà các nhân viên của Google rất vui mừng khi biết Thầy đồng ý đến trụ sở của Google để hướng dẫn nửa ngày thực tập chánh niệm cho các nhân viên ở đây, nhân chuyến hoằng pháp của Thầy tại Bắc Mỹ năm 2011. Trên trang web của mình, Google tự hào thông báo rằng họ là tập đoàn đầu tiên ở Mỹ có cơ hội được đón tiếp Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một thiền sư nổi tiếng thế giới đến hướng dẫn tu tập tại trụ sở chính của tập đoàn. Bài pháp thoại cũng như buổi vấn đáp với Thầy ngày hôm đó đã được Google để lên YouTube và có đến 230.000 lượt người xem.
Chuyến viếng thăm tháng 10 năm 2013 vừa qua là lần thứ hai Thầy đến trụ sở chính của Google. Lần này, họ xin tổ chức trọn vẹn một ngày chánh niệm, chứ không phải nửa ngày như trước đây. Hơn 700 nhân viên của Google đã đăng ký tham gia, vì vậy họ cần phải mở thêm hai phòng riêng ngoài khán phòng chính, nơi Thầy thuyết pháp. Pháp thoại được truyền trực tuyến và chiếu trên màn hình lớn trong hai phòng này. Ngoài ra, tại mỗi phòng đều có sự hiện diện của một số quý thầy, quý sư cô Làng Mai.
Ngồi trên xe bus đến Googleplex ngày hôm đó, trong lòng chúng tôi ai cũng cảm thấy hào hứng, phấn chấn. Ngày chánh niệm được bắt đầu với thời khóa thiền hành vào sáng sớm. Một vài người trong chúng tôi đã từng đến đây cùng với Thầy vào năm 2011. Nhắc lại lần đó, ai cũng nhớ đến không khí rất thoải mái, vui nhộn và sự cởi mở của các nhân viên Google khi tham dự nửa ngày chánh niệm với Thầy và Tăng đoàn Làng Mai.
Ngay tại sảnh chính của trụ sở Google, có thể nhìn thấy những từ khóa tìm kiếm trên Google (do những người sử dụng Google trên khắp thế giới truy cập ngay tại thời điểm đó) được chiếu lên một bức tường và rơi xuống như một thác nước đang tuôn chảy. Tại một đại sảnh khác lại có một chiếc cầu trược hình xoắn ốc khổng lồ, để cho nhân viên trược từ tầng một xuống tầng trệt nếu không muốn dùng cầu thang bộ.
Tuy vậy, tâm trạng háo hức của chúng tôi khi đến Googleplex không phải chỉ vì muốn thăm trụ sở chính của tập đoàn nổi tiếng này, mà còn muốn tiếp xúc trực tiếp với các nhân viên của Google, những người trẻ thuộc thế hệ chúng tôi và cũng có nhiều thao thức và ước vọng như chúng tôi. Các kỹ sư phần mềm (hay “geeks” – những anh chàng “lập dị”- họ thích tự gọi mình như vậy), là những người rất sáng tạo, có tinh thần hợp tác trong công việc, có tinh thần khoa học và vì vậy thiền tập gợi cho họ sự tò mò giống như trong nghiên cứu khoa học.
Là những người muốn chinh phục khoa học công nghệ, cho nên họ cũng muốn chinh phục lĩnh vực tâm ý của mình. Nhiều kỹ sư ở đây có niềm tin sâu sắc rằng khoa học công nghệ có thể giúp mang lại những thay đổi tích cực cho thế giới này, tạo ra những cơ hội mới cho tất cả mọi người trên hành tinh không phân biệt quốc gia, chủng tộc và văn hóa. Vì vậy, mặc dù không nhuộm tóc xanh dương hay xanh lá cây hoặc mang những đôi giày thể thao với màu sắc sáng lóa như một số nhân viên của Google, chúng tôi – những người tu theo đạo Bụt – vẫn có thể hòa mình một cách nhanh chóng vào “chất thiền” (zen vibe) của Thung lũng Silicon.
Khẩu hiệu không chính thức của Google là “Không làm điều xấu ác!” (Don’t be evil). Mục đích hoạt động của tập đoàn là làm cho nguồn thông tin của thế giới trở nên dễ tiếp cận với mọi người và không làm điều xấu ác. Thế nhưng nguồn thông tin đó có giống với nguồn tuệ giác của đạo Bụt hay không?
