Thư Viện Hoa Sen

Chương 6: Sử Dụng Tính Đa Dạng Để Tạo Hứng Thú Cho Hành Thiền

06/05/20153:10 CH(Xem: 9651)
Chương 6: Sử Dụng Tính Đa Dạng Để Tạo Hứng Thú Cho Hành Thiền
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
TỪ CHÁNH NIỆM ĐẾN GIÁC NGỘ 
CẨM NANG CỦA NGƯỜI TU THIỀN 
NGUYÊN TÁC MINDFULNESS, BLISS and BEYOND 
NGUYÊN NHẬT TRẦN NHƯ MAI dịch 
Nhà xuất bản Phương Đông 2009

 6  

Sử Dụng Tính Đa Dạng Để Tạo

Hứng Thú Cho Hành Thiền

 

Trong chương này, tôi sẽ trình bày ba kiểu thiền tập khác nhau: Quán Từ Bi , thiền buông thư, và thiền hành. Trong ba kiểu thiền tập này, phương pháp phần lớn cũng giống như pháp Quán Niệm Hơi Thở, điểm khác nhau chính là ở chỗ bạn tập trung sự chú ý vào nơi nào. Bạn sẽ thấy những phương pháp này hữu ích bởi vì chúng sẽ góp thêm sự đa dạng cho việc hành thiền của bạn. Nếu bạn cứ tiếp tục chuyên cần thực tập một kiểu hành thiền mà thôi, bạn có thể trở nên buồn chán đến nỗi bạn rơi vào trạng thái uể oải lờ đờ hay bạn có thể mất hết sự hứng thú và có thể bỏ cuộc hoàn toàn. Bạn cần có hạnh phúc trong hành thiền, không những đó là chất keo gắn liền tỉnh giác với đối tượng của nó, mà đó còn là yếu tố giải trí vui vẻ giúp bạn quay trở lại với thiền tập. Khẩu hiệu của luyện tập thể lực có thể là “không đau nhức thì không có kết quả”, nhưng khẩu hiệu của hành thiền là “không vui vẻ thì không tỉnh giác”.

 

Quán Từ Bi

Từ ngữ Đức Phật dùng để chỉ lòng từ bi là metta. Từ ngữ này đề cập đến một thứ tình cảm, một thiện cảm có khả năng giúp giữ vững ý niệm cầu mong người khác được hạnh phúc, và thiện chí tha thứ mọi lỗi lầm của người khác. Cách biểu lộ lòng từ bi mà tôi ưa thích được gói trọn trong câu này “Cánh cửa lòng tôi luôn mở rộng để đón bạn, mãi mãi, dù bạn là ai và dù bạn làm gì đi nữa”.Từ bi là tình yêu không có cái tôi trong đó, khởi lên từ nguồn cảm hứng, không mong đợi được đền đáp lại, và không có điều kiện nào cả. Đức Phật đã so sánh từ bi với tình yêu của bà mẹ đối với con mình (Tương Ư. BK, 149). Một bà mẹ có thể không phải luôn luôn yêu thích con mình hay đồng ý về mọi việc nó làm, nhưng bà luôn luôn quan tâm đến con và chỉ cầu mong nó được hạnh phúc. Tình thương không giới hạn, không phân biệt và cởi mở như vậy chính là từ bi.

Trong Quán Từ Bi  bạn tập trung chú ý vào tình cảm nhân ái, phát triển thứ cảm xúc đẹp đẽ này cho đến khi nó tràn đầy tâm bạn. Phương cách đạt được điều này có thể so sánh với việc bạn châm ngọn lửa trại. Bạn bắt đầu bằng một tờ giấy hay bất cứ vật gì dễ bắt lửa. Rồi bạn thêm vào gỗ vụn, nắm bùi nhùi, hay những cọng cũi. Khi những miếng gỗ vụn đã bắt lửa, bạn thêm vào những miếng cũi lớn hơn, rồi sau một lúc bạn thêm vào những khúc gỗ lớn. Khi ngọn lửa đã bùng lên rất nóng, thậm chí bạn có thể châm thêm những khúc gỗ ướt hay đầy nhựa và chẳng bao lâu chúng cũng bùng cháy.

Lòng từ bi có thể so sánh một cách chính xác với một ngọn lửa ấm áp và sáng chói đang bùng lên trong tim bạn. Bạn không thể mong đợi thắp sáng ngọn lửa từ bi bằng cách bắt đầu với một đối tượng khó khăn, chẳng khác gì bạn không thể mong đợi thắp sáng ngọn lửa trại bằng một khúc cây lớn. Vì thế đừng bắt đầu Quán Từ Bi bằng cách trải rộng lòng từ đối với bạn hay một kẻ thù. Thay vào đó hãy bắt đầu bằng cách trải rộng lòng từ đến một đối tượng dễ châm ngòi cho ngọn lửa từ bi.

Tôi tự chuẩn bị thực hành Quán Từ Bi  bằng cách an trú sự tỉnh giác vào phút giây hiện tại, thiết lập giai đoạn một của phương pháp hành thiền như đã mô tả trong chương I. Rồi tôi khởi đầu Quán Từ Bi bằng cách tưởng tượng một chú mèo con. Tôi thích mèo, nhất là mèo con, vì vậy chú mèo con tưởng tượng của tôi đối với lòng từ bi cũng giống như hơi đốt đối với ngọn lửa. Tôi chỉ cần nghĩ đến chú mèo con là lòng từ trong tim tôi được thắp sáng ngay. Tôi tiếp tục hình dung đến chú bạn mèo tưởng tượng, vẽ ra hình ảnh nó bị bỏ rơi, đói khát, và rất sợ hãi. Trong đời sống ngắn ngủi của nó, nó chỉ nhận được sự hất hủi, bạo hành, và đơn độc. Tôi tưởng tượng xương của nó nhô ra từ cơ thể gầy còm, lông nó vấy máu và chất dơ bẩn, cơ thể nó co rút lại vì kinh sợ. Tôi cho rằng nếu tôi không quan tâm săn sóc sinh vật bé bỏng yếu ớt này thì không còn ai quan tâm đến nó, và nó sẽ chết một cái chết thật ghê rợn, đơn độckinh hoàng. Tôi cảm nhận được trọn vẹn nỗi đau đớn của chú mèo con, trong tất cả mọi hình thái, và tim tôi mở rộng để tuôn trào một dòng thác từ bi. Tôi sẽ săn sóc chú mèo con đó. Tôi sẽ bảo bọc và nuôi nấng nó. Tôi tưởng tượng mình nhìn sâu vào đôi mắt lo âu của nó, cố gắng làm tan biến nỗi sợ hãi của nó bằng lòng từ bi toả ra từ ánh mắt của tôi. Tôi từ từ đưa tay ra, trấn an nó, mắt tôi không rời mắt nó. Nhẹ nhàng tôi bồng chú mèo bé bỏng lên và ôm nó vào lòng. Tôi sưởi ấm chú mèo lạnh lẽo bằng chính hơi ấm trong người tôi. Tôi làm nó hết sợ hãi bằng vòng tay ôm ấp dịu dàng của tôi, và tôi cảm thấy chú mèo con bắt đầu tỏ vẻ tin cậy tôi. Tôi nói với chú mèo con đang nằm trong lòng tôi:” Sinh vật bé bỏng ơi, con sẽ không bao giờ cô độc nữa. Không bao giờ con phải sợ hãi nữa, ta sẽ luôn luôn săn sóc con, ta sẽ là người bảo vệ con và là bạn của con. Ta yêu thương con, chú mèo bé bỏng ạ. Dù con đi đâu, dù con làm gì đi nữa, lòng ta luôn luôn mở rộng để đón con. Ta sẽ luôn luôn dành cho con lòng từ bi vô giới hạn”, tôi cảm thấy chú mèo dần dần ấm lại, thoải máicuối cùngcất tiếng rên ư ử khoái chí.

Đây chỉ là đại khái về phương cách tôi bắt đầu thực tập Quán Từ Bi . Tôi thường mất nhiều thì giờ hơn. Tôi sử dụng trí tưởng tượng và tiếng nói nội tâm để vẽ một bức tranh trong trí, tạo nên một kịch bản từ đó ngọn lửa từ bi đầu tiên có thể bừng lên. Vào cuối buổi vận động tinh thần, mắt tôi vẫn còn nhắm lại, tôi hướng sự chú ý vào vùng quanh tim tôi và cảm nhận được luồng cảm xúc ấm áp đầu tiên của lòng từ bi.

Chú mèo con của tôi cũng giống như tờ giấy bạn dùng để mồi lửa trại. Có thể bạn không thích mèo con, vậy hãy chọn một vật gì khác, có lẽ một con chó con hay một em bé. Dù bạn chọn bất cứ cái gì như đối tượng đầu tiên của bạn để thực tâp Quán Từ Bi , hãy tạo ra một sinh vật tưởng tượng, không có thật. Trong trí bạn, bạn có thể tạo ra một chú mèo con, chó con hay em bé với bất cứ chi tiết nào bạn muốn. Bạn có nhiều tự do hơn để làm phát khởi lòng từ bi khi bạn sử dụng một sinh vật tưởng tượng hơn là một sinh vật trong thế giới thật. Chú mèo tưởng tượng của tôi rên ư ử vào đúng lúc và không bao giờ thải phân trong lòng tôi. Sau khi đã chọn đối tượng đầu tiên, hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn để tạo ra một câu chuyện xoay quanh sinh vật đó như thế nào để khơi dậy lòng từ bi trong tâm bạn. Việc thực hành phương pháp mới lạ này trở thành một trong những phương thức thành công nhất và thú vị nhất để bắt đầu thực tập Quán Từ Bi .

Vài năm trước đây, một nữ thiền sinh than phiền với tôi rằng phương pháp này không có kết quả đối với cô. Cô ấy xem những sinh vật nhỏ bé, nhất là những chú mèo con tinh quái, như những con vật có hại, và cô cũng không thích những em bé kêu-la-khóc-nhè với lớp-tả-lót-dơ-dáy. Cô ấy là một trường hợp nghiêm trọng của điều mà tôi gọi là “tắt nghẽn lòng từ bi”. Cô ấy tiếp tục kể cho tôi nghe rằng trong căn chung cư của cô ở Sydney, cô đã trồng vài loại hoa trong chậu. Vì thế tôi đề nghị cô ấy chọn một trong những cây hoa của cô làm đối tượng đầu tiên để thực tập từ bi. Cô tưởng tượng một cây con rất mong manhyếu đuối. Nó mong manh đến nỗi nó cần tất cả sự chăm sóc, thương yêuche chở của cô để có thể sống còn. Cô hướng tất cả bản năng làm mẹ của cô vào cây con yếu ớt trong chậu, chăm sóc và bón thức ăn cho người bạn bé bỏng này cho đến khi nó đâm chồi nẩy lộc và nụ hoa nở thành một bông hoa thơm ngát xinh đẹp để đền ơn lòng thưong yêu của cô. Cô ấy thực sự thích phương pháp này. Đó là lần đầu tiên Quán Từ Bi  có kết quả đối với cô. Trong thời gian dự khóa thiền ẩn cư khi việc này xảy ra, cô ấy nói rằng đó là buổi thiền tập duy nhất mà cô không chờ đợi tôi rung chuông chấm dứt.

Sau khi ngọn lửa từ bi đầu tiên đã được thiết lập theo cách này, hãy buông bỏ sinh vật tưởng tượng của bạn và thay thế bằng một con người thật, người nào rất thân với bạn về mặt tình cảm, chẳng hạn như người yêu của bạn, một quan hệ tình cảm tốt đẹp với người nào đó, hay thậm chí người bạn thân nhất của bạn. Phải là người nào khiến bạn dễ phát khởiduy trì lòng từ bi. Trong hình ảnh ẩn dụ về ngọn lửa trại, họ phải là những mảnh gỗ vụn dễ bắt lửa. Một lần nữa, hãy dùng tiếng nói nội tâm để phác họa ra một bức tranh về họ trong trí bạn. Họ cũng cần tình bạn và tình yêu của bạn. Họ cũng là những người dễ bị tổn thương tình cảm, là chủ thể của những thất vọngbất mãn trong cuộc sống. Dùng tiếng nói nội tâm để nói rằng: “Bạn thân yêu ơi, mình thành thật cầu mong bạn được hạnh phúc. Cầu mong cơ thể bạn không bị đau đớn và tâm bạn được mãn nguyện. Mình trao tặng bạn tình yêu vô điều kiện. Mình sẽ luôn luôn có mặt khi bạn cần. Mình luôn luôn dành cho bạn một chỗ trong tim. Mình thực sự quan tâm đến bạn” – hay những lời tương tự theo kiểu của bạn. Hãy sử dụng bất cứ từ ngữ nào có thể khơi dậy ngọn lửa từ bi ấm áp trong tim bạn. Hãy nghĩ đến người này. Hãy tưởng tượng người ấy đang đứng ngay trước mặt bạn cho đến khi lòng từ bi tỏa sáng liên tục quanh người này. Bây giờ hãy bỏ ra giây lát hướng sự chú ý vào cơ thể bạn, chỗ gần quả tim và cảm nhận được xúc động của cơ thể kết hợp với lòng từ bi. Bạn sẽ thấy đó là cảm giác thật dễ chịu.

Hãy buông bỏ hình ảnh của người bạn ấy và thay thế bằng hình ảnh một người quen thân khác, tạo ra một tình cảm từ bi xoay quanh người ấy bằng cách dùng tiếng nói nội tâm theo cùng một kiểu như trước: “Cầu mong bạn được sống trong hạnh phúc....” Hãy tưởng tượng người đó đứng ngay trước mắt bạn cho đến khi lòng từ bi tỏa sáng liên tục quanh người ấy.

Tiếp theo, hãy thay thế bằng cả một nhóm người, có lẽ là tất cả những người sống trong nhà bạn. Hãy phát triển ánh sáng thương yêu của lòng từ bi quanh những người ấy theo cùng một cách:” Cầu mong tất cả mọi người được hạnh phúc...”. Trong ví dụ ngọn lửa trại, đây là lúc bạn bỏ các khúc cây vào ngọn lửa.

Hãy thử xem bạn có thể tưởng tượng lòng từ bi như một ánh hào quang rực rỡ tỏa ra từ một đoá sen trắng giữa tim bạn. Hãy để luồng hào quang của lòng từ tỏa rộng khắp mọi hướng, bao trùm ngày càng nhiều sinh vật cho đến khi nó trở thành vô biên, tràn ngập tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng được. “Cầu mong cho tất cả chúng sinh, xa hay gần, lớn hay nhỏ, tất cả đều được an vui hạnh phúc...”. Hãy làm cho cả vũ trụ được tắm trong hơi ấm của ánh hào quang của lòng từ. Hãy dừng lại đây một lúc.

Trong ví dụ về ngọn lửa trại, ngọn lửa bây giờ đang bùng cháy rất nóng và có thể làm cháy cả những khúc gỗ ướt và đầy nhựa. Hãy nghĩ đến kẻ thù của bạn. Hãy hình dung một người nào đó đã làm bạn bị tổn thương nặng nề. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy lòng từ bi của bạn bây giờ có đủ sức mạnh để có thể tha thứ cho kẻ ấy. Bây giờ bạn cũng có khả năng chia sẻ với kẻ thù của bạn ánh hào quang của lòng từ có sức hàn gắn mọi vết thương: “Này bạn ơi, cho dù bạn đã làm hại tôi như thế nào, trả thù sẽ không ích gì cho cả hai chúng ta, vì vậy tôi cầu mong bạn được mọi điều tốt đẹp. Tôi thành thật cầu mong bạn được thoát khỏi nỗi khổ đau trong quá khứ và được hưởng an vui trong suốt cả tương lai của bạn. Cầu mong vẻ đẹp của lòng từ bi vô điều kiện này cũng sẽ đến với bạn, đem đến cho bạn hạnh phúc và mãn nguyện”. Khi ngọn lửa từ bi bừng cháy mạnh mẽ, không có gì chống cự lại được. Tiếp theo, còn có ‘một khúc gỗ ướt đầy nhựa’ cần được ném vào ngọn lửa từ bi. Phần lớn các thiền sinh thấy rằng người khó nhất để họ trao tặng lòng từ bi chính là... bản thân họ.

Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn mình trong gương. Hãy dùng tiếng nói nội tâm để nói với chính mình bằng tất cả lòng thành thật: “Ta cầu chúc cho ta ðýợc mọi ðiều tốt ðẹp. Bây giờ ta trao tặng cho mình món quà hạnh phúc. Ta đã khép chặt cánh cửa lòng với chính mình quá lâu rồi, bây giờ ta mở cửa ra. Cho dù ta đã làm gì, hay sẽ làm gì, tình yêu và sự kính trọng của ta luôn luôn mở cửa để đón ta. Ta hoàn toàn không cần dè dặt khi tha thứ cho chính mình. Hãy trở về nhà. Bây giờ ta cho ta tình yêu không phê phán. Ta quan tâm chăm sóc sinh vật dễ bị tổn thương có tên gọi là “tôi” này. Ta ôm choàng tất cả con người ta vào lòng với tâm từ bi”. Hãy sáng tạo ra ngôn ngữ của bạn ở đây để cho hơi ấm của lòng từ chìm sâu vào nội tâm của bạn, đi đến tận nơi chốn dễ bị tổn thươngsợ hãi nhất của bạn. Hãy để cho nó làm tan biến mọi sức kháng cự cho đến lúc bạn hoà nhập làm một với lòng từ bi, một tình thương yêu vô giới hạn, như bà mẹ chăm sóc con mình.

Trước khi bạn chấm dứt thời thiền tập Quán Từ Bi , hãy ngưng một vài phút để hồi tưởng lại bạn đã cảm thấy thế nào trong tâm bạn. Hãy chú ý đến hiệu quả của thời thiền tập này đối với bạn. Quán Từ Bi  có thể tạo ra niềm hỷ lạc thần tiên.

Để đưa thời thiền tập đến một kết thúc thanh cao, một lần nữa hãy tưởng tượng lòng từ bi như một luồng hào quang vàng rực rỡ tỏa ra từ một đoá sen trắng tuyệt đẹp trong tim bạn. Hãy hình dung luồng hào quang vàng rực rỡ ấy được chiếu trở lại vào đóa hoa sen, để lại hơi ấm bên ngoài. Khi luồng hào quang trở thành giống như một quả banh qui tụ tất cả năng lượng sáng chói nằm ngay tâm điểm của đoá sen trắng, hãy tưởng tượng những cánh hoa khép lại chung quanh quả banh từ bi để bảo vệ cho hạt giống từ bi trong tim bạn, đang sẵn sàng mở ra đế giải phóng năng lượng từ bi trong thời thiền tập kế tiếp của bạn. Hãy mở mắt ra và từ từ đứng dậy.

 

Làm Tâm Nhu Hòa

Quán Từ Bi  làm tâm trở nên nhu hòa và hướng đến sự quan tâm chăm sóc, thiện chíchấp nhận. Bạn trở nên vị tha hơn, ít quan tâm đến nhu cầu bản thân và có nhiều thiện chí hơn để giao tiếp hài hòa với người khác. Cảm xúc của lòng từ làm cho bạn cảm thấy vui tươi trong sáng. Khi bạn liên tục phát triển lòng từ bi, chẳng bao lâu nó sẽ ở lại bền vững trong tim bạn. Bạn trở thành một người đầy lòng từ ái, và lòng từ ái của bạn sẽ là nguồn vui cho tất cả mọi chúng sinh và cho bản thân bạn.

Lòng từ bi giúp bạn có khả năng mở rộng vòng tay đón nhận kẻ khác như con người thật của họ. Nhiều người thấy điều này không thể thực hiện được bởi tâm họ chuyên thấy lỗi kẻ khác. Họ chỉ thấy được một phần trong toàn thể, chỉ thấy phần khuyết điểm, và từ chối không muốn chấp nhận nó. Trái lại, lòng từ bi là mở rộng vòng tay đón nhận toàn thể đối tượng và chấp nhận nó như hiện trạng. Qua việc thực tập lòng từ bi, bạn thấy mình từ từ ít chú ý hơn đến lỗi lầm của chính mình và của kẻ khác, và có khả năng mở lòng đón nhận kẻ khác như hiện trạng của họ. Khả năng nhìn thấy nét đẹp ở đối tượng và bỏ qua những khiếm khuyết của nó là một trợ thủ đắc lực cho mọi hình thái thiền tập. Thí dụ, để duy trì sự chú tâm của bạn vào giây phút hiện tại, bạn phải chấp nhận mọi vật như hiện trạng của chúng, mở lòng đón nhận giây phút này và không phê phán chỉ trích. Khi bạn cứ khăng khăng tìm lỗi lầm trong phút giây hiện tại, bạn sẽ thấy bạn không thể an trú được trong hiện tại.

Có thể kết hợp Quán Từ Bi  với pháp quán niệm hơi thở. Khi bạn bắt đầu giai đoạn ba, tỉnh giác về hơi thở, bạn theo dõi hơi thở với lòng từ bi. Bạn nghĩ đại khái như: “hơi thở ơi, cánh cửa lòng ta đang mở rộng để đón bạn, cho dù bạn cảm thấy như thế nào, cho dù bạn có làm gì đi nữa”. Chẳng bao lâu bạn sẽ thấy mình theo dõi hơi thở với lòng từ bi, mở lòng đón nhận nó thay vì ‘vạch lá tìm sâu’. Bằng cách thêm lòng từ bi vào quá trình tỉnh giác, bạn không cần mong đợi nhiều, vì hơi thở có vẻ tốt đẹp hơn bình thường. Vì có lòng từ bi, chẳng bao lâu bạn cảm nhận được sự ấm áp trìu mến đối với hơi thở, điều này mang lại niềm vui cho từng hơi thở vào và từng hơi thở ra. Và theo dõi hơi thở trở nên dễ chịu đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn, bạn đã đạt đến giai đoạn năm, hơi thở tuyệt đẹp.

 

Đem Từ Bi vào Định

Nhập các tầng Thiền hay nhập định là những giai đoạn thượng đỉnh của cảm xúc chứ không phải đỉnh cao của tri thức. Bạn không thể suy nghĩ để tìm đường nhập định, bạn chỉ có thể cảm nhận khi bạn bước vào cảnh giới đó. Để thành công, bạn cần phải quen thuộc với thế giới cảm xúc của bạn, quen thuộc vừa đủ để có thể im lặng tin cậy nó mà không cần kiểm soát nó chút nào. Có lẽ đây là lý do tại sao nữ thiền sinh có vẻ dễ dàng nhập định hơn nam thiền sinh. Quán Từ Bi rèn luyện mọi người trở nên thoải mái hơn với sức mạnh của cảm xúc. Đôi lúc bạn có thể khóc trong lúc thực tập Quán Từ Bi , thậm chí có thể khóc nức nở mà không kềm chế được. Nếu vậy, cứ khóc tự nhiên. Trên con đường đi đến Niết Bàn tất cả chúng ta đều phải học cách đón nhận cường độ của những cảm xúc thanh cao nhất, và nhập định là những cảm xúc thanh cao nhất trong tất cả các loại cảm xúc. Vì thế Quán Từ Bi  giúp cho việc nhập định dễ dàng hơn.

Thậm chí bạn có thể đưa Quán Từ Bi  đi thẳng vào Định. Khi bạn đã đạt đến giai đoạn như đã mô tả ở trên, nghĩa là lúc bạn đang chiếu ánh hào quang vàng rực rỡ vô biên của lòng từ bi xuyên khắp vũ trụ, tưới tẩm mọi chúng sanh bằng sức mạnh bao la của tình yêu thương vô hạn, thì bạn hãy đi bước kế tiếp. Hãy quên tất cả mọi thực thể và không cần biết sức mạnh từ đâu đến. Thay vào đó tập trung sức chú ý của bạn vào chính cảm nghiệm về lòng từ bi. Bước này thường xảy ra tự động mà không cần quyết định nào của bạn. Đối tượng thiền quán đang được đơn giản hóa, thoát khỏi tri giác về những thực thể riêng biệt. Tất cả những gì còn lại trong tâm bạn là cái mà tôi gọi là lòng từ bi phi vật thể, tương tự như nụ cười phi vật thể của Con Mèo Cashire trong ví dụ ở chương 2. Bạn cảm nghiệm điều này giống như một vùng hoan hỷ của ánh hào quang vàng rực rỡ trong đôi mắt của tâm bạn. Đó là định tướng. Đó là định tướng từ bi.

Định tướng phát sinh xuyên qua Quán Từ Bi  luôn luôn đẹp không thể tưởng tượng được, chỉ một đôi khi nó không ổn định. Thường thường vấn đề này là do bạn hồi hộp quá mức. Tuy nhiên, bản chất của nó thu hút đến nỗi bạn không thể nào không tìm đến niềm hỷ lạc cao độ này. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn hào quang vàng rực rỡ của định tướng từ bi trở nên tĩnh lặng và bạn nhập định. Đây là cách Quán Từ Bi  đưa bạn vào Định.

 

 

 

Trải Rộng Lòng Từ Sau Khi Nhập Định

Nhiều năm trước đây tại tu viện của tôi ở Perth, chúng tôi đang tụng bài kệ của Đức Phật về việc trải rộng lòng từ bi. Bài tụng chỉ kéo dài năm phút. Trước đó tôi đã có một thời thiền định thâm sâu, và khi chúng tôi bắt đầu tụng bài kệ, tâm tôi đã hoàn toàn tràn ngập lòng từ đến nỗi tôi không thể tiếp tục tụng được. Lòng từ bi vô hạn đang tuôn trào từ tâm tôi như một giòng thác lũ chảy ra khắp mọi hướng, và tôi thật hạnh phúc khi được đắm chìm trong đó. Tôi đã không thể tụng xong bài kệ. Nhờ những thời hành thiền trước đó, tâm tôi đã trở nên nhu nhuyến đến nỗi những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật về cách trải rộng lòng từ đã châm ngòi cho nguồn thác từ bi trong tôi ào ạt tuôn tràn không gì ngăn cản được.

Những kinh nghiệm như thế này đã dạy tôi rằng trước tiên bạn phải rèn luyện tâm bạn bằng thiền định thâm sâu, nhất tâm tĩnh lặng, và rồi bạn có thể trải rộng lòng từ vô cùng mạnh mẽ. Sau khi đã thiết lập được thiền định thâm sâu bạn có thể phóng năng lượng cực mạnh của lòng từ đến bất cứ ai ở bất cứ nơi nào! Vào cuối khóa tu thiền ẩn cư do tôi hướng dẫn, tôi mời các thiền sinh của tôi thử thực hành việc này. Nhiều thiền sinh của tôi đạt được định lực mạnh mẽ vào lúc kết thúc khóa tu. Tôi hướng dẫn họ thưc tập Quán Từ Bi , và khi tôi thấy định lực của họ đã đủ sức mạnh, tôi mời họ phóng năng lượng từ bi cực mạnh của họ đến một người bạn vắng mặt. Tôi muốn họ chọn một người nào ở cách xa trung tâm tu thiền. Rồi tôi nhìn đồng hồ và ghi chú thời khắc. Vào cuối buổi thực tập Quán Từ Bi , tôi thông báo cho thiền sinh của tôi về thời khắc đó và đề nghị họ liên lạc với người bạn của họ sau này để hỏi xem lúc ấy người đó đang làm gì và cảm thấy như thế nào. Nhiều thiền sinh ngày hôm sau đã gọi điện thoại cho tôi và thích thú vui mừng báo cho tôi biết: “Bài thực tập có hiệu quả!”. Khi tâm bạn đã được tăng cường sức mạnh bằng thiền định thâm sâu, bạn phóng năng lượng từ bi đến người nào thì người đó sẽ nhận được. Bạn hãy tự mình thử xem việc này.

 

Thiền Buông Thư

Đôi lúc thay vì dùng lòng từ bi hay hơi thở làm đối tượng, tôi nhìn vào tâm tôi và nhận thức rằng điều tốt nhất mà nó cần lúc này là buông thư mọi chuyện. Trên căn bản, thiền buông thư chỉ là giai đoạn hai của pháp quán niệm hơi thở, chỉ cần im lặng tỉnh giác về phút giây hiện tại. Cần phải im lặng, bởi vì thật sự buông thư mọi chuyện nghĩa là bạn không đưa ra mệnh lệnh nào và lời than phiền nào; bạn không có gì để nói cả. Buông thư xảy ra trong hiện tại. Bạn nhận biết sự vật như chúng đang hiện hữu ngay lúc này, và bạn cho phép chúng đến, ở lại hay đi bất cứ lúc nào chúng muốn. Thiền buông thư cũng giống như bạn ngồi trong phòng, và bất cứ ai bước vào cửa bạn đều cho họ vào. Họ muốn ở lại bao lâu tùy thích. Thậm chi nếu đó là những con quỷ dễ sợ, bạn cũng cho chúng vào và ngồi xuống. Bạn không bị dao động chút nào. Nếu Đức Phật bước vào với tất cả ánh hào quang, bạn cũng chỉ ngồi đây, giống như trước, hoàn toàn buông xả. “Cứ vào nếu bạn muốn” “Khi nào muốn đi thì cứ đi”. Bất cứ cái gì đến trong tâm bạn, cái đẹp hay cái thô bỉ, bạn vẫn đứng lùi ra đàng sau và để mọi việc diễn tiến tự nhiên, không có phản ứng nào – yên lặng theo dõithực tập im lặng tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Đây là thiền buông thư.

 

Ví Dụ Khu Vườn

Nhiều nhà của người Mỹ thường có vườn, nơi họ thường bỏ nhiều thời giờ để chăm sóc. Nhưng một khu vườn là để thưởng thức, chứ không phải chỉ để làm việc mà thôi. Vì vậy tôi khuyên thiền sinh của tôi rằng họ nên thường xuyên vào ngồi trong khu vườn của họ và thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của nó.

Những thiền sinh ít sâu sắc nhất thường tin rằng họ phải cắt cỏ, tỉa các bụi cây, tưới nước các bồn hoa, cào hết lá rụng, và làm cho khu vườn thật hoàn hảo trước khi họ có thể ngồi xuống để thưởng thức nó. Dĩ nhiên khu vườn không bao giờ hoàn hảo, cho dù họ có làm việc chăm chỉ bao nhiêu. Vì vậy họ không bao giờ nghỉ ngơi được.

Trái lại, những thiền sinh tầm thường thì không chịu làm việc. Thay vào đó, họ thường vào ngồi trong vườn và bắt đầu suy nghĩ, “Cần phải cắt cỏ, phải tỉa các bụi cây. Hoa có vẻ đang khô héo và lá rụng cần phải được cào đi, và một bụi cây bản địa trồng ở phía đàng kia trông có vẻ đẹp hơn”, và cứ thế.... Họ để thì giờ suy nghĩ làm thế nào để cho khu vườn của họ hoàn hảo hơn là chỉ cần thưởng thức nó. Họ cũng không tìm thấy an vui.

Hạng thiền sinh thứ ba là những thiền sinhtrí tuệ. Họ đã làm thật nhiều việc trong khu vườn của họ, và bây giờ là lúc họ nghỉ ngơi. Họ nói: “Có thể cần phải cắt cỏ, tỉa các bụi cây, tưới các luống hoa, và cào lá rụng – nhưng không phải bây giờ! Khu vườn như thế này cũng khá tốt rồi”. Và họ có thể nghỉ ngơi một lát, không cảm thấy có tội vì công việc chưa làm xong.

Thiền buông thư cũng giống như vậy. Đừng cố gắng làm mọi việc thật hoàn hảo hay làm xong mọi nhiệm vụ trước khi bạn có thể buông thư. Đời không bao giờ hoàn hảonhiệm vụ không bao giờ làm xong được. Buông thư là có can đảm ngồi yênđể tâm nghỉ ngơi giữa những việc chưa hoàn hảo.

 

Thiền buông thư có thể trở nên đầy uy lực

Thiền buông thư có thể trở nên đầy uy lực. Nếu pháp Quán Niệm Hơi Thở hay Quán Từ Bi hay bất cứ hình thái thiền tập nào khác của bạn không có kết quả, thường thì bởi vì nền tảng của nó không đúng. Do đó, chỉ cần thực tập thiền buông thư. Bạn có thể “ra ngồi trong vườn” và buông thư mọi việc. Dù việc gì đang xảy ra bạn cũng chấp nhận. Dù bạn đang trải nghiệm bất cứ điều gì cũng được cả – không ưa thích, không lựa chọn, không có tốt xấu, không tranh cãi, không bình luận. Chỉ cần buông thư. Có thể bạn sẽ có một vài tiếng nói nội tâm, nhưng chỉ là bình luận về “buông thư’. Hãy tự nhiên với những gì đang xảy ra. Hãy tự nhiên với những ý niệm liên quan đến đề mục thiền tập, nhưng không nghĩ về bất cứ cái gì khác. Bằng cách ấy, buổi thiền tập sẽ đến gần với giai đoạn hoàn toàn   tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại.

Nếu tôi đang bị đau nhức cơ thể, nếu tôi đang bị đau đầu, đau bụng, hay đau một chỗ nào khác, hay nếu muỗi đang chích tôi, tôi nói. “Chỉ cần buông thư”. Tôi không tranh cãi với nó, không cảm thấy phiền bực vì nó. Tôi chỉ theo dõi cảm giác trong cơ thể khi con muỗi châm cái vòi của nó vào da thịt tôi và cảm giác ngứa ngáy tiếp theo. “Chỉ cần để mọi việc tự nhiên”. Nếu bạn đang nằm trong giường ban đêm và bạn không thể ngủ được: “Hãy buông thư”. Hay nếu có một cơn đau nhức dai dẳng: “Chỉ cần buông thư”. Chỉ cần chấp nhận nó. Đừng tìm cách chạy trốn. Nếu có quỷ bước vào phòng bạn, bạn sẽ không đẩy chúng ra, nhưng bạn cũng không mời chúng ở lại. Bạn chỉ cần để chúng tự nhiên. Buông thư là phương pháp thực tập buông xả.

 

Thiền Hành

Thiền hành thật tuyệt diệu, nhất là vào buổi sáng sớm. Thường thường khi bạn dậy sớm vào buổi sáng, đặc biệt là khi bạn không quen dậy sớm như vậy, bạn rất mỏi mệt và đầu óc không minh mẫn. Một trong những lợi điểm của thiền hành là bạn không thể gục đầu xuống khi bạn đang đi. Vì vậy nếu bạn mệt mỏi, thì thiền hànhphương pháp thực tập tốt. Nó đem lại năng lượng và bạn cũng cảm thấy rất an lạc.

Thiền hành đã được Đức Phật ca ngợithực tập. Nếu bạn đọc các bản kinh (lời Phật dạy trong các kinh tạng Pali), bạn sẽ thấy Đức Phật thường thiền hành vào sáng sớm. Ngài sẽ không ngồi thiền, Ngài thường thiền hành.

Nhiều tăng ni đã đạt được giác ngộ trên con đường thiền hành. Đó là một phương thức hữu hiệu để phát triển cả Thiền Chỉ lẫn Thiền Quán (nhưng chưa đến mức nhập định). Đối với một số tăng sĩ ở Thái Lan mà tôi biết, phần tu tập chính của họ là thiền hành. Họ ngồi thiền rất ít. Họ đi rất nhiều, và nhiều vị đã đạt được tuệ giác hết sức sâu sắc trong lúc họ thiền hành.

Một lợi điểm khác của thiền hành là nó đặc biệt thích hợp với những người cảm thấy cơ thể khó chịu khi phải ngồi trong một thời gian dài. Nếu bạn thấy ngồi thiền khó khăn vì cơ thể bạn đau nhức, thì thiền hành có thể là một phương pháp thay thế rất hữu hiệu.

Đừng cho rằng thiền hành là một “kiểu thiền tập hạng hai”. Nếu bạn muốn dùng hầu hết thời gian thiền tập theo kiểu này, thì cứ thực hành tự nhiên. Nhưng hãy làm thật tốt và cẩn thận. Hãy xem thử bạn có thể phát triển niềm hạnh phúc khởi sinh từ sự an tịnh trong khi bạn đang đi tới đi lui.

 

Thiết Lập Thiền Hành

Chọn một lối đi sạch và thẳng, dài khoảng hai đến ba chục bước. Đây có thể là một hành lang dọc theo căn nhà, một lối đi trong vườn, hay chỉ là một lối mòn trên bãi cỏ. Hãy dùng bất cứ những gì sẵn có, ngay cả nếu lối đi ngắn hơn hai chục bước một chút cũng được. Nếu bạn thấy thoải mái với đôi chân trần, thì đừng mang dép, hãy vui hưởng cảm giác của đôi chân trần chạm vào mặt đất.

Hãy đứng vào phía đầu lối đi. Giữ tâm vững vàng. Thư giãn toàn thân và bắt đầu đi. Đi tới đi lui với một tốc độ bạn cảm thấy tự nhiên. Trong khi đi, xếp đôi bàn tay thật thoải mái trước mặt, và nhìn xuống mặt đất khoảng hai mét phía trước. Hãy cẩn thận đừng nhìn chung quanh. Nếu bạn đang thực tập thiền hành mà bạn cứ nhìn quanh đây đó thì thật phí thì giờ, vì như thế chỉ làm bạn xao lãng mà thôi.

 

Các Giai Đoạn Thiền Tập Cũng Áp Dụng Ở Đây

Bốn giai đoạn thiền tập đã mô tả trong hai chương đầu cũng áp dụng ở đây. Nhưng trong thiền hành, cuối cùng sự chú ý hướng vào đôi bàn chân thay vì hơi thở.

Trước tiên, nhắm đến việc phát triển tỉnh giác về giây phút hiện tại, như trong giai đoạn một. Sử dụng những kỹ thuật đã được mô tả ở đó để đạt được từng bước đi thật thoải mái, ngay ở đây và bây giờ. Khi bạn cảm thấy bạn đã ổn định tâm trong hiện tại, khi những ý niệm về quá khứ và tương lai đã vắng bặt trong tâm, thì bạn nhắm đến giai đoạn im lặng bước đi trong phút giây hiện tại. Như đã mô tả trước đây trong giai đoạn hai, từ từ buông bỏ mọi ý nghĩ. Hãy đi với tâm không suy luận gì cả. Sử dụng một số kỹ thuật đã mô tả trong chương I để đạt đến giai đoạn từng bước đi im lặng.

Một khi mọi suy luận nội tâm đã giảm thiểu và tiếng thì thầm bên trong chỉ còn như một giòng nước rỉ yếu ớt, hãy chủ động tập trung sự chú ý vào cảm giác di chuyển của bàn chân và phần chân dưới. Làm như vậy cho đến mức bạn nhận biết rõ ràng mỗi bước chân trên lối đi. Hãy biết từng bước chân trái, biết từng bước chân phải - bước này nối tiếp bước kia và không bỏ sót bước nào. Biết từng bước chân khi bạn quay người lại vào cuối lối đi. Một câu danh ngôn của Trung hoa nói rằng “cuộc hành trình vạn dặm khởi đầu bằng một bước chân” rất hữu ích ở đây. Cuộc hành trình ấy thật sự chỉ dài một bước - bước chân bạn đang đi lúc này. Vì vậy chỉ cần im lặng tỉnh giác về “một bước chân” này và buông bỏ tất cả mọi chuyện khác. Khi bạn đã hoàn tất mười lần đi lui đi tới trên con đường mà không bỏ sót một bước chân trái hay bước chân phải nào, thì bạn đã đạt được giai đoạn ba của thiền hành và có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo.

Bây giờ hãy tăng cường sự chú ý để bạn nhận biết từng cảm giác di chuyển của bước chân trái, ngay từ lúc mới bắt đầu, khi bàn chân trái khởi sự di chuyển và cất lên khỏi mặt đất. Hãy để ý khi bàn chân cất lên, tiến tới phía trước, hạ xuống và đặt trên mặt đất lại, nhận cả sức nặng của thân thể bạn. Hãy phát triển sự tỉnh giác liên tục về bước chân trái, và rồi cũng tỉnh giác giống như vậy về bước chân phải, không gián đoạn, thật nhẹ nhàng êm ái. Làm như vậy từng mỗi bước chân cho đến cuối lối đi. Khi bạn quay lại, hãy chú ý mỗi cảm giác lúc tiến hành xoay người lại, không bỏ sót một động tác nào.

Khi bạn có thể đi mười lăm phút thoải mái, duy trì sự chú ý vào mỗi bước chân, không bị gián đoạn lần nào, thì bạn đã đạt được giai đoạn bốn của thiền hànhhoàn toàn duy trì sự tỉnh giác về mỗi bước chân. Vào thời điểm này, tiến trình đi từng bước đã chiếm trọn vẹn sự chú ý đến nỗi tâm không thể nào bị xao lãng. Bạn biết rõ khi điều này xảy ra, bởi vì tâm đã đi vào trạng thái thiền định, hay là nhất tâm tĩnh lặng, và tâm trở nên vô cùng an tịnh.

 

An Định Trên Lối Đi

Ngay cả tiến chim hót cũng biến mất khi sự chú ý của bạn đã hoàn toàn tập trung vào cảm nghiệm của từng bước đi. Bạn ổn định sự chú ý một cách dễ dàng thoải máiduy trì chú tâm vào một đối tượng. Bạn sẽ thấy đây quả là một kinh nghiệm thật thú vị.

Khi chánh niệm của bạn gia tăng, càng lúc bạn càng biết rõ hơn những cảm giác của bước đi. Rồi bạn thấy rằng chính mỗi bước đi mang lại cho tâm cảm giác đẹp đẽan bình. Mỗi bước đi trở thành “một bước chân tuyệt đẹp”. Và nó có thể dễ dàng thu hút trọn vẹn sự chú ý của bạn và chỉ cần theo dõi từng bước đi cũng làm bạn say mê thích thú. Bạn có thể đạt được rất nhiều an định qua thiền hành. Định lực này được cảm nhận bằng sự an tịnh, một cảm giác tĩnh lặng, một cảm giác thật thoải mái trong tâm và rất hạnh phúc trên lối đi giới hạn của mình.

Tôi bắt đầu thực tập thiền hành khi tôi được xuất gia lần đầu tiên tại một ngôi chùa ở Bangkok. Tôi thường chọn một lối đi và bước rất chậm, hoàn toàn tự nhiên, không hề ép buộc. (Bạn không cần phải đi nhanh hay đi chậm, chỉ cần đi với nhịp độ bạn cảm thấy thoải mái). Tôi thường đạt đến trạng thái an định tuyệt đẹp trong lúc thiền hành. Tôi nhớ lại có môt lần tôi bị quấy nhiễu bởi vì tôi đã đi quá lâu. Tôi đã không để ý dến thời gian trôi qua, và chùa cần tôi đi dự một buổi lễ quan trọng. Một trong số các vị tăng ở chùa đã được giao nhiệm vụ đi gọi tôi. Tôi nhớ lại vị tăng này đến bên tôi và nói, “Brahmavamso, thầy phải đi dự một buổi lễ cúng dường”(một buổi khất thực). Lúc đó tôi đang nhìn vào khoảng không gian độ hai mét trước mắt. Hai tay tôi chắp lại về phía trước. Khi tôi nghe tiếng vị tăng gọi, tôi có cảm tưởng như tiếng nói vọng lại từ một nơi cách xa hàng ngàn dặm bởi vì tâm tôi đã bị thu hút trong thiền hành. Vị tăng lặp lại, “Brahmavamso, thầy phải đến đó ngay!”. Phải mất hơn một phút tôi mới thật sự ngẩng tầm mắt lên khỏi mặt đất và quay nhìn quanh về phía vị tăng đang tìm cách làm cho tôi chú ý. Và khi tôi bắt gặp ánh mắt của vị tăng đó, tôi chỉ nói được một tiếng “Cái gì?”. Phải mất một lát tôi mới ra khỏi trạng thái Định và phản ứng với nhịp độ bình thường. Tâm tôi lúc ấy thật an bình và tĩnh lặng.

Tôi hy vọng bạn sẽ tự kinh nghiệm cảm giác an tịnh này khi bạn thực tập thiền hành. Nhiều người thực tập thiền hành lần đầu tiên đã nói,”Thật đáng ngạc nhiên. Đẹp tuyệt vời!”. Chỉ cần đi chậm lại cũng cho bạn cảm giác an bình. Chỉ cần theo dõi những cảm giác trong mỗi bước đi cũng làm cho bạn trở nên an tịnh. Vì vậy, thiền hành là một hình thức thiền tập tôi đề nghị các bạn thử nghiệm.

 

Chọn Đúng Phương Pháp Thiền Tập Vào Đúng Lúc

 

Mỗi khi bạn cần có sự lựa chọn, có lẽ bạn cũng cảm thấy bối rối. Bây giờ thì bạn đã đọc được nhiều phương pháp thiền tập, bạn nên chọn phương pháp nào? Ví dụ sau đây sẽ trả lời câu hỏi của bạn.

Những người thợ mộc tập sự bắt đầu bằng việc học cách sử dụng những dụng cụ khác nhau cho đến khi họ quen thuộc với chức năng của mỗi dụng cụ. Những thợ mộc bậc thầy khi sắp sửa làm một món đồ dùng, trước tiên sẽ quan sát khúc gỗ mà họ sắp làm. Một khúc gỗ lấy từ kho chứa gỗ cần phải được cưa ra theo từng kích cỡ khác nhau. Rồi họ phải bào nó để xoá hết những dấu răng cưa. Tiếp theo họ phải đánh bóng nó, bắt đầu bằng loại giấy nhám có độ thô lớn nhất, tiếp theo là giấy nhám có độ thô trung bình, rồi đến giấy đánh bóng kính loại mịn nhất. Cuối cùng họ phải dùng một miếng vải đánh bóng mềm mại để chà xát dầu đánh bóng hay sáp. Như vậy, người thợ mộc bậc thầy đã biến đổi một cây gỗ thô nhám từ kho chứa gỗ thành một món đồ dùng đẹp đẽ, láng bóng.

Đôi lúc người thợ mộc bắt đầu với một khúc gỗ đã được bào và đánh bóng bằng giấy nhám. Người thợ mộc bậc thầy quan sát khúc gỗ và biết ngay là nó chỉ cần đánh bóng bằng giấy nhám loại mịn và rồi sẽ chà xát bằng dầu bóng hay vải mềm. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, người thợ mộc bậc thầy bắt đầu với một khúc gỗ láng mướt đến nỗi không cần chà giấy nhám, chỉ cần đánh bóng thật kỹ mà thôi. Đó là những kỹ năng của người thợ mộc bậc thầy.

Cũng vậy, thiền sinh tập sự bắt đầu bằng việc học cách thực hành nhiều phương pháp thiền tập khác nhau cho đến khi họ quen thuộc với công dụng của mỗi phương pháp. Thiền sư sắp sửa hành thiền trước tiên sẽ quan sát trạng thái của tâm mà mình phải đối xử. Nếu trước đó họ đã bận rộn làm việc, họ biết rằng họ sẽ khởi sự với cái tâm rất uể oải dật dờ. Vì vậy họ có thể bắt đầu bằng phương pháp thiền buông thư đơn giản. Có lẽ họ thấy thân thể họ còn tê cứng, nên họ chọn thực tập thiền hành. Khi họ thấy tâm mình không còn uể oải, họ sẽ bắt đầu tỉnh giác về giây phút hiện tại, rồi tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại. Thiền sư đầy kinh nghiệm biết rõ khi nào tâm mình có thể theo dõi hơi thở hay khi nào sẵn sàng thực hành Quán Từ Bi . Họ biết khi nào áp dụng những dụng cụ tinh tế hơn như hoàn toàn duy trì sự tỉnh giác về hơi thở hay tỉnh giác về hơi thở tuyệt đẹpThiền sư đã quá thông thạo với những kỹ năng của mình đến nỗi họ biết đúng lúc nào thì hướng đến định tướng và làm thế nào để nhanh chóng ổn định nó cho đến lúc tâm nhập tầng thiền. Như vậy thiền sư đã chuyển hóa cái tâm uể oải mới vừa ở văn phòng bước ra thành cái tâm sáng chói, êm ái nhu hòa, tuyệt đẹp.

Đôi lúc thiền sư bắt đầu với cái tâm đã lắng dịu và tỉnh thức. Họ quan sát trạng thái của tâm mình và biết ngay rằng họ có thể bỏ qua giai đoạn tỉnh giác về giây phút hiện tại  tỉnh giác im lặng để tiến thẳng đến tỉnh giác về hơi thở hay Quán Từ Bi . Thậm chí họ có thể thấy tâm mình an lạc đến nỗi họ dễ dàng bắt đầu bằng tỉnh giác về hơi thở tuyệt đẹp. Trong vài trường hợp hiếm hoi, thiền sư nhận biết rằng họ đã đạt được tâm đầy uy lựcvững chãi đến nỗi họ có thể khởi định tướng trong vòng vài giây và nhanh chóng nhập địnhĐó là những kỹ năng thiện xảo của một một thiền sư.

Những người thợ mộc ngu ngốc, trong cơn hấp tấp rồ dại, đã lấy một khúc gỗ thô nhám và chà xát nó bằng miếng vải đánh bóng! Họ lãng phí nhiều thời giờ và phá hỏng nhiều miếng vải mịn. Cũng vậy, những thiền sinh vụng về, trong cơn ngã mạn, thậm chí họ không dành thời giờ chú ý đến cái tâm lăng xăng của mình và cố gắng áp dụng tỉnh thức về hơi thở ngay lúc bắt đầu. Họ sẽ lãng phí nhiều thời giờ và tạo ra nhiều vấn đề cho chính mình.

Vì vậy, xin hãy làm quen với nhiều hình thái thiền tập khác nhau cho đến khi bạn biết được cách sử dụng chúng và lúc nào nên sử dụng. Rồi mỗi lúc bạn hành thiền, hãy bắt đầu bằng cách quan sát cái tâm mà bạn phải đối xử, và bạn sẽ hiểu bạn nên sử dụng phương pháp thiền tập nào. Bạn sẽ trở thành một bác sĩ về thiền học, chẩn đoán bệnh chính xác trước khi chữa trị có kết quả tốt đẹp.

 

 (còn tiếp)

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: