An Trú Nơi Cô Tịch Là Thực Hành Của Một Bồ Tát

01/02/201112:00 SA(Xem: 101263)
An Trú Nơi Cô Tịch Là Thực Hành Của Một Bồ Tát

AN TRÚ NƠI CÔ TỊCH
THỰC HÀNH CỦA MỘT BỒ TÁT

Dilgo Khyentse Rinpoche

Khi từ bỏ những nơi chốn không thuận lợi, những cảm xúc hỗn loạn dần dần phai nhạt;
Khi không có những phóng dật, các hoạt động tích cực phát triển một cách tự nhiên;
Khi sự tỉnh giác trở nên trong trẻo hơn, niềm tin nơi Giáo Pháp tăng trưởng
An trú nơi cô tịch là thực hành của một Bồ Tát.

 

Khi bạn sống ở một nơi cô tịch, những cảm xúc tiêu cực của bạn dần dần giảm bớt, sự tự chủtiết chế của bạn tăng trưởng.

Chính Gyalse Thogme đã nói:

Ở một nơi cô tịch,
Không có kẻ thù để đánh bại,
Không có người thân để bảo vệ,
Không có người trên để tôn kính,
Không có thuộc hạ để chăm nom.
Vì thế, ngoài việc điều phục tâm mình,
Bạn sẽ phải làm điều gì khác ở đó, hỡi những người trì tụng Mani?1

Không bị quấy rầy bởi bằng hữu và người thân, không bị xáo trộn bởi nhu cầu kiếm sống bằng việc thương mại hay canh tác đất đai, bạn sẽ có thể nhất tâm tập trung vào thực hành tâm linh sâu xa và vì thế thực hiện sự tiến bộ tâm linh với thân, ngữ và tâm bạn. Tâm bạn sẽ trở nên tự chủ, tĩnh lặng, trong trẻo và tràn đầy sự xác quyết về chân lý của Giáo Pháp. Đây là lý do vì sao tất cả các bậc hiền triết trong quá khứ đã sống ở nơi hoang vu, trong chốn cô tịch, những vùng núi non có lợi cho thực hành tâm linh. Như Shantideva đã nói:

Và như thế, nhàm chán bởi dục vọng và khao khát của ta,
Giờ đây ta hãy vui thú trong chốn cô tịch,
Ở những nơi mọi tranh chấpxung đột ngừng dứt,
Sự thanh bình và tĩnh lặng của rừng xanh.2

Và cũng có nói:

Không bị dính mắc vào lợi dưỡng, hãy giống như gió, hãy giống như chim.
Sống nơi hoang dã, giống như một con thú nhút nhát.
Hành động đúng đắn, bạn sẽ an trụ thanh thản.

Nếu bạn muốn hoàn toàn tập trung vào Giáo Pháp thay vì bị đong đưa liên tục đó đây bởi những con sóng tham muốnganh ghét, hãy từ bỏ chúng và đi tới một nơi cô tịch. Hãy xoay tâm bạn vào trong, nhận biết những khiếm khuyết của bạn, thoát khỏi chúng, và phát triển mọi phẩm tính tốt lành cố hữu của bạn. Hãy hài lòng với lượng thực phẩm đủ để nuôi sống, quần áo đủ để che thân, và thực hành của bạn sẽ tiến bộ từng ngày, từng tháng và từng năm.

Một khi bạn thoát khỏi mọi điều kiện làm sao lãng, thực hành của bạn sẽ mang lại cho bạn sự tiến bộ dọc theo con đường. Đó là lý do vì sao mọi yogi (hành giả) trong quá khứ đã lang thang từ nơi cô tịch này tới một nơi cô tịch khác. Ngay cả một tháng duy nhất ở một nơi yên tĩnh và hiu quạnh cũng đủ để sự thù hận của bạn được thay thế bằng ước muốn làm lợi lạc chúng sinh, và sự bám luyến vào bằng hữu được thay thế bằng một cảm xúc mãnh liệt về sự vô thường và cái chết cận kề.

Như Đức Atisha đã nói: “Các sao lãng làm hại thực hành của bạn cho tới khi bạn đạt được sự kiên cố. Hãy sống trong cảnh cô tịch nơi rừng rậm và núi non. Thoát khỏi những hoạt động rối loạn, bạn sẽ có thể hoàn toàn hiến mình cho việc thực hành Giáo Pháp, và bạn sẽ không hối tiếc vào lúc chết.”

Và Drom Tönpa3 nói: “Thời đại suy đồi này không phải là lúc để một người bình thường giúp đỡ những người khác ở bên ngoài, nhưng đúng hơn đó là lúc để sống trong những nơi cô tịch và tu tập lòng từ và bi của Bồ đề tâm.”4

Sự mê lầm và những tập khí mạnh mẽ tới nỗi vào lúc đầu việc thực hành Pháp dường như rất khó khăn; nhưng những khó khăn này sẽ dần dần lắng dịu. Một khi bạn đã thấu hiểu điểm cốt yếu của các giáo lý, bạn sẽ không còn phải trải nghiệm sự gian khổ hay khó khăn với giáo lý. Những cố gắng của bạn sẽ mang lại cho bạn niềm vui. Cũng giống như việc phát triển bất kỳ thiện xảo nào – bởi bạn quán triệt những điểm trọng yếu, vấn đề càng lúc càng dễ dàng hơn, sự xác tín của bạn càng lúc càng phát triển, khả năng và nỗ lực của bạn tiếp tục tăng trưởng.

Mọi thiền định hay quán chiếu bạn đã thực hiện sẽ chẳng bao giờ bị lãng phí. Lợi lạc mà nó mang lại sẽ hiện diện trong dòng tâm thức của bạn vào lúc bạn chết, và nó sẽ giúp bạn tái sinh ở một nơi Giáo Pháp nở rộ, thân cận một vị Thầy tâm linh chân chính. Đời này sang đời khác, bạn sẽ tiến triển từ một hành giả tầm thường tới một hành giả trung bình, và từ một hành giả trung bình tới một hành giả xuất sắc. Tinh túy của việc học tập là quán chiếu, và tinh túy của sự quán chiếu là thiền định. Khi bạn tiến càng lúc càng sâu vào ý nghĩa của giáo lý, những phẩm chất phi thường của Giáo Pháp sẽ càng lúc càng rõ ràng hơn, giống như mặt trời rực rỡ hơn khi bạn bay lên cao hơn nữa.

Dấu hiệu cho thấy bạn đã hoàn toàn hấp thu được việc học Pháp của bạn là bạn trở nên an bình tự bản chất. Dấu hiệu của việc bạn đã hấp thu được việc thiền định của bạn là bạn thoát khỏi những cảm xúc che chướng (phiền não chướng). Bởi việc học tập dẫn đến sự quán chiếu và quán chiếu chuyển hóa thành thiền định, việc bạn mê say những hoạt động dối gạt của đời này sẽ suy giảm và thay vào đó bạn sẽ khát khao Giáo Pháp.

Mọi sự bạn làm phù hợp với Giáo Pháp, dù nó có vẻ nhỏ bé hay tầm thường, sẽ mang lại lợi lạc. Như Kinh Hiền Ngu nói:

Đừng xem thường những thiện hạnh nhỏ bé,
Nghĩ rằng chúng khó có thể mang lại lợi lạc;
Bởi từng giọt từng giọt nước
Cuối cùng có thể làm đầy một chiếc bình khổng lồ.

Tương tự như vậy, cho dù bạn chỉ thực hành mỗi ngày một giờ với niềm tin và sự hứng khởi, những phẩm tính tốt đẹp sẽ phát triển một cách vững chắc. Việc thực hành đều đặn làm cho tâm bạn chuyển hóa dễ dàng. Từ việc chỉ nhận ra chân lý tương đối, cuối cùng bạn sẽ đi đến một sự xác quyết sâu xa nơi chân lý tuyệt đối.

Chướng ngại chính yếu của việc phát triển những phẩm tính như thế là sự sao lãng (phóng dật). Sao lãng có thể xảy ra trong từng giây phút. Nếu bạn để thời gian trôi qua một cách vô ích, vào lúc chết bạn sẽ hối tiếc rằng bạn đã không thực hành Giáo pháp. Nhưng đến lúc ấy thì quá trễ, và sự hối tiếc của bạn sẽ chẳng giúp ích được gì. Bây giờ là lúc bạn đi tới một nơi hẻo lánh và đưa những giáo huấn bạn đã nhận từ vị Thầy của bạn vào thực hành. Như thế mỗi khoảnh khắc của đời bạn sẽ trở nên quý giá và ý nghĩa, đưa dẫn bạn càng lúc càng xa rời sinh tử và tiến gần đến sự giải thoát hơn nữa.

Chú thích:

1. Người trì tụng Mani (mani pa): người trì tụng Mani, thần chú của Đức Quán Thế Âm, Đức Phật của lòng Bi mẫn. Ở đây, “những người trì tụng Mani” được dùng như một thuật ngữ đầy trìu mến để chỉ các hành giả Giáo Pháp.

2. The Way of the Bodhisattva (Nhập Bồ Tát Hạnh), trang 121.

3. Drom Tönpa Gyalwai Jungne (‘brom ston pa rgyal ba’i ‘byung gnas, 1004-1064): đệ tử người Tây Tạng thân thiết nhất của Đức Atisha, người đã ở với vị Thầy này mười tám năm. Ngài sáng lập tu viện Reting (rwa sgreng) nơi ngài an trú và giảng dạy bảy năm trước khi thị tịch ở tuổi sáu mươi.

4. Xem The Words of My Perfect Teacher (Lời Vàng của Thầy Tôi), trang 237.

Thanh Liên trích dịch từ nguyên tác:
“The Heart of Compassion – The Thirty-Seven Verses on The Practice of a Bodhisattva” by Dilgo Khyentse Rinpoche

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/08/2010(Xem: 108689)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.