Chúng Tôi Phục Vụ Thiền Vipassana

15/02/201112:00 SA(Xem: 74475)
Chúng Tôi Phục Vụ Thiền Vipassana


CHÚNG TÔI PHỤC VỤ THIỀN VIPASSANA
Tác giả: Diệu Đức - Nguyễn Thị Đấu

thienviennguyenthuy-2Có người hỏi tôi: “Đi học thiền, bạn đã kể được nhiều chuyện; sao phục vụ thiền bạn lại không kể?”. Người khác lại giục: “Bạn viết về việc phục vụ khóa thiền đi! Viết để người phục vụ (NPV) khóa thiền ngày một nhiều hơn!”... Viết để NPV ngày càng đông thì tôi không dám. Nhưng với chúng tôi, công việc phục vụ khóa thiền, bên cạnh sự vất vả, nặng nhọc, căng thẳng... là niềm hạnh phúc lớn mà chúng tôi đã có được.

Những người phục vụ

Năm nay (2011) là năm thứ năm, khóa thiền Vipassana tích cực 10 ngày theo truyền thống của Ngài U Ba Khin do Thiền sư S. N. Goenka và các vị thiền sư phụ tá giảng dạy được tổ chức tại Việt Nam. Yêu cầu đối với người phục vụ khóa thiền là tự nguyện và là thiền sinh cũ (người đã học thiền này ít nhất 1 khóa 10 ngày). Năm đầu tiên, 2 khóa thiền được tổ chức tại Thiền viện Nguyên Thủy (Q2, TP HCM), các anh chị: Thảo, Lan, Binh, Hải, Thủy, Linh, Bảo Anh, Hiếu... là những NPV đã học Thiền này từ nước ngoài. Bốn năm sau, 8 khóa tại Tịnh xá Ngọc Thành (Thủ Đức, TP HCM), có thêm nhiều NPV (được học từ VN). Gần 100 lượt NPV các khóa thiền trong 5 năm qua gồm đủ các thành phần xã hội. Tôi còn nhớ, Sư Pháp Chất (trụ trì Thiền viện Nguyên Thủy), Ni sư Kiến Liên (trụ trì Tịnh xá Ngọc Thành) đã tất tả chạy nguợc chạy xuôi để xin giấy phép mở khóa thiền cũng như lo chỗ ăn ở cho thiền sinh, mỗi khóa từ 80 đến 120 người; anh Trần Văn Cảnh, Việt kiều Pháp, người đã hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ tại trường Đại học Nông Lâm TP HCM, NPV 3 năm liền; chị Thủy, Linh, Phượng năm nào cũng phục vụ bếp; anh Binh, anh Nam, anh Vũ... nhiều năm liền là NPV; chị Kim Nga, NPV phiên dịch 3 khóa liên tiếp; anh Lê Quyết Thắng, Hà Nội, tình nguyện phục vụ liên tiếp sau khi đã học được 1 khóa; anh Thảo, chị Lan (thiền sư phụ tá từ năm 2009), anh Hòa, chị Phượng... đã dành phần lớn những ngày về thăm quê hương cho việc phục vụ khóa thiền; chị Thu Vân, anh Sơn tuy sức khỏe không được tốt nhưng khóa nào cũng tình nguyện phục vụ; anh Hải, Tú, chị Đào, Trang, Thanh...thì gửi con nhỏ cho ông bà; các học sinh sinh viên, cán bộ công nhân tranh thủ những ngày nghỉ hè, nghỉ phép; các vị hưu trí, các vị “nội tướng” trong gia đình sắp xếp việc nhà, chuẩn bị thức ăn dự trữ hơn 10 ngày... để yên tâm phục vụ.

Từ những nỗi vất vả nhỏ...

Phục vụ khóa thiền có nghĩa là bưng- bê - kê - dọn; là phiên dịch; nhắc nhở thiền sinh thực hiện nội quy; là làm công việc bếp núc, nấu nướng; làm vệ sinh trường thiền; là thu nhận, sắp xếp đơn từ; là thỉnh chuông báo giờ; lo chỗ tu tập, chỗ ăn - ngủ - tắm giặt, đem cháo đem thuốc cho thiền sinh bị bệnh... với tất cả từ tâm để thiền sinh chỉ việc tu tập từ 4giờ30 đến 21 giờ hay 21giờ30.

Người phục vụ phải chuẩn bị từ vài tháng trước khóa thiền khai mạc, nào lo giấy phép; lên danh sách; in tài liệu, nội quy, áp phích... nào lo chỗ ăn ở tu tập...

Người phục vụ thức dậy trước 4 giờ , bộ phận bếp thì sớm hơn. Khóa 1 và 2 năm nay, Sư cô Liên Hoa (du học ni Miến Điện, nghỉ phép) và Thu đều dậy từ 3giờ30 sáng để xay đậu nành nấu sữa và làm tàu hũ. Cũng như các khóa khác, giờ này, Sư cô Huệ Liên, Tâm Hiền, anh Hoàng... tranh thủ đi chợ đầu mối Thủ Đức mua rau củ quả... NPV bếp phải tính toán, nấu nướng, thay đổi thực đơn, để các món ăn chính, món tráng miệng, chè, trái cây... đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe và khẩu vị của các thiền sinh... Và nhất là phải đúng giờ. 

Ngoài các công việc... phục vụ, NPV còn phải dành 3 giờ thiền tập trung vào lúc 8g, 14g30 và 18 giờ. Từ 12giờ đến 13 giờ, bộ phận phiên dịchquản lý làm việc tại thiền đường với thiền sư và các thiền sinh có nhu cầu tham vấn thiền sư; một số khác đến các phòng nhắc nhở thiền sinh giữ im lặng tuyệt đối, sự im lặng thánh thiện trong suốt 9 ngày để luôn giữ tâm quân bình. Từ 21giờ 30, NPV và Thiền sư cùng dành vài phút hành thiền tâm từ, xem xét lại công việc trong ngày và chuẩn bị công việc cho ngày sau.

Trong thời gian phục vụ, NPV gặp không ít những sự căng thẳng, những chuyện cười ... ra nước mắt. Căng thẳng nhất là khi chuyển thiền sinh đi cấp cứu tại bệnh viện hay đưa thiền sinh vi phạm nội quy (buộc phải cho nghỉ học) về nhà ở xa trong đêm hôm khuya khoắt... Những chuyện cười... ra nước mắt thì xảy ra thường xuyên nhất là trong khi cắt gọt, nấu nướng... đứt tay, bỏng lửa, bỏng nước sôi... Hay khi phiên dịch (các thiền sư: Ratanapala (Sri Lanka), Klaus (Đức) và Nadia Helwig (Pháp) đều nói tiếng Anh), có thiền sinh bị khiếm thính, thiền sư hỏi một đường trả lời một nẻo; có thiền sinh diễn tả tiếng Việt không rõ... làm người phiên dịch nhiều phen toát mồ hôi... Còn nhớ, vào năm 2008, Tịnh xá Ngọc Thành chưa có dãy nhà 4 tầng, áo quần thiền sinh phải phơi ngoài trời. Mưa bất chợt ào ào, NPV chạy vội, té nhào, xây xát tay chân mình mẩy... Năm 2009, 1 phòng có gần 20 thiền sinh nữ tuổi trên 50, nhiều người không ngủ được vì có vài người... ngáy quá lớn. Bằng biện pháp như đổi tư thế nằm, xoay đầu người ngáy... nhưng không hiệu quả, cuối cùng vào lúc nửa đêm, NPV mới tìm được loại nhém lỗ tai (do một thiền sinh Việt kiều Pháp đem theo). Ai nấy ngủ ngon... Đó là những "chuyện nhỏ" nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của khóa thiền!

... đến niềm vui lớn 

Sau khóa thiền 10 ngày, hiểu được một chút Phật pháp, cảm nhận được sự lợi lạc của món quà Pháp bảo quý giá mà Đức Phật Gotama đã truyền trao, chúng tôi tình nguyện làm NPV với mong muốn ngày càng có nhiều người đi theo con đường của Phật. Công việc của NPV tuy vất vả nhưng bù lại, chúng tôi rất hạnh phúc khi nhận thấy, ngày càng có nhiều người theo học, khóa sau đông hơn khóa trước (ban tổ chức buộc lòng phải từ chối một số đơn xin tham dự bởi thiền đường không đủ chỗ). Sau mỗi khóa tu học, rất nhiều người cảm thấy được lợi lạc, bớt khổ đau, không nghiện ngập... nên giới thiệu với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè... Anh Nguyễn Tấn Lộc (giảng viên đại học, dịch giả) mừng vui, rạng rỡ với 6-7 người thân đến đón tại TX Ngọc Thành: “Hay lắm! Các bạn nên tham dự một khóa! Khóa sau tôi đi nữa!” . Anh Phạm Đình Phong (Bà Rịa-Vũng Tàu), ngày kết thúc, gặp thiền sư: “Thầy ơi, về đến nhà, con sẽ vận động gia đình, bà con bạn bè để có một trường thiền rộng lớn hơn, để có nhiều người được theo học hơn, để có nhiều người bớt khổ hơn...”. Anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội), anh Trần Khanh (đại học Duy Tân - Đà Nẵng) thì mong muốn, làm thế nào để Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... có được một trung tâm thiền Vipassana. Chị Hoa (65 tuổi, nội trợ) học được 4 ngày thì được tin bố chị mất. Chúng tôi tiễn chị ra cổng chùa. Ràn rụa nước mắt, chị nói: “Khóa tới, cho tôi và con gái cùng học!”. Một số anh chị khác thì xin số tài khoản của ban tổ chức để chuyển thêm tiền giúp cho khóa sau ... Một cặp vợ chồng chuẩn bị ra tòa, nghe lời khuyên bạn bè, cả hai cùng tham dự khóa thiền, kết thúc khóa thiền, họ quyết định rút đơn xin ly hôn và hiện nay sống êm ấm, hạnh phúc... Anh Đ.X.T. (tín đồ Thiên Chúa giáo) tham dự khóa 1/2011 được 7 ngày thì phải vào bệnh viện. Anh chia sẻ với nhiều người về sự lợi lạc của mình qua khóa thiền. Khóa 2/2011, anh tiếp tục tu học...

Ở một góc khác, khi biết chúng tôi phục vụ khóa thiền, các chị tiểu thương ngày nào cũng vừa bán rẻ vừa cúng dường; các anh xe kéo ở chợ đầu mối Thủ Đức, không có thực phẩm trong tay, cũng giúi tiền cúng dường vào NPV cho bằng được. Từ 2008 đến nay, hễ có khóa thiền là chị Hai bán chuối ở chợ Thủ Đức cúng dường chuối hàng ngày; chị Thúy Hiền thì cúng dường hàng ngàn hộp sữa chua, rau cau... Và còn rất nhiều người, rất nhiều việc đem đến niềm vui cho mọi người, không thể kể hết! Riêng những NPV, chúng tôi biết mình có duyên lành được gặp nhau, để rồi sau đó có những tình bạn thân thiết mà ở ngoài đời không dễ gì tìm được! Bản thân chúng tôi cũng rèn luyện được tính nhẫn nại, lòng nhiệt thành, bao dung, sự chịu thương chịu khó và ngày càng có từ tâm hơn khi trở về với công việc thường ngày... Điều lớn lao nhất mà chúng tôi cảm nhận được, là: Hạnh phúc thực sự chỉ có được khi từng bước một biết quên đi những gì thuộc về cái TÔI nhỏ bé - ích kỷ, để đến với cái TA rộng rãi - thương yêu. Hay:"Hạnh phúc thực sự không đến từ việc chăm lo cho sự an nhiên của riêng ta hay những người gần gũi ta, mà đến từ tình thương và lòng bác ái đối với tất cả mọi hữu tình" (Đức Dalai Lama thứ 14)...

Và, những lời đầy từ tâm, ấm áp của Thiền sư Goenka trong mỗi tối thiền tâm từ cứ âm vang: "Xin cho tôi được tha thứ từ bất cứ những ai mà tôi đã làm hại hay làm tổn thương trong lúc phục vụ Dhamma (Pháp)... Tôi xin tha thứ cho nhưng ai đã làm hại hay làm tổn thương tôi trong lúc phục vụ Dhamma... Nguyện cho tôi thoát khỏi giận dữ, ác ý, thù hận, ganh ghét. Nguyện cho tất cả các thiền sinh trong khóa thiền này được củng cố trong Dhamma, thành tựu trong Dhamma và thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho tất cả chúng sanh được hạnh phúc, được an lạc, được giải thoát..."

thienviennguyenthuy-1

Chánh điện

thienviennguyenthuy-khatthuc

Khất thực

chungtoiphucvuthien

Thiền sư và những người phục vụ (khóa II/2011)

Bài viết liên quan:

THIỀN VIỆN NGUYÊN THỦY - Ký sự của Phạm Doãn

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/06/2018(Xem: 6167)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.