Thư Viện Hoa Sen

Tắc 57 - Tắc 62

25/11/201012:00 SA(Xem: 12524)
Tắc 57 - Tắc 62

BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980


TẮC 57

TRIỆU CHÂU KẺ TỚ RUỘNG NHÀ

LỜI DẪN: Trước khi chưa thấu được, như núi bạc vách sắt, đến khi thấu được, chính mình xưa nay là vách sắt núi bạc. Hoặc có người hỏi: Phải làm sao? Chỉ nói với y: Nếu nhằm trong ấy bày được một cơ thấy được một cảnh, ngồi đoạn yếu tân, chẳng thông phàm Thánh, chưa là việc phần ngoại. Nếu chưa được như thế, xem lấy bóng dáng cổ nhân.

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: “Chí đạo không khó, chỉ hiềm giản trạch”, thế nào là chẳng giản trạch? Triệu Châu đáp: Trên trời dưới trời, chỉ ta hơn hết. Tăng thưa: Đây vẫn là giản trạch. Triệu Châu bảo: Kẻ tớ ruộng nhà, chỗ nào là giản trạch? Tăng không đáp được.

GIẢI THÍCH: Tăng hỏi Triệu Châu “chí đạo không khó chỉ hiềm giản trạch”, trong bài Tín Tâm Minh của Tam Tổ mở đầu là hai câu này. Có nhiều người hiểu lầm. Vì sao? Chí đạo vốn không khó cũng không chẳng khó, chỉ là chỉ hiềm giản trạch? Nếu hiểu thế ấy một muôn năm cũng chưa mộng thấy. Triệu Châu thường lấy câu này hỏi người. Vị Tăng đem câu này hỏi lại Triệu Châu. Nếu nhằm trên ngôn cú tìm thì vị Tăng này là kinh thiên động địa. Nếu chẳng ở trên ngôn cú lại làm sao? - Lại tham ba mươi năm, cây chốt cửa này phải xoay được mới mong mở ra. Nhổ râu cọp phải là có thủ đoạn bổn phận mới được. Vị Tăng này chẳng ngại nguy vong, dám nhổ râu cọp, nói rằng: “Vẫn còn giản trạch.” Triệu Châu nhằm miệng liền bít, nói: “Kẻ tớ ruộng nhà, chỗ nào là giản trạch?” Nếu hỏi đến kẻ khác liền thấy tay chân rối loạn, đâu ngờ lão này là bậc tác gia, nhằm chỗ động không được liền động, chỗ xoay không được liền xoay. Nếu ông thấu được, tất cả ngôn cú ác độc, nhẫn đến ngàn sai muôn trạng hí luậnthế gian, đều là thượng vị đề-hồ. Nếu đến được chỗ thật, mới thấy Triệu Châu lòng son từng mảnh. Kẻ tớ ruộng nhà là tiếng người làng Phước Đường mắng người giống như không ý trí. Vị Tăng này nói “vẫn còn giản trạch”. Triệu Châu bảo: “Kẻ tớ ruộng nhà, chỗ nào là giản trạch?” Cặp mắt Tông sư phải đến thế ấy, như chim cánh vàng vạch biển bắt rồng nuốt. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Tợ hải chi thâm
Như sơn chi cố
Văn manh lộng không lý mãnh phong
Lữ nghị hám ư thiết trụ.
Giản hề trạch hề
Đương hiên bố cổ.

DỊCH:

Giống như biển sâu
Dường thể núi cứng
Muỗi nhặng ở trong gió mạnh đùa
Cào kiến lay cây cọc sắt.
Giản chừ trạch chừ
Ngay hiên treo trống.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu chú hai câu “giống như biển sâu, dường thể núi cứng”. Tăng nói vẫn là giản trạch. Tuyết Đậu nói vị Tăng này giống như “muỗi nhặng ở trong gió mạnh đùa, cào kiến lay cây cọc sắt”. Tuyết Đậu khen ông ấy lớn mật. Vì sao? Đây là người trên dùng mà y dám nói thế ấy. Triệu Châu cũng không tha y, nói: “Kẻ tớ ruộng nhà, chỗ nào là giản trạch?” Đâu chẳng phải gió mạnh cọc sắt sao? Hai câu “giản chừ trạch chừ, ngay hiên treo trống”, rốt sau Tuyết Đậu đề khởi bảo cho được sống. Nếu biết được mười phần minh bạch, sau này ông tự liễu vậy. Tại sao? Đâu chẳng thấy nói: Muốn được thân thiết, chớ đem hỏi đến hỏi. Thế nên “ngay hiên treo trống”.

TẮC 58

TRIỆU CHÂU BỐI RỐI

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: “Chí đạo không khó, duy hiềm giản trạch”, phải là sào huyệt của thời nhân chăng? Triệu Châu đáp: Đã có người hỏi tôi, mà mãi đến năm năm vẫn còn bối rối

GIẢI THÍCH: Triệu Châu bình sanh chẳng hành gậy hét, mà dùng được còn hơn gậy hét. Vị Tăng này hỏi rất kỳ quái, nếu không phải là Triệu Châu thì khó đáp được cho y. Bởi Triệu Châu là hàng tác gia, chỉ nói với y “đã có người hỏi tôi, mãi đến năm năm vẫn còn bối rối”. Chỗ hỏi vách cao ngàn nhẫn, chỗ đáp cũng chẳng nhẹ hơn. Nếu thế ấy hội, chính là đương đầu, nếu chẳng thế ấy hội, chớ khởi so tính đạo lý. Đâu chẳng thấy Tông đạo giả trụ Đầu Tử, lúc còn ở trong hội Tuyết Đậu làm thơ ký, Tuyết Đậu dạy tham “chí đạo không khó, duy hiềm giản trạch”, nơi đây có tỉnh. Một hôm, Tuyết Đậu hỏi: Chí đạo không khó, duy hiềm giản trạch, ý nghĩa thế nào? Tông nói: Súc sanh, súc sanh. Sau Tông ở ẩn tại Đầu Tử, phàm đi trụ trì ở đều lấy cà-sa gói giầy cỏ chung với kinh sách. Có vị Tăng hỏi: Thế nào là tông phong của Đạo giả? Tông đáp: Cà-sa gói giầy cỏ. Tăng hỏi: Chưa biết ý chỉ thế nào? Tông nói: Dưới chân trần toàn gai góc. Vì thế, nói cúng Phật chẳng ở nhiều hương, nếu vượt qua khỏi thì bắt tha tại ta. Đã là một hỏi một đáp rõ ràng hiện thành, tại sao Triệu Châu lại nói bối rối? Hãy nói phải là sào huyệt của thời nhân chăng? Triệu Châu ở trong sào huyệt đáp y, hay ở ngoài sào huyệt đáp y? Phải biết việc này không ở trên ngôn cú. Có người tin được đến thấu xương thấu tủy, như rồng gặp nước, tợ cọp tựa núi.

TỤNG:

Tượng vương tần thân
Sư tử hao hống
Vô vị chi đàm
Tắc đoạn nhân khẩu
Nam bắc đông tây
Ô phi thố tẩu.

DỊCH:

Voi chúa gầm gừ
Sư tử hầm hét
Nói bàn vô vị
Miệng người bít lấp
Nam bắc đông tây 
Quạ bay thỏ chạy.

GIẢI TỤNG: Triệu Châu nói đã có người hỏi tôi, mãi đến năm năm vẫn còn bối rối, giống như “voi chúa gầm gừ, sư tử hầm hét”. Bốn câu sau “nói bàn vô vị, miệng người bít lấp, nam bắc đông tây, quạ bay thỏ chạy”, Tuyết Đậu nếu không có câu rốt sau thì chỗ nào lại có Tuyết Đậu? Đã là quạ bay thỏ chạy, hãy nói Triệu Châu, Tuyết Đậu, Sơn tăng cứu kính rơi ở chỗ nào?

TẮC 59

TRIỆU CHÂU SAO CHẲNG DẪN HẾT

LỜI DẪN: Trùm trời bao đất, vượt Thánh siêu phàm, trên đầu trăm cỏ chỉ ra Niết-bàn diệu tâm, trong rừng binh khí điểm định được mạng mạch của Thiền tăng. Hãy nói thừa ân lực người nào được thế ấy, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: “Chí đạo không khó, duy hiềm giản trạch”, vừa có nói năng là giản trạch, Hòa thượng vì người thế nào? Triệu Châu bảo: Sao chẳng dẫn hết lời này? Tăng thưa: Con chỉ nhớ đến đó. Triệu Châu bảo: Chỉ là chí đạo không khó, duy hiềm giản trạch.

GIẢI THÍCH: Triệu Châu nói “chỉ là chí đạo không khó, duy hiềm giản trạch”, như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, bắt tha sống chết, được tự tại như thế. Các nơi đều nói: Triệu Châu có lối biện luận siêu quần. Triệu Châu bình thường dạy chúng có một thiên này: Chí đạo không khó, duy hiềm giản trạch, vừa có nói năng là giản trạchminh bạch. Lão tăng chẳng ở trong minh bạch, các ông lại tiếc giữ hay không? Có vị Tăng hỏi: Đã chẳng ở trong minh bạch lại tiếc giữ cái gì? Triệu Châu nói: Ta cũng không biết. Tăng thưa: Hòa thượng đã không biết, vì sao nói chẳng ở trong minh bạch? Triệu Châu bảo: Hỏi việc thì được, lễ bái rồi ra. Về sau, vị Tăng này chỉ bám chỗ sơ hở kia đi hỏi Triệu Châu, hỏi hẳn là kỳ đặc, song chỉ là tâm hành. Nếu là người khác không làm gì được y, nhưng với Triệu Châu là hàng tác gia, liền nói “sao chẳng dẫn hết lời này”. Vị Tăng cũng biết chuyển thân nhả hơi, liền nói “con chỉ nhớ đến đó”, dường như đã được an bài. Triệu Châu tùy thanh niêm khởi liền đáp chẳng cần suy tính. Cổ nhân gọi đó là tương tục, cũng rất khó. Sư biện rồng rắn, phân tốt xấu, quả là hàng bổn phận tác gia. Triệu Châu móc đi tròng mắt của vị Tăng này, mà chẳng phạm mũi nhọn, chẳng mắc suy tính, tự nhiên hay khéo. Ông gọi là câu có cũng chẳng được, gọi là câu không cũng chẳng được, gọi là câu chẳng có chẳng không cũng chẳng được, ly tứ cú tuyệt bách phi. Vì sao? Nếu luận việc này như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, phải nhìn nhanh mới thấy. Nếu là trù trừ nghĩ nghị chẳng khỏi tan thân mất mạng. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Thủy sái bất trước
Phong suy bất nhập
Hổ bộ long hành
Quỉ hào thần khấp
Đầu trường tam xích tri thị thùy?
Tương đối vô ngôn độc túc lập.

DỊCH: 

Nước rưới chẳng dính
Gió thổi chẳng lọt
Cọp bước rồng đi
Quỉ than thần khóc
Đầu dài ba thước biết là ai?
Đối diện không lời một chân đứng.

GIẢI TỤNG: Bốn câu “nước rưới chẳng dính, gió thổi chẳng lọt, cọp bước rồng đi, quỉ than thần khóc”, khó có chỗ cho ông gặm nhấm. Bốn câu tụng này là lời đáp của Triệu Châu, giống như rồng bay cọp nhảy. Vị Tăng này chỉ được một trường xấu hổ. Chẳng những vị Tăng này, dù cho quỉ cũng than, thần cũng khóc, giống như gió thổi cỏ nghiêng. Hai câu rốt sau đáng gọi là người thân được, “đầu dài ba thước biết là ai, đối diện không lời một chân đứng”. Có vị Tăng hỏi cổ đức: Thế nào là Phật? Cổ đức đáp: Đầu dài ba thước, cổ dài hai tấc. Tuyết Đậu dẫn dùng, chưa biết quí vị lại hiểu chăng? Sơn tăng cũng chẳng hiểu. Tuyết Đậu một lúc thoát thể vẽ ra hình Triệu Châu ở đây rồi. Quí vị phải chín chắn để mắt xem.

TẮC 60

VÂN MÔN CÂY GẬY HÓA RỒNG

LỜI DẪN: Chư Phật cùng chúng sanh xưa nay không khác, núi sông cùng chính mình đâu có sai biệt, vì sao lại lẫn thành hai bên? Nếu hay xoay lăn thoại đầu, ngồi đoạn yếu tân, bỏ qua tức chẳng được. Nếu chẳng bỏ qua thì trọn đại địa chẳng tiêu một cái nắm. Thế nào là chỗ xoay lăn thoại đầu, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Vân Môn cầm cây gậy chỉ chúng nói: Cây gậy hóa làm rồng, nuốt hết càn khôn rồi vậy, núi sông đất liền chỗ nào được?

GIẢI THÍCH: Như Vân Môn nói cây gậy hóa làm rồng, nuốt hết càn khôn rồi vậy, núi sông đất liền chỗ nào được? Nếu nói có ắt mù, nếu nói không ắt chết, lại thấy Vân Môn chỗ vì người chăng? Trả cây gậy lại cho ta. Người nay chẳng hội chỗ riêng bày của Vân Môn, lại nói tức sắc minh tâm, gá vật bày lý. Như đức Phật Thích-ca bốn mươi chín năm thuyết pháp, không thể không biết cái nghị luận này, cớ sao lại đưa cành hoa, Ca-diếp cười chúm chím? Ông già này lại hồ đồ nói: Ta có chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn diệu tâm, phân phó cho Ma-ha Ca-diếp. Lại đâu cần riêng truyền tâm ấn. Quí vị đã là khách dưới cửa Tổ sư, lại rõ được cái tâm riêng truyền tâm chăng? Trong ngực nếu có một vật thì núi sông đất liền quả nhiên hiện tiền, trong ngực nếu không một vật thì bên ngoài toàn không mảy tơ, nói gì lý cùng trí hiệp, cảnh cùng thần hội. Cớ sao? Bởi một hội thì tất cả hội, một sáng thì tất cả sáng. Trường Sa nói: “Người học đạo mà chẳng biết chân, chỉ vì từ xưa nhận thức thần, vô lượng kiếp nay gốc sanh tử, kẻ si liền gọi người xưa nay.” Nếu chợt đập tan ấm giới, thân tâm nhất như, ngoài thân không thừa, vẫn chưa được một nửa, nói gì là tức sắc minh tâm, gá vật bày lý. Cổ nhân nói: Một hạt bụi vừa dấy, đại địa toàn thâu. Hãy nói là hạt bụi nào? Nếu biết được hạt bụi này thì biết được cây gậy. Vừa nắm cây gậy đưa lên liền thấy tung hoành diệu dụng. Nói thoại thế ấy, sớm thành sắn bìm rồi, huống là lại hóa làm rồng. Tạng chủ Khánh nói: Năm ngàn bốn mươi tám (5048) quyển lại có nói thoại thế ấy chăng? Vân Môn có khi nhằm chỗ cây gậy đưa ra toàn cơ đại dụng, vì người một cách linh động. Ba Tiêu dạy chúng: Lỗ mũi của Thiền tăng trọn ở trên đầu cây gậy. Vĩnh Gia cũng nói: “Chẳng phải tiêu hình việc truyền rỗng, gậy báu Như Lai còn dấu vết.” Thuở xưa Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng trải tóc trên bùn để đón Phật kia. Phật Nhiên Đăng nói: Chỗ này nên cất chùa. Khi ấy có một vị Thiên tử bèn cặm một cọng cỏ, nói: Cất chùa xong. Quí vị hãy nói tin tức này từ chỗ nào được? Tổ sư nói: Đầu gậy thủ chứng, dưới hét thừa đương. Hãy nói thừa đương cái gì? Chợt có người hỏi thế nào là cây gậy, phải chăng liền nhào lộn? phải chăng liền vỗ tay? Thảy đều là đùa tinh hồn, tức cười không dính dáng. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Trú trượng tử thôn càn khôn
Đồ thuyết đào hoa lãng bôn


Thiêu vĩ giả bất tại noa vân quặc vụ
Bộc tai giả hà tất táng đảm vong hồn.
Niêm liễu giả
Văn bất văn
Trực tu sái sái lạc lạc
Hưu cánh phân phân vân vân
Thất thập nhị bổng thả khinh thứ
Nhất bách ngũ thập nan phóng quân.

DỊCH:

Cây gậy này nuốt càn khôn
Luống nói hoa đào sóng đưa
Đốt đuôi nào bởi gom mây cuộn mù
Phơi mang nào hẳn vỡ mật mất hồn.
Niêm rồi vậy
Nghe chẳng nghe
Phải là sạch trọi thong dong
Thôi lại lăng xăng rối rắm
Bảy mươi hai gậy vẫn tha nhẹ
Một trăm năm chục khó cho anh.

Sư cầm gậy bước xuống tòa, đại chúng một lúc chạy tan.

GIẢI TỤNG: Vân Môn vì người chìu uốn, Tuyết Đậu vì người chặt thẳng. Do đó, bác hẳn hóa làm rồng, không nhận nói như thế, chỉ là “cây gậy nuốt càn khôn”. Đại ý Tuyết Đậu muốn khởi tình giải của người, nên nói “luống nói hoa đào sóng đưa”, chẳng cần hóa làm rồng. Bởi Võ môn có ba cấp sóng, mỗi năm đến tháng ba hoa đào trôi theo sóng, những cá lớn hay lội ngược nước nhảy qua sóng liền hóa làm rồng. Tuyết Đậu nói dù hóa làm rồng cũng là nói suông. “Đốt đuôi nào bởi gom mây cuộn mù”, con cá nhảy qua được Võ môn, tự có lửa trời đốt đuôi của nó, rồi gom mây cuộn mù bay đi. Ý Tuyết Đậu nói dù hóa làm rồng cũng chẳng ở chỗ gom mây cuộn mù. “Phơi mang nào hẳn vỡ mật mất hồn”, lời tựa trong Thanh Lương sớ nói: “Chứa chất hạnh Bồ-tát còn phải phơi mang ở Long môn.” Đại ý nói cảnh giới Hoa Nghiêm chẳng phải người tiểu đức tiểu trí đến được, như con cá nhảy qua Long môn, qua chẳng khỏi bị điểm trán trở lại, phải chịu khốn nơi bãi cát vũng cạn, phơi mang vậy. Ý Tuyết Đậu nói đã điểm trán trở lại ắt vỡ mật tan hồn. “Niêm rồi vậy, nghe chẳng nghe”, lại chú cước ở dưới rằng một lúc vì ông quét sạch rồi. Quí vị “phải là sạch trọi thong dong, thôi chớ lăng xăng rối rắm”. Nếu ông lại lăng xăng rối rắm thì mất đi cây gậy rồi. “Bảy mươi hai gậy vẫn tha nhẹ”, Tuyết Đậu vì ông tha cái nặng dùng cái nhẹ. Cổ nhân nói: Bảy mươi hai gậy trở thành một trăm năm mươi. Người nay hiểu lầm lại tính theo số mục, lý đáng phải bảy mươi lăm gậy, vì sao chỉ có bảy mươi hai gậy? Đâu chẳng biết cổ nhân ý tại ngôn ngoại. Vì thế nói: Việc này không ở trong ngôn cú, khỏi bị người sau xuyên tạc. Lý do Tuyết Đậu dẫn dụng, dù cho ông được sạch trọi thong dong, chính nên cho ông bảy mươi hai gậy, vẫn là tha nhẹ. Nếu không được như thế, một trăm năm mươi gậy khó tha anh. Một lúc tụng xong, lại cầm cây gậy lớp lớp vì nhau. Tuy nhiên thế ấy, cũng không một người trong da có máu.

TẮC 61

PHONG HUYỆT NƯỚC NHÀ HƯNG THẠNH

LỜI DẪN: Dựng pháp tràng lập tông chỉ lại là hàng bổn phận Tông sư. Định rắn rồng, rành đen trắng, phải là hàng tri thức tác gia. Trên kiếm bén luận sống chết, trên đầu gậy biện cơ nghi thì gác lại, hãy nói việc riêng đứng trong hoàn vũ, một câu làm sao thương lượng, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Phong Huyệt dạy: Nếu lập một hạt bụi thì nước nhà hưng thạnh, chẳng lập một hạt bụi thì nước nhà tan mất.

Tuyết Đậu cầm gậy nói: Lại có Thiền tăng đồng sanh đồng tử chăng? 

GIẢI THÍCH: Như Phong Huyệt dạy chúng nói: Nếu lập một hạt bụi thì nước nhà hưng thạnh, chẳng lập một hạt bụi thì nước nhà tan mất. Hãy nói lập một hạt bụi tức phải, chẳng lập một hạt bụi tức phải? Trong đây phải là đại dụng hiện tiền mới được. Thế nên nói: Giả sử trước câu nói tiến được, vẫn là kẹt vỏ quên niêm, dù cho dưới câu tinh thông, chưa khỏi chạm phải cuồng kiến. Phong Huyệt là bậc tôn túc trong tông Lâm Tế, dùng thẳng bổn phận thảo liệu. Nếu lập một hạt bụi thì nước nhà hưng thạnh, lão quê buồn rầu, ý ở lập quốc an bang phải nhờ mưu thần dũng tướng, nhiên hậu mới kỳ lân xuất hiện, phụng hoàng bay về, là điềm tốt thái bình. Người ở trong thôn ba nhà kia nào biết có việc ấy. Chẳng lập một hạt bụi thì nước nhà tan mất, gió thổi vèo vèo, lão quê vì sao hát ca? Chỉ vì nước nhà tan mất. Trong tông Tào Động gọi đó là chỗ chuyển biến, không Phật không chúng sanh, không phải không quấy, không tốt không xấu, bặt âm vang tung tích. Vì thế nói: Mạt vàng tuy quí, rơi trong con mắt cũng thành bệnh. Lại nói: Mạt vàng trong mắt là bệnh, y châu trên pháp là trần, kỷ linh còn chẳng trọng, Phật Tổ là người gì? Bảy xoi tám phủng thần thông diệu dụng chẳng cho là kỳ đặc. Đến trong đây, “trùm chăn phủ đầu muôn việc thôi, khi này Sơn tăng trọn chẳng hội”. Nếu lại nói tâm nói tánh, nói huyền nói diệu đều dùng chẳng được. Vì sao? Vì nhà kia tự có cảnh thần tiên. Nam Tuyền dạy chúng: Ở Hoàng Mai bảy trăm vị Cao tăng đều là người hiểu Phật pháp, mà chẳng được y bát của Tổ, chỉ có ông cư sĩ họ Lư chẳng hiểu Phật pháp, cho nên được y bát của Tổ. Lại nói: Chư Phật ba đời chẳng tri hữu, mèo nhà trâu trắng lại tri hữu. Lão quê hoặc buồn rầu, hoặc ca hát, hãy nói làm sao hiểu? Lão quê đủ con mắt gì lại thế ấy? Nên biết trước cửa lão quê riêng có điều chương. Tuyết Đậu nêu cả hai lên rồi, lại cầm gậy nói: Lại có Thiền tăng đồng sanh đồng tử chăng? Khi ấy nếu có một người ra nói được một câu lẫn làm chủ khách, khỏi bị lão Tuyết Đậu phần sau tự chỉ ngực.

TỤNG:

Dã lão tùng giao bất triển mi
Thả đồ gia quốc lập hùng ki
Mưu thần dũng tướng kim hà tại!
Vạn lý thanh phong chỉ tự tri.

DỊCH:

Lão dốt từ đây chẳng nhướng mày
Vả mong nhà nước lập nền tài
Mưu thần dũng tướng nay đâu tá!
Muôn dặm gió lành chỉ tự hay.

GIẢI TỤNG: Vừa rồi song đề vậy, trong đây lại nắm một bên, buông một bên, bồi dài bổ ngắn, bỏ nặng theo nhẹ. Vì thế nói: “Lão dốt từ đây chẳng nhướng mày, vả mong nhà nước lập nền tài, mưu thần dũng tướng nay đâu tá!” Tuyết Đậu cầm cây gậy nói: “Lại có Thiền tăng đồng sanh đồng tử chăng?” Giống như nói lại có mưu thần dũng tướng chăng? Một cái miệng nuốt tất cả người rồi vậy. Do đó nói: Đất rộng người thưa, gặp nhau rất ít. Lại có biết nhau chăng, ra đây một hầm chôn hết. “Muôn dặm gió lành chỉ tự hay”, chính là chỗ Tuyết Đậu chỉ ngực vậy.

TẮC 62

VÂN MÔN TRONG CÓ MỘT HÒN NGỌC

LỜI DẪN: Lấy trí vô sư phát diệu dụng vô tác, lấy lòng từ vô duyên làm bạn tốt chẳng thỉnh. Nhằm trong một câu có chết có sống, ở trong một cơ có tha có bắt. Hãy nói người nào từng thế ấy đến, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Vân Môn dạy chúng: Trong càn khôn giữa vũ trụ, ở trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, cầm lồng đèn đến trong điện Phật, đem ba cửa đến trên lồng đèn.

GIẢI THÍCH: Vân Môn nói trong càn khôn giữa vũ trụ, ở trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, hãy nói Vân Môn ý tại cần câu, ý tại lồng đèn? Đây là mấy câu trong luận Bảo Tạng của Triệu pháp sư, Vân Môn trích ra dạy chúng. Khi Triệu Công ở vườn Tiêu Dao thời Hậu Tần làm luận, viết kinh Duy-ma-cật, mới biết Lão Trang chưa phải hay tột. Triệu Công lễ La-thập làm thầy, lại đến tham vấn Bồ-tát Bạt-đà-ba-la ở chùa Ngõa Quan, vốn là đệ tử được truyền tâm ấn của Tổ thứ hai mươi bảy ở Ấn Độ. Triệu Công thâm nhập được chỗ sâu kín. Một hôm, Triệu Công bị nạn sắp hành hình, xin hẹn lại bảy ngày viết xong bộ luận Bảo Tạng. Vân Môn trích bốn câu trong luận dạy chúng. Đại ý nói làm sao lấy được hòn ngọc báu vô giá ẩn trong ấm giới. Lời nói trong luận cùng lối thuyết thoại trong tông môn phù hợp nhau. Cảnh Thanh hỏi Tào Sơn: Lý thanh hư khi cứu kính không thân thì thế nào? Tào Sơn đáp: Lý tức như thế, sự lại làm sao? Thanh thưa: Như lý như sự. Tào Sơn bảo: Lừa một mình Tào Sơn thì được, đối với con mắt chư Thánh làm gì được. Thanh thưa: Nếu không có con mắt chư Thánh, đâu biết chẳng thế ấy. Tào Sơn bảo: Công chẳng cho lọt mũi kim, tư thì xe ngựa cũng qua. Vì thế nói: Trong càn khôn, giữa vũ trụ, trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn. Đại ý nói người người đầy đủ, mỗi mỗi viên thành. Vân Môn trích ra dạy chúng đã là thập phần hiện thành, không thể giống như Tọa chủ lại vì ông chú giải. Sư vẫn mở lòng từ bi, vì ông chú cước nói “cầm lồng đèn đến trong điện Phật, đem ba cửa đến trên lồng đèn”. Thử nói Vân Môn nói thế ấy, ý tại chỗ nào? Cổ nhân nói: “Thật tánh vô minh tức Phật tánh, không thân huyễn hóa tức Pháp thân.” Lại nói “chính phàm tâm mà thấy Phật tâm”. Hình sơn tức là tứ đại ngũ ấm. Trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, như nói: “Chư Phật tại đầu tâm, người mê chạy ngoài tầm, trong ôm báu vô giá, chẳng biết một đời thôi.” Lại nói: “Phật tánh rõ ràng hiển hiện, trụ tướng hữu tình khó thấy, nếu ngộ chúng sanh vô ngã, mặt ta nào khác mặt Phật. Tâm là tâm xưa nay, mặt là mặt thuở bé, kiếp thạch khá đổi dời, cái kia không cải biến.” Có người chỉ nhận cái sáng tỏ linh minh là ngọc báu, thế là chẳng được cái dụng của nó, cũng chẳng được cái diệu của nó. Vì thế, động chuyển chẳng được, xô lăn chẳng xong. Cổ nhân nói: Cùng thì biến, biến thì thông. Câu “cầm lồng đèn đến trong điện Phật”, nếu là thường tình còn có thể lường xét được. Câu “đem ba cửa đến trên lồng đèn” lại lường xét được chăng? Vân Môn một lúc vì ông đả phá tình thức ý tưởng, được mất phải quấy rồi. Tuyết Đậu nói: Tôi mến Thiều Dương tân định cơ, một đời vì người tháo đinh nhổ chốt. Lại nói: Ngồi trên giường gỗ biết bao nhiêu, đao bén cắt đi khiến người mến. Vân Môn nói cầm lồng đèn vào trong điện Phật, một câu này đã cắt đứt rồi vậy. Lại đem ba cửa đến trên lồng đèn, nếu luận việc này như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp. Vân Môn nói: “Nếu ông tương đương hãy tìm đường vào. Chư Phật như vi trần ở dưới gót chân ông, ba tạng thánh giáo ở trên đầu lưỡi ông, chẳng bằng hãy ngộ đi. Hòa thượng con! Chớ vọng tưởng, trời là trời, đất là đất, núi là núi, nước là nước, Tăng là Tăng, tục là tục.” Sư im lặng giây lâu, nói tiếp: Đem án sơn trước mặt lại cho ta xem? Có vị Tăng ra hỏi: Học nhân khi thấy núi là núi, nước là nước thì thế nào? Vân Môn bảo: Ba cửa vì sao từ trong này qua, e ông chết đi. Sư bèn lấy tay vẽ một nét nói: Khi biết được là thượng vị đề-hồ, nếu biết chẳng được trở thành độc dược. Vì thế nói: “Liễu liễu, khi liễu không sở liễu, huyền huyền, chỗ huyền cần phải chê.”

Tuyết Đậu niêm rằng: “Trong càn khôn giữa vũ trụ trong có hòn ngọc báu ẩn tại hình sơn, treo ở trên vách, Đạt-ma chín năm chẳng dám để mắt nhìn thẳng, nay Thiền tăng cần thấy, nhằm ngay xương sống liền đánh.” Xem Sư là bổn phận Tông sư trọn chẳng đem thật pháp trói buộc người. Huyền Sa nói: Bủa vây chẳng chịu đứng, kêu gọi chẳng quay đầu, tuy nhiên thế ấy cũng là rùa linh lê đuôi. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Khán khán
Cổ ngạn hà nhân bả điếu can.
Vân nhiễm nhiễm
Thủy man man
Minh nguyệt lô hoa quân tự khan.

DỊCH:

Xem xem
Bờ xưa người nào cầm cần câu.
Mây mịt mịt
Nước mênh mông
Trăng sáng hoa lau anh tự xem.

GIẢI TỤNG: Nếu biết được lời Vân Môn liền thấy chỗ Tuyết Đậu vì người. Sư nhằm hai câu sau của Vân Môn dạy chúng liền vì ông chú cước: “Xem xem.” Ông liền giương mày trừng mắt hội, vẫn không dính dáng. Cổ nhân nói: “Linh quang riêng sáng, vượt khỏi căn trần, thể bày chân thường, chẳng nê văn tự, tâm tánh không nhiễm, vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật.” Nếu chỉ nhằm chỗ giương mày trừng mắt, ngồi như chết đâu thể thoát được căn trần. Tuyết Đậu nói: Xem! Xem! Vân Môn giống như ở trên bờ xưa cầm cần câu. Mây lại mịt mịt, nước lại mênh mông, trăng sáng chiếu hoa lau, hoa lau chiếu trăng sáng, chính ngay khi này là cảnh giới gì? Nếu thẳng đó thấy được thì trước sau chỉ giống như một câu.

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: