Thư Viện Hoa Sen

Đá gà bằng dao, bị gà đá chết

06/03/202112:00 CH(Xem: 9174)
Đá gà bằng dao, bị gà đá chết
ĐÁ GÀ BẰNG DAO, BỊ GÀ ĐÁ CHẾT
Đào Văn Bình

            Theo The Insider (Anh Quốc) vào ngày 18/1/2021, tại The Tampak Siring Temple ở Bali, Nam Dương, người ta cột con dao vào chân con gà trong trận đá gà truyền thống của người Balines Ấn Độ. Đây là một bộ phận của nghi lễ tôn giáo để thanh tẩy và trừ tà bằng máu của các con vật qua cuộc đá gà. Đá gà không phải lễ nghi tôn giáo được coi là cờ bạc tại Nam Dương.

            Thangulla Satish- 45 tuổi đã mất máu mà chết sau khi con gà liên tục bay lên đá vào đùi non của anh ta với con dao dài 3inch/ 7 phân rưỡi cột vào cựa. Satish và 16 người khác đã tổ chức đá gà ăn tiền tại Lothunur, Ấn Độ.

            Nhà chức trách đang truy lùng 15 người tổ chức đá gà và họ có thể bị truy tố về tội sát nhân với bản án hai năm tù.

            Các nhà hoạt động bảo vệ thú vật nói rằng môn cờ bạc này thật ác độc vì nó lợi dụng bản tính tự nhiên của con gà để buộc chúng phải đá nhau. Để cho cuộc đá gà đẫm máu hơn, một vài người chăm sóc gà đá đã cột một con dao vào chân gà. Người ta còn nhổ lông con gà để cho đối thủ khó tấn công. Ngoài ra lại còn cho gà uống thuốc kích thích để gia tăng sức mạnh. Những con gà chiến thắng thường cũng bị thương nặng và sau đó bị giết chết để ăn thịt (ở Việt Nam là nấu cà-ri).

            Mặc dù Tối Cao Pháp Viện Ấn Độ phán quyết đá gà là phạm pháp vào những thập niên 1960 nhưng đá gà vẫn là môn cờ bạc ưa chuộng tại các tiểu bang miền nam.

            Tại Hoa Kỳ, đá gà bị coi như phạm tội tại 42 tiểu bang. Mặc dù nhà chức trách liên bang liên tục phá vỡ các ổ đá gà nhưng vào Tháng Tám năm ngoái, Sở Cảnh Sát Los Angeles đã phá vỡ một ổ đá gà với 2000 con.  

            Nhà chức trách tại Nữu Ước vào năm 2014 đã tiến hành chiến dịch gọi là “Operation Angry Birds” và bắt giữ hơn 70 người và tịch thu hơn 3000 con.

            Đây không phải lần đầu tiên một tay đá gà bị chết vì gà đá. Năm ngoái, một người đàn ông Ấn Độ 55 tuổi đã chết vì bị con gà đá vào cộ và vào bụng trong một buổi lễ Makar Sankranti tại Ấn Độ. Vào năm 2018, một thanh niên 34 tuổi tại Rajavaram, Ấn Độ đã chết vì mất máu vì bị gà đá vào đùi non và ngọc hoàn.

            Hồi còn trẻ tôi rất mê coi đá gà và chỉ ước mơ có gà để nuôi, để đá, nhưng khi lớn rồi thì lo học và có nhiều môn chơi khác nên thôi. Lúc bấy giờ tại Miền Nam, môn đá gà ăn tiền rất phổ biến và hình như không được coi như cờ bạc. Đá gà gồm có ba loại: Đá gà đòn, đá gà cựa và đá gà dao.

-Đá gà đòn là không thêm thắt gì vào cựa gà. Gà như thế nào thì đá như vậy.

-Đá gà cựa là ghép thêm một đôi cựa khá dài vào cựa nhỏ của con gà.

-Đá gà dao là ghép một đôi dao nhỏ, sắc, nhọn dọc theo cựa của con gà.

            Chăm sóc một con gà đá rất công phu và rất đắt tiền. Thường thường người ta nhổ hết lông đùi, lông đầu, rồi tẩm rượu thuốc cho gà mạnh khỏe. Rồi mỗi ngày phải “quần” cho nó không biết mệt giống như lính tập ở quân trường. Nghe nói gà Cao Lãnh là loại gà đá rất chiến. Ô. Nguyễn Cao Kỳ hồi còn làm Chủ Tịch UBHP Trung Ương rất mê đá gà. Nhiều tay ôm gà cho Ông Kỳ mà trở nên danh phận. Đá gà có một truyền thống rất lâu đời. Truyện kể rằng Tề Hoàn Công là ông vua rất mê đá gà. Trong bầy có con gà quý gọi là Kim Kê. Tề Hoàn Công cho tuyển một bậc thầy về nuôi gà chọi để chăm sóc cho con này.

            Qua chuyện này một số người có thể nói đó thấy không “Quả báo nhãn tiền”, giống như chuyện một người đàn ông ở Nam Dương dùng khỉ leo cây hái dừa rồi bị khỉ ném dừa trúng đầu chết. Theo tôi, chuyện “quả báo nhãn tiền” khó chứng minh nhưng chắc chắn đó là Nhân-Quả hay “Chơi dao có ngày đứt tay” hoặc “Đi đêm có ngày gặp ma”. Là một Phật tử chúng ta cần phải:

-Tuyệt đối xa lánh nghi thức cúng tế dã man là giết rồi dùng máu thú vật để dâng cúng thần linh hầu rửa tội. Đức Phật dạy rằng không một ai có thể rửa tội cho ai. Một người phạm tội chỉ có thể rửa được tội lỗi của mình qua sám hối và làm việc lành. Những người làm ác sau này có gặp chuyện thảm khốc thì nên “hoan hỷ” nhận lãnh vì đó là quy luật vay-trả không ai thoát được đúng như câu “Ác giả, ác báo”.

-Không nên hành hạ thú vật và xa lánh môn thể thao săn bắn. Tại Hoa Kỳ, người thổ dân Da Đỏ lên án người Da Trắng khi nói rằng chúng tôi săn bắn vì muốn có thức ăn để sống, còn các ông săn bắn để vui chơi. Hiện nay công ty bán lẻ khổng lồ Costco đã tẩy chay không mua nước dừa của Nam Dương vì ở Nam Dương người ta đã lợi dụng khỉ để hái dừa tức hành hạ thú vật. Có xem các đoạn phim khỉ được huấn luyện như thế nào rồi liên tục leo lên cây để hái dừa mới thấy thương khỉ và thấy sự dã man của con người.

-Không nên giết hại thú vật nhất là các loài quý hiếm để bổ thận, tăng cường sinh lý hoặc trường sinh bất tử. Tất cả những niềm tin này đều là nhảm nhí do “ngàn năm đô hộ” truyền bá từ thời kỳ xã hội Trung Hoa còn bán khai. Thế nhưng chúng ta có thể giết một số thú vật nếu có phép của chính quyền để cân bằng sinh thái, khi thú vật nhiễm dịch bệnh hàng loạt hoặc khi thú vật tấn công để ăn thịt người. Tại Công Viên Quốc Gia Yellowstone người ta đã phải đưa thêm một số chó sói vào đây để ăn thịt bớt những con bò lông xù (Bison) bởi vì nếu không loài bò này sẽ sinh sản quá nhiều, sẽ không còn đủ cỏ cho chúng nó ăn nữa và sẽ diệt chủng.

-Không nên hành hạ thú vật. Trâu, bò, chó, ngựa nuôi để kéo xe, kéo cầy, giữ nhà… nên coi chúng như bạn hay “nhân công” của mình. Nó làm việc thay mình, nó nuôi sống mình thì mình phải quý mến nó. Hiện nay một số quốc gia đã lên án việc dùng voi để kéo gỗ việc, giam giữ khi dã nhân, khỉ đột trong sở thú vì loài thú này nó có đủ mọi thứ tình cảm cuộc sống giống hệt như con người. Chúng nó chỉ không biết nói tiếng người mà thôi.

            Lời khấn nguyện của chư tăng/ni ngày đêm là ”Tình dữ vô tình, giai cộng thành Phật đạo”. Tức muôn loài chúng sinh có tình cảm phong phú như loài người, tình cảm còn thô sơ như loài khỉ, chó, ngựa, trâu, bò…vô tình như các loài chim, cá, bò sát, côn trùng…đều có Phật tánh, đểu có thể hiểu và tu theo Phật. Do đó người Phật tử với lòng Từ Bi không nên hành hạ thú vật, không nên giết hại thú vật bừa bãi và nên vứt bỏ thú vui săn bắn.

            Đào Văn Bình

(California ngày 5/3/2021)

 

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: