Tắc 44 - Tắc 48

25/11/201012:00 SA(Xem: 12542)
Tắc 44 - Tắc 48

BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 44

HÒA SƠN BIẾT ĐÁNH TRỐNG

CÔNG ÁN: Hòa Sơn dạy chúng: Tập học gọi là nghe, tuyệt học gọi là gần, qua được hai cái này là thật qua. Có vị Tăng ra hỏi: Thế nào là thật qua? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống. Tăng lại hỏi: Thế nào là chân đế? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống. Tăng hỏi: Tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, thế nào là phi tâm phi Phật? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống. Tăng hỏi: Khi người hướng thượng đến làm sao tiếp? Hòa Sơn đáp: Biết đánh trống.

GIẢI THÍCH: Hòa Sơn dạy chúng: “Tập học gọi là nghe, tuyệt học gọi là gần, qua được hai cái này là thật qua.” Đoạn này xuất xứ từ bộ luận Bảo Tạng. Học đến vô học gọi là tuyệt học. Vì thế nói, nghe cạn ngộ sâu, nghe sâu chẳng ngộ gọi là tuyệt học. Vĩnh Gia nói: “Bao năm về trước tôi học vấn, cũng từng thảo sớ tầm kinh luận.” Tập học đã hết gọi là “tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”. Đến chỗ tuyệt học mới cùng đạo gần nhau, qua được hai cái học này gọi là thật qua. Vị Tăng này quả là minh mẫn, liền đưa lời này ra hỏi Hòa Sơn. Hòa Sơn đáp “biết đánh trống”. Nên nói lời vô vị nói vô vị. Muốn rõ công án này phải là người hướng thượng mới hay thấy, lời này chẳng dính lý tánh, cũng không chỗ nghị luận. Thẳng đó liền hội, giống như thùng lủng đáy, mới là chỗ an ổn của Thiền tăng, khế hợp với ý Tổ sư từ Tây sang. Vì thế Vân Môn nói: Tuyết Phong đá cầu, Hòa Sơn đánh trống, Quốc sư chén nước, Triệu Châu uống trà, trọn nêu lên việc hướng thượng. Tăng lại hỏi, thế nào là chân đế? Đáp biết đánh trống. Chân đế là chẳng lập một pháp. Nếu là tục đế thì muôn vật đầy đủ. Chân tục không hai là Thánh đế nghĩa thứ nhất. Tăng lại hỏi, tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, thế nào là phi tâm phi Phật? Đáp biết đánh trống. Tức tâm tức Phật thì dễ tìm, đến phi tâm phi Phật thì rất khó, ít có người đến. Tăng lại hỏi, khi người hướng thượng đến làm sao tiếp? Đáp biết đánh trống. Người hướng thượng tức là người thấu thoát tự tại. Bốn câu đáp này, các nơi lấy làm tông chỉ, gọi là Hòa Sơn Bốn Đánh Trống. Đến như Tăng hỏi Cảnh Thanh: đầu năm mới lại có Phật pháp hay không, Cảnh Thanh đáp: Có. Tăng hỏi: Thế nào là Phật pháp đầu năm? Cảnh Thanh nói: Đầu năm mới mở phúc, muôn vật đều mới. Tăng thưa: Tạ Thầy đáp thoại. Cảnh Thanh nói: Lão tăng ngày nay mất lợi. Giống loại đáp thoại này có mười tám thứ mất lợi. Lại có vị Tăng hỏi Đại sư Tịnh Quả: Khi hạt đậu tùng côi thì thế nào? Tịnh Quả đáp: Dưới gót chân một trường hổ thẹn. Tăng lại hỏi: Khi tuyết phủ ngàn núi thì thế nào? Đáp: Sau khi mặt trời lên, một trường hổ thẹn. Tăng hỏi: Khi Hội Xương sa thải Hộ thần pháp đi về đâu? Đáp: Ngoài ba cửa hai kẻ, một trường hổ thẹn. Các nơi gọi là Ba Hổ Thẹn. Bảo Phước hỏi Tăng: Trong điện là Phật gì? Tăng đáp: Hòa thượng định đúng xem? Bảo Phước nói: Ông già Thích-ca. Tăng thưa: Chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Lại hỏi Tăng: Ông tên gì? Tăng thưa: Hàm Trạch. Bảo Phước nói: Nếu gặp khi khô cạn thì thế nào? Tăng thưa: Ai là người khô cạn? Bảo Phước nói: Ta. Tăng thưa: Hòa thượng chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Lại hỏi Tăng: Ông làm nghề gì mà ăn to thế? Tăng thưa: Hòa thượng cũng chẳng nhỏ. Bảo Phước làm thế ngồi xổm. Tăng thưa: Hòa thượng chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Lại hỏi Tăng coi phòng tắm: Nồi nước tắm rộng bao nhiêu? Tăng thưa: Thỉnh Hòa thượng lường xem. Bảo Phước làm thế lường. Tăng thưa: Hòa thượng chớ lừa người. Bảo Phước nói: Lại là ngươi lừa ta. Các nơi gọi là Bảo Phước Bốn Lừa Người. Đến như Tuyết Phong bốn thùng sơn, đều là bậc Tông sư từ trước, mỗi vị xuất phát ý chỉ thâm diệu làm cơ tiếp người. Tuyết Đậu ở sau dẫn một đoạn, y Vân Môn dạy chúng, tụng ra công án này:

TỤNG:

Nhất duệ thạch
Nhị ban thổ
Phát cơ tu thị thiên quân nỗ
Tượng Cốt lão sư tằng côn cừu
Tranh tự Hòa Sơn giải đả cổ.
Báo quân tri
Mạc mãng lỗ
Điềm giả điềm hề khổ giả khổ.

DỊCH:

Một khuân đá
Hai ban đất
Phát cơ phải là ngàn quân nỏ
Lão sư Tượng Cốt từng đá cầu
Nào giống Hòa Sơn biết đánh trống.
Bảo anh hay
Chớ bướng bỉnh
Ngọt là ngọt chừ đắng là đắng.

GIẢI TỤNG: Một hôm Qui Tông công tác công cộng khiêng đá. Qui Tông hỏi: Duy na đi chỗ nào? Duy na thưa: Đi khuân đá. Qui Tông bảo: Đá từ ông khuân, tức chẳng được động đến giữa cây đòn. Mộc Bình có Tăng mới đến, trước sai ba lần gánh đất. Mộc Bình có tụng dạy chúng: “Núi đông lộ hẹp, núi tây thấp, mới đến chớ từ ba gánh đất, thương ông giữa đường đã nhiều năm, rõ ràng chẳng hiểu lại thành tối.” Sau có vị Tăng hỏi: Trong ba gánh không hỏi, việc ngoài ba gánh là thế nào? Mộc Bình đáp: Thiên tử thiết luân hoàn trung lệnh. Tăng câm họng, Mộc Bình liền đánh. Vì thế nói “một khuân đá, hai ban đất”. “Phát cơ phải là ngàn quân nỏ”, Tuyết Đậu dùng cây nỏ ngàn quân dụ cho lời này, cần thấy chỗ kia vì người. Ba mươi cân là một quân, một ngàn quân tức là ba muôn cân. Phải là rồng to, cọp mạnh, thú dữ mới dùng đến cây nỏ này. Nếu là chim hạc hay vật nhỏ ắt không nên khinh thường mà phát. Vì thế, cây nỏ ngàn quân chẳng vì gà chuột mà phát cơ. “Lão sư Tượng Cốt từng đá cầu”, một hôm Tuyết Phong thấy Huyền Sa đến, ba trái cầu gỗ đồng thời phóng ra, Huyền Sa liền làm thế chẻ bia. Tuyết Phong thầm nhận đó. Tuy nhiên thảy là chỗ toàn cơ đại dụng, đều không bằng Hòa Sơn “biết đánh trống”. Quả thật thẳng tắt, chỉ là khó hội. Vì thế Tuyết Đậu nói “nào giống Hòa Sơn biết đánh trống”. Lại ngại người chỉ ở trên đầu lời nói làm kế sống, chẳng biết lai do, lại sanh càn càn rỡ rỡ. Cho nên nói “bảo anh hay, chớ bướng bỉnh”, phải thật đến loại điền địa này mới được. Nếu thật không bướng bỉnh, “ngọt là ngọt chừ đắng là đắng”. Tuy nhiên Tuyết Đậu niêm lộng như thế, cứu kính cũng nhảy chẳng khỏi.

TẮC 45

TRIỆU CHÂU ÁO VẢI BẢY CÂN

LỜI DẪN: Cần nói liền nói, cả thảy không đối, nên đi liền đi toàn cơ chẳng nhượng, như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, nhanh như chớp, lẹ như gió, mau như nước chảy, gấp như đi trên đao bén, đưa lên kiềm chùy hướng thượng, chưa khỏi mất cơ líu lưỡi. Đưa ra một đường, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Muôn pháp về một, một về chỗ nào? Triệu Châu đáp: Ta ở Thanh Châu dệt được một áo vải bố nặng bảy cân.

GIẢI THÍCH: Nếu nhằm chỗ một kích động liền đi mà hội được, lỗ mũi các vị Hòa thượng già ở mọi nơi, một lúc xỏ xong, không làm gì được ông, tự nhiên nước dồn chảy thành ngòi đầm. Nếu do dự thì Lão tăng ở dưới gót chân ông. Chỗ tỉnh yếu của Phật pháp chẳng phải ở nhiều lời, chẳng phải ở nói lắm. Chỉ như vị Tăng này hỏi Triệu Châu “muôn pháp về một, một về chỗ nào”, Triệu Châu lại đáp “ta ở Thanh Châu dệt được một áo vải bố nặng bảy cân”, nếu nhằm trên ngữ cú mà biện thì lầm nhận định bàn tính (một tiêu chuẩn cố định). Nếu chẳng nhằm trên ngữ cú mà biện, tại sao lại nói thế ấy? Công án này tuy khó thấy mà dễ hội, tuy dễ hội lại khó thấy. Khó thì núi bạc vách sắt, dễ thì liền đó tỉnh tỉnh, không có chỗ cho ông suy nghĩ phải quấy. Thoại này cùng câu Phổ Hóa nói “ngày mai ở trong viện Đại Bi có trai”, lại không có hai thứ. Một hôm, có Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang? Triệu Châu đáp: Cây bá ở trước sân. Tăng thưa: Hòa thượng chớ đem cảnh chỉ người. Triệu Châu bảo: Lão tăng chẳng từng đem cảnh chỉ người. Xem kia thế ấy, nhằm chỗ cực tắc chuyển chẳng được mà chuyển được, tự nhiên che trời che đất. Nếu chuyển chẳng được thì chạm đến thành kẹt. Hãy nói Triệu ChâuPhật pháp thương lượng hay không? Nếu nói có Phật pháp, Triệu Châu đâu từng nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu. Nếu nói không có chỉ thú Phật pháp, Triệu Châu chẳng từng cô phụ lời hỏi của ông. Đâu chẳng thấy Tăng hỏi Hòa thượng Mộc Bình: Thế nào là đại ý Phật pháp? Mộc Bình đáp: Trái bí đao này lớn như thế. Lại Tăng hỏi Cổ đức: Chỗ núi sâu vực thẳm vắng bặt không người, lại có Phật pháp hay không? Cổ đức đáp: Có. Tăng hỏi: Thế nào là Phật pháp trong núi sâu? Cổ đức đáp: Cục đá lớn là lớn, nhỏ là nhỏ. Xem loại công án này lời kỳ quái tại chỗ nào? Tuyết Đậu biết chỗ rơi của kia, nên vạch bày nghĩa lộ vì ông tụng ra:

TỤNG:

Biên tịch tằng ai lão cổ chùy
Thất cân sam trọng kỷ nhân tri
Như kim phao trịch Tây Hồ lý
Hạ tải thanh phong phó dữ thùy.

DỊCH:

Biên tịch từng đưa lão cổ chùy
Áo vải bảy cân mấy người tri
Như nay ném thẳng Tây Hồ ấy
Hạ tải gió lành gởi cho ai.

GIẢI TỤNG: Trong mười tám lối hỏi, câu hỏi này gọi là biên tịch. Tuyết Đậu nói “biên tịch từng đưa lão cổ chùy”, biên tịch muôn pháp đem về một mối. Vị Tăng này cốt xô đẩy Triệu Châu. Triệu Châu quả là hàng tác gia gặp chỗ chuyển không được, có con đường xuất thân, dám mở miệng to nói “ta ở Thanh Châu dệt một áo vải nặng bảy cân”. Tuyết Đậu nói “áo vải bảy cân mấy người tri, như nay ném thẳng Tây Hồ ấy”, muôn pháp về một, một cũng chẳng cần. Áo vải bảy cân cũng chẳng cần, đồng thời ném xuống Tây Hồ. Tuyết Đậu ở Thúy Phong Động Đình có Tây Hồ. Câu “hạ tải gió lành gởi cho ai”, đây là Triệu Châu dạy chúng: Nếu ông hướng bắc đến vì ông thượng tải, nếu ông hướng nam đến vì ông hạ tải. Nếu ông từ Tuyết Phong, Vân Cư đến cũng là kẻ gánh bản. Tuyết Đậu nói gió lành như thế kham gởi cho ai. Thượng tải là vì ông nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu, các thứ phương tiện. Nếu là hạ tải thì không có những thứ nghĩa lý huyền diệu. Có một người gánh một gánh thiền đến chỗ Triệu Châu, một điểm cũng sử dụng không được, đồng thời vì y nhồi thành khối khiến sạch trơn thong dong, không có một sự kiện nào gọi là ngộ rồi đồng chưa ngộ. Như nay có người trọn làm vô sự để hội. Có người nói: “Không mê không ngộ, chẳng cần lại cầu. Chỉ như khi Phật chưa ra đời, khi Tổ Đạt-ma chưa sang xứ này, chẳng phải chẳng thế ấy, dùng Phật ra đời làm gì, Tổ sư Tây sang làm gì?” Thảy như thế nào có dính dáng. Cần phải đại triệt đại ngộ rồi, như xưa núi là núi, nước là nước, cho đến muôn pháp thảy đều hiện thành, mới làm người vô sự. Long Nha nói: “Học đạo trước cần có ngộ do, lại như từng dự hội đua thuyền, tuy nhiên gác cũ đất nhàn rỗi, một phen gánh vác mới nên thôi.” Chỉ như áo vải bảy cân này của Triệu Châu, xem thấy người xưa nói như vàng như ngọc. Sơn tăng nói thế ấy, các ông nghe thế ấy, thảy đều là thượng tải. Hãy nói thế nào là hạ tải? Dưới ba cây đòn tay, xem lấy.

TẮC 46

CẢNH THANH TIẾNG MƯA RƠI

LỜI DẪN: Một chùy liền thành siêu phàm vượt Thánh, nửa câu khả dĩ mở trói gỡ niêm, như đi trên tảng băng, chạy trên kiếm bén, ngồi trong khối thanh sắc, đi trên đầu thanh sắc. Diệu dụng dọc ngang gác lại, khoảng sát-na liền đi thế nào, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Cảnh Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Tăng thưa: Hòa thượng thì thế nào? Cảnh Thanh bảo: Toàn chẳng quên mình. Tăng thưa: Toàn chẳng quên mình ý chỉ thế nào? Cảnh Thanh bảo: Xuất thân vẫn còn dễ, thoát thể nói rất khó.

GIẢI THÍCH: Chỉ trong này khéo tiến lấy, cổ nhân dùng một cơ một cảnh cần tiếp người. Một hôm, Cảnh Thanh hỏi Tăng: Ngoài cửa là tiếng gì? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Thanh bảo: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Lại hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì? Tăng thưa: Tiếng chim bột cưu. Thanh bảo: Muốn được chẳng chuốc nghiệp vô gián, chớ chê bai chánh pháp Như Lai. Lại hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì? Tăng thưa: Tiếng rắn bắt nhái kêu. Thanh bảo: Sẽ bảo chúng sanh khổ, lại có khổ chúng sanh. Những câu này với công án ở trước không có hai thứ. Hàng Thiền tăng ở trong đây thấu được thì ở trong thanh sắc chẳng ngại tự do. Nếu thấu chẳng được liền bị thanh sắc lôi. Công án này, các nơi gọi là lời “tôi luyện”. Nếu là “tôi luyện” chỉ thành tâm hạnh, không thấy được chỗ vì người của cổ nhân. Cũng gọi lời này là “thấu thanh sắc”, một sáng đạo nhãn, hai sáng thanh sắc, ba sáng tâm tông, bốn sáng vọng tình, năm sáng triển diễn. Song rất chín chắn, đâu ngờ thành hang ổ. Cảnh Thanh hỏi: Ngoài cửa là tiếng gì? Tăng thưa: Tiếng mưa rơi. Lại nói: Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật. Người ta lầm hội, cho là cố ý chuyển người, quả thật không dính dáng. Đâu chẳng biết Cảnh Thanh có thủ đoạn vì người, mật lớn chẳng nệ một cơ một cảnh, rất mực chẳng tiếc lông mày. Cảnh Thanh đâu chẳng biết tiếng mưa rơi, tại sao lại hỏi? Phải biết cổ nhân dùng sào dò bóng cỏ, cốt nghiệm vị Tăng này. Vị Tăng này khéo xô đẩy liền hỏi: Hòa thượng thì sao? Liền được Cảnh Thanh vào bùn vào nước, nói với ông “toàn chẳng quên mình”. Vị Tăng kia quên mình theo vật là phải, Cảnh Thanh vì sao cũng quên mình? Phải biết nghiệm trong câu kia liền có chỗ xuất thân. Vị Tăng này quá lầm lẫn cốt cắt đứt lời này, hỏi: Chỉ cái chẳng quên mình ý chỉ thế nào? Nếu là tông môn Đức Sơn, Lâm Tế thì gậy hét đã hiện. Cảnh Thanh thông qua một bước, tùy kia tạo sắn bìm, nói với kia “xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó”. Tuy nhiên thế ấy, người xưa nói tương tục cũng rất khó. Cảnh Thanh chỉ một câu vì vị Tăng này sáng việc lớn dưới gót chân. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Hư đường vũ trích thanh
Tác giả nan thù đối
Nhược vị tằng nhập lưu
Y tiền hoàn bất hội
Hội bất hội
Nam sơn Bắc sơn chuyển bàng phái.

DỊCH:

Nhà trống tiếng mưa rơi
Tác giả khôn đối đáp
Nếu bảo từng nhập lưu
Như trước lại chẳng hội
Hội chẳng hội
Núi Nam núi Bắc mưa xối xả.

GIẢI TỤNG: “Nhà trống tiếng mưa rơi, tác giả khôn đối đáp”, nếu nói tiếng mưa rơi thì quên mình theo vật, chẳng nói tiếng mưa rơi lại làm sao chuyển vật? Đến trong ấy, dù là tác giả cũng khó đối đáp. Vì thế, cổ nhân nói: “Thấy cùng thầy bằng, kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy, mới kham truyền thọ.” Nam Viện nói: “Dưới gậy vô sanh nhẫn, lâm cơ chẳng nhượng thầy.” “Nếu bảo từng nhập lưu, như trước lại chẳng hội”, trong kinh nói: “Ban đầu trong cái nghe nhập lưu vong sở, sở nhập đã lặng, hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh…” Nếu nói là tiếng mưa rơi thì chẳng phải. Nếu nói chẳng phải tiếng mưa rơi cũng chẳng phải. Phần trước bài tụng hai hét cùng ba hét. Tác giả biết cơ biến chính là loại tụng này. Nếu nói là vào thanh sắc cũng chẳng phải. Nếu gọi là thanh sắc, như trước chẳng hiểu ý kia. Ví như lấy tay chỉ mặt trăng, mặt trăng chẳng phải là ngón tay. Hội cùng chẳng hội, núi Bắc núi Nam mưa xối xả vậy.

TẮC 47

VÂN MÔN SÁU CHẲNG THÂU

LỜI DẪN: Trời nói gì đâu bốn mùa đi vậy, đất nói gì đâu vạn vật sanh vậy. Nhằm chỗ bốn mùa đi khả dĩ thấy thể, ở chỗ vạn vật sanh khả dĩ thấy dụng. Hãy nói nhằm chỗ nào thấy được Thiền tăng? Lìa sạch ngôn ngữ động dụng, đi đứng ngồi nằm, dẹp hết môi mép cuống họng, lại biện được chăng?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là Pháp thân? Vân Môn đáp: Sáu chẳng thâu.

GIẢI THÍCH: Vân Môn nói sáu chẳng thâu hẳn là khó nắm. Nếu nhằm khi điềm ứng chưa phân nắm được, đã là đầu thứ hai. Nếu nhằm khi điềm ứng đã sanh tiến được, lại rơi vào đầu thứ ba. Nếu nhằm trên ngôn cú biện minh, rốt cuộc dò tìm chẳng được. Cứu kính cái gì là Pháp thân? Nếu là hàng tác gia vừa nghe cử lên liền đứng dậy đi ra. Nếu chờ suy đợi cơ, hãy lắng nghe xử phân. Thượng tọa Phù ở Thái Nguyên trước là Giảng sư, một hôm lên tòa giảng về Pháp thân, nói “dọc cùng tam tế, ngang khắp mười phương”. Có một Thiền khách ở dưới tòa nghe liền bật cười. Phù xuống tòa, hỏi: Vừa rồi tôi có chỗ nào dở, mong Thiền giả vì chỉ cho. Thiền khách nói: Tọa chủ chỉ giảng được bên lượng của Pháp thân, mà chẳng thấy Pháp thân. Phù hỏi: Cứu kính thế nào mới phải? Thiền khách bảo: Hãy tạm bãi giảng, ngồi trong thất vắng, ắt được tự thấy. Phù làm như lời Thiền khách. Một đêm ngồi yên lặng bỗng nghe đánh chuông canh năm, hốt nhiên đại ngộ, liền chạy gõ cửa Thiền khách nói: Tôi ngộ rồi. Thiền khách hỏi: Ông thử nói xem? Phù nói: “Kể từ ngày nay tôi chẳng nắm cái lỗ mũi của cha mẹ sanh ra.” Trong kinh nói: “Chân Pháp thân Phật ví như hư không, ứng vật hiện hình như trăng trong nước.” Lại Tăng hỏi Giáp Sơn: Thế nào là Pháp thân? Giáp Sơn đáp: Pháp thân không tướng. Hỏi: Thế nào là Pháp nhãn? Đáp: Pháp nhãn không tỳ. Vân Môn nói: Sáu chẳng thâu. Công án này có người nói: Chỉ là sáu căn sáu trần sáu thức, sáu cái này từ Pháp thân sanh, nên sáu căn thâu nó không được. Nếu tình giải thế ấy, quả thật chẳng dính dáng, lại làm đới lụy Vân Môn. Cần thấy liền thấy, không có chỗ cho ông xuyên tạc. Trong kinh nói: “Pháp ấy chẳng phải chỗ suy nghĩ phân biệt hay hiểu.” Vân Môn đáp câu hỏi phần nhiều gợi lên tình giải của người. Vì thế, trong một câu phải đủ ba câu, lại chẳng cô phụ lời hỏi của ông, hợp thời hợp tiết, một lời một câu, một vạch một chấm cũng có chỗ xuất thân. Cho nên nói: “Một câu thấu, ngàn câu muôn câu đồng thời thấu.” Hãy nói là Pháp thân, là Tổ sư? Tha ngươi ba mươi gậy. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Nhất nhị tam tứ ngũ lục
Bích nhãn Hồ Tăng sổ bất túc
Thiếu Lâm mạn đạo phó Thần Quang
Quyện y hựu thuyết qui Thiên Trúc.
Thiên Trúc mang mang vô xứ tầm
Dạ lai khước đối Nhũ Phong túc.

DỊCH:

Một hai ba bốn năm sáu
Hồ Tăng mắt biếc đếm không đủ
Thiếu Lâm dối nói trao Thần Quang
Cuộn áo lại bảo về Thiên Trúc.
Thiên Trúc mênh mang không chỗ tìm
Đêm về lại đến Nhũ Phong ngủ.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu thực tài ở chỗ không thưa hở, xuất phát nhãn mục tụng ra cho người thấy. Vân Môn nói “sáu chẳng thâu”. Tuyết Đậu vì sao nói “một hai ba bốn năm sáu”, liền nói “Hồ tăng mắt biếc đếm không đủ”? Bởi vì, “chỉ cho lão Hồ biết, chẳng cho lão Hồ hiểu”. Phải là lại cho con cháu trong nhà kia mới được. Như trên nói một lời một câu hợp thời tiết, nếu thấu được mới biết nói không ở trong ngôn cú. Nếu chưa được thế, chẳng khỏi khởi tình giải. Ngũ Tổ lão sư nói: “Phật Thích-ca Mâu-ni, khách hạ tiện làm con, cây bá ở trước sân, một hai ba bốn năm.” Nếu nhằm dưới ngôn cú Vân Môn thấy được cùng tột thì đến cảnh giới này. “Thiếu Lâm dối nói trao Thần Quang”, Nhị Tổ trước tên Thần Quang. Nhẫn đến sau này lại nói “về Thiên Trúc”. Tổ Đạt-ma tịch, nhập tháp dưới núi Hùng Nhĩ, khi ấy Tống Vân vâng lệnh đi sứ Tây về, đến ngọn núi phía Tây thấy Tổ Đạt-ma quảy một chiếc giày trở về Tây thiên… Tống Vân về triều tâu lại, triều đình cho khai tháp xem, chỉ thấy để lại một chiếc giày. Tuyết Đậu nói “kỳ thật việc này làm sao phân phó”? Đã không phân phó “cuộn áo lại bảo về Thiên Trúc”. Hãy nói vì sao xứ này lại có sáu vị thứ lớp trao truyền nhau? Trong đây quả thật kỳ quái, phải là nắm được mới có thể nhập. Câu “Thiên Trúc mênh mang không chỗ tìm, đêm về lại đến Nhũ Phong ngủ”, thử nói hiện nay ở chỗ nào? Sư liền đánh, nói: Mù!

TẮC 48

CHIÊU KHÁNH LẬT NGƯỢC ẤM TRÀ

CÔNG ÁN: Vương Thái Phó vào chùa Chiêu Khánh nấu trà. Khi ấy Thượng tọa Lãng cùng Minh Chiêu đang soạn ấm trà. Lãng lật ngược ấm trà lại. Thái Phó thấy hỏi: Dưới lò trà là cái gì? Lãng nói: Thần bưng lò. Thái Phó hỏi: Đã là thần bưng lò vì sao lại lật ngược ấm trà? Lãng đáp: Làm quan ngàn ngày, mất ở một buổi. Thái Phó phủi áo đi ra. Minh Chiêu nói: Thượng tọa Lãng ăn cơm Chiêu Khánh xong, lại đi ngoài sông đánh gốc cây cháy. Lãng hỏi: Hòa thượng thì sao? Minh Chiêu bảo: Phi nhân được cơ hội thuận tiện. (Tuyết Đậu nói: Khi ấy chỉ đạp nhào lò trà.)

GIẢI THÍCH: Muốn biết nghĩa Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên. Vương Thái Phó coi Tuyền Châu, tham vấn Chiêu Khánh đã lâu. Một hôm nhân vào chùa, Thượng tọa Lãng nấu trà, lật úp ấm trà. Thái Phó cũng là hàng tác gia, vừa thấy lật úp ấm trà liền hỏi: Thượng tọa! Dưới lò trà là gì? Lãng đáp: Thần bưng lò. Quả là trong lời có vang, song đầu đuôi trái nhau, mất đi tông chỉ, chạm bén đứt tay, chẳng những cô phụ chính mình cũng xúc phạm kẻ khác. Cái này tuy không có việc được mất, song nêu lên, như trước có thân sơ, có đen trắng. Nếu luận việc này chẳng ở trên ngôn cú, lại cũng nhằm trên ngôn cú biện chỗ sống. Vì thế nói kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Cứ theo Thượng tọa Lãng nói thế ấy như chó điên đuổi bóng. Thái Phó phủi áo ra đi, dường như không chấp nhận kia. Minh Chiêu nói: Thượng tọa Lãng ăn cơm Chiêu Khánh xong, lại đi ngoài sông đánh gốc cây cháy. Gốc cây cháy tức là gốc cây ở trong đồng hoang bị lửa cháy, gọi là gốc cây cháy. Dùng câu này để chỉ Thượng tọa Lãng chẳng nhằm chỗ chánh mà đi, lại nhằm bên ngoài mà chạy. Lãng đẩy lại hỏi: Hòa thượng thì sao? Chiêu đáp: Phi nhân được cơ hội thuận tiện. Minh Chiêu tự nhiên có chỗ xuất thân, cũng chẳng cô phụ câu hỏi của kia. Cho nên nói chó dữ cắn người chẳng nhe răng. Hòa thượng Triết ở Qui Sơn nói: Vương Thái Truyền giống như cướp ngọc mà được bông tua chiếc mũ. Minh Chiêu không cam chịu đựng, khó gặp cơ hội tốt. Đại Qui nếu làm Thượng tọa Lãng thấy Thái Phó phủi áo ra đi, liền buông ấm trà xuống cười ha hả! Tại sao? - Thấy đó chẳng chụp ngàn năm khó gặp. Như Bảo Thọ hỏi Hồ Đình Giao: Đã lâu nghe danh Hồ Đình Giao, có phải đây chăng? Giao thưa: Phải. Thọ hỏi: Lại đóng được hư không chăng? Giao thưa: Mời Thầy đập phá. Thọ liền đánh. Giao chẳng nhận. Thọ bảo: Ngày khác sẽ có ông thầy lanh mồm vì ông điểm phá. Giao sau gặp Triệu Châu thuật lại câu nói trước. Châu hỏi: Ông vì sao bị Bảo Thọ đánh? Giao thưa: Chẳng biết lỗi tại chỗ nào? Châu bảo: Chỉ một đường tơ này còn không thể được, lại bảo đập phá hư không. Giao liền thôi. Châu nói thế: Hãy đóng một đường tơ này. Giao khi đó có tỉnh. Thầy Mễ Thất ở Kinh Triệu đi hành cước về, có vị Lão túc hỏi: Sợi dây kéo nước đứt bỏ ngoài đường, ban đêm người ta cho là rắn, chưa biết thầy Thất khi thấy Phật gọi là gì? Thầy Thất đáp: Nếu có cái để thấy tức đồng chúng sanh. Lão túc nói: Cũng là hạt đào ngàn năm. Quốc sư Trung hỏi Cung Phụng Tử Lân: Nghe nói Cung Phụng chú giải kinh Tư Ích phải chăng? Cung Phụng đáp: Phải. Quốc sư bảo: Phàm chú kinh phải hiểu ý Phật mới được. Phụng đáp: Nếu chẳng hiểu đâu dám nói chú kinh. Quốc sư sai Thị giả đem một chén nước, bảy hột gạo, một chiếc đũa để trên cái chén, trao cho Cung Phụng, hỏi: Ấy là nghĩa gì? Phụng đáp: Chẳng hiểu. Quốc sư bảo: Ý của Lão sư còn chẳng hiểu, lại nói gì ý Phật? Vương Thái Phó với Thượng tọa Lãng nói như thế, người hiểu không phải một. Rốt sau Tuyết Đậu lại nói: Khi ấy chỉ đạp nhào lò trà. Minh Chiêu tuy như thế, trọn chẳng bằng Tuyết Đậu. Tuyết Phong ở trong hội Động Sơn làm phạn đầu, một hôm đãi gạo, Động Sơn hỏi: Làm gì? Phong thưa: Đãi gạo. Động Sơn hỏi: Đãi gạo bỏ cát, đãi cát bỏ gạo? Phong thưa: Gạo cát đồng thời bỏ. Động Sơn hỏi: Đại chúng lấy gì ăn? Phong liền úp chậu lại. Động Sơn bảo: Nhân duyên của ông không phải ở đây. Tuy nhiên thế ấy, đâu giống Tuyết Đậu nói “khi ấy chỉ đạp nhào lò trà”. Bậc nhất đẳngthời tiết gì? Đến chỗ dụng kia vượt nay suốt xưa, có chỗ sống linh hoạt.

TỤNG:

Lai vấn nhược thành phong
Ứng cơ phi thiện xảo
Kham bi độc nhãn long
Tằng vị trình nha trảo.
Nha trảo khai
Sanh vân lôi
Nghịch thủy chi ba kinh kỷ hồi.

DỊCH:

Đến hỏi nếu thành phong
Ứng cơ chẳng khéo léo
Đáng buồn một mắt rồng
Chưa từng trình nanh vuốt.
Nanh vuốt bày
Mây sấm dậy
Sóng vỗ ngược dòng bao giờ về.

GIẢI TỤNG: Hai câu “đến hỏi nếu thành phong, ứng cơ chẳng khéo léo”, là nói chỗ hỏi của Thái Truyền giống như vận dụng rìu thành gió. Đây là xuất xứ từ Trang Tử, trong ấy nói: Người đất Vĩnh lấy đất trét vách, còn trống một lỗ nhỏ xíu, bèn vò một hòn đất tròn ném vào liền kín, khi ấy có chút đất nhỏ rơi dính chót mũi ông ta. Bên cạnh có người thợ mộc bảo: Anh bổ chỗ thiếu rất khéo, tôi vận dụng chiếc rìu vì anh phủi chút bùn ở chót mũi. Mảnh bùn dính chót mũi bằng con ruồi đậu, bảo anh thợ mộc đẽo nó. Anh thợ mộc vận dụng chiếc rìu thành gió đẽo sạch mảnh bùn mà chẳng chạm đến lỗ mũi, người đất Vĩnh đứng bình thường không đổi sắc mặt, để nói hai người đều khéo léo. Thượng tọa Vĩnh tuy ứng với cơ mà lời không khéo. Vì thế, Tuyết Đậu nói “đến hỏi nếu thành phong, ứng cơ không khéo léo, đáng buồn một mắt rồng, chưa từng trình nanh vuốt”. Minh Chiêu nói rất kỳ đặc, song chưa dồn mây dậy mưa có Tuyết Đậu đứng bên chẳng nhận, không chịu nổi liền thay kia nói ra. Tuyết Đậu thầm hợp với ý kia, tự tụng lời “đạp nhào lò trà”. “Nanh vuốt bày, mây sấm dậy, sóng vỗ ngược dòng bao giờ về.” Vân Môn nói: Chẳng mong ông có tài sóng ngược nước, chỉ có ý thuận dòng cũng được. Vì thế nói: Dưới câu sống tiến được vĩnh kiếp chẳng quên. Thượng tọa Lãng cùng Minh Chiêu ngữ cú tợ chết. Nếu cần thấy chỗ sống, chỉ xem Tuyết Đậu đạp nhào lò trà.






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.