Chương 4: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền II

06/05/20153:05 CH(Xem: 8560)
Chương 4: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền II
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
TỪ CHÁNH NIỆM ĐẾN GIÁC NGỘ 
CẨM NANG CỦA NGƯỜI TU THIỀN 
NGUYÊN TÁC MINDFULNESS, BLISS and BEYOND 
NGUYÊN NHẬT TRẦN NHƯ MAI dịch 
Nhà xuất bản Phương Đông 2009

4

Những Chướng Ngại 
trong Hành Thiền II

 

Bây giờ chúng ta trở về với ba chướng ngại còn lại - hôn trầm (thīna-middha), trạo hối (uddhacca- kukkucca) và nghi (vicikicchā).

Chướng Ngại Thứ Ba: Hôn Trầm

Chướng ngại thứ ba là hôn trầm. Tôi không cần phải mô tả chi tiết chướng ngại này, bởi vì tôi chắc chắn là tất cả chúng ta đều biết nó quá rõ qua kinh nghiệm thiền tập của chúng ta. Chúng ta ngồi thiềnkhông thật sự biết chúng ta đang theo dõi cái gì, không biết là chúng ta đang theo dõi phút giây hiện tại, sự im lặng, hơi thở, hay bất cứ cái gì khác. Chỉ vì tâm chúng ta uể oải lờ đờ. Như thể không có chút ánh sáng nào bật lên bên trong tâm thức. Tất cả đều xám xịt và mập mờ.

 

Hoà Giải Với Hôn Trầm

Phương cách hữu hiệu và sâu sắc nhất để vượt qua hôn trầmhòa giải với tâm trạng uể oải lờ đờ và ngưng chống cự lại nó. Khi tôi còn là một tăng sinh trẻ tại những tu viện trong rừng sâu của Thái Lan, tôi cảm thấy buồn ngủ trong buổi ngồi thiền vào lúc 3g15 sáng. Tôi đã đấu tranh thật nhọc nhằn để chiến thắng tâm trạng uể oải lờ đờ. Tôi thường thất bại. Nhưng khi tôi thành công vượt qua được cơn buồn ngủ thì lại cảm thấy tâm bất an. Vì vậy, tôi phải cố gắng làm lắng dịu tâm bất an và rồi cơn buồn ngủ lại kéo đến. Buổi thiền tập của tôi giống như quả lắc đồng hồ, lắc qua lắc lại giữa hai thái cực, và không bao giờ tìm được sự quân bình. Phải mất nhiều năm tôi mới hiểu được những gì đã xảy ra.

Đức Phật chủ trương nghiên cứu tìm hiểu chứ không nên chiến đấu chống cự. Vì vậy tôi đã tìm hiểu xem cơn hôn trầm của tôi xuất phát từ đâu. Tôi đã ngồi thiền từ 3g15 sáng, đã ngủ rất ít, đã bị suy dinh dưỡng, tôi là một tăng sĩ người Anh đang ở trong một khu rừng hoang nhiệt đới nóng bức - bạn mong đợi gì trong trường hợp này! Tâm trạng uể oải lờ đờ là kết quả của những nguyên nhân tự nhiên. Tôi buông xả điều đó và hoà giải với cơn buồn ngủ của mình. Tôi ngưng chống cự và để đầu gục xuống ngủ. Ai biết được, thậm chí có lẽ tôi đã ngáy nữa. Khi tôi ngưng chống cự hôn trầm thì nó không kéo dài lâu lắm. Hơn nữa, khi cơn buồn ngủ đã qua, tôi cảm thấy bình yên và tâm không còn bất an nữa. Tôi đã tìm được sự quân bình cho quả lắc đồng hồ của tôi và từ đó trở đi tôi có thể theo dõi hơi thở dễ dàng.

Trạng thái uể oải lờ đờ trong lúc hành thiền là kết quả của một cái tâm mệt mỏi, thường thường do làm việc thái quá. Chống cự lại tình trạng đó càng làm cho bạn kiệt sức. Nghỉ ngơi giúp tâm phục hồi được năng lượng. Để hiểu tiến trình này, tôi sẽ giới thiệu hai phần của tâm: tâm nhận biết  tâm tạo tác. Tâm nhận biếtlà phần tâm thụ động chỉ biết nhận thông tin. Tâm tạo tác là phần tâm chủ động biết đáp ứng sự đánh giá, suy nghĩ, và kiểm soátTâm nhận biết  tâm tạo tác cùng chia sẻ chung một nguồn năng lượng tinh thần. Như vậy, khi bạn làm việc quá nhiều, khi bạn có lối sống quá bận rộn và phải vật lộn để tồn tạitâm tạo tácđã tiêu thụ phần lớn năng lượng tinh thần của bạn, chỉ còn để lại chút đỉnh cho tâm nhận biếtKhi tâm nhận biết đói năng lượng tinh thần thì bạn sẽ cảm thấy uể oải lờ đờ.

Vài năm trước đây trong một khoá tu thiền ẩn cư ở Sydney, một thiền sinh đến muộn, bà là một một người làm công tác lãnh đạo đầy căng thẳng. Trong buổi thiền tập đầu tiên tối hôm đó, tâm trí của bà ấy đờ đẫn như một xác chết. Tôi đã giảng cho bà ấy một bài đặc biệt nói về phương pháp vượt qua hôn trầm: tôi bảo bà ấy hãy nghỉ ngơi. Trong ba ngày tiếp theo, bà ấy ngủ vùi cho đến sáng, sau khi ăn sáng xong lại vào giường ngủ tiếp, và sau khi ăn trưa lại ngủ thêm một giấc dài. Thật là một thiền sinh xuất sắc! Sau ba ngày không chiến đấu chống cự, gần như không tiêu phí chút năng lượng tinh thần nào cho tâm tạo tác, nhưng đã dồn hết năng lượng cho tâm nhận biếttâm của bà ấy tươi sáng trở lại. Trong ba ngày tiếp theo, bà đã bắt kịp với mọi người trong nhóm theo bước tiến bộ của các giai đoạn thiền tập. Cuối khóa thiền ẩn cư, bà đã tiến lên dẫn đầu và là một trong những thiền sinh ‘ngôi sao’ của khóa tu ấy.

Phương cách hữu hiệu và sâu sắc nhất để vượt qua hôn trầm là ngừng chiến đấu chống cự lại tâm bạn. Hãy ngừng cố gắng thay đổi mọi việc, thay vào đó hãy để mọi việc diễn tiến tự nhiên. Hãy hòa giải với hôn trầm, đừng gây chiến với nó. Rồi năng lượng tinh thần của bạn sẽ được giải phóng để tuôn chảy vào tâm nhận biếtcơn hôn trầm sẽ tự nhiên biến mất.

 

Trân trọng giá trị của tỉnh giác

Một phương pháp khác để vượt qua hôn trầmtrân trọng giá trị của tỉnh giác. Tất cả truyền thống Phật giáo đều nói rằng đời sống con ngườigiá trịquý báu, nhất là đời sống như hiện nay khi bạn đã được gặp Phật pháp. Giờ đây bạn có được cơ hội thực hành. Có lẽ bạn không nhận thức được bạn đã trải qua bao nhiêu kiếp và đã tích lũy bao nhiêu công đức để hôm nay bạn đến được đây. Bạn đã đầu tư thiện nghiệp rất nhiều kiếp mới đến gần với Chánh Pháp như thế này. Nhớ lại như vậy sẽ giúp bạn giảm bớt khuynh hướng hôn trầmgia tăng khuynh hướng tỉnh giác sáng suốt.

Con đường hành thiền đôi lúc đưa bạn đến hai ngả đường. Đường bên trái đưa bạn đến hôn trầm trong lúc đường bên phải dẫn bạn đến tỉnh giác sáng suốt. Với kinh nghiệm bạn sẽ nhận ra hai ngả đường này. Đây là thời điểm trong thiền tập khi bạn có thể lựa chọn con đường đi đến hôn trầm hay xa lộ đưa đến yên lặng tỉnh giác. Chọn con đường bên trái, bạn từ bỏ cả tâm tạo tác lẫn tâm nhận biết. Chọn con đường bên phải bạn buông bỏ tâm tạo tác nhưng vẫn giữ lại tâm nhận biết. Khi bạn coi trọng tỉnh giác, bạn sẽ tự động chọn con đường bên phải đưa đến tỉnh giác sáng suốt.

Hôn TrầmSân Hận

Đôi lúc hôn trầm là kết quả của sân hận, là chướng ngại thứ hai. Trước đây tôi thường đi thăm viếng các trại tù để giảng dạy thiền, tôi thường nghe câu châm ngôn của trại tù như sau: “ngủ thêm một giờ là bớt được bản án một giờ”. Những người không thích nơi mình đang sống sẽ tìm cách trốn thoát bằng giấc ngủ. Cũng vậy, những thiền sinh dễ dàng có ý tưởng tiêu cực thường có khuynh hướng rơi vào hôn trầm. Sân hận chính là vấn đề.

Tại tu viện của chúng tôi ở Thái Lan, mỗi tuần một lần chúng tôi hành thiền suốt đêm. Trong những buổi thiền tập suốt đêm ấy, cơn hôn trầm thường xảy đến với tôi một hoặc hai giờ sau nửa đêm. Vì đó là năm đầu tiên tôi trở thành một tu sĩ, tôi nhớ lại rằng chưa đầy mười hai tháng trước đây tôi đã thức suốt đêm trong các buổi dạ tiệc, những buổi hoà nhạc kích động và các câu lạc bộ. Tôi nhớ lại là tôi không bao giờ cảm thấy buồn ngủ khi tôi nghe nhạc ở câu lạc bộ ‘The Doors” vào lúc hai giờ sáng. Tại sao? Rõ ràng là khi bạn thích những việc bạn đang làm thì bạn sẽ không có khuynh hướng buồn ngủ, nhưng khi bạn không thích công việc bạn đang làm thì cơn buồn ngủ sẽ kéo đến. Tôi đã không thích những buổi ngồi thiền suốt đêm ấy. Tôi nghĩ  đó là một ý tưởng ngu ngốc. Tôi ngồi là vì bị bắt buộc phải làm như vậy. Tôi cảm thấy sân hận, và đó là nguyên nhân của cơn buồn ngủ của tôi. Khi tôi thay đổi thái độ và đặt niềm vui vào buổi ngồi thiền suốt đêm, tìm cách làm cho nó trở thành chuyện vui thú, thì cơn buồn ngủ hiếm khi xảy ra. Vì vậy bạn phải tìm hiểu xem cơn buồn ngủ của bạn có phải là kết quả của một vấn đề về thái độ của bạn đối với hành thiền – đó là thái độ sân hận.

 

Sử Dụng Sự Sợ Hãi

Khi tôi còn là một cư sĩ, tôi đã dự một khóa Thiền Zen ẩn cư ở miền bắc nước Anh. Đó là một buổi sáng tinh sương, thiền đường lạnh cóng. Mọi người đều quấn mền quanh mình. Khi bạn ngồi thiền với một cái mền bên cạnh, thì bạn có khuynh hướng dễ buồn ngủ. Vị thiền sư đi lên đi xuống với một cây gậy trong tay, và anh chàng ngồi cạnh tôi bắt đầu gục xuống liền bị đánh một gậy. Cơn buồn ngủ của mọi người bỗng nhiên biến mất ngay sau đó. Chúng ta chỉ cần một người bị đánh và thế là đủ. Vấn đề là nỗi sợ hãi đã làm tôi tỉnh ngủ vẫn còn ở lại trong tôi và ngăn cản bước tiến xa hơn. Kinh nghiệm dạy rằng bạn không thể làm phát sinh những tâm hành thiện như an bìnhbuông xả bằng cách sử dụng những phương pháp như gây sợ hãi hay bạo động.

Trong truyền thống Sơn Lâm xưa cũ của miền đông bắc Thái Lan, các vị sư thường hành thiền ở những nơi nguy hiểm như những chỗ ngồi trên cây cao, bên bờ vực thẳm, hay trong những rừng hoang đầy cọp dữ. Những vị sư còn sống sót nói rằng họ đã hành thiền rất tốt, nhưng bạn không bao giờ nghe tin tức về những vị ‘một đi không trở lại’!

Chướng Ngại Thứ Tư:

Trạo Hối  (Bất an & Hối hận)

Chướng ngại tiếp theotrạo hối (uddhacca-kukkucca), là một trong những chướng ngại vi tế nhất. Yếu tố chính của chướng ngại này là sự bất an trong tâm. Nhưng trước hết, tôi xin nói sơ qua về vấn đề hối hận.

 

Hối hận

Hối hận là kết quả của những việc làm hay lời nói của bạn đã gây tổn thương cho người khác. Nói cách khác, đó là kết quả của cách cư xử sai lầm. Nếu có một niềm hối hận nào hiện ra trong tâm bạn lúc ngồi thiền, thay vì suy ngẫm về nó, thì bạn hãy tha thứ cho chính mình. Ai cũng có lúc lầm lỗi. Người trí tuệ không phải là người không bao giờ phạm lỗi lầm, nhưng là người biết tha thứ cho mình và rút ra bài học từ những sai lầm đó. Một số người có nhiều điều hối hận đến nỗi họ nghĩ là họ không bao giờ được giác ngộ.

Câu chuyện tên giết người Angulimala là một chuyện nổi tiếng trong kinh điển Phật giáo (Trung Bộ Kinh, 86). Angulimala là một tên giết người hàng loạt. Hắn đã giết 999 người. Hắn cắt một ngón tay của mỗi nạn nhân của hắn và làm thành một xâu chuỗi đeo quanh cổ. Nạn nhân thứ 1000 của hắn sẽ là Đức Phật, và dĩ nhiên, hắn không thể giết một vị Phật. Thay vào đó, Đức Phật đã “giết” hắn, giết cái lối sống hung ác của hắn, giết những phiền não cấu uế của hắn. Và Angulimala đã trở thành một tu sĩ Phật giáo. Ngay cả một kẻ giết người hằng loạt như Angulimala cũng có thể đạt đến các tầng thiền và được giác ngộ hoàn toàn. Vậy bạn đã từng giết ai chưa? Bạn có phải là một tên giết người hàng loạt không? Có lẽ bạn chưa bao giờ làm những điều như thế. Nếu những kẻ giết người như vậy mà cũng có thể giác ngộ, thì chắc chắn bạn cũng có thể giác ngộ. Cho dù bạn đã làm những điều tệ hại trong quá khứ và dù bạn cảm thấy hối hận đến đâu, hãy luôn luôn nhớ đến Angulimala. Rồi bạn sẽ không cảm thấy mình quá tệ hại. Tha thứbuông bỏ quá khứ sẽ giúp bạn vượt qua được niềm hối hận.

 

Bất An

Bất an phát sinh bởi vì chúng ta không biết bằng lòng với cái mình đang có. Chúng ta không công nhận niềm vui sướng đơn thuần lúc ta ‘không phải làm việc gì cả’. Ta có cái tâm thích ‘vạch lá tìm sâu’ hơn là cái tâm biết thưởng thức những gì có sẵn trong hiện tạiBất an trong lúc hành thiền luôn luôn là một dấu hiệu không tìm thấy niềm vui với những gì mình đang có trong hiện tại. Chúng ta có tìm được niềm vui hay không tùy thuộc vào phương cách chúng ta rèn luyện nhận thức của mình. Điều này nằm trong khả năng của chúng ta muốn thay đổi cách nhìn của chúng ta về mọi vật. Chúng ta có thể nhìn một ly nước và nhận thấy nó rất đẹp hay chúng ta có thể nghĩ rằng nó chỉ bình thường. Trong lúc hành thiền, chúng ta có thể cảm thấy hơi thở đều đều và chỉ là hơi thở như thường lệ, hay chúng ta có thể thấy hơi thở rất đẹp và độc đáo. Nếu chúng ta nhìn hơi thở như một cái gì thật quý báu thì chúng ta sẽ không cảm thấy bất an. Chúng ta sẽ không đi loanh quanh tìm cái gì khác. Đó chính là bất an, cứ đi loanh quanh tìm việc gì khác để làm, cái gì khác để nghĩ, một nơi nào khác để đi - bất cứ nơi nào, trừ bây giờ và ở đây. Bất an là một trong những chướng ngại lớn, cùng với những dục vọng về giác quan. Bất an làm bạn rất khó ngồi yên được một thời gian dài.

Tôi bắt đầu hành thiền bằng việc tỉnh thức về giây phút hiện tại, chỉ để vượt qua sự bất an thô lỗ như đang nói với tôi: “Ta muốn đi chỗ khác chứ không muốn ở đây, ngay bây giờ”. Cho dù chỗ này là gì đi nữa, cho dù bạn làm cho chỗ này thoải mái đến đâu, bất an sẽ luôn luôn nói là “vẫn chưa được tốt “. Nó nhìn vào cái tọa cụ của bạn và nói “nó lớn quá hay nhỏ quá, quá cứng hoặc quá rộng “. Nó nhìn vào trung tâm tu thiền ẩn cư và nói “Chưa được tốt. Chúng ta phải có ba bữa ăn một ngày. Chúng ta phải có người dọn dẹp phòng.”

Tâm bằng lòng là trái ngược với cái tâm ‘vạch lá tìm sâu’. Bạn cần phải gắng hết sức phát triển nhận thức để có thể bằng lòng với bất cứ những gì bạn có, và bằng lòng ở bất cứ nơi nào. Hãy cảnh giác với thái độ ‘vạch lá tìm sâu’ trong lúc hành thiền. Đôi lúc bạn có thể suy nghĩ: “Mình sẽ không tiến sâu được. Mình đã ngồi đây theo dõi giây phút hiện tại quá lâu, và mình sẽ chẳng đi đến đâu cả”. Ý tưởng đó chính là nguyên nhân của bất an. Theo ý kiến của bạn, việc hành thiền diễn tiến như thế nào cũng không thành vấn đề. Hãy tuyệt đối hài lòng với nó và nó sẽ tiến sâu hơn. Nếu bạn không hài lòng với sự tiến bộ của mình, bạn chỉ làm cho nó tệ hại hơn. Vì vậy hãy tập hài lòng với phút giây hiện tại. Hãy quên các tầng thiền, chỉ cần hài lòng khi được ở đây và bây giờ. Khi tâm hài lòng trở nên sâu lắng hơn, nó sẽ thật sự đưa bạn lên cảnh giới của các tầng thiền.

Hãy theo dõi sự im lặnghài lòng với sự im lặng. Nếu bạn thật sự hài lòng bạn không cần phải nói gì cả. Phải chăng phần lớn những suy nghĩ nội tâm mang bóng dáng của lời than phiền, tìm cách thay đổi sự việc, hay muốn làm cái gì khác? Hay trốn thoát vào thế giới của tư tưởng hoặc ý niệm? Suy nghĩ trong lúc hành thiền chứng tỏ thiếu hài lòng. Nếu bạn thật sự hài lòng, bạn sẽ ngồi yên lặng. Hãy xem thử bạn có thể hài lòng với mức độ sâu lắng, bởi vì đó là liều thuốc chữa tâm bất an.

Ngay cả nếu cơ thể bạn đau nhức và bạn cảm thấy không được khỏe, bạn có thể thay đổi nhận thức và xem điều đó như một cái gì thật hấp dẫn, hay thật đẹp. Hãy xem thử bạn có thể hài lòng với cảm giác đau nhức không. Hãy xem thử bạn có thể làm cho điều đó xảy ra không. Một đôi lần trong cuộc đời tu sĩ của tôi, tôi đã từng bị đau nhức rất trầm trọng. Thay vì tìm cách trốn thoát nó, nghĩa là tâm bất an, tôi xoay chuyển tâm mình và hoàn toàn chấp nhận cơn đau nhức và hài lòng với nó. Tôi thấy rằng ta có thể hài lòng cả với cơn đau nhức trầm trọng. Nếu bạn có thể làm như vậy, phần tệ hại nhất của cơn đau biến mất cùng với cảm giác bất an. Không có ý muốn tìm cách thoát khỏi cơn đau, bạn vẫn hoàn hoàn cảm thấy cơn đau. Tâm trạng bất an kèm theo cơn đau có lẽ là phần tệ hại nhất. Tìm cách thoát khỏi tâm trạng bất an bằng sự hài lòng, và thậm chí bạn có thể vui đùa với cơn đau nhức của bạn.

Phát triển tâm hài lòng với bất cứ cái gì bạn đang có – giây phút hiện tại, sự im lặng, hơi thở. Dù bạn đang ở bất cứ nơi nào, hãy phát triển tâm hài lòng, và từ cái tâm hài lòng đó - từ ngay chính tâm điểm của sự hài lòng - bạn sẽ thấy việc hành thiền của bạn càng lúc càng thâm sâu hơn. Vậy nếu bạn từng cảm thấy bất an, hãy nhớ chữ hài lòngTâm hài lòng sẽ tìm kiếm cái gì đúng và giữ cho bạn được yên tĩnh. Nhưng tâm bất an luôn luôn biến bạn thành nô lệ. Có một ví dụ mà Đức Phật đã dùng (Trung BK 39,14). Tâm bất an cũng giống như có một ông chủ hay bà chủ độc tài luôn luôn bảo bạn: “Hãy đi lấy cái này”, “Hãy đi làm việc kia”, “Cái đó không đúng”, “Hãy chùi rữa cho sạch hơn”, và không bao giờ cho bạn nghỉ ngơi một lát. Kẻ độc tài đó là cái tâm thích “vạch lá tìm sâu”. Hãy chế ngự kẻ độc tài này bằng tâm hài lòng.

Sau khi bạn đã vượt qua được những hình thái tổng quát của tâm trạng bất an, có một hình thái rất tinh tế thường xảy ra ở những giai đoạn hành thiền thâm sâu hơn. Tôi muốn nói đến thời điểm lần đầu tiên bạn thấy được định tướng. Bởi tâm bất an, bạn không thể để yên định tướng. Bạn làm rối lên với nó. Bạn không hài lòng với định tướng như nó xuất hiện ngay lúc này. Bạn muốn cái gì hơn thế nữa. Bạn bị kích động. Tâm bất an là một trong những chướng ngại có thể phá hoại định tướng dễ dàng. Bạn đã đến nơi. Bạn không cần phải làm gì thêm. Chỉ cần để yên định tướngHãy hài lòng với nó và nó sẽ tự phát triển. Hài lòng là như vậy – hoàn toàn không làm gì cả, chỉ ngồi đó ngắm định tướng nở hoa thành cảnh giới Định. Nếu phải mất một giờ, nếu phải mất năm phút, nếu nó không bao giờ xảy ra, bạn vẫn hài lòng. Đó là cách tiến vào cảnh giới Định. Nếu định tướng đến rồi đi, đó là dấu hiệu của tâm bất an. Nếu bạn có thể giữ vững sự chú tâm một cách tự nhiên, thì bạn đã vượt qua được tâm bất an.

 

Chướng Ngại Thứ Năm: Nghi Ngờ

Chướng ngại cuối cùng được gọi là nghi ngờ (vicikicchā). Có thể đó là nghi ngờ về lời giảng dạy, về vị thầy hay nghi ngờ chính bản thân bạn.

Đối với việc nghi ngờ lời giảng dạy, đến giờ phút này ắt hẳn bạn phải có đủ niềm tin rằng hành thiền đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Có lẽ bạn cũng đã trải nghiệm được nhiều kết quả tốt đẹp ấy. Hãy để cho những kinh nghiệm tích cực ấy làm vững mạnh niềm tin của bạn rằng hành thiền là việc ích lợi đáng làm. Ngồi thiền, phát triển tâm trong tĩnh lặng, nhất là phát triển tâm trong cảnh giới Định, tất cả đều vô cùng lợi ích, xứng đáng cho chúng ta thực hành, nó sẽ cho chúng ta sự sáng suốt, hạnh phúc, và hiểu được những lời dạy của Đức Phật.

Đối với các vị thầy, họ cũng giống như những huấn luyện viên của các đội thể thao. Công việc của họ là dạy lại từ những kinh nghiệm của họ, và quan trọng hơn, là khơi nguồn cảm hứng cho học viên của họ bằng lời nóiviệc làm. Nhưng trước khi bạn đặt niềm tin vào một vị thầy, hãy kiểm tra họ. Hãy quan sát hành vi của họ và tự bạn nhận xét xem họ có thực hành những điều họ giảng dạy không. Nếu họ thực sự biết những gì họ nói, thì họ phải là người có đạo đức, biết giữ giới luật và khơi nguồn cảm hứng cho người khác. Chỉ khi nào vị thầy hướng dẫn bằng cách nêu gương- đó là nêu gương tốt – thì bạn mới nên đặt niềm tin vào vị thầy đó.

Tự nghi ngờ bản thân – nghĩa là nghĩ rằng, “Ta là kẻ hết hy vọng, ta không thể làm việc này, ta là kẻ vô dụng, ta chắc chắn rằng mọi người khác hành thiền đều đạt đến cảnh giới định và đều đã giác ngộ, trừ ta” - việc này có thể vượt qua được nhờ sự giúp đỡ của một vị thầy có khả năng khơi nguồn cảm hứng cho bạn và khuyến khích bạn. Nhiệm vụ của vị thầy là nói,” Vâng, bạn có thể đạt được tất cả những điều đó. Nhiều người đã đạt được, tại sao bạn lại không chứ?”. Hãy tự khuyến khích mình. Hãy có niềm tin rằng bạn có thể đạt được những gì bạn muốn. Thật ra, nếu bạn có đầy đủ quyết tâm và tự tin, thì chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bạn thành công. Chỉ có những người bỏ cuộc là những người thất bại.

Nghi ngờ có thể hướng về những gì bạn đang trải nghiệm ngay lúc này. “Cái gì đây? Đây có phải là nhập Định không? Đây có phải là tỉnh giác về giây phút hiện tại không?”. Những nghi ngờ ấy đều là chướng ngại. Chúng không thích hợp trong lúc hành thiền. Chỉ cần làm cho tâm bạn hết sức an bình. Hãy buông thư và vui hưởng niềm an lạc. Sau đó, bạn có thể duyệt lại buổi thiền tập và hỏi:” Đó là gì nhỉ, điều đó quả thật rất thú vị. Lúc ấy cái gì đã xảy ra?”. Đó là lúc bạn tìm hiểu xem những gì bạn đã trải nghiệm có phải là cảnh giới Định không. Nếu trong lúc hành thiền, ý tưởng “đây có phải là cảnh giới Định không?” hiện lên trong trí bạn, thì đó không phải là cảnh giới Định!. Những ý tưởng như thế không thể hiện ra trong giai đoạn tâm chìm sâu trong tĩnh lặng. Chỉ sau đó, khi bạn duyệt lại những trạng thái ấy, bạn mới có thể nhìn lại và nói, “A, đó là cảnh giới Định”.

Nếu bạn gặp phải bất cứ khó khăn nào trong lúc hành thiền, hãy ngừng lại và tự hỏi, “Chướng ngại nào đây nhỉ?”.Hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Một khi bạn biết được nguyên nhân, bạn có thể nhớ lại cách giải quyếtáp dụng. Nếu đó là dục vọng về giác quan, chỉ cần từ từ xoay chuyển sự chú ý khỏi năm giác quan và đưa sự chú ý trở về với hơi thở hay trở về với tâm. Nếu đó là sân hận, hãy khởi tâm từ bi. Đối với hôn trầm thụy miên, hãy nhớ “giá trị của tỉnh thức”. Nếu đó là bất an hay hối hận hãy nhớ “hài lòng, hài lòng, hài lòng” hay thực tập tha thứ. Và nếu đó là nghi ngờ, hãy tỏ lòng vững tin và tìm nguồn cảm hứng trong những lời giảng dạy. Bất cứ lúc nào bạn hành thiền, hãy áp dụng những cách giải quyết ấy một cách có phương pháp. Bằng cách đó, những chướng ngại bạn gặp phải sẽ không tạo ra những cản trở lâu dài. Đó là những điều bạn có thể nhận ra, vượt qua và tiến lên phía trước.

 

Xưởng Chế Tác Những Chướng Ngại

Sau khi đã thảo luận riêng rẽ năm chướng ngại, bây giờ tôi sẽ chỉ rõ rằng tất cả đều xuất phát từ một nguồn. Chúng phát sinh từ sức khống chế bên trong tâm bạn khiến nó không chịu buông xả mọi việc.

Những thiền sinh không thể vượt qua được các chướng ngại bởi vì họ đã tìm kiếm chúng không đúng chỗ. Để thành công trong hành thiền, điều quan trọng là phải hiểu rằng những chướng ngại phải được nhìn thấy đang hoạt động trong khoảng cách giữa tâm nhận biết và đối tượng của nó. Nguồn gốc của chướng ngạitâm tạo tác, kết quả là thiếu sự tiến bộ, nhưng xưởng chế tác nó là khoảng cách giữa tâm và đối tượng thiền tập. Vấn đề chính yếu của năm chướng ngại là một vấn đề về mối quan hệ giữa tâm và đối tượng thiền tập.

Thiền sinh thiện xảo khi theo dõi hơi thở cũng chú ý đến cách họ theo dõi như thế nào. Nếu bạn thấy có sự kỳ vọng giữa bạn và hơi thở, như vậy là bạn theo dõi hơi thở với dục vọng, một phần của chướng ngại thứ nhất. Nếu bạn để ý thấy có sự trấn áp giữa chủ thể và đối tượng, như vậy là bạn theo dõi hơi thở với chướng ngại thứ hai là sân hận. Hoặc nếu bạn nhận ra có sự sợ hãi giữa khoảng cách đó, có thể là nỗi lo âu về việc đánh mất tỉnh giác về hơi thở, như vậy là bạn hành thiền với nhiều chướng ngại kết hợp lại. Có lúc bạn có vẻ như đã thành công, có thể giữ vững hơi thở chánh niệm trong nhiều phút, nhưng bạn thấy bạn bị ngăn chận không thể tiến sâu hơn. Như vậy bạn đã theo dõi sai đối tượng. Nhiệm vụ chính của bạn trong lúc hành thiền là đế ý đến những chướng ngại đó và tìm cách loại bỏ chúng. Bằng cách đó, bạn đạt đến mỗi giai đoạn kế tiếp nhau trong hành thiền, hơn là cố gắng đoạt được phần thưởng của mỗi giai đoạn bằng hành động của ý chí.

Trong mỗi giai đoạn hành thiền bạn không thể bị lạc hướng khi bạn để tâm bình anlòng từ ái giữa bạn và bất cứ đối tượng nào bạn đang theo dõi. Khi một tưởng tượng về tình dục khởi lên, hãy tỏ ra bình an trong lúc đó và cơn mơ mộng chẳng bao lâu sẽ bị dập tắt vì hết năng lượng. Hãy làm hòa với cơn uể oải dật dờ, đừng gây chiến với nó. Hãy để tầm từ ái giữa bạn, là người quan sát, và cơ thể đau nhức của bạn. Và đồng ý ngưng chiến trong cuộc chiến đấu giữa bạn và cái tâm lăng xăng của bạn. Hãy ngưng chế ngự và hãy bắt đầu buông xả.

Cũng giống như một cái nhà được xây bằng hằng ngàn viên gạch xếp lên nhau từng viên một, cũng vậy ngôi nhà an bình (nghĩa là cảnh giới Định) cũng được xây dựng bằng từng phút giây an lạc nối tiếp nhau. Khi bạn đặt sự bình an, dịu dàngtừ ái giữa những phút giây tiếp nối nhau, thì không còn cần những mơ mộng về tình dục nữa, cơn đau sẽ nhạt dần, dật dờ uể oải sẽ chuyển thành tươi tỉnh, bất an không còn chỗ đứng, và cảnh giới Định sẽ tự nhiên xuất hiện.

Tóm lại, nên để ý rằng năm chướng ngại xảy ra trong khoảng cách giữa người quan sát và đối tượng được quan sát. Vì thế hãy đặt sự an bìnhlòng từ bi trong khoảng cách đó. Không chỉ tỉnh giác mà thôi, nhưng phải phát triển cái mà tôi gọi là tỉnh giácđiều kiệnđó là tâm tỉnh giác mà không bao giờ kiểm soát hay can thiệp vào bất cứ cái gì nó biết. Như vậy tất cả chướng ngại sẽ bị hao mòn dần và chẳng bao lâu sẽ tan biến.

 

Ví Dụ Con Rắn

Nhiều thiền sinh than phiền về một chướng ngại quen thuộc, một vấn đề đã cản trở họ nhiều lần. Những chướng ngại cứ lặp đi lặp lại ấy có thể vượt qua bằng cách dùng một phương pháp rút ra từ ví dụ con rắn sau đây.

Trong những năm đầu tiên tôi làm một tu sĩ trong rừng ở Thái Lan, tôi thường trở về cốc của tôi với đôi chân trần vào lúc đêm khuya, bởi vì lúc đó không có dép để mang, và tôi đã dùng ánh sáng của các vì sao để dẫn đường bởi vì cũng không có pin cho cây đèn pin của tôi. Mặc dù các con đường mòn trong rừng hoang cũng là lối đi của rất nhiều rắn rết, tôi chưa bao giờ bị rắn cắn. Tôi biết chúng sinh sống rất nhiều ở đó và chúng rất nguy hiểm, vì vậy tôi bước đi rất thận trọng mắt vẫn canh chừng chúng nó. Nếu tôi thấy một dây đen đáng ngờ trên lối đi, mặc dù đó có thể chỉ là cành cây, tôi sẽ nhảy qua nó hoặc chọn một con đường khác. Vì vậy tôi đã thành công trong việc tránh được nguy hiểm.

Cũng vậy, trên bước đường hành thiền, có rất nhiều chướng ngại nguy hiểm đang chờ để chụp lấy bạn và làm tê liệt sự tiến bộ của bạn. Nếu bạn chỉ cần nhớ rằng chúng đang rình mò bạn và chúng rất nguy hiểm, thì bạn sẽ canh chừng chúng và sẽ không bao giờ bị chúng bắt.

Chướng ngại quen thuộc cũng giống như loại rắn đông đúc nhất, loại rắn đã cắn được bạn nhiều lần. Vì vậy vào lúc bắt đầu buổi thiền tập, bạn hãy nhắc nhở mình về cái chướng ngại quen thuộc đó. Hãy cảnh giác bạn về sự nguy hiểm của nó. Rồi bạn sẽ canh chừng nó, trong khoảng cách giữa tâm nhận biết và đối tượng thiền tập, trong suốt buổi ngồi thiền. Dùng phương pháp này, hiếm khi bạn bị chướng ngại nắm được.

 

Chiến Thuật Voi Dữ Nālāgiri

Một số thiền sinh nói rằng họ đã từng trải nghiệm tất cả năm chướng ngại cùng một lần với sức mạnh lớn lao. Vào lúc đó họ nghĩ họ có thể phát khùng lên. Để giúp những thiền sinh bị các chướng ngại tấn công rất mãnh liệt và nghiêm trọng ấy, tôi dạy Chiến Thuật Voi Dữ Nālāgiri, dựa trên một câu chuyện nổi tiếng trong cuộc đời Đức Phật.

Những kẻ thù ghét Đức Phật âm mưu giết Ngài bằng cách xua một con voi đực đã bị cho uống rượu say tên là Nālāgiri chạy trên con đường hẹp mà Đức Phật đang đi khất thực. Những người thấy con voi điên hùng hục xông tới liền la lên lời cảnh báo cho Đức Phậtchư tăng đi theo Ngài hãy mau chóng rời khỏi con đường này. Tất cả chư tăng đều bỏ chạy, trừ Đức Phật và vị thị giả trung thành của Đức Phậttôn giả Ānanda. Ānanda đã can đảm tiến lên đi trước Đức Phật, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ vị thầy kính yêu. Đức Phật nhẹ nhàng đẩy tôn giả Ānanda sang một bên và một mình đối mặt với con voi điên hung hãn. Dĩ nhiênĐức Phật đã đắc các phép thần thông, và tôi tin là Ngài đã có thể nắm lấy vòi con voi, quay nó lên trời ba vòng, và ném nó vào sông Hằng cách đó hàng trăm dặm! Nhưng đó không phải là cách cư xử của một vị Phật. Thay vào đó, Ngài đã sử dụng tâm từ bi. Có lẽ Đức Phật đã suy nghĩ đại khái như sau:“Nālāgiri thân yêu, cánh cửa lòng ta đang mở rộng để đón con, cho dù con có làm gì ta đi nữa. Con có thể dùng vòi để quật ngã ta hay dùng chân để nghiền nát ta, nhưng ta sẽ không thù hận con. Ta vẫn thương yêu con vô điều kiện”. Đức Phật nhẹ nhàng đặt sự an bình giữa Ngài và con voi nguy hiểm. Uy lực của tâm từ bi đích thực có sức mạnh không thể chống cự được đến nỗi chỉ trong giây phút cơn điên của con voi dữ đã hạ nhiệt, và Nālāgiri đã ngoan ngoãn quỳ dưới chân Đấng Từ Bi, được Ngài vỗ nhẹ trên cái vòi “Đấy, đấy, Nālāgiri, con ngoan lắm...”.

Có những lúc trong thiền tập, nhiều thiền sinh thấy tâm họ phát khùng lên như con voi đực say rượu chạy hùng hục loanh quanh như muốn nghiền nát mọi vật. Trong trường hợp như vậy, xin hãy nhớ Chiến Thuật Voi Dữ Nālāgiri. Đừng dùng sức mạnh để khống chế tâm voi dữ của bạn. Thay vào đó, hãy dùng tâm từ bi để nói với chính mình: “Tâm điên khùng thân yêu của ta, cánh cửa lòng ta đang mở rộng để đón em cho dù em có làm gì ta chăng nữa. Em có thể hủy diệt ta hay nghiền nát ta, nhưng ta sẽ không sân hận với em. Tâm của ta ơi, dù em có làm gì đi nữa, ta vẫn yêu em”. Hãy làm hòa với tâm điên khùng của bạn thay vì chiến đấu chống lại nó. Lòng từ bi đích thực có uy lực mạnh đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn đáng ngạc nhiên, tâm bạn được giải thoát khỏi cơn điên khùng và sẽ ngoan ngoãn đứng trước mặt bạn trong khi tâm tỉnh thức của bạn dịu dàng vỗ về nó” Đấy, đấy, tâm ngoan lắm...”


Khi Những Chướng Ngại Bị Loại Trừ

Câu hỏi thường đặt ra là những chướng ngại đã bị loại trừ sẽ kéo dài bao lâu. Khi bạn đã vượt qua được những chướng ngại đó, có phải như thế là vĩnh viễn hay chỉ trong lúc hành thiền của bạn mà thôi?

Trước tiên bạn vượt qua chúng tạm thời mà thôi. Khi bạn xuất định, bạn sẽ nhận thấy rằng những chướng ngại ấy đã biến mất trong một thời gian dài. Tâm bạn rất sắc bén, rất tĩnh lặng. Bạn có thể giữ sự chú tâm vào một đối tượng rất lâu, và bạn không hề có chút sân hận nào. Bạn không thể nào giận ai dù người đó có đánh vào đầu bạn. Bạn không còn quan tâm đến những lạc thú về giác quan như tình dục. Đây là kết quả của một buổi hành thiền tốt đẹp. Nhưng sau một lúc, tùy vào mức độ thâm sâuthời gian dài ngắn của buổi hành thiền đó, những chướng ngại ấy sẽ trở lại. Cũng giống như chúng đang ở trên võ đài và mới bị hạ đo ván. Chúng bị ‘ngất xỉu’ trong một lúc. Cuối cùng chúng đứng dậy lại và bắt đầu chơi trò âm mưu phá bạn. Nhưng ít nhất bạn cũng đã biết cảm nhận như thế nào khi vượt qua được những chướng ngại ấy. Bạn càng trở lại với giai đoạn thiền định thâm sâu nhiều lần – thì bạn càng loại trừ được những chướng ngại ấy nhiều lần – và chúng càng trở nên suy yếu dần. Rồi sau đó tuệ giác sẽ giúp bạn vượt qua những chướng ngại ấy một lần là xong. Đây là con đường thực hành lâu đời của Phật giáo. Bạn loại trừ các chướng ngại bằng thực hành thiền định để có cơ hội đạt được trí tuệ. Rồi trí tuệ sẽ nhìn xuyên suốt các chướng ngại đã bị suy yếu ấy và sẽ đoạn trừ chúng. Khi bạn đã hoàn toàn đoạn trừ các chướng ngại là bạn đã giác ngộVà nếu bạn đã giác ngộ thì không còn khó khăn gì khi nhập Định, vì các chướng ngại không còn nữa. Chướng ngại giữa bạn và cảnh giới Định đã hoàn toàn bị đoạn trừ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.