Tìm Minh Sư Học Đạo

28/08/201012:00 SA(Xem: 32065)
Tìm Minh Sư Học Đạo
Từ lâu nay tôi nghiên cứu sách Phật học nên cũng am tường đôi chút về tinh thần thoát khổ của Đạo Phật, nhưng trong thực tế tôi vẫn chưa áp dụng được gì để cải thiện đời sống của chính mình. Có phải chăng vì tôi chưa có Thầy để hướng dẫn? Vậy có nên tìm một vị Thầy thay vì chỉ nên nương tựa vào “pháp” như đức Phật đã nói không? Giả sử cần phải có một vị Thầy để hướng dẫn thì tôi nên tìm vị Thầy ấy với tiêu chuẩn như thế nào?

CHỌN MINH SƯ

Trên con đường tu học của người theo đạo Phật, chúng ta có nên tìm cầu vị minh sư hay không?

Ngày xưa muốn học đạo phải lặn lội đi tìm thầy, vì thầy là người không những có đức hạnh mà còn có đầy đủ kinh nghiệm tu trì và có khả năng truyền dạy lại cho người sau. Thời ấy muốn học đạo phải đến chùa vì chỉ nơi đây mới có đầy đủ kinh sách. Ngày nay, việc tìm kinh sách không khó, ngoài chùa ra, còn có trong các thư viện trường đại học, các nhà sách lớn và ở trên Internet, ai cũng có thể tìm đọc và tự nghiên cứu học hỏi. Do đó có người nói việc tìm thầy học đạo thời nay không cần thiết lắm. Tuy nhiên, quý bạn cần lưu ý, ngay chuyện học ngoài đời, chúng ta vẫn phải có thầy dạy. Việc nghiên cứu trong sách vở là điều cần thiết nhưng vẫn cần phải có thầy hướng dẫn. Đó chỉ là học về kiến thức mà còn cần đến thầy dạy, huống chi cầu học đạo giác ngộ giải thoát?

Trong đạo Phật không phải chỉ học giáo lý suông mà còn phải tu trì nữa. Một vị thầy dạy chúng ta giáo lý không những qua việc thuyết giáo mà còn dạy chúng ta về giới đức qua hành động và cử chỉ hàng ngày của ông thầy mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thân giáo. Chính thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩmđức hạnh của vị thầy mới quan trọng, nó làm gương cho ta noi theo. Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy. Một trăm lần tụng đọc về kinh Từ Bi không bằng một lần thấy hành động từ bi nơi vị thầy của mình.

Hiện nay có một số người tự xưng mình là Minh Sư, Đạo Sư, Vô Thượng Sư, Đại Sư, Thiền Sư, vân vân… thường dùng một số giáo lý Phật giáo, lợi dụng uy tín của đức Phật để thuyết giảng hầu lôi cuốn quần chúng, nhưng thực chất bên trong những điều giảng đó lại chứa đựng những tư tưởng đối nghịch với tư tưởng nhà Phật. Cho nên, nếu chúng ta là những Phật tử quyết tâm tu hành theo giáo lý giải thoát, mà không hiểu rõ giáo lý căn bản của nhà Phật thì rất dễ bị đi lạc đường

Trong chương trình phát thanh hôm nay chúng tôi muốn trình bày với quý thính giả về việc lựa chọn minh sư như thế nào.

Trước hết chúng ta nên lưu ý đặc biệt đối với những vị Thầy hay bất cứ một ai khi đến khuyên bảo chúng ta tu mà luôn luôn khoe khoang pháp môn của mình là hay nhất và ra sức chê bai hay chỉ trích pháp tu khác là sai đường, cho là không đúng, thì chúng ta phải xem xét lại những lời nói và hành động của họ, tức là tìm hiểu về thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩmđức hạnh của vị ấy và động lực nào thúc đẩy ông ấy giảng dạy.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dạy rằng: “Động lực giảng dạy của một vị Thầy phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ…”

Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với Phật Pháp thì hành xữ như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp…”

Ấn Độ, một lần kia, một vị thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi ra ngoài ăn trộm. Vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn và rất nghèo. Ông dạy rằng khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó thì có quyền được ăn cắp. Ông nói, “là những người được Trời Brahma tức đấng sáng tạo của thế giới, đối với một người Bà la môn, việc ăn cắp không xấu xa”. Trong số những đệ tử sắp đi ăn cắp thì vị thầy người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng cúi đầu xuống. Ông hỏi anh tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm được điều đó. “ Lời nói này làm vui lòng vị thầy người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.” …”

Đó là lời giảng dạy của Ngài Đạt Lai Lạt Ma về việc chọn Thầy.

Với Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm, trong bài giảng Lựa chọn minh sư như thế nào ?

Hoà thượng nói:

"Nghề học phải chuyên nhất." Do đó học tập pháp môn nào đều phải lựa chọn các bậc minh sư có chuyên môn giỏi, độc đáo, tinh thông về các mặt học vấn nghệ thuật và giáo lý Phật học. Mặc dù minh sư không nhất thiết phải từ cửa minh sư mà trưởng thành ra, trong số đệ tử của minh sư không nhất thiết xuất hiện những đệ tử xuất chúng. Nhưng khi đi tìm minh sư thì tối thiểu họ cũng không được nhầm phương hướng, dạy sai yếu lĩnh, phải đảm bảo an toàn, chắc chắn chứ không thể như "người mù chỉ lối cho người mù".

Vậy ai là minh sư ? Thường thường thì không có cách nào mà biết được điều đó. Đặc biệt là theo kinh nghiệm của tôn giáo và khi khổ công tu thiền, khi bản thân chưa nhập môn thì không có cách nào phán đoán được ai là minh sư và ai không phải là minh sư. Thế nhưng minh sư không nhất thiết phải nổi tiếng, nhưng người minh sư được quần chúng công nhận thì đáng tin cậy hơn so với người tự xưng là minh sư mà chưa được đông đảo quần chúng công nhận. Hoặc các bậc thầy tuy chưa nổi tiếng nhưng được các bậc thầy đã nổi tiếng giới thiệu là minh sư cho mình thì đó là điều đáng tin cậy.

Như kinh "Hoa Nghiêm" có nói : "Phương thức thiện tài đồng tử tham gia về việc chất vấn 53 vị thiện tri thức thông qua một vị giới thiệu một vị đã hình thành mối quan hệ liên tục đối với 53 vị sư. Vì vậy, các thiện tài đồng tử tuyệt nhiên không phải công nhận các bậc thầy một cách mù quáng".

Bất kỳ thời đại nào trên thế gian này đều có những nhân vật tự xưng là tôn sư của thời đại. Họ dùng những lời yêu quái để mê hoặc quần chúng, lẫn lộn trắng đen, nghe thấy lung tung, thu nạp đông đảo các đệ tử phô trương thanh thế. Nếu không phân biệt rõ thì rất có khả năng lấy tà sư khét tiếng làm minh sư. Vì vậy, Mạnh Tử cũng nói: Tai họa lớn nhất của con người là "thích làm thầy người ta".

Bởi vì những tà sư này có tác hại hướng dẫn lệch lạc lương tâm xã hội, khiến cho con người nẩy sinh nhiều sự quấy nhiễu không bình thường, nghi hoặc bất an. Do vậy, mà theo họ, học tập những tà pháp, tà thuyết và tà thuật thì chẳng những không mở mang được cảnh giới nhân sinh mà ngược lại còn mang tác hại cho thân tâm mình, gia đình mình bất hòa. Chỉ đáng tiếc là những người bình thường rất khó mà phân biệt được cái thật, cái giả, cái tà, cái chính của những người này.

Xét theo lập trường của Phật Pháp thì tiêu chuẩn về cái tà, cái chính, cái tối, cái sáng đều phải được khảo sát, thí nghiệm ở trung tâm cái tôi của mình. Nếu con người còn mang nặng tham, sân, si thì nhất định không phải là minh sư. Lại có người tuy bề ngoài thì biểu hiện nhân từ, vẻ mặt phúc hậu, tươi tắn, đạo mạo trịnh trọng nhưng lại là kiêu căng, ngạo mạn thì cũng nhất định không phải là minh sư. Về việc tìm minh sư, "Đại trí độ luận" cuốn 4 đã nêu lên 4 điều trọng yếu gọi là tứ y pháp "4 chỗ nương tựa".

1) Dựa vào pháp không dựa vào người :

Minh sư không tự cho mình là trung tâm, cũng không lấy cá nhân nào đặc biệt làm quyền lực mà lấy nguyên tắc, quy luật chung là tiêu chuẩn Pháp của Phật giáo là pháp nhân duyên, pháp nhân quả. Nếu đạo lý và những điều khêu gợi của vị thầy nào trái ngược với phép tắc nhân quảnhân duyên thì không phải là minhh sư. Bởi vì, nhân quả đòi hỏi chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhân duyên là dạy chúng ta không được khởi tâm chấp trước tham, sân. Không thì tuy được đông đảo mọi người tôn là Thánh cũng không khác gì tà sư.

2) Dựa vào nghĩa không dựa vào lời :

Phàm là phép tắc chân chính thì nhất định tung ra bốn biển đều đúng, từ xưa tới nay đều giống như nhau, không phải vì bối cảnh dân tộc, khu vực, văn hóa khác nhau mà sai biệt khác nhau. Nếu cho rằng do sự cấm kỵ về tôn giáo hoặc có sự bí mật trên ngôn ngữ mà không phải chính pháp là không đúng. Chính pháp nên chú trọng đến sự cảm thông về nghĩa lý chứ không được câu nệ trên sự dị biệt trên ngôn ngữ. Tỉ dụ, nếu nói người theo đạo Hồi chú trọng đến chữ Ả rập, người Do Thái chú trọng đến chữ Hêbơrơ thì xét về chuẩn tắc là khác nhau. Người theo đạo Phật chú trọng đến chữ Phạn, Pàli là để nghiên cứu những kinh điển nguyên thủy, để truy tìm nguyên nghĩa chứ không phải nói chữ Phạn và chữ Pàli có thần lựcthần thánhđặc biệt. Tất nhiên Ấn Độ giáo chú trọng đến tiếng Phạn, âm Phạn khác với Phật giáo.

3) Dựa vào trí, không dựa vào thức:

Trí là trí tuệ của thánh nhân, là sản sinh ra đại trí của vô ngã, từ đại bi đến đồng thể. Do đó, hể có tự ngã làm trung tâm, dù là vì mình, vì người, thậm chí vì tất cả chúng sinh hoặc vì cầu cho Phật Đạo vô thượng, dù là đại ngã, phạm ngã và thần ngã, cái ngã cá biệt và cái ngã toàn thể đều không thể sản sinh ra trí tuệ chân chính được. Vì vậy, điều đó vẫn thuộc vào phạm vi trí thứctrí tuệ. Trí thức là từ trong kinh nghiệm học tập của bản thân mình mà sản sinh ra tác dụng phân biệt, ghi nhớ và suy lý. Còn trí tuệ chỉ có hiện tượng của khách quan không có trung tâm chủ quan. Chỉ có công năng chuyển vận, không có trung tâm chủ thế, nếu trái ngược như thế thì không phải minh sư.

4) Dựa vào ý nghĩa rốt ráo, không dựa vào ý nghĩa không rốt ráo:

Nghĩa rốt ráo là không nói ra được, không có pháp nào có thể chấp, không có pháp nào có thể tu, cũng không có pháp nào có thể chứng được. Đúng như vô niệm vô tướng, vô trụ, mà "Đàn kinh" nói : "Không vì cái gì, cũng không có cái gì, chỉ việc ăn cơm, mặc quần áo, sinh sống, lợi mình, lợi người, tinh tiến không ngừng".

