ĐỂ CHO TƯƠNG LAI CÒN CÓ MẶT
CHÚ GIẢI VỀ NĂM GIỚI
Dịch từ nguyên tác ‘For A Future To Be
Possible’, Paralax Press, (bản quyền 1993 của Thích Nhất Hạnh), với sự đồng ý của tác giả. Việt Dịch: TN Chân Giải Nghiêm, TN Huệ Thiện, Tuệ Bảo, Chân Ngộ, Chân Tính Không, Diệu Tuyết. Nhuận bản dịch: TN Chân Giải Nghiêm - Nhà Xuất Bản Lá Bối
TƯƠNG LAI TRONG BÀN TAY
Stephen Batchelor
‘Bạn tu gì?’ Nhiều hành giả trong đạo Bụt sẽ cho rằng câu hỏi này nhắm vào loại thiền mà họ thực tập, vì họ có khuynh hướng trả lời: ‘Tôi theo thiền Minh Sát (vipassana),’ hay ‘thiền Dzogchen[16] ,’ hay ‘Chỉ quản đả toạ (shikantaza[17]) .’ Những câu trả lời như vậy phản ảnh một quan niệm phổ biến rằng tu tập cốt yếu là vấn đề kỹ thuật tâm linh. Đạo đức, theo phối cảnh này, được xem như là tập hợp của các giá trị và lề luật hỗ trợ cho sự tu tập.
Tuy nhiên, Bụt lại nói đến việc tu học (siksa) như là bao gồm ba mặt: giới đức, thiền định, và trí tuệ. Song, đến khi các đệ tử Bụt tìm cách thể hiện mình trong văn hoá lấy kỹ thuật làm trung tâm điểm của Tây Phương, họ thường hiểu việc tu ‘hành’ chủ yếu theo mặt thứ hai của Tam Học, tức là thiền định. Bởi vì cái nhìn này khớp với thế giới quan trong đó cách giải quyết vấn đề bằng biện pháp kỹ thuật được xem là cao hơn cả.
Khía cạnh đáng kể nhất của phong trào đạo Bụt nhập thế đang lên là việc định nghĩa lại thế nào là ‘tu học.’ Do nhấn mạnh mặt dấn thân, trọng tâm của sự tu tập chuyển từ chỗ gắn bó riêng đối với thiền sang chỗ kể vào phần đạo đức. Điều nguy hiểm ở đây là ‘các Phật tử dấn thân’ trở nên xem thường một cách vi tế (hay ít vi tế) những Phật tử khác ‘chỉ’ có hành thiền. Vì với khuynh hướng lấy kỹ thuật làm trọng tâm của các thiền giả, Phật tử dấn thân lại có nguy cơ thua thêm lần nữa nỗi ám ảnh khác của Tây Phương: niềm tin rằng chỉ có hành động mới đáng kể mà thôi.
Đạo đức, như là sự thực tập, bắt đầu bằng việc đưa những vấn đề đạo đức nan giải vào phạm vi thiền quán – ý thức về những thôi thúc trái ngược xâm chiếm lấy tâm thức trong khi thiền tập. Thay vì gạt bỏ chúng như những thứ làm ta phân tán (điều hoàn toàn chính đáng khi tu bồi định), ta nhận diện chúng như những tiềm năng của những hành động có thể mang lại khổ đau cho mình hay cho người.
Thực tập chánh niệm như vậy làm tăng thêm sự nhạy bén với sự trồi lên của các ý tưởng và cảm xúc trong từng giây từng phút. Thường thì phải đợi cho đến khi bị cảm xúc, như cơn giận chẳng hạn, kéo đi rồi mình mới bắt đầu nhận ra nó. Tập thiền như vậy luyện cho mình quan sát các trạng thái của tâm ngay từ lúc chúng mới chớm.
Điều này không có nghĩa là mình đè nén hoặc coi nhẹ những thôi thúc không phù hợp với hình tượng tâm linh của mình. Chánh niệm có nghĩa là chấp nhận những gì đang xảy ra và nhận diện chúng như tự thân sự việc. Tận sâu nơi gốc rễ của sự tu tập giới đức của mình là khả năng chấp nhận rằng mình cũng có tiềm năng của một kẻ sát nhân, ăn trộm, cưỡng hiếp, và lạm dụng ma túy như những kẻ phạm tội trong tù. Tu tập giới đức tức là chấp nhận được sự thực của những thôi thúc ấy – và buông xả chúng. Buông xả chúng có nghĩa là để cho chúng đi qua một cách tự nhiên. Vì chỉ khi nào mình xác nhận một lực thúc đẩy (‘Ừ, tôi ghét hắn!’), mình mới kéo theo một loạt hiện hành khác, cuối cùng dẫn đến hành động bằng thân hay bằng lời.
Khi niệm lực gia tăng, mình có thêm tự do chọn lựa những gì phải làm. Chánh niệm được cho thêm sức mạnh, nhưng không phải chỉ bằng vào khả năng chánh niệm lớn hơn -- tất cả chúng ta có lẽ đều đã từng có kinh nghiệm ngồi nhìn một cách rất chánh niệm sự phá giới của mình. Chánh niệm còn được cho thêm sức mạnh bởi các năng lực ‘chị em’ với nó là tín, tấn, định và tuệ (bốn năng lực khác của giáo lý Ngũ Lực, indriya, mà Bụt đã dạy.) Giả như chánh niệm ấy hoàn toàn vắng mặt, thì mọi chọn lựa gần như chỉ lệ thuộc vào sức ép của thói quen tâm lý và ước định xã hội. Chỉ khi nào chánh niệm có đầy đủ sức mạnh mình mới hoàn toàn đầy đủ tự do để chọn lựa.
Cái gì khiến mình bảo cái này là đối nghịch với cái kia? Cái gì khiến mình tin tưởng rằng hành động này là đúng còn hành động kia là sai? Chánh niệm có thể giúp mình nhận ra được những động lực nào đang khởi lên trong từng giây phút, nhưng nó không bảo mình niệm nào nên nắm và niệm nào nên xả. Để biết điều này, mình cần phải ý thức được những gì mình đặt giá trị và ưu tiên vào. Và ý thức ấy nằm ngay cốt lõi niềm tin Phật giáo của mình.
Sự thực tập giới đức đạo Bụt đặt nền tảng nơi lòng tin. Bởi vì mình không thể chứng minh được bằng luận lý (logic) hay quán sát được bằng giác quan những gì mình cho là đúng_sai, thiện_ác. Cho dù mình có thể biện hộ cho sự xác quyết của mình về đúng và sai bằng cách viện đến lương tâm, trực giác, hay Phật tánh đi nữa, thì sự viện dẫn đó cũng vẫn là một hành động của đức tin, tin vào một cái gì (lương tâm chẳng hạn) mình không thể nào chứng minh hay quán sát được.
‘Luân lý Phật giáo’ thường chỉ cho các nhóm giới luật mà mình tự nguyện theo với tư cách một người tại gia, một người xuất gia, một người theo Bồ Tát hạnh, một người tu theo Thiền Tông, hay một người theo Kim Cương Thừa (Vajrayana.) Giới luật là những tuyên ngôn về những giá trị mình chọn, căn cứ trên niềm tin, để sống theo. Mình phải nương vào các giá trị tàng trữ trong Giới luật này mỗi khi làm một chọn lựa có tính chất luân lý.
Khi được trình bày một cách khô khan (như ‘Không được giết’), Giới có vẻ như chỉ đơn thuần ra lệnh cấm đoán điều nọ điều kia. Tuy nhiên, làm nền tảng cho những giới này là các giá trị, rằng: sự sống là quý, làm vơi nhẹ khổ đau là tốt, lòng thường là tốt, bảo vệ và nâng cao sự sống là tốt.
Ở mỗi truyền thống đạo
Bụt đều có một sự găng go giữa những người chú trọng ý nghĩa dựa trên chữ nghĩa
của Giới luật và những người chú trọng các giá trị làm nền tảng cho những Giới
luật ấy. Trong nhiều truyền thống đều có câu chuyện về hai vị sư thấy người đàn
bà đang sắp chết đuối dưới sông. Một vị lao xuống nước cứu, trong khi vị kia
nhìn một cách không bằng lòng. Khi họ về đến tu viện, vị sau bảo vị trước phạm
vào Giới xúc chạm đến thân thể phụ nữ. Bạn ông ta trả lời: ‘Tôi đã để cô ta lại
bờ sông. Thầy vẫn còn giữ hoài cô ấy.’
Mỗi vấn đề nan giải của
luân lý đều trình bày cho mình thấy một tình huống phức tạp, có một không hai,
chưa từng xảy ra trước đó, và sẽ không xảy ra lại bao giờ. Bao nhiêu giới cũng
sẽ chẳng đủ để đề luật cho con số vô hạn của những vấn đề luân lý nan giải trên
đời, những vấn đề mình có thể phải đối mặt. Trong khi Giới có thể đề ra phương
hướng cho nhiều chọn lựa đơn giản, thì những vấn đề nan giải trong đời, khiến
ta phải trăn trở, lại đòi hỏi sự trau dồi giới đức. Vì những vấn đề ấy buộc ta
phải nhìn sâu vào tình trạng và chọn lựa, với trí tuệ, những gì phải làm. Trí
tuệ ấy đòi hỏi ta phải nhìn vượt ra ngoài ngôn từ của giới luật để thấy được
các giá trị mà chúng giữ gìn.
Bụt nói hành động (nghiệp, karma) là ý hướng. Định làm gì, tức là chọn hành động theo một cách nào đó. Song, mỗi chọn lựa như vậy là một sự mạo hiểm; bởi vì mình không sao biết được kết quả của một hành động. Tất cả những gì ta có thể mong đợi đó là trí tuệ biết được cái gì là tốt nhất -- một trí tuệ đòi hỏi sự khiêm tốn để nhận rằng mình có thể sai.
Cho nên, sự tu tập giới đức cũng kéo theo sự tu tập định, tuệ. Ba Phép Trau Dồi (Tam Học) của Bụt có mặt trong bất cứ một hành động có tính chất luân lý đáng kể nào: như sự cam kết sống theo một loạt giá trị gói ghém trong các giới luật; như tính trong sáng, an tịnh, và vô ngại của chánh niệm, cho phép ta ý thức được những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại; như trí tuệ để chọn lựa điều gì là hay nhất nên làm.
Mùa xuân năm 1993, tôi may mắn nằm trong một nhóm giáo thọ Phật giáo Tây Phương gặp gỡ Đức Dalai Lama để thảo luận, cùng với nhiều việc khác, vấn đề đạo đức của Phật giáo, đặc biệt là đạo đức giữa các vị thầy với nhau. Đức Dalai Lama đồng thời là một cột trụ ưu tú của dòng Pháp thuộc về lịch sử, và một trong những người diễn giải lỗi lạc nhất ý nghĩa của dòng Pháp ấy. Ngài, cùng một lúc, hoàn toàn phóng khoáng trên phương diện diễn dịch giáo lý, trong khi lại hết sức bảo thủ trong các vấn đề mang tính chính thống đạo đức.
Đức Dalai Lama bảo chính người đệ tử đã tuyệt đối trao quyền cho thầy khi đặt người thầy vào vai trò đó. Tại sao một số giáo thọ ở Mỹ và Âu Châu đã bị lôi kéo vào các vụ tai tiếng? Tại sao họ đã có thể lợi dụng và đối xử tồi tệ với đệ tử của mình? Đó là vấn đề mà Đức Dalai Lama đã hết sức quan tâm.
Người đệ tử, Ngài nhận xét, thường không xem xét đủ các phẩm chất đạo đức và tâm linh của người kia trước khi nhận ông ta (thường là ‘ông’) làm thầy. Tuy nhiên, truyền thống Tây Tạng nói rõ rằng một người cần phải dành nhiều năm xem xét kỹ lưỡng trước khi đi đến bước nhận thầy. Nhưng lỗi phần lớn nằm ở người thầy. Đức Dalai Lama nhận xét: ‘Nhiều người bạn mà tôi biết ở đây [ở Ấn Độ và Tây Tạng] rất khiêm tốn, nhưng sang Tây Phương thì họ lại trở nên kiêu mạn tự hào.’ Một ông thầy tu giản dị, bay từ một khu định cư cùng kiệt của Ấn Độ đến một đô thị châu Âu hay châu Mỹ để được tôn sùng và ồ ạt trút vào phú quí, thì, dễ hiểu thôi, sẽ có khuynh hướng để cho sự ưu đãi ấy làm cho mình kiêu mạn. ‘Rượu,’ Ngài bàn, ‘thường là căn do của những vấn đề này.’ Lẽ đương nhiên: một chiến lược hấp dẫn cho một người bị bứng khỏi văn hoá quen thuộc của mình, rồi ném vào một thế giới đầy hoang mang và đòi hỏi mà anh ta thiếu các kỹ năng cần thiết trên phương diện xã hội và tình cảm để đương đầu.
Mọi chuyện như thế cũng chưa đến nỗi gì, ngoại trừ sự kiện hầu hết các vị thầy Á Châu, và những đệ tử kế thừa người Tây phương của họ đều được xem là giác ngộ. ‘Giác Ngộ’ có nghĩa gì nếu như những người giác ngộ vẫn còn lệ thuộc vào những cung cách thiếu đạo đức mà những kẻ phàm phu chưa giác ngộ chúng ta đang tìm cách thoát ra khỏi sự kìm kẹp của chúng? Tối thiểu nhất, ta mong rằng sự giác ngộ hàm nghĩa một trình độ thoả mãn, không còn khao khát nữa. Nhưng nếu một người đã thoả mãn, hết khát khao, tại sao người ấy lại chịu thua thói kiêu căng cho mình là quan trọng? Tại sao người ấy lại trở nên lệ thuộc vào rượu? Tại sao người ấy lại theo đuổi một chuỗi truy hoan nhất thời? Ngay những người hài lòng chưa giác ngộ cũng còn chẳng cần đến những thứ này.
Nếu hành vi của vị thầy là phi đạo đức, Đức Dalai Lama trả lời, thì cho dù vị đó có tu lâu năm đi nữa, sự tu tập cũng sai lầm. Rất đơn giản, họ không có một sự hiểu biết đúng đắn về Giáo Pháp. Có một ‘khoảng cách’ giữa Pháp và đời sống của họ. Ngài bác bỏ tư tưởng một khi đã có tuệ giác về chân lý tối hậu của tính Không, thì người ta không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc đạo đức nữa. Ngược lại: nhờ khám phá được mạng lưới liên hệ nối kết mọi loài chúng sanh một cách thuận theo luân thường đạo lý, cái hiểu về tính Không không bí hiểm vượt ra ngoài đạo đức mà truyền thụ cho lĩnh vực này (đạo đức) những hiểu biết vững vàng về kinh nghiệm.
Đức Dalai Lama đã bày tỏ sự quan ngại rằng thỉnh thoảng kinh nghiệm Ngộ (satori) của Thiền Tông bị lần lẫn với trạng thái định (samadhi) hay chỉ đơn thuần là trạng thái vô tưởng, trong tự thân chúng, chẳng có trạng thái nào hàm chỉ về cái hiểu có tính chất chuyển hoá cả. Sự chú trọng vào những mức độ chứng ngộ cao của Thiền Tông, Ngài nhận xét, có thể dẫn theo nguy cơ bỏ bê, không chăm sóc những mức độ thấp hơn, đó là tu chỉnh từ những hành vi đơn giản. Ngài cũng băn khoăn về những Phật tử mà Ngài đã gặp, nói về chứng nhập tánh Không nhưng xem ra nguội lạnh tình người, chứng tỏ họ đã đi lạc vào chỗ hoàn toàn vô tưởng, hay ‘trầm trệ’ (một dạng vi tế của sự mờ độn.) ‘Vì vậy,’ Ngài kết luận, ‘tôi thích con đường từ từ từng bước hơn.’
Một người trong số chúng tôi nhận xét rằng những ngày gặp gỡ đó ‘có một nhận thức đúng đắn đến tận xương tủy’ về họ. Cuộc gặp gỡ với Đức Dalai Lama đã làm công việc khẳng định những gì nhiều người trong chúng tôi đã trực nhận là đúng, nhưng chưa tìm ra can đảm hay ngôn từ để nói ra. ‘Quá khứ là quá khứ,’ Đức Dalai Lama nói vào bữa chót của cuộc gặp gỡ. ‘Cái gì là quan trọng? Tương lai. Chúng ta là những người sáng tạo. Tương lai trong bàn tay chúng ta. Cho dù có thất bại, cũng không gì hối tiếc – chúng ta phải nỗ lực.’
[16] Dzogchen: ‘Đại Viên Mãn’ hay ‘sự hoàn hảo lớn lao’ nằm trong mạch Phật giáo Tây Tạng. ‘Theo Tạng Thư Sống Chết’ của Sogyal Rinpoche thì ‘Dzogchen là trạng thái đã toàn hảo của bản tính nguyên ủy của ta, không cần phải làm cho toàn, vì nó ngay từ khởi thủy đã toàn vẹn, như bầu trời.’ ‘Sự tu luyện theo Dzogchen được mô tả là ‘Kiến, Thiền, Hành. Thấy được một cách trực tiếp trạng thái tuyệt đối, CẢNH hay nền tảng bản thể chúng ta - tự tánh, tánh bản nhiên – đó là Kiến; cái cách để làm cho cái thấy ấy không gián đoạn gọi là Thiền; và hội nhập cái thấy ấy vào trong toàn thể thực tại và cuộc đời chúng ta, gọi là Hành.’ (chương 10, bản dịch của Ni Sư Trí Hải.) [chú thích của người nhuận.]
[17] Shikantaza (只管打座): ‘Chỉ Quản Đả Toạ’ (only focused on doing sitting), ‘chỉ cần chăm sóc việc ngồi thôi’, là chủ trương của Thiền Sư Đạo Nguyên (Dogen Zenji 1200-1253), người du nhập phái thiền Tào Động (Toso) từ Trung Quốc sang Nhật Bản. [chú thích của người nhuận]