Cloning Và Phật Giáo

28/08/201012:00 SA(Xem: 36820)
Cloning Và Phật Giáo
Nếu Phật đã dạy rằng, vạn vật từ Không mà có, vậy thì tại sao linh hồn sau khi chết lại không trở về Không, mà phải đi lang thang từ kiếp này sang kiếp khác? Và Nếu con ngườilinh hồn, thì Phật pháp làm sao để giải thích vấn đề cloning, lấy cell của một người để tạo nên một người mới, con người mới này có xài chung một linh hồn với người donor hay không?


TRẢ LỜI:

Kính thưa quý vị,

Nếu nói rằng “vạn vật từ Không mà có” thì cũng không đúng với quan điểm của đạo Phật. Nhà Phật nói rằng: “Vạn pháp trong thế giới hiện tượng tương đối này đều do nhân duyên hòa hợpsanh khởi, cái này sanh thì cái kia sanh. Vì duyên với nhau mà sanh, cho nên khi “cái này diệt thì cái kia diệt", không có tự thể độc lập của riêng nó, mà sanh diệt tùy thuộc lẫn nhau, chỉ huyễn hiện liên tục, nên còn được phát biểu là : “Vạn pháp đương thể tức không, duyên hợp giả có”. “Có ”nhưng không phải là “thật có”, mà chỉ là “huyễn hiện”, nên gọi là “giả có”.

Nhà Phật quan niệm rằng mỗi dòng sinh mệnh đều từ Chân Tâm, vì một niệm vô minh bất giác khởi vọng mà lưu xuất, vốn là Chân Tâm (tịnh) chuyển thành Vọng Thức (nhiễm), -- nói gọn là Tâm và Thức – bắt đầu dòng sinh tử, rồi từ đó hành động tạo tác, gây nhân thọ quả thiện ác, hình thành nghiệp lực, bị nghiệp lực chi phối, cuốn trôi trong vòng luân hồi sinh tử. Tâm mênh mông bằng hư không thì Thức cũng mênh mông bằng hư không. Có thể tạm dùng thí dụ cụ thể, dù không đúng hẳn nhưng sẽ giúp dễ hiểu, là ví Tâm với biển cả, Thức với bụi bậm rác rưởi lẫn trong nước biển. Biển rộng mênh mông tới đâu thì rác rưởi cũng trôi nổi tới đó. Chân TâmBản Thể, thuộc bình diện tạm gọi là tuyệt đối. Thức chỉ là bình diện ô nhiễm của Tâm, còn gọi là thức tâm sinh diệt, thuộc về thế giới hiện tượng tương đối, huyễn hiện theo quy luật “duyên hợp giả có”, tính chất nó là vô thường.

Nhà Phật quan niệm rằng mỗi sinh vật đều do hai thành phần tạo nên, đó là phần tâm thức và phần vật chất, tức là cơ thể chúng sinh. Tâm và Vật duyên sanh trong đời sống. Tâm có thể ví như làn sóng điện và vật chất, thí dụ cơ thể con người, có thể ví như chiếc máy thu thanh.

Làn sóng dàn trải trên không gian, máy thu thanh vặn đúng tần số thì bắt được tín hiệu. Khi máy cũ, hư hỏng, không còn sử dụng được nữa, thì mua máy mới, lại tiếp tục vặn lên, bắt làn sóng điện, cũng giống như một sinh vật chấm dứt sự sống thì Thần Thức sẽ lại nhập vào một phôi thai khác để tiếp tục một đời sống mới, do nghiệp lực chi phối, tới tận khi nào tu hành cho tới cảnh mà đức Phật mô tả khi Ngài giác ngộ là:

"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai mãi đi tìm mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thậtphiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà,
Như Lai đi tìm được ngươi.
Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng nghiệm quả Vô Sanh Bất DiệtNhư Lai đã tận diệt mọi Ái Dục".

Cái sườn của căn nhà tự tạo ấy là những ô nhiễm như tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, những hành động bất thiện, vân vân. Cây đòn dong chịu đựng cái sườn nhà là vô minh, căn nguyên xuất phát mọi dục vọng. Giác ngộ là phá vỡ được cây đòn dong vô minh bằng trí tuệ, là đã làm sập được căn nhà.

Nếu chưa giác ngộ mà vì một lý do nào đó, căn nhà đổ nát, có nghĩa là phần vật chất, tức cơ thể của sinh vật chết đi, Thần Thức sẽ bị cuốn hút bởi cận tử nghiệp, là chập tư tưởng cuối cùng, hội nhập nhân duyên quan hệ với cha mẹ tương lai mà đầu thai, bắt đầu một đời sống mới. Như thế, vì chịu sự chi phối của nghiệp báo, cho nên Thần Thức không thể tự do “trở về Không” được. Muốn “sinh tử tự tại” để có thể “tùy Nguyện mà thọ sanh” như các vị bồ tát đầu thai vào cõi nhân gian để hoàn thành nguyện ước cứu độ chúng sanh, thì bản thân con người phải tu hành cho tới “Tâm tịnh tội tiêu”. Tội đây chính là những điều mình đã tạo tác trong quá khứ, chính là nghiệp báo vậy.

Đạo Phật không cho rằng “có một linh hồn trường tồn bất biến đi trong cõi u minh hoặc đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác”, mà chỉ có cái “Thần Thức”, bị dòng nghiệp lực cuốn đi đầu thai vào cái lúc chấm dứt mỗi kiếp sống, hoặc sau khi chết một thời gian ngắn, khi nghiệp và duyên hội đủ điều kiện để đầu thai mà thôi.

Thưa quý thính giả,

Câu hỏi tiếp như sau:

- Nếu con ngườilinh hồn, thì Phật pháp làm sao để giải thích vấn đề cloning, lấy cell của một người để tạo nên một người mới, con người mới này có xài chung một linh hồn với người donor hay không?

Kính thưa quý vị,

Như trên chúng tôi đã thưa rằng Phật giáo không chấp nhận sự kiện “có một linh hồn trường tồn bất biến” mà mỗi sinh vật đều đươc hình thành bởi hai nguyên tố là phần tâm thức và phần thể xác.

Giáo lý của nhà Phật dạy rằng các loài sinh vật có tới 4 cách sanh sản, đó là:

- Thai sanh, là sanh sản bằng bào thai, như người và một số loài vật
- Noãn sanh, là sanh sản bằng trứng, như gà, vịt, chim, ... vân vân.
- Thấp sanh, là sanh sản bằng sự ẩm ướt, như các loại côn trùng, mốc vân vân...
- Hóa sanh, như một số loài sâu, thí dụ con tằm hóa ra con nhộng, rồi hóa ra con ngài mà bay đi, vân vân. . .

Tất cả những loài này đều không có ai đem linh hồn phân phát cho mầm sống, mà chính là Thần Thức đã hội nhập ngay vào sinh vật để sử dụng cái cơ thể vật chất mới được hình thành. Cơ thể vật chất đó sẽ là công cụ để phần Thức sử dụng trong suốt cuộc đời, cho đến khi cái chết xảy đến, thì Thức sẽ từ bỏ cái công cụ để -- nay được gọi là Thần Thức -- gá vào một phôi thai nào đó vừa mới thành hình, tùy theo nghiệp lực của dòng sinh tửnhân duyên từ quá khứ đối với cặp cha mẹ đưa đẩy.

Giáo lý nhà Phật không nói đến chuyện cloning, vì vào thời đức Phật còn tại thế thì chuyện này chưa xảy ra. Nhưng chiếu theo pháp Tứ Yđức Phật đã dạy, có câu “Y nghĩa, bất y ngữ”, chúng ta có thể nương theo sự hiểu biết về Phật phápsuy luận. Như vậy, để trả lời câu hỏi của vị thính giả này, chúng tôi có thể thưa như sau:

- Theo quan điểm của nhà Phật thì cloning thuộc về nhóm “thấp sanh”, vì phôi thai không được hình thành qua sự gần gũi của cha mẹ như là người bình thường thuộc dạng thai sanh. Sự sống của phôi thai là nhờ ở khoa học kỹ thuật, kết hợp hài hòa những điều kiện về ấm áp và ẩm ướt, cùng với sự kích thích khiến cho phôi thai phát triển, tương tự cách sinh trưởng của các nhóm côn trùng, mốc meo, vân…vân.

Cũng như ba loại sinh khác, phôi thai do cloning này cũng có Thần Thức của một dòng sinh mạng, thí dụ từ một sinh vật mới chết, nhập vào. Kể từ giây phút đó, Thần Thức là phần tâm linh của sinh vật mới được cloning này. Tất cả mọi hành vi tạo tác sau này của sinh vật đó, về mặt tâm thức, đều không liên quan gì tới người donor. Không có chuyện “xài chung một linh hồn với người dono
Tóm lại, chúng tôi vừa mới trình bày vấn đề thành tố của một sinh vật, đứng trên lập trường thuần lý, chiếu theo quan điểm của nhà Phật, gồm có hai phần : phần vật chất là thể xác và phần phi vật chấttâm linh. Như vậy một sinh vật do cloning cũng sẽ sinh hoạt như một người bình thường, có phần vật chất và phần tâm linh riêng biệt, như bất cứ một người bình thường nào, cũng có tâm hồn, có sự suy tư riêng biệt.

Tuy nhiên, mục tiêu của đạo Phậtdiệt khổ, nên trước mỗi vấn đề, người Phật tử đều cân nhắc kỹ càng, để tránh tạo nên nỗi đau khổ cho chúng sinh.

Trước mắt, chúng ta thấy một người được sanh ra từ cloning dường như không có gì khác với người thường. Nhưng vì bản thân sự kiện cloning nó đã có những sự khác thường đối với đồng loại sinh trưởng bình thường, cho nên chúng ta cần tìm hiểu thêm về vấn đề tâm sinh lý và môi trường xã hội đối với sinh vật ra đời một cách khác thường là cloning, liệu sau này có vì thế mà sinh ra điều gì đáng tiếc cho kiếp người do cloning chăng.

Trong quá trình cloning, người ta lấy một nhân tố di truyền từ một tế bào của donor đem đặt vào một trứng đã được rút nhân tố di truyền ra. Nếu là sinh sản theo thường lệ thì sự kết hợp của hai nhân tố này trong cái trứng của người đàn bà sẽ quyết định sự giống hay khác nhau về hình thể của đứa bé đối với cả cha và mẹ hoặc dòng họ của bên nộibên ngoại, theo di truyền. Nhưng khi cloning, nhân tố di truyền của người mẹ trong cái trứng đã được lấy ra, chỉ có độc nhất một nhân tố của donor được đặt vào trong trứng, nên phôi thai chỉ tăng trưởng từ một nhân tố di truyền gốc, vì thế sau này cơ thể vật chất của nó sẽ giống y hệt người donor.

Cơ thể trông thì giống hệt, nhưng sự hình thành đã không bình thường, chúng ta cũng chưa có đủ thời giandữ kiện để chứng minh rằng cơ thể đó sẽ phát triển bình thường. Trong khoảng thời gian gần một trăm năm của đời người, chưa thể biết sẽ có những biến chuyển nào xẩy tới cho kẻ ra đời do cloning. Đấy là nói riêng về vấn đề cơ thể vật chất.

Về mặt tinh thần, tuy con người đó có một Thần Thức mang theo nghiệp lực gá vào cơ thể để hoạt động, thì nghiệp quá khứ là của dòng nghiệp đó, nhưng do sự ra đời bất thường, những va chạm trong đời sống do mặc cảm về sự bất thường này có thể xảy ra, sẽ gây nên đau khổ cho người đó và nếu như vì mặc cảm quá sâu sắc, hắn có thể gây nên những nhân ác mới, như những người vốn mang mặc cảm đã gây nên nhiều tội ác trong lịch sử của nhân loại, thí dụ Hitler, vân vân. Từ những điều ác mới gây ra do mặc cảm vì sự ra đời bất thường, dòng nghiệp lực của hắn sẽ trở thành xấu đi. Nếu chuyện đó xảy ra thì cũng là một điều đáng tiếc.

Ngoài ra, theo nhận xét của những nhà xã hội học, trẻ em mồ côi, hoặc xuất thân từ những gia đình đổ vỡ, thường dễ nảy sinh mặc cảm cô đơn. Từ mặc cảm, các em có thể phát sinh những phản ứng tiêu cực, dù trên thực tế, mọi người chung quanh đối xử với các em rất bình thường. Qua suy nghĩ đó, chúng ta có thể dự đoán về đời sống tinh thần của một em bé cloning trong lòng xã hội. Thí dụ có một chuyện xảy ra trong lớp học, một em bé bình thường có thể phát biểu một câu bất thường, cả lớp không thấy có gì lạ, chỉ cho là em bé đó đang có chuyện gì không vui nên phản ứng thế chăng. Nhưng nếu là một em bé cloning, thì mọi người có thể phát sinh ngay một dấu hỏi trong đầu: “Liệu có phải vì nó là đứa bé cloning nên mới sinh ra chuyện này chăng?”. Lại có thể không ai nghĩ gì, nhưng chỉ tình cờ thôi, một tia nhìn lơ đãng của bạn trong lớp cũng có thể khiến cho em bé cloning vốn đã có mặc cảm, phát sinh ra những tư tưởng tiêu cực.

Chuyện kỳ thị chủng tộc, mầu da, vân vân, đã xảy ra và vì thế đã bùng nổ những cuộc đấu tranh dữ dội, đó là vì nạn nhân là một đám đông. Nhưng các em bé từ cloning mà bị kỳ thị, hoặc có cảm giác bị kỳ thị, thì nỗi đau khổphản ứng chống đối trong cô đơn sẽ có thể là rất tệ hại và đáng thương biết mấy. Những điều này khi xảy ra sẽ thành nghiệp nhân mới tạo trong kiếp này của dòng sinh mệnh, chứ không phải là nghiệp nhânThần Thức khi gá vào sinh vật cloning đã mang theo từ kiếp trước. Như thế là chúng ta đã góp phần tạo nên nỗi thống khổ cho chúng sinh.

Cloning con người là một vấn đề quá mới mẻ nên chúng ta cũng chưa biết rằng khi các em bé đó lớn lên, những vấn đề khác về cơ thể có diễn tiến bình thường như một người do thai sanh không. Nếu thí dụ qua một vài thế hệ cloning, cơ thể con người vì đã được cấu tạo một cách bất thường, có thể thiếu hoặc dư chất gì đó, mà biến đổi như những trái cây được tháp giống, tuy trông vẫn giống trái nguyên thủy, nhưng hình thể to lớn bội phần. Côn trùng là loài thấp sinh vẫn bình thường sinh trưởng từ thời cổ đại là vì chúng “thấp sanh” một cách thiên nhiên. Cloning là thấp sanh nhân tạo, sự kiện khác nhau này có nảy sinh vấn đề gì gây nên tai hại là điều các nhà khoa học chưa thể bảo đảm một cách chắc chắn.

Vấn đề hiện nay đang làm nhức nhối lương tâm của loài người là nạn nghèo khổ, thất học, thiếu ăn, thiếu nước, chiến tranh, vân vân, và nhất là nạn nhân mãn, phá thai, tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại Phi Châu. Nếu thay vì nghiên cứu để sinh sản ra người do cloning, hãy dùng khả năng khoa học để nghiên cứu phương cách giải quyết những vấn nạn kể trên, khiến cho toàn thể nhân loại đều được sống một cuộc đời đáng sống, có lẽ còn là việc cấp thiết hơn nhiều.

Chúng tôi xin trích một mẩu tin của đài BBC trong tháng 9 năm 2005:

“Ngồi trong trung tâm nhận đồ ăn của Mauritania, Phi Châu, em bé Mohamed Nour’s - một tuổi – có cái bụng chướng to nhưng không phải là vì chứa thức ăn và xương khớp cổ tay của em thì nhô ra coi còn lớn hơn cả cánh tay em nữa. Ấy vậy mà mẹ em vẫn quả quyết một cách hãnh diện:

- Tôi vẫn cho cháu ăn uống đầy đủ, tôi ăn gì thì nó ăn nấy, mỗi ngày một lần. Mới hôm qua chúng tôi đã ăn cháo yến mạch, còn ngày hôm trước và kể cả 3 ngày hôm trước nữa thì chúng tôi ăn cháo bột mì.

Em bé Mohamed Nour’s này cũng chưa phải là những người dân khốn khổ ở khu vực Đông Nam của Mauritania, phần đất đã lãnh nhận trận mất mùa thê thảm, giết chết hàng ngàn người ở Niger.

Suy dinh dưỡng triền miênvấn đề lớn nhất ở những vùng như địa phương này. Nó không thuộc loại đói đến chết lăn ngay ra, nhưng nó ẩn tàng trong những bữa ăn thiếu thốn. Các cháu thiếu hầu như tất cả các loại sinh tố và khoáng chất cần thiết để một đứa trẻ có thể tăng trưởng cơ thể và tinh thần một cách bình thường. Tỷ lệ tử vong của nạn suy dinh dưỡng triền miên là cứ 1000 em thì có 109 em bị chết trong tuổi ấu niên, trong khi ở Tây Ban Nha, trong số 1000 em, chỉ có 3 em chết non.

Các bà mẹ không nhìn thấy sự nguy hiểm đang rình rập các cháu bé suy dinh dưỡng, vì sự nguy hiểm cứ lùi lũi tiến đến một cách yên lặng. Dù có thấy con mình gầy rạc, nhưng nó không ốm lăn ra, thế là họ yên chí rằng chúng khỏe mạnh rồi. Nhưng thật ra thì đứa bé đang mất dần sức sống và từ từ lăn xuống huyệt mộ.

Thưa quý thính giả,

Trong một thế giới mà sự ngu dốt, nghèo khổ, đói khát còn tràn ngập, có lẽ Phật tử chúng ta cũng thấy cần dành thì giờ, tiền bạc và những bộ óc thông minh để tìm cách cải tiến về nhiều mặt khác, ngõ hầu làm giảm bớt nghèo khổ, tăng trưởng mức sống thì như thế có lẽ lại phục vụ hữu hiệu cho loài người hơn là chuyện cloning.

Ban Biên Tập TVHS

SINH SẢN VÔ TÍNHĐẠO PHẬT
Nguyễn Tường Bách

Gần đây, một công ty tại Mỹ vừa thông báo đã thành công trong việc tạo phôi người nhân bản đầu tiên (human cloning). Với thành công này người ta hy vọng đi một bước dài trong việc tạo các tế bào gốc của con người. Công ty nọ cho hay, họ chỉ muốn sử dụng thành tựu này để chữa bệnh chứ không nhằm mục đích tạo nên một con người được nhân bản. Sau khi tin này được thông báo, một loạt thành tựu tương tự cũng được công bố, chủ yếu cũng nhắm đến việc chữa bệnh cho con người. Dù thế, mọi nơi trên thế giới đều lên tiếng phản đối, cho rằng việc tạo phôi người nhân bản là đi ngược lại « các nguyên tắc đạo đức », dù chỉ sử dụng nó vì những lý do nhân đạo. Người ta tin rằng, không sớm thì muộn, con người nhân bản thông qua kỹ thuật sinh sản vô tính sẽ hình thành.

Trong lịch sử khoa học, hầu như chưa có một bước đột phá nào gây nhiều phản ứng và tranh cãi như sự việc này. Nhiều người nghĩ ngay đến một viễn cảnh “rùng rợn”, trong đó con người được chế tạo như những món hàng giống hệt nhau chạy ra từ một băng chuyền công nghiệp. Ngược lại cũng có nhiều người vội nghĩ tới tự nhân bản chính mình để sống đời này qua kiếp khác. Có kẻ thành tâm nghĩ tới khả năng sao chép những thiên tài của loài người để họ tiếp tục phục vụ cho nhân loại hàng trăm năm sau đó. Cũng có người chủ trương nhân bản con người chỉ để có một « kho » lưu chứa phụ tùng thay thế tim óc và các bộ phận, một khi chúng bị tai nạn hay bệnh tật hủy phá.

Tất cả những điều kể trên không còn là chuyện khoa học giả tưởng trong thế kỷ 21 của chúng ta. Những điều đó có lẽ sẽ dần dần được thực hiện, chính thức hay không chính thức. Lý do giản đơn là lĩnh vực sinh học này quá hấp dẫn, kích thích đầu óc con người vốn say mê nghiên cứu những điều mới mẻ. Ngoài ra nó sẽ mang nguồn lợi tài chánh vô tận cho những kẻ đi tiên phong và đây sẽ là động lực chủ chốt.

Ngành sinh học của thế kỷ 21 đang đứng trước một quá trình phát triển kỳ diệu. Trong thế kỷ 20, ngành vật lý cũng có một giai đoạn tương tự. Với sự phát hiện của thuyết tương đối trong những năm đầu và thuyết lượng tử trong khoảng những năm 30, thế kỷ 20 đã làm một cuộc cách mạng trong ngành vật lý, đã thống nhất nhiều khái niệm tưởng chừng như độc lập với nhau, để đưa vật lý của thế kỷ thứ 19 từ một mức độ “trung bình” của con người đến mức bao quát, gồm chứa cả những thế giới cực nhỏ của các hạt cơ bản đến những phạm vi cực đại của các thiên hà. Quan trọng nhất là nền vật lý hiện đại đã đưa thẳng con người đi đến cửa ngõ của triết học, trong đó nhiều nhà vật lý khẳng định thế giới vật chất dường như không phải là một đối tượng « độc lập tự nó » mà là sự cảm nhận của con người về một thực tại khác. Thế giới vật chất chỉ là dạng xuất hiện của thực tại đó trong ý thức quán chiếu của con người. Vì lẽ đó, sự phát triển của ngành vật lý trong thế kỷ 21 sẽ mang nhiều tính chất « tâm linh » mà sự đồng qui của nó với triết học phương Đông, nhất là với Phật giáo, đã được nhiều người thừa nhận [1].

Khi những đối tượng nghiên cứu thuộc phạm vi « vô sinh » như vật chất mà đã dẫn đến những vấn đề thuộc về vai trò của « ý thức » thì ta có thể dễ dàng nhận thấy ngành sinh học còn đặt những câu hỏi thiết thân hơn nữa với triết học. Sự sống do đâu mà có, con người từ đâu sinh ra và sẽ đi về đâu - đó là những câu hỏi xưa nay của nhân loại trong triết học và ngày nay bỗng nhiên trở thành then chốt trong sinh học. Sự khám phá ra bộ gen người (Genom) hứa hẹn một điều rất thú vị. Với Genom, người ta nghĩ rằng đã tìm ra được tất cả những chữ cái và sẽ đọc được cuốn sách về sự sống, được viết nên bằng những chữ cái đó. Nhiều người vội cho rằng Genom là nguồn gốc của sự sống cũng như các hạt cơ bản là nguồn gốc của mọi vật chất trong ngành vật lý của thế kỷ trước. Thế nhưng nếu trong ngành vật lý đã có một sự bừng tỉnh lớn lao rằng, hạt cơ bản xem ra cũng chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác, chúng xuất hiện tùy theo cách quan sát của con người, thì trong ngành sinh vật người ta chưa biết Genom là nguồn gốc của mọi sự sống hay bản thân Genom cũng chỉ là dấu vết của một thực tại khác. Thế kỷ 21 có lẽ sẽ trả lời câu hỏi đó và nhiều nền triết học phương Đông có thể có những giải đáp quan trọng.

Một hệ quả của sự thành tựu trong ngành sinh vật hiện nay là khả năng nhân bản của con người bằng cách sử dụng gen người, cho nó tự phân chia, không cần đến sự thụ tinh thông thường. Đó là lý do mà sự sinh sản đó được mệnh danh là « vô tính ». Mặc dù hiện nay người ta chỉ nhân bản các động vật như bò, trừu nhưng khả năng nhân bản con người là hầu như chắc chắn trong tương lai không xa. Câu hỏi đầu tiên và then chốt được đặt ra là, con người được nhân bản đó là « ai », nó là một hay khác với con người « bản chính ». Người ta phải đối xử thế nào, nếu một ngày nọ có một Hitler đi dạo trên đường phố Paris?

Không phải chỉ hình ảnh Hitler mới làm ta thấy « rùng rợn » mà chỉ hình dung về một con người bình thường thứ hai giống như bản chính như hai giọt nước đủ gây hãi hùng trong chúng ta. Tôn Hành Giả thổi sợi lông biến thành hàng ngàn con khỉ khác chỉ gây thú vị trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân nhưng tốt hơn nó nên dừng tại đó. Vì lẽ đó mà nhiều nơi trên thế giới đều chống lại chuyện nhân bản con người. Thế nhưng ngoài sự sợ hãi chung chung, có hai loại tư tưởng chính trong việc phản đối. Một là, tư tưởng thần học cho rằng chỉ có Thượng Đế hay Chúa mới làm chủ được sự sống, con người không được phép giành lấy quyền sáng tạo sự sống của Chúa. Hai là, tư tưởng duy vật cho rằng, con người nhân bản là một, là đồng nhất với con người bản chính, vì tâm thức là sản phẩm của cơ thể. Có kẻ trong giới đó cho rằng cơ thể « tiết » ra tâm thức cũng như não tiết ra tư tưởng, như gan tiết ra mật. Vì thế tâm thức con người bản sao sẽ là một với con người bản chính. Đáng sợ thay! Vì thế mà nếu có nhân bản thì không ai sáng tạo Hitler cho mang họa mà người ta sẽ tạo ra một Einstein để mọi người được nhờ. Cũng vì nghĩ thế mà nhiều người muốn nhân bản chính mình vì « mình » sẽ được sống ngàn năm.

Con người nhân bản là « ai »? Đó là một câu hỏi không đơn giản. Người viết bài này tự tìm cách trả lời bằng cách lục lại kinh sách của thánh nhânbiết trước rằng vấn đề này có lẽ sẽ không bao giờ có một lời giải chung quyết.

- Này A Nan, ta đã nói, có Thức mới có Danh Sắc. Nói như thế tức là: nếu Thức không lọt vào lòng mẹ, thì trong bụng người mẹ đó có Danh Sắc sinh ra chăng?

-Bạch Thế Tôn, không. (Trường Bộ Kinh, 15).

« Danh Sắc » là từ chỉ chung là hai yếu tố tâm lývật lý mà nếu nói chi tiết chính là ngũ uẩn. Danh Sắcyếu tố thứ tư trong mười hai nhân duyên và do yếu tố thứ ba, Thức, sinh ra. Không có Thức thì không có Danh Sắc. Một bào thai muốn thành hình thì phải cần « tinh cha huyết mẹ » làm cơ sở vật chất và một Thức sẵn sàng tham dự vào đời sống tương lai.

« Cha mẹ giao hợp với nhau và người mẹ đã đến thời, nhưng nếu không có một thức sẵn sàng gia nhập thì không có thai nhi » (Trung Bộ Kinh, 38).

Như thế tinh cha huyết mẹ chỉ là cái khung vật chất để Thức có thể nương tựa. Còn Thức nào sẽ « tham dự » vào đó và tại sao nó tham dự là một vấn đề nằm ngoài khả năng suy luận của người bình thường. Thế thì thai nhi là « ai »? Ta có thể hiểu một cách sơ sài Thức đó là một nguồn năng lực có tính cá thể và có đủ « nhân duyên » với cha mẹ để « đợi » thời điểm đó mà tham gia vào và trở thành thai nhi. Điều quan trọng nhất có lẽ là giữa nghiệp lực của cha mẹ và của Thức phải có một mối quan hệ rất sâu xa vì Thức sẽ lấy máu mủ của cha mẹ làm cơ thể của mình và lớn lên trong môi trường sống do cha mẹ tạo ra.

Vì lẽ đó mà trong quan điểm của đạo Phật, việc sinh con đẻ cái là một quá trình kỳ diệu của nghiệp lực. Đó không hề là một chuyện tầm thường, càng không phải là một điều tình cờ, kết quả vô ý thức của hành động tính dục. Thai nhi không phải do cha mẹ sinh ra mà thông qua cha mẹ để đến với thế giới con người. Thai nhi không phải là một tờ giấy trắng để cha mẹ có thể vẽ lên đó những gì mình muốn mà nó đã mang kinh nghiệmnăng lực của một quá khứ vô thủy. Vì thế con cái có thể « già giặn » hơn cha mẹ rất nhiều. Nó cần tinh huyết và sự nuôi dưỡng của cha mẹ vì giữa ba con người đó có một mối liên hệ về nghiệp mà thường cả ba đều không biết và chỉ có thánh nhân như Phật mới thấy rõ.

Trong kinh sách đạo Phật, nhất là trong « Tử thư Tây Tạng »[2], ta còn tìm thấy những mô tả cảnh tượng lúc Thức bị nghiệp lực lôi kéo vào bụng mẹ và những gì mà nó cảm nhận trong lúc Thức gia nhập vào thân thể thai nhi. Thế nhưng những điều này không phải là đối tượng của bài này. Điều cần xác nhận nơi đây là, một thai nhi chỉ thành hình khi có Thức gia nhập và máu huyết của cha mẹ chỉ là phần sắc thể của sinh vật.

Xuất phát từ điều đó, ta hãy thử xét điều gì xảy ra khi phôi người nhân bản hình thành và nếu tế bào tí hon đó phát triển thành người thật thì nó có quan hệ thế nào với con người bản chính. Như đã nói ở trên, sự hình thành thai nhi trong điều kiện bình thường vốn đã hết sức kỳ diệu và cơ chế đích thực của nó nằm ngoài khả năng tư duy của chúng ta. Vì thế dùng tư duy để tìm hiểu quá trình của sự nhân bản con người - một vấn đề hoàn toàn mới mà kinh sách chưa hề đề cập đến - lại càng là một điều bất khả. Bài này chỉ có chút hy vọng tìm hiểu vài khía cạnh thuộc về phạm vi suy luận của câu hỏi lớn này.

Trước hết có lẽ cần quan niệm rằng, động tác của nhà sinh vật khi đưa gen người vào một trứng có thể được xem là hành động « tạo cơ sở vật chất » cho một sinh vật. Dù đây là thành tựu to lớn của ngành sinh vật nhưng về ý nghĩa thì đây « chỉ » là hành động thay tinh cha huyết mẹ của thai nhi thông thường bằng một gen người có sẵn. Thế nhưng, muốn nó trở thành sinh vật - dù đó là thú vật, phôi người để trở thành các tế bào chuyên môn hay thậm chí thành một con người bản sao - thì ngoài các điều kiện môi trường của phòng thí nghiệm, nhất thiết phải có một Thức « chịu » tham gia. Nếu dùng từ « nhân duyên » để soi sáng thì « duyên » là các điều kiện và khả năng kỹ thuật của nhà sinh vật, còn « nhân » chính là một Thức sẵn sàng gia nhập. Nơi đây khả năng lý luận của chúng ta đã bị chận đứng vì không ai biết rõ Thức tái sinh nơi đây là gì, nhưng xem ra không phải dễ tìm được một Thức như thế vì chỉ sáng tạo con cừu Dolly thôi mà người ta phải thử gần 300 lần nhân bản. Người ta cho rằng xác suất để thành hình một con người nhân bản sẽ khó hơn gấp bội lần, thai nhi sẽ sớm chết trong bụng mẹ.

Từ một góc nhìn khác, kinh sách đạo Phật cho ta biết rằng, nghiệp lực của Thức tái sinh sẽ « lựa chọn » cha mẹhoàn cảnh sống, từ đó mà chịu hay không chịu tham gia vào một « cơ sở vật chất » - tức là tinh cha huyết mẹ trong trường hợp thông thường và gen người được cấy vào trứng trong trường hợp nhân bản. Mặt khác, Thức, tức là năng lực sống mang tính cá thể, vốn tràn đầy trong đại thiên thế giới, nên ở đâu cũng có sự sống xuất hiện, nơi nào có điều kiện sống là có sinh vật. Đạo Phật quan niệm mỗi cấp bực của sự sống đều mang một Thức tương ứng: cấp vi trùng vi khuẩn cũng có Thức của nó, cũng như mỗi tế bào, mỗi mô sinh vật cũng thế, cho đến thú vậtcon người, đến các loài khác mà con người không thể trông thấy. Vì thế mà sinh vật có thiên hình vạn trạng, được sinh ra trong bốn cách, loài sinh con, loài sinh trứng, loài sinh trong chỗ ẩm ướt và loài hóa sinh.

Như thế thì ta không lấy làm lạ nếu có những sinh vật sẽ phát sinh từ phép nhân bản, dù sinh vật đó là loài thú hay chỉ những tế bào có tính chuyên môn mà con người hiện đang hy vọng dùng để chữa bệnh. Và nếu ngày nào đó có cả một con người hẳn hoi sinh ra từ sự nhân bản thì ngoài cái rùng mình sợ hãi ban đầu, ta cần xem đó là một con người bình thường như chúng ta. Đó là một người mà tinh cha huyết mẹ đã được thay bằng bộ gen của người bản chính và, đây là điều quan trọng nhất, đã có một Thức tái sinh tham gia vào sự sáng tạo này, cũng như một Thức đã gia nhập vào bụng mẹ lúc tượng hình thai nhi. Thế nên, người trả lời được thai nhi là « ai » thì sẽ trả lời được con người nhân bản là ai. Hai câu hỏi đó chỉ là một và trong chúng ta xem ra ít có người biết câu giải đáp.

Con người bản sao sẽ rất giống với con người bản chính vì cùng một bộ gen, nhưng tâm thức người đó không phải là tâm thức của con người bản chính. Nó cũng có một quá khứ xa xôi riêng biệt của nó với tất cả những năng lựckinh nghiệm mang theo. Thế nhưng giữa nó và con người bản chính hẳn phải có một nghiệp lực vô cùng kỳ lạ vì nó sẽ giống với người đó một cách khủng khiếp, giống hơn hẳn hai trẻ sinh đôi cùng một trứng. Giữa hai con người, nơi đây ta tạm gọi là bản sao và bản chính, phải có một mối liên hệ về nghiệp mà tư duy chúng ta không bao giờ tiếp cận nổi.

Khác với quan niệm thần học, đạo Phật không thấy có một ai nắm quyền làm chủ sự sống mà sự sống là khả năng nội tại nằm trong mỗi sinh vật. Khác với quan niệm duy vật, đạo Phật thấy Thức tái sinhnăng lực chủ động tạo tác thân người và cơ thể chỉ là phương tiện cho tâm thức nương tựa và thực hiện trách nhiệm của mình, cho dù nó thực hiện một cách có ý thức hay vô ý thức. « Tâm dẫn đầu các pháp »[3], dù « pháp » ở đây là một thai nhi hình thành trong tình trạng bình thường hay thông qua một thủ thuật của con người.

Đến đây độc giả sẽ có người sốt ruột hỏi, thế thì đạo Phật cho phép hay không cho phép thi hành phương pháp nhân bản. Bài này không dám có tham vọng trả lời một câu hỏi đạo đức như thế, nó chỉ muốn nêu lên vài khía cạnh hẳn còn sơ sài của vấn đề. Thế nhưng thông qua những suy nghĩ trên đây, một yếu tố khác hiện ra rõ nét. Đó là việc sinh con đẻ cái trong tình trạng bình thường không hề là một chuyện tầm thường. Đó là sự hiện hành của một mối nghiệp lực sâu xa, là sự sáng tạo một sinh vật với thể chấttâm thức, một bên là của cha mẹ, một bên là của sinh vật mới, hòa quyện với nhau trong một thể Danh Sắc thiêng liêng không gì sánh được.

Nếu con người biết kính sợ trước tác động huyền diệu của nghiệp lực, biết cẩn trọng với một thai nhi được tạo hình trong điều kiện bình thường thì con người được quyền bắt tay làm những thủ thuật để sinh vật mới mẻ ra đời. Nếu con người chưa hiểu ngộ những điều đó, chưa vươn tới mức đạo lý đó, chưa biết quí trọng sự sống, dù của sinh vật bé nhỏ nhất, thì tốt hơn hãy thối lui, hãy học lại những bài học vỡ lòng về đạo đức.
NTB (3.12.2001)

[1] Xem thêm « The Tao of physics » của Fritjof Capra
[2] The Tibetan bookof the Dead (Bardo Thodol) cu »a Evans Wentz
[3] Lời trong kinh Pháp Cú
Source = Khuông Việt

ĐẠO PHẬTVẤN ĐỀ TẠO SINH VÔ TÍNH

Trong đạo Phật chúng sanh là do Nhân Duyên 5 Ấm hội hợp mà thành thì trong đó Thân là thuộc về Sắc Âm còn Tinh Thần là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Hiện nay các nhà bác học đang thực hiện các cuộc Tạo Sinh Vô Tính (Cloning) việc này trong đạo Phật bản thân của nó không phải là một vấn đề vi phạm đạo đức mà là chỉ do mục đích của các nhà bác học mà thôi.

Thân chỉ là phương tiện để Thức nương gá cho nên làm sao mà có thân thì cái điều này vốn là chẳng quan trọng.

Có nhiều người nói rằng Tạo Sinh Vô Tính là đoạt quyền Tạo Hóa mà đi ngược lại thiên nhiên nhưng mà họ lại quên rằng là từ ngàn xưa con người đã luôn luôn muốn làm trái ngược thiên nhiên để được sinh tồn.

Thí dụ như các chứng bịnh nan y như là cùi, ho lao, phong đòn gánh, dịch hạch, cancer, aids v.v nếu mà con người không làm trái ngược thiên nhiên để tìm tòi phương thức chữa trị thì có lẽ con người đã bị biến mất từ lâu.

Đạo Phật thì chẳng nhận có đấng sáng tạo gì cả mà chỉ nói là tất cả các hiện tượng đều là do Nhân Duyên hội hợp mà thành. Tạo Sinh Vô Tính thì cũng là do Nhân Duyên hội hợp mà thành.

Có nhưng người thì lại lập luận là sự sanh ra do sự phối hợp của Cha Mẹ là kết tinh của sự yêu thương v.v nhưng mà họ lại quên là Nam Nữ kết hợp đó chỉ là Tình Dục còn sự thụ thai và hình thành thai thì chỉ là một hiện tượng thiên nhiên.

Tinh trùng của người nam và trứng của người nữ vốn là vô tri đâu có sự thương yêu gì.

Như trong Kinh Phật dạy sáu loài chúng sanh thì có các Trời hay Thần do sự Hóa Sanh và nương tựa các hình thể vật chất khác nhau mà làm thân chứ không phải nhất thiết là phải sanh ra do sự phối hợp của Cha Mẹ.

Trở lại vấn đề Tạo Sinh Vô Tính là chỉ có khi nào các nhà bác học sử dụng các điều đó vào trong việc Ác thì mới là điều Ác cò nếu chỉ là thuần túy là về Y Học để cứu giúp người bịnh hay là để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn thì không có gì là sai trái cả.

Tạo Sinh Vô Tính thì cũng là một hình thức thọ sinh theo quan niệm của đạo Phật mà thôi.

Trong đạo Phật thì cõi trời đều là do Hóa Sinh tức là nếu có ai được sinh về cõi trời thì Tự Nhiên hiện ra chứ không có Cha Mẹ gì cả.
Vajra http://www.dainam.net/forums/showthread.php?p=457337&mode=threaded

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ KỸ THUẬT TẠO SINH (CLONING)
TRONG KHOA DI TRUYỀN HỌC,
Quán Như

Cả thế giới rúng động khi công ty nghiên cứu sinh học American Advanced Technology loan tin là họ đã clone được một phôi sinh (embryo) của người. Không những chỉ có giới thẩm quyền thuộc các tôn giáo độc thần lớn tiếng kết tội các khoa học gia muốn cướp quyền Thượng Đế, giới khoa học gia, các nhà lập pháp cũng như chánh quyền các nưóc Tây Phương vội vã lên tiếng chống đối. Thượng viện Anh đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thông qua một đạo luật chống cloning, trong đó những người nào thi hành thí nghiệm cấy một phôi sinh của người, khác hơn là phôi sinh đã được kết hợp tự nhiên bởi một tinh trùng và một trứng, có thể bị kêu án 10 năm tù.

Tổng Thống Bush tuyên bố là cloning phôi sinh người là một việc làm trái đạo đức và thúc dục Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật cấm cloning người. Tuy nhiên thượng viện Mỹ nói là họ không vội vã trong việc cấm cloning và sẽ điều tra xem kỹ thuật này có giúp ích gì trong việc chữa các chứng bịnh hiểm nghèo cho dân chúng không. Các phản ứng tại Âu Châu cũng tương tự. Pháp, Đức, Gia Nã Đại và Ý đều lên tiếng chống đối việc tạo con người trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên các nhà khoa học di truyền nói là quần chúng phải phân biệt giữa hai kỹ thuật Cloning. Kỹ thuật Cloning thứ nhất là tái tạo một cá thể con người (productive cloning) và một kỹ thuật khác là tạo những tế bào để thay thế các tế bào bị hư hại (Theurapetic cloning) trong cơ thể. Các nhà khoa học nói là các tế bào này chỉ là mầm sống sơ khởi, chưa phải là một cá thể người, do đó không liên hệ đến các vấn đề đạo đức về hủy diệt sự sống. Các phôi sinh do American Advanced Technology cấy được chỉ mới sinh ra chừng 6 tế bào khác, tuy nhiên chúng có đầy đủ các yếu tố di truyền của người cung cấp tế bào . Vatican dĩ nhiên nghiêm khắc lên án thí nghiệm tái tạo người cũng như thí nghiệm tái tạo các tế bào phôi sinh (Stem cells) để chữa bịnh. Các chánh phủ Tây Phương mặc dù lên án productive cloning nhưng vẫn cho phép theurapetic cloning các tế bào phôi sinh để áp dụng vào việc chữa bịnh.

Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Advanced Cell Technology, Tiến sĩ Robert Lanza, nói là công trình này có những tiềm năng lớn lao trong việc chữa các chứng nan y và cấm đoán việc thử nghiệm này sẽ ngăn chặn những khám phá y học cần thiết để chữa trị những chứng bịnh hiểm nghèo, như ung thư, tiểu đường và các chứng run rẩy (Parkinson) ở các người già. Các khoa học gia ở trung tâm ACT tiết lộ người hiến tế bào để thử nghiệm là Bác sĩ Judson Someville, hiện đang bị tê liệt và ngồi trên xe lăn vì một tai nạn xe đạp 11 năm trước đây. Bác Sĩ Someville đã hiến tặng các tế bào ở bắp chân phải để các nhà khoa học cấy một phôi sinh vào. Các tế bào này khi sinh trưởng vẫn còn giữ toàn vẹn nhiễm thể của ông. Nếu các tế bào này sinh trưởng, chúng có thể được thay thế cho các tế bào hư hại và bác sĩ Someville có thể đi lại được bình thường. Bác sĩ Someville sắp sữa lập gia đình một lần nữa và có hai cô con gái. Ông nói nếu thí nghiệm thành công, ông hy vọng một ngày nào đó ông có thể đi dạo bình thường với 2 cô con gái. Bác sĩ Someville là một người sùng đạo (Tin Lành) và là một đảng viên đảng Cộng Hòa, một đảng trên nguyên tắc kịch liệt chống đối kỹ thuật cloning, cho dù chỉ là cloning chữa bịnh. Bác sĩ Someville nói là ông không ngần ngại gì khi tham gia vào chương trình này và ông không thấy có một sự xung đột gì với niềm tin tôn giáo của mình.

So với các tôn giáo độc thần Tây Phương, Phật Giáo với lý thuyết duyên khởi là một tôn giáo không bị những tiến bộ khoa học bỏ rơi và những khám phá mới càng chứng tỏ thị kiến của đức Phật về sự sống và về vũ trụ rất gần gũi với thị kiến khoa học. Lập trường của Phật Giáo, hay ít nhất là của một số Phật Tử, về khoa di truyền học như thế nào? Sau đây là bài viết của Christina Desser.

Một học giả Phật Giáo nổi tiếng ở Mỹ nói đùa: ‘Nếu cloning được Đức Phật thế giới này sẽ bỗng chốc biến thành tịnh độ’. Đây là một lời nói đùa, nhưng không phải là không phản ảnh lý tưởng của Phật Giáo; ai cũng có thể là Phật sẽ thành và giống như nhãn quan của Bồ Tát Thường Bất Khinh, ai cũng là một bồ tát hóa thân. Tuy nhiên lời nói bông đùa đó phản ảnh một chút lạc quan ngây thơ về những tiến bộ vượt bực của khoa sinh học di truyền cũng như những ảnh hưởng không ai lường trước được về những khám phá của khoa này.

Chúng ta đang bị mê hoặc bởi những lợi ích có thực hay tưởng tượng: một thế giới không còn bịnh tật, những khám phá làm vơi khổ đau của con người, đúng như lý tưởng của đạo Phật. Thực phẩm tăng thêm nhiều chất lượng, được sản xuất dồi dào và không lo còn có ai bị đói. Y tế sẽ được cải thiện và nếu chúng ta lựa chọn những Genes tốt, cũng như lựa toàn hạt lúa giống tốt, khả năng trí thức của con người sẽ tăng tiến không giới hạn. Không phải thế giới chỉ có một vài thiên tài làm đảo lộn lịch sử, hoặc chỉ có một thiên tài độc nhất kiểu Phạm Công Thiện, mà thiên tài mọc đầy rẫy như cúc vạn thọ. Những ai nghĩ mình là thiên tài sẽ lấy làm khó chịu vì trong tương lai không còn ai giữ độc quyền tri thức. Đó là chưa kể chúng ta có thể khuynh đảo các genes gây bịnh già và biến giấc mộng trường sanh bất tử của Lão Trang thành sự thật. Nghĩa là con người có khả năng chấm dứt dòng tiến hóa từ hàng triệu năm nay và kết thúc với một chủng loại siêu việt! Những mơ ước của chúng ta vô tận. Từ thập niên trước những điều mơ ước chỉ là những giấc mộng con, không ai ngờ chỉ có hơn 10 năm, những giấc mộng này bỗng chốc thành sự thật. Đó là một viễn tượng của một hình ảnh Niết bàn hay thế giới Tịnh độ của Phật Giáo Đại Thừa có thật ở đây, bây giờ.

Chúng ta chào mừng các tiến bộ này với cả hai tay và hy vọng như chúng ta đón mừng những phát minh khoa học khác. Tuy nhiên những áp dụng vào canh nông, y tế và sinh sản con người sẽ làm đảo lộn tất cả mọi trật tự và khoa sinh học di truyền sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống. Trong thời gian qua, việc cấy genes vào các chủng loại khác (transgenic) đã được áp dụng để biến đổi bắp, lúa mì, gạo và các mùa màng khác; việc chế tạo các vũ khí sinh học di truyền được tiến hành một cách thầm lặng nên không ai chú ý; chế biến năng lượng; sản xuất các dược liệu và các phương pháp điều trị y khoa. Khi phối hợp với kỹ thuật tái tạo (productive cloning) chúng ta có thể thay đổi các nhiễm thể di truyền của thế giới hữu tình. Mặc dù khoa sinh học di truyền bắt đầu viết lại pho lịch sử tiến hóa của nhân loại, phần lớn chúng ta cũng còn lờ mờ về các áp dụng này. Trong khi Phật Giáo Tây Phương còn chăm chú vào những vấn đề như phá thai, các liên hệ sinh lý thái quá, các bạo hành cơ thể, chủng tộc và phái tính, khoa sinh học di truyền trẻ trung đã có những tiến bộ nhanh chóng về canh nông và y tế và hậu quả của các áp dụng này chưa được giới Phật Tử để ý tới một cách đúng mức.

Quan điểm Phật Giáo về các vấn đề này ra sao? Khoa học di truyền có phải một đáp ứng nhân đạo cho những đau khổ của con người? Hay đó chỉ là một hình thái vô minh nguy hiểm phát sinh từ tham, sân và si để kích thích hành động con người?

Các cơ quan nghiên cứu khổng lồ trên mặt trận canh nông như Monsanto, Novarris, DuPont và các nhà khoa học đang biến đổi genes của hạt giống- cổ võ cho khoa di truyền, dựa trên những lý do nhân đạo. Các người này nói là khoa di truyền cần thiết vì nông phẩm sẽ được sản xuất dồi dào hơn và không còn ai bị đói ăn nữa. Khoa di truyền sẽ giúp làm giảm lượng thuốc xịt sâu rầy. Khoa di truyền giúp việc bào chế các dược phẩm mới cũng như các thuốc chủng ngừa cho dân nghèo. Tuy nhiên những hành động của họ của các công ty này chứng tỏ những lời tuyên bố đầy nhân đạo này không đúng sự thật. Việc cung cấp thức ăn cho người nghèo không thể nào đủ lời để cho các công ty lớn này theo đuổi công trình nghiên cứu về di truyền học. Hiện chỉ mới có một loại nông phẩm được chế biến để làm tăng dinh dưỡng có tên là Gạo Vàng (Golden Rice) do các nhà khoa học được tài trợ duy nhất bởi công ty này. Cho tới ngày hôm nay có người nghi ngờ về hiệu năng của vụ mùa có genes bị chế biến này.

Ngoài các vụ biến đổi genes của các nông phẩm, có những thú vật được chuyển genes (transgenic) như dê, bò, chuột và heo. Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm của Mỹ sắp sửa chấp thuận cho phép chương trình nuôi cá hồi (salmon) có genes được biến đổi để cá có khả năng lớn thật nhanh và do đó các công ty nuôi cá sản xuất được nhiều, và dĩ nhiên là có lời nhiều. Ở Trung Quốc một loại cá chép được đổi genes có lẽ đã được tung ra thị trường. Các nhà khoa học chuẩn bị thả vào thiên nhiên một loại bọ đã bị đổi genes. Loại bọ này khi làm tình với các con bọ cái khác sẽ sinh ra một loại trứng bị hư và do đó sẽ làm tiêu diệt các loại bọ trước đây đã tàn phá mùa màng bông vải. Tuy nhiên điều nguy hiểm là những con bọ đổi genes không thể nào thu hồi lại được. Trong khi những loại thảo mộc, bọ và cá có genes bị biến đổi sẽ thay đổi quá trình tiến hoá của môi sinh thiên nhiên, những con người được tạo sinh (cloned) và có genes biến đổi sẽ vĩnh viễn làm thay đổi quá trình tiến hóa của con người. Những điều mà mới đây chúng ta nghĩ chỉ là khoa học giả tưởng, bây giờ đã thành sự thực. Hơn 50 năm trước Hitler mơ ước tạo được một chủng loại Aryan toàn hảo và giấc mơ đó chỉ được điện ảnh hoá qua phim The Boys From Brazil do Gregory Pech đóng vai chánh, bây giờ có thể thực hiện một cách dễ dàng, nếu luật pháp cho phép! Trên thực tế giáo phái Raelians hy vọng có thể tạo sinh (cloning) một đứa con đã chết của hai tín đồ trong một phòng thí nghiệm bí mật. Một thí nghiệm tạo sinh khác do Tiến Sĩ Panayiotis Zaros của viện nghiên cứu Mỹ Andrology và Trung Tâm Kentucky Centre for Reproductive Medicine đã thực hiện. Tiến sĩ Zaros đã có những nỗ lực tạo sinh người cho các cặp vợ chồng không có con cái. Nhà khoa học này hy vọng rằng việc tạo sinh người sẽ thành công trong vòng một năm.

Nhiều người muốn tạo sinh vì nhiều lý do khác nhau. Hoặc là họ muốn làm sống lại một người thân yêu đã chết. Hoặc là họ muốn mình trường sanh bất tử. Hoặc là họ không có con nối dõi.

Trên quan điểm đạo đức Phật Giáo, việc tạo sinh nẩy ra nhiều vấn đề rắc rối. Có phải chăng ý muốn cho người thân sống lại là một hình thái bám chặt vào cái thân như điện ảnhĐức Phật đã cảnh cáo? Có phải chăng việc tạo sinh chính mình là một hình thức chấp ngã đi ngược lại với nguyên tắc vô thường trong tất cả kinh điển Phật Giáo? Những cặp vợ chồng không có con cái muốn có người nối dõi qua hình thức tạo sinh cũng là một hình thức chấp ngã và kéo dài các vòng luân hồi vô tận!

Những cặp vợ chồng có khả năng có con cái muốn có con theo ý mình (design baby) sau khi đã gạn lọc những genes hạ đẳng và cấy vào những genes tốt và do đó sẽ tạo ra một chủng tộc thượng đẳng mà Hitler ngày xưa đã mong muốn? Những người chống đối việc chuyển genes để tạo ra design babies nói là trong tương lai gần, sẽ có hai ‘giống’ người khác nhau. Một giống tự nhiên ‘trời sinh sao thì cứ để vậy’ và một ‘giống’ người đã được chuyển genes thượng đẵng. Nhà sinh vật tế bào Lee Silver cho rằng nếu cloning và kỹ thuật chuyển genes được luật pháp bật đèn xanh, xã hội Mỹ trong tương lai sẽ có hai ‘giống’ người. Giống người được chuyển genes chiếm 10% trong xã hội Mỹ và họ sẽ nắm tất cả các địa vị đầu não trong các lĩnh vực truyền thông, kinh tế và kiến thức (đại học), trong khi 90% còn lại sẽ làm những nghề hạ tiện. Tới một lúc nào đó hai giống người này không còn liên hệ với nhau nữa và những cuộc hôn nhân ‘dị giống’ sẽ không bao giờ xảy ra nữa, tương tự như tình trạng giữa người và vượn, hai bên sẽ không thể nào có những liên hệ sinh lý nữa. Lục đạo của Phật Giáo đã trở thành ‘thất đạo’, bảy nẽo luân hồi! Và tình trạng này cũng không khác gì xã hội đẳng cấp của Ấn Độ là bao. Thay vì dùng thần quyền để biện minh cho đẳng cấp như các giáo sĩ bà la môn, giống người thượng đẳng sẽ dùng genes toàn bích để biện minh tại sao họ là những người sinh ra để lãnh đạo, ăn trên ngồi trước. Khoa học giả tưởng? Viễn tượng một xã hội có hai ‘giống’ người khác biệt, một có genes toàn bích, một giống người tự nhiên, gần hơn mọi người nghĩ nhiều!

Tất cả những thí nghiệm tạo sinh (cloning) thường được thi hành bí mật trong các phòng thí nghiệm và hiện nay không ai biết là khả năng tạo sinh của các nhà khoa học đến mức nào rồi. Sẽ có những hậu quả không thể nào lường được cho con ngườicác chủng loại khác. Những công ty lớn đang nghiên cứu việc biến đổi genes không thèm để ý đến những hậu quả đến môi sinh của chúng ta. Trên thực tế không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi việc chuyển đổi và hổn hợp các genes giữa những chủng loại khác nhau được thực hiện. Về sự chuyển genes giữa các cây cỏ khác nhau, Steve Jones, giáo sư khoa di truyềnđại học Luân Đôn tin rằng sự ô nhiễm genes sẽ không thể nào tránh được. Các genes đã được chuyển đổi trong thực vật sẽ lẫn lộn với các genes khác và có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nguy hại. Nếu như côn trùng có genes làm tuyệt giống tràn lan, thình lình tất cả các côn trùng đều biến mất. Không có côn trùng thì môi sinh không thể tồn tại, không có thụ phấn, không kết hoa hay quả. Nếu môi sinh trong tình trạng mất thăng bằng thì thế giớinhân loại sống còn nữa không? Cái này có thì Cái kia có. Cái này không còn thì cái kia không còn, Chưa bao giờ thuyết duyên khởi của Phật Giáo trở nên minh bạchdễ hiểu như thế!

Khi nghiên cứu về những vấn đề này Phật Tử sẽ suy nghĩ như thế nào?

Trong một quyển tiểu thuyết giả tưởng, Michel Houellebecq, cuốn Elementary Particles (Vi Trần?), cho rằng Phật Giáo có thể đồng ý với cloning, hay ít ra là cũng không phản đối. Một trong những nhân vật trong truyện phát biểu:

rồi đây con người như chúng ta biết hiện nay sẽ biến mất, nhường chỗ cho một chủng loại mới trung lập về phái tính, không đàn ông mà cũng không phải là đàn bà, vượt lên trên cá nhân, phân biệt cá thể và tiến hoá. Không cần nói là những tôn giáo chủ trương mặc khải phản đối quyết liệt những kỹ thuật này. Chỉ có Phật Giáo là tuy có im lặngnghi ngờ, tuy nhiên tất cả những lời dạy của Đức Phật đều dựa trên đệ nhất đế, khổ đế, và phần lớn đề cập đến sinh lão bịnh tử, và nếu Đức Phật quán niệm về những vấn đề này, Ngài không nhất thiết phản bác kỹ thuật cloning.

Tôi (tác giả) nghĩ là quan điểm của Houllebecq không đại diện cho chánh kiến, tuy nhiên có dịp nào những tu sĩhọc giả Phật Giáo có dịp thảo luận về vấn đề này, có nhiều ý kiến thích thú mới sẽ nẩy sinh và có để đưa chúng ta sang một bước ngoặc bất ngờ. Trong một thế giới mà con người có khả năng (hay nghĩ mình có khả năng) kiểm soát quá trình tiến hoá của chính chủng loại của mình và môi sinh quanh mình, quan niệm về nghiệp của Phật Giáo có thay đổi không? Chúng ta có quyền gì thay đổi quá trình tiến hoá của các thế hệ tương lai? Kỹ thuật tạo sinh-sinh sản mà không cần có liên hệ sinh lý- có giúp chúng ta tránk khỏi bị ràng buộc những ham muốn về sinh lý? Kỹ thuật tạo sinh có củng cố quan niệm chấp ngã và ái ngã nhiều hơn hay là phân hóa ngã của chúng ta thành những cái ngã con con (mini-me’s) và làm cho chúng ta mau giải thoát hơn? Hay là những kỹ thuật tân tiến này khiến chúng ta càng ôm chặt cái ngã ‘duy ngã độc tôn vô thượng’ của mình và muốn kéo dài tuổi già đau khổ của mình mà Đức Phật đã tiên kiến? Quá trình thành trụ hoại diệt có còn đúng không và duyên khởi sẽ đóng vai trò nào?

Kỹ thuật thay đổi, biến hoá và đùa bỡn với đời sống hiện nay trong khoa học di truyền là những khám pháý nghĩa trọng đại trong lịch sử nhân loại, cũng giống như lúc con người khám phá ra lửa và chẻ nhỏ các hạt nhân nguyên tử. Phải có một nền đạo đức mới để hướng dẫn những quyết định về chánh trị và kinh tế để cùng đi tới với khoa học tạo sinh, bởi vì chúng ta không thể ngăn cản những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật và thái độ cấm đoán của Vatican chỉ phản ảnh cho một thái độ tiêu cựcvô bổ. Nghiên cứu những vấn đề này có thể làm sáng tỏ hơn về vai trò của đạo đức Phật Giáo cũng như có thể góp phần một phần nào vào việc thiết lập những nguyên tắc đạo đức mới cho toàn thể nhân loại. Nếu Phật Tử, nhất là những người xuất gia, chỉ loay hoay với những mối lo âu hình thức lặt vặt như tạo phước điền, tụng kinh Pháp Hoa mấy thời, niệm Phật giải thoát, chỉ tự biến mình thành những ông thầy cúng, thầy tụng, hoàn toàn biệt lập với đời sống và biến Đạo Phật thành những giáo phái kiểu vô thượng sư chuyên đi lừa bịp các tín đồ nhẹ dạ. Có thể trích ra một thiền ngữ thích hợp cho hình thức tu tập kiểu này là, mài ngói nghìn kiếp, ngói vẫn còn là ngói, chẳng bao giờ ngói trở thành gương.

Quán Như
Viết theo Christina Desser, Tricycle số Kỹ Niệm Mười Năm, Muà Thu 2001.
http://www.phattuvietnam.org/modules.php?name=News&file=article&sid=222

SINH MỆNH TỨC KHÔNG
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Trong kinh số 53, Tạp A Hàm, có đoạn Phật bảo Bà la môn: "Có nhân, có duyên, thế gian tập khởi. Có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian. Có nhân, có duyên, thế gian diệt tận. Có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian."

Một đoạn khác:

"Hỏi: Ai tạo ra hình này (hữu tình)? Người tạo ra hình ấy ở đâu? Từ đâu hình này sinh? Rồi về đâu hình này diệt?

Đáp: Hình này chẳng phải tự tạo, cũng chẳng phải do ai tạo, do nhân duyên mà sinh, nhân duyên diệt thời diệt; cũng như hạt giống gieo ngoài ruộng, gặp đất gặp nước và ánh sáng nhờ đó mà nảy nở; (5) uẩn, (18) giới cũng do nhân duyên mà sinh, nhân duyên diệt thời diệt " (Tạp Hàm 45, trang 731).

Như vậy tất cả đều do nhân duyên sinh, trong đó không có một cái gì tồn tại tuyệt đối, bởi thế hữu tình tức sinh vật, dĩ nhiên cũng không ngoài nguyên tắc ấy. Hữu tình là một hợp thể gồm nhiều yếu tố tụ tập lại chứ quyết không phải là một thể thuần nhất, đơn độc, và cố định. Bất cứ yếu tố nào cũng niệm niệm sinh diệt, nhất là hiện tượng tâm lý luôn luôn lưu chuyển biến thiên, không một phút nào dừng ở một chỗ, trong đó không có cái gì được gọi là ngã thể thường trụ cả. Cái tự ngã mà người thường cho là một linh thể cố định thời thật ra chỉ là sản phẩm của không tưởng mà thôi.

Lý tắc duyên khởi được giải thích bằng nhiều cách. Trước tiên là bằng nghiệp cảm duyên khởi. Nghiệp cảmnăng lực tiềm thế, ảnh hưởng tồn tại của hành động sau khi hành động chấm dứt. Nghiệp cảmnguyên nhân làm cho bánh xe sinh hóa vận chuyển, tác thành một đời sống mới. Sự tiếp diễn của bánh xe sinh hóa được gọi là luân hồi (samsàra). Thuyết nghiệp cảm duyên khởi cho thấy sinh vật tự quyết định bản chấthiện hữu cho chính nó bằng các hành vi tự tạo (nghiệp). Bởi thế sinh vật không lệ thuộc uy quyền của một cái khác, như uy quyền của Thượng đế chẳng hạn. Do đó mà có những định luật "tự tác, tự thọ" hay "nhân tốt thời quả tốt, nhân xấu thời quả xấu".

Vì tâm là cứ điểm căn để nhất của tất cả mọi hành động (nghiệp) nên luật duyên sinh phải được đặt trong kho tàng tâm ý, tức tàng thức hay a lại da thức (alayavijnàna). Vì vậy mà nói đến a lại da duyên khởi. Nhưng a lại da, kho tàng chủng tử, là thể, tướng, và dụng của tâm về nhiễm (vọng; hiện tượng) và tịnh (chơn; bản thể) hòa hiệp, không phải một không phải khác. Do đó, a lại da xem như sinh khởi từ cái tổng tướng của tâm tức Như lai tạng. Mặt khác, Như lai tạng chính là Chân như chơn tịnh tức cái tổng thể của tâm còn bị phiền não che phủ. Bởi thế mới dẫn đến thuyết Chân như duyên khởi.

Nhưng vũ trụ (vạn hữu) là biểu lộ động của Chân như nên cuối cùng ta phải nhận xét về toàn thể tiến trình duyên khởi của vũ trụ tức là nói đến Pháp giới duyên khởi. Pháp giới bao gồm hai nghĩa, vừa là tánh thể hay cảnh giới của lý tắc, vừa là thế giới hiện tượng hay cảnh giới của hết thảy mọi sự tướng. Theo quan niệm viên dung và đồng khởi, Pháp giới duyên khởilý thuyết cho rằng vũ trụ cọng hữu trên phổ quát, tương hệ trên đại thể, và hiện khởi trong giao hỗ, không hiện hữu đơn độc một cách độc lập. Do đó, mười hai nhân duyên được hiểu như là một chuỗi dây tương liên trong thời gian. Trong chiều hướng không gian, lý tắc duyên khởi phát biểu sự tương quan lệ thuộc của cái này và cái kia. Pháp giới duyên khởicực điểm của tất cả những thuyết lý nhân quả, là kết luận của thuyết duyên khởi bởi vì nó có tính cách phổ biến và nằm trong lý bản hữu, vô tận, thông huyền của vũ trụ. Thật ra, Pháp giới duyên khởi là một thứ triết lý về toàn thể tính của tất cả hiện hữu hơn là triết học về duyên khởi.

Nhìn vào quá trình tra tầm và nghiên cứu trong mọi lãnh vực khoa học ta luôn luôn thấy rằng tất cả mọi hiện tượng khảo sát đều bị lý pháp nhân duyên chi phối, đều là kết quả của những tác dụng của nguyên lý duyên khởi.

Năm 1944, nhà vật lý học người Áo, Erwin Schrödinger, viết một quyển sách ngắn có tựa đề "Thế nào là sinh mệnh (What is life?)" trong đó ông đưa ra những giả thiết rất rõ ràng và xác đáng về cấu trúc phân tử của gen. Quyển sách này đã khai thông một đường lối nghiên cứu mới cho ngành di truyền học và khởi xướng một bộ môn sinh học mới, khoa sinh học phân tử (molecular biology).

Trong nửa phần cuối thế kỷ 20, nhiều công trình nghiên cứu tìm cách trả lời câu hỏi được nêu ra trong tựa đề quyển sách của Schrödinger và nhiều câu hỏi liên quan khác được đặt ra trong nhiều thế kỷ qua. Làm thế nào những cấu trúc phức hợp hiện hành từ một mớ phân tử hỗn tạp? Tâm và não bộ có những quan hệ nào? Thế nào là thức? Các nhà khoa học chuyển hướng và thay đổi phương cách quan sátsuy luận. Do đó một thứ ngôn ngữ mới được hình thành để thích ứng với sự hiểu biếtdiễn tả các cấu trúc sinh mệnh phức hợp và hỗn nhất. Nào là thuyết hệ thống động lực (dynamical systems theory), thuyết về tính phức tạp (theory of complexity), động lực học phi tuyến (non-linear dynamics), động lực học mạng lưới (network dynamics), v.. v... Những thuyết ấy bàn về những khái niệm chủ yếu như là quỹ đạo hấp dẫn hỗn độn (chaotic attractors), hình thể biến lặp (fractals), cấu trúc tiêu tán (dissipative structures), tính tự tổ chức (self-organization), và các mạng liên tục tự tạo tự sanh (autopoietic networks).

Các nhà sinh học chuyển đổi mục tiêu từ sự khảo sát cơ thể (organism) qua sự khảo sát tế bào (cells). Các chức năng sinh học nay không còn phản ảnh cách tổ chức của cơ thể mà là mô tả sự tương giao tác dụng giữa những tế bào đơn nguyên. Thiên tài Louis Pasteur trong ngành vi sinh vật học (microbiology) thiết lập được vai trò của vi khuẩn (bacteria) trong một số quá trình hóa học dùng làm nền tảng cho một môn học mới, khoa sinh hóa học (biochemistry). Ông đã chứng minh vi sinh vật (germs; microorganisms) là nguyên nhân của nhiều thứ bệnh tật. Bằng vào những tiến bộ thực hiện được trong ngành sinh hóa học, một số các nhà sinh học tin tưởng mọi tính chấtchức năng của sinh vật đều có thể giải thích tựa trên các định luật vật lý và hóa học. Số khác chống đối quan điểm ấy, cho rằng lối sống của sinh vật xét trên phương diện toàn thể không thể vin vào sự khảo sát các thành phần của nó mà thông hiểu được. Do đó phát sinh thuyết hệ thống (systems theory).

Theo thuyết này, các phẩm tính chủ yếu của một sinh vật hay sinh hệ là phẩm tính của toàn thể, không cấu phần nào của hệ có được. Chủ trương của phái này hoàn toàn đối nghịch với phương pháp giải tích của Descartes. Đó là phương pháp chia chẻ vật thể ra thành cấu phần cho đến khi không còn chia ra được nữa và khảo sát phẩm tính của các cấu phần bất khả phân đó để thấu hiểu toàn thể vật thể. Thuyết hệ thống xác quyết rằng không thể hiểu biết hệ thống bằng phương pháp giải tích của Descartes. Các phẩm tính của cấu phần một mặt, không phải là phẩm tính của hệ và mặt khác, chỉ có thể hiểu được bằng cách xét chúng trong trạng huống tổ chức của toàn thể hệ thống.

Như vậy, phẩm tính của hệ sẽ bị hủy diệt nếu chia cắt hệ ra thành cấu phần riêng biệt. Điều đáng lưu ý ở đây là hệ này có thể nằm trong một hệ khác. Thí dụ: một sinh vật là một hệ nằm trong một hệ khác như một thành phố chẳng hạn. Do đó hệ có thể sắp hạng thành mức (level). Mức khác nhau thời tính phức tạp cũng khác nhau. Phẩm tính của hệ ở vào một mức được gọi là phẩm tính xuất hiện (emergent properties) vì chúng xuất hiện tương ưng với mức riêng biệt đó. Ở mỗi mức, các mối liên hệ giữa các phần của hệ hỗ tương tác dụng tổ chức sắp xếp các quan hệ theo thứ tự thành một cấu hình biểu thị đặc trưng gọi là mẫu hình tổ chức (pattern of organization) của hệ và do đó mà phát khởi phẩm tính xuất hiện của hệ.

Thay vì chọn sự vật làm đối tượng thuyết hệ thống chủ trương khảo sát các mối quan hệ giữa các sự vật. Khi giải thích bất cứ sự vật gì thời phải giải thích trong sự tương quan với những sự vật khác. Thật ra, mỗi sự vật là một mẫu hình tổ chức gắn vào trong một mạng quan hệ và không thể tách ly riêng biệt. Nói cách khác, mỗi mỗi sự vật là một mạng gồm các tương quan liên hệ (relationships), kết dệt trong những mạng rộng lớn hơn. Cơ học lượng tử minh chứng rằng chung cánh không có thành phần cấu tử nào cả! Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, thế giới hiện tượng là một mạng lưới "nhân duyên sinh" vĩ đại trong đó hết thảy hiện tượng đều là tương đối, quan hệ chằng chịt với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Không một sự vật nào trong đó có thể tách rời mối quan hệ nhân duyên mà có thể tự tồn.

Từ lâu hình tướng của kiến thức được ví như một tòa kiến trúc rộng lớn. Các nhà khoa học cổ điển thường dùng những danh từ, nào là định luật cơ bản, nào là nguyên lý cơ bản, nào là khối kiến trúc, ... và luôn luôn tin tưởng có thể xây dựng khoa học trên những nền móng vững chắc. Nhưng nhìn vào quá trình phát triển, cứ mỗi lần có một cuộc cách mạng tư tưởng khoa học thời nền tảng khoa học lại chuyển dịch. Einstein viết trong tự thuật tiểu sử: "Điều xảy ra như là mặt đất sụp biến làm hỏng chân, nhìn không thấy đâu là nền móng vững chắc để tựa vào đó mà xây dựng" (It was if the ground had been pulled out from under one, with no firm foundation to be seen anywhere, upon which one could have built). Nói theo Phật giáo, sự tri nhận không có nền móng cho mọi khái niệm khoa học về hiện tượng hay biến cố và về những tiến trình vận chuyển năng lượngvật chất để tựa trên đó mà giải thích chính là sự tri nhận tánh Không của vạn hữu.

Vì ngôi nhà kiến thức được khám phá ra là không có nền móng nên hình tướng của kiến thức nay được thay thế bằng một mạng lưới. Theo lối nhìn này thời mọi hiện tượng đều bình đẳng như nhau vì tất cả cùng nằm trong mạng lưới, không có hiện tượng nào cơ bản hơn hiện tượng nào.

Một câu hỏi vô cùng quan trọng được nêu ra. Nếu một sự vật tương quan liên hệ với bất cứ sự vật nào khác, thời hỏi làm thế nào có hy vọng hiểu biết bất cứ sự vật gì? Là vì trong trường hợp này muốn giải thích một sự vật tất phải giải thích hết thảy sự vật, đó là điều không thể thực hiện được. Để trả lời câu hỏi, nên biết rằng mọi sự hiểu biết trong phạm vi khoa học đều là sự hiểu biết gần đúng. Lý do: Khả năng của khoa học gia có hạn. Họ đo lường và mô tả một số hữu hạn phẩm tính mà họ cho là quan trọng nhất khả dĩ biểu trưng đặc tính của sự vật khảo sát. Do đó, luôn luôn có rất nhiều mối quan hệ bị gạt bỏ, cho nên sự hiểu biết về sự vật không thể nào chính xác. Heisenberg đã nói: "Cái ta quan sát không phải là thực tại mà là cái thực tại biểu lộ ứng với cách ta đặt vấn đề".

Trước năm 1970, giới khoa học gia gặp phải một vấn đề rất nan giải. Một đằng, theo Darwin, thế giới sinh vật tiến hóa càng ngày càng tăng trật tự và tăng tính phức tạp. Đằng khác trái lại, theo nguyên lý nhiệt động học thứ hai của Carnot, thời thế giới hiện tượng được xem như một hệ thống kín, nghĩa là không có trao đổi vật chất hay năng lượng với hệ thống nào khác, càng ngày càng trở nên hỗn độn như một động cơ hỏng máy. Vậy người nào đúng, Darwin hay Carnot? Vấn đề đó được giải quyết nhờ công trình nghiên cứu các hệ thống không cân bằng mà vẫn tạm thời tồn tại của nhà khoa học gốc Nga Ilya Prigogine, giải Nobel năm 1977, giáo sư hóa và vật lý học tại Đại học Free ở Bỉ. Ông thành công thiết lập một lý thuyết về hệ thống hở, tức là một hệ thống xa vị trí cân bằng (non-equilibrium) nhưng vẫn tạm thời giữ được trạng thái bền vững (stability) do có sự trao đổi vật chấtnăng lượng với môi trường chung quanh. Nếu sự trao đổi vật chấtnăng lượng tăng nhịp độ thời ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống, gây ra một sự chuyển biến cấu trúc của hệ thống làm tính phức tạp tăng thêm. Mọi hệ thống kín về phương diện tổ chức, nghĩa là hệ thống tự tổ chức lấy nó (self-organizing), không bị môi trường chung quanh áp đặt trật tự (order) và tập tính (behavior), nhưng hở vì có sự giao lưu năng lượngvật chất với bên ngoài thời luôn luôn ở vào một trạng thái rất xa cân bằng. Tuy nhiên vẫn có thể ổn định bền vững trong một khoảng thời gian nào đó. Prigogine gọi tên những hệ thống này là hệ thống tiêu tán (dissipative system) vì chúng phải tiêu tán vật chấtnăng lượng để tồn tại.

Đó chính là trường hợp của mọi hệ thống sinh vật, của mọi sinh mệnh. Thông thường đời sống con người được quan niệm như một hiện tượng cân bằng nhưng không bền vững lâu dài (a state of non-stable equilibrium). Theo Prigogine thời ngược lại. Đời sống con người là một trạng thái không cân bằng mà tạm thời bền vững (a temporary state of stable non-equilibrium). Nếu muốn dùng một vật vô tri để diễn tả hình tướng của đời sống như một trạng thái không cân bằng nhưng tạm thời bền vững, ta có thể lấy trường hợp một xoáy nước (whirlpool) hay một cơn lốc xoắn ốc (tornado) làm thí dụ.

Tuy thuyết hệ thống rất hữu ích và thích hợp để mô tả các hệ thống sinh vật hay sinh mệnh, nhưng trong thực tế đến nay không mấy ảnh hưởng đến ngành sinh học. Sau ngày nhà sinh hóa học Hoa kỳ James D. Watson và nhà sinh vật lý học Anh Francis H. C. Crick phát minh mô thức cấu trúc xoắn kép của DNA ứng dụng rất có hiệu quả, và được ca tụng ngang hàng với Charles R. Darwin, nhà thiên nhiên học đã khám phá luật tiến hóa tự nhiên, thời phần đông sinh học gia chuyển đổi đối tượng nghiên cứu. Trước đây tế bào được xem như khối kiến trúc (building blocks) sinh mệnh, thời nay phân tử được xem là đơn vị cấu thành sinh vật. Các nhà di truyền học cũng bắt đầu khai phá bộ môn sinh học mới, khoa sinh học phân tử. Gần đây, ngoài nhiều phương cách định bệnh và trị liệu trong lĩnh vực y học mới phát minh tựa trên sự hiểu biết cấu trúc của DNA, có hai thành quả khác rất quan trọng thường được nhắc đến. Đó là kỹ thuật tạo sinh vô tính [Tạo sinh vô tính là dịch chữ cloning; vô tính ở đây là dịch danh từ sinh học asexual, có nghĩa là sự hình thành cá thể không có sự phối hợp các giao tử (gametes), hay sự truyền lại các vật liệu di truyền, khác với chữ vô tính tức vô tự tính dịch tiếng Phạn nihsvabhàva dùng để biểu trưng tính chất tương đối của mọi hiện thực], và mới nhất là sự hoàn tất công trình thiết lập trình tự (sequence) và định danh (naming) các gen trong toàn thể DNA của tế bào. Điểm đáng ghi nhận về những thành công nói trên trong ngành sinh học phân tử là sự xác nhận đời sống con ngườibản chất vô tính (nhân bản vô tính), do nhân duyên mà thành hoại chứ không do bàn tay của vị thần linh nào tạo lập hay hủy diệt.

DNA, viết tắt chữ deoxyribonucleic acid, là vật liệu di truyền của hết thảy mọi tế bào sinh vật và của hầu hết virus (siêu vi trùng). Tế bào (cell) là đơn vị cấu trúc cơ sở của mọi cơ thể sống. Các tế bào cùng chức năng tạo thành mô (tissue), mô tạo thành các cơ quan (organ) trong cơ thể. Nhiều tế bào là sinh vật đầy đủ như vi khuẩn (bacteria) đơn bào và động vật (protozoa) đơn bào; nhiều tế bào khác như tế bào của dây thần kinh, gan, và bắp thịt là những thành phần chuyên hóa của sinh vật đa bào. Tế bào nhỏ nhất là tế bào vi khuẩn chất nấm (mycoplasma) có đường kính khoảng 0.1 micromet và tế bào lớn nhất là tế bào noãn hoàng (egg yolk) đà điểu có đường kính độ 8 centimet. Mọi tế bào đều hiện khởi do sự phân chia của một tế bào nguyên thủy. Tất cả tế bào trong con người chẳng hạn, dẫn xuất từ sự phân chia kế tiếp của một tế bào duy nhất, gọi là trứng thụ tinh (zygote), do sự kết hợp của trứng nguời mẹ và tinh trùng của người cha. Hầu hết các tế bào do sự phân bào tạo ra bắt đầu từ trứng thụ tinh đều đồng nhất giống nhau và đồng nhất với trứng thụ tinh về phương diện thành phần cấu hợp của vật liệu di truyền.

Mặc dầu chúng có hình tướngchức năng khác nhau rất nhiều, tất cả tế bào đều có một màng (membrane) bao quanh một lớp chất tế bào hay bào chất (cytoplasm). Có hai loại tế bào: tế bào nhân sơ (prokaryote) chỉ có độc nhất một phân tử DNA tiếp xúc trực tiếp với bào chất vì không có màng nhân bao ngoài và tế bào nhân chuẩn (eukaryote) trong đó DNA đa dạng và độ lượng lớn hơn có màng nhân bọc ngoài phân cách với bào chất và tạo thành cái được gọi là nhân của tế bào. Sinh vật có nhân sơ bao gồm vi khuẩn (bacteria) và táo lam (blue-green algae). Sinh vật nhân chuẩn bao gồm động vậtthực vật.

Nhân tế bào do hai hóa chất tạo thành, protein và DNA. Bên trong nhân chuẩn, DNA quyện với protein tạo thành những cấu trúc đơn vị gọi là nhiễm sắc thể (chromosome). Các nhân sơ tuy không phân cách với bào chất vẫn chứa một ít nhiễm sắc thể. Tế bào nào trong con người cũng có 23 cặp nhiễm sắc thể. Trong số đó có 22 cặp gọi là thể thường nhiễm sắc (autosomal) cả trai lẫn gái đều có giống nhau. Hai thể thường nhiễm sắc trong mỗi cặp cũng giống nhau. Các cặp thể thường nhiễm sắc được đánh số từ 1 đến 22. Còn lại một cặp gọi là thể nhiễm sắc sinh dục (sex chromosomes) trong đó hai nhiễm thể có độ dài và cấu trúc khác nhau. Các thể nhiễm sắc sinh dục quyết định giống đực hay cái của mỗi cá thể. Gái thời có cặp XX, hai bản sao nhiễm thể cái, hay X nhiễm sắc. Trai thời có cặp XY, một bản sao nhiễm thể đực, hay Y nhiễm sắc và một X nhiễm sắc. Một thể nhiễm sắc sinh dục là do mẹ truyền lại, luôn luôn là X nhiễm thể; thể kia là do cha truyền lại, có thể là X nhiễm thể mà cũng có thể là Y nhiễm thể.

Số nhiễm sắc thể trong các tế bào sinh dục (sex cells) chỉ bằng nửa số nhiễm sắc thể của tế bào thân (somatic cells). Trong lúc thụ tinh một tế bào sinh dục của cha (tinh trùng) và một tế bào sinh dục của mẹ (trứng) hợp lại tạo thành trứng thụ tinh (zygote) chứa đầy đủ số nhiễm thể như trong các tế bào thân. Do đó, cha mẹ đã truyền lại cho con cái các tính chất làm cho con cái giống họ về hình dáng, tiếng nói, v..v... Nếu vì một lý do nào đó các tế bào có thừa hoặc thiếu một nhiễm sắc thể nơi trẻ sơ sinh, thời trẻ sơ sinh sẽ sinh ra dị dạng, bất bình thường. Chẳng hạn trường hợp nhiễm sắc thể số 21 có thừa, hay còn gọi là Dow's syndrome, trẻ sẽ chậm lớn, ngu đần, hay có tật bẩm sinh về tim hoặc chết vì ung thư máu.

Sau hơn 50 năm khoa di truyền học được thành lập và tính di truyền qua các gen được giải thích cặn kẽ, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Làm thế nào các nhiễm sắc thể và gen của chúng được sao chép đi sao chép lại nhiều lần mà vẫn luôn luôn chính xác trong sự phân chia từ tế bào này đến tế bào khác? Bằng cách nào chúng điều động và hướng dẫn sự chuyển biến cấu trúc và tập tính của các sinh mệnh? Một mô hình cấu trúc của DNA được James Watson và Francis Crick thành lậpcông bố lần đâu tiên vào năm 1953. Mô hình này giải thích tường tận sự tổng hợp protein và tiến trình tái bản thông tin di truyền. Vì vậy hai nhà bác học tác giả của mô hình DNA được thưởng giải Nobel Y học năm 1962.

Cấu trúc của phân tử DNA gồm hai chuỗi xoắn do các hợp chất hóa học gọi là nucleotide nằm dọc theo hai chuỗi tạo thành. Chuỗi đơn này xoắn chuỗi đơn kia tạo nên một chuỗi xoắn kép giống hình một thang lầu trôn ốc. Mỗi nucleotide gồm có ba đơn vị: một phân tử đường gọi là deoxyribose, một nhóm phosphate, và một trong bốn hợp chất của nitơ gọi là base: hoặc base A (gọi tắt adenine), hoặc base G (gọi tắt guanine), hoặc base C (gọi tắt cytosine), hoặc base T (gọi tắt thymine). Phân tử đường chiếm vị trí giữa, bên này là nhóm phosphate, bên kia là một trong bốn base vừa kể. Nhóm phosphate của mỗi nucleotide liên kết với phân tử đường của nucleotide kế tiếp. Những liên kết đường-phosphate nằm trên chuỗi đơn này đối hợp với liên kết đường-phosphate nằm trên chuỗi đơn kia. Các base trên hai chuỗi đối diện nhau giống như hai đầu của một nấc thang, mỗi đầu nằm trên một chuỗi đơn, và như vậy, chúng liên kết hai chuỗi đơn với nhau. Do ái lực hóa học nên nucleotide chứa A phía chuỗi này luôn luôn cặp đôi với nucleotide chứa T phía chuỗi kia, và nucleotide chứa C phía chuỗi này luôn luôn cặp đôi với nucleotide chứa G phía chuỗi kia.

DNA vận tống mọi thông tin cần thiết để chỉ dẫn sự tổng hợp protein (protein synthesis) và sự tái bản (replication). Tổng hợp protein có nghĩa là sản xuất các thứ protein cần thiết cho sự hoạt động và phát triển của virus hay của tế bào. Tái bản có nghĩa là quá trình theo đó DNA tự làm bản sao chính nó để truyền lại cho virus hay tế bào kế thừa, đồng thời chuyển trao thông tin cần thiết cho việc sản xuất protein.

Các virus không được xem như là tế bào vì chúng không có thiết bị hóa học tái bản. Chúng phải ăn bám (ký sinh) vào các tế bào để nhờ đó mà phiên dịch mã hóa lệnh di truyền của chúng hầu tự sản xuất thêm ra.

Bằng cách nào DNA chỉ thị sự sản xuất protein? Protein là những hợp chất hữu cơ tạo nên sinh vật và có nhiều chức năng rất quan trọng tối cần thiết đối với mọi cơ thể sống, như điều tiết (regulation), vận chuyển (transport), bảo vệ (protection), co rút (contraction), kiến tạo cấu trúc (structure), và sản xuất năng lượng (energy). Thí dụ: protein với tên gọi enzyme có phận sự điều tiết các phản ứng hóa học; hormone tiết chế các quá trình sinh lý học; insulin kiểm soát sự vận chuyển glucose vào tế bào. Huyết cầu tố (hemoglobin) chuyển oxy và carbon dioxide vào máu; protein trong màng tế bào kiểm soát sự giao lưu các vật liệu thông qua màng tế bào; v.. v..

Đơn vị cấu tử của protein gồm có vào khoảng 20 phân tử axit amin (amino acids). Cấu trúc và chức năng của protein là do trình tự sắp xếp các axit amin định đoạt. Trình tự các axit amin lại do trình tự các base của nucleotide trong DNA định đoạt. Tương hợp với mỗi axit amin riêng biệt là một bộ ba base của nucleotide gọi là mã hay codon. Thí dụ: bộ ba GAC là mã của axit amin leucine; bộ ba CAG là mã của axit amin valine. Nếu một protein có 100 axit amin thời sẽ được ghi mã bằng một đoạn phân tử DNA gồm có 300 nucleotide. Chỉ một trong hai chuỗi đơn cấu thành chuỗi xoắn kép của một phân tử DNA là có chứa thông tin cần thiết để sản xuất một trình tự axit amin nào đó. Chuỗi này có tên là chuỗi bản năng (sense strand). Chuỗi đơn kia đóng vai trò phụ lực để thực hiện sự tái bản (replication).

Sự tổng hợp protein bắt đầu bằng sự phân đôi một phân tử DNA.Trong quá trình phiên mã (transcription), một đoạn cắt (section) trong chuỗi bản năng của DNA dùng làm mẫu hình (pattern) để sản xuất một chuỗi mới gọi là thể truyền tin RNA (messenger RNA viết tắt là mRNA; RNA tức ribonucleid acid). Thể mRNA lìa khỏi nhân tế bào và buộc vào một cấu trúc tế bào chuyên hóa gọi là ribosome, cơ xưởng tổng hợp protein. Các axit amin được tải đến ribosome bằng một thứ RNA khác gọi là thể vận chuyển RNA (transfer RNA; viết tắt tRNA). Trong quá trình phiên dịch (translation), các axit amin liên kết với nhau theo một trình tự riêng biệt đúng theo mệnh lệnh của mRNA để tạo lập một protein.

Gen là một trình tự các nucleotide có chức năng định rõ thứ tự sắp xếp các axit amin trong một protein qua trung gian của một thể truyền tin mRNA. Nếu biến đổi một nucleotide của DNA bằng cách thay vào một nucleotide khác với một base khác thời kết quả là trình tự biến đổi các base của nucleotide sẽ được truyền lại cho tất cả con cháu tế bào hay virus về sau. Do đó trình tự các axit amin trong protein sản xuất cũng có thể biến đổi. Một sự thay đổi như vậy gọi là một đột biến (mutation). Hầu hết các đột biến phát sinh từ sự sai lầm trong quá trình tái bản. Bức xạ hay một số hóa chất nào đó tác dụng trên tế bào hay virus có thể gây ra đột biến.

Bằng cách nào thực hiện được sự sao chép một phân tử DNA? Sự tái bản một phân tử DNA thực hiện trong nhân của tế bào và xảy ra ngay trước khi tế bào phân hai. Tái bản bắt đầu với sự tách hai chuỗi xoắn kép của phân tử DNA nguyên thủy xa nhau ra. Gọi hai chuỗi tách riêng là chuỗi 1 và chuỗi 2 chẳng hạn. Mỗi chuỗi tách riêng dùng làm mẫu hình để tựa theo đó mà sắp ghép một chuỗi bổ sung mới hầu tạo nên một tái bản của DNA nguyên thủy. Sau đây ta xét cách thức tái bản bằng vào chuỗi tách riêng 1 mà thôi. Những gì xảy ra cho chuỗi 1 này cũng lặp lại giống hệt cho chuỗi 2 kia.

Mỗi nucleotide trong chuỗi 1 thu hút một nucleotide mới đã được tế bào tạo sẵn trước đó. Như vậy, một nucleotide trong chuỗi 1 liên kết với một nucleotide sẵn có tạo thành một nấc thang của một phân tử DNA mới. Nên nhớ sự liên kết chỉ thực hiện do ái lực hóa học giữa A và T, giữa C và G. Sau đó, các nucleotide bổ sung được một enzyme có tên là DNA polymerase liên kết lại thành chuỗi bổ sung chuỗi 1. Sự liên kết được thực hiện giữa nhóm phosphate của nucleotide này với phân tử đường của nucleotide kế tiếp, giống như trong DNA nguyên thủy. Cuối cùng, bên cạnh chuỗi 1 ta có một chuỗi bổ sung hợp với chuỗi 1 thành một phân tử DNA mới, tái bản của DNA nguyên thủy. Bên phía chuỗi 2, ta cũng có một tái bản mới của DNA nguyên thủy. Khi tế bào phân hai, mỗi phần tế bào sẽ mang theo một tái bản của DNA nguyên thủy vừa tạo lập.

Với sự hiểu biết sâu rộng về cấu trúc và chức năng của phân tử DNA và với những tiến bộ trong việc triển khai thuyết hệ thống, thử hỏi nên quan niệm sự hiện khởi của sinh mệnh như thế nào?

Các nhà khoa học đưa ra rất nhiều giả thuyết để giải thích nguồn gốc và sự tiến hóa của sự sống. Khi đề xướng các thuyết ấy họ nương vào những bằng chứng tìm ra nơi các vật hóa thạch (fossil), hoặc mô phỏng trên máy tính (computer simulation) các điều kiện nhân duyên hiện hữu trong thời kỳ sơ khai của quả đất, hoặc tựa trên cấu trúc và chức năng của các tế bào.

Quả đất thành hình cách đây hơn 4 tỉ năm. Trong một tỉ năm đầu, mọi điều kiện nhân duyên để sự sống sinh khởi lần lần hội đủ. Mới đầu quả đất là một quả cầu lửa. Nhờ thể tích khá lớn nên quả cầu lửa khi nguội mới đủ khả năng giữ lại một bầu khí quyển và chứa đủ những nguyên tố hóa học cơ bản cần thiết để tạo tác những khối kiến trúc sự sống. Quả đất lại cách xa mặt trời một khoảng thích hợp, vừa đủ xa để sự nguội diễn tiến theo một quá trình chậm và hơi nước ngưng tụ thành nước, và vừa đủ gần để các khí không đóng băng vĩnh viễn.

Sau độ nửa tỉ năm lạnh lần, hơi nước trong khí quyển ngưng tụ; mưa xối xả suốt nhiều ngàn năm, và nước tụ lại thành nhiều biển cạn. Suốt thời gian dài quả đất tiếp tục nguội, carbon, nguyên tố cơ bản của sự sống, tổ hợp với hydro, oxy, nitơ, sulfur, và photpho để tạo tác một số lớn đủ thứ hợp chất hóa học. Những nguyên tố vừa kể: C, H, O, N, S, P, là những thành phần hóa học chính yếu có mặt trong mọi sinh mệnh hiện nay.

Trong suốt nhiều năm, các nhà khoa học bàn cãi về vấn đề sự sống sinh khởi từ một hỗn hợp vật liệu xuất hiện vào thời kỳ quả đất nguội đi và biển lan rộng ra. Có thuyết cho rằng sự sống phát khởi do một chớp điển. Thuyết khác cho rằng sự sống được mang lại từ ngoài quả đất qua trung gian của những vẫn thạch. Có người bác bỏ hai thuyết ấy sau khi tính thấy xác suất để các trường hợp như vậy xảy ra quá bé nhỏ gần như triệt tiêu. Hiện nay, những công trình nghiên cứu về các hệ thống có khả năng tự tổ chức (self-organizing system) chứng minh không cần đến những biến cố đột nhiên như vừa đề cập để giải thích sự sinh khởi của sự sống.

Theo thuyết hệ thống, môi trường của quả đất trong thời kỳ sơ khai hội đủ điều kiện để những phân tử phức hợp thành hình. Một số phân tử phức hợp đó lại có tính chất xúc tác đối với nhiều loại phản ứng hóa học. Chính những phản ứng xúc tác khác nhau lần hồi móc lồng vào nhau để tạo ra những mạng có khả năng tự tổ chức và tự tái bản. DNA và RNA có thể là thành phần chủ yếu của những mạng này. Vì chỉ có DNA và RNA là những phân tử hữu cơ có khả năng tự tái bản mà thôi. Đến giai đoạn này sự tiến hóa tiền sinh học đã được định hướng. Các chu trình xúc tác biến chuyển thành những hệ thống gọi là hệ thống tiêu tán (dissipative system), nghĩa là kín về tổ chức nhưng hở về cấu trúc vì có giao lưu năng lượngvật chất. Những hỗ tương tác dụng với bên ngoài của những hệ thống tiêu tán gây ra sự mất bền vững và làm xuất khởi những hệ thống hóa học đa dạng hơn như kết thành màng chẳng hạn. Do đó, sinh khởi những hệ thống có màng bọc quanh, có khả năng tự tái bản, tiến hóa một thời gian, rồi tự hủy diệt. Những hiện tượng như vậy xảy ra liên tiếp không ngưng. Cuối cùng, vào khoảng 2 tỉ năm về trước, xuất hiện tế bào vi khuẩn đầu tiên và từ đó sự sống bắt đầu tiến hóa.

Những mô hình khoa học vừa trình bày trên về tánh sinh, trụ, diệt của sinh mệnh đưa đến những nhận xét sau đây.

1. Những chuỗi DNA và RNA là những kho lẫm thông tin biểu hiện bộ mã hóa lệnh di truyền. Tuy chưa hiểu biết chính xác bộ mã này hiện khởi và phát triển như thế nào, nhưng tựa vào thành quả nghiên cứu bằng cách sử dụng nào là toán học, nào là mô phỏng trên máy tính, nào là thí nghiệm trên các phân tử sinh vật, các nhà sinh học tin rằng một khi con số phân tử trong một quần tập hóa chất đủ các loại tăng vượt quá một ngưỡng mức nào đó, thời toàn thể sinh mệnh xuất khởi đồng loạt vị phân hóa như là một mạng các phản ứng hóa học và xúc tác chuyển hóa liên tục tự tạo tự sinh. Vào lúc ấy bộ mã di truyền hiện khởi như là một tính chất tự nhiên của một phức hợp hóa học. Theo Stuart Kauffman, nhà nghiên cứu nguồn gốc sinh mệnh rất nổi tiếng, bí mật của sinh mệnh không tìm thấy được nơi cấu trúc tuyệt mỹ của chuỗi xoắn DNA hay RNA, mà chính ở trong sự thành tựu tự nhiên những hệ thống tiêu tán liên tục tự tạo tự sinh.

2. Khái niệm thông tin hiện nay rất thông dụng nhờ khắp nơi đều biết cách nhập dòng Internet là mạng lưới thông tin toàn cầu. Thông tin mạng lưới phát hiện là chữ, hình, hay âm thanh do thông tục quy định nghĩa lý. Những thông tin này truyền dẫn với một vận tốc không thể quá tốc độ ánh sáng truyền dẫn. Thông tin cất giữ trong DNA và RNA là một thứ thông tin khác. Đó là những mã lệnh. Một khi được phiên mã (transcription) nghĩa là di chuyển mã thông tin di truyền từ DNA qua mRNA và được phiên dịch (translation) tức là quá trình mRNA rời nhân đến ribosome và chuyển mã thông tin di truyền thành lệnh tổng hợp protein thời DNA hoàn tất vai trò tổng hợp protein và tái bản truyền thừa. Trong khi thực hiện hai quá trình nói trên, có thể xảy ra đột biến, tức là sự thay đổi tổ chức và cấu trúc của DNA, hoặc do tia X, hoặc do tia tử ngoại, hoặc do hóa chất tác dụng trên các base của DNA. Đột biến có thể gây chứng ung thư hay những tính khác thường cho chính cá nhân hay truyền xuống cho con cháu. Nhưng cũng có những đột biến lợi ích phát triển trong quần thể nhờ sự chọn lọc tự nhiên theo thuyết tiến hóa của Darwin.

3. Vì mọi sinh hệ như tế bào (cell), cơ thể (organism), đều là hệ thống tiêu tán, kín trên phương diện tổ chức nhưng hở trên phương diện cấu trúc, nên chỉ tạm thời ổn định bền vững. Nói cách khác, sinh mệnh luôn luôn ở trong một chế độ bền vững nhưng rất gần bờ vực của một chế độ hỗn độn. Theo ngôn ngữ hệ thống động lực học (dynamical systems), trong một chế độ hỗn độn, chỉ cần thay đổi điều kiện nhân duyên trong hiện tại một lượng rất bé nhỏ thời tất cả hệ thống sẽ thay đổi dạng thức không thể lường trước. Thí dụ: Vào đầu thập niên 1960, nhà thời tiết học Edward Lorenz nhận thấy không thể tiên đoán thời tiết trong một khoảng thời gian dài hạn vì hệ thống động lực gồm ba phương trình vi phân ông sử dụng để tiên đoán thời tiết dẫn đến những lời giải thật hỗn độn, nghĩa là điều kiện nhân duyên vào một lúc nào đó thay đổi tí chút là về sau quỹ đạo của lời giải biến thiên theo nhiều cách thật bất ngờ, không đoán trước được. Bởi vậy trong thuyết hỗn độn, hiện tượng này được gọi là "hiệu quả bướm đập cánh" (Butterfly effect). Một con bướm ở Huế đập cánh nhẹ tức thời một cơn giông tố dữ dội nổi lên ở Hoa Thịnh Đốn!

Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, tập tính tồn tại của sinh mệnh là theo Trung đạo. Nghĩa là không bền vững lâu dài để hóa ra thường còn vĩnh viễn, không nghiêng về hỗn độn để rơi vào hư vô đoạn diệt. Theo Stuart Kauffman, lý do các hệ thống phức tạp như sinh mệnh ở vào một cách thế tạm thời ổn định bền vững và rất gần bờ vực của chế độ hỗn độn là bởi tại luật tiến hóa (Darwin's evolution law) đặt chúng vào trạng thái đó.

Tóm lại, được thuyết minh như là hiện thân của sự biến hóa của các phân tử di truyền hay theo thuyết hệ thống tiêu tán liên tục tự tạo tự sinh, sinh mệnh và sự phát sinh của sinh mệnh đúng là pháp do duyên khởi. Do đó, theo ngài Long Thọ, sinh mệnh "là Không, là Giả danh, và cũng chính là Trung đạo".

Tháng 12, 2000
Trích từ: Nguyệt San Phật Học Xuất Bản - Phật lịch 2545

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/06/2016(Xem: 38268)
28/03/2016(Xem: 21830)
22/02/2016(Xem: 45466)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.