PHẬT NÓI KINH
PHẠM VÕNG BỒ TÁT
TÂM ĐỊA PHẨM LƯỢC SỚ
Dịch giả: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Trí Hải (tự Như Hải)
Phần hai
GIẢI THÍCH KINH VĂN
Xét trong các kinh đều có 3 phần: Biệt, tựa, Chánh tông và Lưu thông. Phẩm Tâm địa này rút từ Kinh Phạm Võng. Đại bổn Phạm Võng gồm có 62 phẩm, phẩm Tâm địa này chính là phẩm thứ 10 trong đó, nên không có tựa chung của toàn bộ kinh, không có Như Thị Ngã Văn như các kinh khác, chỉ có bài tựa riêng mà thôi. Như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, v.v..., mỗi phẩm đều có 2 chữ Nhĩ Thời để trước. Nay kinh này cũng vậy, phần Chánh tông và Lưu thông nói rõ sự lý, tánh tướng của một phẩm này, chứ không phải phần Chánh tông, Lưu thông của cả bộ kinh. Hoa Nghiêm Sớ Sao ghi: “Thánh nhân lập giáo đều có thứ lớp, muốn diễn bày những lời nhiệm mầu, trước nêu rõ, rồi nhờ đó mà đạt lý, nhờ nghĩa lý rõ ràng nên kẻ đương cơ tiếp nhận được Pháp.” Bởi vậy đem phần Chánh tông trao cho họ, chẳng những đôn đốc họ ngay trong pháp hội mà còn khiến cho truyền mãi về sau, hằng thắp sáng ngọn đèn chánh pháp được sáng mãi không cùng, nên đặt đó là phần Lưu thông. Chẳng những chỉ bộ kinh này, hợp xứng với đương hội, hợp xứng với các phẩm mà còn dung chứa tất cả. Nay giải thích chỉ nêu đại khoa, không chia riêng từng khoa, e rằng người sơ cơ học hỏi cho là khó, lại càng thêm mù mờ. Tất cả một mảy may đều là lý huyền diệu, giai vị Bồ Tát đủ chuyên chở nghĩa sớ và khai nghĩa ẩn mật. Tự mình phải kiểm duyệt lấy.
(Giải thích:
Kinh chia làm 3 phần: Phần tựa, Chánh tông và Lưu thông. Thể lệ này bắt
đầu từ Pháp sư Đạo An thời nhà Tấn. Về sau, các vị Bồ Tát chú sớ, phiên
dịch từ Tây Vức (Ấn Độ) sang đều phân làm 3 phần, mới biết lệ thường xưa nay
không thay đổi.)
I. BA PHẬT TRUYỀN
GIÁO
1. Phó chúc
chung
Ba Phật là:
- Phật Lô Xá Na.
- Phật trên ngàn
hoa.
- Ngàn trăm ức
Thích Ca.
Đức Phật Thích Ca được truyền từ ngàn Phật, ngàn Phật được truyền từ Xá Na Phật, Xá Na Phật được truyền từ Phật trước. Song tất cả Chư Phật đều đủ ba thân, đó là Tỳ Lô Biến diệu, lấy chánh pháp làm thân.
- Xá-na hạnh
viên mãn, lấy báo quả làm thân.
- Thích Ca hóa
tích, lấy phó cảm (quần cơ) làm thân.
- Pháp thân vô
tướng, chiếu sáng khắp hết mười phương.
- Xá Na muôn đức
đủ 84,000 tướng hảo nghiêm thân.
- Kim thân của
Thích Ca cao một trượng sáu, đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tiếng Phạn là Tỳ
Lô Giá Na, Trung Hoa dịch là Biến Nhứt Thiết Xứ, vì quang minh biến khắp:
* Quang minh của thân chiếu khắp hết thảy hư không pháp giới.
* Quang minh của trí chiếu khắp lớp lớp pháp giới, cũng gọi là Đại nhựt. Như mặt trời ở thế gian chỉ chiếu một bên, không soi khắp được, hoặc chỉ chiếu soi được ban ngày, ban đêm thì không, chiếu soi một thế giới còn các thế giới khác không chiếu soi được, thì không gọi là Đại nhựt. Nay sắc thân pháp thân của Tỳ Lô Giá Na, chiếu khắp pháp giới và thế giới của mười phương, thảy đều chiếu khắp.
Trong kinh Tâm Địa Quán có bài kệ rằng:
Thể pháp
thân biến khắp chúng sanh
Muôn đức tự
nhiên tánh thường trụ
Không sanh,
không diệt, không đến đi
Chẳng phải,
chẳng khác, không đoạn thường
Pháp giới biến
khắp như hư không
Tất cả Như Lai
cùng tu chứng
Mọi công đức
hữu vi, vô vi
Đều nương pháp
thân thường thanh tịnh
Pháp thân bổn
tánh như hư không
Xa lìa lục trần
không đắm nhiễm
Pháp thân vô
hình, lìa các tướng
Tướng năng,
tướng sở thảy đều không
Như vậy pháp
thân mầu Chư Phật
Vắng bặt tướng
hý luận, ngôn từ
Xa lìa tất cả
mọi phân biệt
Tâm hành xứ
diệt thể đều như
Vì muốn tu
chứng thân Như Lai
Bồ Tát khéo tu
cả muôn hạnh.
(Dựa vào Báo thân, Hóa thân, nên Tâm Luận chép: “Thân trước và thân thứ hai là y chỉ thân.”)
Lúc bấy giờ Phật Lô Xá Na vì đại chúng này, khai mở sơ lược trăm ngàn hằng hà sa bất khả Pháp môn tâm địa, như chừng đầu sợi lông.
Giải thích:
Lúc bấy giờ, là lúc Phật Lô Xá Na nói Pháp, Trung Hoa dịch là Quang minh biến chiếu.
- Trong thì
dùng Trí quang biến chiếu chơn pháp giới. Đây đứng về Tự thọ dụng thân.
- Ngoài thì dùng
Thân quang biến chiếu ứng Đại cơ. Đây đứng về Tha thọ dụng thân; Đại cơ
tức Đại thừa Bồ Tát.
Tịnh Mãn, nghĩa là dứt hết tâm niệm xấu ác, nên nói là Tịnh, dứt hết mọi quả báo ác, các đức thảy đều đủ nên nói là Mãn. Đây là thực hành quả báo thiện. Phần nhiều dựa trên Tự thọ dụng mà đặt tên. Còn Quang minh Biến chiếu, phần nhiều dựa trên Tha thọ dụng đặt tên. Xét trong kinh Tâm Địa Quán, Pháp thân cũng gọi là tự tánh thân, vô thỉ, vô chung, lìa tất cả tướng, dứt hết các hý luận, châu viên biến khắp vắng lặng thường trụ, đây gọi là Pháp thân. Thọ dụng thân có hai :
1. Tự thọ dụng
2. Tha thọ dụng.
Tự thọ dụng thân phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp tu muôn hạnh, khiến chúng sanh được an lạc lợi ích rồi, tâm Thập địa viên mãn, ra khỏi ba cõi, trụ nơi Tịnh diệu Quốc độ, ngồi trên bảo tòa liên hoa, có vô lượng Bồ Tát hải hội vây quanh cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán ngợi khen, như thế gọi là Hậu báo lợi ích.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát vào Định kim cang, đoạn trừ hết tất cả phiền não chướng và sở tri chướng vi tế, chứng đắc Vô thượng Bồ Đề. Diệu quả đó gọi Hiện tại lợi ích, đây là chơn báo thân, hữu thỉ vô chung, thọ lượng kiếp số, không có hạn lượng, suốt cho đến đời vị lai các căn tướng hảo, biến khắp pháp giới, bốn trí đầy đủ, thọ dụng pháp lạc, đầy đủ 84,000 trí môn, đủ tất cả các công đức, gọi là Như Lai Tự thọ dụng thân. Còn Như Lai Tha Thọ dụng thân đầy đủ 84,000 tướng hảo, ở cõi Chơn Tịnh độ, thuyết pháp Nhứt thừa, khiến cho các Bồ Tát thọ dụng pháp lạc vi diệu của Đại thừa. Tất cả Như Lai vì hóa độ chúng Thập địa Bồ Tát nên hiện ra mười thứ Tha thọ dụng thân:
- Phật thân
ngồi trên hoa sen trăm cánh, vì hàng Sơ địa Bồ Tát nói trăm pháp minh
môn. Bồ Tát ngộ rồi, khởi đại thần thông biến hoá, đầy khắp trong thế
giới của trăm Phật, làm an lạc lợi ích vô số chúng sanh.
- Phật thân ngồi
trên hoa sen ngàn cánh, vì hàng Nhị địa Bồ Tát, nói ngàn pháp minh môn. Bồ tát ngộ rồi, khởi đại thần thông biến hoá khắp hết thế giới của ngàn Phật,
làm an lạc lợi ích vô lượng vô số chúng sanh.
- Phật thân ngồi
trên hoa sen muôn cánh, vì hàng Tam địa Bồ Tát thuyết muôn pháp minh môn. Bồ Tát ngộ rồi, khởi đại thần thông biến hóa đầy khắp cõi nước của muôn Phật,
làm an lạc lợi ích vô lượng chúng sanh.
Như thế, Như Lai lần lần tăng trưởng, cho đến Thập địa Bồ Tát. Tha thọ dụng thân, ngồi trên bất khả thuyết hoa sen báu vi diệu, vì hàng Thập địa Bồ Tát thuyết bất khả thuyết các pháp minh môn. Bồ Tát ngộ rồi, khởi đại thần thông biến hóa, đầy khắp bất khả thuyết các cõi nước vi diệu của Phật và lợi ích an lạc cho các loại chúng sanh vô lượng vô biên không thể tính kể được. Mười thân như thế, đều ngồi tòa thất bảo dưới cây Thọ vương, chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Đây gọi là Ứng thân Phật.
Trong mỗi một cánh sen là một Tam thiên thế giới, có trăm ức núi Tu Di và Tứ Đại Châu. Mỗi một Thiệm bộ châu đều có tòa kim cang, cội Bồ đề Thọ vương. Các hóa Phật đều ở dưới gốc cây, sau khi phá sạch ma quân rồi, nhứt thời chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Các hóa Phật ấy, mỗi vị đều đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, vì các hàng Bồ tát, Nhị thừa, phàm phu mà tùy nghi thuyết Tam thừa Diệu pháp. Các hóa Phật này, đều gọi là Phật Biến hóa thân, nối tiếp nhau thường trú. Có bài kệ:
Vì
giáo hóa Địa thượng Bồ tát
Một Phật
hóa hiện mười thứ thân
Tùy cơ
ứng hiện thảy không đồng
Lần lần
nhiều cho đến vô cực
Như thế
mười Phật thành chánh giác
Đều ngồi
tòa Bồ đề thất bảo
Phật
trước nhập diệt Phật sau thành
Hóa Phật
khác nhau hiện cả kiếp.
Ứng thân, là Tha thọ dụng thân, hóa thân tức trăm ngàn ức hóa thân, nghĩa là càng tăng đến chỗ vô cực, chứ đâu phải chỉ ngàn trăm ức mà thôi. Nên chánh văn ghi: “Trăm ngàn vạn đến bất khả thuyết.” Đại Tiểu hóa Phật đều ngồi Bồ đề thọ, chính là phần lưu thông của kinh này nói: “Vi trần thế giới là Phật.” Còn “Đại chúng” tức là chỉ cho Phật trên ngàn hoa và ngàn trăm ức Thích Ca.
Xét trong phẩm Thượng, khi ấy đức Phật Thích Ca đưa đại chúng ở thế giới này trở về Liên Hoa Đài tạng, gặp Phật Lô Xá Na, Phật rộng khai và chỉ rõ pháp môn tu của hàng Tam Hiền và Thập Thánh để khiến cho họ trở về cội nguồn Phật quả. Như vậy phải biết, chẳng phải chỉ có ngàn Phật, ngàn trăm ức Phật mà thôi.
Vì đại chúng, tức là vì hằng hà sa người (người nhiều như cát sông Hằng). Con sông này nằm ở trung Thiên Trúc, rộng 40 dặm, cát của sông này mịn như bột gạo. Cát của một con sông đã nhiều vô cùng, huống chi số cát trăm ngàn sông, lẽ đâu cùng tận. Nên nói bất khả thuyết, bất khả thuyết. Cũng như nói: “Số thứ 9 trong 10 số lớn là để dụ cho pháp môn rộng lớn vô cùng vô tận.” Nay đối với pháp môn vô cùng vô tận mà chỉ nói Tâm địa Pháp môn thôi, nên ví như chừng đầu sợi lông là vậy, còn cát một sông trăm ngàn sông cũng thế.
Pháp môn tuy nhiều cũng không ngoài tâm địa. Nói đến Tâm địa chính là bao gồm hết muôn pháp. Đây cũng là dùng ít nhiếp nhiều. Kinh Niết Bàn chép: “Phật ở trong rừng, Ngài cầm trong tay ít lá cây bảo các Tỳ Kheo: Tất cả các Pháp mà Ta chứng biết nhiều như lá cây trong Đại địa, còn pháp diễn nói cho chúng sanh chỉ bằng lá cây trong tay Ta mà thôi.” Thí dụ về pháp môn cũng giống như thí dụ này vậy.
Đây là tất cả Phật quá khứ đã nói, tất cả Phật vị lai sẽ nói, Phật hiện tại đang nói. Ba đời Bồ Tát đã học, đương học và sẽ học.
Giải thích:
Phật, tiếng Phạn nói đủ là Phật Đà, Trung Hoa dịch là Giác. Giác có ba nghĩa:
1. Tự giác: Như
người tỉnh thức sau giấc mộng dài (đại mộng). Đây là vượt hơn phàm phu.
2. Giác tha: Đã vượt hơn Nhị thừa, vì Nhị thừa chú trọng cho mình nhiều hơn, không có tâm
lợi tha, chỉ mong tự lợi, nên gấp ra khỏi sanh tử ba cõi. Còn Phật Như
Lai chứng đắc bình đẳng trí, được pháp tánh không, vận tâm vô duyên từ vào cảnh
giới ma, độ khắp chúng sanh, khiến họ an vui, nên gọi là Giác tha.
3. Giác hạnh viên
mãn: Khác hơn Bồ Tát, vì hàng Bồ Tát tuy khởi lòng từ độ khắp chúng sanh nhưng
giác hạnh chưa được viên mãn, chỉ có Phật, tâm cảnh đều lìa, Căn bản trí được
hiển lộ toàn vẹn, Ngũ trụ phiền não đã tận diệt, hai thứ sanh tử không còn, ba
giác đã trọn, muôn đức đã đủ, đầy đủ mười hiệu, nay chỉ nên một hiệu là Như Lai
thì mười hiệu đồng bày.
Ba đời chư Phật đã nói Pháp này; ba đời đó là quá khứ, hiện tại và vị lai. Đức Xá Na tuy nói rằng: Chừng đầu mảy lông nhưng thực ra ba đời chư Phật cùng thuyết, ba đời Bồ Tát cùng học, vì sao vậy? Vì tâm là nguồn gốc của muôn pháp. Nêu tâm thì muôn pháp đều đủ, nên Chư Phật đồng thuyết, Đại sĩ đồng học.
Ta đã
trăm ngàn kiếp tu hành môn Tâm địa này, ta được hiệu là Lô Xá Na,
Giải thích:
Ngã, nghĩa là chính Chơn ngã được Bát tự tại của Như Lai, chẳng phải vọng ngã do phàm phu chấp ngũ uẩn thân tâm là ngã. Kiếp, tiếng Phạn nói cho đủ là Kiếp-ba-cấp-đà, Trung Hoa dịch là Thời phần, nghĩa là rất lâu xa, chẳng phải năm tháng có thể tính biết được.
Kinh Anh Lạc chép: “Thí như một dặm, hai dặm cho đến mười dặm đá, bề rộng cũng chừng ấy. Dùng y trời nặng 3 thù, theo ngày tháng ở nhân gian, cứ 3 năm lau bụi một lần, lau đến khi nào đá này mòn hết, thì gọi là một tiểu kiếp. Từ một dặm, hai dặm, cho đến 40 dặm cũng gọi là 1 tiểu kiếp. Lại nữa, đá dài 800 dặm, rộng cũng ngần ấy, dùng y trời Phạm Thiên nặng 3 thù, lấy trăm thứ châu ngọc sáng rỡ của trời Phạm Thiên làm ngày tháng, cứ 3 năm lau 1 lần, lau đến khi nào đá này mòn hết, thì gọi là 1 trung kiếp. Lại nữa, đá dài 800 dặm, rộng cũng ngần ấy, dùng y trời Tịnh Cư nặng 3 thù, lấy ngàn thứ bảo quang minh cảnh làm ngày tháng, cứ 3 năm lau 1 lần, lau đến khi nào đá này mòn hết, thì gọi là 1 Đại A Tăng Kỳ Kiếp. Nếu 1 dặm, 2 dặm, cho đến 10 dặm đá hết, thì đó gọi là một dặm kiếp, 2 dặm kiếp v.v...Nếu 50 dặm đá hết, thì gọi là 50 dặm kiếp. Trăm dặm đá hết thì gọi là trăm dặm kiếp. Ngàn dặm đá hết thì gọi là ngàn dặm kiếp, vạn dặm đá hết thì gọi là vạn dặm kiếp.” Tất cả Hiền Thánh vào số lượng này, tu tất cả pháp môn, trải qua thời gian lâu hoặc mau, mà được quả Phật. Thời gian ấy có thể đến trăm kiếp mới chứng đắc Đẳng giác. Nếu tất cả chúng sanh vào trong số này, không bao lâu sẽ được thành Phật. Nếu không ở trong số này, thì không được gọi là Bồ Tát.
Nay nói trăm kiếp tu hành, như phẩm Thượng ghi: “Trăm A Tăng kỳ kiếp.” ở đây có thể do lược bớt kinh văn. Xét trong các kinh khác đều ghi: “Như Lai tu hành 3 Đại A Tăng kỳ kiếp, hoặc hơn thế nữa.” Lại trong trăm trung kiếp tu nhân tướng hảo, nên nói trăm kiếp là vậy. Ngài Thiên Thai Trí Giả dẫn Trí Độ Luận, Câu Xá Luận, Bà Sa Luận, v.v..., mà nói rằng: “Đức Như Lai từ cổ Phật Thích Ca đến Phật Thi Khí, Ngài gặp 75,000 Phật, gọi đó là A Tăng Kỳ đầu tiên (chẳng phải Phật Thi Khí trong thất Phật). Từ Phật Thi Khí đến Phật Nhiên Đăng, gặp 76,000 Phật, gọi đó là A Tăng Kỳ thứ 2, được thọ ký biệt hiệu là Thích Ca Văn. Từ Phật Nhiên Đăng đến Phật Tỳ Bà Thi, gặp 77,000 Phật, gọi là viên mãn A Tăng Kỳ thứ 3.” Từ kiếp đầu tiên đến đây, tu Lục độ đã xong, lại trụ trăm kiếp, tu nhân của 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nên Kinh Hiền Ngu chép: “Phật nói: Ta trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp, tinh tấn siêng tu khổ hạnh, trăm kiếp tu phước.”
- A Tăng Kỳ đầu
tiên, tu cúng dường 84,000 Phật.
- A Tăng Kỳ thứ 2,
cúng dường 99,000 Đức Phật
- A Tăng Kỳ sau
cùng , cúng dường 100,000 Phật Thế Tôn, xuất gia tu hành trì giới nghiêm mật,
đầy đủ giới Ba-La-Mật, nương xe lục độ, mặc giáp nhẫn nhục, ngồi tòa kim cang,
dưới cội Bồ đề, hàng phục Ma vương chứng thành Phật đạo.
Xét trong kinh Anh Lạc: “Khi Phật mới phát tâm tu hành chí cầu quả vị Duyên Giác, ở chỗ vắng vẻ nhàn tĩnh, trải qua 44 ức kiếp, không có Phật pháp thánh chúng. Thời gian đó là 70 kiếp sau cùng, gặp Phật Đại Thông Huệ diễn nói pháp Đại Thừa, mới phát khởi chút lòng tin hiểu, kiến tạo công đức. Trải qua 19 kiếp nữa, làm bậc Đại Quốc vương, cúng dường chúng Thanh tịnh, chu cấp cho những người nghèo thiếu, rời bỏ ngôi vua, xuất gia tu hành, an ngồi tĩnh niệm, tâm lần lần bị mệt mỏi, qua lại trong đường sanh tử, thọ báo vô số, do ý không phát Đại Thệ nguyện, chỉ muốn thoát khỏi hoạn khổ tự thân. Lại trải qua 60 kiếp, gặp được Phật Bảo Anh, nói đạo nhứt thừa không hai, không nghe tên tiểu tiết, ngay đó phát tâm, thệ tâm rộng lớn không trở ngại, từ đó đến nay, trải qua bảy ức A Tăng Kỳ, luôn luôn thuận theo chánh pháp, nay mới tự giác ngộ. Phải biết bảy kiếp về trước, tuy là cần khổ tu đạo, nhưng không có thệ nguyện vững chắc, nên trọn không thể thành bậc Đẳng Chánh Giác.”
Căn cứ vào đây thì trăm A Tăng Kỳ kiếp vẫn còn ít, đây cũng chỉ tùy cơ mà nói. Hóa nghi của Quyền thật, Đại tiểu không đồng. Nay đức Xá Na diễn nói pháp mà mình tu chứng ấy, khiến người khác sanh lòng tin. Nương pháp môn Tâm địa này để đạt đến kết quả tu chứng.
Chư Phật các ông truyền lời Ta đã nói, nghĩa là trước nói pháp, là khắp vì đại chúng , nay trao tâm ấn cho người chẳng phải người khác có thể kham được, nên đặc biệt phó chúc cho ngàn Phật Thích Ca, truyền lại lời của đức Phật Xá Na, chỉ lại cho các chúng sanh, khiến cho trên thừa dưới tiếp, vâng giữ giới pháp sẵn có.
Khai mở con đường tâm địa cho chúng sanh, nghĩa là tâm của tất cả chúng sanh vốn rỗng rang, nhưng vì từ vô thỉ kiếp đến nay, bị vọng tình hoặc nghiệp ngăn che, nên đức Xá Na phó chúc cho Thích Ca, truyền pháp môn khai mở tâm địa, khiến cho tất cả chúng sanh hoát nhiên khai thông tự tâm sẵn có của mình xưa nay. Nay chỉ nêu sơ lược, phần sau sẽ giải thích rõ hơn.
2. Phó chúc
riêng
Lúc bấy giờ, đức Phật Lô Xá Na ngồi trên tòa sư tử có ánh sáng cõi trời rạng rỡ trong thế giới Liên hoa Đài tạng. Đức Phật phóng hào quang, trong hào quang có tiếng nói bảo Phật trên ngàn hoa, thọ trì pháp môn Tâm địa của Ta, mà đi truyền lại cho ngàn trăm ức Thích Ca, cho đến tất cả chúng sanh, theo thứ lớp nói phẩm Pháp môn Tâm địa này. Các ông nên thọ trì đọc tụng vâng làm.
Giải thích:
Thế giới Liên hoa Đài tạng, chính là thế giới Hoa Nghiêm Hải Tạng. Tạng, nghĩa là bao hàm, vì mười phương pháp giới, đều trụ trong đó. Phần còn lại là văn trùng tụng, sau sẽ giải thích.
Trên tòa sư tử có ánh sáng cõi Trời, nghĩa là tòa phát ra quang minh cao sáng hiển lộ rực rỡ, cũng như thiên quang chiếu khắp. Như Lai thuyết pháp vô úy, ma vương và ngoại đạo thảy đều quy phục, cũng như sư tử rống lên, các loài cầm thú khi nghe tiếng, thảy đều chạy trốn. Bởi vậy, tòa Phật ngồi gọi là tòa Sư tử, còn gọi là tòa Pháp không, cũng biểu thị cho sự vô úy, vì Như Lai chứng pháp Không, nên không sợ hãi.
Phẩm Thượng ghi: “Đức Xá Na ở trong cung Kim cang Quang Minh, ngồi trên trăm ngàn muôn ức hoa sen, ánh quang của tòa này sáng rỡ” là vậy. Trong ánh hào quang có tiếng nói bảo các Phật trên hoa sen, nghĩa là tâm địa của Như Lai, vốn bặt dứt danh ngôn sắc tướng. Nay muốn hiển tâm địa chánh pháp này, trở lại dùng ánh sáng của tâm làm Phật sự, nên không dùng lời nói mà dùng ánh quang bảo. Đây là Phật Xá Na phóng quang bảo ngàn Phật. Ngàn Phật lại chuyển cho ngàn Phật Thích Ca hóa Phật, Thích Ca lại vì các chúng sanh mà nói.
Theo thứ lớp nói phẩm Tâm địa pháp môn, nghĩa là như phẩm trước nói về giai vị tu chứng của Bồ Tát, gồm các pháp môn như Thập Phát thú, Tâm địa pháp môn, v.v... nên đây bao gồm hết tâm địa giới phẩm sau, ở tâm thọ trì, ở miệng thì đọc tụng, tâm và khẩu tấn tu không hai, nên nói “Nhất tâm vâng làm.”
3. Cúng dường
Bổn tôn
Lúc bấy giờ, Phật trên ngàn hoa, ngàn trăm ức Thích Ca từ tòa Sư tử sáng rỡ trong thế giới Liên hoa Đài tạng đứng dậy, tất cả đều thối lui, toàn thân các Ngài phóng ra hào quang không thể nghĩ bàn, trong hào quang đó hóa ra vô lượng Phật, đồng thời đem vô lượng hoa xanh, vàng, đỏ, trắng dâng lên cúng dường Phật Lô Xá Na, rồi thọ trì phẩm Tâm địa pháp môn như trước đã nói.
Giải thích:
Đức Xá Na đem Pháp phó chúc cho Phật ngồi trên ngàn hoa, Phật trên ngàn hoa lại đem pháp phó chúc cho ngàn trăm ức Thích Ca, tất cả đều lãnh thọ vâng theo, nên cáo từ thối lui.
Toàn thân các Ngài phóng ra ánh sáng không thể nghĩ bàn, nghĩa là ánh quang của Chư Phật có Thường quang và Phóng quang. Thường quang chính là bản giác viên minh, ánh sáng ấy chiếu khắp pháp giới. Phóng quang tức là khởi thần thông, biến hiện chẳng phải một, nhưng không lìa bổn nguyên tâm địa giới thể mà lưu xuất. Đã là giới thể cội nguồn, chính là bặt dứt ngôn từ suy nghĩ, nên nói: “Không thể nghĩ bàn.”
Trong ánh quang
đó, hóa ra vô lượng Chư Phật, mà vô lượng Chư Phật cũng không lìa tâm địa, như
vậy tâm địa Xá Na cũng hóa ra ngàn Phật, ngàn Phật hóa ra ngàn trăm ức, ngàn
trăm ức hóa ra vô lượng, lại hóa vô lượng hoa vi diệu rồi trở về cúng dường
Phật tâm địa bổn nguyên.
Đây cũng là biểu
trưng Bồ Tát dựa vào Tâm địa giới thể, đồng tu phước huệ, để thành muôn
đức trang nghiêm tự tâm.