Nếu ai đó hỏi chúng tôi – các thầy, các sư cô Làng Mai – về ước nguyện sâu sắc của mình thì chúng tôi sẽ trả lời rằng: ước nguyện của chúng tôi là làm điều thiện (tức là tưới tẩm những hạt giống tốt và giúp người khác bớt khổ), bằng cách làm cho những tuệ giác sâu sắc nhất của nhân loại có thể đến được với tất cả những ai đang khổ đau. Có thể thế giới này có rất nhiều thông tin, nhưng chúng ta dường như thiếu các công cụ, thiếu sự đào tạo và thiếu tuệ giác để giúp chúng ta bớt khổ. Thông tin, nếu quá nhiều, còn có thể là nguyên nhân gây khổ đau cho chúng ta.
Ngày chánh niệm tại Google bắt đầu bằng sự thực tập dừng lại. Với năng lượng nhẹ nhàng và tươi vui, Thầy chia sẻ với hàng trăm nhân viên của Google về pháp môn thiền hành, sau đó hướng dẫn họ đi thiền hành quanh khuôn viên của Googleplex (nhiều người đã đến từ rất sớm để tham gia buổi thiền hành này).
Đó là một buổi sớm mai thật yên lắng, khi những tòa nhà vẫn còn chìm trong màn sương sớm, mọi người hoàn toàn đi trong yên lặng, bước từng bước chân chánh niệm và cuối cùng tất cả đều ngồi yên bên Thầy trên một con đường lát đá. Nếu nhìn bên ngoài thì thấy hoàn toàn không có gì xảy ra, vậy mà nhìn cho kỹ thì mọi thứ đang diễn ra. Một sự dừng lạithực sự đang diễn ra. Một phép mầu đang diễn ra. Ngay tại trung tâm đầu não của Internet, một sự dừng lại đang diễn ra. Ngay tại đây đang có bình an, có sương mù, có nụ cười và những hơi thở yên lắng. Không có gì xảy ra, vậy mà mọi thứ lại đang diễn ra. Ta có thể cảm nhận được những nhân viên của Google đang tham dự 100%, có mặt 100% ngay tại đây, trong giờ phút này. Họ đã quá mệt mỏi vì công việc. Và giờ đây, họ đang tò mò khám phá. Họ biết là Thầy đang có những gì họ mong muốn, vì vậy mà họ háo hức được học và tự mình nếm được điều đó. Đó có phải là tuệ giác? Hay đó là hạnh phúc?
Trong một bài pháp thoại tại xóm Hạ, Làng Mai sau chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ, Thầy có kể lại về buổi sáng hôm đó, những nhân viên của Google đã thực tập thiền hành thật hết lòng. “Họ thực tập rất giỏi”, Thầy nói mà không hề biết là trong thính chúng có một nhân viên của Google đang lắng nghe Thầy. Cô quyết định đến đây để tự mình “tìm hiểu” về Làng Mai. Cô cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi nghe Thầy khen sự thực tập hết lòng của nhân viên Google. “Nhưng”, Thầy nói tiếp, “lý do khiến họ thực tập hết lòng như vậy là bởi vì họ có rất nhiều khổ đau”. Ngồi phía dưới lắng nghe, cô thầm nghĩ “Đúng, Thầy nói rất đúng. Thầy đã hiểu được điều đó. Thực sự chúng tôi có rất nhiều khổ đau. Và pháp môn thiền hành thực sự giúp chúng tôi rất nhiều.”
Sau giờ thiền hành, Thầy cho một bài pháp thoại và dành thời gian để các nhân viên Google đặt câu hỏi. Câu hỏi nào được đặt ra cũng là câu hỏi từ trái tim, từ những thao thức, trăn trở trong lòng họ. Đó là những câu hỏi của “những người đang đi tìm kiếm”, những tâm hồn trẻ đang muốn tìm kiếm một ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống đầy bận rộn và căng thẳng mà họ đang sống. Ai trong chúng tôi cũng có thể cảm nhận được sự cởi mở, niềm tin yêu và kính ngưỡng sâu sắc của họ đối với Thầy. Chúng tôi cũng nghe thấy những khổ đau trong lòng họ.
Ngồi phía sau Thầy trên sân khấu, chúng tôi dường như đang đại diện cho một thế giới khác. Chúng tôi có thể đi nhiều ngày hoặc nhiều tuần mà không cần phải mở máy tính, hay nghe một bản nhạc nào. Nếu không phải làm công việc ghi danh trong văn phòng trước khóa tu mùa hè thì chắc là chúng tôi không bao giờ biết cảm giác nhận hàng trăm e-mail mỗi ngày là như thế nào.
Chúng tôi có cơ hội để dừng lại, không phải chỉ một vài phút mỗi ngày, mà giờ này qua giờ kia để quán chiếu về hình hài mình, về hơi thở, về thức ăn hay vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên xung quanh tu viện. Chúng tôi có thể đi tắm một cách thảnh thơi mà không bị đài phát thanh NST (Non-Stop Thinking – Suy nghĩ không dứt) quấy rầy trong đầu.
Trước khi xuất gia, tôi từng có thời gian làm việc trong ngành báo chí và truyền thông. Mỗi ngày tôi phải đọc sáu tờ báo, hết tờ này đến tờ khác, và phải nghe những bản tin kéo dài trung bình hai tiếng đồng hồ, trong khi đó mắt phải dán vào màn hình vi tính để theo dõi các đường dây tin tức trực tiếp (“news wires”) liên tục được gửi đến. Tôi có cảm giác là tôi phải mất rất nhiều năm để có thể làm lắng dịu tâm ý, để có thể tận hưởng được sự tĩnh lặng mà trong đó không có gì xảy ra, ngoại trừ sự sống và những mầu nhiệm của nó.
Ngồi trên sân khấu nhìn xuống, tôi tự hỏi liệu có ai trong số những nhân viên ở đây đã từng nếm được sự bình an sâu lắng và cảm giác nhẹ nhõm khi thoát khỏi mạng lưới thông tin tràn ngập. Chính cảm giác bình an và nhẹ nhõm này đã làm tâm hồn tôi tươi mát trở lại khi được sống trong tu viện. Chúng tôi không thể cho họ sự bình an và tĩnh lặng đó, nhưng chúng tôi có thể chỉ cho họ thấy rằng đó là những điều có thể có được – bằng những nụ cười và bước chân của chúng tôi. Và chúng tôi cũng có thể chỉ cho họ những cách để tạo ra những giây phút, những khoảnh khắc bình an trong ngày, dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi thôi nhưng cũng có thể làm thay đổi cả cuộc đời mình.
Sau giờ pháp thoại và vấn đáp, chúng tôi cùng nhau thưởng thức bữa ăn sáng trong yên lặng với các thức ăn chay rất ngon. Google là tập đoàn đầu tiên áp dụng sự thực tập ăn trong chánh niệm cho cả tập đoàn. Kể từ chuyến viếng thăm đầu tiên của Thầy năm 2011, Google đã tổ chức “bữa ăn chánh niệm” mỗi tháng một lần tại các quầy cafe của mình. Trong những bữa ăn trưa chánh niệm, các nhân viên của Google có cơ hội lắng nghe năm lời quán nguyện trước bữa ăn, sau đó cùng ăn trong yên lặng. Sau giờ yên lặng đó, họ có thể chia sẻ với nhau cảm nhận của mình về sự thực tập này. Sau chuyến thăm lần thứ hai của Thầy, Google dự định thiết lập một “khu vực ăn chánh niệm” (“mindful eating zone”) cố định trong khuôn viên của Googleplex, nơi các nhân viên có thể đến và nuôi dưỡng mình bằng năng lượng bình an trong giờ ăn trưa.
Cùng với việc yểm trợ và nuôi dưỡng sự thực tập chánh niệm của các nhân viên Google, một vài người trong chúng tôi còn có những mơ ước riêng khi bước vào thế giới Google ngày hôm ấy. Một hay hai người trong số chúng tôi cố gắng tìm gặp các nhân viên phụ trách về Bản đồ Google (GoogleMap) với hy vọng là có thể tạo cảm hứng cho họ thiết lập một bản đồ trực tuyến (cho phép chỉnh sửa và dễ dàng truy cập) về các tăng thân tu tập theo pháp môn Làng Mai cũng như các hoạt động tu tập chánh niệm trên khắp thế giới.
Thầy Pháp Lưu và thầy Pháp Khởi mang theo một ổ cứng dung lượng lớn trong ba lô của mình, cũng với hy vọng là có thể tạo cảm hứng cho một nhân viên nào đó của Google để họ đưa các bài pháp thoại của Thầy trong 10 năm qua vào hệ thống dữ liệu của YouTube và phát lên kênh riêng của Làng Mai trên YouTube (ở Làng Mai, nếu làm liên tục trong một năm mới có thể đưa tất cả những bài pháp thoại này lên YouTube).
Cá nhân tôi thì mong muốn tìm được ai đó ở Google có khả năng thiết kế một ứng dụng Chuông Chánh niệm (Mindfulness Bell App.) đơn giản, tiện dụng và miễn phí. Còn Thầy chúng tôi thì lại khác. Vốn là người luôn có những tư tưởng lớn, Thầy muốn tìm kiếm những “tri kỷ” có thể tìm ra các ứng dụng hay thiết bị công nghệ để giúp mọi người bớt khổ và giúp nền văn minh của chúng ta không tiếp tục hướng đi như hiện nay.
Buổi chiều hôm đó, Thầy cùng với thị giả và một số quý thầy, quý sư cô có cuộc gặp gỡ với các kỹ sư cao cấp của Google để bàn về những vấn đề đó. Trong khi hàng trăm nhân viên của Google đang thưởng thức thiền buông thư do sư cô Chân Không hướng dẫn (chắc chắn là có tác dụng thư giãn và trị liệu hơn nhiều so với những chiếc ghế massage được đặt khắp trụ sở của Google), khoảng mười hai người chúng tôi cùng với Thầy ngồi quanh một chiếc bàn lớn để chia sẻ với các kỹ sư Google về tương lai của công nghệ thông tin.
Liệu chúng ta có thể tạo ra một loại công nghệ có thể giúp con người trở về để ôm ấp và xử lý khổ đau trong chính mình? Ngồi với chúng tôi trong buổi thảo luận hôm đó có một nhân viên nữ ăn mặc rất thanh lịch và sành điệu. Cô đeo đôi kính “Google Glass” – một công nghệ tân tiến nhất hiện nay cho phép ta gửi tin nhắn, lướt web, chụp ảnh và quay phim mà không cần phải động chân động tay gì cả, dù chỉ là nhấc một ngón tay. Nhưng liệu thiết bị thông minh này có thể giúp cô có mặt thực sự cho chính mình và cho buổi thảo luận đang diễn ra?
Thời lượng xem các video trên YouTube của Google trong mỗi tháng tương đương với khoảng thời gian 450.000 năm – con số này gấp đôi thời gian con người hiện đại từng tồn tại. Nhưng liệu điều này có giúp con người bớt khổ hay không? Liệu ta có thể tạo ra những thiết bị, phần mềm có khả năng ứng dụng trên toàn cầu với những nội dung giúp con người trở về để chăm sóc chính mình, chăm sóc những người mình thương yêu và chăm sóc cho xã hội này?
Có thể Google cũng biết rằng có những người kiểm tra hộp thư Gmail của mình đến 100 lần trong một đêm. Người đó cũng đồng thời đang tìm kiếm trên Google bằng từ khóa “nguyên nhân của chứng trầm cảm”, và đặt mua những đồ ăn vặt (junk food) với số lượng lớn thông qua công cụ tìm kiếm “Chrome browser”. Liệu các thuật toán “algorithms” của Google có đủ thông minh để tìm ra những phương thức hiệu quả có khả năng giúp cho người kia bớt khổ? Google mong muốn đạt lợi nhuận lớn trong kinh doanh, đó là sự thực. Nhưng Google cũng đồng thời muốn làm điều tốt, không muốn làm điều xấu ác (not be evil). Vậy thì Google có thể làm được điều gì hay hơn không?
Cuộc gặp gỡ và thảo luận hôm đó không giống như một cuộc gặp thông thường, và kéo dài đến hai giờ đồng hồ. Thật là tuyệt vời khi được đóng góp như một Tăng thân – mỗi người trong chúng tôi đều đóng góp năng lượng và cái thấy mới của mình trong cuộc gặp, nhưng tất cả đều là những tiếng nói của cùng một cơ thể, và Thầy là người luôn có mặt và chỉ dẫn cho chúng tôi trong suốt thời gian đó.
Thật khó có thể tin được khi thấy vị Thầy thương kính của chúng tôi, một Thiền sư thuộc một thế hệ khác – khi bước vào thế kỷ XXI thì Thầy đã hơn 70 tuổi rồi, vậy mà Thầy vẫn tham dự hết lòng cùng các kỹ sư công nghệ trẻ tuổi và đóng góp cái thấy rất nhanh nhạy, sắc bén của một Thiền sư với rất nhiều thương yêu và niềm vui. Điều đó đã làm cho các nhân viên Google rất hạnh phúc. Một người trong số đó đã bật khóc khi Thầy giải thích vì sao hành động dừng lại khi nghe tiếng chuông lại có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc đến vậy.
Để kết thúc cuộc gặp gỡ thú vị này thật là khó và lại càng khó hơn khi chia tay những người bạn ở Google. Chúng tôi đã coi nhau như những người bạn, thậm chí như những “tri kỷ”. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn gặp lại nhau và lần tới không phải là một ngày chánh niệm như hôm nay, mà phải là một khóa tu.
Chúng tôi cùng nhau đi xuống tầng trệt, nhưng không phải bằng cầu trượt mà bằng những bước chân chánh niệm của mình.
Chân Hiến Nghiêm(Làng Mai)