10 NGÀY HÀNH THIỀN VIPASSASA
THEO PHƯƠNG PHÁP CỦA NGÀI S.N. GOENKA
An Ngô
Dành cho các bạn quan tâm đến thiền Vipassana.
Trong cuộc sống này mọi sự luôn luôn thay đổi. Ta của một giây trước đã khác với ta bây giờ. Người ta nói không ai tắm hai lần ở cùng một dòng sông vì dòng nước luôn chảy. Cấu tạo của con người và sự vật đều là từ những phân tử. Phản ứng trong ta và tự nhiên luôn luôn xảy ra, con người và sự vật luôn luôn thay đổi. Theo luật vô thường thì cái gì sinh ra thì cũng mất đi – “impermanence”.
Những vui buồn hờn giận cũng thế, không có gì là mãi mãi. Ai trong chúng ta đều hiểu vấn đề đó, cũng từng nói với nhau như thế nhưng tất cả đều là trên lý thuyết. Một người vừa vào chùa nghe giảng pháp về vô thường, khi ra về thì mất đôi dép đẹp, lòng bừng bừng tức tối kẻ nào đã lấy của ta.
Chúng ta dẫn chứng những lời thơ ca đẹp đẽ trên tường nhà mình về vô thường nhưng lại buồn lòng vì bài mình viết mà người đọc chẳng “like” hoặc hình ảnh “post” lên đẹp thế mà lại bị “comment” là xấu… Đó chính là chúng ta chưa thực hành về vô thường thực sự. Tất cả những phản ứng với những điều chúng ta không thích làm chúng ta trở nên giận dữ, buồn, lo đã thành thói quen. Những kiến thức có được từ nghe, đọc nó chỉ ở trên bề mặt ý thức, cho nên chúng ta sẽ dễ quên khi có chuyện xảy ra nếu không được thực hành.
Vipassana là một loại thiền dạy chúng ta cách hiểu về vô thường ngay chính trên chúng ta. Là loại thiền dựa trên quan sát cảm giác, sự vật như nó đang xảy ra, dù vui dù buồn, nhưng chúng ta vẫn giữ tâm quân bình và buông xả. Chỉ là một kỹ thuật, tôn giáo nào cũng học được vì không có các lễ nghi, không phải cầu nguyện và không phải tin vào bất cứ đấng tối cao nào. Mang tính chất logic nên người Mỹ họ học rất nhiều, có những người có trình độ cao như bác sĩ, phi công, nhà kinh tế mà tôi biết ở khóa thiền này. Các bạn có thể coi các bài viết về Vipassana trên trang web này:
https://www.dhamma.org/vi/about/art
https://www.dhamma.org/en/about/vipassana
Tôi chỉ muốn chia sẻ cảm nhận của chính bản thân tôi khi tham dự khóa thiền 10 ngày ở Nam Cali. Có rất nhiều trung tâm thiền Vipassana trên thế giới và tôi nghe nói nơi nào cũng được học qua băng đĩa của Ngài N.Goenka, thiền sư phụ tá hướng dẫn chỉ trả lời thắc mắc cho thiền sinh sau mỗi buổi tập luyện chứ không giảng trực tiếp vì Ngài muốn kỹ thuật này luôn tinh khiết, không ai được bớt hay thêm một từ nào trong bài giảng của Ngài.
Chúng tôi được ở trong một trại không được ra ngoài trong 11 ngày, không được nói chuyện hay tiếp xúc bằng cử chỉ ánh mắt, giữ “Noble Silence”. Dân nói tiếng Mỹ chiếm 60% khóa học dù khóa này ưu tiên cho người Việt Nam, do bài giảng có dịch qua Tiếng Việt. Ăn uống chỉ hai bữa chính, buổi chiều ăn nhẹ với trái cây và sữa trong khi thiền sinh cũ thì chỉ được uống trà vào buổi chiều mà thôi.
Ngày đầu tiên và thứ hai qua một cách nhàm chán, chúng tôi được hướng dẫn ngồi bất kỳ tư thế nào thoải mái và nhắm mắt quan sát hơi thở của mình ở phần tam giác mũi. Tôi chưa thực hành ở nhà nhiều nên chán lắm. Một mặt nhớ hai con nhỏ ở nhà nên không tập trung được. Tối ngày thứ hai, được nghe pháp thoại, tôi bừng tỉnh ra vì hiểu tại sao phải tập như vậy, ai cũng biết là quan sát hơi thở để định tâm cho tâm mình đừng chạy lung tung nhưng ở đây còn luyện cảm giác cho tinh tế để nhận biết được ở phần dưới mũi như thế nào. Bạn có phải là người tinh tế không? Đây là một bài tập dành cho bạn. Pháp thoại cũng giải thích lý do tại sao phải quan sát hơi thở mà không phải là một thứ gì khác.
Ngày thứ ba cũng vẫn như vậy, tập nhận biết cảm giác tinh tế ở phần nhỏ dưới mũi. Cứ miệt mài làm đi làm lại. Trong môi trường yên lặng, mọi người tập, ăn uống, đi đứng như cái bóng, không cảm giác trên khuôn mặt giống như bộ phim về trại tị nạn, tôi nhớ con tôi, cũng nhiều lần muốn bỏ về, hay cũng có ý nghĩ mình cứ ăn ngủ rồi cũng qua 10 ngày thôi, khỏi tập làm gì. Từ bỏ thôi. Tôi nhớ đến mình nhiều lần dạy con tôi hãy cố gắng vượt qua chính mình, con chỉ cần giỏi hơn con ngày hôm qua thôi, không cần phải giỏi hơn bạn nào khác và nhất là con phải cố gắng, cố gắng cho đến khi không thể thì mới được từ bỏ. Tôi nghĩ mình mà bỏ về hoặc không cố gắng thì mai mốt sao có thể dạy con nữa đây. Tụi nó là động lực cho tôi, mỗi khi tôi bị vấn đề gì thì tôi thường đặt mình sẽ làm gì, khuyên gì nếu con tôi cũng vào trường hợp đó. Vì vậy, không còn cách nào khác phải gắng thôi.
Ngày thứ 4 chính thức tập Vipassana là tập trung nhận biết cảm giác toàn thân, 3 ngày đầu tập hơi thở gọi là thiền Anapana. Lúc này tâm đã bớt lang thang hơn nên tập trung vào cảm giác ở toàn thân dễ hơn. Lúc đầu tôi cứ nghĩ thiền chỉ là theo dõi hơi thở nên khi học về quan sát cảm giác toàn thân rất lạ đối với tôi và cách giải thích cũng rất logic, bạn coi thêm trong website có phần giải thích.
Ngày 6 mới thật khủng khiếp, thiền sinh được yêu cầu ngồi liên tục một giờ, 3 lần một ngày không mở mắt, không nhúc nhích tay chân. Ngồi một hồi đau chân lắm vì tôi chỉ ngồi tối đa 30 phút thôi. Lạ lắm, có lúc đau ở ngực, ở vai như ai đâm ai đánh, đau đến nỗi trào cả nước mắt. Rồi các ký ức cũ từ đâu cứ ùa về, hết chuyện này đến chuyện khác, thậm chí cả trong giấc mơ. Tôi gặp thiền sư phụ tá và hỏi, Cô nói đây là những ký ức trong tiềm thức của em, những kinh nghiệm về những chuyện đã qua, khi mình tập trung vào cảm giác, nó sẽ trồi lên và mất đi. Nhiệm vụ của em là quan sát nó, giữ tâm ở trạng thái quân bình và hiểu luật vô thường. Những giác quan của ta nhận biết cảm giác khi có chuyện xảy đến với chúng ta, khi chúng ta trăn trở nhiều lần thì nó được ghi nhận ở trong tiềm thức. Ví dụ một mối tình đã qua, một lo lắng về tương lai, một nỗi nhớ…Thông thường có dịp gợi nhớ thì nó sẽ sống lại và chúng ta lại vui buồn, đau đớn theo sự việc đã xảy ra. Còn khi thiền, khi chúng ta quan sát các cảm giác toàn thân thì những ký ức đó, cảm giác đó sẽ tái hiện và chỉ quan sát các cảm giác đó, bình tâm rồi các cảm giác đau đớn hay sung sướng sẽ mất đi theo qui luật vô thường.
Ngày 7 vẫn thế, không dễ dàng.
Ngày 8-9, ngồi một tiếng đối với tôi trở nên dễ hơn, các ký ức vẫn hiện về, có lúc nhiều đến nỗi, tôi không thể tập trung. Mấy hôm nay, tôi bắt đầu đi dạo nhưng ngày 8 là ngày mà mọi thứ trở nên đẹp đẽ, vùng tôi học là hoang mạc cây cối nghèo nàn nhưng giờ tôi thấy rất đẹp. Một vùng trời rộng lớn, xung quanh là đồi núi mênh mông, những đám cỏ khô vàng úa giờ nhìn giống như là tấm thảm, xen giữa vài bụi cỏ mới hồi sinh. Có những bông hoa cúc nhỏ xíu nhìn kỹ mới thấy mọc chơ vơ trên cát, xương rồng thì đủ hình dạng, có những con thỏ con sóc chạy qua lại xẹt vào hang của nó. Buổi tối thì cả một bầu trời rộng lớn đầy sao. Những bữa ăn đơn giản giờ không còn thấy cảm giác nhàm chán. Lúc trước vào buổi ăn chiều tôi vừa ăn vừa nghĩ, chán chết có gì đâu mà ăn vì bữa chiều không được ăn, chỉ được dùng trái cây và sữa thôi. Giờ đây, không còn cảm giác đó nữa, cứ ăn thôi, ngon dở vẫn vậy nhưng đã học được cách giữ tâm quân bình không phản ứng với sự ngon hay dở nữa. Mọi thứ đều vô thường, cái gì đến rồi cũng sẽ đi nhưng bạn phải thực nghiệm trên chính bạn.
Ngày 10, sau buổi thiền sáng, mọi người được phép nói chuyện để trở lại với cuộc sống bên ngoài sau 9 ngày “thiết quân luật”. Thế là những khuôn mặt lạnh lùng trở nên vui mừng, sung sướng, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong khóa thiền. Hầu như mọi người đều hài lòng nhưng cũng có người đã bỏ cuộc. Đây là quá trình thanh lọc tâm, bạn cần có sự quyết tâm rất lớn để vượt qua.
Nơi đây được tổ chức rất hay, mọi thứ đều tự nguyện, không ai được trả lương từ ban quản trị cho đến người phục vụ. Tài chính hoạt động theo nguyên tắc, người trước bố thí cho người sau, bố thí bằng tiền hoặc công quả, hiến tặng theo khả năng, không hề bị ép buộc và không có sự điểm danh về việc ai đã tặng ai không. Như vậy, khóa học, chỗ ở, ăn uống mà chúng ta có được là từ sự cho tặng của những người thiền sinh trước, vì vậy nó vô giá không qui được bằng tiền nên ta không thể so sánh kiểu như tôi đóng mấy trăm đô mà thức ăn quá tệ, chỗ ở xấu… như vậy sẽ gia tăng bản ngã của thiền sinh, không tốt cho tinh thần vô thường của Vipassana.
Ngày 11, chúng tôi được học về thiền Metta, nguyện hạnh phúc cho mọi người, chúng tôi nguyện không có những suy nghĩ, hành động gây tổn hại cho người khác, nguyện cho mọi người có nhiều sức mạnh và an lạc…. Nếu chúng ta hiến tặng bằng vật chất hay công sức thì có nhiều người sẽ có cơ hội học thiền dù nghèo hay giàu có.
Trước khi về, chúng tôi phải dọn dẹp vệ sinh chỗ ở, nơi công cộng, nhà bếp, phòng thiền, sắp đặt sẵn sàng cho khóa học mới. Mọi thứ đều có giấy hướng dẫn từng bước nên không cần phải người giám sát, cứ theo từng bước mà làm. Trong khi làm, được yêu cầu là vừa làm vừa cầu nguyện cho những người sắp ở chỗ này, ngồi chỗ này được thành công và an lạc theo đúng tinh thần Metta.
Nơi đây, để đảm bảo Noble Silence, mọi thứ đều được thông báo bằng bảng hàng ngày. Nơi ở và phòng vệ sinh cũng thế, đều có dán giấy yêu cầu làm gì và làm như thế nào. Hàng ngày, có “sign-up” dọn vệ sinh, tự động ghi danh và tự làm mà không có ai sai bảo và giám sát nhưng phòng vệ sinh rất sạch sẽ.
Mục đích của Vipassana là thông qua việc thực hành thiền mỗi ngày chúng ta tập cho tâm ta giữ được sự trong sạch theo 5 giới, và tập cho tâm luôn quân bình trước mọi sự việc xảy ra với chúng ta dù vui hay buồn vì không sớm thì muộn nó sẽ mất đi, tập có lòng thương yêu mọi người. Khi luyện tập như vậy hàng ngày thì cuộc sống của chúng ta sẽ không còn khổ đau nữa.
Mười ngày, một trải nghiệm chưa bao giờ gặp. Mười ngày, chưa đủ làm chúng ta thay đổi thói quen và các phản ứng với mọi chuyện nhưng là bước khởi đầu đáng giá để chúng ta biết chúng ta phải làm gì để cho bản thân chúng ta không còn đau khổ nữa. Muốn vậy đòi hỏi phải rất nỗ lực để tập môn học này hàng ngày.
Những người trong khóa thiền của tôi nói phải đi lần thứ hai mới thấm, có cô đã đi 6-7 lần, có cô đi 20 lần, trông họ rất an lạc. Có nhiều người kể nhờ thiền mà họ đã vượt qua nhiều nỗi đau mất người thân, bị ruồng bỏ… Có những người đã tập với hơi thở nhiều năm, khi qua phương pháp này, họ rất thích vì học được cách thanh lọc tâm.
Con đường còn dài lắm nhưng ít nhất tôi đã biết được cách đi…
An Ngô
California, 2/2017
Bài liên quan:
- http://thuvienhoasen.org/a24
- http://thuvienhoasen.org/a15
- Thiền Vipassana trong đời sống
- Khóa Thiền Vipassana Song Ngữ Anh-việt Tại Twentynine Palms, California
- Kinh Nghiệm Tu Tập Khóa Thiền 20 Ngày Theo Pháp Môn Của Ngài S.n. Goenka
- Từ khóa :
- 10 ngày hành thiền
- ,
- Vipassasa
- ,
- phương pháp
- ,
- S.N Goenka