Căn cứ vào 4 điều chuẩn trên, chúng ta có thể phân biệt dễ dàng ai là minh sư, ai không phải là minh sư, rồi dựa vào 4 tiêu chuẩn đó mà quan sát thẩm tra minh sư mà mình mong gần gũi thì nói chung không thể có sự nhầm lẫn, rồi ngày qua tháng lại dù không gặp được minh sư thì bản thân anh cũng trở thành minh sư…”

Thưa quý thính giả,

Đức Đạt Lai Lạt MaHoà Thượng Thích Thánh Nghiêm đã chỉ cho chúng ta một số nguyên tắc trong đó có bốn tiêu chuẩn để chọn minh sư. Y pháp bất y nhân là một trong bốn tiêu chuẩn hướng dẫn chúng ta trên đường đi tìm thầy tìm học đạo. Câu này có nghĩa là nương theo giáo pháp chứ không nương vào thầy. Lẽ dĩ nhiên, y pháp bất y nhân không có nghĩa là được pháp rồi thì không cần biết gì đến thầy. Học đạo không giống như học các ngành học ở ngoài thế gian, học đạo phải có lòng tri ân tôn kính thầy nhưng không bám víu và thần tượng hóa thầy.

Ngày nay một số trong chúng ta theo thầy không phải vì thực sự cầu pháp gỉai thoát mà vì tình cảm hay biên kiến, hay vì thầy là người nổi tiếng trên thế giới, đông đệ tử xuất gia lẫn tại gia có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, có chùa to đất rộng, vân vân...đáng tiếc thay cho đạo giác ngộ giải thoát, đạo phá trừ chấp ngã, phá trừ tham sân si.

Có nhiều Phật tử đặt câu hỏi: Sau khi quy ytu học theo thầy một thời gian dài, cảm thấy không tiến bộ, tham sân si vẫn như cũ, chấp ngã gia tăng nhiều hơn, muốn đi chùa khác tìm thầy khác nhưng làm như thế có phải là phản thầy không. Chúng tôi xin thưa ngay là không có mang tội phản thầy. Khi làm lễ qui ychúng ta quy y với ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, chứ không phải quy y với thầy. Thầy chỉ là vị đại diện làm lễ quy y cho chúng ta quay về nương tựa với Tam Bảo. Trong buổi lễ chưa bao giờ chúng ta nói: Con xin quy y với thầy Thích Tâm A hay thầy Thích Tâm B. Hơn nữa, ở ngoài đời, học xong bậc tiểu học, chúng ta phải lên trung học rồi lên đại học chứ đâu có thể học mãi một lớp hay một trường được.

Xưa kia lúc còn tìm đạo, thái tử Tât Đạt Đa đến học với đạo sĩ Alara Kalama, sau khi chứng được thiền "Vô sở hữu xứ" và không học được gì thêm nữa thì ngài từ giã thầy. Kế tiếp ngài đến học đạo với Uddaka Ramaputta, sau khi chứng được thiền "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" và không học được gì hơn thì ngài cũng kiếu từ ra đi. Nếu thái tử trung thành ở lại với đạo sĩ Kalama hay đạo sĩ Ramaputta thì chắc ngày nay chúng ta không có Đức PhậtPhật Pháp.

Phật tử, muốn có được đời sống an lạc, hạnh phúc, tiến bộ, chóng thành đạo quả giác ngộ thì phải hết sức cẩn trọng trong việc chọn thầy, chọn bạn, chọn pháp môn tu, chớ để tánh hiếu kỳ dẫn dắt, thì mới khỏi oan uổng công phu tu tập suốt cả một đời.

Ban Biên Tập TVHS

CHỌN MINH SƯ (Phần 2)

Thưa quý thính giả,

Trong lần phát thanh kỳ trước, chúng tôi đã trình bày với quý thính giả về việc chọn minh sư. Một vị minh sư dạy chúng ta giáo lý không chỉ qua việc thuyết giáo mà còn dạy chúng ta về giới đức, qua hành động và cử chỉ hàng ngày của ông thầy mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thân giáo. Đức Đạt Lai Lạt MaHoà Thượng Thích Thánh Nghiêm đã chỉ cho chúng ta một số nguyên tắc trong đó có bốn tiêu chuẩn để chọn minh sư. Trong phần phát thanh hôm nay chúng tôi lược trích một bài pháp ngắn của Tỳ Kheo Thích Trí Siêu cũng nói về việc Tầm Sư học Đạo như là để trả lời thư của một thính giả hỏi rằng ngoài tiêu chuẩn Thân Giáo của vị minh sư, vị minh sư đó có cần phải có học vị Tiến sĩ Phật học hay bất cứ học vị Tiến sĩ thế gian nào không. Tỳ Kheo Thích Trí Siêu nói:

"Đi tìm Đạo tức là đi tìm Thầy. Do đó có câu: "Tầm Sư học Đạo". Vì thế chữ Đạo không thể rời chữ Sư. Đức Phật là một Đạo Sư, người chỉ đường đến Niết Bàncon đường này được gọi là Đạo Phật. Chúa Giê-Su cũng là một Đạo Sư, người chỉ đường về nước Trời (Thiên Đàng) và con đường này được gọi là Đạo Chúa. Ngày nay hai vị Đạo Sư này không còn nhưng có các đệ tử đại diện cho hai ngài, đó là quý Thầy, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, hoặc các cha Linh Mục, Giám Mục, Hồng Y, v.v...

Người tu hành ban đầu rất cần sự hướng dẫn của một vị Thầy. Nếu theo một Thầy lành, ta sẽ trở nên lành; nếu theo một Thầy ác, ta sẽ trở nên ác. Do đó người tu hành phải sáng suốt lựa chọn cho mình một vị Thầy xứng đáng tin tưởng. Nếu lựa chọn đúng thì sự tu hành gặp nhiều thiện duyên tiến triển. Nếu lựa chọn sai thì có thể thối thất đạo tâm, không muốn tu hành, nhiều khi đâm ra hận và chán ghét luôn tất cả Thầy khác.

Ở đây tôi sẽ không giới thiệu bạn một Thầy mẫu lý tưởng mà chỉ nói lên sự nhận xét của tôi về chuyện tìm Thầy.

Tìm Thầy cũng giống như tìm bác sĩ vậy. Khi bị bệnh muốn khỏi thì phải đi tìm bác sĩ. Thí dụ trong tỉnh bạn ở có 10 ông bác sĩ. Sự đi tìm bác sĩ có thể được chia ra làm ba giai đoạn:

1. Tìm bác sĩ gần nhà nhất.
2. Tìm bác sĩ nổi tiếng hoặc do người quen giới thiệu.
3. Chính mình đi hết 10 ông bác sĩ.

Khi mới bị bệnh, bạn sẽ tìm đến một ông bác sĩ gần nhà nhất. Nếu bệnh của bạn không nặng lắm và ông ta cho thuốc chữa khỏi thì bạn không cần tìm một ông bác sĩ khác nữa.

Nhưng nếu bệnh của bạn thuộc loại nan y và ông ta không chữa khỏi, hoặc bạn đi chữa nhiều lần mà không thấy khá thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy cần phải tìm một ông bác sĩ khác khá hơn. Bạn có thể tìm đến một ông bác sĩ nổi tiếng trong vùng hoặc nhờ người quen giới thiệu. Nếu ông bác sĩ này chữa bạn hết bệnh hoặc bạn cảm thấy bệnh tình thuyên giảm thì bạn sẽ tiếp tục đến với ông ta và không cần đi tìm một bác sĩ khác nữa. Nhưng nếu ngay cả ông bác sĩ nổi tiếng này cũng không chữa bạn hết bệnh được thì giải pháp thứ ba là bạn phải tự mình chịu khó đi khám hết 10 ông bác sĩ trong vùng, may ra sẽ tìm được một ông chữa cho bạn khỏi bệnh.

Trong trường hợp cả 10 ông bác sĩ trong tỉnh cũng không chữa hết bệnh thì có lẽ bạn phải chịu khó lặn lội sang tỉnh lân cận để tìm bác sĩ khác. Và đây là một giải pháp thứ tư. Ta có thể tiếp tục đưa ra nhiều giả thuyết và sẽ có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng tôi tạm ngưng ở ba giai đoạn đầu.

Đi tìm Thầy học Đạo cũng tương tự như vậy. Bình thường chúng ta không bao giờ nghĩ chuyện tới chùa. Đến khi trong nhà có ai bệnh, ai chết cần phải cầu an, cầu siêu thì lúc đó ta đến đại một chùa nào gần nhà có Thầy cầu an, cầu siêu. Nếu bệnh của ta chỉ là bệnh cần tín ngưỡng, cần cầu xin ơn trên gia hộ thì tất cả chùa nào có đầy đủ tượng Phật trang nghiêm, có quý Thầy tụng niệm nhịp nhàng hợp nhĩ là có thể cứu khổ cho ta được rồi.

Nhưng có những người sau thời gian cầu an, cầu siêu bỗng nhiên nghe lòng chán ngán cuộc đời vô thường, muốn tìm hiểu nhiều hơn và bắt đầu thỉnh kinh sách về đọc. Càng đọc càng thấm thía, muốn tìm hiểu hơn, muốn đi nghe thuyết pháp, muốn tu thiệt, muốn ngồi thiền, trì chú, vân vân... Nếu vị Thầy trụ trì ở đó ngoài việc ứng phó, tụng kinh làm đám, còn biết giảng Đạo thuyết pháp thì quá tốt, ta sẽ không cần phải đi tìm Thầy khác học Đạo. Nhưng nếu sau một thời gian học Đạo với Thầy, ta cảm thấy mình thông minh quá, học đâu hiểu đó và hình như Thầy cứ giảng đi giảng lại hoài những đề tài cũ rích. Đến đây ta sẽ nảy lên ý niệm muốn đi tìm Thầy khác giỏi hơn. Đây chính là giai đoạn hai: đi tìm Thầy nổi tiếng hoặc nghe đồn về Thầy nào giỏi. Nhiều người ở Pháp, Mỹ mua vé về Việt Nam xin làm đệ tử Thầy này, hoặc ở Việt Nam thì muốn sang Pháp tu học với Thầy kia, hoặc gần đây có một số người muốn sang Ấn Độ, Dharamsala, làm đệ tử của đức Dalai Lama, hoặc các Lạt Ma Tây Tạng vì cho rằng các Lạt Ma tu cao hơn, nhiều thần thông. Họ đâu biết rằng Phật Giáo Tây Tạng cũng có những lủng củng nội bộ, chia rẽ tông phái, vân vân. . .

Anh A thích tu theo Thầy này thì cứ để anh theo. Cô B thích theo Thầy kia thì cứ để cô theo. Chúng ta là những người đang đi trong sa mạc nắng chói, cần tìm bóng mát. Các vị Thầy là những bóng cây che mát. Sao ta lại dại dột chia rẽ, níu kéo nhau, muốn mọi người phải theo về ông Thầy của mình, Thầy mình là giỏi nhất, là bậc chân tu đắc đạo.

Song le, có những người theo học với Thầy nổi tiếng trong một thời gian mà vẫn không thỏa mãn, còn nhiều nội kết đau khổ trong lòng chưa giải tỏa được. Đến đây ta bước sang giai đoạn ba là lên đường tham vấn tất cả các Thầy khác. Điều này xưa kia các thiền sư Trung Hoa đã có làm, gọi là hành cước.

Thông thường giai đoạn ba ít có người đến vì đa số dừng lại ở giai đoạn hai. Khi được làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, có ai dại gì mà lại bỏ đi. Nếu có bỏ đi thì chắc phải tìm Thầy nổi tiếng hơn nữa, hơi đâu mà đi tìm một Thầy vô danh. Được làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, dù không đắc đạo đi nữa, cái Ta (Ngã) của mình không nhiều thì ít cũng được hưởng lây cái danh của Thầy.

Trên đây là ba giai đoạn thông thường của sự tìm Thầy. Trong mỗi giai đoạn chúng ta đều mang theo một cái khung về ông Thầy. Đó là những khái niệm cứng ngắc sẵn có của ta về một ông Thầy lý tưởng. Thí dụ theo tôi thì một ông Thầy lý tưởng phải như sau:

- Hiền như Bụt.
- Khờ khạo không biết gì về chuyện đời.
- Sống kham khổ, ăn mặc thô sơ.
- Suốt ngày chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật.

Nếu tôi thích ứng phó thì tôi sẽ thêm vào:

- Thầy phải biết tán tụng đúng điệu, tán rơi, tán xắp, tán trạo, v.v...
- Thầy phải biết làm sớ làm điệp ...

Hoặc nếu tôi biết đôi chút về giáo lý thì thêm:

- Thầy phải biết tất cả giáo lý căn bản.
- Thầy phải biết giảng kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Kim Cang, v.v...

Nếu tôi thích tu Thiền thì sẽ thêm:

- Thầy phải có định lực này nọ...
- Thầy phải ngồi thiền suốt ngày hay ít nhất là bốn tiếng một ngày...

Hoặc nếu thích Mật Tông thì:

- Thầy phải biết làm bùa vẽ chú, trừ ma yếm quỷ, v.v...

Cứ thế, cái danh sách tiêu chuẩn về Thầy lý tưởng của tôi dài hay ngắn tùy theo sự hiểu biết nhiều hay ít về Đạo. Sau đó tôi đóng khung cái danh sách này rồi mang nó đi tìm Thầy. Nếu thấy Thầy nào hợp với những tiêu chuẩn ấn định trong khung thì tôi cho Thầy đó xứng đáng làm Thầy của tôi, là một Thầy tu chân chính.

Trước khi đi tu, tôi đã học đến cử nhân vật lý (licence de physique) ở Đại Học Orsay. Khi đi tu, tôi nghĩ rằng bằng cấp thế gian không có ích lợi gì và cũng không có gì đáng để phô trương, vì Đạo Phật há chẳng dạy buông xả hết sao! Thế nhưng sau khi vào chùa tôi thấy quý Thầy hay trưng bằng tiến sĩ (Ph.D) ra, và nhiều Thầy khuyên tôi nên trở lại Đại Học để lấy bằng tiến sĩ, vì thời nay nếu có bằng cấp cao thì dễ làm Đạo, nói người ta mới nghe, mới nể. Nghe nói hợp lý nên tôi cũng tính đi học lại để lấy bằng Ph.D, nhưng một hôm ngồi nói chuyện với chú Minh Lâm, chú nói một câu làm tôi tỉnh ngộ: "Sao quý Thầy cứ tốn thì giờ theo đuổi bằng cấp ngoài đời làm chi! Xá lợi Phất, Mục kiền Liên đâu có bằng Ph.D mà vẫn đắc đạo". Cuối cùng tôi đã nghe lời chú nên tới nay tôi vẫn không có bằng Ph.D. Nói vậy bạn đừng hiểu lầm cho tôi chống báng bằng cấp. Bằng cấp chỉ là bằng cấp, tự nó vô hại, chỉ có những khái niệm về bằng cấp mới là nguy hiểm mà thôi. Bằng cấp dùng để chứng minh trình độ kiến thức. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, bạn có thể tham khảo tất cả Tam Tạng Kinh Điển Anh ngữ trên hệ thống Internet ngay nơi phòng ngủ của mình nếu bạn có máy vi tính. Với Internet bạn có thể mở mang kiến thức của mình 24 tiếng trong ngày nếu bạn muốn mà không cần phải vào Đại Học hay Thư Viện.

Thưa quý thính gỉa,

Qua hai lần phát thanh về chủ đề đi tìm minh sư học đạo, thì thân giáo, thể hiện qua hành động, nhân cách, giới phẩmđức hạnh của vị thầy vẫn là yếu tố nền tảng để chúng ta chọn ông thầy. Một yếu tố khác không kém quan trọngđộng lực giảng dạy của ông thầy phải trong sạch, không bao giờ vì ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất. Việc ông thầy có học vị hay không có học vị Tiến sĩ, không là yếu tố cần thiết. Đức Phật cũng như các đại đệ tử của Ngài không có bằng cao học, không có học vị Tiến sĩ. Ngài là một bậc Vô Thượng Sư, Đại Đạo Sư, ngài đã giác ngộ và dạy cho chúng ta nhận biết cái Chân Tâm Phật Tánh có sẵn nơi mình để mình tu hành và sẽ được giác ngộ như ngài. Ngài đã để lại cho chúng ta không biết bao nhiêu là kinh sách mà mỗi ý tưởng là một ánh sáng chói ngời, mỗi lời nói là một bài học quý báu, và cứ đọc trong các sách nói về cuộc đời của Ngài thì chúng ta cũng thấy những lời ngài dạy đều biểu hiện đời sống của chính ngài. Trước khi chấm dứt chương trình phát thanh hôm nay chúng tôi xin mời quý thính giả nghe câu chuyện về "Thân Giáo" với lời bàn của Sư cô Như Thuỷ:

Thuở xưa có một nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi, được mọi người xem là đạo cao đức trọng.

Một hôm nhà sư tiếp một bà lão cùng cậu con trai của bà.
Bà lão thưa:
- Bạch sư thằng bé này mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi tốn hao không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu này... Xin sư làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó.
Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu nói:
- Bà hãy dắt nó về khoảng nửa tháng sau trở lại tôi sẽ giúp cho.
Bà lão y lời. Đến ngày hạn nhà sư chỉ thốt một câu đơn giản:
- Đó là một thú vui hao tài tốn của con hãy bỏ đi, để tiền mà thờ mẹ nuôi con.
Bà lão bất bình:
- Tưởng thầy có phương cách gì té ra chỉ có bao nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói giùm ngay bữa trước mà còn hẹn đến hôm nay? Đường xá xa xôi biết là bao!
Nhà sư mỉm cười:
- Chẳng giấu gì bà... tôi cũng mắc phải cái tật sưu tầm hoa kiểng như cậu nhà đây. Nửa tháng gia hạnthời gian để tôi bỏ cái cố tật đó. Nay mọi việc đã xong tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em này.
Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.

Lời bàn của Sư cô Như Thuỷ:

Trong một quyển kinh A Hàm, Đức Phật đã giải thích vì sao Ngài được gọi là Như Lai. "Như Lai là làm sao thì nói vậy, lời nóiviệc làm đi đôi với nhau nên gọi là Như Lai." Và chúng ta có thể gọi vị sư này là Như Lai theo nghĩa ấy.
Người xưa có thể chỉ với một câu nói giản dị mà cảm hóa được lòng người là do thân giáo. Còn chúng ta, nói ra rả suốt ngày mà chẳng ai chịu nghe là vì miệng nói một đàng mà hành động một nẻo, chứ không phải tại chúng sanh đời mạt pháp cang cường khó dạy đâu nghe!

Thưa quý thính giả,

Đối với những người có nhân duyên tốt, biết được Phật pháp, nhất là những nhà tu hành đã đem cả cuộc đời cống hiến cho công cuộc tu chứng, thì hẳn là hiểu rõ giá trị của thời giờ. Các bậc Thầy trong đạo Phật luôn luôn nhắc nhở đệ tử câu:

Ngày nay đã qua
Mạng sống giảm dần
Như cá cạn nước
Nào có vui gì !
Nên siêng tinh tấn
Như lửa cháy đầu
Chỉ nhớ vô thường
Chớ nên buông thả ”

Ngoài sự lãng phí thời giờ và tiền bạc, sưu tầm cái gì thì cũng đi xa với đạo Phật, không riêng sưu tầm cây cảnh, vì người tu sĩ phải xả bỏ từ tình cảm yêu ghét cho tới của cải vật chất, đến khi nào không còn dính mắc vào bất cứ cái gì ở thế gian nữa thì mới không hư tiêu tín thí, mới hoàn toàn giải thoát, đắc đạo được.

Ban Biên Tập TVHS

Tạo bài viết
10/06/2012(Xem: 56206)
28/08/2010(Xem: 42595)
28/08/2010(Xem: 50422)
28/08/2010(Xem: 34370)
27/08/2010(Xem: 77763)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…