Thiền và Tịnh độ khác nhau?

29/09/20144:06 SA(Xem: 9894)
Thiền và Tịnh độ khác nhau?

THIỀN VÀ TỊNH ĐỘ KHÁC NHAU?

Con xin được hỏi: Năm nay con 26 tuổi. Con có một số thắc mắc về phương pháp tu tập:

1. Sau khi đọc cuốn “Thiền Tông và Tịnh Độ Tông” của Hòa Thượng Thích Thanh Từ và “Thiền Tịnh Song Tu” của Ni trưởng Như Thanh, con đã quyết định thực tập niệm Phậttu tập Thiền song song với nhau, vì con thấy sự kết hợp này rất phù hợp với con. Nhưng con không biết rằng tu tập như vậy có được không? Con muốn dung hòa tự lựctha lực chứ không nghiêng về một bên. Kính mong quý thầy quý sư cô hướng dẫn giúp con một đường đi cụ thể hơn?

2. Người sơ cơ như con liệu có thể thực hành thiền Minh sát được không? Có cần một nền tảng nào không? Ví dụ như thiền chỉ samatha hay các thế khí công,… Khi ngồi kiết già con thấy tâm dễ yên hơn là bán già, nhưng bàn chân trái của con lại tím dần, vì con mới tập ngồi kiết già và chân con rất cứng, không dẻo, con có ngồi sai không? Khi thiền hành thì đi trong nhà có được không (vì ngoài đường bụi và ồn ào)? Thời gian thiền hànhnhất thiết phải bằng thời gian ngồi thiền không? Làm thế nào để duy trì  nhẫn nại?

3. “Tượng pháp” và “Mạt pháp” là gì? Tại sao mỗi thời kỳ lại có sự sai khác về pháp môn tu tập để đạt được giải thoát? Thời mạt pháp cũng có chánh pháp, tại sao không được gọi là thời chánh pháp?

4. Hiện con rất khó xử, vì tuy con đã ăn chay trường nhưng tháng 9 này con lại sang UK học và ở homestay nên hoang mang không biết liệu chủ nhà có cho mình ăn chay không, ra ngoài ăn thì có đồ chay nhưng làm sao đủ tiền ăn nhà hàng? Con phải làm sao đây? Phải nói với họ như thế nào?


Thầy Từ Thông xin được chia sẻ cùng bạn:

1. Thiền hay Tịnh đều là pháp môn của Phật giáo. Nếu theo đúng chân tinh thân đạo Bụt, hai pháp môn này không bao giờ chống trái nhau, bởi nó được sinh ra từ một cội gốc: tuệ giác của đức Thế Tôn. Và do đó, nó cũng có cùng chung đích: tuệ giác giải thoát. Theo lời Bụt dạy, muốn đạt được tuệ giác giải thoát thì phải thành tựu cho được chánh định, mà con đường duy nhất đưa tới chánh định đó là niệm (niệm, định, tuệ), chánh niệm. Khi các thiền sinh thực tập theo pháp môn Làng Mai thì lấy hơi thở, bước chân, mọi động thái sinh hoạt suốt hai mươi bốn giờ làm đối tượng của chánh niệm để làm duyên cho chánh định có mặt và lớn lên theo thời gian công phu thực tập. Nhưng người thực tập pháp môn Tịnh độ thì dùng danh hiệu Bụt để làm đối tượng của chánh niệm nhằm đạt đến đích điểm là “nhất tâm bất loạn”, mà nhất tâm bất loạn cũng chính là chánh định. Cho nên thực tập chánh niệm với đối tượng nào cũng được, miễn là mình có được chánh định và càng thực tập mình càng có nhiều tuệ giác, cái thấy mỗi ngày mỗi sâu sắc và sáng suốt hơn, định tĩnh hơn. Và một điều quan trọng nữa là trong khi thực tập, mình phải cảm thấy thoải mái, an lạc chứ không bị gò ép, khó chịu từ tâm lý và vật lý mình. Ngày xưa, Bụt đã dạy như thế với các thanh niên Kalama, hãy đọc lại “Đường xưa mây trắng” chương “Đừng vội tin cũng đừng vội bài bác”.

Tuy nhiên, theo pháp môn Sư Ông Làng Mai dạy thì Thiền và Tịnh là một, các thiền sinh đến thực tập tại Làng Mai, tăng thân cũng đang thực tập tịnh độ, nhưng là thứ tịnh độ hiện tiền, tịnh độ có mặt ngay trong giờ phút hiện tại. Nghĩa là, trong luồng ánh sáng của chánh niệm, hành giả nhận diện được những gì đang xảy ra trong mình và quanh mình đều rất mầu nhiệm và đẹp không thua gì những sự kiện được diễn tả trong kinh. Hơn nữa, một mục đích quan trọng mà kinh A-di-đà đưa ra để trả lời “tại sao cần phải phát nguyện sinh về nước Cực lạc?” thì đó là vì ở đó mình “sẽ được sống chung và gần gũi với các bậc “thiện nhân cao đức” (舍利弗!眾生聞者,應當發願,願生彼國。所以者何?得與如是諸上善人俱會一處。Xá-lợi-phất, chúng sinh văn giả, ưng đương phát nguyện sanh bỉ quốc độ. Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ (366 - tạng kinh Đại Chánh tân tu).


Như thế, bây giờ thử xét lại, ở ngay đời này mình có được cùng các thượng thiện nhơn tu học không? Thượng thiện nhơn là ai? Mình tiếp xúc, học hỏi, tu tập với ai mà tâm bồ đề, niềm vui, hạnh phúc an lạc trong cuộc sống mình được nuôi dưỡngnăng lượng tu học của mình được nâng cao mãi, thì mình biết ‘đây chính là thượng thiện nhân’ rồi. Và nếu ngay thế giới này mà mình có thể có được thượng thiện nhân thì tại sao đây không phải là Tịnh độ? Đây là Tịnh độ, Tịnh độ là đây (Tây thiên thử độ, thử độ Tây thiên), các vị Tổ sư ngày xưa đã dạy như thế. Xin hãy tìm đọc thêm ở sách “Thiết lập tịnh độ” và sách “Thông điệp tình huynh đệ” của Sư Ông để rõ thêm.

2. Trước hết, xin lỗi bạn là vì truyền thống thiền tập Làng Mai không phải là thuyền thống thiền Minh sát, cho nên các thầy, các sư cô không trả lời được cho bạn.

Còn thế ngồi kiết già hay bán già, thì bạn cảm nhận như vậy cũng rất gần với cảm nhận của nhiều thầy và sư cô tu tập lâu năm. Nếu vì ngồi lâu nên bị bầm tím thì phải xoa bóp ngay những nơi bị tê, máu ít lưu thông đến trong khi mình ngồi thiền. Khi tập ngồi thiền, mình không nên quá ép cơ thể mình (cố nhiên là phải có cố gắng rồi), mà nên thoải mái cơ thể một chút, nếu chân mình đau quá rồi thì nên đổi chân hoặc xả chân ra, hoặc xả thiền ngồi và tiếp tục thiền tập bằng đi kinh hành hoặc thiền hành ngoài trời. Còn về thực tập thiền hành thì tùy theo hoàn cảnh mình cho phép mà mình thực tập. Tuy nhiên, phép thực tập thiền hành nếu được thực tập trong một khung cảnh thoáng mát, có nhiều cây xanh, không khí trong lành thì rất lý tưởng. Nhưng nếu hoàn cảnh mình không được như vậy không phải là mình không thể thực tập thiền hành. Ngày xưa, khi mới viết “Thiền Hành Yếu Chỉ” Sư ông Làng Mai đã nhờ người gởi cho một người học trò đang ở trong tù (VN) một bản chép tay, và người học trò đó thực tập rất thành công ngay trong khung cảnh tù đày, rất chật chội và ồn ào (người học trò đó là cố Ni sư Thích nữ Trí Hải, đã tịch năm 2003). Phép thực tập thiền hành đã đem lại cho sư cô đó (hồi đó chưa gọi là Ni sư) những tháng ngày hạnh phúc, an lạc ngay trong tù. Mình chắc chắn bạn đang còn nhiều tự do hơn sư cô đó lắm. Vậy tại sao bạn không thành công! Còn thời gian thực tập không nhất thiết là bao nhiêu hết, hễ lúc vào được thì thực tập liền. Nhưng thiền hành đâu phải chỉ có một số thời gian quy định đâu, theo tinh thần Làng Mai, phép thiền hành phải được đem áp dụng khắp nơi, hễ lúc nào cất bước đi là đi trong chánh niệm (thiền hành), dù dưới tàu điện ngầm, trong siêu thị, ngoài chợ, từ bến xe buýt về nhà, lên xuống cầu thang... đều nên áp dụng phép thiền hành. Có nắm được, làm chủ được bước chân thì mới mong nắm được, làm chủ được tâm mình. Không làm chủ được tâm thì sức mấy làm chủ được mình trong đời sống hàng ngày!

Độ nhẫn nại của mỗi người tùy thuộc vào độ cao của lý tưởng. Lý tưởng càng cao thì mới thúc đẩy được độ nhẫn nại cao. Mà muốn lý tưởng cao thì phải biết học hỏitu tập cho có niềm vui và lợi lạc từ sự chuyển hóa thân tâm thật sự.

3. Câu hỏi này cũng hay, nhưng chúng tôi thấy báo Văn Hóa Phật Giáo trả lời những câu hỏi thuộc loại này rất hay, bạn hãy gởi cho VHPG đi. Cảm ơn bạn.

4. Mình đã thực tập ăn chay và đã thấy được lợi ích từ ăn chay từ con đường ăn uống mà mình đang đi thì chắc chắn mình phải biết tìm cách để bảo vệ con đường ấy. Bây giờ đã tháng 10 rồi, chắc là bạn đã sang UK rồi, nhưng không biết là chủ nhà có tạo điều kiện cho bạn không. Xin gợi ý cho bạn mấy cách giải quyết: bạn có thể tự đi chợ nấu ăn riêng trong nhà không? Đó cũng là một cách. Hai, là tìm một tiệm ăn chay rẻ tiền để đăng ký cơm tháng như ở Việt Nam! Ba, tìm một chỗ ở khác, có thể tìm chung với một vài người bạn khác. Bốn, bạn cũng tiếp tục ở đấy và ăn đấy nhưng mình tìm cách, trong bữa ăn mình hạn chế tối đa ăn thịt động vật thôi, và mình thưa với chủ nhà như vậy cho chủ nhà và nhà bếp biết, thì có thể họ sẽ cho mình thêm một món rau quả/củ gì đó. Ngày xưa, khi Tổ Huệ Năng còn lánh nạn, ở chung với một nhóm người trong rừng, thì Ngài không ăn thịt, nhưng rau quả nấu chung trong nồi thì Ngài cũng ăn, vì đó là thời gian tạm thời. Mình bây giờ cũng vậy, thời gian ở nhà đó để đi học thì chắc cũng là thời gian tạm thôi, mình có thể phương tiện cho qua thời gian này, nếu trường hợp bất đắc dĩ. Chúc bạn sống vui và khỏe những tháng ngày ở UK.
(Làng Mai)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/06/2016(Xem: 36607)
28/03/2016(Xem: 20283)
22/02/2016(Xem: 43804)
27/10/2015(Xem: 20795)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.